Văn Minh Việt Nam
[toc]
Giới thiệu ebook
Văn Minh Việt Nam
Bản thảo cuốn sách này được hoàn thành năm 1939 với tựa đề tiếng Pháp “La civilisation annamite”, được xuất bản tại Hà Nội năm 1944, có thể được coi là phát ngôn của người Việt về văn hóa Việt Nam với cộng đồng thế giới. Công trình này được đặt viết theo nghị định ngày 23.4.1938 do Toàn quyền Đông Dương ký để dùng làm sách giáo khoa cho bộ môn văn hóa Việt Nam trong các trường trung học mới được thành lập. Cuối năm 2016, bản dịch tiếng Việt Văn minh Việt Nam được Nhã Nam tái bản. Đây là tác phẩm quan trọng bậc nhất trong tủ sách nghiên cứu về đất nước và con người Việt Nam, ra đời trong cùng bối cảnh với Việt Nam văn hóa sử cương của Đào Duy Anh. Văn minh Việt Nam của Nguyễn Văn Huyên là một trong số ít nghiên cứu đặt vấn đề tiếp cận văn hóa Việt Nam một cách tổng thể. Đào Duy Anh và Nguyễn Văn Huyên, một người viết bằng tiếng Việt, một người diễn đạt bằng tiếng Pháp, là hai tác giả người Việt đầu tiên đã tổng hợp các kết quả nghiên cứu mới nhất của cộng đồng khoa học quốc tế đương thời và sử dụng phương pháp khoa học phương Tây để nghiên cứu các hiện tượng văn hóa và xã hội Việt Nam.
Với kết cấu bao gồm 12 chương, tác phẩm sẽ cung cấp một lượng thông tin đồ sộ về con người, xã hội và văn hóa Việt Nam giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX, những gì thuộc về bản sắc Việt Nam, được gọi là “tật xấu” hoặc “nét đẹp” trong văn hóa người Việt. Phần mở đầu, Nguyễn Văn Huyên trình bày về đất nước và lịch sử Việt Nam. Chương I với những thông tin nhân trắc học. Ba chương sau tác giả nghiên cứu tổ chức xã hội của người Việt từ gia đình đến làng xã và nhà nước. Ba chương tiếp là kiến trúc nhà ở của người Việt, các phương thức tập trung dân chúng ở nông thôn và thành thị, cũng như các hành vi ứng xử của người Việt đối với cơ thể, từ cách ăn cách mặc đến cách chăm sóc khi ốm đau hoặc làm đẹp. Bốn chương cuối, đề cập đến đời sống kinh tế, đời sống tôn giáo, cũng như đời sống tư tưởng, văn học và nghệ thuật.
Cuốn sách thật sự đã trải qua một hành trình dài để đến tay bạn đọc hôm nay. Chuyến đi thú vị đó hẳn sẽ chưa dừng lại…
***
“Nhược điểm lớn nhất của người Việt Nam là lười biếng”. Đó là điều mà tác giả Nguyễn Văn Huyên khẳng định trong tác phẩm xuất bản lần đầu năm 1944 và vừa được tái bản gần đây.
Bên cạnh đó, xuyên suốt tác phẩm, ông còn chỉ ra một cách xác đáng những điểm hay và dở trong “cá tính dân tộc Việt Nam”.
Giai đoạn cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 có thể nói là một trong những khúc quanh đầy nghiệt ngã của dân tộc Việt Nam. Đất nước đánh mất chủ quyền vào tay thực dân xâm lược sau những tháng năm dài “bế quan tỏa cảng” và tụt hậu về mọi mặt.
Việt Nam lúc này xuất hiện trên bản đồ thế giới không phải với tư cách của một quốc gia độc lập mà chỉ là một phần trong khối thuộc địa của Pháp ở Đông Dương với cái tên chung: Indochine.
Từ một “tuyên ngôn” về văn hóa
Bên cạnh đó, trong tâm tưởng của thế giới phương Tây thời bấy giờ, văn hóa Việt Nam dường như chỉ là một phần lệ thuộc của Trung Hoa ở phương Bắc. Giữa hoàn cảnh như vậy, tác phẩm La civilisation annamite mà sau này được biết đến với tên gọi Văn minh Việt Nam của Nguyễn Văn Huyên đã ra đời.
Thuộc tầng lớp trí thức tiến bộ đương thời, có cơ hội thừa hưởng phương thức giáo dục và lối tư duy mới mẻ của nền học thuật phương Tây, có lẽ hơn ai hết, nhà trí thức trẻ Nguyễn Văn Huyên hiểu rõ những tác động sẽ tạo ra được từ công trình của bản thân đối với việc thay đổi sự nhìn nhận về mọi mặt của văn hóa Việt.
Trên thực tế ông không phải là người đầu tiên đặt vấn đề phác họa lại đời sống văn hóa, xã hội Việt Nam dưới hình thái một công trình nghiên cứu cụ thể. Từ trước ông, đã có nhiều học giả tiêu biểu tiến hành công việc này.
Cụ thể, vào năm 1915, bằng tinh thần phản biện mạnh mẽ của một nhà Nho duy tân, Phan Kế Bính mạnh dạn nêu lên những cái hay, dở trong nếp sống cũ với Việt Nam phong tục.
