Trên Mảnh Đất Người Đời

Trên Mảnh Đất Người Đời

[toc]


Giới thiệu ebook

Trên Mảnh Đất Người Đời


Trên Mảnh Đất Người Đời là tác phẩm văn học kinh điền nổi tiếng của Nga. Câu chuyện như được gói trong một không khí phũ phàng của cái ác và bất hạnh lồng trong một điều gì đó giống như là tình yêu tam giác. Hai người đàn ông rất khác nhau về tính cách cùng quan hệ với một phụ nữ. Và một người đàn ông bị kẻ kia hãm hại tán độc phải vào tù, mất đi người yêu và mọi thứ trên đời, gần như mất cả niềm tin đối với con người. Anh ta phải làm gì trong quãng đời hiu quạnh và ngang trái còn lại khi mà đã tắt hết mọi niềm hy vọng?

Tác giả Anatoli Stepanovich Ivanov nổi tiếng với những tác phẩm Những bài hàt của Anka, Những bóng đen biến mất giữa ban ngày, Tiếng gọi vĩnh cửu, Thù địch, Trên mảnh đất người đời, Truyện một mối tình tan vỡ.

***

Anatoli Stepanovich Ivanov (Anatôli Xtêpanôvits Ivanôp) sinh năm 1928 tại làng Sêmônaikha, miền đông Kazaxtan. Sau khi học hết phổ thông ở làng quê, ông vào học khoa Báo chí trường Đại học Tổng hợp mang tên Kirôp ở Alma – Ata. Tốt nghiệp đại học, ông vào làm cho tờ báo Sự thật Irtưs và nhập ngũ tại đây.

Sau khi giải ngũ, Anatôli Ivanôp làm biên tập cho báo Nôvôxibir, sau đó cho nhà xuất bản ở Nôvôxibir. Từ 1958 đến 1964 là phó tổng biên tập tạp chí Những ngọn lửa Xibir.

Năm 1956 Anatôli Ivanôp cho ra mắt tập truyện ngắn đầu tiên lấy tên là Những bài hát của Anka, năm 1963 bắt đầu nổi tiếng với tiểu thuyết Những bóng đen biến mất giữa ban ngày. Bộ tiểu thuyết hai tập Tiếng gọi vĩnh cửu (1970 – 1976) được tặng giải thưởng quốc gia Liên Xô năm 1979, đã đem lại tiếng tăm và vinh dự to lớn cho nhà văn.

A. Ivanôp còn cho ra mắt một loạt truyện nổi tiếng như Thù địch, Trên mảnh đất người đời, Truyện một mối tình tan vỡ và các tác phẩm khác.

Chủ đề quán xuyến hầu như toàn bộ sáng tác của A. Ivanôp là sự ngợi ca giá trị tinh thần, khẳng định cái thiện, lên án và đấu tranh không khoan nhượng với mọi biểu hiện của cái ác trong xã hội loài người. Truyện của ông phần lớn đề cập đến những tình huống hết sức gay cấn, đôi khi đến mức bi kịch tàn nhẫn, song bao giờ cũng thấm đượm tinh thần lạc quan, tin tưởng vào bản chất tốt đẹp của con người.
Truyện Trên mảnh đất người đời, là một trong những truyện hay nhất, đồng thời cũng có ý nghĩa xã hội nhất trong văn học Xô Viết. Câu chuyện xoay quanh số phận của một con người, tuy phải trải qua những cảnh ngộ hết sức éo le nhưng vẫn giữ được bản chất nhân hậu và độ lượng, giữ được lòng tin vào tình yêu, vào cuộc sống, tin vào một xã hội công bằng.

Giới thiệu truyện này của Anatôli Ivanôp, chúng tôi muốn bạn đọc làm quen với một tác giả tài năng của văn học Nga và hy vọng bạn đọc sẽ còn có dịp biết thêm về ông qua một số tác phẩm khác đang và sẽ được dịch sang tiếng Việt.

