Võ Sĩ Đạo – Linh Hồn Nhật Bản

    [toc]


    Giới thiệu ebook

    Võ Sĩ Đạo – Linh Hồn Nhật Bản


    Lâu nay, chúng ta thường nhắc đến Nhật Bản như một cường quốc kinh tế. Lâu nay, chúng ta đã vô cùng ngưỡng mộ và ngạc nhiên trước sự vươn lên mạnh mẽ của đất nước này. Do đâu mà đảo quốc nhỏ bé nằm trong vùng ảnh hưởng của Trung Hoa, mới đó còn là một nước phong kiến lạc hậu, phải đối mặt với bao nhiêu khó khăn, nghèo nàn về tài nguyên, luôn bị thiên tai đe dọa, kiệt quệ sau Thế chiến thứ hai…, trong mấy mươi năm đã trở thành cường quốc kinh tê đứng thứ hai thế giới, chỉ sau nước Mỹ ? Do đâu mà đất nước Nhật Bản có mức độ hiện đại hóa cao nhất thế giới, lại giữ được trong đời sống hàng ngày những truyền thống văn hóa cổ xưa đầy quyến rũ ?

    Câu trả lời cho những thắc mắc đó có trong cuốn sách Võ Sĩ Đạo – Linh hồn Nhật Bản của Inazo Nitobe.

    Cuốn sách này của Nitobe được xuất bản lần đầu vào năm 1905, nghĩa là đến nay nó đã tròn 100 năm tuổi. Trong một trăm năm ấy, nó đã không ngừng được đọc ở Mỹ, ở châu Âu, ở Trung Quốc, và cả ở Nhật Bản quê hương của tác giả. Những phân tích về Võ Sĩ Đạo đã cho thấy hệ thông đạo đức này đóng một vai trò rất lớn trong việc hình thành Tính Cách Nhật Bản – do đó nó cũng đóng vai trò quan trọng để làm nên một nước Nhật Bản như hiện nay.

    Từ góc độ thực tiễn, những kinh nghiệm của người Nhật trong xây dựng kinh tế và bảo tồn, phát triển một nền văn hóa độc đáo rất đáng để chúng ta học tập. Hơn nữa, ngày nay Nhật Bản đang trở thành đối tác kinh tế lớn nhất của Việt Nam. Giao lưu kinh tế – văn hóa Việt – Nhật đang ngày càng mở rộng. Trong bối cảnh đó, nhu cầu hiểu biết về Nhật Bản sẽ ngày càng lớn. Cuốn sách của Nitobe, do vậy là một công cụ thiết yếu cho chúng ta khi tìm hiểu về Nhật Bản.

    Bản dịch Võ Sĩ Đạo – Linh hồn Nhật Bản được dịch giả Nguyễn Hải Hoành thực hiện từ bản tiếng Trung, được đối chiếu và bổ sung từ bản tiếng Anh của Tuttle Publishing xuất bản năm 2001 và đã được nhiều học giả góp ý hiệu đính. Để giúp độc giả Việt Nam dễ dàng nắm bắt nội dung cuốn sách, dịch giả đã thực hiện phần chú giải hết sức công phu.

    Chúng tôi chân thành cảm ơn Japan Foundation và Đại sứ quán Nhật Bản lại Việt Nam đã có những hỗ trợ thiết thực để cuốn sách đến tay bạn đọc trong dịp kỷ niệm 100 năm ngày ra đời.

    Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

     

    Nhà xuất bản Công an nhân dân

    ***

    TỰA CỦA LÊ ĐẠT

     

    1- Trong thời đại kỹ học, hình như hiện đại gắn liền với tốc độ. Người ta ăn nhanh, uống nhanh… Cả cái biệt khu ngàn năm “Duy hữu độc thư cao” cũng không tránh khỏi áp lực. Lớp độc giả thâm canh ngày càng hiếm. Người ta viết sách để dạy phương pháp học nhanh. Những cuốn Reader Digest (Tóm tắt giúp người đọc) được in hàng chục vạn cuốn và bán đắt như tôm tươi.

    Đó là một hiện tượng chưa chắc đã tốt. Nó dễ dẫn đến những kiến thức ăn xổi và những kết luận vội vàng. Cổ nhân dạy: Thà không biết còn hơn biết nửa chừng.

    Một khái niệm khi rơi vào cõi mù mờ tranh tối tranh sáng của huyền thoại có thể gây ra nhiều tai nạn nguy hiểm chẳng kém gì những tai nạn giao thông.

     

    2- Cuốn sách Võ Sĩ Đạo, linh hồn Nhật Bản của Inazo Nitobe được xuất bản lần đầu tiên tại Mỹ năm 1905.

    Nghĩa là đến nay nó đã xấp xỉ một trăm năm tuổi.

    Một trăm năm nay, nhân loại vẫn đọc chưa xong cuốn sách nhỏ này.

    Nó đã được tái bản rất nhiều lần và được dịch sang nhiều thứ tiếng, trong đó có tất cả những ngôn ngữ chủ chốt của loài người – tiếng Anh (tất nhiên, vì nó được xuất bản lần đầu tiên tại Mỹ), tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Tây Ban Nha và gần đây, tiếng Trung Quốc.

    Trong ngôn ngữ văn hoá, những cuốn sách đọc hàng trăm năm chưa hết này, người ta gọi chúng là những sách cổ điển.

    Chúng được kính trọng không phải đơn thuần vì chính sách “kính lão đắc thọ”, mà còn vì tính sâu sắc cần thiết của nội dung.

     

    3- Võ Sĩ Đạo không đơn thuần là một nhân vật đao kiếm thậm chí “võ biền”(?), mà chủ yếu là một nhân vật văn hoá, hơn nữa, đạo đức.

    Người ta thường đổ tội cho cơ chế thị trường là nguyên nhân mọi sự suy thoái trong đời sống xã hội.

    Đó có thể là một cách trốn trách nhiệm. Mọi hình thái xã hội đều có mặt tích cực và tiêu cực.

