Tia lửa ebook

Tia lửa ebook

Download App tải ebook tốt nhất: https://h.nhuttruong.com/app

Giới thiệu ebook

Đêm pháo hoa, nghệ sĩ hài trẻ tuổi Tokunaga gặp người đàn anh Kamiya. Một Kamiya kỳ lạ, thất thường, không tuân theo bất cứ chuẩn mực nào khiến Tokunaga vừa bối rối vừa ngưỡng mộ. Cậu xin anh nhận mình làm đệ tử, bước theo anh trên con đường hướng tới lý tưởng thuần khiết. Nhưng rồi hiện thực cuộc sống nghiệt ngã giáng một đòn mạnh khiến Tokunaga choáng váng, và cậu buộc phải đưa ra lựa chọn…

Tia lửa khắc họa sống động cuộc đời thăng trầm của người nghệ sĩ hài trong xã hội Nhật Bản hiện đại, đồng thời cũng là câu chuyện về tuổi trẻ và sự trưởng thành chông chênh nhưng kiêu hãnh, về khát khao được bừng sáng rực rỡ giữa màn đêm bất tận, dù chỉ trong phút giây ngắn ngủi.

***

Nhịp điệu rền vang của tiếng trống quện cùng tiếng sáo trúc trong vắt, cao vút lan tỏa khắp không gian. Khi bóng tối buông xuống, con đường nhìn ra vịnh Atami giờ đã dịu cái nắng gắt buổi ban ngày, rộn ràng tiếng dép cỏ của các đôi nam nữ và từng tốp gia đình trong bộ áo yukata. Ở một khoảng trống hẹp bên vệ đường, vài két nhựa màu vàng đựng bia úp ngược xếp lại với nhau, bên trên đặt đôi ba tấm gỗ ép để làm thành sân khấu, tại đó chúng tôi biểu diễn tấu hài cho những người đang đi tới lễ hội pháo hoa.

Chiếc micro đặt chính giữa sân khấu không phải loại chuyên dành cho tấu hài nên nhặt âm không được tốt, tôi và cậu bạn diễn Yamashita phải thay nhau ghé sát mặt như muốn ngoạm lấy micro, phun cả nước bọt vào mặt nhau mà khán giả vẫn không một ai dừng chân, tất cả cứ thẳng tiến về phía lễ hội. Vô số nụ cười nở trên khuôn mặt họ nhưng không phải dành cho chúng tôi. Tiếng nhạc của lễ hội càng lúc càng dồn dập, phải ở trong bán kính tầm một mét tính từ chỗ đặt micro mới nghe được chính xác tiếng chúng tôi diễn, vì vậy tối thiểu trong ba giây nếu chúng tôi không nói được câu gì đó gây cười thì sẽ thành như hai kẻ đang đứng tán gẫu suông, song nếu cứ cố ba giây bật ra một câu hài hước thì nguy cơ bị đánh giá là nhạt nhẽo khá cao nên chúng tôi không dại ăn thua, chỉ giữ khuôn mặt thản nhiên vừa đủ diễn cho đến khi hết thời gian cho phép.

Kết quả không mấy sáng sủa nên tôi cũng chẳng nhớ chính xác mình đã tấu nội dung gì. Đại khái cậu bạn diễn hỏi tôi: “Câu nói nào của con vẹt nuôi làm anh khó chịu nhất?” thì câu đầu tiên tôi trả lời là: “Ông chủ đóng thuế hưu dần đi là vừa đấy!” Rồi sau đó là những câu mà một con vẹt không bao giờ nói như: “Cái không gian vô dụng kia vẫn chả thay đổi gì sất.”, “Tôi có chuyện quan trọng muốn nói với ông chủ.”, “Từ hôm qua đến giờ ông chủ cứ tránh mặt tôi, không phải ông định thịt tôi đấy chứ?”, “Ông không thấy tức à?” Với mỗi câu tôi nói, cậu bạn diễn lại gật gù hay bình phẩm một câu gì đó nhưng đến câu “Ông không thấy tức à?” thì không hiểu sao cậu ta lại dở chứng bật cười một mình. Lúc đó, chắc chắn những người đi qua trước mặt bọn tôi sẽ chỉ nghe thấy tiếng cười của cậu ta, nhưng vì cậu ta lại cười theo kiểu nuốt tiếng vào trong nên trông chúng tôi chẳng khác nào hai thanh niên đang đứng đực ra đó. Tiếng cười của cậu bạn diễn là phao cứu sinh duy nhất của tôi. Nói cho cùng thì sau một ngày mãn nguyện trở về nhà mà lại bị con vẹt hỏi thăm rằng: “Ông không thấy tức à?” thì hẳn tôi cũng muốn đốt trụi cánh nó.