***

Buổi ngày, khi mặt trời lạnh vừa sà xuống thấp thì sương mù bắt đầu lan trên bãi cỏ bên kia sông trên những cánh đồng đã gặt ở phía xa, dâng lên trên những khu đất trũng ngập nước. Đến chiều, những cụm sương thấm lạnh, trở nên dầy đặc và mỗi lúc một nở to hơn. Cuối cùng, chúng lặng lẽ kết lại với nhau. Màn hơi nước mờ đục ngày càng nặng hơn, trườn dần về phía đông, thoạt tiên nó phủ kín bờ bên kia, sau đó che khuất nửa dòng sông Ôbi rộng lớn nhưng đã yếu hẳn đi sau một mùa hè oi ả, rồi cứ thế lan dần sang ngôi làng bên này, đe dọa phủ kín và đè lên ngôi làng bằng cái sức nặng không trọng lượng của nó.

– Cậu nói phét, Samian ạ, – Paven Đêmiđôp thốt lên. Cũng như mọi hôm, ông đang ngồi bên vách túp lều đất của mình, nhìn sang phía những cánh đồng sẫm tối bên kia sông.

– Bố vừa nói gì đấy? – cậu bé Grinka, lên tám, con nuôi của Đêmiđôp, bước vào sân hỏi. Hai bàn tay dính đầy mực của cậu ôm chiếc cặp học trò đã sờn da. – Bố bảo ai nói phét cơ?

– À, bố nói gã sương mù! – Đêmiđôp hất hàm về phía sông Ôbi. – Hắn đúng là thằng bịp.

Grinka khịt một cái, đưa ngón tay lên quệt mũi ngẫm nghĩ.

– Nó bịp thế nào ạ?

– Thì nó đang dọa chúng ta đấy, con không thấy sao?

Cả hai lại im lặng một lúc. Grinka – nhỏ bé, đội mũ lưỡi trai rộng thùng thình của bố, mặc chiếc áo vét dạ vừa mua ở cửa hàng bách hóa xã trước hôm khai trường. Đêmiđôp – người khô gầy, thô kệch, hai đầu gối khẳng khiu nhô hẳn ra phía trước, dưới tấm áo bông dầy cũng thấy rõ đôi vai nhọn. Tuy đã ngoài sáu mươi tuổi, đã về hưu nhưng vẫn không thể gọi ông là ông già được. Mặt ông vẫn cạo, tuy rất họa hoằn, hôm nay ông cũng vừa cạo xong, và đôi má vẫn còn đầy đặn, chưa hề bị nhăn nheo của ông bóng lên dưới ánh nắng nhạt lúc trời chiều.

– Có, con có thấy, – Grinka nói, – Buổi chiều sương càng dầy bao nhiêu, thì sáng hôm sau trời càng trong bấy nhiêu. Bố vẫn bảo thế.

– Đúng. Nhưng con còn thấy gì nữa không?

– Không, không thấy gì nữa.

– Lắng tai nghe thật kỹ xem. Thế nào, có thấy gì không?

Grinka nhíu hẳn trán lại, đứng im không nhúc nhích.

– Không thấy gì cả. Chỉ thấy tiếng chó đực sủa thôi.

– Đồ ngốc, đấy là tiếng chó cái. Của anh đội trưởng MitrôFan. Còn gì nữa không?

– Hình như có tiếng xe tải ở sân sau. Cả tiếng gì như tiếng con gái la hét.

– Đấy là tiếng cô con gái bác Artamôn chăn ngựa cho nông trang, tiếng cô Klapka.

– Cả tiếng những cô khác, vì có nhiều tiếng cười khúc khích. – Grinka cãi lại.

– Nhưng có cả tiếng cô Klapka. Trong số đó có cả tiếng cô Klapka. Giờ là tiếng đàn phong cầm của anh lái máy kéo Lenka. Cái anh chàng Lenka khốn khổ. Có cái đàn đắt tiền, bóng như gương, thế mà không biết chơi. Nghe cứ như tiếng cưa gỗ ấy… Nhưng anh chàng cũng là tay khá, có mớ tóc trông cũng bảnh.

