Tội Ác Của Sylvestre Bonnard

Tội Ác Của Sylvestre Bonnard

[toc]


Giới thiệu ebook

Tội Ác Của Sylvestre Bonnard


Sylvestre Bonnard, một học giả già lỗi lạc đang gặp các vấn đề bất ngờ khi ông bắt tay vào tìm kiếm một vài tài liệu văn học cổ xưa của Giáo Hội để mang từ Paris đến Sicily và ghi dấu vào lịch sử cuộc đời của chính mình. Vì lợi ích của công lý và tình yêu, ông cố gắng hoàn thành công việc sao cho tốt nhất nhất là tính hợp pháp nghi ngờ. Với “Tội phạm của Sylvestre Bonnard”, Anatole France (1844-1924) đã viết một cuốn tiểu thuyết vừa thông minh và khôn ngoan và theo cách thức của các bậc thầy vĩ đại của phong cách văn học – một cuốn sách đầy đủ lẫn hồi hộp từ đầu đến cuối.

***
Một câu chuyện cảm động và kết thúc đẹp như mong ước, một cái kết gần giống như kết của ‘Những người khốn khổ’ (Les Miserables), với một đôi trẻ hạnh phúc, nhưng không kém phần hồi hộp khiến ta phải lo âu theo dõi.

Sylvestre Bonnard, người kể chuyện, một ông lão tuổi ngoài 60 sống tại Paris, nước Pháp nửa sau thế kỷ XIX, sống cuộc sống độc thân giản nhị nhưng không quá túng thiếu với Thérèse người quản gia cũng già đã phục vụ ông qua mấy chục năm. Một con người khá cô độc nhưng không ghét loài người, sống bình lặng với người quản gia, con mèo, cùng công việc yêu thích là nghiên cứu các văn bản cổ, và dịu dàng, nhân ái với mọi người.

Phần 1 – ‘Khúc củi’ với diễn biến về sau khá bất ngờ, khi ông theo đuổi một bản thảo cổ từ Ý trở lại Paris, trong quá trình đó gặp một người phụ nữ bí ẩn, và cuối cùng bản thảo bị người phụ nữ bí ẩn trả giá cao trong cuộc bán đấu giá. Người phụ nữ, hóa ra từng là vợ của một người nghèo khổ sống cùng tòa nhà với ông, nay đã là mệnh phụ, sẵn lòng mua bản thảo với giá cao để đáp lại ân tình của Bonnard khi trước. Một kết thúc theo kiểu gieo nhân nào gặp quả nấy.

Phần 2 – ‘Tiểu thư Jeanne Alexandre’ là sự quyến luyến của ông lão Bonnard đối với Jeanne, cô bé là cháu gái của Clementine, người con gái mà ngày còn trẻ ông mến mộ. Do phá sản, bố mẹ cô khi mất đã để Jeanne bơ vơ giữa đời phải sống trong một trường nội trú với những điều kiện khắc nghiệt và người giám hộ không được tử tế. Nhờ danh vị thành viên Học viện mà Bonnard được cô Préfère nể trọng đón tiếp tử tế và cuộc sống của Jeanne đỡ khổ ải hơn. Nhưng khúc quanh của câu chuyện khá bất ngờ khi cô cấm ông Bonnard không được đến thăm Jeanne tại trường và cô bé lại tiếp tục chịu cuộc sống hà khắc dưới quyền cô. Người đọc hồi hộp theo dõi liệu ông lão Bonnard có thể phạm tội ác gì (theo hướng chống lại cô Préfère) nhằm giành giật lại cô bé mà ông yêu quý và muốn bù đắp cho.
Kết cục, như ta đã biết là tốt đẹp, và cô bé Jeanne cũng đã có hạnh phúc lứa đôi với chàng công chức cùng nghề với Bonnard, khi còn là sinh viên đã tìm đến ông để trao đổi về học thuật.

Trong Phần 2 này những trao đổi giữa ông lão Bonnard và chàng sinh viên Gélis về lịch sử (trang 224 – 225 – 226, Bản dịch của Nguyễn Xuân Phương, NXB Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, tháng 4.2001) là khá thú vị, hay trao đổi giữa Bonnard và cô Thèrése về giáo dục (trang 156) đến bây giờ vẫn hoàn toàn đúng đắn. Cũng ở Phần 2 này theo lời kể của Bonnard ta cũng thấy nước Pháp những năm 1800 vẫn còn chia rẽ khá sâu sắc giữa những người ủng hộ Napoleon (những kẻ cướp vùng Loire) và những người bảo hoàng Bourbons.

