Vị Khách Chủ Nhật

Vị Khách Chủ Nhật

Giới thiệu

Vị Khách Chủ Nhật




“… Những ngọn núi sau lưng ông sừng sững như một đại giáo đường. Chúng trỗi lên thẳng đứng từ mặt biển, vĩ đại và hùng tráng, già lão và nhàn nhĩ, mỗi ngọn có khuôn mặt xám xịt riêng. Những khuôn mặt luôn luôn thay đổi, có sống cả đời cũng chưa đủ để ghi nhận hết. Khúc nhạc đại phong cảm của gió tàn phá chúng với tốc độ vô cùng chậm chạp nhưng không bao giờ ngơi nghỉ.
Ông chẳng để ý gì đến chúng nữa cả. Lúc nào chúng chả đứng đó. Những người khác đến đây để ngây ngất chiêm ngưỡng núi, để trèo lên đó và lại gần bầu trời thêm một chút, có lẽ để được diện kiến các đấng thánh thần chăng. Nhưng ông cũng như những người cư ngự khác ở đây, đối với ông núi non là sự mặc định. Phải chăng có sở thích triết luận và suy tư thì ắt ông sẽ coi chúng là những người lính gác, là rào chắn mọi hiểm nguy rình rập. Đã có lần ông rời đảo, đã cố gắng đoạn tuyệt nó mà không thành. Từ đó ông chỉ vào bờ khi chẳng dừng, và đôi khi làm một chuyến du ngoạn trọn gói về phương Nam.
Bây giờ ông là một người khác. Sống một cuộc sống điều độ. Ngày xưa ai dám tin chuyện đó? Cũng đôi khi tâm trí ông trôi về dĩ vãng, song ngày càng hiếm hơn . Tốt hơn hết là cái gì đã qua thì cứ để nó yên. Nhưng không phải lúc nào cũng làm được thế. Con bé ấy đã biến đi đâu? Liệu có bao giờ ông biết được không?…”
– “Khi bạn đã kiệt sức và từ bỏ Dostoyevsky, hãy đọc Kanger. Nó chính là phương thuốc chữa trị tình yêu đang phai nhạt mà bạn dành cho việc đọc sách”. – Upsala Nya Tidning
– “Thomas Kanger đã trở thành một tác giả trinh thám tài năng ngang tầm những tên tuổi có uy tín trong thể loại này như Mankell, Edwardson và Nesser”. – Varnamo Nyheter.
– “Văn phong của Kanger ấn tượng một cách tàn nhẫn. Không đối trọng nào được phép xuất hiện trong lời tường thuật của ông. Nó cũng tương tự phương pháp sắt đá đặc sắc của Hemingway” – Eskilstuna-kurien.
– “Thomas Kanger và nhân vật Elina Wiik của ông nổi bật lên như ngôi sao sáng chói nhất trên bầu trời văn học trinh thám Thụy Điển” – Gefle Dagblad.

***
Hồi hộp và lôi cuốn, tác phẩm trinh thám này không chỉ lần theo dấu vết hung thủ của một vụ án sắp hết thời hiệu khiếu kiện mà còn dẫn dụ độc giả khám phá thế giới tâm lý nhân vật ở những tầng sâu thẳm…

Review Tác phẩm: Vị khách chủ nhật

Một vụ án mạng từ hai mươi tư năm và mười một tháng trước, chính xác là còn hai mươi lăm ngày nữa sẽ khép lại vĩnh viễn. Một phụ nữ trẻ bị bóp cổ chết. Năm tháng sau xác của cô được phát hiện với những vết răng sói cắn. Đứa con gái hoàn toàn mất tích. Bộ hồ sơ dài tới ba nghìn trang với những phần điều tra tỉ mỉ và đầy nỗ lực… Nữ cảnh sát Elina Wiik đã quyết định lật lại vụ án này từ nỗi ám ảnh của một đồng nghiệp thân thiết, khi anh bị chứng nhồi máu cơ tim.

35 tuổi, xinh đẹp và đầy bản lĩnh, Wiik mang đến cảm giác đầu tiên về một “người đàn bà thép”, khi đã quyết là không rời bỏ mục tiêu lựa chọn của mình. Và Wiik đã chọn nạn nhân Ylva Marieanne Malmberg của gần hai mươi lăm năm trước, bắt đầu từ một xuất phát điểm mà chính cô cũng thừa nhận đây là một chuyện viển vông, một vụ chưa ai làm nổi bao giờ.

