Tính Dân Tộc Trong Âm Nhạc Phạm Duy Và Tình Bạn Duy – Khê
[toc]
Giới thiệu ebook
Tính Dân Tộc Trong Âm Nhạc Phạm Duy Và Tình Bạn Duy – Khê
Đôi lời tri ân
Cuốn sách này có thể ra đời là nhờ sự giúp đỡ của nhiều người.
Trước hết là Phạm Duy – người anh em thân thiết trong âm nhạc của tôi và cũng là đối tượng chính của cuốn sách. Trong những lúc viết sách cần có tư liệu để tham khảo, Duy đã rất nhiệt tình gởi cho tôi hầu hết những gì tôi yêu cầu. Duy làm mọi cách để gởi các tư liệu âm nhạc (bao gồm các bản nhạc, các bài khảo cứu âm nhạc do Duy viết, tổng phổ các bài trường ca, những bài viết của bạn bè – khán giả, các nhà phê bình âm nhạc – nghệ thuật viết về Duy…) đến được tay tôi theo nhiều con đường (đến thăm tôi tại nhà và trao đổi trực tiếp qua email, gởi đường bưu điện, hoặc nhờ mấy cậu xe ôm gần nhà đem đến cho tôi…). Khi đọc những bản thảo tôi gởi cho Duy thì bạn lập tức gởi email nói lên cảm xúc của bạn với những gì tôi viết và nhận định về Duy, về âm nhạc của Duy. Tôi rất xúc động!
Một vài bạn khác đã động viên tôi bằng cách giúp đỡ về vật chất lẫn tinh thần, mà đại diện các bạn đó là cháu DP – người liên lạc trực tiếp với tôi và Phạm Duy trong thời gian viết sách.
Bên cạnh đó, còn có những người đồng sự khác tận tâm giúp tôi trực tiếp trong vấn đề viết và đánh máy bản thảo như cháu Khánh Vân, và giúp tôi thực hiện các bản nhạc trên máy vi tính như thơ ký của tôi là cháu Mai Hường.
Nhiếp ảnh gia Phong Quang đã nhiệt tình gởi tặng những tư liệu hình ảnh quý báu về tôi và Phạm Duy trong những năm tháng bôn ba tại nước ngoài cũng như những lúc gặp gỡ nhau trên quê hương.
Nhà sử học Dương Trung Quốc đã dành thời gian viết lời tựa cho sách của tôi.
Cuối cùng, Công ty Sách Phương Nam đã tận lực để cho cuốn sách được ra mắt độc giả với sự trình bày trang nhã và trân trọng.
Tôi xin gởi lời cảm ơn chân thành nhất đến các bạn được kể tên ở trên đã giúp tôi trong suốt quá trình hoàn thành cuốn sách để nó trở thành một món quà tinh thần mà tôi muốn gởi đến người bạn thâm giao Phạm Duy, mong hương hồn của Duy ở cõi vĩnh hằng sẽ chung vui với tôi và những ai thương mến Phạm Duy!
Bình Thạnh, mùa Hạ Sài Gòn 2013
TRẦN VĂN KHÊ
Tôi đã hiến cả đời tôi cho việc sưu tầm, bảo tồn, nghiên cứu âm nhạc truyền thống Việt Nam để đem tiếng nhạc đó giới thiệu sâu trong dân Việt và rộng khắp năm châu. Trước đây, khi còn là một thanh niên trẻ với bao hoài bão và ước vọng, tôi chỉ quan tâm đến tân nhạc vì trong đời tôi có lúc vọng ngoại, nghĩ rằng phải cố làm sao học nhạc phương Tây để làm cho âm nhạc truyền thống Việt Nam phát triển, và trong sự sáng tạo đó âm nhạc có thể vượt ra đường lối truyền thống để tìm một con đường mới.
Trên chuyến hành trình dài bất tận trong đời cũng như trong thế giới diệu kỳ của âm nhạc, tôi đã có may mắn quen biết rất nhiều người bạn lạ lùng, với những cá tánh đặc biệt, những tâm hồn nhạy cảm và tài năng phải nói là trác tuyệt. Phạm Duy là một trong những người như vậy, cũng có thể nói Duy là người “một trong muôn một”.