– Con người (mặc giáp sắt thời Trung cổ) được bọc sắt như con bọ hung. Sự yếu đuối của họ là ở bên trong. (trang 18)

– hãy đối xử rộng lượng với đồng loại để họ rộng lượng với chúng ta (trang21)

– Người nghèo không tham vọng là có món tài sản vĩ đại nhất, hắn tự kiềm chế được mình, còn người giàu mà thèm muốn thì chỉ là một tên nô lệ khốn khổ (trang 22).

– cái thú chuyện trò với một trí tuệ ưu việt và ôn hòa, cái thú ăn tối với một anh bạn thân (trang 22)

– những thèm muốn thuở hoa niên là ghê gớm biết bao nhiêu (trang 22)

– chúng cháu (tuy là người lớn) mãi mãi là trẻ con, chúng cháu không ngừng đuổi theo những đồ chơi mới lạ (trang 28)

– người thiếu phụ ấy không trở nên xấu cũng không trở nên tốt. Hãy đợi chị ta kết thúc cuộc đời mới nên phán xét (trang 29)

– điệu bộ bạo dạn ở những kẻ nhát gan (trang 37)

– với ba xu, tôi có thể ăn, uống và rửa mặt tất tần tật với một lát dưa hấu bày trên chiếc bàn con (trang 38)

– Phải thương xót họ: của cải vây quanh lấy họ mà không thấm thấu vào họ; họ đáng thương, nội tâm cùng quẫn. Sự khốn khổ của người giàu thật thê thảm. (trang 43)

– Những người yêu tha thiết không viết về hạnh phúc của mình (trang 45)

– người ta có học được đôi điều qua sách vở, nhưng người ta càng học tập được nhiều hơn khi đi đây đi đó. (trang 47)

– những nỗi buồn, đó là một cách tiêu khiển quan trọng. (trang 51)

– người mà ta yêu thương mãi mãi chỉ là một hình bóng, nhưng kỷ niệm về nàng mãi mãi là niềm mê say của đời ta. (trang 76)

– con người chỉ làm chủ thời gian khi chia no ra thành giờ, thành phút, thành giây, nghĩa là thành những khoảng cách cân đối với đời người ngắn ngủi, bởi vì thời gian chính là cuộc đời. (trang 81)

– đối với phái yếu, mọi việc đều đượcphép, mọi hành động của họ là đặc ân, là sủng ái. (trang 90)

– Có trí thức chẳng là gì hết, tưởng tượng sáng tạo mới quan trọng. Chỉ cái gì người ta suy nghĩ sáng tạo ra mới tồn tại. (trang 91)

– Nhân loại hầu như toàn là người chết. So với số người đã chết thì người còn sống chẳng là bao nhiêu. Cuộc đời này là gì, ngắn ngủi hơn trí nhớ, ngắn ngủi hơn con người. (trang 100)

– cuộc đừi là vĩnh hằng, ta phải yêu quý nó trong những hình thái không ngừng đổi mới (trang 100-101)

-điếc như bao than, chậm chạp như tổ chức tư pháp. (trang 108)

– Hãy trù liệu cho những việc lớn, nên biết rằng ý định là thực tế duy nhất trên đời. (trang 109)

– Hãy coi trọng vỏ bánh mì khô trong chiếc đãy hai túi của anh hơn những chim sẻ vườn được quay trong bếp của lãnh chúa. (trang 110)

– Tất cả chúng ta đều có trong người một Don Quixote và một Sancho mà chúng ta nghe theo, và cả đang khi Sancho thuyết phục chúng ta thì chính là Don Quixote mà chúng ta phải khâm phục. (trang 110)

– Thời gian chỉ êm dịu đối với những ai khoan thai thận trọng đón nhận nó. (trang 112)

– thực tế vũ trụ là phản ảnh của tâm hồn chúng ta. (trang 113)

