Xa Ngoài Kia Nơi Loài Tôm Hát

Xa Ngoài Kia Nơi Loài Tôm Hát

Giới thiệu

Xa Ngoài Kia Nơi Loài Tôm Hát




Sáu triệu bản bán ra trên toàn thế giới
58 tuần trong danh sách bán chạy của New York Times
Dẫn đầu mục tiểu thuyết bán chạy của Amazon trong năm 2019

Trong nhiều năm, những tin đồn về “Cô gái đầm lầy” đã ám ảnh Barkley Cove, một thị trấn yên tĩnh trên bờ biển Bắc Carolina. Vì vậy, khi nơi này rúng động với cái chết đầy bí ẩn của Chase Andrew, người dân địa phương ngay lập tức đổ dồn nghi ngờ vào cô.
Nhưng Kya Clark – cô gái hoang dã ấy có phải là thủ phạm?
Thông minh và nhạy cảm, cô đã sống sót sau nhiều năm cô đơn trong đầm lầy, trú ẩn trong lòng mẹ thiên nhiên, kết bạn với mòng biển và học những bài học đắt giá trên bờ cát. Khi trái tim tuổi mới lớn mở ra, cô cũng chạm vào yêu thương với hai chàng trai, bắt đầu một cuộc sống mới cho đến khi điều bất ngờ xảy đến…

“Một tiểu thuyết lãng mạn đầy ắp hơi thở thiên nhiên với một cú ngoặt chết người.” — REFINERY29

“Đầy chất thơ… Sức hấp dẫn của cuốn sách đến từ sự liên kết sâu sắc giữa Kya với vùng đất đã là nhà cô, và với mọi sinh vật của vùng đất đó.” — BOOKLIST

***

Cuốn sách “Xa ngoài kia nơi loài tôm hát” của Delia Owens là một tiểu thuyết lãng mạn đầy ắp hơi thở thiên nhiên đẹp đẽ và đau đớn.

Cuốn sách Xa ngoài kia nơi loài tôm hát (Tên gốc: Where the Crawdads Sing) lấy bối cảnh những năm 1950 về cô gái trẻ Kya Clark ở Bắc Caroline, nước Mỹ. Kya được biết với cái tên “Cô gái đầm lầy” bởi cô sống một mình giữa thiên nhiên, chỉ kết nối với một vài người.

Nhưng khi một vụ án mạng xảy ra, tất cả đổ dồn vào cô bé hoang dã và đơn độc ấy. Lấy vụ án làm trung tâm cuốn sách, tác giả Delia Owens dẫn dắt người đọc khám phá vùng ngập nước hoang sơ và vắng vẻ của bờ Bắc Carolina qua đôi mắt của một đứa trẻ bị bỏ rơi.

Đây là tiểu thuyết đầu tay của Delia Owens, được xuất bản lần đầu năm 2018, nhưng đã nhanh chóng chiếm được sự yêu mến của đông đảo độc giả. Cuốn sách đạt được 6 triệu bản bán ra trên thế giới, liên tục đứng trong danh sách bán chạy của New York Times suốt 58 tuần và dẫn đầu mục tiểu thuyết bán chạy của Amazon trong năm 2019.

Trên Goodreads, cuốn sách nhận được gần một triệu đánh giá khi 88% độc giả nói rằng mình yêu thích cuốn sách. Trên Amazon, tác phẩm của Delia Owens cũng nhận được hơn 111.000 đánh giá, trong đó có hơn 86.000 đánh giá 5 sao.

Delia Owens sinh năm 1949, là tác giả, nhà động vật học người Mỹ. Bên cạnh cuốn tiểu thuyết Xa ngoài kia nơi loài tôm hát, bà còn cùng chồng cũ viết ba cuốn sách về thế giới hoang dã tại châu Phi.

Tại Việt Nam, Xa ngoài kia nơi loài tôm hát được dịch giả Trương Hoàng Uyên Phương chuyển ngữ. Theo cô, việc chuyển ngữ tựa đề của cuốn sách là một thách thức lớn, khó nhất là làm sao để người đọc hình dung được một không gian hoang vu và xa vắng, văng vẳng âm thanh rất nguyên sơ của các loài hoang dã.

