Viên Tướng Của Đạo Quân Chết – Ismail Kadare

Viên Tướng Của Đạo Quân Chết – Ismail Kadare

[toc]


Giới thiệu ebook

Viên Tướng Của Đạo Quân Chết – Ismail Kadare


Viên Tướng Của Đạo Quân Chết là câu chuyện về cuộc tìm kiếm hài cốt binh sĩ ở Anbani của một viên tướng sau 20 năm chiến tranh kết thúc – một cuộc hành trình của tâm trạng và nhận thức của một kẻ mang niềm kiêu hãnh, một nước lớn đi khai hóa văn minh cho một nước bé. Nhưng vượt lên tất cả những điều ấy là hình ảnh một đất nước Anbani hiểm trở, hùng vĩ với những truyền thống đẹp đẽ, lâu đời , với những con người ngoan cường dũng cảm, biết vượt qua những đau thương của chiến tranh để tự khẳng định mình….” Mê và cay đắng, viên tướng của đạo quân chết là khúc bi thương cho những người trẻ tuổi của tất cả những quốc gia đã bị đưa ra nước ngoài để chết cho cuộc chiến”.

***
Ismail Kadare là một nhà văn còn trẻ (ông sinh năm 1936) nhưng đã có một vị trí hàng đầu trong văn học Albania hiện đại. Ông nổi tiếng ngay từ tập thơ đầu tay «Mùa xuân tương lai» sáng tác năm ông mới mười tám tuổi rồi năm 1957, ông đoạt giải thưởng văn học quốc gia với trường ca «Những niềm mơ ước». Một trường ca khác của ông – «Công chúa Argjiro» – được độc giả Albania rất ưa thích. Ông còn có một tập truyện ngắn «Đám cưới». Tuy nhiên tên tuổi ông chỉ thực sự được biết đến ở nước ngoài với cuốn tiểu thuyết «Viên tướng của đạo quân chết».

Nội dung cuốn sách này thật ra rất đơn giản. Hai mươi năm sau khi chiến tranh kết thúc, một viên tướng (tác giả cố ý không nói rõ họ tên, tuổi tác, quốc tịch của hắn; người đọc chỉ «ngẫu nhiên» biết hắn cao một thước tám mươi hai và đoán chừng hắn là người Ý) cùng với một linh mục, hàm đại tá, làm thông ngôn, sang Albania để tìm kiếm thi hài các binh sĩ của đạo quân phát xít nước hắn đã tử trận ở Albania. Theo những bản danh sách và bản đồ được lập sẵn một cách công phu, tỉ mỉ, hắn và ông linh mục, có một cán bộ chuyên môn Albania và một kíp công nhân đi cùng, đã lặn lội khắp đất nước Albania, đào bới, thu nhặt những nắm xương tàn của đạo quân phát xít hai mươi năm trước đây đã bại trận. Cuộc tìm kiếm kéo dài hai năm ròng rã; các bộ hài cốt tìm thấy được bỏ vào các túi nylon đặc biệt màu xanh, sọc trắng, viền đen và gửi về cho các gia đình đã bao năm nay chờ đợi chồng con họ. Cuối cùng, viên tướng hoàn thành công việc, tổ chức lễ cầu hồn, mở một tiệc chiêu đãi nhỏ rồi lên đường về nước.

Câu chuyện chỉ có vậy, bình thường và có thể nói là khô khan nữa, đến cái mức tưởng đâu như không có gì để viết được thành một cuốn tiểu thuyết.

Nhưng Ismail Kadare đã biết chọn một góc nhìn độc đáo. Ông không kể lại câu chuyện theo chủ quan của ông, một người Albania, mà là thông qua con mắt của viên tướng, quân nhân một nước trước đây đã tiến hành một cuộc xâm lăng tàn bạo và đẫm máu trên đất nước Albania và giờ đây nhận nhiệm vụ đi sang Albania với rất nhiều định kiến. Ismail Kadare chỉ để cho nhân vật chính của ông nhìn thấy và kể lại những gì phù hợp với tính cách của hắn. Có thể nói đất nước Albania được miêu tả ở đây không phải là đất nước Albania của bản thân tác giả mà là một đất nước xa lạ nhìn qua con mắt của viên tướng: toàn núi non ghê rợn, với bùn lầy, mưa tuyết, gió lạnh… Ngay câu mở đầu cuốn sách đã xác định rõ cách nhìn ấy: «Mưa pha tuyết rơi trên đất khách…»; đó cũng là câu bắt đầu chương chót và cuốn sách chấm dứt với câu: «gió vẫn thổi không ngừng». Trong hai năm trời lang thang đây đó để khai quật mồ mả, viên tướng chỉ nhìn thấy có bùn lầy mùa thu và mưa tuyết mùa đông. Qua câu chuyện kể lại theo một trình tự thời gian chặt chẽ, Ismail Kadare đã không để cho viên tướng được thấy cảnh mùa xuân, cũng như không để cho ông ta có được một nụ cười. Câu chuyện bắt đầu với mưa, tuyết và kết thúc với gió thổi.