    Không phải cơ chế thị trường sinh ra đại trà sự dối trá, tham nhũng đáng xấu hổ, mà chính nền tảng đạo đức chưa tiến kịp đà phát triển của.xã hội đã sinh ra nạn đồi bại đến mức báo động nói trên.

    Trong việc xây dựng nền tảng đạo đức hiện nay của xã hội, tôi nghĩ rằng cuốn Võ Sĩ Đạo, linh hồn Nhật Bản sẽ có những đóng góp tích cực. Nó là một cuốn sách cần đọc.

     

    4- Tại chương VIII, khi nói về “Thanh gươm – linh hồn của võ sĩ”, tác giả có một nhận xét rất quan trọng: “Lý tưởng của Võ Sĩ Đạo là hoà bình.”

    Đáng tiếc rằng Nitobe qua đời quá sớm không có điều kiện trải qua cuộc thử thách hết sức bi kịch của nền văn minh hiện đại. Khi Đại chiến thế giới lần thứ hai bùng nổ năm 1939 , ông đã đi xa trước đó 6 năm. Cái ranh giới giữa thiện và ác trong đời sống xã hội mới mong manh bất định làm sao? Đó là sự trớ trêu của lịch sử, nó đòi hỏi loài người phải hết sức tỉnh táo.

     

    5- Khi nói về tương lai của Võ Sĩ Đạo, Nitobe có vẻ như ngậm ngùi:

    “Xã hội đã thay đổi. Ngày nay, vấn đề không phải là đơn thuần phản đối Võ Sĩ Đạo nữa, mà trào lưu của xã hội đều đã hoàn toàn đứng về phía phản diện với Võ Sĩ Đạo. Vinh quang của Võ Sĩ Đạo sắp sửa rút ra khỏi vũ đài lịch sử.”

    Nitobe không có thời gian để chứng kiến một trớ trêu nữa của lịch sử.

    Vào lúc nước Nhật quân phiệt bại trận, những điều kiện thực tế hình như đã đánh dấu sự tàn lụi nhỡn tiền của Võ Sĩ Đạo, thì tinh thần Võ Sĩ Đạo lại hồi sinh giúp nước Nhật bại trận, nghèo khổ kiệt quệ chỉ trong hai ba thập niên ngắn ngủi đã trở thành một cường quốc dân chủ đứng hàng thứ hai sau Hoa Kỳ về sức mạnh kinh tế.

    Thác là thể phách, còn là tinh anh.

    Cái thể xác của Võ Sĩ Đạo đã diệt, nhưng tinh anh của Võ Sĩ Đạo vãn còn và tiếp tục đầu thai qua nhiều kiếp sống khác trong nền văn hoá tâm linh bất diệt của loài người.

     

    Hà Nội, tháng 9 năm 2004

    ***

    LỜI NÓI ĐẦU CỦA NHÀ XUẤT BẢN TUTTLE PUBLISHING

    (Theo “Bushido, The Soul of Japan”, bản in năm 2001 của Tuttle Publishing ; Boston Rutland, VT Tokyo.)

     

    Cuốn sách nhỏ hấp dẫn giải thích về “Linh hồn của Nhật Bản” này đã được hoan nghênh nồng nhiệt và nhận được phản ứng ngay từ lần xuất bản đầu tiên năm 1905. Ngày nay, nhu cầu tái bản cuốn sách vẫn còn lớn hơn bao giờ hết, mặc dù Nhật Bản đã “phương Tây hoá”.

    Lý do chính của nhu cầu đó có lẽ là vì cuốn sách này đã giải đáp và tiếp tục giải đáp – cho người Nhật cũng như người phương Tây, về nguyên nhân tại sao những tư tưởng và tập tục nào đó lại có thể thịnh hành ở Nhật Bản.

    Từng có nhiều định nghĩa về Võ Sĩ Đạo, nhưng xem ra có lẽ định nghĩa sau đây được nhiều người chấp nhận hơn cả: Võ Sĩ Đạo là một bộ luật bất thành văn chi phối đời sống và hành động của các nhà quý tộc Nhật Bản; trên nhiều mặt, giới quý tộc đó tương đương với giới hiệp sĩ (chivalry) châu Âu.

    Những hiệp sĩ và nhà quý tộc ấy của nước Nhật Bản phong kiến là các samurai, tức thị vệ của các daimyo (lãnh chúa). Vì vậy, Võ Sĩ Đạo (Bushido) là bộ luật hành xử của giới samurai, một tầng lớp quân nhân quý tộc xuất hiện vào thế kỷ XII khoảng giữa thời kỳ Taira và Minamoto – và được phát triển mạnh trong thời kỳ Tokugawa.

    Giới samurai trau dồi võ nghệ, họ trung thành với chúa của mình và lãnh đạm trước cái chết và nỗi đau đớn. Samurai có đặc quyền đeo hai thanh gươm – theo Nitobe, chúng được gọi là “Linh hồn của samurai”.

    Sách này trình bày về Võ Sĩ Đạo của Nhật Bản bằng những từ ngữ đơn giản và do đó rất thú vị. Trong khi thuyết minh quan điểm của mình, tác giả đồng thời trích dẫn các thí dụ đối chiếu lấy từ lịch sử và văn học châu Âu. Cuối cùng và trước hết, tác giả tin tưởng vào các điều luật viết trong trái tim. Cuốn sách được Nhà xuất bản G. P. Putnam’s Sons, New York xuất bản lần đầu tiên vào năm 1905.