Sinh ra cùng một năm Tân Dậu với Nhạc sĩ Phạm Duy, tính theo dương lịch thì hai anh em tôi – “hai con gà” chào đời vào tháng 7 (Trần Văn Khê) và tháng 10 (Phạm Duy). Duy là người bạn rất thân trong cuộc đời tôi, nhứt là trong cuộc đời âm nhạc. Công việc của Duy ít nhiều có mối dây liên kết về dân tộc tính trong âm nhạc đối với công việc nghiên cứu và niềm đam mê của tôi. Với Phạm Duy, tôi có một tình thương yêu đặc biệt, thắm thiết chẳng kém anh em ruột thịt. Nhưng hai anh em chúng tôi, dầu đứng trên một lãnh vực âm nhạc Việt, nhưng mỗi người theo một hướng đi đặc biệt cho riêng mình và có những sinh hoạt khác hẳn với nhau. Tôi gởi cả óc tim mình cho âm nhạc truyền thống, còn Duy đắm say và thật có duyên với nền tân nhạc của Việt Nam ở mỗi thời kỳ.
Nhiều lần trong đời, tôi đã từng viết bài nói chuyện về những người bạn nhạc sĩ thân thiết cả về tân nhạc lẫn cổ nhạc của tôi như Lưu Hữu Phước, Lê Thương, Đỗ Nhuận, Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Hữu Ba, Nguyễn Vĩnh Bảo, Võ Đức Thu…, và về sau này thỉnh thoảng có một vài bài nhận định về người nhạc sĩ đàn em của chúng tôi là Trịnh Công Sơn. Tuy nhiên với Phạm Duy, vì những hoàn cảnh về thời cuộc, về khoảng cách địa lý, về công việc làm mỗi người mỗi khác…, nên anh em chúng tôi ít có dịp gặp nhau, nhưng không vì thế mà không hiểu nhau. Bản thân tôi cũng đã từng viết về những sáng tác của Phạm Duy, nhưng các bài viết đó giới hạn trong việc bình luận, phân tách nhạc ngữ, lời ca… và cũng chỉ là những bài viết có tánh cách học thuật, trao đổi về nghề nghiệp chứ ít khi có những bài đi sâu vào cá tánh và tâm hồn của Duy, hoặc kể lại những kỷ niệm, hoặc có tánh chất thân mật, sâu sắc về tình bạn của hai anh em. Tôi cho rằng đó là một sự thiếu sót lớn nếu không nói ra được những khía cạnh riêng biệt của Duy trong lòng tôi!
Ngày nay, trong buổi hoàng hôn của cuộc đời, tôi vẫn còn cơ hội gặp lại Phạm Duy và nhờ ơn trên sắp đặt, hai anh em chúng tôi lại cùng sống trong một đô thị, cùng chung một bác sĩ chăm lo sức khỏe, cùng có dịp đem sức tàn của chúng tôi để tiếp tục phụng sự âm nhạc Việt Nam. Tuy rằng mỗi người một cách thể hiện, nhưng tất cả đều cùng chung một tấm lòng yêu thương vô bờ bến với quê hương, con người và văn hóa Việt Nam.
Những nghệ phẩm lớn nhỏ đủ loại của bạn tôi, tôi nghe rất nhiều và cũng đã từng chia sẻ với bạn những cảm tình chân thật. Khi hoan nghinh triệt để, lúc phủ nhận hoàn toàn, khi thương yêu nồng thắm, lúc giận dữ không nguôi, nhưng rốt cuộc lại cũng như trong bài “Ví dặm” của Nghệ Tĩnh: “Giận thì giận, mà thương thì thương”.
Trước khi trở về Việt Nam sanh sống, tôi đã từng đọc qua rất nhiều bài viết trong và ngoài nước của các tác giả ở đủ mọi lãnh vực về tài nghệ của Phạm Duy, rất toàn diện, sâu sắc, tinh vi. Nên trong những lúc gặp gỡ sau này, khi đã hội ý cùng bạn, tôi rất muốn ghi lại những cảm tưởng của tôi về một số nhạc phẩm rất đậm màu dân tộc mà Duy đã sáng tạo. Những nghệ phẩm từng đi sâu vào lòng người đó mang đầy hơi hướng dân ca ba miền, có cách sử dụng ngôn ngữ âm nhạc truyền thống để sáng tác những nhạc phẩm mới mà vẫn rất đậm đà tính dân tộc Việt Nam. Trong lúc này, nói về nhạc Phạm Duy, tôi không chỉ ghi lại những cảm tưởng chung chung, mà sẽ phân tích trong chi tiết những câu, những đoạn nhạc mà tôi cho rằng trong đó có sử dụng các thang âm ngũ cung, tiền ngũ cung, đôi khi có vài điệu thức dân tộc, nhứt là cách vận hành giai điệu phù hợp theo cách làm của cha ông chúng ta ngày xưa đã sử dụng và chắt chiu để trao lại cho thế hệ mai sau.
