Thuyền Trưởng Và Đại Úy

Thuyền Trưởng Và Đại Úy

[toc]


Giới thiệu ebook

Thuyền Trưởng Và Đại Úy


Có những cuốn sách mà ngay từ thời còn nhỏ nó đã trở thành người bạn thân thiết của ta và sau đó nó cứ tồn tại trong suốt cả đời mình. Cuốn tiểu thuyết “THUYỀN TRƯỞNG VÀ ĐẠI ÚY” của Veniamin Aleksandrovich Kaverin, một nhà văn, nhà báo nổi tiếng của Liên Xô là một cuốn sách như vậy. Không phải ngẫu nhiên mà từ Nhà xuất bản Văn học Thiếu nhi, đến Nhà xuất bản Đội Cận Vệ thanh niên, Nhà xuất bản Văn học, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia và hàng chục Nhà xuất bản khác ở Liên Xô đã in đi in lại cuốn tiểu thuyết này tới bốn, năm chục lần, mỗi lần hàng chục vạn bản[1].

Kaverin sinh năm 1902. Từ ngày còn theo học ở trường trung học, ông đã say mê văn học và bắt đầu làm thơ. Năm 1919 ông học ở trường Đại học Tổng hợp Moskva; năm 1920 chuyển sang học ở trường Đại học Tổng hợp Leningrad và đồng thời còn tham gia nghiên cứu tiếng Ả-rập trong Học viện Ngôn ngữ Phương Đông. Giữa lúc đó “Câu lạc bộ văn học” Leningrad tổ chức cuộc thi văn cho các cây bút thanh niên, Kaverin đã tham gia với cuốn tiểu thuyết đầu tay của mình, cuốn “Cây số thứ 11”. Truyện này đã được Maksim Gorky rất thích và khen ngợi. Từ đó trở đi Kaverin thường xuyên được sự chỉ đạo và giúp đỡ của nhà văn cách mạng vĩ đại đó.

Trong thời kỳ chiến tranh bảo vệ Tổ quốc vĩ đại, Kaverin đã công tác trên hạm đội Phương Bắc, đồng thời làm phóng viên cho tờ báo “Tin tức” và đã được tặng thưởng “Huy chương cờ đỏ”.

Thời kỳ đầu, phần lớn những tác phẩm của Kaverin là những cuốn tiểu thuyết ảo tưởng; sau đó ông chuyển sang đề tài bộ mặt tinh thần và quá trình trưởng thành của thanh niên trong thời đại Xô Viết. Tiểu thuyết của ông khá nhiều, có hơn tám quyển lớn và nhiều cuốn đã được dịch ra nhiều thứ tiếng nước ngoài.

“THUYỀN TRƯỞNG VÀ ĐẠI ÚY” là cuốn tiểu thuyết dài nổi tiếng nhất của Kaverin. Tác phẩm kể lại câu chuyện về chiếc tàu thám hiểm “St. Maria” của nước Nga trước Cách mạng tháng Mười, về thuyền trưởng Tatarinov và đội thám hiểm do ông lãnh đạo đã bị mất tích ở vùng Bắc cực và về chuyện đại úy không quân Liên Xô Aleksandr Grigoriev sau ngày Cách mạng đã đi tìm đội thám hiểm đó. Câu chuyện kéo dài trong hơn ba mươi năm, qua những tình tiết phức tạp, tinh tế, tác giả đã biểu hiện vô cùng sắc nét ý chí kiên cường và tinh thần cao thượng của thanh niên Liên Xô. Sau khi xuất bản, cuốn tiểu thuyết đã lôi cuốn người đọc mãnh liệt. Năm 1946 “THUYỀN TRƯỞNG VÀ ĐẠI ÚY” đã được tặng giải thưởng văn học Stalin. Hiện nay “THUYỀN TRƯỞNG VÀ ĐẠI ÚY” vốn là một trong số tác phẩm được nhân dân và thanh thiếu niên Liên Xô yêu thích nhất.