Cuốn sách được viết bằng thứ văn phong đặc biệt, đầy sức sống và hoang dại như tự nhiên, nhưng cũng đầy chất thơ và có sức gợi mãnh liệt. Từ chính nội dung tuyệt đẹp đó, tên sách Xa ngoài kia nơi loài tôm hát đã được ra đời.

Dịch giả Uyên Phương cũng đánh giá cuốn sách nổi bật nhất với hai điểm: Cuộc sống khắc nghiệt mà cũng đầy chất thơ của Kya ở đầm lầy và bí ẩn vụ án mạng.

Vì Kya gần như phải đơn độc sinh tồn nơi hoang dã, tự nhiên đã trở thành người bạn, người mẹ, người thầy của cô bé. Đó là một thiên nhiên rất đẹp, tráng lệ và huyền bí, trù phú mà khắc nghiệt, tàn nhẫn nhưng lại dịu dàng.

Người đọc sẽ dễ dàng bị cuốn hút, ngỡ ngàng, rung động và có lúc rùng mình với những bài học từ thiên nhiên đó.

Còn về vụ án mạng trong cuốn sách, dịch giả bật mí rằng, có lẽ độc giả sẽ phải suy nghĩ rất lâu về định kiến cũng như sự phán xét của con người.

***

MỞ ĐẦU

1969

Đồng lầy chẳng phải đầm lầy. Đồng lầy là một không gian tràn ánh sáng, nơi cỏ vươn lên trong nước, và nước trôi vào trong bầu trời. Dòng chảy chầm chậm quanh co, mang theo quả cầu mặt trời ra đến biển, và lũ chim chân dài lêu nghêu cất mình vụt lên với sự uyển chuyển không ai ngờ đến – thân hình chúng dường như không được tạo ra để bay lượn – trên nền âm thanh cả ngàn con ngỗng tuyết kêu ran.

Rồi trong chính đồng lầy, ở đó đây, đầm lầy đích thực len lỏi vào những vùng trũng thấp, ẩn khuất giữa ẩm ướt đại ngàn. Nước đầm lầy tĩnh lặng và tối tăm, nuốt chửng ánh sáng trong cổ họng bùn nhớp nháp. Trong cái hang đó, cả những loài chuyên lẩn lút về đêm cũng hoạt động ban ngày. Nơi đây cũng có tiếng động, tất nhiên, nhưng so với đồng lầy thì đầm lầy tĩnh mịch hơn hẳn vì sự phân hủy là hoạt động chế ngự tất cả. Sự sống mục nát, bốc mùi và trở về thứ mùn thối rữa; một chốn trầm mình sầu bi của cái chết cho sự sống vươn lên.

Vào buổi sáng ngày 30 tháng Mười năm 1969, xác của Chase Andrews nằm trong đầm lầy, cái đầm hẳn sẽ nuốt chửng nó dần dần, lặng lẽ. Vĩnh viễn che giấu nó. Đầm lầy tường tận mọi điều về cái chết, và không nhất thiết coi đó là thảm kịch, chắc chắn chẳng phải là tội ác. Thế nhưng buổi sáng này, hai cậu bé từ ngôi làng đạp xe đến chỗ tháp phòng cháy cũ, và từ chỗ ngoặt thứ ba trên cầu thang đã trông thấy chiếc áo khoác denim của cái xác kia.

***

1952

Sáng ngày hầm hập cái nóng trời tháng Tám, hơi thở ẩm ướt của đồng lầy giăng màn sương mờ lên những nhánh sồi với cành thông. Trảng cây cọ đứng im đến lạ lùng, chỉ có tiếng vỗ cánh trầm trầm, chậm chạp của lũ diệc cất mình lên từ phá nước. Và rồi Kya, bấy giờ chỉ mới sáu tuổi, nghe tiếng cửa lưới sập lại. Đứng trên chiếc ghế cao, con bé ngừng cọ bợn cháo ngô bám trên nồi và để nồi xuống bồn đầy bọt xà phòng đã xẹp. Chẳng còn tiếng động nào nữa ngoài tiếng thở của con bé. Ai vừa ra khỏi lán vậy nhỉ? Không phải má. Má có bao giờ để cửa sập lại đâu.