Cũng trong dịp này, tôi sẽ nhân câu chuyện giữa Phạm Duy và tôi, giới thiệu rành rẽ hơn về ngôn ngữ âm nhạc Việt Nam, về cách sử dụng thang âm ngũ cung trong âm nhạc truyền thống dân gian và nghệ thuật, những chi tiết nhỏ để nói rõ rằng không phải chỉ dùng ngũ cung là có được bản sắc Việt Nam, vì trong ngũ cung cũng có rất nhiều loại, nhiều cách xây dựng, cách phát triển và chỉ ra phong cách của Việt Nam là như thế nào, để không phải khen ngợi bạn tôi là người khéo áp dụng cái cổ để sáng tác cái mới mà nêu rõ ra những sáng tạo của Phạm Duy đã làm giàu thêm cho nhạc ngữ Việt Nam.
Nhưng trước khi đi vào tài nghệ đặc biệt của Phạm Duy, tôi muốn ghi lại những điểm giống nhau và khác nhau trong cuộc đời của chúng tôi, trong sự ưa thích, trong sự gặp gỡ những con người trong từng giai đoạn, thời điểm khác nhau, trong một số công việc phải làm để mưu sống, đôi khi rất xa với lý tưởng và mục đích của cuộc đời chúng tôi, hay trong những chuyến đi “xuyên Việt”, những cuộc ngao du “khắp bốn biển năm châu”… ngang qua quãng đời của hai anh em chúng tôi từ lúc ấu thơ đến khi trưởng thành. Trong đoạn viết về dân tộc tính trong sáng tác của Phạm Duy, tôi sẽ nhân dịp đó đưa các bạn đi vào thế giới âm nhạc cổ của dân tộc để các bạn thấy rõ những nét đặc thù trong ngôn ngữ âm nhạc truyền thống Việt Nam. Và phần kết, tôi sẽ nêu rõ vị trí của Phạm Duy trong văn hóa Việt Nam, qua quan điểm của tôi.
Hy vọng các bạn sẽ cùng đi hết cuộc hành trình này với hai anh em chúng tôi.
Bình Thạnh, ngày 06-12-2011
GS.TS. TRẦN VĂN KHÊ
Có một thế hệ như thế
(Thay lời tựa)
Cha tôi sinh năm 1920, Giáo sư Trần Văn Khê và Nhạc sĩ Phạm Duy đều sinh năm 1921. Như thế tuổi tác có thể chênh nhau đôi chút nhưng tất cả đều thuộc cùng một thế hệ. Thế hệ này có nhiều nhà nghiên cứu định vị là “Thế hệ Vàng”.
Đó là thế hệ gắn với vận mệnh của Đất nước vào thời kỳ diễn ra một cuộc chuyển đổi lớn lao và có nhiều biến cố lịch sử để mỗi con người phải thể hiện mình trong sự lựa chọn giữa cái mới và cái cũ trên mọi phương diện từ chính trị, học thuật đến ứng xử xã hội mà bao trùm lên tất cả, chính là sự chuyển đổi của văn hóa. Điểm mấu chốt của bước chuyển đổi ấy là bối cảnh một nước Việt Nam thuộc địa phấn đấu để giành lại nền Độc lập, là một nước Việt Nam quân chủ khao khát Dân chủ để hướng tới nền Cộng hòa. Và một nước Việt Nam vương vấn quá lâu với nền Văn minh phương Đông bị bao trùm bởi ảnh hưởng Trung Hoa có cơ hội hướng tới những giá trị của Văn minh phương Tây ngay trong cả bối cảnh đang là thuộc địa của nước Pháp thực dân. Và đương nhiên có cả những tác động của các hệ tư tưởng chính trị và các cuộc chiến tranh để lại những hệ lụy sâu sắc, đôi khi khốc liệt nhưng với lịch sử nó chỉ là những gì thoảng qua…
Có nên nói những điều quá lớn lao như vậy cho lời tựa cuốn sách nhỏ của Giáo sư Trần Văn Khê viết về Nhạc sĩ Phạm Duy chỉ trên phương diện thuần túy âm nhạc hay không? Có thể vì lối nghĩ nghề nghiệp của người làm sử mà tôi thấy phải nói như thế để nhấn đến điều đáng nói mà chính tác giả sách đã viết về cái nét chung giữa hai người cùng thế hệ, Trần Văn Khê và Phạm Duy, khi tự mang ra so sánh ở phần phụ lục cuối sách. Dòng chữ duy nhất mà tác giả in đậm nét là dù cho giữa hai người có nhiều điểm khác nhau “nhưng có tình chung là Tình yêu nước nồng nàn”.