Về giá trị của tác phẩm, nhà phê bình văn học V. Annenkov đã viết: “Grigoriev, nhân vật chính của “THUYỀN TRƯỞNG VÀ ĐẠI ÚY” đã trở thành tấm gương cho nhiều người. Không phải ngẫu nhiên mà một thanh niên nước ngoài đã viết: ““THUYỀN TRƯỞNG VÀ ĐẠI ÚY” đã đặt vào tay anh một vũ khí sắc bén. Vũ khí ấy là “Đấu tranh và tìm tòi, quyết đạt mục đích chứ không đầu hàng!””

Tính chất lãng mạn của lao động sáng tạo, của phát minh khoa học, tính chất lãng mạn của dũng cảm và chiến công là động cơ của tư tưởng và tình cảm trong những nhân vật tốt đẹp nhất của Kaverin”.

Theo nhà phê bình văn học G. Trefilova thì “THUYỀN TRƯỞNG VÀ ĐẠI ÚY” đã liên tiếp góp phần đào tạo thế hệ thanh niên cùng thời đại với nhân vật của nó… “THUYỀN TRƯỞNG VÀ ĐẠI ÚY” được tính trong số những cuốn sách văn học Xô Viết đặc biệt được yêu thích, đặc biệt được phổ biến rộng rãi trong quần chúng, những cuốn sách ấy xuất sắc ở điểm là mọi người đều mê.

Và theo ý kiến của Viện văn học thế giới mang tên Lenin thì “Cuốn tiểu thuyết “THUYỀN TRƯỞNG VÀ ĐẠI ÚY” của Kaverin đầy tinh thần dũng cảm, bền bỉ, dám nghĩ, dám làm. Nó đã trở thành một trong những cuốn sách được thanh thiếu niên Liên Xô yêu thích nhất”.

Tóm lại đây là một tác phẩm văn học lớn, một cuốn tiểu thuyết có nội dung giáo dục rất cao, có sức hấp dẫn mãnh liệt.

Hấp dẫn, không chỉ vì nó ly kỳ, dồn dập, cái gì cũng mới lạ, mà còn do nội dung tư tưởng, do số phận và cá tính của các nhân vật chính, do lời văn trong sáng, tươi mát và phong phú của nó.

Xin trân trọng giới thiệu với toàn thể các bạn nam nữ thanh niên và các em thiếu niên lớn tuổi.

Hà Nội, mùa xuân năm 1974

Ngọc Kỳ
***
Tôi còn nhớ mãi cái sân rộng thênh thang nhưng bẩn thỉu và những căn nhà thấp bé có hàng rào bao bọc ấy. Cái sân ở ngay cạnh một con sông và cứ mùa xuân đến khi băng tuyết tan, nước rút đi là trên sân lại đầy những củi rác và vỏ sò, đôi khi còn có cả những vật rất hiếm thấy. Chẳng hạn như có lần chúng tôi vớ được một cái túi chật ních những bì thư. Sau đó nước sông lại đưa đến và nhẹ nhàng đẩy luôn chính cái người đưa thư ấy vào bờ. Anh ta nằm ngửa, hai tay giơ lên như muốn che nắng. Người này còn trẻ lắm, tóc vàng hoe, những chiếc khuy đồng trên áo vét kín cổ sáng lóng lánh – có lẽ trước khi đi đưa chuyến thư cuối cùng này anh ta vừa mới đánh khuy bằng phấn.

01 (1)

Người cảnh sát mang cái túi đi, vứt lại bó thư bên trong đã bị nước ngấm ướt sũng. Dì Dasha nhặt đem về nhà. Chắc là túi đựng thư còn mới, lại làm bằng da và nắp đậy rất khít nên những bức thư bên trong vẫn còn xem được. Mỗi buổi tối dì Dasha lại đọc lên một bức thư, có khi dì chỉ đọc cho mình tôi nghe, có khi cả xóm cùng nghe. Việc đó thú vị đến nỗi cả các bà già thường đến nhà ông Skovorodnikov chơi bài cũng bỏ đấy đến nhập bọn với chúng tôi. Trong số thư ấy có một bức được dì Dasha hay đọc nhất, đến nỗi sau này tôi đã thuộc lòng. Từ đó đến nay bao nhiêu năm tháng đã trôi qua mà tôi vẫn còn thuộc từ đầu đến cuối.

