Tiểu Sử David Ben – Gurion: Lịch Sử Hình Thành Nhà Nước Israel – Michael Bar-Zohar
[toc]
Giới thiệu ebook
Tiểu Sử David Ben – Gurion: Lịch Sử Hình Thành Nhà Nước Israel – Michael Bar-Zohar
Ben Gurion chưa bao giờ đồng ý cho bất cứ ai viết hồi ký của ông, đó là trước khi ông gặp Michael Zar-Bohar. Được phép tiếp cận các nhật ký, thư từ, tài liệu cá nhân và kho lưu trữ tuyệt mật của Ông cụ, tác giả đã khắc họa chân dung chân thực nhất của người đã hiện thực hóa giấc mơ về một quốc gia lý tưởng của người Do Thái – một chính khách quyết đoán thực hiện các quyết định sinh tử cho vận mệnh của đất nước Israel, và một người đàn ông cô đơn trên đỉnh cao quyền lực.
Tiểu sử David Ben-Gurion – Lịch sử hình thành nhà nước Israel dài từ những năm tháng tuổi thơ của cậu bé David Gruen ốm yếu được sinh ra và nuôi dưỡng trong một gia đình sùng đạo với một ông bố luôn dành tâm huyết cho “Tình yêu Ziôn” và Vùng đất Israel cho đến những bước ngoặt làm thay đổi suy nghĩ và cuộc đời của cậu, và sau đó là con người vĩ đại biến ước mơ từ ngàn đời của dân tộc Israel thành hình, xóa bỏ cuộc sống lưu vong của hàng vạn người Do Thái trên khắp thế giới, mang họ đến Israel trong những cuộc giải thoát ngoạn mục và cuối cùng, đưa đất nước Israel bị cô lập giữa thế giới Ả-rập trở thành cường quốc quân sự và khoa học kỹ thuật cực kỳ tiến bộ.
Các thành tựu sáng chói và các thất bại, những quyết định và sai lầm đằng sau những nỗi thống khổ và hy vọng, giấc mơ thầm kín, tất cả đã vén lên bức màn sự thật đằng sau Ben Gurion – vị Cha già vĩ đại của dân tộc Israel trước đây, bây giờ và mãi mãi.
Tháng Tư năm 1964, tôi xuất bản cuốn sách đầu tiên của mình, Suez Ultra-Secret (tạm dịch: Suez Tối-mật), đề cập đến liên minh phi thường giữa Pháp và Israel trong Cuộc chiến Suez. Cuốn sách dựa trên luận án tiến sĩ đã được Đại học Paris công nhận gần đây của tôi. Suez Ultra-Secret_ ra mắt đồng thời tại Paris và Tel Aviv, và tôi đã gửi một bản sao riêng cho Ben-Gurion, người mới giã từ quyền lực cách đây mười tháng. Vài ngày sau, tôi nhận được lá thư với lời cảm ơn nồng hậu từ ông.
Tôi chưa từng gặp ông cụ trước đó, song được giọng điệu thân thiện trong thư khích lệ, tôi nhờ thư ký của ông chuyển giúp hai câu hỏi: ông có đồng ý để tôi viết hồi ký của ông không? Và ông sẽ cho phép tôi tùy nghi sử dụng kho lưu trữ của ông chứ? Tôi không ảo tưởng và cũng không thật sự mong đợi ông sẽ nghiêm túc cân nhắc đề xuất của mình. Nhiều tác giả, học giả và hiệu trưởng trong một số trường đại học từng cố gắng để có được sự hợp tác của Ben-Gurion và quyền sử dụng tài liệu của ông trong vô vọng, nhưng ông cụ chỉ đồng ý trả lời phỏng vấn hai cây bút – những người vốn chưa từng một lần nhìn qua kho lưu trữ của ông; và những hồi ký họ viết ra chủ yếu đầy tính giai thoại và thiếu xác thực.
Sự ngạc nhiên của tôi lớn biết bao khi vài tuần sau đó, thư ký của Ben-Gurion gọi điện và cho tôi câu trả lời ngắn gọn: “ông cụ đồng ý rồi.” Tôi thật sự không tin nổi ông đã nói thế. Tôi tự nhủ chắc Ben-Gurion chỉ đồng ý gặp và lắng nghe nguyện vọng của tôi. Rồi tôi quay về Pháp, chủ nhà xuất bản bảo đảm ông sẽ ủy thác cho tôi việc viết hồi ký của Ben-Gurion. Thế là tôi chuẩn bị một biên bản ghi nhớ, trong đó tôi giải thích chi tiết tại sao tôi nghĩ mình có khả năng đảm nhiệm thách thức lớn lao này. Tôi đến gặp Ben-Gurion vào ngày 23 tháng Mười một năm 1964, mang theo bản ghi nhớ đồ sộ bên mình.