Ấy vậy mà khi chạy ra hiên, Kya lại thấy má trong bộ váy dài nâu, những nếp xếp li nhịp nhịp víu vào mắt cá khi bà bước xuôi dải đường cát trong đôi giày cao gót. Đôi giày mũi bầu giả da cá sấu. Đôi duy nhất để bà mang ra ngoài. Kya muốn gọi to nhưng biết khôn hồn thì chớ có đánh thức ba dậy, vậy là nó mở cửa ra đứng trên bậc thềm gạch ván. Từ chỗ đó, con bé thấy chiếc vali nhỏ màu xanh lam má xách theo. Mọi ngày thì với sự tin tưởng của một chú chó con, Kya biết má sẽ quay về với chút thịt gói trong giấy nâu dính mỡ hoặc một con gà, đầu lủng lẳng chúc xuống. Thế nhưng bà chưa bao giờ mang đôi giày da cá sấu, chưa bao giờ xách theo hành lý cả.

Má luôn luôn nhìn lại từ chỗ lối đi nhỏ gặp đường mòn, một tay giơ lên cao, lòng bàn tay trắng nõn nà vẫy vẫy trước khi bà quay lưng bước tiếp, len lỏi qua những khu rừng đầm lầy cùng phá nước khin khít cỏ đuôi mèo, rồi có lẽ nếu con nước gia ơn, cuối cùng bà sẽ ra đến phố. Thế nhưng hôm nay bà không ngoảnh lại mà cứ dấn bước, loạng choạng giữa những vết lún trên đường. Dáng vóc cao của bà thỉnh thoảng hiện ra qua những lỗ hổng giữa rừng, cho đến khi chỉ còn thấy thấp thoáng màu trắng chiếc khăn choàng qua kẽ lá. Kya vụt chạy đến chỗ nó biết con đường sẽ lộ ra; chắc chắn má sẽ dừng lại vẫy tay từ đó, nhưng tới nơi, con bé chỉ kịp thoáng thấy màu lam của chiếc vali trước khi nó mất hút – cái màu sao mà chỏi giữa cánh rừng mướt rượt màu xanh lục. Một cảm giác nặng nề dày đặc như bùn gòn đen chèn lên ngực con bé khi nó quay lại đợi ở bậc thềm.

Kya là đứa nhỏ nhất trong đám anh em nhà này, mấy anh chị lớn hơn nó nhiều, mặc dù sau này con bé không nhớ tuổi của họ nữa. Bọn trẻ sống với ba và má, chen chúc nhau như bầy thỏ nhốt chuồng, trong cái lán thô sơ tạm bợ, hàng hiên có lưới che lỏ mắt dòm ra dưới những tán sồi.

Jodie, thằng anh gần Kya nhất nhưng vẫn lớn hơn nó bảy tuổi, bước từ trong nhà ra và đứng sau con bé. Jodie có cùng cặp mắt và mái tóc đen của em gái; thằng nhỏ đã dạy con bé bài hát của lũ chim, tên gọi những vì sao và cách lái thuyền qua đám cỏ răng cưa.

“Má sẽ về thôi,” thằng anh nói.

“Em hông biết. Má mang đôi dày cá sấu đó.”

“Một bà má hông bỏ mấy đứa con nhỏ đâu. Điều đó hông nằm trong bản tính của họ.”

“Anh kể với em là cáo cái bỏ con của nó mà.”

“Ừ, nhưng con cáo đó bị toạc hết chân rồi. Nó xẻ chết đói nếu cố nuôi cả mình dới bầy con nhỏ. Tốt hơn là nó bỏ đám này, dưỡng thương cho lành lại, rồi đẻ thêm khi có thể nuôi tụi nhóc ra hồn. Má thì đâu có đói, má sẽ quay lại.” Jodie không chắc chắn như nó ra vẻ thế, nhưng vẫn nói vậy vì Kya.

Cổ họng nghèn nghẹn, con bé thì thầm, “Nhưng má xách theo cái vali xanh như xắp đi xa lắm.”