“Bà Maria Vasilievna kính mến!

Trước hết xin báo tin để bà rõ là ông Ivan Lvovich hãy còn sống và khỏe mạnh. Cách đây bốn tháng, theo lệnh của ông, tôi đã rời khỏi chiếc tàu buồm cùng mười ba người nữa trong đội thủy thủ. Tôi hy vọng chẳng bao lâu nữa sẽ được gặp bà, nên tôi sẽ không viết tỉ mỉ về chuyến đi gian nan này của chúng tôi trên những núi băng trôi về đất Franz Josef. Chúng tôi đã phải chịu đựng mọi nguy nan và gian khổ khôn lường. Tôi chỉ muốn nói với bà một điều là trong cả nhóm chỉ còn mình tôi đến được mũi Flora một cách an toàn (nếu không kể đến đôi chân cứng dại vì băng giá). Chiếc tàu “St. Phocas” thuộc đội thám hiểm của trung úy Sedov đã cứu tôi và đưa về Arkhangelsk. Tôi được sống sót nhưng có lẽ phải lấy làm tiếc về điều đó vì một ngày gần đây tôi sẽ phải cưa chân và sau đó thì chỉ còn biết trông chờ ở lòng nhân từ của Chúa. Tôi không biết sẽ sống ra sao khi không còn chân nào nữa. Dưới đây tôi xin báo để bà biết: chiếc tàu “St. Maria” bị nghẽn băng ở ngoài biển Kara và từ tháng Mười năm 1912 nó không ngừng di chuyển lên phía Bắc cùng với những tảng băng Bắc cực. Khi chúng tôi rời khỏi chiếc tàu buồm thì nó ở vĩ độ 82°55’. Nó nằm nguyên giữa biển băng hay nói cho đúng hơn thì từ mùa thu năm 1912 nó còn nằm nguyên ở đó cho đến khi chúng tôi đi khỏi. Rất có thể nó sẽ đi được trong năm nay, nhưng theo ý tôi thì có lẽ phải đến sang năm, khi nó trôi đến gần chỗ mà chiếc tàu “Fram” đã được giải thoát, nó mới có khả năng thoát ra khỏi biển băng ấy. Lương thực còn cho những người ở lại trên tàu đủ dùng đến tháng Mười hoặc tháng Mười một sang năm. Dù thế nào đi nữa cũng xin bà tin cho rằng chúng tôi rời khỏi tàu không phải vì nó ở vào tình thế tuyệt vọng. Tất nhiên tôi phải chấp hành lệnh của Thuyền trưởng, song cũng xin thú thật rằng lệnh đó của ông rất phù hợp với nguyện vọng riêng của tôi. Khi tôi cùng với mười ba thủy thủ rời khỏi tàu thì ông Ivan Lvovich có nhờ tôi chuyển một gói niêm phong cho Ngài Cục trưởng Cục Địa lý thủy văn hiện đã quá cố và một phong thư cho bà. Tôi không dám mạo hiểm gửi bưu điện những thứ ấy bởi vì hiện nay chỉ mình tôi còn sống, tôi phải thận trọng tất cả những gì làm bằng chứng cho hành vi chính trực của mình. Do đó xin bà phái người hoặc bà đích thân đến Arkhangelsk để nhận các thứ trên, bởi vì tôi còn phải nằm ở nhà thương này ít nhất cũng là ba tháng nữa. Tôi mong thư trả lời của bà.

Xin gửi bà lời chào kính trọng và luôn luôn sẵn sàng hầu bà.

Hoa tiêu tàu viễn hành I. Klimov”

Địa chỉ đề thư đã bị nước thấm nhòe nhưng vẫn còn có thể thấy được, địa chỉ ấy cũng viết bằng nét chữ cứng cáp, thẳng tắp trên chiếc phong bì giấy dày đã ngả màu vàng.

Đối với tôi, bức thư ấy cứ như một thứ kinh cầu nguyện – tối nào tôi cũng nhẩm đi nhẩm lại trong lúc chờ cha tôi đi làm về.

