Ebook  Dẫn Luận Về Đức Phật PDF epub azw3 mobi

Ebook

Dẫn Luận Về Đức Phật

PDF epub azw3 mobi

Giới thiệu Ebook

Dẫn Luận Về Đức Phật


Tóm tắt & Review (Đánh Giá) sách Dẫn Luận Về Đức Phật của tác giả Michael Carrithers.

Cho đến thế kỷ vừa qua, Đức Phật có lẽ là nhà tư tưởng có ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử loài người. Trong hơn 1500 năm, giáo pháp của ngài đã phát triển khắp tiểu lục địa Ấn Độ. Cũng trong thời gian ấy, nó đã thay đổi và trở nên đa dạng ít nhất cũng giống như sự phát triển của Cơ Đốc giáo trong 1500 năm đầu tiên ở châu Âu. Đến thế kỷ 13 thuộc Công nguyên, khi sức mạnh của Phật giáo bị giảm thiểu tại quê nhà, nó đã lan sang Tây Tạng, Trung Á, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Sri Lanka được một thời gian dài, và tới Đông Nam Á. Lịch sử Phật giáo trong những quốc gia đó cũng phức tạp không kém những gì từng xảy ra ở Ấn Độ.

Tôi không tìm cách giải thích một chủ đề lớn như vậy trong cuốn sách nhỏ này. Tôi chỉ thuật lại cuộc đời Đức Phật, mô tả sự hình thành và tầm quan trọng của giáo pháp của ngài. Tuy nhiên, tôi cố gắng diễn đạt để người đọc thấy được tại sao Phật giáo đã dễ dàng xuyên qua các châu lục và tồn tại mạnh mẽ như vậy qua nhiều thế kỷ.

***

 

Giữa những đổ nát của Anuradhapura, kinh đô cổ xưa của Sri Lanka, có một bức tượng Phật bằng đá cô độc trên một cái bệ, cao hơn đám cỏ, hơi lớn hơn kích thước người thực. Bức tượng kiểu truyền thống như được thấy ở mọi quốc gia châu Á theo Phật giáo, và có lẽ đã hơn một ngàn năm tuổi. Hai chân xếp lại trong tư thế thiền, hai bàn tay đặt lên nhau ở trong lòng. Tín đồ Phật giáo tin rằng chính trong tư thế này, dưới một cái cây hơn 2500 năm trước, Đức Phật đã giác ngộ, thành tựu hiểu biết về tình cảnh của loài người và sự chắc chắn không thể lay chuyển rằng ngài đã thoát khỏi khổ ải.

Tuy nhiên, bức tượng tuyệt diệu ở Anuradhapura lại không được tạc theo phong cách thông thường. Lưng và đầu thẳng nhưng cánh tay thư giãn, gương mặt nghỉ ngơi trong thanh bình. Bức tượng toát ra vẻ trí tuệ và yên tĩnh, hòa hợp hoàn hảo với đá granite bất động. Khi đứng trước nó, một học giả đã nói với tôi rằng trong toàn bộ mớ hỗn độn của lịch sử loài người, ít ra có điều này – bức tượng và tất cả những gì nó đại diện – là một điều chúng ta có thể tự hào. Ông nói ông không phải là người theo tôn giáo, nhưng cảm thấy từ trước đến nay luôn là một tín đồ của Đức Phật một cách tự nhiên.

Một suy ngẫm riêng tư, một tiết lộ có lẽ được thôi thúc bởi ảnh hưởng của nhân vật ấy, nhưng điều đáng chú ý là cảm giác đó còn có ở vô số người khác nữa. Chẳng hạn, nhà nhân loại học Claude Lesvi-Strauss dù không hề theo Phật giáo cũng đã viết trong một nguồn cảm hứng tương tự:

Tôi đã học được gì từ những vị thầy tôi đã lắng nghe, những triết gia tôi đã đọc, những xã hội tôi đã khám phá, và từ chính nền khoa học mà phương Tây vô cùng hãnh diện? Chẳng qua là một hoặc hai bài học rời rạc, mà nếu xếp nối vào nhau sẽ gộp lại thành những thực hành của bậc thánh nhân ngồi dưới gốc cây này.

