Gọi Tên Kẻ Chết

Gọi Tên Kẻ Chết

Giới thiệu

Gọi Tên Kẻ Chết




Một vụ án mạng xảy ra – nhưng vì nạn nhân là kẻ vừa mãn hạn tù, không một ai thực sự quan tâm, cho dù Thanh tra John Rebus và Hạ sĩ Siobhan Clarke đangcảm thấy còn điều gì gờn gợn…

 

Bấy giờ các nhà lãnh đạo thế giới đang đổ về Scotland tham dự hội nghị quốc tế G8. Giới cảnh sát đang bận rộn cho sự kiện, ngoại trừ John Rebus. Ông là người duy nhất đang trực trụ sở cảnh sát hoang vắng khi một cuộc gọi khẩn đổ chuông. Một nghị sĩ trẻ nào đó đã ngã tử vong từ trên tường cao lâu đài Edinburgh. Tai nạn, tự sát, hay là điều gì khác đáng quan tâm?Liệu có liên quan gì đến bằng chứng đáng sợ tìm thấy ở hiện trường nhiều vụ án gần đây? Trong khi phía cơ quan chính phủ và lực lượng đặc vụ chỉ nỗ lực ém nhẹm mọi chuyệnhòng đảm bảo hội nghị tầm cỡ quốc tế diễn ra êm đẹp, Rebus biết ông có không quá bẩy mươi hai giờ để tìm ra câu trả lời sinh tử…

 

“Một Rankin kinh điển, và nếu đã từng yêu mến một Rebus kiên định, bạn sẽ say đắm cuốn tiểu thuyết này. Một tội ác đầy tinh vi, khiến người đọc không ngừng lật trang.”

– Independent

 

“Kết hợp một tác phẩm trinh thám hiện đại đầy lôi cuốn khiến phải lật trang liên tục vớimột tiểu thuyết chính trịđầy phức tạp luân lý.”

– Irish Times

***

IAN RANKIN sinh tại Fife năm 1960, Ian Rankin tốt nghiệp Đại học Edinburgh năm 1982, sau đó dành ba năm viết tiểu thuyết thay vì tập trung hoàn thành luận án Tiến sĩ Văn chương Scotland. Trước khi thành công trong nghiệp viết, ông đã từng trải nghiệm nhiều công việc như thu hoạch nho, chăn lợn, thu thuế, nhà nghiên cứu về thức uống chứa cồn, ký giả chuyên viết về hệ thống âm thanh chất lượng cao và cả công việc của một nhạc sĩ chơi nhạc punk. Series tiểu thuyết Thanh tra Rebus nổi tiếng của ông cho đến nay đã được dịch ra trên hai mươi hai thứ tiếng, nhiều tiểu thuyết trong series là sách bán chạy xuyên lục địa.

Ian Rankin là thành viên ủy ban giải thưởng Hawthorden, tác gia đoạt giải thưởng Chandler Fullbirght Award cao quý, cùng với bốn giải Dao găm do Hội Nhà văn Trinh thám (CWA) trao tặng.

Cho những cống hiến đối với nền văn học, ông còn được trao Huân chương Anh quốc.

***

Gọi tên kẻ chết

“Chúng ta phải quan tâm đến chính trị, vì chính thứ đó đẩy quay bánh xe cuộc sống của chúng ta.”

Chính câu nói này đã khiến tôi có thêm động lực để nhảy vào cái hố khá sâu của tác phẩm này. Câu chuyện kéo dài gần 600 trang, theo như mọi cuốn sách ngôn tình khác, nó có thể kể hết câu chuyện tình yêu đau thương mấy đời mấy kiếp của các nhân vật, nhưng trong “ Gọi tên kẻ chết”, đó là câu chuyện vỏn vẹn trong vòng chín ngày : 1/7/205 – 9/7/205. Đây là thời gian diễn ra hội nghị thượng đỉnh của khối G8 tại Scotland, một giai đoạn lịch sử đã từng tốn không biết bao nhiêu bút mực của giới báo chí, và sự quan tâm của thế giới.