    ***

    LỜI TỰA BẢN TIẾNG TRUNG

    (Theo “Võ Sĩ Đạo”, NXB Quản lý Xí nghiệp, Bắc Kinh 2004)

     

    Chúng ta thường hay nhắc tới thành tích kinh tế ngày nay của Nhật Bản và ngạc nhiên trước sức mạnh phát triển mà đảo quốc bé nhỏ này nuôi dưỡng lâu dài được. Đồng thời, chúng ta cũng khó có thể quên quá khứ. Là người Trung Quốc, chúng ta không thể bỏ qua một sự thật này: Trung Quốc là điểm khởi đầu và là nguồn gốc của văn hoá truyền thống Nhật Bản. Bởi vậy, việc nghiên cứu vấn đề Nhật Bản có ý nghĩa sâu xa đối với chúng ta. Một mặt, từ góc độ văn hoá, và xét từ quan điểm địa chính trị, chúng ta nghi hoặc: cùng một tín điều như nhau, tại Nhật Bản tín điều đó lưu hành theo cách nào để cuối cùng phát triển thành nền văn hoá độc đáo của Nhật Bản; mặt khác, từ góc độ thực tiễn, chúng ta nghiên cứu Nhật Bản vừa để tiếp thu kinh  nghiệm phát triển của họ, vừa đồng thời để tránh con đường vòng họ đã đi qua, từ đó có thể hấp thụ bài học phản diện, nhằm trở thành một gương mẫu và nhằm đóng góp cho nền hoà bình và ổn định của thế giới, vì sự phát triển tốt đẹp của lịch sử nhân loại.

    Sách này do tác giả người Nhật Bản viết bằng tiếng Anh vào đầu thế kỷ XX. Trong 6 năm ngắn ngủi sau ngày xuất bản, sách đã được tái bản 10 lần, sau đấy in lại hết lần này đến lần khác trên phạm vi toàn thế giới, trở thành cuốn sách cần đọc để nghiên cứu và tìm hiểu văn hoá Nhật Bản. Đúng như tác giả viết Võ Sĩ Đạo đã hoàn tất việc dựng xây tinh thần đạo đức Nhật Bản, hình thành tinh thần chỉnh thể của Nhật Bản. Đồng thời, do tác giả có sự hiểu biết sâu sắc về thế giới phương Tây, cho nên khi viết sách, ông đã đối chiếu với tinh thần đạo đức của thế giới phương Tây, nhờ đó cuốn sách không những phản ánh được hiện thực tâm lý ở tầng nấc sâu kín nhất của người Nhật Bản, mà còn thích hợp với nhóm bạn đọc đông đảo nhất, khiến cho tầm mắt của bạn đọc được mở rộng vô cùng.

    Tổng thống Mỹ Roosevelt từng đích thân mua sách này và phân phát cho thuộc hạ, bạn bè của ông đọc, với dụng ý rõ ràng nhằm tìm hiểu cường quốc Nhật Bản nhỏ bé ấy đã dựa vào sức mạnh nào nâng đỡ để có thể đóng một vai trò như vậy trong cuộc đại chiến. Cái gì đã làm cho họ hiếu chiến, có một quân đội giỏi; tinh thần nào đã dễ dàng khích lệ toàn dân họ như vậy? Điều gì đã làm cho quốc gia này nhất trí đến thế trong các vấn đề đối ngoại?

    Là người Trung Quốc, chúng ta lại càng bức thiết cần đọc cuốn sách này. Nhất là trong thế giới ngày nay, Nhật Bản là đối thủ lớn mạnh nhất của ta trong phạm vi châu Á. Trước hết, sự hiếu lễ của người Nhật Bản rõ ràng là chịu ảnh hưởng từ tinh thần Khổng Mạnh của Trung Quốc. Bắt tay từ khởi điểm này, ta có thể thấy, quy chế cuối cùng hình thành trên đất Nhật Bản là như sau: không ba hoa, cực kỳ kín đáo, trong bất cứ tình huống nào đều không biểu lộ tình cảm; võ sĩ làm thơ, tăng cường tu dưỡng nội tâm; thích trà đạo; một tấm gương, một tịnh thất dùng để người ta tu thân dưỡng tính – tất cả những cái đó khiến người Trung Quốc và người Nhật Bản từng quen biết nhau. Điều càng làm ta muôn phần kinh ngạc là những phụ nữ Nhật Bản kiên trinh bất khuất được đào tạo dưới sự răn dạy của Võ Sĩ Đạo. Hệt như đàn ông, họ điềm tĩnh, không kinh hãi khi gặp nguy biến, trọng lễ tiết. Những tình cảm tốt đẹp người Nhật đã phát triển được đều mang dấu ấn văn hoá truyền thống Trung Quốc vô cùng rõ nét, rất đáng để chúng ta khâm phục. Là láng giềng bè bạn, đúng là ta có thể học các phẩm chất ưu tú đó của họ.

    …Trong sách này, chương nói về tự sát và mổ bụng là phần có thể trình bày rõ nhất vấn đề, là đoạn người ta muốn đọc nhất. Về cảm tính, chương này thường làm người ta bất giác sởn tóc gáy và có thể hiểu sâu sắc hơn người võ sĩ có một sức mạnh to lớn ra sao, chỗ cùng cực trong kết cấu tinh thần tầng sâu của dân tộc này là thế nào. Mỗi một võ sĩ Nhật Bản, kể từ đứa trẻ lên 8 tuổi trở đi, đều có thể hoàn tất một cách tuyệt đẹp hành vi mổ bụng tàn khốc, coi đó là cách chết vinh dự. Tác giả không tiếc lời ca ngợi hành động đó. Song có thể nhìn sự việc này từ mặt ngược lại: người võ sĩ có thể coi đấy là cái chết oanh liệt của mình, nhưng nếu mổ bụng người khác thì sẽ là một thảm kịch trần gian.

