Tác phẩm là câu chuyện tình mang đầy đủ cung bậc: đắm say, tuyệt vọng, bạo liệt, hài hước, biến thái, lãng mạn giữa hai nhân vật chính – Joji và Naomi. Truyện bắt đầu từ cuộc gặp gỡ tình cờ giữa chàng Joji khi đó 28 tuổi và Naomi một thiếu nữ 15 tuổi ít nói và buồn bã. Naomi có vẻ đẹp lai Tây, với người ngoài, Naomi có khuôn mặt “tai tái, lì lì như một tấm kính trong dày cộp” nhưng với Joji, cô mang một sức hút khó cưỡng.
Bằng nghệ thuật dẫn dắt bậc thầy, Tanizaki đã tái hiện chân thực và sinh động câu chuyện tình có phần lập dị giữa Joji và Naomi. Kể từ lúc phải lòng Naomi, một mặt ngưỡng mộ vẻ đẹp của cô, mặt khác với lòng nhân từ của mình, Joji đã quyết định đưa Naomi về nhà, nuôi dưỡng cô nên người. Sau này, họ trở thành vợ chồng. Joji chu cấp tiền để Naomi đi học tiếng Anh, học khiêu vũ, học đàn. Anh cũng trực tiếp tắm cho cô, làm ngựa để Naomi cưỡi nhong nhong trong nhà, hạnh phúc khi nghe Naomi gọi mình là “Papa”.
Tình khờ ra đời trong bối cảnh nước Nhật bị tác động bởi văn hóa phương Tây, những giá trị truyền thống đứng trước nguy cơ rạn vỡ. Điều này thể hiện trong lối sống, suy nghĩ của các nhân vật. Joji đại diện cho đàn ông Nhật lúc đó, say mê và mộng tưởng đến các nàng minh tinh Hollywood da trắng, chân dài, ngực nở. Còn phụ nữ Nhật qua hình ảnh Naomi lại là những người ưa chưng diện, học đòi, không còn mặn mà với vai trò của mình trong gia đình. Qua con mắt của Joji, Naomi chính là hiện thân của Mary Pickford – một minh tinh nổi tiếng của Hollywood. Điều đó khiến anh say cuồng đến mức sau này, khi Naomi lộ ra con người thật: chỉ có vẻ đẹp bên ngoài còn trí não thì rỗng tuếch, lại dâm đãng, nhưng Joji vẫn không thể dứt ra khỏi cô.
Joji là nhân vật tiêu biểu trong các tác phẩm văn học Nhật Bản, một tâm hồn duy mỹ, tôn sùng cái đẹp và có chút bất thường về tâm lý. Ở nhân vật này, người đọc nhận ra bóng dáng của Mizoguchi, nhân vật trong tác phẩm Ngôi đền vàng của nhà văn Yukio Mishima. Ở Mizoguchi, vẻ đẹp của ngôi đền vàng khiến anh gần như bị tê liệt mà sau cùng phải chọn giải pháp đốt ngôi đền để giải thoát cho mình. Ở Joji, vẻ đẹp của Naomi cũng gần như khiến anh phát điên, bị quy phục hoàn toàn: chấp nhận tất cả yêu cầu Naomi đưa ra.
Với Tình khờ, một lần nữa Tanizaki Junichiro cho thấy biệt tài xây dựng và khắc đậm tâm lý nữ giới. Từ Kakiuchi trong Chữ Vạn đến Ikuko trong Hai cuốn nhật ký, và giờ đây là Naomi trong Tình khờ, Tanizaki đã gần như “lột trần” họ, phô bày những góc khuất đằng sau lớp vỏ đoan chính. Ngòi bút của ông mạnh bạo khắc đậm ẩn ức dục vọng đàn bà. Naomi đầy những mánh khóe, tráo trở đến mức xảo quyệt. Ban đầu, tưởng rằng mối “tình khờ” do Joji làm chủ, dẫn dắt nhưng thực tế, người giữ vai trò làm chủ cuộc chơi chính là Naomi. Từ một cô bé 15 tuổi, chấp nhận sự bảo bọc chăm sóc của Joji, bằng tài tình và khôn khéo của mình, Naomi đã gần như quy phục Joji hoàn toàn, thậm chí khiến Joji sẵn sàng chết dưới chân cô.
Tanizaki Junichiro (1886 – 1965) là một thiên tài văn chương của Nhật Bản với văn nghiệp đồ sộ. Ông là một trong những nhà văn Nhật Bản hiện đại lớn của thế kỷ 20, được đánh giá là nhà tiểu thuyết chỉ đứng sau Natsume Soseki. Văn chương Tanizaki vừa thâm trầm, cổ kính, vừa bóng bảy, diễm tình, vừa bệnh hoạn nhưng không kém phần tinh tế.
Trong gần 50 năm cầm bút, Tanizaki Junichiro đã có khoảng 30 tác phẩm lớn nhỏ. Ở Việt Nam, ngoài Tình khờ, bạn đọc còn biết đến ông qua nhiều tác phẩm được xuất bản như: Ca tụng bóng tối, Yêu trong bóng tối, Chữ Vạn, Hai cuốn nhật ký, Tuyển tập truyện ngắn Tanizaki.