Quả nhiên, chỉ một lát sau bắt đầu vẳng đến những âm thanh rời rạc, sai điệu, nghe rất nhỏ vì khoảng cách quá xa của chiếc phong cầm.

– Đấy, thấy chưa? Thế mà hắn ta lại đe dọa, – Đêmiđôp lại hất đầu về phía bên kia sông, nơi sương mù đang lan đến.

– Hắn dọa cái gì ạ? – Grinka vẫn chưa hiểu. – Hắn dọa ai? Mà làm sao hắn dọa được hả bố?

– Đồ ngốc! – Mắt Đêmiđôp ánh lên giận dữ. – Thôi đi vào nhà. Có khoai tây luộc để phần con đấy. Cả hũ sữa trên bậu cửa sổ nữa… Bố còn ngồi đây lúc nữa đã…

– Bố ơi, nhưng bố đừng đến cửa hàng cô Marka nhé, – Grinka van nài bố giống như Nađegiơđa, người chị nuôi đã hai năm nay vào làm ở trại quy hoạch rừng của cậu, vẫn thường van nài. Rồi cũng bắt chước chị, cậu nói thêm: – Bố đừng uống cái thứ vốtka chết tiệt ấy nữa, bố nhé!

– Thôi, bước đi cho khuất mắt! – Đêmiđôp quát lên. – Đã bảo là bố sẽ ngồi đây, không đi đâu cả.

Grinka bỏ vào trong nhà, và trong lúc ngồi ăn một mình, cậu thầm nghĩ, như đã thành lệ, hễ khi nào cái “mắt sói” sáng lên (“mắt sói” là tên lúc đầu bố cậu đặt ra, sau cả làng bắt chước dùng theo để gọi cái cửa sổ thấp của nhà Maria Maksêeva, cứ tối tối lại sáng ánh đèn và mụ chủ nhà dùng ô cửa ấy làm chỗ bán rượu vốtka “chẵn tiền” cho khách, nghĩa là bốn rúp một chai!), là thế nào bố cậu cũng mò đến đó; những lúc say, bố cậu thường tỏ ra hiền lành, có khi hiền hơn cả lúc tỉnh, ông thường mang về cho cậu có lúc thì những cái kẹo hay bánh đa rẻ tiền, lúc thì một chai nước chanh cũng mua ở ô cửa đó. Và trong lúc chất men chưa giã hẳn, bố cậu cứ đi vòng quanh căn buồng hẹp bảo rằng ông uống thế là đủ rồi, và hứa với cậu, với Grinka, rằng ông sẽ thôi không uống nữa, ông hay xoa đầu cậu, và có lần hình như còn khóc. Nhưng sợ Grinka nhìn thấy nước mắt, nên ông cứ phải lắc đầu thật mạnh, rồi vừa lảo đảo đi hết góc này sang góc kia, vừa lầu bầu trong cổ họng một câu hát kỳ lạ, khó hiểu:

Ta là ai? Ta chẳng là ai, ta chỉ là kẻ ấy…

Kẻ lạ lùng, kỳ quặc chính là ta.

Ông lầu bầu một lúc mấy câu như thế rồi thôi, lăn ra ngủ.

Nhưng dù sao Grinka cũng không muốn tối nào bố cậu cũng say. Cậu vẫn thích bố cậu tỉnh táo hơn là say.

Vừa dọn bàn, Grinka vừa nghĩ: cậu có ông bố quả là kỳ lạ. Và mấy câu hát kia đúng là ông tự hát về ông. Cách đây ba năm ông nhận cậu từ nhà trẻ mồ côi ở Marsanikha về nuôi với một điều kiện kỳ quặc:

– Tên con là Vôpka à? Từ nay ta sẽ gọi con là Grinka!

