Yêu Trong Bóng Tối
Giới thiệu
Yêu Trong Bóng Tối
Yêu Trong Bóng Tối gồm 2 truyện ngắn của Tanizaki Junichiro là Yêu trong bóng tối và Cầu mộng. Hai bầu không khí tồn tại trong một cuốn sách, một cổ kính thơ mộng, một bi tráng trầm hùng. Và hai tình yêu, một trung thành tận hiến, một ngây thơ tội lỗi.
Yêu trong bóng tối xoay quanh chuyện một nô bộc đem lòng thầm yêu người nữ chủ nhân xinh đẹp và quyền quý, bằng một tình yêu thầm lặng. Qua bao nhiêu thăng trầm, với mấy lần đổi chủ, hắn vẫn tận tụy bên nàng với niềm hi vọng nhỏ nhoi được dự phần vào số mệnh nữ chúa của mình.
Trong khi đó Cầu mộng lại là một câu chuyện khác. Đó là một hồi ức thơ mộng đẹp về thuở ấu thơ của nhân vật “tôi”, trong “khu vườn địa đàng” của đời chàng cùng với hai bà mẹ. Phủ đầy Cầu mộng là một làn khói mơ màng xen lẫn những ám ảnh miên man. Theo dòng suy tưởng của nhân vật chính, độc giả được dẫn dắt từ giấc mơ này sang giấc mơ khác, đến nỗi rốt cuộc không còn phân biệt được đâu là thực đâu là mê, đâu là ngây thơ đâu là tội lỗi.
***
“Những bi kịch không thiếu tính trào lộng” qua một tiểu thuyết lịch sử mà “ánh sáng” và “bóng tối” cứ đan xen nhau từng khoảnh khắc. Thổn thức. Khôn nguôi. Những vần thơ trong truyện vì thế cũng đầy đớn đau. “Yêu trong bóng tối” là thế, là “truyện một người mù” chuyên đi “đấm bóp và kể cho nghe những bi kịch của đời”.
“Câu chuyện diễn ra vào thế kỷ mười sáu, giữa thời tao loạn nhất trong lịch sử Nhật. Những liên minh và phản bội, chuyển quân và vây thành, hát ca và tự sát, yêu và thù được kể lại bằng giọng dân dã của một người mù làm nghề đánh bóp. Tình yêu tận hiến của ông đối với phu nhân Oichi trong bóng tối mù lòa đã đem lại cho lời kể sự nồng ấm và ánh sáng.”
Tanizaki là “một nhất thể của đời sống hòa lẫn hoan lạc và khổ đau”. Vì thế, đọc tác phẩm của ông xong để lại điều gì đó rất dằn vặt, rất xốn xang. Dịch giả Nhật Chiêu đã rất trau chuốt để chuyển tải nội dung câu từ của tác phẩm này. Tôi đọc cả hai lần vẫn chưa thấm hết cái tình, cái bi tráng oanh liệt ấy của tác phẩm. Ấn tượng với tiểu thuyết hoài niệm về lịch sử “Yêu trong bóng tối” hơn là “Cầu mộng” – tiểu thuyết hoài niệm về tuổi thơ, nên thôi thì tạm khép lại đôi dòng xoay quanh giữa nỗi bi thương của ánh sáng và bóng tối vậy…
Bóng tối…
Bóng tối chập chùng.
Bóng tối bao phủ thời đại khi mà cuộc chiến giành quyền lực cứ diễn ra.
Bóng tối của thời tao loạn nhất.
Bóng tối của “những hồi ức buồn chán của một lão già” bị mù.
Bóng tối mở đầu câu chuyện qua lời kể của Yaichi khi còn trẻ – một người mù hát rong, hay cầm cây đàn samisen ba dây và “vừa nghe điệu nào mới là tôi bắt lấy mà ca hát và tấu lên theo, tự nhiên như hơi thở của khí trời”. Cũng bởi vì mù lòa từ nhỏ mà Yaichi chỉ có âm nhạc làm giải trí. Âm nhạc – cái thú ở đời dễ khiến con người ta vui nhanh mà buồn cũng nhanh, có thể nhất thời quên đi hiện tại đau buồn mà cũng có thể đột ngột thôi thúc ký ức trỗi dậy, tuôn trào.
