Ý Nghĩa Của Lịch Sử – Trải Nghiệm Triết Học Số Phận Con Người

Ý Nghĩa Của Lịch Sử – Trải Nghiệm Triết Học Số Phận Con Người


Giới thiệu

Ý Nghĩa Của Lịch Sử – Trải Nghiệm Triết Học Số Phận Con Người




Lời nhà xuất bản

Nhà xuất bản Tri thức trân trọng giới thiệu cuốn Ý nghĩa của lịch sử – Trải nghiệm triết học số phận con người của Nikolay Berdyaev, do Nguyễn Văn Trọng dịch và chú giải dựa trên nguyên bản tiếng Nga (nội dung bản dịch này đã lược bớt một số phần do không phù hợp). Chúng tôi cũng xin lưu ý bạn đọc đây là sách tham khảo, phản ánh hoàn toàn quan điểm của tác giả.

Chúng tôi tôn trọng, nhưng không nhất thiết đồng tình với quan điểm, cách tiếp cận và lí giải riêng của tác giả về những vấn đề được đề cập trong cuốn sách.

Chúng tôi mong độc giả đọc cuốn sách này như một tài liệu tham khảo với tinh thần phê phán và khai phóng.

Xin chân thành cảm ơn!

***

Lời dẫn

Tác phẩm Ý nghĩa của lịch sử- Trải nghiệm triết học số phận con người của triết gia Nga N. Berdyaev trình bày một cách nhìn lich sử nhân loại từ quan điểm của một triết gia Kitô giáo. Những tiền đề siêu hình học cho cách tiếp cận của ông mang đậm tinh thần của Kitô giáo nên rất có thể những người vô thần sẽ không thể tiếp thu được, và sẽ xem các tiên đề ấy như những điều huyền hoặc. Nhưng nếu vì vậy mà đóng cuốn sách lại không thèm đọc tiếp, thì sẽ mất đi cơ hội suy tưởng trầm tư những kiến giải sâu sắc của ông về quá trình lịch sử của nhân loại. Vào thế kỉ XVII giới trí thức châu Âu cũng đã từng gạt bỏ học thuyết cơ học của Newton suốt trong 70 năm chắc cũng vì lí do tương tự: tiền đề động lực học của Newton cho rằng vật thể chuyển động tuân theo phương trình toán học hẳn cũng đã bị coi là huyền hoặc! Dần dà rồi cũng có những người tò mò muốn kiểm chứng lí thuyết Newton và họ đều phải kinh ngạc về sự trùng khớp giữa lí thuyết và thực nghiệm. Những người có đầu óc thực dụng bắt đầu sử dụng cơ học của Newton như phương tiện cho những phát minh công nghệ. Họ đã tạo ra các máy móc với kết quả là sự ra đời của hệ thống sản xuất công nghiệp. Khoa học vật lí dần dần trở thành đức tin của mọi người, và các môn khoa học khác đều được xây dựng theo khuôn mẫu đó. Khoa học được sùng bái như chân lí và người ta lấy khoa học đối lập với tôn giáo. Trải nghiệm này gợi ý rằng, người ta nên đọc các kiến giải của Berdyaev và đối chiếu với những sự kiện lịch sử đã biết, để xem chúng có khớp nối được với nhau không.

Berdyaev nhận xét rằng khi con người sống trong một thời kì tương đối ổn định nào đó thì thường chưa  được nhận thức lịch sử về thời kì đó do thói quen tư duy tĩnh tại. Nhưng khi sự vận động lịch sử bắt đầu xảy ra với các tai biến và thảm họa, vốn là thứ xảy ra lặp đi lặp lại trong lịch sử nhân loại, những biến cố lịch sử ấy thường dẫn đến tình trạng chủ thể nhận thức lịch sử không cảm thấy mình hiện hữu trực tiếp và toàn vẹn ở trong đối tượng lịch sử. Những thời kì như vậy sẽ sinh ra phản tư nhận thức lịch sử. Thế nhưng tình trạng này không thuận lợi cho việc thấu hiểu đích thực quá trình lịch sử, vì xảy ra đứt đoạn giữa chủ thể và khách thể. Chỉ khi chủ thể nhận thức lịch sử vượt qua được tình trạng phân đôi ấy và tiếp nhận biến cố lịch sử như một thực tại ở bên trong thế giới tinh thần của chính mình, chứ không như một thứ từ bên ngoài áp đặt bạo lực đối với mình mà mình phải chống lại; chỉ khi đó nhận thức lịch sử chân chính mới là khả dĩ.