– Goethe ví đại có sức sống lạ thường, thực sự tin rằng người ta chỉ chết khi người ta muốn, nghĩa là khi tất cả sức mạnh chống lại sự phân hủy cuối cùng, khi toàn bộ khí lực làm nên sự sống bị hủy diệt đến tận cùng. Nói cách khác, ông nghĩ rằng người ta chỉ chết khi khôn muốn sống nữa. (trang 141-142)

– tôi vẫn thích sự đam mê điên rồ hơn sự đứng đắn dửng dưng. (trang 144)

– một thằng ngu, không phải bằng ba chữ mà đúng là bằng mười hai tập. (trang 147)

– Những kẻ không có nhược điểm thì thật ghê gớm; không ai tác động đến họ được. (trang 150)

– điều thực sự xấu xa trong thời đại chúng ta là khôn ai bằng lòng địa vị của mình, trong xã hội, trong mọi tầng lớp, từ trên xuống dưới, bao trùm sự túng thiếu, nỗi khắc khoải lo âu, sự khát khao hạnh phúc. (trang 153)

– Không có thời đại nào con người lại thèm muốn sự túng thiếu. Họ luôn luôn tìm cách cải thiện địa vị xã hội của mình. Sự cố gắng kiên trì này đã sản sinh ra những cuộc cách mạng trường kỳ. Nó tiếp tục, thế thôi. (trang 153)

– nghệ thuật giảng dạy chỉ là nghệ thuật kích thích tính tò mò ham biết của những tâm hồn non trẻ, tiếp đó là thỏa mãn tính tò mò ham biết đó, và tính tò mò ham biết chỉ mãnh liệt và lành mạnh trong những đầu óc sung sướng. Dùn quyền lực nhồi nhét kiến thức vào những đầu óc thông minh là bịt chúng lại, bóp nghẹ chúng. Trí thức phải được nuốt vào một cách ngon lành thì mới tiêu hóa được. (trang 155-156)

***

Anatole France (tên thật là François-Anatole Thibault, 16 tháng 4 năm 1844 – 13 tháng 10 năm 1924) sinh ở Paris, là con của một chủ cửa hàng sách, từ nhỏ đã ham mê văn học, nghệ thuật. Học ở trường Collège Stanislas. Trong thập niên 1860, France tiếp xúc với nhóm Parnasse và xuất bản tập thơ đầu tiên (1873). Sau đó ông chuyển sang viết văn xuôi và thật sự có tiếng tăm khi cuốn tiểu thuyết Le crime de Sylvestre Bonnard (Tội ác của Sylvestre Bonnard, 1881) ra đời và được nhận giải thưởng Viện Hàn lâm Pháp. Trong thập niên 1890, ông viết nhiều bài phê bình văn học cho Le Temps (Thời báo) và in thành 4 tập sách với tên La vie littéraire (Đời sống văn học).
 
Những năm cuối thế kỉ 19 và đầu thế kỉ 20, tư tưởng và sáng tác của Anatole France đã có những thay đổi. Ông từ bỏ lập trường người quan sát để trở thành chiến sĩ đấu tranh cho nền dân chủ. Cụ thể là trước kia ông thường miêu tả cuộc sống và con người thời kỳ Trung cổ hoặc thời kỳ suy vong của chế độ phong kiến, thì nay ông viết về các sự kiện lịch sử và xã hội đương đại, đồng thời tiếp tục truyền thống nhân văn chủ nghĩa của Rabelais và Voltaire, phê phán nền cộng hòa thứ ba của Pháp, chế giễu không thương xót những kẻ gây chiến tranh xâm lược tàn khốc. Năm 1921 ông được trao giải Nobel Văn học vì “những tác phẩm xuất sắc mang phong cách tinh tế, chủ nghĩa nhân văn sâu sắc và khí chất Gô-loa đích thực”…
 
A. France là một trong những nhà văn lớn nhất của nước Pháp thời cận đại, trải qua một con đường khó khăn và phức tạp từ chủ nghĩa nhân đạo ảo tưởng đến chủ nghĩa hiện thực cách mạng. Ông mất ở Tours, Indre-et-Loire.
 
 
Tác phẩm chính:
 
– Những câu thơ vàng (Poèmes dorés, 1873), thơ.
 