Mà thôi, đốt mất cánh thì tội nghiệp con vẹt quá. Có khi tự hơ cùi chỏ bằng bật lửa mới dọa chết khiếp được một con vật sợ lửa. Với loài chim thì hành động tự đốt tay mình hẳn là kỳ dị lắm. Nghĩ vậy tôi cũng hơi cười được một chút nhưng người qua đường vẫn chẳng mảy may để ý tới chúng tôi, thỉnh thoảng cũng có người quan tâm nhưng rồi họ toàn cau mày, giơ ngón tay thối bỏ đi với vẻ khó chịu. Đang nghĩ đã bị lạc lõng giữa đám đông thế này mà còn nghe con vẹt nuôi hỏi: “Ông không thấy tức à?” chắc tôi sẽ òa khóc mất thì chợt phía biển đằng sau chúng tôi có tiếng nổ vang lan khắp dãy núi.

Gương mặt những người ngước nhìn lên bầu trời đêm lấp lánh đủ các sắc màu đỏ, lam, lục khiến tôi tò mò không biết thứ gì đang chiếu vào họ. Khi có tiếng nổ tiếp theo, tôi ngoảnh lại theo phản xạ thì thấy pháo hoa rực rỡ như ảo ảnh phủ kín cả bầu trời, tàn pháo rực sáng rồi từ từ tan biến. Tiếng trầm trồ bật ra tự nhiên của khán giả chưa kịp dứt hẳn thì lần này, một bông pháo hoa trông như cây liễu khổng lồ bung rủ xuống giữa màn đêm, vô số tia lửa li ti uốn lượn thắp sáng bầu trời đêm rồi rơi xuống biển khiến tiếng tán thưởng vang lên còn to hơn lần trước. Atami có địa hình núi bao quanh biển, rất gần gũi với thiên nhiên. Ở đó, pháo hoa mang vẻ rực rỡ và lộng lẫy át hẳn những thứ khác do con người tạo ra. Và trong đầu tôi hiện lên câu hỏi rất sơ đẳng là tại sao chúng tôi lại được mời đến một môi trường hoàn hảo như thế này. Tuy thất vọng với bản thân bé nhỏ khi bị tiếng pháo hoa vang vọng khắp núi át đi nhưng lý do đơn giản khiến tôi chưa bị dồn đến mức tuyệt vọng là sự ngưỡng mộ tuyệt đối trước thiên nhiên và pháo hoa.

Cái đêm tôi nhận ra mình bất lực trước những điều vĩ đại này cũng là đêm tôi gặp được sư phụ lâu năm. Cứ như nhân lúc thần công thổ địa đi vắng, sư phụ tới rồi thản nhiên ở lại luôn vậy. Tôi quyết định sẽ không học ai ngoài sư phụ.

Trong khi mọi người vẫn đang chăm chú nhìn lên bầu trời thì tôi rơi vào trạng thái tuyệt vọng. Tôi mới chuyển sang đoạn con vẹt hét vào mặt chủ: “Mi mới chính là vẹt!” thì mười lăm phút dành cho màn biểu diễn của chúng tôi cũng vừa hết. Mồ hôi đầm đìa, cảm giác trống rỗng. Vốn dĩ những màn biểu diễn bên lề lễ hội phải kết thúc trước khi chương trình bắn pháo hoa bắt đầu. Chỉ vì các cụ trong Hội biểu diễn nghệ thuật đường phố quá chiều lòng khán giả, diễn lố thời gian cho phép nên mới xảy ra cơ sự thê thảm này. Chẳng ai chỉnh sửa cái sự lệch kế hoạch bé bằng móng tay phát sinh trong chương trình phụ của lễ hội pháo hoa. Giả sử tiếng chúng tôi đủ lớn để át được tiếng pháo hoa thì có lẽ kết quả đã khác, nhưng thực tế thì tiếng chúng tôi nhỏ đến tội nghiệp. Chỉ những ai cố lắm mới nghe thấy.