Berdyaev hiểu lịch sử như một bi kịch của số phận con người, vì con người là đứa con của Thượng Đế (chứ không phải của thế giới tự nhiên). Con người được phú cho Tự Do, vốn là một thứ phi lí tính đầy huyền bí. Tự do ấy là ngọn nguồn của tính bi kịch trong lịch sử, bởi vì tự do hàm nghĩa cả tự do của điều thiện cũng như cả tự do của cái ác. Ông viết: “Con người như đứa con của Thượng Đế được phú cho cái tự do ấy, nền vì vậy tự do đó là ngọn nguồn tính bi kịch của số phận con người, bi kịch của lịch sử cùng với tất cả những xung đột và thảm cảnh, tự do theo chính thực chất của nó đề xuất tự do không chỉ của điều thiện, mà còn của cái ác nữa. Giả sử như chỉ hiện hữu có tự do của điều thiện, tự do của Thượng Đế, như một tiền định nào đó ở số phận con người, nếu thế thì hẳn đã chẳng có quá trình thế giới. Quá trình thế giới và quá trình lịch sử hiện hữu bởi vì tự do của điều thiện và của cái ác được đặt vào cơ sở của nó, tự do rời khỏi ngọn nguồn của đời sống Thượng Đế cao cả, tự do trở về và đi đến với nó. Tự do ấy của cái ấc là cơ sở đích thực của lịch sử”. Berdyaev cho rằng chính vì vậy mà ở trong phạm vi lịch sử thế giới, “Thượng Đế không cần đến bất kĩ cưỡng bức và thực hiện phi-tự-do nào ý chí cao cả của Thượng Đế và sự thật cao cả của Thượng Đế, rằng Thượng Đế bác bỏ ngay cả sự hoàn thiện con người như kết quả của các quá trình tất yếu, như việc cưỡng bức. Thượng Đế không mong muốn mọi thứ phi-tự-do”.

Từ những tiền đề tôn giáo Berdyaev đưa ra những kiến giải về các thời kì của lịch sử nhân loại: thời cổ đại, Trung thế kỉ, Phục hưng, Khai sáng và Tân lịch sử. Những thời kì này diễn ra từ thời Hi Lạp Cổ đại cho đến cuối thế kỉ XIX. Những kiến giải của ông xung đột với các định kiến quen thuộc của khá nhiều người trong đó có tôi – một người chưa từng có đức tin tôn giáo và đã từng cả tin vào những kiến giải lịch sử của thời kì Khai sáng thế kỉ XVIII. Đại khái tôi đã từng hiểu thời kì Trung thế kỉ là thời kì tăm tối “đêm trường Trung thế kỉ” trước khi bừng lên thời kì Phục hưng và Khai sáng rồi đến thời hiện đại văn minh, diễn biến lịch sử đi theo hướng của đường thẳng tiến bộ. Có lẽ Berdyaev cũng biết rõ về những định kiến như thế và những phản bác của ông nhằm thẳng vào chúng.

Berdyaev khẳng định khí thế và sức mạnh sáng tạo to lớn của con người đã được thể hiện ra vào thời Phục hưng. Ông phân tích những thành tựu của thời kì này đồng thời cũng chỉ ra những hạn chế của nó. Trái với định kiến xấu về thời kì “đêm trường Trung thế kỉ”, Berdyaev cho rằng đây chính là thời kì tích tụ các sức mạnh tinh thần của con người. Vào lúc hưng thịnh của Trung thế kỉ, bản diện con người được rèn đúc thông qua hai phương cách: đời sống tu hành và tinh thần hiệp sĩ. Toàn bộ nếp sống khổ hạnh Kitô giáo đã có ý nghĩa một sự tập trung các sức mạnh tinh thần của con người và không cho phép hoang phí chúng. Thế nhưng chế độ thần quyền thời Trung thế kỉ đã thất bại trong mục đích xây dựng Vương Quốc Thiên Chúa. Berdyaev nhận xét: “Tôi cho rằng khiếm khuyết của ý thức Trung thế kỉ trước hết nằm ở chỗ đã không khai mở thực sự được sức mạnh sáng tạo tự do của con người và con người ở trong thế giới Trung thế kỉ đã không được cho phép có tự do hướng về sự nghiệp tự do sáng tạo, hướng về việc kiến tạo tự do một nền văn hóa, trong ý nghĩa đó những sức mạnh tinh thần của con người, vốn đã được rèn đúc nên bởi Kitô giáo và thời kì lịch sử Kitô giáo Trung thế kỉ, [những sức mạnh ấy] đã không được thử thách trong tự do. Nếp sống khổ hạnh Trung thế kỉ đã củng cố các sức mạnh của con người, nhưng các sức mạnh ấy đã không được đưa vào thử thách trong sáng tạo tự do của văn hóa”.

