Vũ Bằng: Các tác phẩm mới tìm thấy – Lại Nguyên Ân

Vũ Bằng: Các tác phẩm mới tìm thấy – Lại Nguyên Ân

[toc]


Giới thiệu ebook

Vũ Bằng: Các tác phẩm mới tìm thấy – Lại Nguyên Ân


Cuốn sách mà bạn đọc đang cầm trong tay là một sưu tập những tác phẩm của nhà văn Vũ Bằng (1913-1984) do tôi tìm được, phần lớn từ cuối năm 2000.

Tôi vốn không phải là một chuyên gia về tác giả Vũ Bằng, song việc tôi làm tập sách này không hẳn là sự tình cờ.

Hồi cuối năm 2000, khi tôi được mời đi thăm và đọc tài liệu tại Đại học California ở Berkeley, Hoa Kỳ, mối quan tâm chính của tôi là đi tìm tác phẩm của tác gia Phan Khôi (1887-1959). Khi ấy sự hiểu biết của tôi về báo chí chữ Việt trước 1945 còn khá ít ỏi; để tìm dấu tích tác gia mình định tâm tìm, tôi chúi đầu vào nhiều tờ khác nhau (cố nhiên tất cả đều là đọc trên bản chụp microfilm, do thư viện các đại học ở Mỹ mua bản chụp các sưu tập báo Việt từ nguồn lưu trữ của Pháp). Và một trong những điều ngẫu nhiên đã xảy ra: Với không ít tờ báo cũ, tôi không thấy dấu tích bài đăng của Phan Khôi nhưng lại thấy bài vở của nhiều tên tuổi quen thuộc khác, như Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân, Bùi Hiển, Kim Lân… và tất nhiên, Vũ Bằng.

Cũng xin nhắc lại rằng vào năm 2000 ấy, đối với làng văn chính thống ở ta, tên tuổi Vũ Bằng như là vừa được đưa từ bóng tối ra ánh sáng. Trước đó, trường hợp Vũ Bằng nằm chung trong số những tác giả đô thị miền Nam thời kỳ 1954-1975, do vậy chỉ một số tác phẩm của ông được in lại một cách dè dặt. Thế rồi có một sự việc gây đột biến: những thông tin hé lộ ra rằng Vũ Bằng là một chiến sĩ tình báo được “bên ta” cài vào nằm vùng trong vùng “quân địch” suốt thời gian kháng chiến, – đã mau chóng làm thay đổi hẳn thái độ đối xử từ phía dư luận chính thống đối với tác gia này. Một loạt tác phẩm riêng lẻ của ông được tái bản. Đồng thời, ngay trong năm 2000, một Tuyển tập Vũ Bằng gồm ba tập được biên soạn và ra mắt rất nhanh. Sau đấy ít năm nữa, một bộ sách mang nhan đề Toàn tập Vũ Bằng cũng đã được in ra.

Thế nhưng, hầu hết những tác phẩm của Vũ Bằng mà tôi sưu tầm được từ cuối năm 2000 kia, hoàn toàn nằm ngoài các bộ sách đó!

Bạn đọc có thể lấy làm ngạc nhiên về điều ghi nhận tôi vừa kể. Song những ai hiểu biết thực trạng nghiên cứu và biên khảo ở ta hiện nay, hẳn đã lường trước được tình trạng đó.

Ở nơi nào khác, với mặt bằng nghiên cứu và mặt bằng xuất bản hoạt động theo những chuẩn mực cao, các tuyển tập của các tác gia chỉ có thể là kết quả của việc nghiên cứu và hệ thống hoá toàn bộ sự nghiệp trứ thuật, sáng tác của tác gia ấy; do vậy, trong các bộ tuyển tập, toàn tập hoàn toàn không thể thiếu những mảng tác phẩm đáng kể của họ.

Vì thế tôi rốt cuộc phải soạn những tác phẩm của Vũ Bằng mà tôi sưu tầm được từ tám chín năm trước thành một cuốn sưu tập riêng.

Do chỗ không phải là người nghiên cứu chuyên về tác gia này, tôi chỉ có thể đưa ra một sưu tập những tác phẩm tôi tìm thấy chứ không thực hiện một loại công trình “bổ di” cho những cuốn tuyển đã có. Tất nhiên, tôi cũng sẽ không lặp lại những gì đã được đưa vào các cuốn tuyển đã có. Trong chừng mực nhất định, tôi cũng có lưu ý tìm thêm đọc thêm về tác giả này và đã thấy những nguồn tác phẩm khác nữa. Chẳng hạn, chùm tác phẩm mà người ta cho là đầu tay của Vũ Bằng, – không phải quá khó để tìm ra chúng, nếu người ta thực sự muốn tìm chứ không chỉ thốt ra vài ba thán từ thật sến để mị người đọc. Tôi đã toan đưa vào sưu tập này truyện Con ngựa già và loạt tác phẩm Vũ Bằng đăng báo Đông tây ở Hà Nội hồi 1931-1932, song nghĩ lại, thấy chỉ nên kê một danh mục để các nhà biên khảo chuyên về tác gia này đi khai thác1.