 

Một vụ án mạng 6 tuần ngay trước hội nghị thượng đỉnh nhưng không nhận được sự quan tâm tối thiểu nhất của giới pháp luật và cảnh sát. Cái chết của Cyril Colliar, một kẻ vừa mãn hạn tù với một lố những tiền án tiền sự và nóng hổi nhất là vụ cưỡng hiếp hắn vừa thụ án xong. Tất cả điều tra viên đều lãnh đạm không thèm dùng đến từ “ nạn nhân” như thường lệ, mà thay bằng từ “kẻ chết”, đủ hiểu bọn họ đối với hắn chán ghét cỡ nào. Cyril Colliar bị chết do nứt sọ và kẻ sát nhân đã bồi thêm cho hắn một cylinder đầy heroin nguyên chất. Một mảnh của áo khoác da hắn mặc bị cắt ra và sau đó được tìm thấy treo lủng lẳng trên cây ở một nơi gọi là Clootie Well chung với rất nhiều mảnh vải và thứ đồ dị hợm khác như một phong tục âm linh quái dị. Sau khi pháp chứng làm việc, qua một số manh mối, họ lại tìm ra được 2 nạn nhân khác và xác định đây là một vụ giết người hàng loạt, và nạn nhân là những kẻ có tiền án tiền sự và đặc biệt là đã từng dính dáng đến tội dâm ô- cưỡng hiếp hoặc quấy rối tình dục. Dự định đi theo phương hướng này để điều tra, nhưng thanh tra- sắp-về-hưu John Rebus và hạ sĩ trẻ Siobhan Clarke không được sự ủng hộ của cấp trên lẫn sự trợ giúp của các đồng nghiệp. Tất cả bọn họ đều thờ ơ với cái chết của những kẻ đã từng phạm tội và cho rằng đó chính là quả báo của cuộc sống ngoài vòng luật pháp. Trong lúc vụ án này có tiến triển thì lại một vụ án khác xảy ra, một nghị sĩ rơi từ tường cao của lâu đài Edinburgh khi buổi tiệc chào đón trước thềm G8, không nhân chứng, không một dấu vết chứng tỏ anh ấy bị giết hay tai nạn. Nhưng mối quan hệ của nạn nhân và những manh mối trong cuộc sống và công việc của anh ta để lại khiến Rebus và Siobhan không thể đánh đồng vụ này với một tai nạn. Một vụ án mạng liên hoàn còn chưa được kết thúc lại xuất hiện thêm một vụ án khác, nhưng tất cả đều bị giấu nhẹm đi và ém tin tức một cách triệt để vì hội nghị thượng đinh chính là rào cản lớn nhất với vô số bạo loạn, diễu hành, an ninh và thể diện quốc gia cần được đặt lên hàng đầu. Mọi thứ như những bánh xe trong một guồng máy phức tạp, một khi một chiếc bánh đã quay sẽ kéo theo hàng loạt thứ trượt xa hơn so với những gì ban đầu dự tính.Mở đầu tác phẩm là một không khí ảm đạm, tang thương và có phần bức bối của gia đình Rebus và các vụ án mạng, tiếp theo đó là sự náo loạn vồn vập của hội nghị thượng đỉnh và giới chính trị. Tác phẩm hội tụ đầy đủ một xã hội với giới pháp luật, chính trị, thương nhân, ký giả , tội phạm và người dân. Họ xâu xé lẫn nhau, tính kế lẫn nhau, đối địch lẫn nhau nhưng rồi lại có lúc như những sinh vật lại chạy về cộng sinh với nhau để cầu sống, cầu tài, cầu danh vọng và cầu bình an. Tác phẩm này có lẽ sẽ không để dành cho những bạn trẻ không đủ kiên nhẫn vì nó rất chậm, và rất thật. Trong một mớ bòng bong hỗn loạn và không có một đội điều tra của riêng mình, thanh tra Rebus và hạ sĩ Siobhan phải tranh thủ từng li từng tí các mối quan hệ hoặc cơ hội để gom về chút ít thông tin và manh mối từ miệng của cấp trên, những kẻ trong cuộc và ngoài cuộc, thậm chí là những con chốt được cài vào các ván cờ chính trị của những kẻ đứng sau đó. Họ chật vật với từng giây từng phút, ngột ngạt trong một mạng nhện khổng lồ càng ngày càng thít chặt họ. Họ đặt cược cả sinh mạng và tiền đồ chỉ để mong không một kẻ phạm tội nào có thể thoát được lưới pháp luật.