“Vậy anh là Bar-Zohar,” ông nói khi tôi vừa bước vào phòng làm việc của ông. Chúng tôi trao đổi vài ý kiến về cuốn sách Suez của tôi, và ông bỗng hỏi cắt ngang: “Ừ, thế những câu hỏi là gì?” Bối rối và ngạc nhiên – “Tôi mang đến ông danh sách câu hỏi này,” – tôi bắt đầu.
“Không, không,” Ben-Gurion nói một cách thiếu kiên nhẫn, “anh sẽ viết hồi ký cho tôi, đúng không? Vậy những câu hỏi của anh là gì? Anh muốn làm việc theo hình thức nào? Anh cần những tư liệu gì?”
Tôi hiểu ông đã mở lòng. Tôi không bao giờ biết tại sao ông quyết định tin tưởng, giãi bày tâm sự với tôi – một người lạ mặt hai-mươi-sáu-tuổi. Nhiều năm sau, tôi tìm thấy trong nhật ký của ông đoạn ghi chép sau:
“Chiều nay, Michael Bar-Zohar đến gặp tôi. Cậu ấy đã viết cuốn sách về Sinai và cuộc chiến Suez bằng tiếng Pháp… Cậu có bằng Tiến sĩ sau công trình ấy. Cậu sinh ra ở Bulgaria… Cậu ấy muốn viết về tiểu sử cuộc đời tôi cho một ấn phẩm và muốn sự giúp đỡ từ tôi. Cậu ta muốn nói chuyện với tôi nhiều lần về các chủ đề khác nhau, để tìm hiểu ý kiến của tôi về Do Thái giáo và các vấn đề toàn cầu. Tôi bảo cậu rằng trong một tuần tôi sẽ trở về Sdeh Boker (Kibbutz của mình), và tôi sẵn sàng cho cậu ấy sử dụng kho hồ sơ của mình, với điều kiện không được công bố các bí mật quốc gia.”
Tôi đã bắt đầu viết tiểu sử của Ben-Gurion như thế. Ông cụ đã thật sự cho tôi tiếp cận các cuốn nhật ký, kho lưu trữ, thư từ và các tài liệu cá nhân của ông. Ông cũng cho phép tôi có mặt bên cạnh trong suốt quá trình làm việc tại nhà riêng ở Tel Aviv và Sdeh Boker, cũng như khi ông đi công tác khắp đất nước. Từ năm 1964 đến 1966, tôi dành phần lớn thời gian của mình bên cạnh ông. Tôi từng ngồi, gần như mỗi ngày, trong góc phòng làm việc của ông, lắng nghe những cuộc hội thoại giữa ông với các vị khách – bao gồm lãnh đạo các đảng, chính khách, ký giả, sĩ quan quân đội cấp cao và giới trí thức. Tôi đã có mặt trong những hội đồng cơ mật khép kín, và các buổi diễu hành công khai hoành tráng, có lúc là những cuộc gặp gỡ nồng hậu với hàng đoàn người ủng hộ, lúc lại biến thành những cuộc đối đầu lộn xộn giữa Ben-Gurion và các đối thủ chính trị thù địch của ông. Tôi tận dụng từng giờ rảnh trong lịch làm việc của ông để phỏng vấn ông về những chủ đề đa dạng nối kết cuộc đời và thành tựu của ông. Khi không bên cạnh ông, tôi nghiên cứu đống tài liệu mà ông lưu trữ, đào sâu phần lớn tư liệu đã được xuất bản như sách, bài viết, công trình nghiên cứu cũng như phỏng vấn các bằng hữu và đối thủ chủ chốt của ông. Tôi sớm nhận ra nguồn tư liệu quá phong phú. Có hàng trăm cuốn sách liên quan – trực tiếp lẫn gián tiếp – đến Ben-Gurion cùng những lĩnh vực mà các hoạt động của ông đã để lại dấu ấn, đã được xuất bản tại Israel và nước ngoài: những bài báo, tạp chí, công trình khoa học khắp thế giới nhiều đến mức không thể đếm xuể. Lần kiểm tra gần nhất, số tài liệu trong kho lưu trữ riêng của Ben-Gurion đạt gần con số nửa triệu.