    Trong sách còn đề cập đến vấn đề thương nhân. Ngày xưa, địa vị của tầng lớp thương gia Nhật Bản rất thấp kém, công chúng cũng kỳ vọng cực thấp về đạo đức của họ, cho nên dẫn đến sự bất nghĩa phổ biến của nghề buôn; đồng thời chưa một võ sĩ nào từng thành công trong kinh doanh buôn bán. Xét bề ngoài, dường như dân tộc này không thích hợp với việc phát triển ngành thương mại; song sự thật thì lại không thế. Do thời đại thay đổi, địa vị của thương mại trong con mắt người dân ngày càng được nâng cao, lẽ tự nhiên, có thể dùng Võ Sĩ Đạo làm đạo buôn bán, và sự ứng dụng này thậm chí xuất hiện trên tầng nấc vô ý thức tập thể. Tục ngữ nói, không có lòng ham muốn thì tính tình sẽ cứng rắn (vô dục tắc cương), Võ Sĩ Đạo có truyền thống trọng nghĩa khinh lợi; truyền thống vững bền dẻo dai ấy có thể đem lại sự phát triển vô tận cho thương mại, trở thành sự phát triển có hệ thống, ào ạt như bầu khí quyển, sự phát triển toàn cầu hoá, có tính lấn át. Bởi vậy, chỉ có hiểu rõ Võ Sĩ Đạo thì mới giải thích hợp lý được sự phát triển của kinh tế Nhật Bản ngày nay.

    Có ba loại người sau đây cần đọc cuốn sách này : 1) Những người muốn hiểu toàn diện Nhật Bản từ góc độ văn hoá, chính trị, kinh tế, lịch sử. 2) Những người tham gia các hoạt động thương mại hoặc chính trị có liên quan tới Nhật Bản. 3) Những ai muốn học được điều gì đó từ tinh thần của người Nhật và ứng dụng vào thực tiễn.

    Với những lý do trên, chúng tôi tái dịch “Võ Sĩ Đạo – Linh hồn Nhật Bản”, tác phẩm độc nhất vô nhị nổi tiếng thế giới này để bạn đọc thưởng thức.

     

    PHÓ TÙNG KHIẾT

    ***

    LỜI TỰA LẦN XUẤT BẢN THỨ NHẤT

    10 năm trước đây, cố luật gia nổi tiếng người Bỉ De Laveleye từng tiếp tôi tại nhà riêng của ông, chúng tôi cùng trải qua mấy ngày khó quên. Một lần khi đi bách bộ, câu chuyện chuyển sang đề tài tôn giáo. Vị giáo sư đáng kính hỏi: “Chẳng lẽ các trường học ở Nhật không dạy môn tôn giáo ư ?” Khi thấy tôi trả lời là đúng thế, ông ngạc nhiên đến mức đứng sững lại, rồi nói tiếp: “Không dạy môn tôn giáo! Lẽ nào Nhật Bản không có môn đạo đức học ư ?”

    Đây là một vấn đề tôi suy nghĩ nhiều. Lúc ấy tôi có chút bối rối, chưa biết trả lời ra sao. Theo tôi, người Nhật không dạy môn đức dục trong các trường học. Từ đó trở đi, tôi đặc biệt quan tâm đến nguồn gốc các loại giới luật đạo đức làm nên tính cách dân tộc Nhật Bản. Cuối cùng tôi phát hiện, chính là ảnh hưởng và sự gợi ý của Võ Sĩ Đạo đối với người Nhật đã hoàn tất việc hình thành tinh thần đạo đức Nhật Bản.

    Động cơ trực tiếp khiến tôi bắt tay viết cuốn sách nhỏ này bắt nguồn từ vợ tôi. Bà ấy thường hay hỏi tôi một số vấn đề có liên quan đến tập tục tư tưởng, các tập tục ấy bắt đầu phổ biến lưu truyền ở Nhật Bản như thế nào, nguyên do tại đâu.(Vợ Nitobe tên là Mariko. Theo tiến sĩ Trần Văn Thọ – giáo sư Đại học Tokyo, bà ấy là người Mỹ.)

    Trong khi cố gắng giải đáp các câu hỏi của ông De Laveleye và của vợ mình, tôi phát hiện thấy, nếu không hiểu biết về chế độ phong kiến và Võ Sĩ Đạo (tiếng Anh là Bushido) thì không thể hiểu được các quan niệm đạo đức của nước Nhật Bản hiện tại.

    Tranh thủ thời gian dưỡng bệnh nhàn rỗi, tôi chỉnh lý lại nội dung một phần các buổi trò chuyện trong gia đình và nay công bố ra ngoài. Nền giáo dục của chế độ phong kiến tôi được hưởng trong thời niên thiếu, cùng các sự việc tôi từng trải qua và được nghe kể lại, là các yếu tố giúp tôi có được sự hiểu biết thấu triệt về Võ Sĩ Đạo.

    Những người đặt câu hỏi bên phía vợ tôi còn có ông Lafcadio Heam và bà Hugh Fraser, phía tôi có Sir Ernest Satow và giáo sư Chamberlain.(Tại một số nước châu Âu, những người được Hoàng gia phong tước Hiệp Sĩ (Knight) đều được viết Sir trước tên đầu, coi như tước hiệu, có thể dịch là Ngài, hoặc Hầu tước, Nam tước). Việc dùng tiếng Anh để viết chuyện Nhật Bản khiến tôi có cảm giác khó tin vào hiệu quả. Thế nhưng, tôi vẫn có được một ưu thế trội hơn tất cả các nhà lý luận viết bằng tiếng Anh; xin dùng một cách ví von: có thể coi họ là các luật sư và thẩm phán, còn tôi là kẻ bị cáo. Tôi thường nghĩ: giả thử mình giỏi tiếng Anh như họ thì tôi sẽ dùng những ngôn từ phong phú, hùng biện để kể lại tất cả mọi điều về Nhật Bản! Nhưng khi đã dùng ngôn ngữ của người khác thì mọi cố gắng của tôi cũng chỉ có thể nói lên được điều cần nói một cách rõ ràng dễ hiểu, đâu dám theo đuổi mục tiêu viết văn cho hay.

    Trong sách, tôi sử dụng nhiều trích dẫn lấy từ lịch sử và văn học châu Âu; như vậy sẽ có thể giúp bạn đọc nước ngoài hiểu sâu hơn về Nhật Bản và Võ Sĩ Đạo.

