Vụ Án Lerouge

Vụ Án Lerouge

Giới thiệu

Vụ Án Lerouge




Vào ngày thứ 5, 6 tháng 3 năm 1862, một vụ án mạng đã làm ngôi làng La Jonchère thanh bình bị chấn động: bà quả phụ giàu có Lerouge bị sát hại dã man tạị nhà riêng. Điều tra viên Lecoq đã phải nhờ sự giúp đỡ của một thám tử nghiệp dư cũng là người thầy của mình, lão Tabaret, tham gia vào cuộc điều tra. Với sự cẩn trọng, tỉ mỉ,  kĩ thuật  phát họa tâm lí tội phạm xuất sắc cùng phương pháp suy luận chặt chẽ, tài tình, lão Tabaret đã lần theo manh mối và dễ dàng tóm được thủ phạm.

Khi vụ án tưởng chừng đã khép lại thì những bước ngoặt của số phận lại bất ngờ mở ra một hướng đi mới, khiến các điều tra viên phải xem xét lại toàn bộ những suy luận của mình. Những tình tiết mới xuất hiện sẽ đưa vụ án này đi đến đâu? Những bí mật đen tối nào đang bị lớp màn của thời gian che phủ.

BẤT NGỜ, HẤP DẪN là những gì độc giả nhận xét khi đọc cuốn tiểu thuyết trinh thám này của Gaboriau.

Giới thiệu tác giả Émile Gaboriau

Émile Gaboriau (1832 – 1873) là một trong những tiểu thuyết gia “mở màn” cho thời kỳ đỉnh cao của trinh thám Pháp, đưa trinh thám Pháp sánh ngang với trinh thám Anh, trinh thám Âu Mĩ.  Bạn đọc ở Việt Nam biết đến ông với Hồ sơ số 113Tội ác ở Orcival

Bằng việc xây dựng thành công hình tượng nhân vật thám tử tài ba, tài trí Lecoq, Émile Gaboriau đã trở thành một trong những nhà văn trinh thám kiệt xuất trên thế giới và được mệnh danh là “Ông tổ” của tiểu thuyết trinh thám Pháp. 

***

“Liệu có gì ghê tởm hơn sự gán ghép hai ý nghĩ ấy với nhau, lòng căm hận và công lý! Không cần coi thường mình hơn so với những kẻ xấu xa mà mình đã kết án, liệu một quan tòa có thể cho phép nhớ rằng một kẻ tội nhân mà số phận đang nằm trong tay mình đã từng là kẻ thù của ông? Một Thẩm phán điều tra liệu có được phép sử dụng những quyền lực thái quá của mình để chống lại một bị can, khi mà sâu trong tâm can ông ta vẫn còn một giọt mật đắng?”

Một đoạn miêu tả tâm lý nhân vật thật xuất sắc với những đấu tranh nội tâm về việc có nên đem chuyện riêng tư vào phép công hay không? Thực chất, nếu đặt bản thân vào hoàn cảnh của nhân vật, chúng ta liệu có công tư phân minh được hay không? Hay cũng chỉ áp dụng quyền hành mà bản thân đang có để triệt tiêu tất cả những mối thù hận và căm hờn lên kẻ thù đang đứng trước mặt? Đôi khi đọc sách là thế, là khiến tôi phải suy ngẫm về những đoạn nhỏ trong sách để tự vấn lòng mình xem bản thân sẽ làm như thế nào với tình huống đó.

“Vụ án Lerouge” mở ra với bối cảnh làng La Jonchere bình yên, thế nhưng tất cả mọi người đã bị chấn động bởi cái chết của bà quả phụ Lerouge. Hàng loạt thắc mắc được đặt ra và người ta không hiểu tại sao bà ta bị giết, ai có thể ra tay tàn độc như vậy. Lần này, sự xuất hiện của ông thám tử nghiệp dư Tabaret là một điểm nhấn thú vị và rõ ràng là ông ta có phần tài giỏi hơn cả Lecoq khi sớm tìm ra được hung thủ. Ở nhân vật này, chúng ta sẽ thấy được bóng dáng của Holmes bởi khả năng quan sát mọi việc và tình tiết rất cẩn trọng. Một chút tự mãn được thêm vào tài năng phá án của lão đã tạo ra một cá tính hết sức riêng biệt, đôi chút hài hước và đôi chút khó ưa.