Những cuộc phỏng vấn mà trợ lý nghiên cứu và bản thân tôi thực hiện cũng là một nguồn tư liệu rất quan trọng, song cần được kiểm tra và xác minh cẩn thận. Những đóng góp quan trọng nhất được thực hiện bởi tên tuổi các lãnh đạo Israel như Shimon Peres, Itzhak Navon, Moshe Dayan, Teddy Kollek, Yigael Yadin, Yisrael Galili, Igal Alon, Itzhak Rabin, Moshe Sharett, Rachel Yanait Ben-Zvi, Ariel Sharon, Dov Joseph, Ze’ev Shareff, Pinhas Sapir, Abba Eban, Isser Harel và nhiều người khác. Những cuộc phỏng vấn còn tạo ra các sản phẩm phụ bao gồm tài liệu, thư từ, ghi chú và nhiều tư liệu viết tay khác. Những thành viên trong gia đình Ben-Gurion và bạn bè thân thiết của ông từ thời trẻ cũng sẵn lòng hợp tác với tôi.
Năm 1967, tôi xuất bản hồi ký đầu tiên của Ben-Gurion, The Armed Prophet (tạm dịch: Nhà tiên tri vũ trang) (NXB Arthur Barker, London, 1967/NXB Prentice Hall, New Jersey, 1968). Cuốn sách được dịch ra nhiều thứ tiếng, nhưng tôi có cảm giác công việc của mình vẫn chưa kết thúc. Tôi đã quyết định mở rộng biên độ nghiên cứu của mình, cho dù việc này lấy đi của tôi thêm vài năm nữa. Tôi khởi động giai đoạn mới này như một công việc bán thời gian trong suốt những năm 1968–1970, và kể từ năm 1970 nó đã trở thành việc chính của tôi.
Trong giai đoạn nghiên cứu tiếp theo này, tôi đã khám phá thêm nhiều tư liệu mới mẻ quan trọng chưa được xuất bản. Kho văn kiện lưu trữ của Weizmann cho ra hàng trăm lá thư, văn bản và bản ghi chép tốc ký miêu tả chi tiết xung đột gay gắt giữa Weizmann và Ben-Gurion trong suốt Thế chiến II. Meyer Weisgal, bằng hữu trung thành của Weizmann đã nài nỉ tôi đọc chương viết về những mối quan hệ miễn cưỡng giữa Ben-Gurion và Weizmann, đã bị người sau kiên quyết xóa khỏi ký ức. Trong kho lưu trữ của Ben-Gurion, vốn đã được sắp xếp lại, tôi cũng tìm thấy nhiều tài liệu khác nhau: lời phản hồi ông dành cho các Ngoại trưởng Anh quốc – Herbert Morrison và Anthony Eden – khi ông cố đàm phán một liên minh với nước Anh và Thủ tướng Anh Harold Macmillan trong suốt cuộc khủng hoảng Trung Đông 1958, những lần trao đổi thư từ xúc động giữa ông với Tổng thống Mỹ Kennedy và Tổng thống Pháp de Gaulle vài ngày trước khi ông từ chức vào năm 1963, những giải thích chi tiết cho cơn khủng hoảng lớn giữa Israel và Hoa Kỳ vào đầu những năm 1960 về việc xây dựng lò phản ứng hạt nhân ở Negev, nhật ký đầy đủ của viên sĩ quan thân cận nhất đã quá cố của ông – Nehemia Argov, những thư cá nhân giữa Ben-Gurion và Quý bà Doris May đã rọi một luồng sáng mới lên cuộc đời riêng tư của Ben-Gurion. Vài quyển nhật ký về những năm tháng quan trọng từ năm 1950 và đầu 1960 của Ben-Gurion mà ông tưởng đã thất lạc lại xuất hiện tại Sdeh Boker và cung cấp cho tôi sự miêu tả đến từng chi tiết về hội nghị Sevres vào tháng Mười năm 1956, nơi Cuộc chiến Suez được định đoạt, và chi tiết về kết quả mà liên minh tối mật ông đã đạt được với Thổ Nhĩ Kỳ trong một chuyến bay đêm bí mật đến Ankara vào năm 1958. Những nhật ký về quãng đời sau này của Ben-Gurion tiết lộ sự phản đối ông đối với quyết định tham chiến tháng Sáu năm 1967 của Chính phủ Israel, và bi kịch cá nhân khi kết quả của Cuộc chiến Sáu ngày khiến ông nhận ra sự nghiệp chính trị của mình đã chính thức kết thúc. Cùng lúc đó, tấm mạng che bí mật đã được gỡ bỏ khỏi nhiều đề tài trước đó bị xem là bí mật quốc gia, và tôi đã có thể đem chúng vào trong cuốn sách của mình, tôi còn được tiếp cận với những nhật ký thuộc về vài cộng tác viên thân cận nhất của Ben-Gurion.