Còn đó bóng tối của nỗi đau trong lòng Yaichi không, khi suốt bao năm tháng ròng rã phục vụ cho nữ chủ nhân Oichi chỉ để ngắm nàng từ xa trong lòng: “Tôi hầu hạ nàng liên tục, khi thì đấm bóp lưng hay vai nàng, khi thì tán chuyện cho nàng được vui”. Bên cạnh nàng đó, gần nàng thế đó, đau đáu trong lòng về nàng thế đó nhưng với thân phận bề tôi, thân phận một người mù được ưu ái đánh đàn giải khuây cho nữ chúa của mình nghe, thì tuy gần mà xa thăm thẳm. Chỉ Yaichi mới nghe thấu tiếng lòng phu nhân Oichi thổn thức, rồi thổn thức theo từng nhịp đập con tim nàng: “Khi nghe giọng cười của phu nhân Oichi […], tôi cảm thấy như được ban thưởng xiết bao trọng hậu. Song tôi buồn rầu nhận thấy càng ngày tôi càng chẳng nghe được gì ngoài một tiếng cười mong manh yếu ớt ở nàng dù tôi có trổ tài gì đi nữa”. Khi Yaichi đấm bóp cho nàng, nỗi buồn đau cũng chất đầy tâm hồn chàng như thể muốn tan ra: “Trời ơi, tôi nhủ thầm, một bông hoa yêu kiều đến thế sắp bị hủy diệt rồi sao? Tôi cảm thấy thương tiếc đến đau nhói”.
Lẩn quất đâu đó còn là bóng tối dày dặt, âm u phủ kín lòng phu nhân Oichi. Nàng – một phụ nữ đẹp, “yêu kiều với tấm thân ngà ngọc”, xuất thân quyền quý, yêu đàn Koto, mà số phận lại bi đát với hai lần hôn nhân tan vỡ, tướng quân chồng nàng tự sát theo kiểu harakiri của một samurai chân chính, còn con trai cả của nàng thì bị giết bởi chính người anh ruột của mình, người mình cứ ngỡ sẽ tin tưởng nhất. Mang theo nỗi uất hận khôn nguôi và dằn vặt đến đớn đau bởi sự căng thẳng phân tranh của một bên chồng, một bên anh ruột, phu nhân Oichi “vì không khách viếng thăm, nàng sống một cuộc đời buồn tẻ và cô đơn như thể nàng đã trở thành một ẩn sĩ thực thụ”. Khi chúa Naga – phu quân đầu tiên của nàng hy sinh, nàng chỉ còn ngập lòng trong bóng tối, trong “âu sầu gợi nhớ từng kỷ niệm , nhớ thương một quá khứ đã mất đi mãi mãi”. “Nếu tình cờ đi dọc hành lang ngang qua căn phòng cô đơn của nàng, ta có thể nghe tiếng nấc nghẹn ngào. Bất kỳ hoài niệm nào cũng đem đến cho nàng nhiều ngày than khóc”. Sống trong hoài niệm xưa cũ bao giờ cũng thật đau buồn… Còn khi phu quân thứ hai của nàng chết đi, nàng nguyện lòng lần này đã không chốn tựa dung rồi, chỉ muốn chết theo chàng thôi. Nàng nghẹn ngào cùng chồng – chúa Katsue tấu khúc ca vĩnh biệt trong đêm cuối:
“Ta còn chưa kịp ngủ
Trong đêm mùa hạ này
Tiếng chim oanh gợi nhớ
Lời vĩnh biệt từ đây.”
Còn chúa Katsue thì phụ họa:
“Những giấc mơ mùa hạ
Trong đêm tàn đang bay
Lên trời chim oanh núi
Còn tuổi tên sau này.”
“Thế giới không ngừng thay đổi, và đặc biệt trong thời chiến vận mệnh thường thay đổi quyết liệt”. Cái bi thương đến cấu xé ruột gan của người phụ nữ thời tao loạn này được làm rõ, dấy lên lòng người đọc muôn đời câu hỏi chẳng ai trả lời: Nỗi thống khổ thời nào cũng cứ chực chờ vào người phụ nữ đau đớn đến thế sao?
Nhưng bóng tối ấy vẫn đầy nồng ấm, bởi tình yêu, bởi sự tận tụy cống hiến cả đời trung thành với nữ chủ nhân của mình của một người mù mang tên Yaichi, bởi cả những lúc hạnh phúc ngập lòng của phu nhân Oichi với tình yêu chân thành, tuy với hai lần hôn nhân tan vỡ của mình vì loạn lạc, vì binh quyền phân tranh: với tướng Naga, rồi với một năm ngắn ngủi bên tướng Katsuie. Bởi thế le lói đâu đó trong bóng tối này chính là ánh sáng.
Ánh sáng…
Ánh sáng le lói, phù du.
Ánh sáng ít ỏi của những năm tháng không có tao loạn hay đúng hơn chưa kịp xảy ra chinh chiến bi thương.
Ánh sáng của người mù Yaichi. Của chính tâm hồn chàng:
“Mưa đông lạnh và tuyết
Chỉ rơi, từng khi thôi
Nhưng vì ai, tôi khóc
Nước mắt rơi liên hồi.”