Câu chuyện rất dài nhưng tác giả không để độc giả nghỉ ngơi trong một giây một phút nào. Không một trang giấy nào để các nhân vật chúng ta nói chuyện phiếm hay thư giãn phí hoài thời gian. Mọi mối quan hệ đều qui về công việc, mỗi trang giấy đều chạy từ đầu này của vụ án đến đầu kia của cuộc bạo loạn. Từng chi tiết, từng ngõ ngách của cuộc diễu hành, từng nét mặt của những người bạo loạn đều được mô tả kỹ càng. Kỹ năng mô tả và liên hệ của tác giả rất tốt, liên kết rành mạch từ chuyện này sang chuyện kia rồi quay lại nhưng không bị quá lố hoặc quá lan man. Tuy nhiên, vì cố gắng giăng một cái bẫy quá lớn, quá nhiều người bị kéo vào vòng xoáy vụ án này mà câu chuyện rề rà đến mức khá mệt mỏi. Chạy một vòng lớn, rất lớn, và đôi lúc bị trì trệ một cách thảm hại, các nhân vật của chúng ta lại quay trở về điểm xuất phát và phát hiện ra sự thật đơn giản sau vấn đề phức tạp. Một cái kết vô lý nhưng vô cùng hợp lý trở thành điểm trừ cho tác phẩm vì nó thực sự gây ức chế với độc giả sau chặng đường dài gian nan đã đi qua.

Điểm trừ lớn nhất cho tác phẩm này chính là dich thuật và biên tập của Nhã Nam. Lỗi chính tả, lỗi dùng từ, lỗi dịch thuật đầy rẫy trong cuốn sách như một chén cơm nóng đầy sạn và đá. Từ ngữ Anh-Việt được dùng lẫn lộn, danh từ chỉ tên riêng của địa danh và nhân vật lại bị dịch ra một cách không mượt mà, viết hoa tá lả linh tinh và chưa kể một số từ tiếng anh được phiên âm để đọc theo tiếng việt thực sự gây ức chế tột cùng khi đọc.

Meeting- mít tinh
London- Luân Đôn ( nhưng Scotland, Edinburgh và Clootie Well giữ nguyên)
Blouse- Áo bờ-lu
Pudding- bánh pút đinh
Gothic- kiến trúc gô- tích
Techno- tếch-nô

Minh Hằng

***

Tiếng nhạc nổi lên tiếp nối những thanh âm vang vọng của bản thánh ca. Ca khúc “Tình yêu bao trùm lên tôi” của ban nhạc Kẻ Nào. Rebus nhận ra bài hát ngay từ đoạn dạo đầu với tiếng sấm và tiếng mưa rơi đặc trưng giờ đã tràn ngập không gian nhà thờ. Chrissie cứ nhất định muốn Rebus ngồi ở hàng ghế trên. Ông thực lòng chỉ muốn lui xuống phía sau: nơi ông thường ngồi mỗi khi dự tang lễ. Con trai và con gái của Chrissie ngồi ngay bên cạnh bà. Lesley đang vỗ về mẹ, vòng tay ôm lấy người bà khẽ siết chặt mỗi khi bà nức nở. Kenny chỉ đăm đăm nhìn vào khoảng không trước mặt, cố gắng kìm chặt mọi cảm xúc. Buổi sáng, khi còn ở nhà, Rebus đã hỏi tuổi cháu trai. Vào tháng tới Kenny sẽ tròn ba mươi, còn Lesley kém anh trai hai tuổi. Trông hai anh em đều rất giống mẹ, khiến cho Rebus nhớ lại những lời nhận xét kiểu như Giỏ nhà ai, quai nhà ấy mà mọi người vẫn nói về Michael và ông. Michael… mà mọi người vẫn quen gọi là Mickey. Em trai của Rebus, giờ đang lặng thinh nằm đó trong chiếc quan tài có tay cầm sáng bóng, ra đi ở tuổi năm mươi tư, cái tuổi mà theo tiêu chuẩn của xứ Scotland này thì chỉ ngang với tuổi thọ người dân ở một nước nghèo thuộc thế giới thứ ba. Có rất nhiều giả định – nào là lối sống, chế độ ăn, rồi cả yếu tố di truyền. Biên bản khám nghiệm tử thi đầy đủ vẫn chưa được thực hiện. Qua điện thoại, Rebus được Chrissie cho hay đó là một cơn đột quỵ nghiêm trọng, trấn an ông rằng mọi chuyện xảy ra “hoàn toàn đột ngột” – cứ như thể như thế thì có gì khác biệt.

