Về nhà với mẹ – Kim Hye-Jin – NXB Nhã Nam

Về nhà với mẹ – Kim Hye-Jin – NXB Nhã Nam

Đã bao giờ bạn tự hỏi không biết bố mẹ mình đang nghĩ gì chưa? Hay họ đã kì vọng rồi thất vọng về mình như thế nào? Những khó khăn khi tuổi già ập đến?…
Dù là chưa hay có, nếu được bạn hãy thử cầm trên tay “Về nhà với mẹ” và đọc một lần nhé!
Đọc nốt đoạn cuối của cuốn sách trong một sáng đầu tuần đưa mẹ đi khám mắt, mình muốn ghi chép lại vài dòng, như thường lệ để lưu giữ những cảm xúc mà cuốn sách này mang lại cho mình.
Vì câu chuyện được viết dưới góc nhìn, cảm xúc của người mẹ, thay vì lời tự sự của những đứa con.
Và đứa con cũng chẳng hề hư hỏng hay phá phách, chị ấy là một người học rộng, có trách nhiệm, tự tin và công bằng. Rào cản lớn nhất giữa hai mẹ con, là việc mẹ chị cho rằng Green không bình thường, chị ấy yêu con gái.
Xuyên suốt câu chuyện là những mâu thuẫn tưởng chừng như không thể giải quyết nổi, những vết thương gây ra cho nhau. Người con gái ngoài 30 không chịu kết hôn, gặp vấn đề về công việc và tài chính cuối cùng phải dẫn “người tình” về chung sống với mẹ.
Người mẹ trong câu chuyện đấy, là một người phụ nữ vất vả, đáng thương. Khắc hoạ ngay từ những dòng khó khăn khởi đầu. Khi chẳng có lấy một khoản tiền tiết kiệm, chồng mất, tài sản duy nhất là ngôi nhà xập xệ được tận dụng để cho thuê thêm, và niềm hi vọng về đứa con gái duy nhất là một “nỗi thất vọng” vô bờ.
Người mẹ ấy đến tuổi đau mỏi, chóng mệt, đến lúc ăn uống chả được bao nhiêu vì hệ tiêu hoá rệu rã, bà cố cào bằng tất cả những chông gai trong đời sống này để tìm sự yên bình giả tạo nhất có thể.
Nhưng tất nhiên, cuộc sống không để ta được sống phẳng lặng. Nhất là những người yếu thế trong một xã hội bận rộn chạy theo tiền, lợi ích và hiệu suất.
Kể cả một người có quá khứ “lừng lẫy” như Jen, dù đã được sắp xếp vào một viện dưỡng lão cao cấp với số tiền cao ngất ngưởng. Thì khi bà đã lẫn và không có lấy một người giám hộ đến thăm, họ đối xử với bà bằng cách tận dụng bỉm, bông gạc y tế nhiều lần. Khiến những vết loét ngày càng trầm trọng. Và cuối cùng quyết định chuyển người phụ nữ đơn độc đó đến viện dưỡng lão khác, nơi mà người ta suốt ngày chỉ được rót thuốc ngủ và an thần vào người, đợi ngày tàn hơi. Phải, họ nói rằng chúng ta ai cũng chết. Họ xem đó là quy trình và công việc. Nhưng cũng chẳng ai xứng đáng phải lo lắng như vậy.  Như lúc bà mẹ hỏi ông viện trưởng rằng ông ta có bố mẹ không, để tìm một chút lương tri cuối cùng từ người đàn ông khôn khéo này, cuối cùng bà vẫn bị đuổi việc. Người mẹ điều dưỡng trẻ xịt vội thứ nước hoa rẻ tiền trước khi về nhà vì sợ con cái chê mình hôi thối. Hình tượng “mùi” ấy làm mình nhớ đến người bố trong Parasite. Thật buồn cười khi người ta phân hoá xã hội sâu bằng những thứ mùi nghèo hèn hay giàu sang.
Việc chăm sóc và chứng kiến những ngày cuối đời của Jen, khiến mẹ lo lắng và muốn chia rẽ mối quan hệ của con gái. Bà muốn chị nhanh chóng sửa sai, kết hôn, lấy chồng, có được vị trí trong xã hội chứ không yếu thế như cha mẹ mình. Điều đó là mong muốn của hàng trăm, hàng vạn, hàng triệu ông bố bà mẹ trên thế giới này. Việc sợ hãi định kiến xã hội, những cái nhìn chòng chọc từ người hàng xóm cũng khiến người mẹ hết sức đau lòng về con gái. Còn chị, vẫn sống theo cách mình muốn, vẫn đấu tranh cho cộng đồng LGBT.
Đó không phải vấn đề hiểu hay không hiểu. Cũng không phải chúng tôi cầu xin mọi người hãy hiểu cho mình. Đó là vấn đề về quyền lợi, quyền mà bất kỳ ai cũng có từ khi mới sinh ra. Với lại chuyện đời tư không liên quan đến công việc ạ. Điều chúng tôi yêu cầu có gì lớn lao lắm sao? Tôi chỉ mong bọn họ phân biết rạch ròi công việc và đời tư. Mong họ tôn trọng quyền lợi của giảng viên. Vì đó là chuyện quá đỗi đương nhiên.
Những giảng viên giới tính thứ ba bị đuổi việc không rõ lí do. Cuộc sống vốn dĩ không công bằng. Nhưng có vì thế mà ta nên ngừng đấu tranh không?
Hay, bố mẹ và con cái luôn có những bất hoà, những khúc mắc vì sự khác biệt thế hệ. Nhưng có vì thế chúng ta ngừng yêu thương không? Hay như chính tác giả đã viết :” Dường như trong quá trình viết, tôi đã nghĩ rằng hiểu một ai đó là điều bất khả. Tôi nhớ mình đã nghĩ rằng, đằng sau động từ “hiểu” luôn chỉ có một quá trình thử nghiệm kết thúc bằng thất bại. Dẫu vậy tôi không thể không nghĩ về ý chí không muốn đầu hàng, về nỗ lực kiên trì muốn hiểu một ai đó ngoài bản thân mình.” Hiểu ở đây không hẳn là có thể đoán được mọi đường đi nước bước, hành động của đối phương. Mà chính là sự thấu hiểu, so với đơn thuần hiểu, nó vẫn ở một tầng sâu hơn.
Một mối quan hệ không tự sinh ra, cũng không tự mất đi. Nó chẳng đơn giản là giữ hay bỏ, mà là sai rồi sửa, rồi lại sai trong quá trình nỗ lực xây dựng và đắp xây.
Mọi chuyện có lẽ vẫn khúc mắc nếu như Green không chuyển về, thậm chí cho đến cuối đời. Nhưng họ có cơ hội về bên nhau, nói cho nhau nghe. Mẹ được ở gần với Rain, cô gái vô cùng đáng yêu, nhẫn nhịn và tử tế. Rồi họ tiến thêm những bước, dù ngắn dù nhỏ, dù đôi khi có cả rất nhiều đớn đau. Mẹ chứng kiến con gái tranh đấu, những đồng đội của con bị thương đến mức tàn phế. Và đặc biệt là cuộc hội ngộ ngắn ngủi của bốn người phụ nữ trong một mái nhà. Để họ gần nhau hơn chút nữa…
Bookmark (0)
Please login to bookmarkClose

Đã bao giờ bạn tự hỏi không biết bố mẹ mình đang nghĩ gì chưa? Hay họ đã kì vọng rồi thất vọng về mình như thế nào? Những khó…

Bookmark (0)
Please login to bookmarkClose