Berdyaev chia Phục hưng thành hai giai đoạn: giai đoạn sơ kì các sáng tạo nghệ thuật còn giữ được mối liên hệ gắn bó với Kitô giáo và giai đoạn sau đó xa rời nhiều hơn với tôn giáo. Xuất hiện chủ nghĩa nhân văn như cơ sở tinh thần của thời kì Tân lịch sử. Ông nhận xét: “Tại buổi bình minh của Thời đại mới đã xảy ra tình trạng phi-tập- trung-hóa, các sức mạnh sáng tạo của con người đã được thả cho tự do. Và đó, một lúc sủi bọt của các sức mạnh sáng tạo ấy đã tạo ra được cái mà chúng ta gọi là Phục hưng, những hệ lụy của nó còn tiếp tục cho đến tận thế kỉ XIX. Toàn bộ Tân lịch sử là thời kì mang tính chất Phục hưng của lịch sử. Thời kì lịch sử ấy đứng dưới dấu hiệu buông thả tự do cho các sức manh sáng tạo của con người, phi-tập-trung-hóa về mặt tinh thần, bứt ra khỏi trung tâm tinh thần, phân tầng tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội và văn hóa, là khi tất cả các lĩnh vực văn hóa của con người trở thành tự trị. Khoa học, nghệ thuật, đời sống nhà nước, đời sống kinh tế, toàn bộ tính chất xã hội và toàn bộ văn hóa đều là tự trị. Quá trình phân tầng và tự trị hóa ấy chính là sự việc được gọi là thế tục hóa văn hóa của con người. Thậm chí tôn giáo cũng được thế tục hóa. Nghệ thuật và nhận thức, nhà nước và xã hội trong Thời đại mới đều theo cung cách thế tục hóa. Tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội và văn hóa không còn ràng buộc với nhau và trở thành tự do. Đây là điểm đặc thù đặc trưng cho toàn bộ Tân lịch sử. Quá độ từ lịch sử Trung thế kỉ chuyển sang Tân lịch sử hàm nghĩa một thái độ nào đó quay lưng lại với Thượng Đế và hướng về con người, quay lưng lại với chiều sâu Thượng Đế, với sự tập trung ở bên trong hạt nhân tinh thần và hướng ra bên ngoài, hướng ra thể hiện văn hóa bề ngoài. Thái độ quay lưng lại với chiều sâu tinh thần mà các sức mạnh của con người vốn gắn với nó và ràng buộc với nó từ bên trong, [thái độ ấy] không chỉ là giải phóng các sức mạnh của con người, mà còn là sự dịch chuyển lên bề mặt của đời sống con người, từ chiều sâu chuyển sang vùng phụ cận, dịch chuyển từ văn hóa tôn giáo Trung thế kỉ sang văn hóa thế tục, khi mà trọng tâm được chuyển từ chiều sâu Thượng Đế sang sáng tạo thuần túy con người. Mối gắn kết tinh thần với trung tâm đời sống bắt đầu suy yếu đi mỗi lúc một nhiều hơn. Toàn bộ tân lịch sử là sự việc con người châu Âu đi theo con đường ngày càng rời xa khỏi trung tâm tinh thần, con đường thử thách các sức mạnh sáng tạo của con người”. Berdyaev cho rằng, tinh thần bên trong của tân lịch sử, tinh thần cổ vũ Phục hưng và tiếp tục cổ vũ toàn bộ thời kì Phục hưng, không chỉ riêng có thế kỉ XV và XVI mà còn cả toàn bộ tân lịch sử, tinh thần ấy là chủ nghĩa nhân văn và nó nằm  cơ sở của toàn bộ thế giới quan mới. Đã khởi đầu một kỉ nguyên mới mang tính nhân văn.

Berdyaev nhận xét về chủ nghĩa nhân văn như sau: “Tôi cho rằng ở ngay trong cơ sở tiên khởi của chủ nghĩa nhân văn đã chứa đựng một mâu thuẫn sâu sắc, mà việc khai mở nó ra là đề tài triết học về tân lịch sử… Mâu thuẫn ấy là gì vậy? Chủ nghĩa nhân văn, theo ý nghĩa của nó và ngay cả theo tên gọi của nó, hàm nghĩa đề cao con người, đặt con người vào trung tâm, một cuộc nổi loạn của con người, sự khẳng định và khai mở con người. Đây là một phương diện của chủ nghĩa nhân văn. Người ta bảo chủ nghĩa nhân văn đã khai mở tính cá biệt của con người, cho phép vận hành đầy đủ, giải phóng nó khỏi tình trạng bị đè nén vốn có trong đời sống Trung thế kỉ, hướng nó đi theo những con đường tự khẳng định và sáng tạo. Tuy nhiên ở trong chủ nghĩa nhân văn còn có cả khởi nguyên đối lập lại trực tiếp…

Chủ nghĩa nhân vẫn phủ nhận chuyện con người là hình tượng và đồng dạng của Thượng Đế. Trong hình thức chiếm ưu thế của mình, chủ nghĩa nhân văn khẳng định rằng bản chất con người là hình tượng và đồng dạng không phải với bản chất Thần Thánh, mà với bản chất của thế giới, rằng con người là thực thể thiên nhiên, đứa con của thế giới, đứa con của thiên nhiên, được tạo thành bởi tất yếu thiên nhiên, là máu thịt của thế giới thiên nhiên, nên chia sẻ tình trạng hữu hạn của nó cũng như tất cả các bệnh hoạn và các khiếm khuyết của nó, vốn đã được đặt vào trong hiện hữu thiên nhiên. Như vậy, chủ nghĩa nhân văn không phải chỉ có khẳng định tính tự tin quá mức của con người, không phải chỉ có đề cao con người, mà còn hạ nhục con người, vì rằng không còn xem con người là thực thể cao cả, xuất thân từ Thượng Đế nữa, không còn khẳng định quê hương ở-trên-trời của nó và bắt đầu đơn thuần khẳng định quê hương dưới-trần-gian của nó và nguồn gốc dưới-trần-gian của nó. Bằng cách này chủ nghĩa nhân văn đã hạ thấp đẳng cấp của con người. Đã xảy ra tình trạng, ấy là việc tự khẳng định con người không có Thượng Đế, tự khẳng định con người không còn cảm nhận và ý thức được mối gắn kết của mình với bản chất cao cả Thần Thánh và tuyệt đối, với nguồn gốc cao cả ở đời sống của mình, [việc tự khẳng định như thế] đã dẫn đến phá hủy con người. Chủ nghĩa nhân văn đã lật đổ khởi nguyên đề cao con người vốn đã được đặt vào tinh thần Kitô giáo, theo đó con người là hình tượng và đồng dạng của Thượng Đế, là đứa con của Thượng Đế, là thực thể được Thượng Đế nhận làm con. Ý thức Kitô giáo về con người bắt đầu suy yếu. Như vậy, một phép biện chứng tự hủy diệt mình được khai mở ra ở bên trong chủ nghĩa nhân văn… Sự khẳng định mới thoạt nhìn đầy nghịch lí ấy xác nhận thật mạnh mẽ toàn bộ phép biện chứng về con người. Phép biện chứng ấy có nội dung như sau: tự khẳng định của con người dẫn đến tự hủy hoại con người, việc khai mở ra trò chơi tự do của các sức mạnh con người mà không gắn với mục đích cao cả, sẽ dẫn đến tình trạng cạn kiệt các sức mạnh sáng tạo”.