01 (3)

Cha tôi ở bến tàu về rất khuya. Giờ đây tàu thủy ra vào hàng ngày và không chở đay gai, bột mì như trước nữa mà toàn chở những hòm đạn và phụ tùng súng ống nặng trình trịch.

Cha tôi người đẫy đà, vạm vỡ, ria mép rậm, đầu đội chiếc mũ dạ con và mặc quần vải bạt. Mẹ tôi nói luôn mồm còn cha thì cứ lặng thinh ngồi ăn, thỉnh thoảng ho vài tiếng và vuốt bộ ria. Sau đó cha dắt các con – tôi và em gái tôi – lên giường đi ngủ. Từ người cha tỏa ra mùi bao tải, khi thì mùi táo, mùi bột mì, có khi lại là mùi hôi của dầu máy. Tôi còn nhớ cái mùi đó đã làm cho tôi phát ngán.

Có lẽ chính trong cái đêm bất hạnh ấy khi nằm cạnh cha tôi, lần đầu tiên tôi đã nhận xét một cách có ý thức về tất cả mọi vật chung quanh. Một căn phòng nhỏ hẹp với cái trần thấp lè tè dán giấy báo. Bên dưới cửa sổ có một khe hở lớn và qua đó gió từ ngoài sông lùa vào. Đó là ngôi nhà của chúng tôi. Một người đàn bà xinh đẹp, da ngăm đen để xõa tóc đang nằm ngủ trên hai chiếc bao tải nhét đầy rơm đặt dưới đất, đó là mẹ tôi. Đôi bàn chân trẻ con nhỏ bé thò ra ngoài cái chăn rách tả tơi, đó là chân em gái tôi. Một thằng bé gầy gò đen đủi, mặc chiếc quần rộng thùng thình, run rẩy bò từ trên giường xuống và rón rén đi ra sân – đó là tôi.

*
*    *
Địa điểm thích hợp đã được chọn sẵn. Dây dợ chuẩn bị đầy đủ rồi, đến cả củi khô cũng đã chất đống sẵn ở cạnh Prolom, chỉ còn thiếu có miếng thịt thiu nữa là có thể đi câu tôm biếc được thôi. Đáy con sông ở chỗ chúng tôi màu sắc sặc sỡ cho nên tôm ở đây cũng lắm màu nhiều vẻ. Con thì đen, con thì xanh màu lá cây, con thì vàng. Những loại tôm này cứ đốt lửa lên là chúng sẽ đến và dùng nhái con làm mồi mà câu cũng được. Nhưng con tôm biếc thì chỉ có thịt thiu mới câu được, về điểm này, tất cả bọn trẻ con đều khẳng định như vậy. Mãi hôm qua mới gặp may: tôi xoáy được của mẹ tôi một miếng thịt, đem ra phơi nắng suốt một ngày. Bây giờ nó đã thối rữa ra rồi, chẳng cần phải cầm cũng đã thấy rõ.

Tôi chạy thật nhanh dọc theo bờ sông đến Prolom. Ở đây đã chất sẵn củi để đốt lửa. Từ xa đã có thể nhìn thấy hai cái tháp: bờ bên này là tháp Pokrovskaya, còn bờ bên kia là tháp Spasskaya. Sau khi nổ ra chiến tranh, tháp Spasskaya được dùng làm kho chứa da của quân đội. Petya Skovorodnikov quả quyết rằng ngày xưa trong tháp Spasskaya có ma và chính mắt cậu ta đã nhìn thấy lũ ma bơi từ bờ bên kia sông sang bờ bên này của chúng tôi. Sau khi sang sông, lũ ma đánh đắm thuyền đi và kéo nhau vào sống ở trong tháp Pokrovskaya. Cậu ấy còn cam đoan rằng lũ ma rất thích hút thuốc lá và uống rượu. Đầu chúng nhọn hoắt và trong bọn chúng có nhiều đứa thọt chân bởi vì chúng rơi từ trên trời xuống. Lũ ma ở trong tháp Pokrovskaya ngày càng sinh sôi nảy nở và mỗi khi đẹp trời là chúng lại lẻn vào bờ ăn cắp thuốc lá của những người đánh cá buộc vào lưới để cúng thủy thần.