Cái lán nằm tựa vào trảng cọ lùn, vô số cụm cọ mọc rải rác, tỏa khắp bãi cát tới chỗ chuỗi những phá nước xanh, và ở xa xa là toàn bộ vùng đồng lầy sau đó. Hàng dặm lưỡi cỏ cứng cáp đến độ chúng mọc lên cả trong nước mặn, chỉ bị ngắt quãng bởi những thân cây uốn cong đến nỗi chúng mang hình hài cơn gió. Rừng sồi dồn lại quanh những phía khác của cái lán nhỏ, bao bọc lấy phá nước gần đó nhất, nơi mặt nước giàu sự sống đến sục sôi. Bầu không khí trĩu muối và bài ca mòng biển tràn qua hàng cây dạt tới từ biển cả.

Từ thế kỷ 16, việc khẳng định quyền sở hữu một vùng lãnh thổ chẳng thay đổi gì mấy. Những khu đồng lầy có chủ rải rác đó đây không được mô tả trên giấy tờ pháp lý, chỉ được vạch ranh giới tự nhiên – một cây sồi chết ở kia, một con lạch đằng này – bởi những kẻ trốn chạy. Người ta đâu có tự dưng dùng cọ dựng chốn nương thân ở đầm lầy, trừ phi đang trốn kẻ nào đó hay đã cùng đường tận lối.

Đồng lầy được bao bởi một đường bờ biển bị xé nham nhở, mà những nhà thám hiểm ngày trước gán cho cái tên “Nghĩa địa của Đại Tây Dương” vì dòng chảy rút xa bờ, những luồng gió dữ và bãi cạn sẽ đánh cho tàu thuyền vỡ nát như mấy chiếc nón giấy dọc vùng bờ sẽ trở thành bờ Bắc Carolina. Nhật ký một thủy thủ viết, “vòng quanh bờ biển… nhưng không thấy lối vào… một cơn bão dữ dội ập tới… chúng tôi buộc phải quay ra để giữ cho mình và con tàu được an toàn, và bị xô đẩy dồn dập bởi một cơn sóng dữ…

Đất liền… toàn đồng lầy nối đầm lầy, chúng tôi quay về tàu… Làm nản lòng tất cả những ai sau này tìm tới đây cư ngụ.”

Những người tìm đất an cư bỏ qua chốn này, và vùng đồng lầy nổi tiếng đây trở thành một tấm lưới, vớt lên một mớ lộn xộn những tay thủy thủ nổi loạn, nạn nhân đắm tàu, con nợ và bọn người trốn chạy khỏi chiến tranh, thuế má hay luật lệ mà họ không ưa. Những kẻ mà bệnh sốt rét không giết chết hay đầm lầy không nuốt chửng sinh ra một bộ lạc người rừng thuộc nhiều chủng tộc và nền văn hóa, mỗi người có thể đốn trụi một khu rừng nhỏ với một cái rìu và vác một con hươu đi hàng dặm. Như lũ chuột sông, mỗi người có riêng một lãnh thổ, nhưng họ phải hòa nhập với cảnh sống ngoài rìa hoặc đơn giản là một ngày biến mất trong đầm tối. Hai trăm năm sau, nhóm này kết nạp thêm những nô lệ bỏ trốn vào đồng lầy và các nô lệ được trả tự do, không xu dính túi và cùng quẫn, tản mát vào vùng đất ngập nước vì chẳng còn bao nhiêu lựa chọn khác.

Có lẽ đó là vùng hiểm ác, nhưng không một tấc đất nào nghèo. Tầng tầng lớp lớp sự sống – cua rù rì ngoe nguẩy, tôm hùm đất sủi bùn, hằng hà chim nước, cá, tôm, sò, hươu béo xị, ngỗng mập núc – chất chồng trên đất hay trong nước. Kẻ không ngại lùng sục tìm bữa ăn sẽ không đời nào chết đói được.

Bấy giờ là năm 1952, nên đã bốn thế kỷ liền vùng đất bị giành quyền sở hữu bởi một chuỗi rời rạc những người không có sổ sách nào ghi lại. Hầu hết là trước cuộc Nội chiến. Một vài kẻ khác đến chiếm dụng đất gần đây, đặc biệt là sau hai cuộc chiến tranh thế giới, khi những người đàn ông trở về trong tan nát và túng quẫn. Đồng lầy không giam giữ mà định nghĩa con người họ, và như tất cả những vùng đất linh thiêng, chúng giữ cho bí mật của họ được vùi sâu. Họ chiếm đất mà chẳng ai quan tâm vì không ai thèm muốn nó. Dù sao, nó cũng chỉ là thứ bãi lầy hoang.