Điều này cho thấy sức hấp dẫn của Đức Phật vẫn tồn tại giữa chúng ta. Liệu như thế có hợp lý không? Một người phương Đông, sinh ra giữa thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên giữa những hoàn cảnh lịch sử và một nền văn hóa quá khác biệt với người phương Tây thì có gì để trao cho những nhà tư tưởng rất hiện đại như vậy? Đây là câu hỏi đầu tiên tôi cố gắng trả lời.

Và tôi đã cố gắng trả lời bằng cách viết ra một tiểu sử về Đức Phật. Liệu đó có phải một đáp án đúng hay không, tôi không dám chắc, bởi lịch sử đầy rẫy những nhân vật mà tầm quan trọng nằm rất ít ở đời sống riêng, nhưng rất nhiều trong các giáo huấn của họ. Nhưng ở phương diện này, Đức Phật là người độc nhất vô nhị, bởi giáo pháp và cuộc đời ngài được hòa trộn mật thiết và không thể tách rời.

Một tiểu sử ngắn

Tôi sẽ chứng minh điều trên bằng những câu chuyện truyền thống về cuộc đời Đức Phật, một cuộc đời có ảnh hưởng vô cùng lớn lên những tín đồ Phật giáo, cũng như phổ biến rộng rãi trong các ngôn ngữ châu Âu. Đức Phật sinh ra là con một vị vua, lớn lên với của cải, sự vui thú và tiền đồ quyền uy – tất cả những điều tốt đẹp thường được con người ao ước. Tuy nhiên, khi đến tuổi trưởng thành, ngài lại chứng kiến một người bệnh, một ông già và một xác chết. Ngài đã sống một cuộc sống được bảo bọc, nên những điều này tác động sâu xa đến ngài. Ngài nhận ra không của cải hay quyền lực nào có thể ngăn ngài khỏi bệnh tật, tuổi già và cái chết. Ngài cũng thấy một du sĩ, người khổ hạnh lang thang truy cầu con đường thoát khỏi những khổ ải này. Suy ngẫm về những gì đã thấy, ngài đi đến bước ngoặt lớn đầu tiên trong đời: ngược với ý muốn của gia đình, ngài đã từ bỏ nhà cửa, vợ con và địa vị để trố thành một người lang thang vô gia cư, tìm sự giải thoát khỏi nỗi khổ ải dường như không tránh khỏi.

Trong vài năm, ngài thực hành thiền định, sau đó làm theo những gì đang thịnh hành ở những du sĩ thời đó là đời sống khổ hạnh gắt gao, nhưng thấy cả hai biện pháp đều không có hiệu quả. Vì vậy, ngài ngồi xuống để suy ngẫm trong yên lặng về tình cảnh khốn khổ của loài người mà không thực hiện những đày ải về tinh thần hay thể xác. Điều này dẫn tới thay đổi lớn thứ hai trong đời ngài, bởi lẽ từ sự suy ngẫm trong yên lặng, giác ngộ và giải thoát cuối cùng đã xảy ra. Ngài đã “làm những gì cần làm”, đã giải quyết vấn nạn khổ ải. Từ trải nghiệm của mình, ngài hình thành giáo pháp, sau đó truyền dạy giáo pháp trong bốn mươi lăm năm, và giáo pháp của ngài chạm đến hầu hết các vấn đề về hành vi sống của con người. Ngài thành lập một tăng đoàn gồm những người muốn tìm giải thoát cá nhân bằng cách theo gương ngài, và họ truyền bá giáo pháp của ngài trên thế gian. Cuối cùng, ngài qua đời vì tuổi già như những người khác, nhưng không giống người khác, ngài đã “diệt độ” (parinibbhuto), không bao giờ tái sinh để chịu khổ ải nữa.[1]

Có những lý do hợp lý để nghi ngờ ngay cả câu chuyện rất cô đọng này, nhưng ít nhất tiến trình cuộc đời phải đúng: sinh ra, trưởng thành, xuất gia, truy cầu, giác ngộ và giải thoát, giáo hóa, nhập diệt. Tiểu sử này, với hai sự thay đổi đáng chú ý là xuất gia và giác ngộ, đã cho Đức Phật và tín đồ của ngài một cốt truyện kịch tính để minh họa cho niềm tin, mô hình tâm lý và triết lý làm cơ sở cho tư tưởng của họ. Về tính chất kịch tính, diễn biến câu chuyện tập trung vào những thay đổi tâm linh đạt được bởi sự chuyên tâm quả cảm, trong khi về tính chất triết lý, nó tập trung vào những khám phá trong thân tâm Đức Phật.