Có bao điều phiền toái kéo theo từ vụ án tưởng chừng đã được khép lại ấy. Công việc thường ngày của Wiik là giải quyết những vụ trộm vặt, đánh nhau đã vì thế mà bê trễ. Ba nghìn trang hồ sơ không chỉ ngốn hết thời gian của Wiik mà còn lan sang cả một vài đồng nghiệp trong cơ quan. Điều này khiến vị sếp trong cơ quan hết sức bực bội. Đã có lúc Wiik bị dồn tới bước đường cùng, buộc phải rời bỏ vụ án. Tuy nhiên, người phụ nữ trẻ này lúc nào cũng biết tìm cho mình một lối để tiếp tục đi.

Có tới ba mươi tư nghi phạm được Wiik liệt kê từ những cuốn nhật ký để lại của Ylva. Và cô đã quay ngược lại thời gian để tái hiện lại tất cả những gì đã xảy ra với nạn nhân trước đó. Những kẽ hở của hồ sơ đã được phát hiện, và Wiik lúc nào cũng tin tưởng sẽ giải quyết được vụ án mạng này tới cùng.

Đầy cuốn hút với các nhân vật dường như ai cũng có xu hướng không muốn bày tỏ bản thân quá nhiều. Lôi cuốn với hai tuyến nhân vật cùng lao về quá khứ, một bên là nữ cảnh sát tài ba và chuyên nghiệp, một bên là cô gái trẻ Kari muốn kiếm tìm sự thật nguồn gốc của mình. Hồi hộp với những mắt xích mãi tận đẩu đâu có thể tình cờ ghép nối được với nhau, hé mở một cách bất ngờ. Và điều kỳ diệu mà Thomas Kanger đã làm được: chỉ để tội phạm xuất hiện ở phút cuối, và kèm theo một tiết lộ gây sửng sốt không kém.

Vị khách chủ nhật là cuốn sách thứ tư trong bộ tiểu thuyết trinh thám sáu tập của nhà văn Thụy Điển Thomas Kanger. Khác với những cuốn trước đó, tác phẩm này được xây dựng hoàn toàn từ hư cấu. Với cặp mắt quan sát của một phóng viên điều tra, Thomas Kanger đã đưa vào Vị khách chủ nhật cái nhìn quyết liệt tới tận cùng sự thật, khiến văn phong của ông ấn tượng một cách tàn nhẫn. Đó là lý do để Thomas Kanger và nhân vật Elina Wiik của ông nổi bật lên như ngôi sao sáng chói nhất trên bầu trời văn học trinh thám Thụy Điển. Tác phẩm này đã được dịch ra nhiều thứ tiếng như Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Na Uy, Phần Lan, Đan Mạch, Hà Lan…, được đề cử giải Tiểu thuyết hình sự Thụy Điển và hiện đang được Hollywood dựng thành phim.

Thomas Kanger sinh năm 1951, sống gần Stockholm. Trước khi bước vào nghiệp viết tiểu thuyết trinh thám, ông là phóng viên thường trú nhiều năm ở nước ngoài. Là nhà văn, nhà báo, Thomas Kanger đã chín lần sang Việt Nam giảng dạy về báo chí, và dấu ấn này ít nhiều lưu lại trong Vị khách Chủ nhật, mở đầu với một khung cảnh ở Việt Nam. Bản lĩnh của phóng viên đã mang đến cho tác giả một cái nhìn chiều sâu sau những tác phẩm trinh thám, mà ông từng tâm sự: “Làm báo, tôi quan tâm đến vấn đề lạm dụng quyền lực; còn khi viết tiểu thuyết tôi muốn tìm hiểu xem tại sao người ta lại hành động theo cách này hay cách khác, sự phát triển trong xã hội đã ảnh hưởng đến con người ra sao, đặc biệt đối với phụ nữ”.

Phúc Yên – vnexpress.net

***

Tác giả

Nhà văn, nhà báo Thụy Điển nổi tiếng Thomas Kanger sinh năm 1951, lớn lên ở Uppsala, sau đó sống gần hai mươi năm ở Västerås, hiện sống gần Stockholm, ông bắt đầu làm báo từ năm 1980, mười năm sau chuyển sang làm phóng viên truyền hình, từng là phóng viên thường trú nhiều năm ở nước ngoài.

Thomas Kanger đã viết tổng cộng chín cuốn sách, bao gồm: năm tiểu thuyết trinh thám, một tiểu thuyết kinh dị, một cuốn sách nghiên cứu, hai cuốn sách điều tra. Thomas Kanger cũng hợp tác với Truyền hình Quốc gia Thụy Điển làm phim tài liệu phóng sự điều tra. Đề tài trong tác phẩm của ông thường gây được sự chú ý mạnh mẽ trong dư luận xã hội không chỉ ở Thụy Điển mà cả ở nước ngoài.

Thomas Kanger làm báo và viết văn với niềm tin tạo ra những tác động góp phần loại bỏ những điều xấu trong xã hội. Với tài năng và tầm ảnh hưởng ngày càng mở rộng của ông, điều này đã phần nào trở thành hiện thực. Các tiểu thuyết của ông được dịch ra nhiều thứ tiếng, dựng thành phim.