Khi chúng tôi rời khỏi sân khấu, từ trong căn lều căng bằng vải rẻ tiền đã ố vàng in dòng chữ “Hội thanh niên thành phố Atami” đã biến thành chỗ chén chú chén anh của các cụ phụ lão, cặp biểu diễn cuối cùng ngồi đợi trong góc uể oải bước ra ngoài. Khi đi ngang qua tôi, họ lầm bầm: “Để bọn tôi rửa hận!” với bộ mặt hằm hằm. Tuy không hiểu ngay ý nghĩa của câu nói nhưng tôi không thể rời mắt khỏi hai người, đặc biệt là người nói câu ấy với tôi. Dù họ bị lẫn trong biển người, dù dòng người qua lại che khuất tầm mắt, tôi vẫn theo dõi từ đầu tới cuối màn tấu hài của họ. Người kia, vì cao hơn bạn diễn nên phải gập cái hông gầy gò xuống như muốn cắn lấy micro, gườm mắt nhìn người qua lại và giới thiệu: “Nhóm Xuẩn Ngốc xin kính chào quý vị khán giả!”, dứt lời là anh ta gào lên như muốn gây sự với cả đám đông. Hầu hết lời anh ta nói đều khó hiểu. Rất khó miêu tả chính xác quang cảnh lúc đó, chỉ biết anh ta cứ liên tục gào thét, văng nước miếng tứ tung: “Tui ấy nha, tui có khả năng ngoại cảm à nha, nên nhìn mặt là tui biết ai lên thiên đàng, ai xuống địa ngục đó!” rồi chỉ vào từng người đi qua nói: “Địa ngục, địa ngục, địa ngục, địa ngục, địa ngục, địa ngục, địa ngục, địa ngục, địa ngục, địa ngục! Mèng ơi sao rặt tội nhân thế này!? Sống cho tử tế chứ!” Mà không hiểu sao anh ta lại nói rặt giọng phụ nữ. Trong khi anh ta tiếp tục gân cổ: “Địa ngục, địa ngục, địa ngục, địa ngục, địa ngục” thì người bạn diễn với vẻ mặt hệt như quỷ dữ cũng quát loạn lên với người nào phàn nàn hay cằn nhằn bọn họ mà không cần tới micro: “Muốn ngỏm phỏng! Có giỏi thì lại đây!”

Đang ra rả: “Địa ngục, địa ngục, địa ngục, địa ngục, địa ngục” thì đột nhiên người kia dừng cả hình lẫn tiếng, ánh mắt hướng về một điểm. Không hiểu chuyện gì nên tôi nhìn theo hướng anh ta chỉ thì thấy một bé gái đang bị mẹ kéo đi. Trong khoảnh khắc, tôi thấy nhói ở tim và cầu mong anh ta đừng thốt ra lời nào. Nếu những gì họ đang thể hiện là để rửa hận cho sự ê chề của chúng tôi ở lễ hội này thì tôi mong họ dừng lại, nhưng anh ta đã nở một nụ cười mãn nguyện rồi thì thào bằng giọng nhẹ nhàng rằng: “Địa ngục vui vẻ!” sau đó còn bồi thêm câu: “Cháu gái, chú xin lỗi!” Chỉ nhờ câu nói đó, tôi hiểu ra chính con người này mới là thật. Xét về kết quả thì hai người đó thảm bại hơn chúng tôi nhiều, khi chương trình kết thúc, người của ban tổ chức giận tím mặt, thế mà bạn diễn của anh ta vẫn gầm gừ lườm nguýt lại, còn anh ta thì nhìn tôi cười hí ha hí hửng như một đứa trẻ. Quả thật là tôi thấy sợ sự vô tư, trong sáng ấy.

Khi tôi đang thay đồ trong góc lều thì anh ta né trận rủa xả của ban tổ chức, mỉm cười tiến lại cạnh tôi, sau đó lại ra vẻ đau khổ nói: “Tiền thù lao này là đánh lẻ nên đi nhậu nhé?”

Hai chúng tôi im lặng đi qua dãy phố san sát nhà nghỉ truyền thống của Atami dưới ánh sáng pháo hoa. Anh ta mặc áo sơ mi kiểu Hawaii màu đen có in hình con hổ và chiếc quần bò Levi’s 501 đã sờn. Tuy người gầy gò nhưng ánh mắt anh ta rất sắc, phong thái không phải dễ gần.