Cũng như cách họ làm lậu rượu whiskey, cư dân đồng lầy đặt ra luật lệ của riêng mình – không giống kiểu luật khắc vào đá hay ghi lên giấy, mà là thứ luật sâu xa hơn, in hằn trong gen họ. Tự nhiên và cổ xưa, như nở ra từ trứng diều hâu với bồ câu. Khi bị dồn vào đường cùng, bí bách, tuyệt vọng hay bị cô lập, con người trở lại với thứ bản năng nhằm thẳng tới sinh tồn. Nhanh gọn và đích đáng. Chúng luôn là những lá chủ bài vì được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác thường xuyên hơn loại gen hiền. Đó chẳng phải đạo lý gì, chỉ là phép toán đơn giản. Giữa đồng loại, bồ câu cũng đánh nhau thường xuyên chẳng kém diều hâu.

Hôm đó má không về. Chẳng ai đả động gì tới chuyện đó. Ba lại càng không. Bốc mùi cá và nước dùng, ông khua nắp nồi loảng xoảng. “Bữa tối có gì hả?”

Mắt cụp xuống, mấy anh chị em chúng nó nhún vai. Ba chửi thề rồi khập khiễng đi ra, trở vào rừng rậm. Đã có nhiều vụ cãi cọ trước đó; má thậm chí đã bỏ đi một hai lần, nhưng lần nào bà cũng quay về, vơ lấy bất kỳ đứa nhỏ nào để ôm ấp.

Hai cô chị lớn nấu bữa tối gồm bánh ngô với đậu đỏ, nhưng không đứa nào ngồi vào bàn ăn như chúng sẽ ngồi với má. Mỗi đứa xúc vội đậu từ nồi, trút đại bánh ngô lên trên, rồi lảng đi ăn ở góc của chúng trên thảm trải sàn hay cái sô-pha sờn cũ.

Kya không ăn được. Nó ngồi trên bậc thềm trước hiên nhìn xuống con đường. Người cao so với tuổi, gầy trơ xương, con bé có nước da rám thẫm và mớ tóc đen, thẳng, dày như cánh quạ.

Màn đêm buộc nó ngừng trông ngóng. Tiếng ếch ồm ộp sẽ vùi đi tiếng bước chân; dẫu vậy, con bé vẫn nằm trên cái giường ngoài hiên, dỏng tai nghe ngóng. Mới sáng hôm đó, nó hãy còn thức dậy trong tiếng mỡ lợn xèo xèo trên chảo sắt và mùi bánh mì sạm nâu trong lò. Kéo cái quần yếm lên người, con bé xộc vào bếp để bày dĩa và nĩa. Nhặt mấy con mọt trong cháo bỏ ra. Hầu như sáng nào cũng vậy, tươi cười, má sẽ ôm lấy nó – “Chào buổi sáng, con gái đặc biệt của má” – và hai má con sẽ làm hết việc này tới việc nọ, thoăn thoắt như múa. Thỉnh thoảng má còn cất giọng hát dân ca hay đọc vài đoạn thơ cho con trẻ: “Chú heo nhỏ đi chợ lon ton.” Hoặc má sẽ đẩy đưa Kya theo điệu jitterbug nhịp dồn, chân họ giẫm bùm bụp lên sàn gỗ dán cho đến khi tiếng nhạc từ cái radio chạy pin dần tắt ngỏm, nghe như nó đang tự hát cho mình nghe dưới đáy một cái thùng tròn. Vào những buổi sáng khác, má lại nói mấy chuyện người lớn mà Kya không hiểu, nhưng con bé đoán rằng lời nói của má cần có chỗ để thoát ra, nên nó thấm lấy từng lời qua da, trong khi tay nhét thêm củi vào lò. Gật gù làm như hiểu rõ.

Sau đó là cái nhốn nháo ngược xuôi khi mọi người thức dậy và ăn sáng. Ba không ở đó. Ông chỉ có hai chế độ: im lặng và gào thét. Nên cũng tốt khi ông cứ ngủ, hoặc không về nhà.

