Yêu Con Là Bản Năng, Dạy Con Là Nghệ Thuật
[toc]
Giới thiệu ebook
Yêu Con Là Bản Năng, Dạy Con Là Nghệ Thuật
Không gì đáng buồn hơn khi thấy bé con khác có thể làm bài tập về nhà lớp 3, nhớ mang sách toán về, và hoàn thành bài tập trước khi đi ngủ, tại sao con bạn lại không? Khi bạn ngồi cùng con, rõ ràng bé có thể làm toán, và cô giáo cũng xác nhận là con hiểu bài. Hầu hết trẻ mầm non có thể ngồi thành tập trung. Tại sao con bạn đã biết đọc từ lớp Mầm lại không thể ngồi yên được 10 giây? Bé 8 tuổi nhà bạn có thể vui vẻ tự dọn phòng, nhưng với đứa 12 tuổi, làm việc nhà là một cuộc đấu tranh hằng tuần. Các bé khác không quên sách vở, không làm mất áo khoác đắt tiền, không ngã trên hè phố, nhưng tại sao con bạn lại vậy? Bạn biết bé nhà mình có tiềm năng thành công. Bạn đã thử mọi cách như quát tháo, dỗ dành, giải thích, thậm chí đe dọa và trừng phạt, nhưng chẳng có chút hiệu quả nào.
Nguyên nhân có thể là do con bạn thiếu một số kỹ năng. Bé có thể rất muốn và có khả năng thực hiện những việc cần thiết, chỉ là bé không biết phải làm thế nào. Các nhà khoa học, khi nghiên cứu về sự phát triển não bộ của trẻ, đã khám phá ra rằng hầu hết trẻ thông minh nhưng thiếu tập trung đều do thiếu kỹ năng thực hành. Đây là những kỹ năng trí tuệ nền tảng để thực hiện những công việc như tổ chức, lên kế hoạch, tập trung làm việc, kiểm soát sự bốc đồng, điều tiết cảm xúc, thích nghi và phản ứng linh hoạt – tất cả những gì trẻ cần để ứng phó với những hoạt động trong trường, ở nhà và với bạn bè.
Cuốn sách này giúp gì cho bạn và bé con thông minh nhưng hay sao nhãng của bạn?
Có lúc, mọi đứa trẻ đều chật vật với việc tự sắp xếp, tự kiểm soát và hòa đồng với người khác. Không có đứa trẻ 13 tuổi nào trên hành tinh này làm toàn bộ bài tập về nhà đúng hạn và hoàn hảo mỗi ngày. Nhưng, một vài trẻ cần được giám sát và giúp đỡ quá thường xuyên trong khi những trẻ khác đồng trang lứa có thể tự kiểm soát công việc của mình. Bạn có lẽ đang tự hỏi: Khi nào bạn thoát khỏi gánh nặng phải thường xuyên nhắc nhở con? Khi nào con bạn có thể tự giữ bình tĩnh? Khi nào bạn có thể ngừng quản lý từng vấn đề trong cuộc đời con mà vẫn đảm bảo con sẽ thành công?
Những thành tựu này sẽ còn lâu mới đạt được nếu bạn cứ chờ đợi một bước nhảy vọt muộn màng trong sự phát triển của con. Trong lúc bạn chậm chạp, con bạn có thể đang phải chịu đựng những tổn thương về lòng tự tôn. Nếu con thiếu kỹ năng thực hành để đạt được kỳ vọng hợp lý, thì bạn cần hành động ngay để giúp con bắt kịp. Các kỹ năng thực hành này đã được kiểm chứng là nền tảng cần thiết cho mọi đứa trẻ để đương đầu với những khó khăn trong thời thơ ấu, và ngày càng quan trọng hơn khi trẻ bước vào thế giới với sự giám sát và hướng dẫn của bố mẹ ngày một ít đi. Chúng đặc biệt quan trọng đối với việc quản lý cuộc đời khi trưởng thành. Hãy hành động ngay để thúc đẩy kỹ năng thực hành của trẻ, giúp trẻ tránh được nhiều khó khăn trong những năm sắp tới.