– Tội ác của Sylvestre Bonnard (Le crime de Sylvestre Bonnard, 1881), tiểu thuyết.
 
– Sách của bạn tôi (Le Livre de mon ami, 1885), hồi ký.
 
– Bông huệ đỏ (Le lys rouge, 1894), tiểu thuyết.
 
– Vườn Epicure (Le jardin d’Epicure, 1894), tập cách ngôn.
 
– Lịch sử hiện đại (L’histoire contemporaine), gồm 4 tiểu thuyết: 
 
+ Cây du trên đường dạo chơi (L’orme du mail, 1897)
 
+ Hình người bằng cây liễu (Le mannquin d’osier, 1897)
 
+ Chiếc nhẫn tử thạch anh (L’anneau d’amethyste, 1899)
 
+ Ông Bergeret ở Paris (Monsieur Bergeret à Paris, 1901)
 
– Hung thần lên cơn khát (Les dieux ont soif, 1912), tiểu thuyết
 
– Thiên thần nổi loạn (La révolte des anges, 1914), tiểu thuyết.
 
 
Những tác phẩm đã được xuất bản ở Việt Nam:
 
 

– Quyển truyện của bạn tôi (La livre de mon ami, hồi kí), Vũ Thị Hay và Lê Ngọc Trụ dịch, Trung tâm Học liệu xuất bản, 1962, tái bản 1972
 
– Sách của bạn tôi (La livre de mon ami, hồi kí), Hướng Minh dịch và giới thiệu, NXB Văn Học, 1988, tái bản 2009.
 
– Đảo Panhgoanh (L’Île des Pingouins tiểu thuyết), Nguyễn Văn Thường dịch, NXB Văn Học, 1982.
 
– Thiên thần nổi loạn (La révolte des anges, tiểu thuyết), Đoàn Phú Tứ dịch, NXB Văn Học, 1987.
 
– Bông huệ đỏ (Le lys rouge, tiểu thuyết), Nguyễn Trọng Định dịch, NXB Phụ Nữ, 1989.
 
– Các hung thần lên cơn khát (Les dieux ont soif, tiểu thuyết), Trần Mai Châu dịch, NXB Văn Nghệ TP.HCM, 1990.
 
– Tội ác của Sylvestre Bonnard (Le crime de Sylvestre Bonnard, tiểu thuyết), Nguyễn Xuân Phương dịch, NXB Quân Đội Nhân Dân, 1996.
 
– Tội ác của Sylvestre Bonnard (Le crime de Sylvestre Bonnard, tiểu thuyết), Nguyễn Xuân Phương dịch, NXB Văn Nghệ TP. HCM, 2001.
 
– Thais-Vũ nữ thoát tục, (Thaïs, tiểu thuyết), Hoàng Minh Thức dịch, NXB Tổng hợp Tiền Giang, 1989.
 
– Mối tình người thợ gốm, (tập truyện ngắn), Nxb Văn học, Hà Nội 1987.
*** 

Tôi xỏ chân vào giày vải, khoác lại áo mặc trong nhà rồi lau giọt nước mắt do cơn gió bấc thổi ngoài bến tàu làm cho tôi tối tăm mặt mũi. Lửa rực sáng trong lò sưởi phòng làm việc của tôi. Những tinh thể băng tuyết hình lá dương xỉ phủ đầy bên ngoài mặt kính các cửa sổ, che lấp con sông Seine, các cây cầu và cung điện Louvre des Valois.
 