Như vậy, câu chuyện không phải đơn thuần chỉ kể lại sự việc mà thực ra chính là quá trình diễn biến trong tâm tư viên tướng từ khi đặt chân lên Albania cho đến lúc ra sân bay trở về nước. Chính vì thế mà, nếu như độc giả không biết gì về tên tuổi, dung mạo, bề ngoài của viên tướng – trừ chiều cao một thước tám mươi hai, – thì trái lại, qua đoạn này, đoạn khác, đây một nét, kia một chi tiết, người ta biết rất rõ tâm trạng của hắn từng lúc một. Hắn lên đường sang Albania với quan niệm đây là một sứ mệnh cao cả, thiêng liêng; hắn rất thích thú câu nói của một mụ quý tộc nước hắn ca tụng hắn trước ngày khởi hành: «Như một con chim oai hùng và đơn độc, ngài sẽ bay lượn trên những ngọn núi lặng lẽ và bi thảm ấy để lôi kéo con em khốn khổ của chúng ta ra khỏi nanh vuốt chúng». Hắn luôn luôn muốn người Albania hiểu là hắn cầm đầu cái phái đoàn hai người, hắn là nhân vật quan trọng nhất. Hắn ngầm chê bọn tướng lĩnh ngu dốt xưa kia đã đưa quân đội nước hắn «những con em của chúng ta, oai hùng và dũng cảm», đến chỗ thất bại và bị tiêu diệt, còn hắn, hắn đến Albania để đưa các tử sĩ đó ra khỏi quên lãng. Hắn tự cho mình là đại diện của một cường quốc văn minh đi đến một nước dã man, lạc hậu, nhỏ xíu chỉ bằng một cái chấm trên bản đồ. Hắn đặc biệt chú ý tìm kiếm di hài viên đại tá Z, con trai độc nhất của mụ quý tộc giàu có, quyền thế nọ, «con cưng» của Bộ Chiến tranh, «có bản lĩnh của một thiên tài quân sự» đã «mất tích» ở Albania. Gia đình viên đại tá đã xây sẵn một ngôi mộ nguy nga bằng cẩm thạch, có dựng tượng, trồng hoa hồng để chờ đón hài cốt của «người anh hùng» đó và đặt hết hy vọng vào viên tướng… Trong một lúc rượu say chuếnh choáng, tâm sự với người bạn đồng hành, viên tướng đã thổ lộ ý muốn của hắn là «sẽ hiên ngang đi giữa những người Albania, nhìn họ một cách căm hờn và khinh bỉ»; hắn đã «hình dung trước buổi lễ bàn giao hài cốt, long trọng và nghiêm trang,» và sẽ «cho diễu các quan tài binh sĩ nước hắn giữa đám dân chúng Albania để cho họ thấy là cái chết của chúng ta còn đẹp hơn cả cuộc sống của họ»…

Nhưng rồi sự việc đã diễn ra khác hẳn, như hắn về sau đã đau khổ thú nhận: «Thái độ kiêu hãnh của chúng ta biến mất trước tiên, rồi tất cả những công việc này chẳng còn gì là long trọng nữa và cuối cùng những ảo tưởng của tôi cũng tan biến và bây giờ chúng ta đi dạo trong sự hờ hững chung của mọi người, dưới những con mắt bí hiểm và giễu cợt, như những thằng hề thảm hại của chiến tranh, còn đáng thương hơn cả những kẻ đã chiến đấu và chiến bại trên đất nước này».