Thực ra, ở “Vụ án Lerouge”, việc hung thủ bị lộ diện không còn là yếu tố hút bạn đọc nữa. Điểm hay nhất chính là mối tình xưa cũ của nhân vật được tiết lộ khiến cho chúng ta thêm phần đồng cảm và thích thú nhiều hơn. Tình yêu bi ai được khai thác triệt để và rõ ràng sẽ lấy được nước mắt bạn đọc. Khổ trong tình yêu và tội ác được nảy sinh không phải là một mối kết nối quá mới nhưng với việc khai thác sâu sắc đã khiến cho câu chuyện thật sự thành công và đầy sâu sắc. Nếu những định kiến của xã hội và kiêu hãnh của con người có thể áp chế tình yêu thì sao nó không thể áp chế được luôn cả những bi kịch đã nảy sinh từ những uất ức đó?!

Nhìn chung, “Vụ án Lerouge” đã mang tới một câu chuyện đầy ai oán cho bạn đọc với sự lồng ghép tuyệt vời giữa miêu tả tâm lý nhân vật với những đoạn phá án khá kịch tính. Sự thật và những mâu thuẫn tâm lý đã đẩy câu chuyện đến mức cao trào nhất; đôi lúc, tôi còn cảm thấy bất ngờ như chính cảm xúc của nhân vật trong truyện vì không ai có thể ngờ mọi chuyện lại diễn biến theo chiều hướng ấy. Tham, sân, si của lòng người đều hiện rõ qua cách diễn đạt của tác giả Émile Gaboriau và nếu phải suy ngẫm về tình đời, tình người thì mọi chuyện đều diễn ra cay đắng quá, khó mà chấp nhận được.

(Trần Nguyễn Phước Thông, FB Trần Thông, 25-01-2020)

Trần Thông

***

Émile Gaboriau

Chắc các bạn chưa quên “trai đẹp” trong Hồ sơ số 113, “gái đẹp” trong Tội ác ở Orcival. Nay các bạn sẽ biết thêm “ông già” Tabaret rất thú vị.

Tại ngôi làng La Jonchere thanh bình, bà quả phụ Lerouge bị sát hại tại nhà. Ở một ngôi làng từ trước tới giờ luôn thanh bình, tại sao bà quả phụ Lerouge lại bị sát hại? Nguyên nhân khiến bà bị sát hại là gì?

Tất cả các câu hỏi đó được giải đáp nhờ sự trợ giúp của vị thám tử nghiệp dư, lão Tabaret. Người được gọi là thầy của anh chàng thám tử gà trống Lecoq.

Dưới con mắt của thanh tra Gevol, lão Tabaret là một ông già tự phụ như một con công, dễ nổi khùng, dễ mắc lừa, lão làm trinh thám chỉ để chứng tỏ tài năng của mình, giống như một nghệ sĩ không hơn không kém. Mặc dù đôi lúc có sự nhiệt tình thái quá nhưng không thể phủ nhận tài năng của lão Tabaret. Sự cẩn trọng, tỉ mỉ, khả năng quan sát, suy luận sắc bén. (Sự quan sát tỉ mỉ có bóng dáng của thám tử Sherlock Holmes quen thuộc).

Dĩ nhiên có sai lầm thì mới là con người, đâu phải ai cũng thông minh hoàn hảo. Lecoq “trai đẹp” chỉ là cameo trong tập này thôi. Sân khấu chính là lão Tabaret.

Không biết có phải do đọc kha khá trinh thám rồi nên “khôn” hơn hay do vụ án mà Boog đoán được cả hung thủ lẫn nguyên nhân gây ra tội ác nên không bất ngờ lắm về hung thủ.