Tôi đẩy ghế bành và bàn di động đến gần lò sưởi chiếm lấy chỗ của chú mèo Hamilcar. Nó nằm khoanh tròn trên chiếc ghế lông, bốn chân ôm lấy mũi, ở đầu các thanh gác củi. Một làn gió đều đều phe phẩy bộ lông dày và nhẹ của nó. Thấy tôi đến gần, nó hé hai hàng mi, đưa cặp mắt mã não ra nhìn dịu dàng rồi nhắm lại ngay, nghĩ rằng: “Không hề gì, đó là bạn ta.” “Hamilcar!”. Tôi vừa kéo chân vừa gọi nó – “Hamilcar, ông hoàng ngủ gà của khu nhà sách, người canh gác ban đêm ơi! Mày chống lũ gặm nhấm hèn hạ, bảo vệ những bản thảo và ấn phẩm mà nhà bác học già nua đã mua với số tiền dành dụm ít ỏi là lòng nhiệt thành không mệt mỏi. Hamilcar, trong chốn thư viện im lặng này được các đức tính nhà binh của mày bảo vệ, mày hãy ngủ ung dung đài các như một bà hoàng! Bời vì ở mày hội tụ được dáng vóc tuyệt vời của một quân nhân Hung Nô với vẻ yêu kiều của một phụ nữ phương Đông. Hỡi chú Hamilcar anh hùng và thích khoái lạc, hãy vừa ngủ vừa chờ cơ hội lũ chuột nhảy múa dưới ánh trăng, trước giáo đường của nhà thông thái giáo phái Bông-lăng”.
 
Lời mở đầu bài diễn văn này làm vui lòng con Hamilcar, nó phụ theo bằng một tiếng khò khò trong họng như tiếng reo trong ấm nước sôi. Nhưng khi tôi cất cao lời nói, con Hamilcar cụp tai xuống, nhăn cái trán vằn, có ý cảnh cáo tôi nói năng cầu kỳ hoa mỹ như vậy là nghe chướng và nó nghĩ:
 
“Con người sách vở này nói năng chẳng đâu vào đâu, còn bà quản gia thì bao giờ cũng chỉ tuôn ra những lời lẽ đầy ý nghĩa, chứa đựng sự việc, hoặc báo tin một bữa ăn hoặc một trận đòn. Người ta biết chắc điều gì bà nói. Còn ông già này ghép lại những âm chẳng có ý nghĩa gì hết”.
 
Con Hamilcar nghĩ như vậy đó. Để mặc cho nó suy tư, tôi mở một cuốn sách và chăm chú đọc. Đó là cuốn danh mục các bản thảo. Tôi thấy không có gì dễ dàng hơn, thú vị hơn, êm đềm hơn bằng đọc một cuốn danh mục. Cuốn danh mục tôi đọc, do ông Thompson, cán bộ thư viện của ngài Thomas Raleigh, soạn thảo vào năm 1824 là cuốn sách hỏng, đúng thế, vì sự vắn tắt quá đáng và không thể hiện chút nào thứ chính xác mà các nhà lưu trữ thế hệ tôi đầu tiên đưa vào các tác phẩm về ngoại giao và về khoa chữ cổ. Nó chưa hoàn hảo, phái đoán mò. Có lẽ vì thế mà khi đọc nó, theo một bản tính tưởng tượng phong phú hơn bản tính của mình, tôi có cái cảm giác đáng được gọi là sự mơ mộng. Tôi lâng lâng thả mình trong dòng suy tư lơ mơ thì chị quản gia bằng một giọng cáu kỉnh bảo tôi biết có ông Coccoz yêu cầu nói chuyện với tôi.
 
Quả nhiên, một người nào đó lặng lẽ theo chị đi vào thư viện. Đó là một con người bé nhỏ, một con người bé nhỏ thảm hại, vẻ mặt ốm yếu, mặc chiếc áo mỏng dài đến đầu gối. Anh tiến về phía tôi, cúi chào mỉm cười nhiều lần, một cách tự tin. Anh rất đỗi xanh xao, tuy còn trẻ và nhanh nhẹn, nhưng hình như đang ốm. Nhìn anh, tôi nghĩ tới một con sóc bị thương. Anh cầm trong tay một mảnh vải bọc hàng màu xanh, đặt lên ghế, rồi mở bốn đầu mối của mảnh vải, để lộ một lô sách màu vàng.
 
– Thưa ông – lúc ấy anh cất tiếng – tôi không có hân hạnh được ông quen biết. Thưa ông, tôi là người môi giới cho hiệu sách. Tôi làm việc này cho các nhà buôn chính ở thủ đô, và với hy vọng rằng ông vui lòng cho tôi được hết sức tự hào về sự tin cậy của ông, tôi xin tự tiện mời ông một vài cuốn sách mới.
 
Trời đất ơi! Sách mới gì mà con người Coccoz nhỏ bé này mời tôi mua thế. Tập thứ nhất anh ta đặt vào tay tôi là cuốn Lịch sử tháp chiến Nesle với những chuyện dan díu giữa Margurite de Bourgogne và đại tá Buridan.
 