Thật vậy, hai năm trời trèo đèo, lội suối, xuôi ngược trên khắp các nẻo đường đất nước Albania, viên tướng đã đi từ phát hiện này đến phát hiện khác, từ thất vọng này đến thất vọng khác, những định kiến của hắn sụp đổ dần. Cái bi kịch của hắn là ở chỗ chính hắn đã từng sống những ngày đầu của chiến tranh vào mùa xuân 1939, khi quân phát xít đổ bộ lên Albania: đài phát thanh nước hắn báo tin «chiến thắng» dồn dập, dân chúng Albania đem hoa ra đón tiếp những đạo quân «sẽ dẫn văn minh và hạnh phúc đến cho họ». Rồi báo chí đăng bài, tranh ảnh, ca ngợi mùa xuân rực rỡ, bầu trời, mặt biển Albania chan hòa ánh nắng, các cô gái Albania duyên dáng, những y phục và những điệu múa đầy màu sắc. Binh lính nước hắn và cả bản thân hắn nữa – lúc đó hắn đang ở châu Phi – đều náo nức mơ ước được điều sang cái nơi thanh bình, tươi đẹp ấy, dưới bóng những cây ô liu cổ thụ… Và giờ đây, chính hắn lại tới đó để thu nhặt tàn tích của chính những đạo quân ấy và đồng thời cũng là thu nhặt những bằng chứng tuyệt đối về sự thất bại thảm hại của chúng. Có những đơn vị đã bị tiêu diệt hoàn toàn, xương người lẫn lộn với xương lừa ngựa, có những tên, kể cả sĩ quan, đã đào ngũ, đi ở cho nông dân Albania để mưu cầu cái sống thừa trong ô nhục, rồi cuối cùng chết vì tay những đơn vị trừng phạt của chính quân đội phát xít. Viên đại tá Z, «người anh hùng» của hắn, thực ra chỉ là một tên sát nhân hung ác, chỉ huy «Tiểu đoàn xanh» khét tiếng tàn bạo, đã cưỡng dâm một cô bé Albania 14 tuổi khiến cô bé tủi nhục nhảy xuống giếng tự tử; y đã bị giết chết không biết chôn ở đâu. Cho đến một tối nọ, công việc sắp hoàn thành, viên tướng cao hứng tự động đến dự một bữa tiệc cưới của một gia đình nông dân Albania, một bà cụ đã ném cái túi đựng hài cốt tên đại tá Z xuống trước mặt hắn, «như nhổ vào mặt hắn», với những lời nguyền rủa thậm tệ vì bà cụ chính là mẹ cô bé Albania nọ, chồng bà cụ đã bị «Tiểu đoàn xanh» treo cổ, chính bà cụ đã giết tên đại tá Z khi tên này – không biết cô gái đã tự tử – hôm sau lại mò đến nhà cô ta. «Và trong sự im lặng chung, viên tướng từ từ cúi xuống, run rẩy nắm lấy cái túi bê bết bùn,… hất lên vai, khom khom đi ra, như mang trên vai tất cả nỗi sỉ nhục và sức nặng của trái đất.»

Bên cạnh những mẩu chuyện biết được về từng trường hợp binh sĩ nước hắn, viên tướng cũng được biết nhiều chuyện về người Albania, về truyền thống và phong tục tập quán Albania, về cuộc chiến đấu của nhân dân Albania… Sự hy sinh của Nik Martini, một người dân miền núi, đã để lại trong lòng hắn một ấn tượng sâu sắc: Nik Martini đã một mình vác súng đi xuống bờ biển, một mình đương đầu với cả đạo quân đổ bộ, đông như kiến cỏ. Tất nhiên, như viên tướng xác nhận, anh đã chiếm được một vị trí chiến đấu lợi hại, chỉ có trọng pháo mới đánh bật được anh ra khỏi đó, nhưng dù sao thì Nik Martini, cũng như biết bao người Albania khác, từng nhóm năm ba người một, hoặc đơn độc một mình, từ khắp nơi đổ đến bờ biển để cản đường quân xâm lược rồi hy sinh, không để lại dấu vết, trừ những bài hát của nhân dân sáng tác để ca ngợi và tưởng nhớ họ, – dù sao đi nữa, viên tướng cũng cảm thấy kinh ngạc, xấu hổ: Ních Martini, cũng như các chiến sĩ Albania khác, là những hình ảnh hoàn toàn khác hẳn binh sĩ nước hắn, khác hẳn tên đại tá Z. Một bên là những con người chân chính, biết mình chiến đấu cho cái gì và bất chấp những cuộc giao phong chênh lệch, đã dũng cảm lao vào quân thù, làm trọn nhiệm vụ con người của họ; một bên là sức mạnh mù quáng, ngu ngốc, hung ác và xét cho cùng, hèn nhát.
Rút cuộc, chuyến đi hai năm trời của viên tướng là một nỗi ê chề, nhục nhã kéo dài, một cơn ác mộng, lắm lúc khiến hắn gần như sa vào tình trạng thác loạn tinh thần. Cuối cùng, đêm hôm trước ngày hắn lên đường trở về hước, hắn đã nghĩ đến cách đánh tráo hài cốt, lấy một bộ xương cũng cao một thước tám mươi hai để thế vào di hài viên đại tá Z mà, trong một lúc hoang mang thảng thốt, hắn đã hất xuống suối. Đang lúc say rượu, hắn loạng choạng đến cửa buồng ông linh mục đã khóa chặt, lom khom nói qua lỗ khóa để bày tỏ ý đồ gian lận của hắn. Bất đồ, hắn nhầm buồng, cửa buồng sịch mở, một bà to béo hiện ra, sỉ vả hắn tàn tệ đã nhòm vào buồng bà ta giữa lúc đêm hôm khuya khoắt. Cái cảnh vừa kệch cỡm, vừa thảm hại ấy, đánh dấu sự rã rời, suy sụp hoàn toàn trong con người hắn: còn đâu «con chim oai hùng, đơn độc bay lượn…», còn đâu sứ mệnh thiêng liêng, cao cả?