Berdyaev viết tiếp: “Sự bộc lộ ra thật hùng mạnh như thế cái tinh thần chủ nghĩa nhân văn của Tân lịch sử, cũng như của Phục hưng, của Cải cách, của Khai sáng thế kỉ XVIII, chúng ta nhìn thấy được ở chính cuộc cách mạng Pháp Vĩ Đại. Đây là một trong những thời khắc quan trọng ở số phận của thời kì lịch sử mang tính Phục hưng, ở số phận của thái độ tự khẳng định của con người mang tính chất chủ nghĩa nhân văn. Con người tự khẳng định mình theo kiểu chủ nghĩa nhân văn, không tránh khỏi phải đi đến những hành vi như đã diễn ra trong cuộc cách mạng Pháp Vĩ Đại, cuộc thử thách các sức mạnh tự do của con người phải dịch chuyển sang lĩnh vực ấy. Cái chuyện mà vào thời Phục hưng đã diễn ra ở trong khoa học và nghệ thuật, mà vào thời Cải cách đã diễn ra ở trong đời sống tôn giáo, mà vào thời đại Khai sáng đã xảy ra trong lĩnh vực lí trí, [chuyện như thế] phải dịch chuyển cả vào trong hành động xã hội tập thể nữa. Ở trong hành động xã hội tập thể phải bộc lộ ra niềm tin ấy của con người vào chuyện anh ta, như một thực thể thiên nhiên, hoàn toàn tự do và tùy tiện có thể thay đổi xã hội con người, thay đổi tiến trình lịch sử, rằng anh ta, về phương diện này, không bị ràng buộc bởi điều gì, rằng anh ta cần phải tuyên bố và thực hiện quyền của mình và tự do của mình. Cuộc cách mạng đã bước vào con đường ấy và đã thực hiện một trong những thí nghiệm nhân văn vĩ đại nhất. Cách mạng là cuộc thí nghiệm, bằng chính bản thân nó kiểm tra lại các mâu thuẫn bên trong của chủ nghĩa nhân văn, các nhiệm vụ của chủ nghĩa nhân văn và các kết quả của chủ nghĩa nhân văn, dà cái chủ nghĩa nhân văn đã tách rời khỏi cơ sở tinh thần. Cuộc cách mạng đã tỏ ra bất lực trong việc thực hiện các nhiệm vụ của mình, nó đã không thực hiện được các quyền con người và cuộc sống tự do của con người. Cách mạng đã chịu một thất bại vĩ đại. Nó đã chỉ thực hiện được nền chuyên chế bạo hành và tình trạng lăng nhục con người. Nếu như đã có thất bại của Phục hưng, là cuộc trình diễn vĩ đại sự sáng tạo của con người, nhưng bất lực trong việc thực hiện sự hoàn hảo của các hình thức dưới-trần-gian, nếu như đã có thất bại của Cải cách, vốn bị quyến rũ bởi tự do, nhưng bộc lộ ra tình trạng bất lực tôn giáo và trở thành hình thức phủ định chứ không kiến tạo, thì thất bại diễn ra trong cách mạng còn to lớn hơn nữa. Cách mạng đã thất bại và toàn bộ thế kỉ XIX là tình trạng bộc lộ ra thất bại ấy của cách mạng Pháp và khai mở ra tình trạng phản ứng tinh thần, vốn đã xuất hiện vào đầu thế kỉ XIX và diễn ra cho đến tận bây giờ, bộc lộ ra thực chất và ý nghĩa của thất bại ấy. Bằng con đường mà cách mạng đã theo, con người không thể thực hiên dược các quyền của mình và tự do của mình, không thể đạt được hạnh phúc. Nếu như vào năm 89 cuộc cách mạng vận động bằng cảm hứng các quyền con người và quyền công dân, cảm hứng tự do, thì vào năm 93 nó đã đi đến chỗ phủ nhận bất cứ quyền nào và bất cứ tự do nào. Cách mạng tự ăn thịt mình, trong khi bộc lộ ra rằng ở trong cơ sở của nó không hề có khởi nguyên nào củng cố quyền con người về mặt bản thể luận. Bộc lộ ra rằng các quyền con người mà quên lãng các quyền của Thượng Đế thì sẽ tiêu hủy bản thân mình chứ không giải phóng con người. Phản ứng tinh thần đã chứng tỏ điều này vào đầu thế kỉ XIX, phản ứng ấy đã đóng góp những ý tưởng sâu sắc nhất làm phong phú suốt thế kỉ này. Thế kỉ XIX phần lớn là phản ứng chống đối lại thế kỉ XVIII và cách mạng”.