Tôi cũng tìm thấy nhiều sự trợ giúp trong các tác phẩm xuất bản gần đây như các nhật ký riêng của Sharett, tự truyện của Dayan và vài tài liệu khác, trong đó thuật lại những nỗ lực đàm phán của Ben-Gurion với Tổng thống Nasser của Ai Cập năm 1956 thông qua nhà hòa giải Robert Anderson – đặc phái viên ngoại giao của Tổng thống Eisenhower. Nếu thành công, cuộc đàm phán này đã có thể ngăn chặn Cuộc chiến Suez. Trong những tài liệu của Cục Lưu trữ công ở London, và trong Thư viện Trung Đông thuộc trường St. Anthony’s College của Đại học Oxford, tôi tìm được những tư liệu hấp dẫn về thái độ của nhiều bộ phận Chính phủ và cơ quan tình báo Anh đối với Ben-Gurion trong suốt và sau Thế chiến II.
Chỉ một phần cực kỳ nhỏ trong số tư liệu khổng lồ về Ben-Gurion được dùng trong cuốn sách này. Ben-Gurion từng là người của những hoạt động phi thường: kể từ khi mười bốn tuổi và cho đến lúc gần qua đời ở tuổi tám mươi bảy, ông đã tạo ra một hình ảnh mạnh mẽ trước công chúng, đã viết không biết bao nhiêu bài viết, diễn văn, lá thư, ghi nhật ký chi tiết đến mức đáng kinh ngạc, đã tham gia sâu sắc vào đời sống chính trị, hoạt động công đoàn, Chủ nghĩa Xiôn, ngoại giao, an ninh, tham gia vào thế giới trí thức, và đóng vai trò quan trọng trong mọi sự kiện lớn của lịch sử hòa giải Do Thái – Palestine, và sau này là nhà nước Israel. Công việc chọn lựa tư liệu và câu chuyện phù hợp để miêu tả và trích dẫn trong sách không hề dễ dàng, và tôi chỉ có thể hy vọng là tôi đã khách quan.
Tôi đã suy nghĩ rất kỹ khi lựa chọn văn phong cho cuốn hồi ký này và đi đến kết luận là phải đạt được sự hài hòa giữa việc miêu tả một chính khách Ben-Gurion và một người ẩn sau những huyền thoại; giữa việc trình bày các quyết định mang tính sinh tử, các lựa chọn sai lầm và phơi bày những thống khổ, những lý lẽ, những giấc mơ và kỳ vọng sâu kín của người đàn ông cô đơn trên đỉnh cao quyền lực. Có lẽ việc khó khăn nhất là bóc đi lớp vỏ thần thoại và lý tưởng hóa phủ lên hình ảnh giàu sức hút của Ben-Gurion từ chính những người ủng hộ sùng kính cũng như các kẻ thù cay đắng của ông.
Ben-Gurion và vợ ông, Paula, qua đời trước khi cuốn sách này được xuất bản. Phải thú thật là điều này dễ dàng hơn cho tôi khi tự do xử lý vài khía cạnh trong đời tư Ben-Gurion, những điều tôi sẽ không đề cập đến nếu ông và vợ còn sống.
Cuốn sách này, như tôi đã nhấn mạnh, được dựa trên chủ yếu những nguồn tin chưa được công bố. Những tư liệu được công bố – sách vở, bài viết, vân vân – đều có mức độ quan trọng rất nhỏ. Phần lớn viết bằng tiếng Hebrew, tôi không tin rằng một bảng liệt kê tham khảo lại có ích với một học giả không đọc được ngôn ngữ này. Vì thế sẽ không có bảng liệt kê tham khảo nào được kèm trong bản dịch cuốn sách này.