Thomas Kanger từng tham gia phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam tại Mỹ, đã đến Việt Nam chín lần để giảng dạy về báo chí. Tiểu thuyết trinh thám Vị khách Chủ nhật mở đầu với một khung cảnh Việt Nam lần đầu được dịch sang tiếng Việt sẽ là những trang sách hấp dẫn giới thiệu với độc giả Việt Nam một nhà văn tài năng đến từ đất nước Thụy Điển xa xôi.

***

Chuyện kể ngày xưa lần đầu tiên sói và tuần lộc gặp nhau. Trông thấy cặp sừng to tướng và đôi mắt đen của tuần lộc, sói thất kinh.

“Cậu cần sừng nhọn làm gì vậy?” sói hỏi.

“Cậu nói đúng, sừng tớ nhọn lắm,” tuần lộc đáp. “Nhưng tớ vừa ra đời nên chưa rõ dùng sừng làm việc gì cả.”

Không vì thế mà sói thấy yên tâm.

“Tại sao đôi mắt đen to tướng của cậu lại nhìn tớ chằm chằm vậy?” sói muốn biết.

“Tớ không muốn làm cậu sợ đâu, hay là tớ quay mặt đi vậy nhé,” tuần lộc nói.

Giờ thì đến lượt tuần lộc hỏi sói.

“Thế cậu là ai? Trông thấy răng cậu vàng khè và họng cậu đỏ chót tớ sợ phát run lên.”

Nghe tuần lộc nói sợ mình, sói khẽ vẫy đuôi và gầm gừ: “Hãy liệu hồn khi gặp ta, vì lúc nào ta cũng thấy đói.”

Từ đó trở đi sói là kẻ mạnh hơn và tuần lộc là con mồi của nó.

Ông quen tay thả dây buộc lưỡi câu trượt xuống nước. Trời xám xịt đầy mây, không khí đã ứ hơi mưa, và xung quanh im ắng lạ thường so với biển Baltic thường ngày. Chiếc thuyền con lúc lắc trườn tới một cách thận trọng. Kinh nghiệm cho ông biết thời tiết có thể đột ngột thay đổi. Đang lặng gió đấy mà cũng có thể ầm ào ngay đấy, song chưa bao giờ vì thế mà ông không chèo thuyền ra biển. Ra tận ngoài khơi, cách xa bờ, chỉ ở đó ông mới thấy thanh thản.

Những ngọn núi sau lưng ông sừng sững như một đại giáo đường. Chúng trồi lên thẳng đứng từ mặt biển, vĩ đại và hùng tráng, già lão và nhàu nhĩ, mỗi ngọn có khuôn mặt xám xịt riêng. Những khuôn mặt luôn luôn thay đổi, có sống cả đời cũng chưa đủ để ghi nhận hết. Khúc nhạc đại phong cầm của gió tàn phá chúng với tốc độ vô cùng chậm chạp nhưng không bao giờ ngơi nghỉ.

Ông chẳng để ý gì đến chúng nữa cả. Lúc nào chúng chả đứng đó. Những người khác đến đây để ngây ngất chiêm ngưỡng núi, để trèo lên đó và lại gần bầu trời thêm một chút, có lẽ để được diện kiến các đấng thánh thần chăng. Nhưng ông cũng như những người ngụ cư khác ở đây, đối với ông núi non là sự mặc định. Phải chăng có sở thích triết luận và suy tư thì ắt ông sẽ coi chúng là những người lính gác, là rào chắn mọi hiểm nguy rình rập. Đã có lần ông rời đảo, đã cố gắng đoạn tuyệt nó mà không thành. Từ đó ông chỉ vào bờ khi chẳng đừng, và đôi khi làm một chuyến du ngoạn trọn gói về phương Nam.

Bây giờ ông là một người khác. Sống một cuộc sống điều độ. Ngày xưa ai dám tin chuyện đó? Cũng đôi khi tâm trí ông trôi về dĩ vãng, song ngày càng hiếm hơn. Tốt hơn hết là cái gì đã qua thì cứ để nó yên. Nhưng không phải lúc nào cũng làm được thế. Con bé ấy đã biến đi đâu? Liệu có bao giờ ông biết được không?

Mời các bạn mượn đọc sách Vị Khách Chủ Nhật của tác giả Thomas Kanger & Lê Quang (dịch).

Download

Vị Khách Chủ Nhật

Bookmark (0)
Please login to bookmark Close

Giới thiệu Vị Khách Chủ Nhật Tweet! “… Những ngọn núi sau lưng ông sừng sững như một đại giáo đường. Chúng trỗi lên thẳng đứng từ mặt biển, vĩ…

Bookmark (0)
Please login to bookmark Close