Rõ ràng qua diễn biến tâm tư của viên tướng, có tính chất một biểu tượng, Ismail Kadare đã giễu cợt và lên án quân đội phát xít và nói chung, tất cả các đạo quân xâm lược. Nhưng vượt lên trên cả nhân vật trung tâm ấy, choán hết cả cuốn sách chính là hình ảnh đất nước và nhân dân Albania. Mặc dù câu chuyện được kể lại qua con mắt viên tướng nước ngoài, người ta vẫn thấy Ismail Kadare yêu tha thiết đất nước ông với những núi non hiểm trở, hùng vĩ, với những truyền thống đẹp đẽ, lâu đời, với những con người ngoan cường dũng cảm, từ bao đời nay vẫn trọng danh dự và nhân phẩm và hiện đang xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội. Ông ca ngợi cuộc chiến đấu anh hùng của nhân dân nước ông và nói chung, của tất cả các dân tộc đứng lên chống ngoại xâm để bảo vệ độc lập, tự do của mình. Qua cái chết của bác thợ đấu già Gjoleka – bị nhiễm trùng vì chiếc khuy gỉ trên quân phục một tên lính phát xít chết đã 20 năm nay – ông còn ngụ ý rằng chiến tranh chưa thật sự kết thúc hay nói cho đúng hơn, hòa bình chưa phải đã vững chắc: như những con vi trùng, tuy bị vùi sâu dưới đất cùng với xác tên lính hàng mấy chục năm trời, khi gặp khí trời, ánh sáng, lại phục hồi tất cả cái tính độc hại ác liệt của nó, chiến tranh vẫn còn ngấm ngầm âm ỉ, chờ lúc chúng ta lơ là để nổ ra, tàn phá.

Tất cả những ý đó, Ismail Kadare đã thể hiện với một nghệ thuật già dặn, vững vàng. Những hình ảnh tương phản, những so sánh về hai mẫu người, hai hệ tư tưởng, hai thế giới khác nhau, ông để người đọc tự rút ra, tự suy nghĩ lấy. Ông chỉ trình bày những sự việc rất thực và chọn lọc, theo lối nhìn và cảm nghĩ của viên tướng nước ngoài, và kể lại câu chuyện một cách rất tự nhiên, thoải mái, gọn gàng, giản dị, khiến người đọc có cảm giác như ông rất «khách quan», hầu như thản nhiên với nhân vật của ông, với những sự việc ông kể, và do đó, từ một đề tài rất bình thường, đơn giản, nếu không phải khô khan, ông đã viết nên một cuốn sách thật hấp dẫn, có sức mạnh thuyết phục và tác động sâu sắc, xứng đáng là một tác phẩm ưu tú của Albania, một tác phẩm chúng ta có thể học tập được nhiều chẳng những về nội dung mà cả về nghệ thuật thể hiện.

NGUYỄN VĨNH

Mời các bạn đón đọc Viên Tướng Của Đạo Quân Chết của tác giả Ismail Kadare.

Download ebook

Viên Tướng Của Đạo Quân Chết – Ismail Kadare


FULL:


AZW3


EPUB


MOBI


PDF

Download App tải ebook,sách nói, khóa học tốt nhất: https://h.nhuttruong.com/app
Website: https://www.trươngđịnh.vn
Page:https://www.facebook.com/truongdinhvn/
Mail:www.truongdinh.vn@gmail.com

Bookmark (0)
Please login to bookmarkClose

[toc] Giới thiệu ebook Viên Tướng Của Đạo Quân Chết – Ismail Kadare Tweet! Viên Tướng Của Đạo Quân Chết là câu chuyện về cuộc tìm kiếm hài cốt binh…

Bookmark (0)
Please login to bookmarkClose

Trả lời