Nếu đứa con 5 tuổi của bạn thiếu kỹ năng thực hành, cậu chàng có thể không chịu được việc thua cuộc hoặc kiềm chế nổi bản thân, từ đó ngày càng ít bạn bè hơn. Nếu đứa con 9 tuổi không thể lập kế hoạch và tuân thủ kế hoạch ấy, cô bé khó có thể hoàn thành những dự án dài hơi được giao ở độ tuổi đó. Nếu đứa con 13 tuổi không kiểm soát được cơn bốc đồng, làm sao cậu bé có thể tránh khỏi việc bỏ rơi em gái nhỏ để chạy chơi cùng chúng bạn, chỉ vì bạn không ở đó để nhắc cậu trông em? Liệu con có đến lớp luyện thi không, hay dành thời gian để nhắn tin hoặc chơi điện tử? Liệu con có biết sắp xếp và quản lý thời gian để kiếm được việc làm thêm phù hợp vào mùa hè, biết kiểm soát cảm xúc để không bỏ cuộc chỉ vì sếp khó tính hay khách hàng cáu bẳn không? Khi trưởng thành, con bạn có tự lập được hay không? Nói ngắn gọn, con bạn có thể tự xây dựng một cuộc sống độc lập và thành công không?
Khả năng đó sẽ lớn hơn rất rất nhiều nếu bạn giúp con xây dựng những kỹ năng thực hành còn thiếu hoặc còn yếu ngay từ bây giờ. Đây là một trong những lý do tại sao chúng ta tập trung vào trẻ ở giai đoạn tiểu học hoặc trung học: Nếu bạn bắt đầu xây dựng kỹ năng thực hành cho con ngay từ bây giờ thì đến khi con bạn bước chân vào cấp ba, bạn đã trao gửi cho con nền tảng quan trọng cho sự thành công trong suốt thời điểm quan trọng nhất của cuộc đời học thuật và xã hội của mình. Rồi bạn sẽ nhận ra rằng con mình được trang bị với khả năng tự kiểm soát, quyết định và giải quyết vấn đề tốt hơn những gì bạn đang mơ vào lúc này. Rất nhiều những điều chúng ta dạy cho học sinh trung học vẫn có thể áp dụng để dạy cho các bạn học sinh cấp ba, nhưng vì học sinh cấp ba sẽ phải đối mặt với những yêu cầu liên quan đến kỹ năng thực hành cao hơn, cũng như phải đáp ứng lại cách tiếp cận của các bậc làm cha mẹ khác biệt hơn so với trẻ nhỏ, vậy nên chúng tôi sẽ không đi sâu về đối tượng nhóm trẻ lớn này.
Như chúng tôi đã đề cập, những đứa trẻ thông minh dễ rơi vào tình trạng thiếu tập trung bởi chúng thiếu kỹ năng trí óc cần thiết để lên kế hoạch và định hướng hành động cũng như chỉnh đốn hành vi. Không phải chúng gặp vấn đề về việc thu nhận và sắp xếp thông tin đầu vào mà ta thường gọi là “trí thông minh”. Nói đến trí thông minh, chúng có rất nhiều. Đó là lý do tại sao chúng ít gặp khó khăn khi học hiểu nhân chia hay đánh vần. Vấn đề chỉ nảy sinh khi chúng cần quyết định làm gì, khi nào và kiểm soát hành vi cá nhân để thực hiện được điều đó. Bởi vì chúng lĩnh hội thông tin và học tập nhanh chóng nên những nhiệm vụ đơn giản như dọn giường sẽ dễ dàng với chúng, đúng không? Không hề, bởi trẻ có thể rất thông minh nhưng lại thiếu kỹ năng thực hành để làm được điều đó.
Các kỹ năng thực hành là gì?