Đột ngột – tức là Rebus chẳng thể nói lời từ biệt với em trai. Cũng có nghĩa những lời cuối cùng giữa hai anh em chỉ là một mẩu chuyện phiếm trên điện thoại hồi ba tháng trước về câu lạc bộ Raith Rovers mà Michael yêu mến. Một chiếc khăn quàng của đội Raith, màu xanh lục pha trắng, được vắt ngang qua quan tài, kế bên vòng hoa tang. Kenny đeo chiếc cà vạt mà bố Michael từng dùng, trên có tấm khiên biểu tượng của đội Raith – con mãnh thú gì đó đang giơ cao một cái đai lưng. Rebus đã hỏi về ý nghĩa của biểu tượng đó nhưng Kenny chỉ khẽ nhún vai. Dõi mắt dọc theo hàng ghế, Rebus thấy người chỉ dẫn làm dấu. Tất cả những người dự tang lễ đều đứng lên. Chrissie chậm rãi bước dọc lối đi, hai người con theo sát ở hai bên. Người chỉ dẫn đưa mắt nhìn Rebus, nhưng ông vẫn đứng yên tại chỗ. Xong ngồi xuống để ra hiệu cho em dâu và các cháu không phải chờ mình. Bài hát mới được nửa chừng. Đó là ca khúc cuối cùng trong đĩa nhạc Quadrophenia. Michael vẫn luôn là fan hâm mộ cuồng nhiệt của nhóm Kẻ Nào, còn cá nhân Rebus thì lại yêu thích ban nhạc Rolling Stones hơn. Dù vậy vẫn phải công nhận rằng các album như Tommy và Quadrophenia đã làm được những điều mà The Rolling Stones không tài nào có thể. Giọng ca Daltrey của ban nhạc đang phấn khích gào về việc muốn uống rượu. Rebus cũng đồng tình, nhưng còn phải tỉnh táo cả chặng lái xe trở về Edinburgh.

Phòng họp của một khách sạn địa phương đã được đặt trước. Đứng trên bục giảng kinh, vị mục sư chủ tọa nhắc nhở rằng tất cả bạn bè thân hữu đã tới chia buồn đều được mời. Những ly whisky và những tách trà được bưng ra, rồi bánh kẹp cũng sẽ được mang lên. Mọi người sẽ cùng nhau ôn lại những câu chuyện và kỷ niệm thân thương về người quá cố, mỉm cười an ủi, trầm ngâm đồng cảm với nhau và cùng chia sẻ nỗi buồn qua ánh mắt. Các nhân viên khách sạn sẽ rút lui trong lặng lẽ, để tôn trọng bầu không khí. Rebus cố gắng sắp xếp câu chữ trong đầu mình, những từ ngữ sẽ thay ông xin lỗi.

Chrissie à, tôi cần phải trở về ngay. Có quá nhiều việc.