– Cháu không muốn thế! – Grinka, mà lúc đó hãy còn là Vôpka nói.

– Phải thế thôi. Nếu không thì không xong đâu, ta sẽ nhận đứa khác, mặc dù con có vẻ là đứa bé kháu khỉnh và cũng ngang ngạnh ra trò đấy.

Rồi ông im lặng rít hết một điếu thuốc lá cuốn rõ dài, sau đó dụi mẩu thuốc lá xuống đất, họ nói chuyện với nhau trong vườn của nhà trẻ, rồi bắt đầu nói một tràng dài mà có đến một nửa những điều ông nói cậu chẳng hiểu gì cả.

– Ta là người coi rừng, con ạ, nghĩa là ta canh giữ cây cối ấy mà, ta trông không cho bất cứ loại thú nào được phá rừng. Cái chòi canh của ta ở ngay trong rừng. Cây cối lúc nào cũng rì rào, rì rào… Con tưởng chúng rì rào vì gió phải không? Ồ, không đâu, con ạ. Đó là chúng chuyện trò với ta đấy. Chúng kể cho ta nghe chúng có chuyện gì vui, hay chuyện gì buồn… Hoặc giả chúng báo cho ta biết có kẻ nào vừa đi qua, kẻ đó là người tốt hay xấu. Dĩ nhiên, nếu đó là người tốt thì xin mời, cứ việc đi tự nhiên. Nhưng nếu là người xấu thì, anh bạn ạ, đừng có đùa, phải coi chừng! Rừng báo cáo lại với ta tất cả. Cây cối ấy mà. Con biết không, chúng không chỉ là cây cối đâu, mà là người sống thật sự đấy. Chỉ khi nào bị đẵn đi rồi, chúng mới là cây, là khúc gỗ chết, tóm lại là… Ta sống trong túp lều ấy cùng với con gái ta tên là Nađegiơđa. Nó cũng là con nuôi ta. Vì suốt đời ta sống một mình, chưa bao giờ có vợ cả. Tại sao ấy à? Câu hỏi ấy có khi gần hết đời mới giải đáp được con ạ. Có thể là vì ngu ngốc… Ừ, thế cũng được. Ta cứ suy nghĩ mãi, rồi cuối cùng cũng nghĩ ra chuyện đến trại trẻ mồ côi nhận đứa con gái về nuôi. Sau chiến tranh có nhiều trẻ mồ côi lắm… Nhiều hơn bây giờ. Thế là ta đến xem. Ta thích một cô bé, một cô bé thò lò mũi. Mặt cũng đầy tàn nhang như con ấy. Không hiểu sao ta thích những đứa bé mặt tàn nhang. Mỗi tội tên cô bé đó là Anna. Anka – Anka, ăn nhanh cho lớn mà đi lấy chồng. Khi nói chuyện với cô bé lúc ấy như ta đang nói với con bây giờ đây này, không hiểu sao ta bỗng nhớ đến những câu hát ngu ngốc ấy. Ta nghĩ, mình nuôi cho nó lớn rồi nó đi lấy chồng, thế là mình lại ở một mình… Ta bảo cô bé: bây giờ con sẽ là Nađegiơđa. Đối với con đó chỉ là cái tên, nhưng đối với ta nó là cả ý nghĩa cuộc đời. Ta bảo với cô bé như thế. Cứ làm như khi mang cái tên mới thì cô bé sẽ không lo đi kiếm chồng nữa không bằng mà sẽ ở lại mãi mãi với ta. Hồi đó ta ngốc quá, phải không? Con nghĩ thế nào?

– Sao lại ngốc ạ? Không, bác nghĩ thế đúng lắm. Vì một khi bác đã lấy cô ấy về làm con, thì cô ấy phải là con của bác!