Tuy nhiên, Berdyaev cũng không phủ nhận những thành quả của chủ nghĩa nhân văn trong quá trình lịch sử, khi nó giữ được thái độ trung dung, không chống đối lại tôn giáo. Ông nhận xét: “Cũng cần phải chỉ ra rằng, chủ nghĩa nhân văn đạt tới sự phát triển hoàn hảo của nó và đạt tới đỉnh cao của sáng tạo ở con người, khi nó giữ được mình ở vào khoảng giữa tính nhân bản thuần túy, thí dụ như ở trong Phục hưng ở nước Đức, ở trong cá nhân thiên tài Goethe. Đây là biểu lộ cuối cùng của chủ nghĩa nhân văn lí tưởng thuần túy. Herder1 đã nhìn thấy mục đích cao cả của lịch sử ở trong tính nhân bản. Ông là người theo chủ nghĩa nhân văn chân chính cuối cùng. Đối với Herder con người đứng thẳng lên như thực thể lần đầu tiên được buông ra tự do. Con người là ông vua xét theo tự do của nó. Ở trong chủ nghĩa nhân văn của Herder hình tượng con người vẫn còn gắn với hình tượng của Thượng Đế. Đó là chủ nghĩa nhân văn tôn giáo, thế nhưng tôn giáo của Herder lại toàn bộ nằm trong tính nhân văn. Con người là kẻ trung gian giữa hai thế giới. Con người được tạo ra cho sự bất tử, tính chất vô hạn được đặt vào trong các sức mạnh của con người. Cảm hứng của Herder, cũng như của Lessing, nằm ở công việc giáo dục giống loài con người. Mục đích của con người ở trong bản thân nó, tức là tính nhân văn. Sau Phục hưng Đức của Herder và Goethe, sau những người theo phong trào lãng mạn, chủ nghĩa nhân văn bị biến chất căn bản và mất đi mối gắn kết với thời đại Phục hưng. Thế kỉ XIX khai mở ra những khởi nguyên đối lập ngược hẳn lại. Bắt đầu cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa nhân văn và tình trạng cạn kiệt tinh thần Phục hưng. Những vực thẳm đối nghịch hẳn lại được khai mở ra”.

Beidyaev cho rằng tình trạng cạn kiệt năng lượng sáng tạo của Phục hưng và Tân lịch sử gắn với những biến đổi quan trọng trong mối quan hệ tinh thần của con người với thiên nhiên. Thời Cổ đại tinh thần con người đắm chìm vào thiên nhiên tự phát và hòa hợp hữu cơ với thiên nhiên. Giai đoạn tiếp theo gắn với Kitô giáo và diễn ra trong toàn bộ Trung thế kỉ. Trong thời kì này tinh thần con người hướng tới đấu tranh với tự phát thiên nhiên thấp hèn và hướng tinh thần vào chiều sâu bên trong. Từ thời Phục hưng đã xuất hiện một thái độ mới mẻ của con người đối với đời sống thiên nhiên: chinh phục và chiếm đoạt các sức mạnh thiên nhiên nhằm biến chúng thành công cụ cho các mục đích của con người, cho lợi ích và sự yên ấm của con người. Không phải ngay từ đầu Phục hưng đã có thái độ này. Thoạt tiên nó chỉ là cảm hứng nghệ thuật và nhận thức các bí ẩn của thiên nhiên. Tiếp sau đó mới bộc lộ ra mối quan hệ mới của con người với thiên nhiên. Thiên nhiên ngoại tại bị chiếm đoạt và chinh phục cho con người và do đó mà chinh bản chất con người bị biến đổi. Sự chinh phục thiên nhiên ngoại tại làm thay đổi không chỉ có thiên nhiên, không chỉ tạo ra một môi trường mới, mà còn thay đổi cả bản thân con người. Bản thân con người chịu, ảnh hưởng của quá trình ấy đã thay đổi một cách triệt để và căn bản. Diễn ra việc chuyển đổi từ thể loại hữu cơ [của cơ thể con người tự nhiên] sang thể loại cơ giới.

Berdyaev nhận xét: ‘“Chuyện gì đã xảy ra trong lịch sử nhân loại khiến cho toàn bộ nếp sống và nhịp điệu sống thay đổi thật căn bản, cái gì đã theo nhịp độ tăng tốc đặt khởi đầu cho hồi kết thúc của Phục hưng vốn được nhận ra vào thế kỉ XIX và đạt tới biểu hiện gay gắt nhất của nó vào thế kỉ XX? Theo niềm tin sâu sắc của tôi thì đã xảy ra một cuộc cách mạng vĩ đại nhất từng được biết đến trong lịch sử – cuộc khủng hoảng giống loài con người, một cuộc cách mạng không có những dấu hiệu bề ngoài hoàn thành vào năm này hay năm kia, giống như cuộc cách mạng Pháp, nhưng thật căn bản hơn nhiều, không thể so sánh được. Tôi đang nói về bước ngoặt gắn với sự gia nhập của máy móc vào đời sống của các xã hội con người. Tôi cho rằng sự xuất hiện thắng lợi của máy móc là một trong những cuộc cách mạng lớn lao nhất trong số phận con người. Chúng ta vẫn còn chưa đánh giá hết được sự kiện này. Bước ngoặt trong mọi lĩnh vực của đời sống đều khởi đầu từ sự xuất hiện của máy móc. Tựa hồ như xảy ra chuyện bứt con người ra khỏi lòng sâu của thiên nhiên, sự thay đổi được nhận thấy ở toàn bộ nhịp điệu đời sống. Trước kia con người đã gắn kết một cách hữu cơ với thiên nhiên và cuộc sống xã hội của con người được hình thành tương ứng với đời sống thiên nhiên. Máy móc đã thay đổi căn bản mối quan hệ ấy giữa con người và thiên nhiên. Nó hiện ra đứng giữa con người và thiên nhiên, nó không chỉ theo vẻ bề ngoài chinh phục các hiện tượng thiên nhiên giúp cho con người, mà nó còn chinh phục cả bản thân con người, nó không chỉ giải phóng con người trong chuyện nào đó, mà còn nô dịch cả con người theo một kiểu cách mới. Nếu như trước kia con người ở trong sự phụ thuộc vào thiên nhiên, nếu như đời sống của con người do sự phụ thuộc ấy mà nghèo nàn, thì việc sáng chế ra mấy móc và công cuộc cơ giới hóa đời sống đi kèm theo đó, một mặt làm cho giàu có, nhưng mặt khác lại tạo ra hình thức mới của sự phụ thuộc và một tình trạng nô lệ mạnh mẽ hơn rất nhiều so với tình trạng nô lệ cảm nhận được do tình trạng phụ thuộc trực tiếp của con người vào thiên nhiên. Một sức mạnh huyền bí nào đó, tựa hồ như xa lạ với con người theo chính bản chất của nó, bước vào đời sống con người, một yếu tố thứ ba nào đó, không có tính chất thiên nhiên và cũng không có tính chất con người, nhận được quyền lực khủng khiếp đối với cả con người lẫn thiên nhiên.