Chúng tôi ngồi đối diện nhau bên chiếc bàn cập kênh trong góc một quán nhậu có tấm biển hiệu đã bạc màu vì mưa gió. Ngoài chúng tôi còn có nhiều khách du lịch lớn tuổi mệt mỏi vì pháo hoa và đám đông chen chúc. Ai cũng vương vấn với màn pháo hoa quá ấn tượng. Trên tường quán treo khung giấy có chữ ký của ai đó nhưng đã ngả sang màu nâu vì khói và dầu mỡ. Bất chợt tôi nghĩ chắc người ký hẳn đã khuất núi rồi cũng nên.

“Cứ gọi bất cứ món gì chú thích!”

Nghe câu nói trìu mến ấy, tôi thấy nhẹ cả người hay sao mà mắt cay cay. Rồi tôi nhận ra rằng quả đúng là tôi đang sợ con người này.

“Em xin lỗi vì giới thiệu muộn. Em là Tokunaga, nhóm Sparks,” tôi giới thiệu xong thì anh ta xưng tên: “Còn anh là Kamiya, nhóm Xuẩn Ngốc.”

Đó chính là cơ duyên gặp gỡ giữa tôi và anh Kamiya. Khi ấy tôi 20 tuổi nên anh Kamiya chắc chắn 24 tuổi. Tôi chưa từng nhậu với đàn anh bao giờ nên không biết phải cư xử ra sao, nhưng có vẻ chính anh Kamiya cũng chưa bao giờ uống với đàn anh lẫn đàn em.

“Tên Xuẩn Ngốc nghe ấn tượng quá ạ!”

“Anh kém khoản đặt tên lắm. Ông bố hay gọi anh là xuẩn ngốc nên lấy tên đó luôn.”

Bia được mang tới, lần đầu tiên trong đời tôi rót bia cho người khác.

“Tên nhóm chú bằng tiếng Anh nghe oách nhỉ. Ông bố chú ở nhà gọi chú là gì hả?”

“Bố.”

Anh Kamiya vừa nhìn vào mắt tôi vừa uống một hơi cạn cốc bia, sau đó anh vẫn nhìn chăm chăm vào mắt tôi.

Sau vài giây im lặng, tôi đế thêm từ “ạ”.

Anh Kamiya nheo mắt lại rồi nói: “Này, đừng đột nhiên giả bộ ngu ngơ làm anh giật mình. Anh đã tốn thời gian để đoán xem chú mày có ngu ngơ không, hoàn cảnh gia đình có phức tạp không, ông bố có vấn đề không đấy!”

“Em xin lỗi ạ!”

“Ấy không, không phải xin lỗi. Cứ nghĩ sao nói vậy đi!”

“Dạ vâng!”

“Bù lại phải làm cho anh cười đấy. Nhưng khi anh hỏi nghiêm túc thì phải trả lời cẩn thận!”

“Vâng.”

“Anh hỏi lại lần nữa, bố chú gọi chú là gì?”

“All You Need Is Love.”

“Thế chú gọi bố là gì?”

“Làng bô lão.”

“Còn mẹ chú gọi chú là gì?”

“Chả giống ma nào!”

“Chú gọi mẹ là gì?”

“Giống ai không biết nữa.”

“Cũng đối đáp ác liệt đấy.”

Cuối cùng anh Kamiya cũng mỉm cười rồi ngả lưng ra sau ghế. “Hai người kết hợp cũng mất thời gian nhỉ. Tấu hài khó thế cơ à?”

“Em cũng suýt nữa thì ói.”

“Hai chúng ta vẫn còn kém lắm. Thôi uống đã!” Tôi chẳng biết lựa lúc tiếp rượu nên từ lúc nào anh Kamiya đã tự rót cho mình.

Anh Kamiya cứ nhắc đi nhắc lại: “Chỗ này để anh trả” làm tôi tưởng anh ngầm bảo: “Cậu trả một nửa đi” nên nói: “Em sẽ trả”, song anh Kamiya vui vẻ nói: “Hâm à! Trong giới nghệ sĩ hài thì đàn anh bao đàn em là đương nhiên mà”, nên tôi hiểu là anh chỉ muốn nói ra câu đó mà thôi.