“Con người có đủ loại ước vọng, biết sao mà nói”. Có lẽ ước mong to lớn của Yaichi là qua tiếng đàn của mình có thể giúp nữ chúa vui hơn, thế là đủ.Yêu thương một con người phút chốc hóa thành những lời ca tâm tư sâu lắng, ai nghe cũng xúc động:
“Những khi lòng đang yêu
Đừng để ai nhìn thấy
Nhưng cố mà nhớ lấy
Khi giả vờ là đâu biết thương yêu.”
Lời hát chạm đến những tâm tình sâu kín nhất của Yaichi. Nên “dẫu sao, khi hát lên, trái tim trút cạn, tôi cảm thấy một sức mạnh bí ẩn trong tôi và cảm thấy chính mình thêm vào giai điệu, ca hát bằng giọng đam mê, nồng ấm hơn”. Những năm tháng dài đằng đẵng ở bên phu nhân Oichi chính là ánh sáng, là động lực của người mù Yaichi. Đó là những năm tháng hạnh phúc nhất đời chàng: “Vì tôi không thể có niềm vui ấy nếu như không mù, tôi không hề hối tiếc khuyết tật của mình cho đến tận hôm nay”. Làm khuây khỏa nỗi lòng người mình yêu thương, đó cũng là hạnh phúc. Mà khi hạnh phúc, con người ta sẽ tìm ra ánh sáng.
Không thể giúp nàng – phu nhân Oichi thoát khỏi buồn thương, thì người mù Yaichi còn biết làm gì hơn là “dốc lòng tận tụy phục vụ phu nhân Oichi, cố xua bớt ưu phiền của nàng, tìm đủ cách làm cho tâm trạng của nàng tươi sáng hơn”. Có lẽ chàng mong muốn chút tận tụy này sẽ truyền hơi ấm ít ỏi sang phu nhân Oichi, để lòng nàng phần nào bớt lạnh giá chăng?
“Có lẽ hạnh phúc không phải là điều ta gặp nhiều lần trong đời”. Yaichi lo lắng cho nữ chúa của mình khi nàng kết hôn lần thứ hai: “Tôi cầu nguyện cho cuộc hôn nhân của nàng sẽ hạnh phúc, nàng cùng chồng sống bên nhau trọn đời và gia đình họ mãi mãi thịnh vượng”. “Cuộc đời càng quý giá khi cái chết đang đe dọa” – đến phút cuối cùng, Yaichi cũng chỉ khát khao là sẽ cứu sống được sinh mệnh nàng, dù mình có phải mang tiếng xấu đi chăng nữa, nhưng rốt cuộc cũng chẳng thành công. Rồi khi nàng kết thúc cuộc đời, thì điều người mù Yaichi mong muốn sau cùng, đó lại là các con gái của phu nhân Oichi sẽ có vận đời hạnh thông, không bi thương như cuộc đời trớ trêu ngang trái của nàng thôi. Hình như là cả cuộc đời người mù Yaichi đã gắn bó, đã dõi theo phu nhân Oichi hết rồi, chẳng còn chừa chỗ trống nào lại để chàng lo lắng cho nỗi bất hạnh của bản thân mình nữa. Chàng mù nhưng tâm thì sáng, thì đẹp. Đó là ánh sáng xuyên suốt cả câu chuyện.
Ánh sáng ấy cũng hòa lẫn với bi thương của thời đại. Nên cứ thấy đó rồi lẩn vào hư vô bị bóng tối che phủ bao trùm mất. Nhưng ánh sáng vẫn là… ánh sáng, ít ỏi mà rực rỡ, le lói mà vẫn sưởi ấm lòng vô ngần.
—
Đọc xong câu chuyện “Yêu trong bóng tối” của nhà văn Tanizaki Junichiro, cứ có cảm tưởng bản thân mình cũng vừa trải qua một cuộc chinh chiến và giằng co vậy. Tâm trạng lúc lên lúc xuống, vui sướng buồn thương theo từng nhịp điệu, từng lời nói và cảm xúc của nhân vật trong truyện. Cảm giác như mình đang đứng đó, lặng im và quan sát được thời tao loạn nhất của Nhật Bản ngày xưa…
Sẽ không còn bóng tối
Sẽ không còn khổ đau
Cuộc đời ai nào biết
Cho ra sao ngày sau?
Tuyết Hạnh
Một ngày thu đông giữa tháng 11
13/11/14
Mời các bạn mượn đọc sách Yêu Trong Bóng Tối của tác giả Tanizaki Junichiro & Nhật Chiêu (dịch).
Download
Yêu Trong Bóng Tối
Giới thiệu Yêu Trong Bóng Tối Tweet! Yêu Trong Bóng Tối gồm 2 truyện ngắn của Tanizaki Junichiro là Yêu trong bóng tối và Cầu mộng. Hai bầu không khí tồn tại trong một…