Cái sức mạnh khủng khiếp mới mẻ này làm băng hoại các hình thức thiên nhiên của con người. Nó đưa con người vào một quá trình phân rã, chia cắt, khiến cho con người tựa hồ như không còn là một thực thể thiên nhiên như trước đây vốn là thế. Cái sức mạnh này làm được nhiều hơn hết để kết thúc Phục hưng”.

[…]

Berdyaev đưa ra dự báo: “Đang đi đến hồi kết thúc của vương quốc văn hóa trung dung, đang xảy ra những vụ nổ từ bên trong, những phun trào núi lửa đang bộc lộ ra tình trạng không thỏa mãn với văn hóa và hồi kết thúc của Phục hưng trong những hình thức đa dạng nhất. Hoàng hôn của châu Âu đang buông xuống, cái châu Âu đã từng hưng thịnh sáng chói đến thế trong vòng nhiều thế kỉ, cái châu Ấu đã từng tự xem mình là người giữ độc quyền văn hóa cao nhất và áp đặt văn hóa của mình cho toàn thế giới còn lại, đôi khi bằng cả bạo lực. Đang đi đến hồi kết thúc cho châu Âu nhân văn, đang bắt đầu trở lại thời Trung thế kỉ. Chúng ta đang bước vào một đêm trường Trung thế kỉ mới. Sẽ xảy ra cuộc pha trộn mới về chủng tộc và về các kiểu cách văn hóa. Đây chính là một trong những kết quả nhận thức triết học lịch sử mà chúng ta cần phải nắm vững để biết được số phận nào đang chờ đợi tất cả các dân tộc châu Âu và nước Nga và hồi kết thúc ấy của châu Âu nhân văn hàm nghĩa gì, đó là việc bước vào một thời đại đêm tối của lịch sử”.

Tuy nhiên, cũng không thể cho rằng Berdyaev là người bi quan tuyệt vọng về tương lai, bởi vì ông đã viết tiếp: “Tôi hình dung Thời đại mới ấy như thời đại mở ra hai con đường trước con người. Tại đỉnh cao của lịch sử xảy ra tình trạng phân đôi hoàn toàn. Con người có quyền tùy ý đi theo con đường tự tuân phục theo các khởi nguyên Thần Thánh cao cả và dựa trên nền tảng ấy mà củng cố bản diện con người của mình, và cũng có quyền tùy ý nô dịch bản thân, bắt bản thân mình tuân phục theo các khởi nguyên phi-Thần Thánh, phi-nhân, đầy độc ác đứng trên con người. Đây là chủ đề về chuyện tại sao lịch sử toàn thế giới lại là khai mở Tận Thế Luận từ bên trong”.

Berdyaev đưa ra kết luận: “Lịch sử và tất cả những gì mang tính lịch sử theo bản chất của nó là như sau: chẳng có thực hiện hoàn hảo nào trong dòng chảy thời gian là khả dĩ. Thế nhưng cái trải nghiệm khai mở ra trong số phận lịch sử có một ý nghĩa sâu sắc và nằm bên ngoài sự thực hiện và hiện thực hóa; nó khai mở ra ở ngoài phạm vi lịch sử. Thất bại ở thế giới bên này vốn đập vào mắt chúng ta thật đau đớn và làm chúng ta sửng sốt ở trong phạm vi thời gian lịch sử, ở trong giới hạn thực tại trần thế mang tính thời gian, [thất bại ấy] không có nghĩa là một thất bại tận cùng nào đó ở thế giới bên kia, mà chỉ chừng to rằng con người và nhân loại ở trong các số phận của mình được hiệu triệu hiện thực hóa các tiềm năng của mình ở mức cao nhất, vượt cao hơn vô cùng tất cả những hiện thực hóa mà con người đang cố đạt tới ở trong đời sống lịch sử của mình”.