Tuy nhiên, để lại cảm xúc ở vụ án này không phải ở khía cạnh trinh thám mà là khía cạnh tình cảm. Boog khá là xúc động, cảm thông cho mối tình bi ai của nhân vật. Tại sao yêu nhau không đến được với nhau, để giờ đây hai ta phải khổ đau. Những rào cản định kiến, sự ngăn cách của xã hội, sai lầm bồng bột của tuổi trẻ đã để lại một bi kịch mà lớp đất thời gian không thể chôn vùi.

Đánh giá cá nhân: 7,5/10

Binh Boog

***

Thứ Năm ngày 6 tháng Ba năm 1862, hai ngày sau ngày Thứ Ba Ăn Mặn*, năm người đàn bà ở làng La Jonchère đã đến trình diện tại Sở Cảnh sát xã Bougival.

Họ báo với cảnh sát rằng từ hai ngày nay không ai nhìn thấy hàng xóm của họ là bà quả phụ Lerouge, người sống một mình trong một ngôi nhà nhỏ biệt lập. Sự im ắng này khiến họ lo lắng. Sợ là có án mạng hay ít nhất là một tai nạn gì đó, họ yêu cầu “luật pháp” phá cửa vào nhà xem có chuyện gì để được yên tâm.

Bougival là một xứ sở đáng yêu, cứ Chủ nhật là trai gái lại chèo xuồng về đây; tội phạm cũng nhiều nhưng hiếm có án mạng. Vì thế, ban đầu viên thanh tra khước từ lời cầu xin của mấy người đàn bà, nhưng họ cứ nài nỉ mãi và cuối cùng nhà chức trách đã phải nhượng bộ. Ông cho gọi viên cai đội hiến binh đến cùng với hai nhân viên, sai người tìm một anh thợ khóa, rồi cả tốp cùng đi theo hàng xóm của bà quả phụ Lerouge.

Làng La Jonchère là một ngôi làng nhỏ nằm trên triền dốc đổ xuống sông Seine, giữa xã Malmaison và xã Bougival. Nó cách con đường lớn hai mươi phút, con đường lớn đó chạy từ Paris đi Saint-Germain qua Rueil và Port-Marly. Dẫn đến làng là một con đường dốc đứng mà ngành cầu đường chưa hề biết đến.

Thế là nhóm người, dẫn đầu là tốp hiến binh, đi theo con đường lớn đắp thành một con đê ngăn cách sông Seine với khu vực này, rồi chẳng mấy chốc họ quẹo phải rẽ vào một con đường ngang sâu hút kẹp giữa hai dãy tường gạch.

Đi khoảng một trăm bước, họ dừng lại trước một căn nhà đơn sơ nhưng có vẻ ngoài lịch sự. Với bề sâu kéo dài hơn bề rộng, ngôi nhà có một tầng trệt hai phòng và một tầng áp mái ở trên. Quanh nhà trải rộng một khu vườn gần như không được chăm sóc. Thông ra vườn là một chiếc cổng gỗ nhẹ được buộc hờ bằng một sợi dây thép.

– Ở đây này. – Mấy người đàn bà lên tiếng.

Viên thanh tra cảnh sát dừng bước. Trong lúc đi đường, nhóm người của ông đã nhanh chóng được những kẻ hiếu kỳ và những kẻ vô công rồi nghề ở quanh đây gia nhập. Giờ đây ông đang bị khoảng bốn mươi kẻ tò mò vây quanh.

– Không ai được vào đây! – Ông nói.

Và, để cho mệnh lệnh của mình chắc chắn được tuân thủ, ông cắt cử hai anh hiến binh đứng gác trước lối vào, rồi ông bước tới, theo sau là viên cai đội và anh thợ khóa.

Ông đích thân chĩa đầu cây gậy cạp chì gõ mạnh nhiều lần, đầu tiên là vào cánh cửa, sau đó là tất cả các ô cửa con. Sau mỗi cú gõ ông lại áp tai vào vách gỗ nghe ngóng. Không thấy động tĩnh gì, ông quay sang anh thợ khóa, ra lệnh:

– Mở khóa đi.