Thế nhưng sáng nay, má im lặng; nụ cười đánh mất, mắt đỏ hoe. Bà cột thấp ngang trán một cái khăn màu trắng theo kiểu hải tặc, nhưng cái viền thâm tím vàng của một vết bầm vẫn lộ ra. Ngay sau bữa sáng, trước khi chén dĩa được rửa sạch, má đã cho vài món tư trang vào vali và theo lối nhỏ mà đi mất.

Sáng hôm sau, Kya lại tới chỗ cũ của nó trên bậc cửa, cặp mắt đen hun hút xoáy xuống con đường như một đường hầm đợi tàu qua. Đồng lầy phía xa bị màn sương bao phủ, sương sà thấp đến nỗi cái gót mềm của nó chạm hẳn xuống bùn. Chân trần, Kya nhịp nhịp ngón chân, xoay xoay ngọn cỏ chọc vào đám ấu trùng kiến sư tử, nhưng một đứa nhỏ sáu tuổi nào có ngồi yên được, chẳng mấy chốc con bé đã la cà tới bãi triều, tiếng nước vỗ liếm láp ngón chân nó. Ngồi xổm bên rìa nước, con bé dõi theo lũ cá tuế vọt qua vọt lại giữa chỗ nắng với chỗ có bóng râm.

Jodie cất tiếng gọi Kya từ đám cọ lùn. Con bé nhìn chăm chăm; có lẽ anh nó tới đưa tin mới. Nhưng trong lúc thằng anh len lỏi qua mấy tán lá đầy gai, con bé nhìn dáng đi lững thững của anh và biết má không có ở nhà.

“Em muốn chơi thám hiểm hông hả?” Jodie hỏi.

“Anh nói anh quá tuổi chơi hám hiểm rồi mà.”

“Đâu, anh nói vậy thôi. Hông bao giờ quá tuổi cả. Đua đi!”

Hai đứa ùa chạy qua bãi triều, băng rừng cây lao ra bờ biển. Kya ré lên khi thằng anh vọt qua mặt nó và cười nắc nẻ cho tới khi chúng chạy đến chỗ cây sồi lớn chìa ra trên cát những cánh tay khổng lồ. Jodie và anh cả Murph đã đóng vài miếng ván lên cành cây làm đài quan sát và phòng thủ. Giờ thì hầu hết ván gỗ đã sụp xuống, đong đưa một cách nguy hiểm, chỉ dính vào thân cây nhờ mấy cây đinh sét.

Thường ngày, nếu Kya có được cho chơi đoàn thám hiểm thì nó cũng phải đóng vai nô lệ, đưa tới cho các anh bánh mì còn nóng lén lấy từ chảo của má.

Thế nhưng hôm nay Jodie nói, “Em có thể làm thuyền trưởng.”

Kya giơ cao tay phải trong tư thế xông lên. “Đuổi bọn Tây Ban Nha đi!” Hai đứa nhỏ bẻ cây làm kiếm, xộc qua những bụi mâm xôi um tùm, hét váng lên và đâm kẻ thù lia lịa.

Rồi – màn tưởng tượng chợt đến chợt tan – Kya bước lại chỗ một khúc cây phủ đầy rêu và ngồi xuống. Im lặng, Jodie đến ngồi cạnh em. Thằng bé muốn nói gì đó để đứa em gái thôi nghĩ về má, nhưng từ ngữ tắt nghẹn, thế là hai đứa lặng ngắm cái bóng loang loáng bơi bơi của lũ gọng vó.

Sau khi quay về, Kya trở lại chỗ bậc thềm và đợi thật lâu, nhưng trong lúc nhìn đăm đắm về phía cuối đường, nó không hề khóc. Gương mặt nó bất động, môi mím lại thành một đường mỏng dưới đôi mắt khắc khoải kiếm tìm. Nhưng ngày hôm đó má cũng không trở lại.

Mời các bạn đón đọc Xa Ngoài Kia Nơi Loài Tôm Hát của tác giả Delia Owens & Trương Hoàng Uyên Phương (dịch).

Download

Xa Ngoài Kia Nơi Loài Tôm Hát

Bookmark (0)
Please login to bookmark Close

Giới thiệu Xa Ngoài Kia Nơi Loài Tôm Hát Tweet! Sáu triệu bản bán ra trên toàn thế giới 58 tuần trong danh sách bán chạy của New York Times…

Bookmark (0)
Please login to bookmark Close