Ở phần cuối của tác phẩm, Berdyaev đưa vào một bài báo ông viết trước đó như một phụ lục. Bài báo có nhan đề “Ý chí hướng về đời sống và ý chí hướng về văn hóa”. Ở đây ông bàn về một hiện tượng phổ biến trong xã hội hiện đại: văn hóa tinh thần sau thời kì hưng thịnh, phức tạp và tinh tế thì xảy ra quá trình cạn kiệt các sức mạnh sáng tạo, xa rời tinh thần và đi vào tàn lụi. Toàn bộ phương hướng của văn hóa thay đổi, hướng vào việc tổ chức thực tiễn đời sống vật chất, nhằm đạt được sự hùng mạnh. Berdyaev gọi hiện tượng này là sự dịch chuyển “văn hóa” vào “văn minh”. Sự phân biệt văn hóa và văn mình của ông chỉ mang tính ước lệ của ngôn từ, không phải là cách hiểu thông dụng, nhưng nó cũng không làm chúng ta hiểu lầm ý nghĩa mà ông gán cho nó.

Berdyaev cho rằng thời kì tàn lụi của văn hóa bắt đầu khi mà những khí thế cao cả của sáng tạo nghệ thuật, thái độ chiêm nghiệm tính thiêng liêng và thiên tài – tất cả những thứ này không còn được cảm nhận như “đời sống” chân thực và hiện thực, không còn gây cảm hứng được nữa. Nảy sinh một ý chí căng thẳng hướng về thực tiễn đời sống. Ông viết: “Vào thời đại của ngày tàn văn hóa, người ta quá đỗi khao khát “sống”, xây dựng “đời sống”, tổ chức “đời sống”. Thời đại hưng thịnh văn hóa đề xuất sự hạn chế ý chí hướng về “đời sống”, sự khắc phục đầy hi sinh đối với tính ham hố đời sống. Khi mà trong khối quần chúng con người quá phổ biến lòng ham hố “đời sống”, thì khi đó mục đích thôi không còn được đặt vào văn hóa tinh thần cao cả nữa, là thứ văn hóa luôn mang tính quý tộc, luôn ở trong các phẩm tính chứ không ở trong số lượng. Mục đích bắt đầu được đặt vào bản thân “đời sống”, vào thực tiễn của nó, vào sức mạnh và hạnh phúc của nó. Văn hóa thôi không còn là mục đích tự thân nữa, nên vì vậy mà ý chí hướng tới văn hóa chết dần. Không còn ý chí hướng đến thiên tài nữa, thiên tài không còn sinh ra nữa. Người ta không còn mong muốn suy tưởng chiêm nghiệm vô vụ lợi, nhận thức và nghệ thuật nữa. Văn hóa không thể ở lại trên tầm cao, nó không sao tránh khỏi bị hạ thấp xuống, nó phải suy đồi. Văn hóa bất lực trong việc duy trì phẩm tính cao cả. Khởi nguyên số lượng phải chiến thắng phẩm tính ấy. Xảy ra [quy luật] Entropi xã hội, sự tản mạn năng lượng sáng tạo văn hóa. Văn hóa sụp đổ và suy đồi, nó không thể phát triển vĩnh hằng bởi vì nó không thực hiện các mục đích và các nhiệm vụ vốn đã sinh ra trong tinh thần của những người tạo tác ra nó”.

Berdyaev cho rằng hiện tượng này xảy ra, vì ở trong một thang bậc nhất định trong sự phát triển của văn hóa, bộc lộ ra những khởi nguyên làm sụp đổ các cơ sở tinh thần của nó. Theo ông văn hóa phát triển ra từ trong thờ phụng tôn giáo: “Tư duy triết học, nhận thức khoa học, kiến trúc, hội họa, điêu khắc, âm nhạc, thi ca, đạo đức – mọi thứ đều bao hàm một cách hữu cơ toàn vẹn ở trong nghỉ lễ thờ phụng của giáo hội, ở trong một hình thức còn chưa được triển khai và còn chưa bị phân tầng. Nền văn hóa cổ xưa nhất – nền văn hóa Ai Cập, khởi đầu từ đền thờ, và những người sáng tạo đầu tiên của nó là các thầy tư tế. Văn hóa gắn với thờ phụng các tổ tiên, với truyền thuyết và truyền thống. Nó chứa đầy những biểu tượng, ở trong đó đưa ra các dấu hiệu và các đồng dạng của một thực tại tinh thần khác. Mọi nền văn hóa (ngay cả nền văn hóa duy vật) đều là văn hóa tinh thần; mọi nền văn hóa ffều có cơ sở tinh thần – nó là sản phẩm của công trình sáng tạo tinh thần trước các tự phát thiên nhiên. Thế nhưng ở trong bản thân văn hóa bộc lộ ra xu thế làm tan rã những cơ sở tôn giáo và tinh thần của nó, lật đổ biểu tượng của nó. Cả văn hóa cổ đại và cả văn hóa Tây- Âu đều dịch chuyển thông qua quá trình “Khai sáng”, đoạn tuyệt với các chân lí tôn giáo của văn hóa và làm suy đồi biểu tượng của văn hóa. Phép biện chứng đầy định mệnh của văn hóa bộc lộ ra trong điều này. Văn hóa đặc trưng bởi sự tình là ở một giai đoạn nhất định trên con đường của nó, tựa hồ như hoài nghi ở những cơ sở của mình và làm suy đồi những cơ sở ấy. Văn hóa tự chuẩn bị sự tiêu vong cho bản thân, trong khi tách rời khỏi những ngọn nguồn sự sống của mình. Văn hóa làm cạn kiệt bản thân mình về tinh thần, làm cho năng lượng của mình bị tản mạn đi. Từ giai đoạn “hữu cơ” nó chuyển sang giai đoạn “khủng hoảng””.