– Đấy, ta biết ngay con là cậu bé ghê gớm lắm mà! Nhưng có điều, người anh em ạ, trách nhiệm thì đã đành là trách nhiệm, nhưng là con người thì vẫn phải sống theo tình người, cho ra con người. Mùa xuân thì nở hoa sung sướng, cả mùa hè thì sinh sôi, rồi sau đó lại đến mùa đông gặt hái. Nghĩa là sau đó phải để lại hạt giống của mình. Chỉ có ta là một mình cô độc – một con người kỳ lạ. Phải, cô bé của ta là đứa con gái tốt, Nađegiơđa lớn lên là một đứa con nết na hiền thảo. Có điều bây giờ nó hay bỏ đi Marsanikha quá – lúc thì đến đó xem phim, lúc thì đi nhảy. Ở đó có một anh chàng, con trai của một người kỹ sư trồng rừng, tên là Valentin. Chàng trai ấy, con biết không, cũng là một tay tài ba, nhưng thế mới phải coi chừng… Tóm lại là con biết chuyện đó sẽ đi đến kết thúc thế nào rồi chứ?

– Con gái họ bao giờ chả thế! – Grinka, lúc ấy hãy còn là Vôpka, lại thốt ra một câu. – Nhưng cháu thì không bao giờ cháu bỏ bác đâu.

– A ha, vậy là con bằng lòng rồi phải không?

– Thì ở nhà trẻ mồ côi này có gì thích đâu. Nhưng cháu là Vôpka, thì bác cứ để cháu mang tên ấy.

– Ồ không, không được. Dứt khoát là không thể như thế được, con ạ.

– Sao lại không được ạ?

Người bố tương lai của cậu lúc đó lại im lặng và rít thêm một điếu thuốc lá cuốn nữa.

– Con Nađegiơđa của ta sẽ đi lấy chồng, đó là dĩ nhiên rồi. Nó sẽ lấy Valentin, hay một chàng nào đó… Ta đã nói với con là con bé lớn lên trông khá lắm – xinh xẻo, khoẻ mạnh, đùi phốp pháp. Còn mắt của nó, con biết không, Grinka – ôi cái tên Grinka mới hay làm sao – mắt của nó cứ sáng rực lên, trông thấy phải nheo mắt lại, không thì chói. Nhưng biết làm sao – ông thở dài – ta đã làm tròn bổn phận, ta đã nuôi cho nó khôn lớn. bây giờ hãy để cho nó làm bổn phận của nó. Phải làm sao trên trái đất này có nhiều người có đôi mắt trong sáng như của nó. Nó ra đi, và ta sẽ lại có một mình. Một mình ư? Không được. Nửa đêm tỉnh giấc ta bỗng nghe thấy tiếng gì kêu grin-grin-grin… Tiếng gì vậy? Tiếng cửa kính bị gió đập chăng? Không, đó là tên của con trai ta. Ta đi trong rừng và xung quay chỗ nào cũng nghe thấy grin-grin-grin. Ai thế nhỉ? Hay là tiếng chim hót? Có lẽ đúng là chim hót thật. Nhưng chúng hót về ai? Chúng hót về con trai ta…Vì thế, không thể nào giữ cái tên Vôpka được, con ạ.

…Grinka dọn bàn xong, lấy cái đĩa con úp lên miệng vò sữa mà cậu vừa rót ra uống. Ngoài cửa sổ màn tối đã dầy đặc từ lâu, tựa như có người nào lấy giấy đen bịt cửa kính lại. Bố cậu vẫn chưa thấy về.

Thở dài một tiếng, Grinka thu dọn chỗ ngủ, ra tắt đèn rồi chui vào trong chăn, tiếp tục nhớ lại cái quá khứ chưa xa của cậu. khi ấy, mặc dù rất tiếc rẻ phải bỏ cái tên của mình, nhưng không hiểu sao cậu thấy mến người đàn ông đứng tuổi này, và mấy lần nghe ông ta nói hai tiếng “con ơi” dịu dàng, cậu thấy ngỡ ngàng và cảm động ứa nước mắt.