    Khi nói về vấn đề tôn giáo và các nhà truyền giáo, có thể là tôi đã động chạm tới tình cảm tôn giáo của các tín đồ Ki Tô giáo, nhưng xin các bạn tin rằng tôi luôn tôn kính đạo Ki Tô. Tôi có chút đồng cảm với học thuyết Ki Tô giáo, song tôi không đồng tình đối với thể chế dung tục của giáo hội và các nghi thức tôn giáo làm lu mờ học thuyết ấy. Tôi dành niềm tin duy nhất của mình cho Chúa Ki Tô và Tân Ước cùng tinh thần Ki Tô giáo khắc sâu trong lòng người. Đồng thời tôi tin vào Cựu Ước; nó là Kinh Thánh chung của mỗi người và mỗi dân tộc – dị tộc hoặc Do Thái, tín đồ Ki Tô giáo hoặc dị giáo. Thiết nghĩ, ở đây không cần trình bày các quan điểm của tôi về thần học.

    Khi kết thúc lời tựa, tôi xin cảm ơn sự giúp đỡ và các kiến nghị của bạn tôi là bà Anna C. Hartshorne, người đã có nhiều gợi ý giá trị và đã vẽ bìa cuốn sách này theo một phong cách đậm đà đặc tính Nhật Bản.

     

    INAZO NITOBE

    Malvern, Pa., Tháng Mười Hai, 1899

    ***

    LỜI TỰA BẢN IN LẦN THỨ 10

    (CÓ SỬA CHỮA)

    Cuốn sách nhỏ này xuất bản lần đầu tại Philadelphia cách đây đã hơn 6 năm. Nhiều sự việc thú vị đã xảy ra trong quãng thời gian sau ngày cuốn sách ra đời. Tại Nhật Bản, sách đã được in lại 8 lần; ấn bản này là bản thứ 10 bằng tiếng Anh. Đồng thời nó sẽ được các nhà xuất bản Mỹ và Anh phát hành, thông qua các nhà xuất bản Messrs. George H. Putnam’s Sons ở New York.

    Cho tới nay, Võ Sĩ Đạo đã được ông Dev ở Khandesh (Ấn Độ) dịch ra tiếng Mahratti, được chị Fraulein Kaufmann ở Hamburg dịch ra tiếng Đức, được ông Hora ở Chicago dịch ra tiếng Bohemia, được Hội Khoa học và Đời sống ở Lemberg (tức L’vov, Ukraine) dịch ra tiếng Ba Lan. – tuy rằng Chính phủ Nga lên án bản dịch tiếng Ba Lan đó(Có lẽ là do Nga vừa thua Nhật trong trận hải chiến ở eo biển Đối Mã – Tsushima năm 1904. ). Bản tiếng Na Uy và tiếng Pháp cũng đang được chuẩn bị. Người ta cũng đang dự định dịch cuốn sách này ra tiếng Trung Quốc. Một sĩ quan người Nga hiện đang bị giam giữ ở Nhật Bản đã hoàn thành bản dịch viết tay bằng tiếng Nga sẵn sàng để xuất bản. Một số chương trong sách đã được giới thiệu với công chúng Hungary. Về Nhật ngữ, báo chí tiếng Nhật đã liên tiếp đăng nhiều kỳ nội dung sách này và in riêng thành sách có chú thích chi tiết. Bạn tôi là ông H. Sakurai còn biên soạn các ghi chú tường tận để giúp các sinh viên trẻ đọc sách này; tại đây tôi xin có lời cảm ơn ông đã giúp đỡ tôi.

    Tôi thành thật cảm thấy hài lòng khi nghĩ tới việc cuốn sách nhỏ này của mình được nhiều bạn đọc ưa chuộng. Sự việc đó đồng thời cho thấy các vấn đề trình bày trong sách đã được mọi người trên thế giới quan tâm rộng rãi. Điều làm tôi cảm thấy muôn phần vui thích là, theo các nguồn tin chính thức cho biết, Tổng thống Mỹ Theodore Roosevelt đã đích thân đọc sách này và tặng cho bạn bè ông mấy tá sách.

    Nội dung sửa đổi trong lần xuất bản này chỉ hạn chế ở chỗ thêm một số thí dụ cụ thể. Tôi vẫn lấy làm tiếc là cuốn sách thiếu một chương nói về “Hiếu”; nó cũng quan trọng như “Trung”, cùng nhau làm nên hai bánh xe của cỗ xe đạo đức Nhật Bản. Sở dĩ tôi không thêm chương ấy, không phải vì không biết tính chất quan trọng của nó, mà là do tôi không tài nào hiểu được thái độ của người phương Tây đối với “Hiếu”, bởi vậy tôi không thể tiến hành sự so sánh Đông Tây trên vấn đề này. Tôi nghĩ rằng, sau này tôi nhất định sẽ có dịp bổ sung nội dung đó. Ngoài ra, tất cả các vấn đề được đề cập tới trong sách này đều có thể bổ sung và bàn thảo thêm. Nhưng muốn sửa đổi thì phải tăng số trang của cuốn sách, điều đó hiện nay tạm thời khó làm được.

    Tôi xin cảm ơn vợ tôi về các đóng góp cho cuốn sách. Bà ấy đã đọc kỹ bản thảo gốc, góp rất nhiều ý kiến bổ ích và nhất là đã luôn luôn động viên tôi sáng tác. Trong lời tựa lần xuất bản này, tôi cần đặc biệt nêu ra vấn đề đó, nếu không thì sẽ là một lời tựa thiếu hoàn chỉnh và công bằng.

     

    INAZO NITOBE

    Kyoto, ngày 12 tháng 1 năm 1905

    (Lời lựa này lấy từ The Project Gutenberg EBook of Bushido, the Soul of Japan)

    ***

    Tôi rất hân hạnh được viết bài giới thiệu tác phẩm của tiến sĩ Inazo Nitobe nổi tiếng – cuốn “Võ Sĩ Đạo” bản mới nhất – cho các bạn đọc tiếng Anh trên thế giới. Sở dĩ nhà xuất bản yêu cầu tôi viết lời tựa cho bản mới in này, không những chỉ vì tôi quen biết tác giả đã hơn 15 năm nay, mà còn vì tôi có những mối quan hệ khăng khít với chủ đề của cuốn sách; mối quan hệ đó đã kéo dài ít nhất 45 năm qua.