Berdyaev viết tiếp: “Ý chí hướng tới sự hùng mạnh bằng mọi giá là xu thế văn minh ở trong văn hóa. Văn hóa mang tính vô vụ lợi ở trong những thành tựu cao nhất của nó, còn văn minh thì luôn luôn có tính vụ lợi. Khi lí trí “Khai sáng” quét sạch hết các trở ngại tinh thần để sử dụng “đời sống” và hưởng thụ “đời sống”, khi ý chí hướng đến sự hùng mạnh và sự chiếm lĩnh có tổ chức đời sống, đạt tới độ căng thẳng cào nhất, khi đó thì văn hóa đang chết dần và văn minh bắt đầu.

 trong nền văn minh, cả trong chu nghĩa tư bản, lao động tập thể lấn át sáng tạo cá nhân. Văn minh làm cho vô diện mạo. Sự giải phóng con người cá nhân, là chuyện tựa hồ như nền văn minh phải chứa đựng trong bản thân nó, [sự giải phóng ấy] lại mang tính chết chóc đối với tính độc đáo cá nhân. Khởi nguyên cá nhân đã khai mở ra chỉ ở trong văn hóa. Ý chí hướng tới sức mạnh của “đời sống” hủy diệt con người cá nhân. Nghịch lí của lịch sử là như vậy.

Tuy nhiên, Berdyaev cho rằng hiện tượng văn hóa suy tàn không có nghĩa là văn hóa đang chết. Trong một ý nghĩa sâu sắc hơn – văn hóa bất tử. Nền văn hóa cổ đại đã sụp đổ và tựa hồ như đã chết. Nhưng nó vẫn đang tiếp tục sống ở trong chúng ta, như một lớp sâu ở thực thể của chúng ta. Trong thời đại văn minh, văn hóa tiếp tục sống trong những phẩm tính, chứ không phải ở trong số lượng, nó đi vào chiều sâu.

Berdyaev kết luận: “Ở trong văn minh bắt đầu bộc lộ ra những quá trình man rợ hóa, thô bỉ hóa, những mất mất của các hình thức hoàn hảo mà văn hóa đã rèn đúc nên. Tình trạng man rợ hóa ấy có thể có những hình thức khác nhau. Sau nền văn hóa Hi Lạp Cổ đại, sau nền văn minh toàn cầu La Mã đã bắt đầu một thời đại man rợ hóa của thời Trung thế kỉ sơ kì. Đây là tình trạng man rợ gắn với các tự phát thiên nhiên, tình trạng man rợ của làn sóng triều dâng những khối quần chúng mới mẻ với dòng mẩu tươi tắn mang theo mùi vị của những cánh rừng phương Bắc. Tình trạng man rợ có thể xuất hiện ở đỉnh cao của văn minh châu Âu và thế giới, sẽ không như vậy. Đây sẽ là tình trạng man rợ của bản thân nền văn minh, tình trạng man rợ có mùi vị của máy móc chứ không phải của những cánh rừng, tình trạng man rợ vốn có sẵn trong bản thân kĩ thuật của nền văn minh. Phép biện chứng của bản thân văn minh là như vậy. Năng lượng tinh thần đang cạn kiệt trong nền văn minh, tinh thần – nguồn gốc của văn hóa – đang tàn lụi. Khi đó, sẽ bắt đầu một sự thống trị trên các linh hồn con người, không phải của các sức mạnh thiên nhiên, không phải của các sức mạnh man khai trong ý nghĩa cao quý của từ ngữ ấy, mà là vương quốc ma quỷ của tính chất máy móc và tính chất cơ giới thế chỗ cho tồn tại chân chính. Văn minh đã sinh ra từ ý chí của con người hướng về “đời sống” hiện thực, hướng về sự hùng mạnh hiện thực, hướng về hạnh phúc hiện thực, đối lập lại với đặc tính biểu tượng và chiêm nghiệm của văn hóa, Một trong những con đường dẫn đi từ văn hóa đến “đời sống”, đến việc cải tạo đời sống, con đường cải tạo đời sống bằng kĩ thuật, [con đường ấy] là như vậy. Con người đã phải đi theo con đường ấy và khai mở ra cho đến tận cùng tất cả các sức mạnh kĩ thuật. Nhưng trên con đường ấy sẽ không đạt được tồn tại đích thực, trên con đường ấy sẽ tiêu vong hình tượng của con người”.

Nguyễn Văn Trọng

Mời các bạn đón đọc Ý Nghĩa Của Lịch Sử – Trải Nghiệm Triết Học Số Phận Con Người của tác giả  Nikolay Berdyaev & Nguyễn Văn Trọng (dịch).

Download

Ý Nghĩa Của Lịch Sử – Trải Nghiệm Triết Học Số Phận Con Người


FULL:


AZW3


EPUB


MOBI


PDF

Bookmark (0)
Please login to bookmark Close

Giới thiệu Ý Nghĩa Của Lịch Sử – Trải Nghiệm Triết Học Số Phận Con Người Tweet! Lời nhà xuất bản Nhà xuất bản Tri thức trân trọng giới thiệu…

Bookmark (0)
Please login to bookmark Close