Khi nghe đến thuật ngữ kỹ năng thực hành, mọi người thường cho rằng đó là tập hợp các kỹ năng cần thiết để tiến hành công việc kinh doanh hiệu quả – các kỹ năng như quản lý tài chính, giao tiếp, lên kế hoạch chiến lược và kỹ năng ra quyết định. Ở đây, có một số sự chồng chéo – các kỹ năng thực hành bao gồm khả năng ra quyết định, lên kế hoạch và quản lý thông tin. Cũng như kỹ năng kinh doanh, kỹ năng thực hành giúp trẻ hoàn thành những gì cần làm. Nhưng trên thực tế, khái niệm kỹ năng thực hành còn bao hàm những kỹ năng trí tuệ cần có để thực hiện nhiệm vụ.
Con bạn, cũng như bạn, cần kỹ năng thực hành để xây dựng, lên kế hoạch cơ bản nhất để bắt đầu một nhiệm vụ. Với những việc đơn giản như uống sữa, bé biết đứng dậy và đi vào bếp, lấy cốc trong tủ, đặt xuống bàn, mở tủ lạnh, lấy sữa, đóng tủ lạnh lại, đổ sữa vào cốc, cất sữa vào tủ lạnh, rồi uống ngay tại đó hoặc mang về phòng. Để thực hiện công việc đơn giản này, cậu phải chống lại cơn bốc đồng muốn gặm chỗ khoai tây chiên cậu thấy trong tủ hay chọn một lon nước giải khát đầy đường thay vì sữa. Nếu không tìm thấy cốc trong tủ, cậu sẽ phải nghĩ đến việc tìm trong máy rửa bát, thay vì lấy tạm ly rượu pha lê của bố mẹ. Và cậu cũng phải chắc chắn mình không để lại vệt sữa rớt trên bàn.
Trên thực tế, các kỹ năng thực hành là những gì con bạn cần để biến ước mơ thành hiện thực. Cuối thời niên thiếu, các con cần biết hành động với một mức độ độc lập nhất định. Tức là, các con không còn dựa dẫm hoàn toàn vào chúng ta để lên kế hoạch hằng ngày, đốc thúc làm việc, mang đồ đến trường vì chúng quên, hoặc nhắc nhở chúng chú ý bài vở trên lớp. Khi các con đạt đến mức độ đó, vai trò cha mẹ của chúng ta sẽ dần kết thúc. Các con biết “tự thân vận động”, chúng ta tương đối thoải mái chấp nhận điều đó và hy vọng những gì tốt đẹp nhất cho con.
Để đạt tới giai đoạn độc lập này, con cần phát triển kỹ năng thực hành. Bạn có lẽ từng thấy một đứa trẻ sơ sinh bắt đầu kêu khóc gọi cha mẹ sau khi cha mẹ rời khỏi phòng; hoặc nghe thấy đứa con 3 tuổi nói chuyện một mình, giống như bạn thường tự nhủ với bản thân; hoặc thấy đứa con 9 tuổi dừng lại quan sát xung quanh trước khi chạy đuổi theo trái bóng. Trong tất cả các trường hợp đó, bạn đang chứng kiến sự phát triển của kỹ năng thực hành.
Mô hình của chúng tôi
Nghiên cứu đầu tiên của chúng tôi về kỹ năng thực hành bắt đầu từ những năm 1980. Khi nghiên cứu và điều trị cho trẻ em bị chấn thương não, chúng tôi nhận thấy, căn nguyên của hầu hết khó khăn về nhận thức và hành vi xuất phát từ sự thiếu hụt kỹ năng thực hành. Từ những khám phá ban đầu này, chúng tôi bắt đầu nghiên cứu kỹ hơn về sự phát triển kỹ năng thực hành. Mô hình kỹ năng thực hành của chúng tôi được thiết kế để khám phá cách thức khuyến khích sự phát triển các kỹ năng này ở những trẻ có biểu hiện yếu.
Mô hình của chúng tôi được dựa trên hai tiền đề sau:
• Hầu hết các cá nhân đều có một chuỗi kỹ năng thực hành mạnh và kỹ năng thực hành yếu. Chúng tôi phát hiện ra rằng, trẻ nhỏ (và người lớn) mạnh ở những kỹ năng cụ thể này thì thường yếu ở những kỹ năng cụ thể khác, và tình trạng này có thể dự đoán. Thêm nữa, giúp đỡ phụ huynh xác định điểm mạnh và điểm yếu của mình cũng rất hữu ích để họ có thể trở thành nguồn hỗ trợ lớn nhất cho con.