    Năm 1860 , tại Philadelphia (nơi vào năm 1847 tôi từng chứng kiến cảnh hạ thuỷ chiếc kỳ hạm Susquehanna của hạm đội Perry (Matthew Calbraith Perry (1794-1858): đô đốc hải quân Mỹ, năm 1853 dẫn 4 tàu chiến vào vịnhTokyo và ở lại đó chờ cho tới khi sứ thần Nhật Bản đồng ý tiếp nhận yêu cầu của Tổng thống Mỹ M.F. Fillmore đòi ký một hiệp ước lập quan hệ ngoại giao và buôn bán giữa 2 nước. Tháng 2-1854. Perry quay lại ký kết Hiệp ước này, đánh dấu bước ngoặt Nhật mở cửa với thế giới phương Tây và hiện đại hoá. ), lần đầu tiên tôi có dịp tiếp xúc với người Nhật Bản, gặp các cán bộ ngoại giao của Đại sứ quán Triều đình Yedo (còn viết là Edo, tức Giang Hộ, tên cũ của Tokyo. ). Ấn tượng mãnh liệt nhất mà những người nước ngoài ấy để lại trong tôi là tinh thần Võ Sĩ Đạo. Họ hoàn toàn hành xử mọi việc theo chuẩn tắc của tinh thần đó. Về sau, khi công tác ở trường đại học Rutgers tại thành phố New Brunswich bang New Jersey, tôi từng có dịp sinh hoạt với các thanh niên Nhật trong thời gian 3 năm. Tôi lên lớp dạy họ học, và coi họ như bạn bè. Một trong các chủ đề chúng tôi thường bàn bạc với nhau là Võ Sĩ Đạo và tôi phát hiện thấy nó thật duyên dáng đáng yêu. Các lưu học sinh Nhật này trong tương lai khi về nước sẽ được bổ nhiệm làm quan chức chính quyền, nhà ngoại giao, sĩ quan hải quân, nhà giáo dục và nhà ngân hàng. Tôi thấy mọi hành vi thường ngày của họ đều đượm hương thơm ngào ngạt của loại hoa thơm nhất của xứ Nhật bản xa xôi, ngay cả vào giờ phút hấp hối của những người sắp “yên giấc ngàn thu” trong nghĩa trang Willow Grove cũng vậy. Tôi không bao giờ quên cái chết của võ sĩ thiếu niên Kusakabe. Khi anh hấp hối, có người khuyên anh cải đạo theo Ki Tô giáo, anh trả lời: “Cho dù tôi tin Chúa Jesus của các bạn đi nữa, thì tôi vẫn không thể chỉ dâng hiến cho Ngài những thứ vô giá trị của cuộc đời tôi.” Cho nên, “bên bờ sông Raritan cổ xưa”, trong các hoạt động thể thao và nhiều dịp đùa vui bên bàn ăn bữa tối khi chúng tôi so sánh sự khác nhau giữa Nhật Bản với nước Mỹ, và trong các buổi thảo luận về vấn đề đạo đức hoặc lý tưởng, tôi cảm thấy rất tán đồng “sự phản bác của nhà truyền giáo giấu mặt” mà bạn tôi là Charles Dudley Wamer từng có lần viết. Về một số điểm, hệ thống luân lý và lễ nghi của hai nước có khác nhau, nhưng sự khác nhau ấy không quá nhiều. 1000 năm trước, một nhà thơ Nhật khi dạo bước bên dòng suối áo ông chạm vào bụi hoa hồng và những giọt sương bám trên cây làm ướt tay áo ông; nhưng nhà thơ nói: “Vì hoa thơm ngát nên tôi không đành lòng rũ bỏ những giọt sương ấy.” Quả vậy, tôi rất mừng là đã thoát ra khỏi vết xe đổ (thói quen cũ) mà nghe nói nó chỉ khác huyệt mộ ở chiều dài mà thôi. Nên chăng so sánh cuộc đời của khoa học và văn hoá? Trong việc nghiên cứu ngôn ngữ, luân lý đạo đức, tôn giáo và luật hành xử, phải chăng “chỉ biết một mà không biết hai” là không đúng sao?

    Năm 1870 , với tư cách là nhà giáo dục đầu tiên đến Nhật Bản để giới thiệu về phương pháp và tinh thần của hệ thống nhà trường công lập Mỹ, tôi rất phấn khởi rời Tokyo đến Fukui thuộc tỉnh Echizen. Tại đây, tôi có dịp thấy chế độ phong kiến thuần tuý đang thống trị vùng này. Tôi đã nhìn thấy thứ Võ Sĩ Đạo chính cống, khác với thứ Võ Sĩ Đạo giới thiệu ra nước ngoài như một của lạ. Trong đời sống hàng ngày, tôi hiểu rằng Võ Sĩ Đạo, với những nghi thức của nó như trà đạo (cha-no-yu), nhu thuật (Jujutu “jiu-jitsu, ) tự mổ bụng (hara-kiri), cách quỳ người trên chiếu và cúi gập người khi gặp nhau ngoài đường, cách thức đeo kiếm, lễ nghi giao tiếp, cách thăm hỏi hoà nhã, thái độ trịnh trọng khi trò chuyện, quy tắc của các động tác nghệ thuật và cư xử cũng như hành vi nghĩa hiệp bảo vệ vợ và đầy tớ gái cùng trẻ em v.v… đã hình thành tín điều và tập tục của tất cả giới thượng lưu ở thị trấn và ở tỉnh này. Tại đây, Võ Sĩ Đạo như một nhà trường của cuộc sống, nơi đào tạo các em trai em gái, dạy dỗ chúng về tư tưởng và lối sống. Tôi có sự cảm nhận thiết thân đối với tất cả những gì tiến sĩ Nitobe viết trong cuốn sách này: ông tiếp thu chúng như những di sản truyền thống, thở hít trong tinh thần Võ Sĩ Đạo và viết về chúng một cách hấp dẫn, sinh động, với tầm mắt bao quát và sức quan sát thấu triệt. Ngày nay, chế độ phong kiến Nhật Bản không còn tồn tại nữa, tuy rằng vẫn có một số người mạnh mẽ ủng hộ nó và những người kiên trì nghiên cứu nó. Có lẽ đối với những người ấy, chế độ phong kiến Nhật Bản là một thứ hương thơm bay đi theo gió không thể lấy lại. Đối với tôi, thì nó là một gốc cây hoặc bông hoa toả sáng.