– Thế những con thỏ con… bác có che chở chúng không? – Lúc ấy, cậu cúi mái đầu cắt ngắn xuống để giấu ánh mắt và hỏi.

– Thỏ con ấy à? Tất nhiên ta phải che chở chứ. Vì chúng là những con vật hiền lành và yếu đuối nhất mà. Chúng chơi đùa nhảy nhót xung quanh lều của ta, như bầy chim sẻ nhảy nhót xung quanh đồng cỏ xuân ấy.

– Vậy thì được, cháu đồng ý.

Mặc dù cậu bé đã đồng ý. Nhưng sau đó còn đẻ ra nhiều chuyện phiền phức, người ta chùng chình mãi không giao cậu cho người này nuôi.

– Nhưng tuổi đồng chí hơi quá nhiều, đồng chí Đêmiđôp ạ. – ông giám đốc trại nói.

– Tuổi tôi thì sao? Tôi còn khỏe lắm, tôi còn chạy trong rừng nhanh như thỏ hai chục năm nữa ấy chứ? – Người bố nuôi của cậu lúc ấy chứng minh với ông ta như thế – Mà giả dụ có chuyện gì, thì đứa con gái Nađegiơđa của tôi sẽ nuôi dạy thằng bé. Tôi sẽ dẫn nó đến đây để ông xem nó là đứa con gái như thế nào?

Rồi ông dẫn con gái đến. Đó là cô gái cao lớn, khỏe mạnh, cương quyết và quả thực có đôi mắt hiền hậu và trong sáng một cách kỳ lạ, cô ta cũng chứng minh điều gì đó với ông giám đốc, sau đó cô còn phải nhiều lần chạy đến mấy cơ quan trong tỉnh để xin quyết định. Và cuối cùng xin được.

Grinka sống trong túp lều coi rừng với bố và chị Nađegiơđa được vẻn vẹn có hai năm. Sống ở đó thì tuyệt nhất rồi, chả phải bàn. Có điều những con thỏ không còn đùa nghịch xung quanh lều, và nói chung chúng không dám đến gần ngôi nhà của cậu – có lẽ chúng sợ bầy chó, nhưng được cái ngay cạnh nhà có dòng suối nhỏ nước rất trong, nơi cậu cùng người chị thường câu được những con cá bống rất to, còn hai bên bờ sông thì tha hồ hái quả mâm xôi và phúc bồn tử.

Nađegiơđa là cô gái hoạt bát nhanh nhẹn, lúc nào cũng cười, cả túp nhà nhỏ và cánh rừng lúc nào cũng tràn ngập tiếng cười ròn tan trong trẻo của cô. Lúc nào cô cười mắt cô lại càng rực rỡ hơn. Nhưng thường cứ tối đến thì ánh mắt cô lại thôi cười. Lúc đầu Grinka không hiểu vì sao, nhưng sau cậu đoán ra – Nađegiơđa lo lắng cho bố.

Và cũng phải vì, cứ tối đến là bố cậu lại đi rất lâu không thấy về, mà lúc về thường là say. Nhưng không bao giờ ông quát tháo hay chửi rủa om sòm, còn hôm nào say quá thì ông đi nằm ngay. Cũng có hôm ông cứ đi đi lại lại trong gian nhà bếp rộng rãi và i ỉ hát trong họng cái bài quen thuộc cho đến tận sáng.

Một hôm Grinka nghe thấy Nađegiơđa vừa mếu máo vừa nói với bố:

– Bố đừng uống cái rượu vốtka chết tiệt ấy nữa. Bố thôi uống đi. Con trai của bố bây giờ hãy còn nhỏ, bố còn phải gây dựng cho nó khôn lớn thành người.

– Chúng ta sẽ nuôi nó khôn lớn, Nađegiơđa, nhất định rồi… Bố uống, nhưng bố không để mất trí khôn đâu.