Tóm lại là khi tôi nhìn thấy một bóng đen gầy gò ở chỗ bức tường hổng trong lúc đang thổi lửa thì tôi cũng chẳng lấy gì làm ngạc nhiên cả.

– Nhóc con, mày làm gì ở đây? – Con ma hỏi tôi y như người vậy.

Nếu lúc đó tôi nói được tôi cũng không trả lời nó. Tôi cứ nhìn nó trừng trừng và run bắn người lên.

Đúng vào lúc đó mặt trăng ló ra khỏi đám mây nên có thể nhìn thấy người lính canh đang đi lại chung quanh kho chứa da của quân đội ở bờ sông bên kia, dáng to lớn, đẫy đà, lưng đeo khẩu súng trường chĩa nòng lên trời.

– Câu tôm à?

“Con ma” nhẹ nhàng nhảy xuống và đến ngồi bên đống lửa.

– Sao cứ câm như hến thế, thằng ngốc? – Nó hỏi lại, giọng cục cằn.

Không, đó không phải là ma! Đó chính là một người gầy còm hốc hác, đầu không mũ, gã cầm cái gậy con, luôn tay đập gậy vào chân mình. Tôi không nhìn kỹ mặt gã, nhưng tôi cũng nhận ra ngay là gã mặc có mỗi chiếc áo vét lên mình trần và dùng một chiếc khăn choàng thay cho áo sơ-mi.

– Sao, mày không muốn nói chuyện với tao à, thằng khốn? – Gã lấy gậy chọc chọc vào người tôi mấy cái. – Thế nào, trả lời đi! Trả lời đi! Không thì…

Không đứng dậy, gã nắm luôn lấy chân tôi kéo tới chỗ gã. Tôi ú ớ.

– À, thì ra mày vừa câm vừa điếc!

Gã bỏ tôi ra và cứ ngồi mãi, tay cầm gậy chọc vào đống than.

– Cái thành phố hay thật, – gã nói vẻ chán chường. – Nhà nào cũng có chó; bọn cảnh sát như bầy thú dữ. Một lũ ăn tôm khốn kiếp!

Gã bắt đầu chửi rủa.

Nếu tôi biết sau đó một tiếng đồng hồ việc gì sẽ xảy ra thì dù tôi không thể nói lại với người khác một lời nào, tôi cũng sẽ cố gắng nhớ lấy tất cả những lời gã nói. Gã chửi rủa mãi, thậm chí nghiến răng nghiến lợi lại mà nhổ một bãi nước bọt vào đống lửa. Sau đó gã im lặng ngửa đầu lên ngồi bó gối. Tôi liếc nhìn và nếu gã không đáng ghét như vậy thì có lẽ tôi cũng đã thương hại gã.

Bỗng gã đứng phắt dậy. Vài phút sau gã đã ở trên chiếc cầu phao – chiếc cầu này do quân lính mới bắc – sau đó thoáng thấy bóng gã bên bờ bên kia rồi mất hút.

Đống lửa của tôi tắt ngấm. Nhưng dù không có ánh lửa tôi vẫn thấy rõ là tôi đã câu được rất nhiều tôm, nhưng trong đó không có con tôm biếc nào cả. Toàn là những con tôm đen thông thường chẳng lấy gì làm to lắm. Đem những con tôm này đến bán ở quán rượu chỉ được một cô-pếch[2] một đôi.

Gió lạnh từ đâu phía sau thổi tới cứ lùa vào ống quần của tôi, tôi bắt đầu thấy lạnh cóng. Phải về thôi! Lần cuối cùng tôi quăng dây câu có sẵn mồi thịt thiu xuống nước thì thấy người lính gác ở bờ sông bên kia đang chạy xuống dốc. Tháp Spasskaya đứng sừng sững trên con sông. Từ tháp đến bờ sông là một cái dốc rải đá. Trăng sáng vằng vặc, trên dốc chẳng có một bóng người nào cả. Vậy mà không hiểu tại sao người lính gác lại vừa chạy vừa bỏ súng ra khỏi vai.