– Đó là cuốn sách lịch sử. – Anh vừa cười vừa bảo tôi. – Một cuốn sách đích thực.
 
– Trong trường hợp này – tôi đáp – thì chán lắm, bởi vì những cuốn sách lịch sử mà không nói láo thì đều buồn thiu buồn thỉu. Chính tôi đã viết những sách xác thực kia và nếu chẳng may cho anh, anh đi từ nhà này sang nhà khác giới thiệu cuốn nào, anh sẽ có nguy cơ suốt đời giữ nó lại trong cái bọc vải xanh của anh, không bao giờ tìm ra một chị cấp dưỡng nào khá kém chín chắn mua cho anh.
 
– Thưa ông, tất nhiên – Con người nhỏ bé đáp lại hoàn toàn chiều theo ý tôi.
 
Và vừa cười, anh ta đưa cho tôi cuốn Những chuyện dan díu của Héloise và Abeilard, nhưng tôi làm cho anh hiểu ngay rằng ở tuổi tôi, tôi chẳng làm gì với một chuyện tình.
 
Vẫn nụ cười trên môi, anh đề nghị tôi mua cuốn Luật về trò chơi đông người bài pikê, bài béji, bài các tê, bài uýt, bài súc sắc, bài con đam, cờ tướng.
 
– Chao ơi! – Tôi bảo anh ta – nếu anh muốn tôi nhớ lại luật chơi bài béji, anh hãy trả lại ông bạn già Bignan của tôi đã cùng tôi chơi bài mỗi buổi chiều, trước lúc ông ấy được năm viện hàn lâm long trọng đưa đến nghĩa địa, hoặc anh hãy làm xẹp sự thông minh trang trọng của con Hamilcar mà anh thấy nằm ngủ trên chiếc gối này, đối với chuyện phù phiếm về các trò chơi của con người, vì ngày nay, nó là người bạn duy nhất trong các buổi tối của tôi.
 
Nụ cười của con người nhỏ bé trở nên mơ hồ và hốt hoảng.
 
– Đây – anh bảo tôi – một tập mới xuất bản về các trò giải trí đông người, những câu pha trò, những trò chơi chữ, với những cách đổi một hoa hồng đỏ thành hoa hồng trắng.
 
Tôi bảo anh rằng từ lâu tôi đã rối lên với những hoa hồng, còn đối với những câu pha trò thì tôi chỉ cần những câu nào tôi được phép dùng một cách tự nhiên trong quá trình tiến hành các công việc khoa học.
 
Con người bé nhỏ lại đưa cho tôi cuốn sách cuối cùng với nụ cười lần chót. Anh nói:
 
– Đây là Sách giải mộng, giải thích tất cả mọi giấc mộng của người đời: mộng được vàng, mộng thấy mình là kẻ trộm, mộng thấy mình chết, mộng thấy từ trên cao trơi xuống… Đủ cả!
 
Tôi cầm cái gắp than, vung mạnh và trả lời ông khách luôn:
 
– Đúng, anh bạn ạ, nhưng những giấc mơ đó và muôn nghìn giấc mơ khác, vui có, buồn có, tóm lại chỉ là một mà thôi, đó là giấc mộng cuộc đời, và cuốn sách bìa vàng nhỏ của anh có cho tôi cái chìa khóa để giải giấc mộng đó không?

Mời các bạn đón đọc Tội Ác Của Sylvestre Bonnard của tác giả Anatole France.

Download ebook

Tội Ác Của Sylvestre Bonnard


FULL:


AZW3


EPUB


MOBI


PDF

Download App tải ebook,sách nói, khóa học tốt nhất: https://h.nhuttruong.com/app
Website: https://www.trươngđịnh.vn
Page:https://www.facebook.com/truongdinhvn/
Mail:[email protected]

Bookmark (0)
Please login to bookmarkClose

[toc] Giới thiệu ebook Tội Ác Của Sylvestre Bonnard Tweet! Sylvestre Bonnard, một học giả già lỗi lạc đang gặp các vấn đề bất ngờ khi ông bắt tay vào…

Bookmark (0)
Please login to bookmarkClose