• Mục đích đầu tiên khi xác định các mảng còn yếu kém là để thiết kế và xử lý các nhược điểm đó. Chúng tôi muốn xây dựng những kỹ năng cần thiết cho trẻ hoặc biến đổi môi trường để giảm thiểu hoặc phòng tránh những vấn đề liên quan đến sự yếu kém kỹ năng. Mỗi một vấn đề sẽ được gợi ý một giải pháp khác nhau.
Chương trình của chúng tôi bao gồm 11 kỹ năng được tổ chức theo tiến trình phát triển (thứ tự phát triển các kỹ năng ở trẻ) hoặc theo chức năng (những lợi ích của các kỹ năng đối với hoạt động của trẻ). Bảng trang sau đây liệt kê các kỹ năng theo thứ tự cấp thiết, kèm theo khái niệm và ví dụ cụ thể.
Các nghiên cứu về trẻ sơ sinh cho thấy, những kỹ năng như kiềm chế phản ứng, trí nhớ làm việc, kiểm soát cảm xúc và tập trung chú ý đều phát triển trong thời kỳ 6-12 tháng đầu đời. Chúng ta thấy sự hình thành của việc lên kế hoạch khi trẻ tìm cách lấy được món đồ bé muốn. Điều này càng rõ ràng hơn khi trẻ biết đi. Sự linh hoạt thể hiện trong phản ứng của bé trước những thay đổi của chúng và bộc lộ rõ ở trẻ 12-24 tháng tuổi. Các kỹ năng khác, như khởi đầu công việc, tổ chức sắp xếp, quản lý thời gian và kiên trì theo đuổi mục tiêu, sẽ phát triển sau, xuyên suốt thời mẫu giáo đến giai đoạn đầu tiểu học.
Thấu hiểu cách vận hành của mỗi kỹ năng – những đóng góp của nó cho suy nghĩ và hành động của trẻ – sẽ giúp bạn nhận thức rõ sự can thiệp của mình nhằm cổ vũ con thay đổi suy nghĩ hay thay đổi hành động.
Các kỹ năng suy nghĩ được thiết kế để lựa chọn và thực hiện mục tiêu hoặc giải quyết vấn đề. Chúng giúp trẻ hình thành cũng như ghi nhớ bức tranh tổng quan về mục tiêu và con đường đến mục tiêu đó, đồng thời mang đến nguồn lực cần thiết trong suốt hành trình chinh phục mục tiêu. Nhưng các con cần sử dụng tổ hợp kỹ năng thứ hai, những kỹ năng giúp trẻ thực hiện những việc cần làm để hoàn thành mục tiêu đó.
Trong quá trình trưởng thành của con, bạn sẽ thấy những kỹ năng thực hành này phát triển. Mọi điều bạn dạy con đều phản ánh rõ ràng rằng bạn đóng vai trò quan trọng trong việc giúp đỡ con phát triển và rèn giũa những kỹ năng này. Vậy, nếu phụ huynh đóng một vai trò to lớn như thế, tại sao những đứa trẻ lại bị lạc đường?
Kỹ năng thực hành phát triển trong não bộ như thế nào?