– Đứng lại!

Người lính không bắn mà chỉ lên đạn. Ngay lúc đó tôi nhìn thấy rõ người đang bị rượt theo trên cầu phao, sở dĩ tôi phải viết thận trọng như thế là vì cho đến giờ tôi cũng không dám khẳng định rằng đó chính là người trước đây một tiếng đồng hồ đã ngồi bên cạnh đống lửa của tôi. Song hình như giờ đây tôi vẫn còn nhìn thấy cái cảnh thế này: bờ sông tĩnh mịch, con đường sáng ánh trăng như rộng thêm ra chạy thẳng từ chỗ tôi đến những chiếc xà-lan đầu cầu phao và hai cái bóng đen dài của những người đang chạy trên cầu.

Người lính gác chạy nặng nề và có một lần phải đứng lại để thở. Song người chạy trước rõ ràng lại còn nhọc nhằn hơn, bởi vì có lúc bỗng nhiên gã ngồi thụp xuống bên thành cầu. Người lính gác chạy tới chỗ gã, thình lình kêu lên một tiếng rồi ngã vật ra đằng sau – có lẽ bị đánh bất ngờ từ dưới lên. Người lính nằm vắt trên thành cầu rồi từ từ tuột xuống. Lúc đó tên hung thủ đã biến mất sau bức tường pháo đài.

Không hiểu tại sao đêm hôm đó lại không có ai canh gác cầu phao: trong chòi gác trống không mà chung quanh cũng chẳng có người nào. Chỉ có mỗi mình người lính gác nằm nghiêng ở đó, hai tay vươn ra phía trước. Một miếng da to tướng văng ra bên cạnh. Lúc tôi sợ quá run bắn người lên đi đến gần thì thấy người lính ngáp một cách chậm chạp. Sau nhiều năm tôi mới biết rằng có nhiều người cũng ngáp trước khi chết. Đoạn người lính thở một hơi rõ dài, dường như khoan khoái, rồi tất cả lại trở nên tĩnh mịch.

Chẳng biết làm gì hơn, tôi cúi xuống nhìn rồi chạy đến chòi gác xem – lúc đó tôi mới biết trong chòi gác không có người, thế là tôi lại quay về chỗ người lính. Tôi không kêu lên được, không phải vì hồi ấy tôi bị câm mà chính là vì sợ quá. Đúng lúc ấy từ trên bờ có tiếng người nói, tôi cắm đầu chạy về chỗ câu tôm vừa rồi. Sau này tôi cũng chẳng bao giờ lại chạy nhanh đến thế, thở không ra hơi, đau tức cả ngực. Tôi cũng chẳng kịp lấy cỏ đậy giỏ tôm vì khi về đến nhà thì tôm rơi mất một nửa. Lúc đó còn chú ý gì đến tôm nữa!

Tôi lẳng lặng hé cửa, tim đập thình thịch. Trong gian phòng duy nhất của chúng tôi tối om om, mọi người đang ngủ ngon lành, chẳng ai biết tôi lén ra đi rồi lại trở về. Một phút sau tôi lại nằm lên chỗ cũ cạnh cha tôi. Nhưng mãi tôi vẫn không tài nào chợp mắt được. Trước mắt tôi lại hiện ra chiếc cầu phao dưới ánh trăng vằng vặc và hai cái bóng đen dài đang chạy.
 

Mời các bạn đón đọc Thuyền Trưởng Và Đại Úy của tác giả Veniamin Kaverin.

Download ebook

Thuyền Trưởng Và Đại Úy


FULL:


AZW3


EPUB


MOBI


PDF

Download App tải ebook,sách nói, khóa học tốt nhất: https://h.nhuttruong.com/app
Website: https://www.trươngđịnh.vn
Page:https://www.facebook.com/truongdinhvn/
Mail:[email protected]

Bookmark (0)
Please login to bookmarkClose

[toc] Giới thiệu ebook Thuyền Trưởng Và Đại Úy Tweet! Có những cuốn sách mà ngay từ thời còn nhỏ nó đã trở thành người bạn thân thiết của ta…

Bookmark (0)
Please login to bookmarkClose