Trong sưu tập này, ngoài một phóng sự của Vũ Bằng đăng năm 1938 trên tuần báo Dư luận, và một phóng sự Vũ Bằng viết cùng với Tam Lang đăng năm 1946 trên nhật báo Kiến quốc, còn lại đều là các bài vở ký Vũ Bằng hoặc Tiêu Liêu đăng trên tuần báo Trung Bắc chủ nhật, từ 1940 đến 1945; trong số này, tôi chỉ bỏ qua loạt bài Bàn về tiểu thuyết và thiên hồi ký Cai, – hai tác phẩm này sau khi đăng Trung Bắc chủ nhật đã in thành sách riêng, và gần đây, nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn đã sưu tầm và đưa in lại2. Tôi cũng chỉ lấy các bài mà tác giả ký là Vũ Bằng hoặc Tiêu Liêu, không lấy các bài ký các bút danh khác, được biết cũng là của Vũ Bằng, như Thiên Tướng chẳng hạn.

Điều mà tôi muốn lưu ý nhất ở các tác phẩm của Vũ Bằng trong sưu tập này, là ý nghĩa đáng kể về tư liệu. Đây không chỉ là các tác phẩm mà còn là những tư liệu, thậm chí là loại tư liệu hiếm, quý, về nhiều phương diện khác nhau.

Vì hầu hết các bài trong sưu tập này đều rút từ Trung Bắc chủ nhật, xin nói chút ít về tờ tuần báo này. Ban đầu, tên gọi của nó là Trung Bắc tân văn chủ nhật, tức là một ấn phẩm ra hằng tuần của nhật báo Trung Bắc tân văn (tờ nhật báo này ban đầu là chi nhánh của tờ Lục tỉnh tân văn ở miền Trung và miền Bắc, chủ nhiệm là E. Schneider, chủ bút là Nguyễn Văn Vĩnh, hoạt động từ 1913 đến 1941); người quản lý tờ tuần báo này là Dương Phượng Dực. Khi Trung Bắc tân văn đóng cửa, tuần báo này đổi tên là Trung Bắc chủ nhật, người đứng chủ trương là Nguyễn Doãn Vượng; từ số 257 chủ nhiệm là Nguyễn Văn Luận. Tính ra tờ này ra được 262 số, từ 3.3.1940 đến 16.9.1945.3

Có thể nói, trong mặt bằng báo chí tiếng Việt đương thời ở miền Bắc, Trung Bắc chủ nhật là tờ tuần báo văn hoá xã hội phổ thông. Tờ tuần báo này là nơi giới thiệu khá nhiều tác phẩm của những nhà văn “tiền chiến lớp sau” như Nguyễn Tuân, Nam Cao, Hồ Dzếnh, Kim Lân, Bùi Hiển, Tam Kính, v.v… Song phần dành đăng sáng tác thơ văn dù sao cũng ít hơn so với các nội dung tri thức văn hoá xã hội, đáp ứng nhu cầu hiểu biết của các giới trung lưu trong thị dân đương thời. Do vậy, nhiều cây bút đa năng, có thể dịch thuật kiến thức Âu Tây, lại cũng có thể biên khảo tư liệu Á Đông cổ truyền, đã quần tụ chung quanh tuần báo này, đáng kể nhất là những nhà văn, nhà báo kỳ cựu như Ngô Tất Tố, Đào Trinh Nhất (ông này bị trục xuất từ Nam Kỳ ra Bắc), Doãn Kế Thiện, v.v…