Làm thế nào để trẻ rèn kỹ năng thực hành? Về mặt sinh học, tiềm năng của những kỹ năng thực hành là bẩm sinh, đã có sẵn trong não bộ từ khi trẻ mới ra đời. Tất nhiên, vào thời điểm sơ sinh, kỹ năng thực hành, tương tự ngôn ngữ, chỉ tồn tại dưới dạng tiềm năng. Tức là, não bộ có các công cụ sinh học để những kỹ năng này phát triển. Nhưng còn có một số yếu tố sinh học khác có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của chúng. Những tổn thương nghiêm trọng về thể chất liên quan đến não bộ, đặc biệt là khu vực thùy trán, sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển kỹ năng. Gen được thừa hưởng từ cha mẹ cũng có thể tác động đến chúng. Nếu bạn không có khả năng tập trung và sắp xếp tốt, khả năng cao là con bạn cũng gặp phải vấn đề này. Nếu môi trường độc hại như tiếp xúc với chì hoặc bị lạm dụng, có thể kỹ năng thực hành của trẻ sẽ suy giảm. Tuy nhiên, nếu môi trường sinh học bình thường, không có những tổn thương về gen hoặc môi trường, não bộ có thể phát triển tự nhiên và bình thường.
Vậy, yếu tố sinh học có ý nghĩa gì với con bạn? Đầu tiên, chúng ta biết rằng các kỹ năng thực hành rất cần thiết đối với việc sống độc lập – mục tiêu cơ bản mà chúng tôi tin rằng tất cả các bậc làm cha mẹ đều mong muốn ở con mình. Thứ hai, ngay từ khi mới sinh, kỹ năng thực hành chỉ tồn tại dưới dạng tiềm năng; trẻ sơ sinh không có kỹ năng thực hành thực sự nào cả. Thứ ba, vùng thùy trán, tương ứng với kỹ năng thực hành, cần 18-20 năm, hoặc lâu hơn, mới phát triển đầy đủ. Do nhiều nhân tố ảnh hưởng, đứa trẻ sẽ không thể chỉ dựa vào vùng thùy trán để điều chỉnh hành vi. Vậy đâu là giải pháp?
Trong giai đoạn đầu đời của trẻ, bạn lên kế hoạch và sắp xếp sao cho môi trường của con an toàn và thoải mái, để ý các nhu cầu của con (bữa ăn, giấc ngủ), tương tác và giải quyết vấn đề khi thấy con mệt mỏi. Là trẻ sơ sinh, con bạn có rất ít hành vi, hầu hết chỉ là khóc và ngủ. Tuy nhiên, khi được chừng 5-6 tháng tuổi, trẻ bắt đầu phát triển một số kỹ năng mà dần dần sẽ dẫn đến sự độc lập cho trẻ. Bạn sẽ thấy khả năng tự nhận thức dần tăng lên trong trẻ, mặc dù những thay đổi sớm này không dễ quan sát.
Một trong những kỹ năng mới được phát triển ở trẻ 5-6 tháng tuổi là bộ nhớ làm việc. Trước khi có kỹ năng này, đứa trẻ chỉ có thể đáp lại với những gì bé nhìn, nghe, chạm hoặc nếm được, ngay lúc đó, vào thời điểm đó. Nhưng khi nhớ được người, sự kiện, vật thể, dù chỉ trong thời gian ngắn, thế giới của trẻ sẽ lớn hơn, và trẻ có thể cảm nhận được nó khi trẻ thức. Bé bắt đầu đưa ra các lựa chọn và “quyết định”. Ví dụ, nếu mẹ không quay lại ngay lập tức, trẻ có thể nhìn vào nơi cuối cùng thấy mẹ và khóc. Khi mẹ quay lại, trẻ “hiểu” rằng, ở một mức độ nào đó, “nếu mẹ bỏ đi và mình muốn mẹ quay lại, mẹ sẽ quay lại nếu mình khóc”.
Mời các bạn đón đọc Yêu Con Là Bản Năng, Dạy Con Là Nghệ Thuật của tác giả Peg Dawson & Richard Guare.
Download ebook
Yêu Con Là Bản Năng, Dạy Con Là Nghệ Thuật
FULL: |
Download App tải ebook,sách nói, khóa học tốt nhất: https://h.nhuttruong.com/app
Website: https://www.trươngđịnh.vn
Page:https://www.facebook.com/truongdinhvn/
Mail:www.truongdinh.vn@gmail.com
[toc] Giới thiệu ebook Yêu Con Là Bản Năng, Dạy Con Là Nghệ Thuật Tweet! Không gì đáng buồn hơn khi thấy bé con khác có thể làm bài tập…