    Chính là vì thế mà tôi có thể làm chứng rằng: tất cả những gì tiến sĩ Nitobe viết trong sách này, về bản chất đều hoàn toàn chân thực. Bản thân ông từng sống trong bào thai của Võ Sĩ Đạo – chế độ phong kiến, và từng thấy sự diệt vong của chế độ đó. Sự phân tích và tổng kết của ông vô cùng chân thực bình dị. Ngòi bút bậc thầy của Nitobe đã phản ánh được những nét tinh tuý của nền văn học Nhật Bản có lịch sử hàng nghìn năm, như dựng lại một bức tranh muôn màu muôn vẻ. Cho tới nay, Võ Sĩ Đạo đã trải qua lịch sử hơn nghìn năm. Tác giả sách đã nắm bắt chính xác tinh hoa của Võ Sĩ Đạo tồn tại trong hàng triệu đồng bào ông.

    Trong sách này, phần phê phán của tác giả đã giúp tôi càng hiểu thêm về sức mạnh và giá trị của Võ Sĩ Đạo đối với tính cách dân tộc Nhật. Muốn hiểu người Nhật trong thế kỷ XX thì cần phải quay trở lại thời cổ xưa, tìm hiểu cái gốc rễ mà dân tộc này đã cắm sâu trong quá khứ. Ngày nay, không riêng gì người nước ngoài mà ngay cả người Nhật hiện đại cũng không nhìn thấy những dấu vết xưa kia ấy. Thế nhưng, một nhà nghiên cứu thạo suy nghĩ sẽ biết từ hiện thực ngày nay nhìn thấy kết quả nối tiếp của tinh thần đời xưa. Từ trong địa tầng hình thành thời cổ đại, Nhật Bản đã khai quật và tạo dựng nên động lực chiến tranh và hoà bình ngày nay. Tinh thần Võ Sĩ Đạo vẫn tồn tại dai dẳng trong những con người được nuôi dưỡng trên mảnh đất này. Nó như một chất thơm tan ra trong cốc nước, để lại vị thơm ngọt ngào. Tóm lại, Võ Sĩ Đạo đúng như Kinh Thánh viết, “Nếu một hạt giống bất tử thì nó vẫn là một hạt giống; nếu nó chết đi và rơi xuống đất thì nó sẽ nảy nở thành rất nhiều hạt khác.”

    Phải chăng tiến sĩ Nitobe đã lý tưởng hoá tinh thần Võ Sĩ Đạo? Nhưng nếu nói ngược lại, chúng ta sao có thể yêu cầu ông không lý tưởng hoá nó? Tiến sĩ tự xưng lập trường của ông là lập trường của một kẻ “bị cáo”. Toàn bộ mọi giáo nghĩa, tín điều hệ thống, đều sẽ chuyển biến tuỳ theo sự thay đổi trong cách lý giải của người ta; các chuyển biến ấy tích tụ lại sẽ tạo nên sự hài hoà. Đây là một quy luật. Võ Sĩ Đạo chưa bao giở phát triển đến cực điểm của tự thân, nó vẫn có cơ hội sống còn vô hạn cũng như khả năng tự tạo dựng. Cực điểm của Võ Sĩ Đạo nên là sự thống nhất hoàn mỹ giữa sức mạnh với cái đẹp. Khi tại nước Nhật xảy ra va chạm giữa sự chuyển động của thế giới “đi ra thế giới” (từ ngày lý thuyết của Perry và Harris bắt đầu phát huy tác dụng, chúng ta dùng từ này để khái quát sự thay đổi gấp rút xảy ra trên thế giới- (W. Griffis không ghi họ của Harris; theo chúng tôi đây có lẽ là Townsend Harris(1804-1878), Tổng Lãnh sự đấu tiên của Mỹ tại Nhật (1856 – 1861), người đã tranh thủ việc Anh và Pháp gây ra cuộc Chiến tranh Thuốc phiện lần hai với Trung Quốc để ký kết Hiệp định Thương mại Mỹ – Nhật năm 1858) với chế độ phong kiến bản địa, Võ Sĩ Đạo không còn là cái xác ướp trát thạch cao, mà là một linh hồn sống. Nó tràn đầy tinh thần nhân văn, ảnh hưởng của nó sẽ tiếp tục lan sang các nước khác. Nhật Bản từng có những bậc tiên liệt cao quý ngày nay vẫn được tôn kính và kế thừa, trong khi không bỏ mất những tinh hoa của lịch sử và của nền văn minh bản địa, đồng thời họ vẫn tiếp thu các yếu tố tốt đẹp nhất từ phương Tây đến và hoá giải nó vào nền văn hoá của mình. Như thế, nước Nhật sẽ đem lại tin mừng mới cho châu Á và cho loài người. Hơn nữa, người Nhật nắm được cơ hội hoà nhập với thế giới – “sức mạnh của ta sẽ tăng lên khi ta mở rộng dấu chân ta”. Ngày nay ở phương Tây đâu đâu cũng chịu ảnh hưởng của văn hoá Nhật, từ nghề làm vườn đến nghệ thuật, cách ăn ở, “dù chỉ một phút sảng khoái hay là thói quen lâu dài”, đều trở nên phong phú nhờ ảnh hưởng độc đáo của người Nhật trong nghề làm vườn, hội họa và các bộ môn nghệ thuật khác. Người Nhật đang gợi ý cho chúng ta về khoa học tự nhiên, vệ sinh công cộng, thậm chí cả về mặt kinh nghiệm độc đáo cấu trúc cục diện chiến tranh và hoà bình.