Tôi ghi nhận và biết ơn sự giúp đỡ của tất cả những người hỗ trợ tôi trong quá trình nghiên cứu: những người đồng ý để tôi phỏng vấn hết lần này đến lần khác, các ban ngành thuộc các nguồn lưu trữ khác nhau đồng ý cho tôi tiếp cận các tài liệu và văn bản của họ gồm: kho lưu trữ quân đội, kho lưu trữ của đảng Xiôn, kho lưu trữ của đảng Lao động, Học viện Jabotinsky, kho lưu trữ Weizmann (tất cả đều ở Israel), Văn phòng Lưu trữ Công cộng ở London và rất nhiều kho lưu trữ tư nhân, thư viện và học viện công khác, ở Israel lẫn nước ngoài. Tôi cũng muốn bày tỏ lòng biết ơn đến những trợ lý Yehuda Kave, Dalia Zidon và Hanna Eshkar. Tôi đặc biệt hàm ơn trợ lý nghiên cứu chính của tôi, Nilly Ovnat, ông Haim Israeli, thư ký trung thành của Ben-Gurion, người đã giúp đỡ tôi một cách tận tụy trong hơn mười một năm, và Ina Friedman vì khả năng biên tập hiệu quả và thành thạo bản tiếng Anh của cuốn sách này. Giảng viên Yehuda Slutzki (Đại học Tel Aviv), ông Ahuvia Malkin và ông Gershon Rivlin đã dành nhiều tháng đọc bản thảo và cho tôi các lời khuyên vô giá, và chỉ dẫn quý báu đến những nguồn tư liệu hạng nhất.
Tuy nhiên, tôi không thể kết thúc phần lời tựa này mà không nhấn mạnh đến tầm quan trọng rất lớn phần đóng góp của chính Ben-Gurion cho cuốn sách này. Tôi không chỉ nói đến sự đóng góp ở việc ông đồng ý để tôi phỏng vấn hết lần này đến lần khác, hay cho phép tôi đọc và trích dẫn tài liệu và nhật ký của ông. Chúng ta đều biết các cuộc phỏng vấn có thể kém chính xác ra sao, và những tài liệu cùng thư từ có thể gây hiểu nhầm, hay chỉ thể hiện những mảnh ghép giới hạn của toàn bộ bức tranh như thế nào. Như chúng ta đã biết, nhật ký dùng làm tư liệu hồi ký thậm chí còn nguy hiểm hơn nếu không được phân tích, so sánh và đối chiếu kỹ lưỡng. Khi nói đến sự đóng góp của Ben-Gurion, tôi nói đến việc ông cho tôi cơ hội được theo chân hoạt động thường nhật của ông một cách gần gũi trong khoảng thời gian dài. Nhìn thấy Ben-Gurion làm việc, nghiên cứu cách suy nghĩ và phát ngôn của ông, quan sát hành vi của ông, cảm nhận được gần như về mặt thể chất và sức mạnh của nhân cách ông trong các cuộc gặp riêng tư đã cho phép tôi – tôi tin như thế – thấu hiểu sức hút ông tỏa ra và chứng thực việc ông sử dụng những phẩm chất không thể định nghĩa về quyền lực, cảm hứng và tinh thần lãnh đạo để cảm hóa mọi người thành những người ủng hộ trung thành của ông, và cho phép ông dẫn dắt đất nước vượt qua những cuộc chiến hiểm nghèo nhất để có được độc lập và sống còn.
Mời các bạn đón đọc Tiểu Sử David Ben – Gurion: Lịch Sử Hình Thành Nhà Nước Israel của tác giả Michael Bar-Zohar.
Download ebook
Tiểu Sử David Ben – Gurion: Lịch Sử Hình Thành Nhà Nước Israel – Michael Bar-Zohar
FULL: |
Download App tải ebook,sách nói, khóa học tốt nhất: https://h.nhuttruong.com/app
Website: https://www.trươngđịnh.vn
Page:https://www.facebook.com/truongdinhvn/
Mail:www.truongdinh.vn@gmail.com
[toc] Giới thiệu ebook Tiểu Sử David Ben – Gurion: Lịch Sử Hình Thành Nhà Nước Israel – Michael Bar-Zohar Tweet! Ben Gurion chưa bao giờ đồng ý cho bất…