Vai trò của Vũ Bằng trên Trung Bắc chủ nhật, trong phần lớn thời gian tồn tại của tuần báo này, có thể hiểu như là thư ký toà soạn (điều này là đoán nhận qua nội dung báo chứ không thấy ghi rõ ràng trên manchette báo). Vai trò này không chỉ thể hiện ở việc chèo lái toà soạn, ở việc sắp xếp nội dung bài vở các số báo, mà còn bộc lộ ở chính một phần đáng kể các bài báo của Vũ Bằng. Chẳng hạn, mục “Không đó… thì đây” ở hầu hết các số báo từ tháng 9 đến hết năm 1940, điểm các sự kiện thời sự văn hoá xã hội từ lớn đến nhỏ được các báo hàng ngày nêu trong tuần lễ trước đó; hoặc các loại bài dẫn nhập các số báo mang tính chuyên đề. Bạn đọc sẽ thấy trong sưu tập này khá nhiều bài Vũ Bằng viết nhằm mở đầu hoặc kết thúc những ý kiến, những chùm tư liệu của nhiều tác giả khác nhau xung quanh mỗi chuyên đề của từng số báo: số về vùng Láng ngoại ô Hà Nội, số về mùa thu, số về văn hoá Nhật Bản, số về Thái Lan, số về hội Lim, số về chiếu bóng, số về tuồng, số về nạn mê tín dị đoan, số về nạn lang băm, số về hội chợ, số về báo chí, số về nạn lụt, v.v… Chính việc phải ứng phó với các loại đề tài kiến thức phổ thông về văn hoá xã hội trong và ngoài nước, đáp ứng nhu cầu hiểu biết ngày càng rộng của cư dân trung lưu đô thị, đã buộc một cây bút vốn ban đầu chỉ tự thấy có khiếu viết văn và yêu thích vẻ năng động của nghề báo đã phải tự mở rộng không ngừng tầm hiểu biết của mình, phải tự xác định và tự bồi bổ một quan niệm trước các vấn đề xã hội, chính trị, văn hoá đương thời.

Vũ Bằng thuộc thế hệ người Việt thứ hai hoặc thứ ba bước vào nghề báo, khi mà nghề báo và nghề văn vẫn chưa tách hẳn khỏi nhau;4 thể tài mà ông viết thạo và viết hay, thường vẫn là các loại bài có chất phóng sự, ký sự, nơi mà những khám phá về các nét cụ thể của đời sống người Việt chừng như có sự ăn nhập tuyệt vời với văn mạch, với ngôn từ của tác giả. Những phóng sự về nghề mai mối, về tật ghen tuông của những “sư tử Hà Đông”, về chuyện kén rể, v.v… trong sưu tập này cho thấy điều đó.

Lần theo ngòi bút làm báo của nhà văn Vũ Bằng, chúng ta sẽ có dịp trải nghiệm lại thậm chí cả những ấu trĩ về nhận thức của nhân loại ngay trong thời đại của khoa học, trên những đề tài như về những quái thai, về ma-cà-rồng… vốn đã từng một thời ám ảnh dư luận nhiều nước văn minh.

Lại cũng có sự việc rất sáng sủa, vì thuộc lĩnh vực văn hoá, nhưng lại nảy ra dưới tác động của những sự kiện lịch sử tiêu cực; nói cụ thể, đó là một số hoạt động văn hoá những năm 1940, sau khi quân phát xít Nhật vào Đông Dương, như triển lãm tranh của hoạ sĩ Fujita, triển lãm hàng mỹ thuật Nhật Bản ở Hà Nội,… trong thời gian ấy Vũ Bằng cũng viết không ít bài về văn hoá Nhật, dịch thuật một số tác phẩm văn học Nhật. Theo suy nghĩ của tôi thì những hoạt động đó, mặc dù đương thời đã diễn ra được là do sự có mặt của cái thế lực đã bị tiến trình lịch sử lên án và phủ định, nhưng những hoạt động văn hoá đó vẫn đọng lại ý nghĩa giao lưu văn hoá tốt đẹp. Đọc lại những trang Vũ Bằng viết hoặc dịch về đề tài này thời ấy, ta chỉ thấy nội hàm về những đặc sắc đáng quý trọng trong văn hoá của một dân tộc. Thậm chí trong một truyện võ hiệp về hận thù đã kết thúc bằng sự giải toả thù hận.

Có một chùm bài viết nữa của Vũ Bằng khiến tôi truy tìm chăm chú hơn hẳn các loạt bài khác, ấy là chùm bài về thời sự xã hội chính trị những năm 1945-1946. Vì sao vậy? Có lẽ vì từ rất lâu rồi, để minh chứng phản xạ của giới nhà văn Việt Nam đối với các biến cố xã hội 1945-1946 trong và ngoài nước, giới nghiên cứu mới chỉ có được rất ít, quá ít tài liệu cụ thể. Trong những cuốn giáo trình văn học sử của Đại học Sư phạm hoặc Đại học Tổng hợp Hà Nội soạn hồi những năm 1960-1970, chỉ thấy người ta dẫn ra tuỳ bút Vô đề của Nguyễn Tuân hoặc bút ký Đường vô Nam của Nam Cao. Mà ở cả hai bài ký ấy người ta chỉ đọc thấy thái độ của nhà văn chứ hầu như không thấy bóng dáng đời sống sự kiện hiện thực đương thời.