Anh thợ khóa mở túi dụng cụ và chuẩn bị đồ nghề. Anh đang lùa một cái que móc vào ổ khóa thì trong đám người hiếu kỳ có tiếng reo lên:

– Chìa khóa! Chìa khóa đây này!

Quả thực, một cậu bé chừng mười hai tuổi, trong lúc đang chơi với tụi bạn đã nhìn thấy một chiếc chìa khóa to nằm trong cái rãnh bên đường; cậu bé nhặt lên và đắc thắng đem tới.

– Đưa đây, cậu bé, – viên cai đội nói – đưa chúng ta xem nào.

Chìa khóa được đưa vào mở thử; đúng là chìa của ngôi nhà. Ông thanh tra và anh thợ khóa nhìn nhau đầy vẻ lo lắng sợ sệt.

– Không hay rồi! – Viên cai đội lẩm nhẩm.

Rồi họ vào trong nhà, trong khi đám đông, bị hiến binh vất vả giữ lại, vừa giậm chân sốt ruột, vừa cố ngó qua tường để nhìn vào trong xem chuyện gì đã xảy ra.

Thật đáng tiếc là những kẻ phỏng đoán có án mạng đã không nhầm, ông thanh tra cảnh sát tin chắc như vậy ngay từ ngưỡng cửa. Trong căn phòng đầu tiên, tất cả đã tỏ rõ sự có mặt của những kẻ bất lương. Đồ đạc trong nhà, một chiếc tủ ngăn kéo và hai chiếc hòm lớn, đã bị phá đáy. Trong căn phòng thứ hai, là phòng được dùng làm buồng ngủ, quang cảnh còn lộn xộn hơn. Có thể hình dung rằng một bàn tay giận dữ đã vô cớ làm đảo lộn mọi thứ.

Cuối cùng, bên cạnh lò sưởi, xác bà quả phụ Lerouge nằm dài với khuôn mặt vùi trong tro. Nửa khuôn mặt và tóc bị cháy thui, và thật kỳ diệu là lửa không bén đến quần áo.

– Bọn vô lại, – viên cai đội thì thầm – chẳng lẽ chúng không thể ăn cắp mà không phải giết chết người đàn bà tội nghiệp này ư!

– Nhưng bà ta bị đâm ở chỗ nào? – Ông thanh tra hỏi – Tôi không thấy máu.

– Đây này, giữa hai vai đó, thưa ngài thanh tra. – Viên cai đội nói tiếp. – Hai cú đâm mạnh! Tôi xin lấy quân hàm của tôi để đánh cược là thậm chí bà ta đã không kịp kêu lên một tiếng “Ối!”.

Ông cúi người, đặt tay lên thi thể.

– Ồ, – ông nói tiếp – xác bà ấy đã lạnh thật rồi. Mặc dù có vẻ chưa cứng lắm, ít nhất bà ấy cũng đã tắt thở được ba mươi sáu giờ đồng hồ.

Ông thanh tra ngồi vào một góc bàn ghi vội tờ biên bản.

– Thôi không nói dông dài nữa, – ông bảo viên cai đội – giờ là lúc phải tìm ra thủ phạm. Hãy đi báo cho ngài Thẩm phán hòa giải và ngài xã trưởng đi. Còn nữa, hãy chạy đi Paris đưa bức thư này cho Viện Công tố. Trong hai giờ đồng hồ một Thẩm phán điều tra sẽ có mặt tại đây. Trong khi chờ đợi, tôi sẽ tiến hành một cuộc khám xét sơ bộ.

– Chính tôi phải đưa bức thư này ư? – Viên cai đội hỏi.

– Không, hãy cử một nhân viên của ông đi. Ông sẽ ở đây giúp tôi ngăn đám người tò mò kia và kiếm cho tôi các nhân chứng. Cứ để yên hiện trường đó, tôi sẽ sang căn phòng đầu tiên kia.