Với cha tôi, năm 1946 khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, sau khi đưa cả gia đình đi tản cư, ông đã ở lại Hà Nội, lấy tiền nhà đi mua súng, đầu quân để thể hiện lòng yêu nước của mình. Chỉ không đầy hai tuần sau, ông chết trận, được coi là liệt sĩ. Như thế với cha tôi chẳng có gì phải bàn vì ông không có cơ hội để thể hiện tình yêu nước ngoài chính cái chết của mình trong trận chiến chống ngoại xâm bảo vệ nền độc lập của Dân tộc.
Với hai con người tài danh trong đời sống âm nhạc nước nhà như Trần Văn Khê và Phạm Duy thì thời điểm đó mới chỉ là khởi đầu cho một cuộc phấn đấu ngót bảy thập kỷ tiếp theo để thể hiện cái “tình chung, tình yêu nước nồng nàn” của mỗi người. Đó là cả một cuộc phấn đấu không đơn giản vượt qua những thử thách của thời cuộc, của chính mình và những người cùng thời với mình. Điều đáng nói là cả hai con người tài hoa này đã chọn con đường âm nhạc để phục vụ Tổ quốc đang trong cơn xáo trộn bởi chiến tranh. Rồi vì những lý do khác nhau, Phạm Duy và Trần Văn Khê phải chịu cảnh sống tha hương ở những phương trời xa lạ, để cuối cùng lại trở về nguồn cội, vui trong cái vui được hồi hương. Chính trên mảnh đất quê hương mình, hai ông lại có dịp trao đổi với nhau về âm nhạc, văn hóa, và nhất là khát vọng về tương lai của âm nhạc Việt Nam truyền thống lẫn hiện đại trước những thách đố mới của thời hội nhập.
Cuốn sách này viết về “tính dân tộc” trong âm nhạc Phạm Duy như minh chứng cho “tình yêu nước nồng nàn” được thể hiện suốt cuộc đời cũng như sự nghiệp của một người đã gửi gắm tình tự vào cung bậc thanh âm và nội dung những ca từ trong các tác phẩm. Bằng chất liệu hồi ức, phần đầu cuốn sách nói về tình bạn giữa hai người chạy dài suốt những năm tháng cuộc đời cho đến khi cả hai đã bước qua ngưỡng tuổi 90. Phần tiếp theo là sự phân tích bằng ngôn ngữ nghề nghiệp của một nhà nghiên cứu âm nhạc truyền thống dân tộc, cho người đọc nhận thức được rằng trong gia tài âm nhạc rất đa dạng, phong phú và đồ sộ của Phạm Duy, cái cốt lõi cơ bản nhất, sâu sắc nhất hình thành nên giá trị di sản của ông chính là gốc rễ văn hóa Việt Nam đã ăn sâu vào huyết quản, vào trái tim, vào ký ức với những hình ảnh quê hương khó phai nhòa trong lòng Phạm Duy để ông có thể tình tự qua âm nhạc mà gắn bó cả đời mình với dân tộc.
Ngoài ra tác giả còn nhận định về những khía cạnh thật đặc biệt trong con người Phạm Duy mà ít ai thấy: Phạm Duy là một nhạc sĩ toàn diện vừa viết nhạc lại có khả năng viết cả lời ca rất hay, lại tự mình biểu diễn trên sân khấu những sáng tác của mình như một ca sĩ chuyên nghiệp, đồng thời còn là một người dẫn chương trình duyên dáng đầy sức cuốn hút trong các buổi giới thiệu về các sáng tác của mình. Trong cái nhìn của Giáo sư Trần Văn Khê – một người chuyên nghiên cứu âm nhạc thì bản thân Nhạc sĩ Phạm Duy mang trong mình một óc nghiên cứu rất khoa học và tinh tế không thua gì những nhà nghiên cứu thực thụ, điều đó được thể hiện qua những gì Phạm Duy tìm tòi, ghi chép, hệ thống và cho ra đời những thiên đặc khảo về âm nhạc được nhiều người biết đến.
Tôi may mắn có cơ hội được gần gũi Giáo sư Trần Văn Khê và Nhạc sĩ Phạm Duy, hai vị thuộc tuổi cha chú mà vẫn đối xử với tôi như một người em vong niên, mà trong những sự kiện chắc chắn đã để lại những ấn tượng đậm nét trong hai vị qua những sinh hoạt âm nhạc tại Thủ đô mà tôi đứng ra tổ chức.