Được anh khao, tôi sướng quá nên cứ muốn hỏi thêm anh, đầu tiên là vì sao khi tấu hài anh lại hét bằng giọng nữ.

“Mới mẻ mà lại. Không phải theo quy tắc nào hết. Có lý do nào không được phép dùng giọng nữ không hả?”

Anh Kamiya nhìn tôi rất nghiêm túc. Tôi vội vàng đáp ngay.

“Thì tại người nghe sẽ thắc mắc vì sao người này là đàn ông mà lại nói giọng đàn bà nên phần quan trọng sẽ khó vào được đầu họ.” Tôi thành thật trả lời.

“Chú tốt nghiệp đại học chưa?” Anh Kamiya lo lắng hỏi, tôi đáp: “Mới hết cấp 3 ạ”, tức thì anh ấy ghé sát mặt vào tôi, giả vờ gõ vào đầu và nói: “Dốt lắm! Không học đại học thì đừng làm bộ thông minh!”

Khi hai mắt anh Kamiya rũ xuống trên gương mặt đỏ gay sau năm cốc rượu trắng, miệng anh lải nhải: “Phải làm việc khác người!”, không hiểu đưa đẩy thế nào mà tôi đã cúi đầu trước anh mà rằng: “Xin hãy nhận em làm đệ tử!”

Những lời đó tuyệt đối không phải nói đùa mà là bật ra từ đáy lòng.

“Được thôi!” Anh Kamiya dễ dàng chấp thuận, vừa lúc nhân viên bưng rượu tới, anh Kamiya nói: “Bọn tôi vừa mới kết tình sư đồ tại đây nên cậu làm chứng nhé!” Cậu nhân viên vâng dạ cho xong chuyện. Chắc chắn đây là lần đầu tiên của anh Kamiya, vậy mà anh cư xử như biết cách thức rồi khiến tôi thấy anh thật đáng tin cậy. Vậy là chúng tôi kết tình sư đồ dưới sự chứng kiến của quán ăn lộn xộn.

“Tuy nhiên, anh có một điều kiện.” Anh Kamiya nói vẻ như hàm ý gì đó.

“Là gì ạ?”

“Anh muốn chú luôn nhớ đến anh.”

“Anh sắp chết hay sao ạ?”

Anh Kamiya không trả lời câu hỏi của tôi, mắt cũng không chớp, con ngươi cũng không động đậy. Cứ như mãi suy nghĩ, đôi khi anh không nghe thấy tôi nói.

“Chú không học đại học thì trí nhớ chắc kém nên sẽ quên anh ngay thôi. Anh muốn chú quan sát anh thật gần, ghi lại lời nói và hành động của anh rồi viết tiểu sử cho anh.”

“Tiểu sử ạ?”

“Ừ. Chú mà viết được thì coi như là lĩnh hội hết bí kíp.”

Viết tiểu sử là sao? Đó là cách để chơi với đàn anh à?

Công ty quản lý tôi rất nhỏ. Ngoại trừ một diễn viên nổi tiếng lên ti vi từ hồi tôi còn bé ra thì còn lại là vài diễn viên hoạt động chính ở sân khấu kịch, mỗi chúng tôi là diễn viên hài. Hồi còn đi học, có lần tham gia hội thi tấu hài nghiệp dư, chúng tôi được một chú trông tốt bụng tới hỏi chuyện, và người đó chính là giám đốc công ty của tôi hiện nay. Tưởng chỉ có một cặp tấu hài thì sẽ được ưu ái nhưng thực tế số lượng công việc rất ít, hầu hết cũng chỉ là đi tỉnh hay diễn ở những tụ điểm nhỏ.

Mời các bạn đón đọc Tia Lửa của tác giả Matayoshi Naoki & Nhật Minh (dịch).

Download ebook

 


FULL:

 

 


AZW3


EPUB


MOBI


PDF

Bookmark (0)
Please login to bookmark Close

Download App tải ebook tốt nhất: https://h.nhuttruong.com/app Giới thiệu ebook Tweet! Đêm pháo hoa, nghệ sĩ hài trẻ tuổi Tokunaga gặp người đàn anh Kamiya. Một Kamiya kỳ lạ, thất…

Bookmark (0)
Please login to bookmark Close