Bà quả phụ Lerouge này là ai, quê ở đâu, bà làm nghề gì, lấy gì để sống, và sống như thế nào? Bà có thói quen gì, những mối giao du của bà thế nào? Kẻ nào có hiềm thù với bà, bà có hà tiện không, liệu bà có tiền không? Đó là những điều quan trọng mà ông thanh tra muốn biết.

Nhưng cho dù có nhiều nhân chứng thì họ cũng chẳng biết gì hơn. Khi lần lượt được hỏi, những người hàng xóm chỉ đưa ra những lời khai vô nghĩa, thiếu mạch lạc và không đầy đủ. Chỉ có một bà làm vườn và một bà bán sữa cho bà quả phụ Lerouge là có vài thông tin chính xác, mặc dù chẳng mấy giá trị.

Cuối cùng, qua ba giờ hỏi cung mệt mỏi, sau khi thu thập những lời chứng mâu thuẫn nhất và những chuyện ngồi lê đôi mách khôi hài nhất, ông thanh tra cảnh sát hình dung được sự việc gần đúng như sau:

Cách đây hai năm, bắt đầu từ năm 1860, bà Lerouge đến xã Bougival với một chiếc xe dọn nhà lớn chở đầy đồ đạc, chăn mền và quần áo. Bà vào một quán trọ và bày tỏ ý định muốn ở lại trong vùng, rồi bà lập tức đi tìm thuê một căn nhà. Khi tìm thấy căn nhà vừa ý này, bà thuê ngay không mặc cả, với điều kiện trả trước 320 franc nửa năm, nhưng bà không đồng ý ký hợp đồng thuê nhà.

Thỏa thuận thuê nhà xong, bà dọn đồ vào ở ngay hôm đó và bỏ ra khoảng 100 franc cho việc sửa chữa. Đó là một người phụ nữ tầm năm mươi tư, năm mươi lăm tuổi, trông rất trẻ, đẫy đà và rất khỏe mạnh. Chẳng ai biết tại sao bà lại chọn cái nơi hoàn toàn không quen biết một ai này để về ở. Người ta đoán bà là người Normandie vì thường thấy bà đội chiếc mũ trùm bằng vải bông vào buổi sáng. Thứ mũ dùng cho ban đêm này vẫn khiến bà rất duyên dáng vào ban ngày. Bà thường mặc những chiếc váy dài rất đẹp, cuốn nhiều dải ruy băng quanh mũ và đeo đầy đồ trang sức giống như một bức tượng thờ. Có thể bà là người miền biển, vì trong lúc chuyện trò bà rất hay nhắc đến biển và tàu thủy.

Bà không thích nói đến chồng mình, là người, theo bà, đã mất trong một vụ đắm tàu. Chưa bao giờ bà hé mở một chi tiết nhỏ nhất nào về chuyện này. Chỉ có một lần bà nói với bà bán sữa trước sự có mặt của ba người khác, “Chưa có một người đàn bà nào bất hạnh như tôi trong chuyện vợ chồng.”

Bà quả phụ Lerouge được coi là giàu có, hoặc ít nhất là rất sung túc. Bà không phải là người hà tiện. Bà thích sống thoải mái, tiêu nhiều cho chuyện ăn uống và thường mua rượu vang từng nửa thùng. Niềm vui của bà là được thiết đãi bạn quen và những buổi dạ tiệc của bà thật thịnh soạn. Nếu người ta khen bà giàu có thì bà cũng chẳng phản đối nhiều. Người ta thường nghe bà nói, “Tôi không có tiền lợi tức, nhưng tôi có tất cả những gì cần thiết. Nếu tôi muốn hơn nữa thì tôi sẽ có.”

Ngoài ra, chưa bao giờ người ta nghe thấy có lời bóng gió nào, dù là nhỏ nhất, về quá khứ, về quê hương hay về gia đình bà. Bà rất hay nói chuyện, nhưng khi nói chuyện, bà chỉ nói đến những điều xấu xa của đồng loại. Dù sao, chắc là bà đã trải đời và biết nhiều chuyện. Với tính rất hay ngờ vực, bà cố thủ trong nhà mình như trong một pháo đài. Buổi tối không bao giờ bà ra khỏi nhà. Người ta biết rằng bà thường uống rượu say vào bữa tối và sau đó đi nằm luôn. Rất hiếm khi người ta nhìn thấy có người lạ đến nhà bà. Khoảng bốn, năm lần có một quý bà và một cậu thanh niên trẻ, và một lần khác có hai quý ông, một ông già đeo đầy huân huy chương và một chàng trai trẻ; hai người này đi trên một chiếc xe lộng lẫy.