Tiếp theo là Việt Nam văn hóa sử cương ra đời năm 1938 của học giả Đào Duy Anh. Tác phẩm này đã tiến thêm một bước gần hơn trong việc định hình lại tiến trình phát triển của văn hóa dân tộc, đồng thời nêu ra những biến đổi mạnh mẽ giữa các giá trị cũ và mới trong buổi giao thời.
Dù vậy, phải đến khi Văn minh Việt Nam được xuất bản lần đầu tiên năm 1944, “cửa sổ để thế giới hiểu về Việt Nam” mới mở rộng hơn bao giờ hết.
Đó vẫn là sự khái quát những đặc trưng căn bản cấu thành nên nền văn hóa của dân tộc Việt Nam, bao gồm những sinh hoạt vật chất, đời sống tinh thần và cơ cấu xã hội.
Tuy nhiên, điểm vượt trội của Văn minh Việt Nam so với các tác phẩm trước đó là việc đặt những thành tố văn hóa đã nêu trên nền tảng của sự dị biệt về điều kiện tự nhiên, nhân chủng cũng như tiến trình phát triển của lịch sử quốc gia.
Tất cả những điều này đã tạo nên một dấu ấn rất riêng cho cuốn sách. Hay nói cách khác, Văn minh Việt Nam giống như một bản “tuyên ngôn” về văn hóa với hàm ý: Việt Nam là một quốc gia độc lập, có những đặc trưng riêng về tự nhiên, nhân chủng, đồng thời có một nền văn hóa của riêng mình đã được phát triển thông qua một quá trình lịch sử lâu dài.
…Đến hành trình định vị cá tính dân tộc
Cũng chính từ những nền tảng tự nhiên và văn hóa đó, Nguyễn Văn Huyên đã đưa ra những nhận định của mình về cá tính dân tộc. Với Văn minh Việt Nam, ông mạnh dạn nêu lên những điểm đặc trưng nhất trong tính cách người Việt mà trong đó có cả cái hay lẫn cái dở, mặt mạnh và mặt yếu.
Để lý giải cho nhận định của mình, Nguyễn Văn Huyên đã đưa ra những phân tích vô cùng xác đáng dựa trên những giả thiết chặt chẽ được đúc kết từ việc tham cứu những tư liệu đa ngành vô cùng phong phú.
Cụ thể, khi nói về “nhược điểm lớn nhất của người Việt Nam là lười biếng”, ông chỉ rõ từ những nguyên nhân khách quan cho đến chủ quan như sự sút kém về hình thể, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, sự khó khăn trong cung cấp việc làm, giáo dục lạc hậu thủ tiêu óc suy diễn,…
Nhưng đồng thời, ông cũng không quên lưu ý rằng tất cả mọi nhược điểm “không nên suy rộng ra cho tất cả mọi người Việt Nam”. Dù tồn tại nhiều nhược điểm, người Việt cũng không thiếu những ưu điểm vượt trội hơn so với những dân tộc khác như đức kiên nhẫn, sự mơ mộng nhưng cũng không kém phần thực tế.
Bên cạnh đó, đằng sau những phân tích và đánh giá của mình, Nguyễn Văn Huyên dường cũng vạch ra được những hướng khắc phục cụ thể đối với nhược điểm và phát huy ưu điểm trong tính cách của dân tộc Việt Nam. Trong đó, phải kể việc cung cấp một nền giáo dục tiến bộ, phát triển về kinh tế cũng như những chính sách hành chính phù hợp.
Cũng chính từ việc phân tích những ưu và nhược điểm trong cá tính của người Việt Nam, ông dường như cũng đã nhận thấy một phương hướng khả quan trong việc giành lại độc lập cho dân tộc lúc bấy giờ.
Bởi theo ông, những người “nông dân Việt Nam có thể trở thành người lính dũng cảm và bền bỉ” nếu được “chỉ huy tốt và được ý thức về nghĩa vụ động viên.”
Hơn nửa thế kỷ trôi qua, nhìn vào thực tế hiện nay, sự xác lập về bản sắc văn hóa cũng như những nhận định về cá tính dân tộc trong Văn minh Việt Nam trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.
Trong thế giới phẳng, mỗi quốc gia, dân tộc cần thiết thay đổi để bước vào “sân chơi chung”, nhưng đồng thời cũng buộc phải giữ lại những đặc trưng riêng biệt nhất trong văn hóa của mình.
Chúng ta là ai? Bản sắc văn hóa của chúng ta là gì? Chúng ta cần gìn giữ cũng như loại bỏ những gì trong cá tính của dân tộc mình? Với cuốn sách Văn minh Việt Nam, có thể mỗi người chúng ta sẽ có một cách riêng để tìm lời giải đáp những câu hỏi đó cho riêng mình.
Mời các bạn đón đọc Văn Minh Việt Nam của tác giả Nguyễn Văn Huyên.
Download ebook
Văn Minh Việt Nam
FULL: |
Download App tải ebook,sách nói, khóa học tốt nhất: https://h.nhuttruong.com/app
Website: https://www.trươngđịnh.vn
Page:https://www.facebook.com/truongdinhvn/
Mail:www.truongdinh.vn@gmail.com
[toc] Giới thiệu ebook Văn Minh Việt Nam Tweet! Bản thảo cuốn sách này được hoàn thành năm 1939 với tựa đề tiếng Pháp “La civilisation annamite”, được xuất bản…