– Bố nói thế. Mùa đông năm ngoái bố chả suýt chết cóng là gì. Giá con không tìm thấy bố ở đống tuyết thì bố đã chết cóng rồi.

– Ừ, quả có thế, con gái của bố ạ. Bố dại dột quá. Hôm ấy thằng Maksêep làm bố điên tiết, thằng chồng của Maria ấy, cầu trời cho nó chết quách đi cho rồi. Nhưng chỉ có mỗi lần ấy thôi. Còn bố bao giờ cũng uống có chừng mực.

– Nhưng sao bố cứ phải uống cái thứ nước chết tiệt ấy.

– Tại bố quen mất rồi… Đời bố khổ quá, đáng ra không nên sống nữa, nhưng bố vẫn phải sống.

– Bố nói đến tay Maksêep ấy không biết đến lần thứ mấy rồi. Giữa bố với tay ấy có chuyện gì vậy? Sao bố không giải quyết cho xong đi?

Và lập tức Grinka cảm thấy bố cậu bỗng nhiên hầm hầm nổi giận, điều chưa bao giờ thấy ở ông cả.

– Thôi câm ngay! Sao mi dám tra khảo ta? Trí óc non choẹt biết gì mà nói vào…

Nađegiơđa oà lên khóc nức nở làm bố cậu phải dịu ngay và bắt đầu xin lỗi:

– Con gái của bố… Bố biết là bố dại dột… Bố sẽ ghìm mình, sẽ bỏ rượu. Hơn nữa bố cũng sắp về hưu, thằng Grinka cũng sắp đến tuổi đi học rồi. Phải, chúng ta sẽ chuyển về ở Đubrôvinô, sẽ mua một túp nhà ở đó. Và bố sẽ thôi không uống nữa. Đúng là uống rượu có gì vui thú đâu!

Và thế là họ đã chuyển về làng sống được hơn một năm. Nađegiơđa đã đi lấy chồng, lấy anh chàng Valentin của mình, bố bây giờ thôi không làm việc nữa mà sống bằng tiền hưu. Nhưng rượu rút cuộc ông vẫn không bỏ.

Mắt Grinka díp lại, giấc ngủ bắt đầu làm nhoà ý nghĩ của cậu. Trong lúc mơ màng cậu lại nghĩ rằng bố cậu là con người kỳ quặc khó hiểu. Sương mù thì ông gọi là Samian, mưa thì gọi là Mumianchê, bão tuyết là Akulia, còn ngày ảm đạm thì gọi là MitroFan. “Sương mù – Saminan thì dễ hiểu thôi, vì nghe cũng hơi giống nhau. Mưa – Mumianchê, cũng bắt đầu cùng một chữ cái. Nhưng tại sao bão tuyết lại là Akulina? Hay trời giá buốt là Filaret? A ha, hình như ông đang về…”

Grinka không sao tỉnh dậy được. Dường như từ nơi nào trong thế giới xa xôi và huyền bí, vẳng đến tai Grinka câu hát quen thuộc mà riêng cậu mới phân biệt được:

Ta là ai? Ta chẳng là ai. Ta chỉ là… kẻ ấy.

Mời các bạn đón đọc Trên Mảnh Đất Người Đời của tác giả Anatoli Stepanovich Ivanov.

Download ebook

Trên Mảnh Đất Người Đời


FULL:


AZW3


EPUB


MOBI


PDF

Download App tải ebook,sách nói, khóa học tốt nhất: https://h.nhuttruong.com/app
Website: https://www.trươngđịnh.vn
Page:https://www.facebook.com/truongdinhvn/
Mail:[email protected]

Bookmark (0)
Please login to bookmarkClose

[toc] Giới thiệu ebook Trên Mảnh Đất Người Đời Tweet! Trên Mảnh Đất Người Đời là tác phẩm văn học kinh điền nổi tiếng của Nga. Câu chuyện như được…

Bookmark (0)
Please login to bookmarkClose