Nói tóm lại, người ta không tôn trọng bà mấy. Bà thường có những lời lẽ chướng tai và lập dị phát ra từ miệng một người ở tuổi đó. Người ta đã nghe thấy bà đưa ra những lời khuyên khó chịu nhất dành cho một cô gái. Tuy nhiên có một ông bán thịt lợn ở Bougival, một người buôn bán vụng về, cũng tán tỉnh bà. Bà đã gạt đi và nói bà lấy chồng một lần là đủ rồi. Mấy lần khác, người ta nhìn thấy có những người đàn ông đến nhà bà. Đầu tiên là một chàng trai trẻ trông có vẻ là một nhân viên hỏa xa, rồi sau đó có một ông cao lớn tóc nâu khá già, mặc một chiếc áo blouse và trông có vẻ rất dữ tợn. Người ta đoán rằng cả hai đều là nhân tình của bà.

Vừa hỏi cung, ông thanh tra vừa ghi tóm tắt lời khai của nhân chứng, và ông đang viết đến đây thì ông Thẩm phán điều tra xuất hiện. Ông này dẫn theo ông Đội trưởng an ninh cùng một nhân viên.

Ông Thẩm phán điều tra Daburon, người mà sau này bạn bè đã từng vô cùng ngạc nhiên thấy ông xin từ chức để về quê vui thú ruộng vườn vào đúng lúc vận may đang đến với ông, năm nay ba mươi tám tuổi, có thân hình đẹp, trông dễ mến mặc dù có vẻ lạnh nhạt, có một khuôn mặt hiền hậu và hơi buồn, vẻ buồn rầu này là di chứng của một căn bệnh hiểm nghèo mà cách đây hai năm đã suýt khiến ông mất mạng.

Làm Thẩm phán điều tra từ năm 1859, ông nhanh chóng trở nên nổi tiếng. Là người cần cù, kiên nhẫn, có trực giác tinh tế cùng óc sáng suốt hiếm có, ông biết cách tháo gỡ những vụ án rắc rối nhất, và, giữa trăm nghìn mối tơ vò, ông biết cách nắm được sợi dây dẫn lối. Được trang bị một bộ óc lập luận logic chặt chẽ, chỉ ông mới có thể giải quyết được những vấn đề hóc búa mà gã X nào đó là thủ phạm. Là người biết khôn khéo suy luận từ cái đã biết để tìm ra cái chưa biết, ông rất giỏi trong việc tập hợp các sự kiện và tập trung những tình tiết phù phiếm nhất và có vẻ ngoài vô can nhất thành một cụm chứng cứ không thể chối cãi.

Tuy nhiên, mặc dù có những phẩm chất đáng quý như thế, nhưng ông lại tỏ ra không phải sinh ra để làm những chức phận khủng khiếp này. Ông rùng mình thực hiện những chức phận đó với sự ngờ vực trước sự lôi kéo của những năng lực tài hoa của mình. Ông không có sự táo bạo để thực hiện những cú bất ngờ mạo hiểm có khả năng làm bộc lộ sự thật.

Mời các bạn mượn đọc sách Vụ Án Lerouge của tác giả Émile Gaboriau & Nguyễn Văn Dân (dịch).

Download

Vụ Án Lerouge

Bookmark (0)
Please login to bookmark Close

Giới thiệu Vụ Án Lerouge Tweet! Vào ngày thứ 5, 6 tháng 3 năm 1862, một vụ án mạng đã làm ngôi làng La Jonchère thanh bình bị chấn động:…

Bookmark (0)
Please login to bookmark Close