Một chuyến ra Hà Nội để lần đầu tiên được xuất hiện trong buổi thuyết trình về “Kiều ca”, Phạm Duy có cơ hội gặp lại những công chúng của mình, trong đó có những bạn nghề từng có những khoảng cách khi gần khi xa trên lĩnh vực âm nhạc, cũng như trên những giá trị khác biệt về “tình yêu nước” ở một xứ sở đã trải qua quá nhiều biến động.
Rồi lần tiếp theo, Phạm Duy ra Hà Nội cùng với Trần Văn Khê trong một sự kiện giới thiệu những ca khúc phổ thơ, đặc biệt là những ca khúc phổ thơ của Bích Khê. Trần Văn Khê đã dành cho buổi giới thiệu thơ phổ nhạc đó lời bình luận của chính mình – một người đã “hiến cả cuộc đời cho việc sưu tầm, bảo tồn, nghiên cứu Âm nhạc truyền thống Việt Nam” để nói lên cái “tính dân tộc” trong những tác phẩm của Phạm Duy khi phổ thơ người khác hay tự mình sáng tác ca từ.
Lần cuối cùng, tôi tổ chức để Nhạc sĩ Phạm Duy giới thiệu những ca khúc được sáng tác từ những cảm xúc về Hàn Mặc Tử nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà thơ tài danh mà đoản mệnh này. Giáo sư Trần Văn Khê cũng lại lặn lội ra Hà Nội, ngồi trên xe lăn mà bình về hai con người tài danh: một thi sĩ đã khuất từ lâu, và một nhạc sĩ còn đang sống. Nhưng ai ngờ đó cũng là lần cuối cùng Nhạc sĩ Phạm Duy được cất tiếng nói và tiếng hát bên bờ Hồ Gươm thân thuộc đã gắn bó trong tâm tưởng suốt cuộc đời của ông.
Có một dự kiến cuối cùng mà tôi mong ước được tổ chức để Phạm Duy ra Hà Nội vào một ngày Giáng sinh hay Tết Tây để ông giới thiệu một phần rất nhỏ của hơn ba trăm ca khúc nước ngoài mang lời của ông. Đó là lời dịch, nhưng cao hơn sự chuyển ngữ thuần túy, Phạm Duy đã thổi tâm hồn người Việt vào những ca khúc nước ngoài dù xuất xứ ở phương Đông hay phương Tây.
Dự kiến cuối cùng ấy đã không thành mà cuối cùng tôi lại phải đứng ra tổ chức một sự kiện để nghe những bài hát của ông từ giọng hát, tiếng nhạc của những người con trai, con rể ông như một lời tri ân đối với những người đã yêu quý Nhạc sĩ Phạm Duy vừa qua đời tại Sài Gòn. Trong buổi trình diễn chia tay ấy, mọi người đều nhớ tới lời Phạm Duy đã nhắn nhủ: Ông sẽ không bao giờ chết chừng nào những bài hát của ông vẫn còn trên môi những người hát ca khúc của ông…
Tôi không hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc, hiểu biết nông cạn về âm nhạc là lẽ thường, nhưng ký ức của tôi về hai người bạn vong niên, lại đồng tuế với nhau rất sâu sắc khiến tôi tiếp nhận và chia sẻ được những gì Giáo sư Trần Văn Khê đã viết trong cuốn sách này nhằm phân tích “tính dân tộc” của Phạm Duy trong những nhạc phẩm và “tình yêu nước nồng nàn” của Phạm Duy qua những sáng tác và hành trang trong cuộc đời của ông.
“Kiều”, “Bích Khê”, “Hàn Mặc Tử” và ngay cả ca từ tiếng Việt của những bài hát ngoại quốc mà tôi được nghe, được biết về Phạm Duy khiến tôi rất cảm động khi đọc bản thảo cuốn sách của Giáo sư Trần Văn Khê, và càng cảm động hơn khi tác giả cho phép tôi được viết lời tựa cho cuốn sách này.
Hà Nội, Hè 2013
DƯƠNG TRUNG QUỐC
Mời các bạn đón đọc Tính Dân Tộc Trong Âm Nhạc Phạm Duy Và Tình Bạn Duy – Khê của tác giả Trần Văn Khê.
Download ebook
Tính Dân Tộc Trong Âm Nhạc Phạm Duy Và Tình Bạn Duy – Khê
FULL: |
Download App tải ebook,sách nói, khóa học tốt nhất: https://h.nhuttruong.com/app
Website: https://www.trươngđịnh.vn
Page:https://www.facebook.com/truongdinhvn/
Mail:[email protected]
[toc] Giới thiệu ebook Tính Dân Tộc Trong Âm Nhạc Phạm Duy Và Tình Bạn Duy – Khê Tweet! Đôi lời tri ân Cuốn sách này có thể ra…