Vậy mà trên Trung Bắc chủ nhật chỉ trong năm 1945, ta sẽ thấy có trên một chục bài thuộc loại nói trên của Vũ Bằng. Các sự kiện quốc tế như tin Hitler tự tử, nước Đức quốc xã sụp đổ, phe Đồng Minh thắng lợi và kết thúc thế chiến thứ hai; các sự kiện ở ngay trên đất này như quân Nhật ở Đông Dương làm đảo chính, quân Pháp thua chạy, vua Bảo Đại lập nội các cho “Việt Nam Đế quốc”, rồi Cách mạng tháng Tám và sự thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, – bấy nhiêu sự kiện đều ít nhiều có hồi âm trong các bài báo thời ấy của Vũ Bằng. Ngày nay, bằng vào đó, chúng ta có thể coi ông như một trong những nhân chứng của các biến cố lớn ấy, hơn nữa, là một trong những nhân chứng hiếm hoi và nặng ký.

Quả vậy. Có thể nói, nhờ ngòi bút đưa tin kiểu phóng sự của ông, ngày nay ta mới biết có những hoạt động xã hội của giới nghệ sĩ ở Hà Nội như biểu diễn lấy tiền ủng hộ binh sĩ bị thương; hoặc triển lãm tranh “cổ động nền độc lập” ngay sau khi thực dân Pháp bị tước quyền cai trị ở xứ mình; những thảo luận về quốc ca và quốc kỳ cho một nước Việt độc lập; việc đặt vấn đề dùng hoàn toàn Việt ngữ trong giáo dục phổ thông; việc đặt vấn đề cải cách chương trình dạy ở trường mỹ nghệ, v.v. Cũng chỉ nhờ ngòi bút nhà văn làm báo này, ta mới biết có những va chạm Việt-Pháp trong cư dân ở ngay những ngày “hậu thực dân” đầu tiên. Chỉ nhờ ngòi bút nhà văn làm báo ghi nhanh, ta mới còn biết có những nét của biến thiên lịch sử vụt thoáng qua rất nhanh: học giả Trần Trọng Kim trong vai trò thủ tướng; việc khôi phục Hà Nội trong quy chế một thành phố của nước Việt Nam độc lập; việc Hà Nội khôi phục đền Trung Liệt thờ những bậc quản thủ đã tử tiết vì thành phố… Kịp đến khi nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà được dựng lên, ta đã thấy Vũ Bằng lên tiếng khá sớm; tất nhiên ông không ở trong nhóm sáng lập Văn hoá Cứu quốc, những ý kiến của ông, từ một chỗ đứng khác, vẫn nhấn vào ý thức “nhận đường” của người trí thức trước vận mệnh dân tộc, trước những vấn nạn sống còn của một nhà nước mới, một chế độ mới. Hai bài báo của Vũ Bằng sau sự kiện 2.9.1945 trên hai số cuối của tuần báo Trung Bắc chủ nhật cho thấy tình cảm trách nhiệm rõ rệt của nhà văn.

Là một sưu tập có tính chất lư liệu nên tôi giữ nguyên tất cả giọng văn và những đoạn kiểm duyệt của nhà cầm quyền cũ.

Trên đây là đôi điều mang tính chất thuyết minh về những bài báo và tác phẩm của nhà văn Vũ Bằng do tôi sưu tầm được và công bố lại trong tập sách này. Như đã nói từ đầu, tôi không phải là chuyên gia về tác giả Vũ Bằng. Dựa vào những gì mà một số nhà báo hoặc nhà phê bình đã viết về Vũ Bằng, tôi cho rằng việc nghiên cứu về tác gia này mới chỉ đạt được những kết quả ít ỏi. Tập sách này, – hầu như chỉ gắn với việc theo dõi hoạt động của ngòi bút Vũ Bằng trên một tờ tuần báo ở Hà Nội những năm 1940-1945 – là một nỗ lực khá hạn chế, mong góp một phần rất nhỏ vào việc làm rõ các phạm vi hoạt động và cống hiến của ông.

Rất mong nhận được sự nhận xét góp ý của bạn đọc và đồng nghiệp trong giới sưu tầm nghiên cứu về sưu tập này.