    Khi trình bày nội dung sách này, tác giả trước hết đóng vai bị cáo, sau đó đóng vai người biện hộ; và khi làm nhà dự báo, với tư cách là một bậc trưởng giả hiền minh từng trải nắm bắt được nhiều sự vật cũ mới, tác giả đã có sức mạnh dạy dỗ chúng ta. Tại nước Nhật, ông là người duy nhất có khả năng như vậy, ông đã kết hợp những giáo huấn của Võ Sĩ Đạo với thực tiễn, với đời sống và công việc, tay nghề và lao động trí óc, trồng cây và dạy dỗ linh hồn. Là người kế thừa tinh thần truyền thống Nhật Bản, tiến sĩ Nitobe đồng thời còn là nhà kiến tạo thật sự nước Nhật ngày nay. Dù ở Đài Loan, mảnh đất mới thuộc về đế quốc Nhật Bản, hoặc ở Kyoto, tiến sĩ đều là học giả và nhà thực tiễn, là tấm gương trên cả hai lĩnh vực khoa học và học thuật. (Sau cuộc chiến tranh Trung-Nhật năm Giáp Ngọ 1894, Trung Quốc thua phải ký điều ước bất lợi, phải cắt Đài Loan và một số vùng đất khác của Trung Quốc cho Nhật. Sau Đại chiến hai, Đài Loan mới trở lại thuộc Trung Quốc.)

    Cuốn sách nhỏ viết về Võ Sĩ Đạo này không những có tác dụng gợi mở quan trọng đối với các dân tộc Anglo-Saxon, mà còn là đóng góp độc đáo cho nhiều vấn đề lớn trong thế kỷ này, như giao lưu hoà nhập và phát triển hài hoà văn hoá Đông Tây. Loài người thời cổ từng có nền văn minh đa nguyên; ngày nay, trong xã hội hiện đại, nền văn minh nhân loại đang hướng về một loại hình chung. Cái gọi là sự khác biệt giữa văn minh phương Đông (Orient) với phương Tây (Occident) sau khi trải qua vô vàn lần bài xích và hoà nhập lẫn nhau, nay đang tiến đến sự hiểu nhau và đồng nhất. Nhật Bản đang ở giữa hai nền văn minh đó, có sự khôn ngoan và chủ nghĩa tập thể của truyền thống châu Á, đồng thời cũng có sức mạnh hành động và chủ nghĩa cá nhân của văn minh phương Tây. Nhật Bản có thể tiếp tục cống hiến cho thế giới.

    Thấu hiểu lịch sử cổ kim và văn hoá các nước trên thế giới, tiến sĩ Nitobe là nhân vật quan trọng đầu tiên được chọn để hoàn thành nhiệm vụ đó. Tiến sĩ thực sự là người chấp hành và điều hòa. Với niềm tin kiên trinh của một tín đồ Ki Tô giáo (Inzo Nitobe là người Nhật đầu tiên theo đạo Quaker và du học ở Mỹ và Đức, có 5 bằng tiến sĩ), tiến sĩ Nitobe không cần dùng quá nhiều lời lẽ để giải thích thái độ của mình; trên thực tế, ông rất ít nhắc tới điều đó. Ông hiểu rằng, lịch sử nhân loại thật ra là do thần linh dẫn dắt, không có điểm nào không hợp với ý chí của Thượng Đế tối cao. Bởi vậy, là một học giả, ông không thể không tách biệt giáo lý nguyên thuỷ của tôn giáo và các kinh điển mà thần linh đã ban cho tôn giáo, với các tập quán dân tộc hoặc tất cả các thể chế giáo hội bày vẽ thêm. Trong lời tựa của mình, tiến sĩ Nitobe đã bóng gió nói rằng các nước đều có giáo lý của Cựu Ước, nhưng sự ra đời của Ki Tô giáo không phải là để phá hoại giáo lý của Cựu Ước, mà là để phát triển, hoàn thiện nó. Ki Tô giáo ở Nhật Bản cũng sẽ hoàn toàn thoát khỏi các hình thức bầy vẽ thêm và ảnh hưởng của nước ngoài, sẽ không còn là tôn giáo của nước ngoài nữa, mà sẽ bén rễ trên mảnh đất được Võ Sĩ Đạo nuôi dưỡng, sẽ hoàn toàn Nhật Bản hoá. Dứt bỏ mọi sợi dây ràng buộc, thoát khỏi cái vỏ bọc của nước ngoài, Ki Tô giáo sẽ như một luồng khí hòa nhập vào khí chất của đất nước này.

     

    WILIJIAM EILIOT GRIFFIS

    Ithaca, tháng Năm, năm 1905

    Mời các bạn đón đọc Võ Sĩ Đạo – Linh Hồn Nhật Bản của tác giả Inazo Nitobe.

    Download ebook

    Võ Sĩ Đạo – Linh Hồn Nhật Bản


    FULL:


    AZW3


    EPUB


    MOBI


    PDF

    Download App tải ebook,sách nói, khóa học tốt nhất: https://h.nhuttruong.com/app
    Website: https://www.trươngđịnh.vn
    Page:https://www.facebook.com/truongdinhvn/
    Mail:www.truongdinh.vn@gmail.com

    Bookmark (0)
    ClosePlease login

    [toc] Giới thiệu ebook Võ Sĩ Đạo – Linh Hồn Nhật Bản Tweet! Lâu nay, chúng ta thường nhắc đến Nhật Bản như một cường quốc kinh tế. Lâu nay,…

    Bookmark (0)
    ClosePlease login

    Trả lời