Ông có thể nói dối và đổ lỗi cho hội nghị thượng đỉnh G8. Buổi sáng nay, trước khi ra khỏi nhà, Lesley đã nói rằng Rebus chắc hẳn đang rất bận rộn với công tác chuẩn bị cho hội nghị này. Ông đã có thể nói thế này với cô cháu gái, Ta là viên cảnh sát duy nhất mà dường như họ không cần tới. Cảnh sát được triệu tập từ khắp mọi nơi. Chỉ tính riêng ở Luân Đôn đã có tới mười lăm nghìn sĩ quan. Thế nhưng thanh tra John Rebus dường như lại trở thành người thừa trong cuộc điều động nhân lực khổng lồ này. Phải có người ở lại chèo lái con thuyền chứ – những lời từ chính miệng tổng thanh tra James Macrae, đi kèm kiểu cười thầy dòng tự mãn đáng ghét quăng lại. Thanh tra Derek Starr đoan chắc mình sẽ trở thành người kế vị ngai vàng của triều đại Macrae. Rồi sẽ có ngày hắn nắm trong tay quyền điều hành Sở Cảnh sát quảng trường Gayfield này. John Rebus chẳng thể nào là một mối họa cho viễn cảnh đó, còn chưa đầy một năm nữa là đến ngày ông phải về hưu. Chính Starr cũng đã nói những lời đại loại như: John à, sẽ không ai chê trách anh về việc tụt dốc trong nghề đâu. Ai ở độ tuổi của anh cũng vậy cả. Có thể là đúng vậy thật, nhưng các thành viên nhóm The Rolling Stones đều già hơn Rebus; cả Daltrey và Townshend cũng nhiều tuổi hơn ông. Ấy vậy mà họ vẫn chơi nhạc, vẫn cứ đi lưu diễn đấy thôi.

Bài hát đang dần đi vào đoạn kết, Rebus lại nhỏm người đứng dậy. Lúc này chỉ còn mình ông trong nhà thờ. Đưa mắt nhìn về phía tấm màn nhung màu tía lần cuối. Chiếc quan tài có thể vẫn nằm sau tấm màn; nhưng cũng có thể nó đã được chuyển tới khu khác của lò hỏa táng. Rebus ngẫm nghĩ nhớ lại thời niên thiếu, hai anh em ông hào hứng thưởng thức những ca khúc của thập niên 45 trong căn phòng chung trên con phố High của thị trấn Kirkcaldy, bài ”Thế hệ của Tôi” và ”Sự thay thế”, Michael thắc mắc về cách mà Daltrey nhấn nhá ca từ trong bài hát đầu tiên, còn Rebus thì nói ông đã từng đọc được ở đâu đó rằng việc hát như thế là có dính líu đến chất kích thích. Hồi ấy, chất kích thích duy nhất mà hai anh em cùng ham mê là chất cồn, những ngụm đầy tràn từ các chai trên chạn bếp, một can bia đen mùi tanh tanh được khui ra, vậy là say sưa trong bóng đêm sau giờ tắt đèn. Mickey đứng trên khu phố tản bộ của Kirkcaldy, hướng ánh nhìn chăm chú ra ngoài biển, miệng lẩm nhẩm lời hát “Tôi có thể trông qua hàng dặm trường”. Nhưng liệu khung cảnh này có thực sự là những gì đã xảy ra không nhỉ? Đĩa nhạc này ra lò vào những năm 66-67, khoảng thời gian ấy Rebus vẫn đang phục vụ trong quân ngũ. Ắt hẳn là một kỳ nghỉ phép của Rebus. Phải rồi, Mickey khi ấy để tóc dài ngang vai, cố gắng bắt chước phong cách của thần tượng Daltrey, còn Rebus để kiểu đầu quân nhân đặc trưng, bịa những mẩu chuyện nhằm tô hồng cho cuộc sống quân ngũ, Bắc Ai-len vẫn đang ở phía trước…

 

Mời các bạn mượn đọc sách Gọi Tên Kẻ Chết của tác giả Ian Rankin & Trịnh Xuân Thắng (dịch).

Download

Gọi Tên Kẻ Chết

Bookmark (0)
Please login to bookmark Close

Giới thiệu Gọi Tên Kẻ Chết Tweet! Một vụ án mạng xảy ra – nhưng vì nạn nhân là kẻ vừa mãn hạn tù, không một ai thực sự quan…

Bookmark (0)
Please login to bookmark Close