Hà Nội, những ngày đầu xuân Mậu Tý 2008

LẠI NGUYÊN ÂN

***
Vũ Bằng: Các tác phẩm mới tìm thấy gồm có:
  • Cá ngựa! Cá ngựa!
  • Không đó thì đây
  • Chuyện mười lăm năm cũ
  • Láng ban đêm
  • Ngoảnh lại trông xuân
  • Mực
  • Nước Nhật với trăng mùa thu
  • Xiên lình
  • Vinh nhục của mụ mối
  • Nghệ thuật hát bội ở Phù Tang Tam Đảo
  • Geisha
  • Vụ đi thề ở đền Bạch Mã
  • Thời kỳ thứ nhất Việt Nam lấy ba tỉnh ở Chân Lạp
  • Năm 1940 đã hết
  • Chén trà tàu đầu xuân
  • Hội Lim đã mất, hội Lim vạn tuế
  • Công dụng lớn lao của chiếu bóng về phương diện xã hội và mỹ thuật
  • Ngày mai chiếu bóng sẽ ra sao?
  • Sự mê tín chung quanh những quái thai1
  • Ma cà-rồng1
  • Một vài sân vận động nữa! Một vài bể bơi nữa!
  • Sau những nạn giết người bằng thuốc
  • Trừ nạn lang băm lang bổ
  • Phê bình Phương Tây trả lời
  • Khi những bà sư tử Hà Đông tức giận
  • Cuộc đời lên voi xuống chó của vua diêm
  • Tuồng cổ có còn hy vọng được trông thấy những ngày tốt đẹp nữa không?
  • Rabindranath Tagore từ trần
  • Cây chaumoolgra không có gì là lạ!
  • Gió mùa thu, lá vàng rụng bay…
  • Nạn khan giấy, một nguy cơ không nhỏ cho làng văn và làng báo ở đây
  • Hội chợ Nữu Ước năm 1939
  • Đi xem kỹ nghệ và tiểu công nghệ Bắc Kỳ
  • 450 ngàn triệu về việc quốc phòng
  • Nữu Ước phen này liệu có bị ném bom không?
  • Hết hội chợ triển lãm Hà Nội 1941
  • Bổng, quán quân xe đạp 1933-1934
  • Con sên leo dốc
  • Xuân không có tuổi
  • Tết năm nay có gì lạ?
  • Thiên đường của báo chí
  • Con đường đầy ánh sáng
  • Mấy ý nghĩ về Trời
  • Ấn Độ huyền bí
  • Săn rể, tậu rể, lùng rể, bán đấu giá rể đây!
  • Dưới bóng mặt trời không có gì lạ!
  • Đồ Sơn
  • Vụ lụt sông Mississippi
  • Những nạn động đất
  • Gốc tích xe hoa và hoa giấy trong các chợ phiên
  • Dân cư và thành thị Algérie
  • Tết cùng
  • Có hải quân mạnh chưa đủ, còn cần cả hải thương…
  • Cô Kiều không hề lẫn chữ tội với chữ công
  • Một nhân vật thời chiến quốc: Kinh Kha
  • Xuân già
  • Nhân ngày 2 Mai là ngày giỗ Nguyễn Văn Vĩnh
  • Gánh chung việc nghĩa liều ra mặt
  • Quốc kỳ
  • Từ việc dùng Việt ngữ trong kỳ thi sơ học bổ túc đến việc soạn sách giáo khoa cho các trường
  • Sẵn sàng để đợi
  • Lấy máu trong tim ra để vẽ tranh
  • Nghệ sĩ trước những sự cải cách của đất nước cần phải làm gì ngay?
  • Cứ cho họ uống!
  • De Gaulle cần phải kể tội De Gaulle trước!
  • Hà Nội có gì lạ?
  • Ba bức thư thượng khẩn ta lại gửi cho ta bức thư thứ nhất
  • Bức thư thượng khẩn thứ hai ta lại gửi cho ta
  • Cần kiệm liêm chính 1946

Mời các bạn đón đọc Vũ Bằng: Các tác phẩm mới tìm thấy của tác giả Lại Nguyên Ân.

Download ebook

Vũ Bằng: Các tác phẩm mới tìm thấy – Lại Nguyên Ân


FULL:


AZW3


EPUB


MOBI


PDF

Download App tải ebook,sách nói, khóa học tốt nhất: https://h.nhuttruong.com/app
Website: https://www.trươngđịnh.vn
Page:https://www.facebook.com/truongdinhvn/
Mail:www.truongdinh.vn@gmail.com

Bookmark (0)
Please login to bookmark Close

[toc] Giới thiệu ebook Vũ Bằng: Các tác phẩm mới tìm thấy – Lại Nguyên Ân Tweet! Cuốn sách mà bạn đọc đang cầm trong tay là một sưu tập…

Bookmark (0)
Please login to bookmark Close