Và ngài nói, “chính trong cái thân thể hữu hình và có tâm thức này, ta tuyên bố về thế gian, nguyên nhân của thế gian, sự đoạn diệt thế gian và con đường đưa đến sự đoạn diệt thế gian” (Tương Ưng Bộ, tập 1, trang 62)[2]. Trong những giới hạn trên, khổ ải mà ngài phải chịu cũng là khổ ải của mọi chúng sinh. Ngài nói rằng đối với mọi chúng sinh, “sinh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ”. Ngài thấy ai cũng có thể khám phá những sự thật bức bách và không tránh khỏi này bằng cách đi sâu vào quan sát trải nghiệm của chính mình. Tương tự, những phương tiện giải thoát cũng có sẵn với bất kỳ ai. Chẳng hạn, những phương pháp thiền định mà ngài phát triển được dựa trên những hiện tượng đơn giản và dễ tiếp cận, như là hơi thở của chính mình. Giới luật mà ngài đề xướng được dựa trên những nguyên tắc rõ ràng và thiết thực bắt nguồn từ chính cuộc sống của ngài. Phòng thí nghiệm của Đức Phật chính là bản thân ngài, và ngài khái quát hóa những điều đã phát hiện để áp dụng cho mọi chúng sinh.

Vì vậy, câu hỏi thứ hai là, Đức Phật đã thay đổi và phát triển như thế nào? Bằng cách này hay cách khác, chính sự phát triển này là chủ đề cho triết lý của ngài. Nó là một câu hỏi được tín đồ Phật giáo quan tâm trên hết, và cũng là một câu hỏi thường được Đức Phật trả lời. Có khi ngài trả lời trực tiếp bằng cách kể về một phần cuộc sống của bản thân. Lúc khác, ngài trả lời gián tiếp bằng cách nói rằng nếu người ta làm thế này, những hậu quả có hại sẽ theo sau, còn nếu người ta làm thế kia sẽ có những thành quả tốt đẹp, có lợi cho giải thoát. Ẩn dưới điều này là mặc định rằng Đức Phật biết vì ngài đã thực chứng những lựa chọn khác nhau. Ngài yêu cầu bản thân cũng như các tu sĩ tuân thủ một nguyên tắc về sự xác thực: ‘những gì các ông khẳng định [phải] là những gì các ông đã thực chứng, đã thấy, hoặc đã tự mình biết’. (Trung Bộ, tập 1, trang 265).

Tuy nhiên, từ tính chất tự thuật trong triết lý của Đức Phật, không thể cho rằng chỉ cần kể về Đức Phật là đủ để giải thích. Bởi lẽ, dù ưa thích sự cô đọng, ngài vẫn là một phần trong xã hội và lịch sử của ngài. Ngài sống giữa những thay đổi lớn có tính quyết định về xã hội và dân trí – những thay đổi mà ngài được thừa hưởng thành quả, đồng thời ngài cũng đã đóng góp đáng kể để thúc đẩy tiến trình của chúng. Hình ảnh tôi có trong đầu là hình ảnh một cơn sóng thay đổi, tích tụ dần dần qua nhiều thế kỷ, chạm đến mọi khía cạnh đời sống của người Ấn Độ thời xưa. Đức Phật đã được nâng tới đỉnh con sóng này, và ngài có được một tầm nhìn rộng lớn về những vấn đề của loài người. Điều cần thiết là đánh giá xem tầm nhìn của ngài có bao nhiêu phần thuộc về sự nâng đỡ ấy, bao nhiêu phần do vị thế của ngài trong lịch sử, bao nhiêu phần do công sức của những người đi trước và đương thời với ngài, và bao nhiêu phần do sự sắc bén trong cách nhìn của chính ngài.

Mời các bạn mượn đọc sách Dẫn Luận Về Đức Phật của tác giả Michael Carrithers.

Download Ebook

Dẫn Luận Về Đức Phật

Pdf

Bookmark (0)
Please login to bookmarkClose

Giới thiệu Ebook Dẫn Luận Về Đức Phật Tweet! Tóm tắt & Review (Đánh Giá) sách Dẫn Luận Về Đức Phật của tác giả Michael Carrithers. Cho đến thế kỷ vừa…

Bookmark (0)
Please login to bookmarkClose