Thoạt Kỳ Thủy
Giới thiệu
Thoạt Kỳ Thủy
Tóm tắt & Review (Đánh Giá) sách Thoạt Kỳ Thủy của tác giả Nguyễn Bình Phương.
Thoạt kỳ thủy, tác phẩm mới nhất của Nguyễn Bình Phương, viết xong từ tháng 8 năm 1995, nhưng đến tám năm sau, tháng 8 năm 2003, tác giả mới “chỉnh sửa” lại để in và để được in, nhà xuất bản Hội Nhà Văn đã phát hành tại Hà Nội đầu năm 2004. Nghe đâu, phần “chỉnh sửa” cũng mất hàng trăm trang. Đối với một cuốn sách nhỏ, 163 trang, “chỉnh sửa” như thế là nhiều và có lẽ đó là một trong những lý do khiến người đọc đôi lúc có cảm tưởng hụt hẫng, không hiểu gì cả. Nếu Thoạt kỳ thủy được in cùng thời với tập trường ca Khách của trần gian (nxb Văn Học, Hà Nội, 1996) thì có lẽ người đọc dễ tiếp nhận hơn, vì thơ “dẫn” cho văn, văn “vận” vào thơ, bởi Bình Phương là nhà văn có “căn” thơ và giữa hai tác phẩm lấp ló những đầu mối chung của một “luận đề”, nếu chúng ta công nhận có một luận đề trong Thoạt kỳ thuỷ.
Thoạt kỳ thủy là một cuốn tiểu thuyết khác thường, khó đọc, bởi lối hành văn và cấu trúc truyện rất lạ, một thứ “thoạt kỳ thủy” trong văn chương mang dấu ấn sáng tạo. Nhưng sáng tạo nếu chỉ lạ, chỉ kỳ không chưa đủ, còn phải có gì khác nữa. Vậy đâu là những yếu tố “khác” trong tác phẩm “kỳ thủy” này?
Trước tiên, trong Thoạt kỳ thủy, Bình Phương không liên lạc sự kiện, diễn biến với nhau. Trước mỗi bối cảnh, người viết như muốn ở cùng vị trí với người đọc, để cùng quan sát, tiếp thị. Tác giả không đứng ở vị thế chủ thể sáng tạo, mà chỉ muốn là một kẻ ghi chép, không hơn không kém.
Mấy ai để ý đến những đứa trẻ? Đến những đứa trẻ chết già này? Ai biết Bình Phương sinh ngày 29/12/1965? Ai biết bối cảnh vào đời, hay vào cõi của những người khách trần gian cùng chung một “thoại kỳ thủy” như Tính? Vậy bây giờ chúng tôi mời bạn vào thăm vùng đất ấy, vùng chôn rau cắt rốn của Tính và những đứa trẻ chết già:
Thoạt kỳ thủy, màn mở, chưa thấy người, nhưng bạo lực đã xuất hiện: con cú bị một vật gì bằng ngón tay cái ném trúng ngực, rơi xuống sông, và dòng nước -vẫn thong thả chảy như chẳng có chuyện gì xảy ra- vô tình băng bó vết thương cho con vật.
Rồi người xuất hiện, với cử chỉ thô tục (vạch quần đái) làm ô uế dòng nước, làm vẩn đục môi trường, làm tha hóa dương gian với những cục cằn và tàn nhẫn, bằng lời nói và hành động.
Phước, người cha, kẻ thống trị trong gia đình, hơi có máu điên, là một tay nghiện ngập, thô lỗ, chỉ biết thượng cẳng chân hạ cẳng tay, lúc thèm rượu gặm đít chén canh cách, sẵn sàng tặng cho con (còn trong bụng mẹ) những cú đá điếng người và thích cho nó nghe (vẫn từ trong bụng mẹ) những âm thanh cục cằn, những lời lẽ coi rẻ mạng người như rác. Những lời khinh mạn khi nói về mạng người “Thiếu đếch gì, còn khối!”, vừa như muốn dọa trước: mày còn muốn “chào đời” nữa không? vừa biểu hiện “mặt bằng” của một xã hội lúc nào cũng sẵn sàng hy sinh nhân mạng, bởi từ trên xuống dưới, chẳng ai coi mạng người ra “cái đếch” gì.
Liên, người mẹ, sau khi bị đánh, đi vào núi Hột đập đá. Và nàng cứ chung thân sống kiếp khổ sai đập đá. Liên không có khả năng phản hồi, trong nàng, tất cả đều tê liệt. Trăm phầm trăm tê liệt: Liên thuộc lớp người cầu an, thấp cổ bé miệng, bị ngược đãi, bị bạo hành, nhưng không có cách gì khác ngoài việc cộng sinh với kẻ bạo hành, đẻ ra đứa con là Tính. Liên và Hiền, vợ Tính sau này, là hai người phụ nữ, biểu dương tâm thức cộng đồng, tâm thức bầy đàn, chịu trận. Muốn yên, họ đành câm nín, chịu đựng, sống cho qua ngày.
Người tạo ra bạo lực, người dồn nhau trong bạo lực, người sống trong bạo lực, nhưng không chỉ có người dồn người trong bạo lực. Ở đây, cả đến cây, cỏ, chim chóc, cả đá cũng bị bạo hành. Núi Hột bị đập, bị khoét vẹt một nửa “như một cơ thể bị mất thịt, rướm máu”.
Thoạt kỳ thủy là một bài thơ dài đẫm máu và nước mắt, đẫm tang thương, đầy huyễn mộng, viết về hành trình của một cộng đồng, dù đã nửa phần điên loạn, vẫn không biết mình đang đi dần đến toàn phần điên loạn. Khởi đi từ cá nhân một đứa trẻ, lọt lòng mẹ vô tội, đến trưởng thành máu mê, tự diệt. Thoạt kỳ thủy là hậu quả việc trồng người trong môi trường thường trực kích động chiến tranh. Là chuyện nhỡn tiền nhân quả. Là thế giới con người trong vòng u mê, tử khí. Thoạt kỳ thủy khởi tố những cách dìu dắt trẻ thơ về những con đường chém giết, là hồi chuông cảnh tỉnh, báo hiệu những nguy cơ của mảnh trần gian lấy bạo lực và dốt nát làm cẩm nang giáo dục con người.
Tiểu sử
Ông Phước: Người nhỏ, đầu nhỏ, tóc cứng. Cao 1 mét 50, tiếng khàn, da tái, có ba nốt ruồi ở dái tai phải. Nguồn gốc gia đình không rõ. Chết vì cảm lạnh. Thọ 53 tuổi.
Bà Liên: Cao, đẫy, tóc dài, cằm nhọn, mặt nhiều nếp nhăn. Xuất thân từ gia đình công nhân. Sơ tán sang Linh Sơn cùng cô Nheo. Kém ông Phước 4 tuổi. Cuối đời bị mù. Chết vào 2 giờ sáng ngày 8 tháng Chín. Thọ 58 tuổi.
Ông Sung: Chức vụ: Xã đội trưởng. Vợ liệt, không con, không họ hàng thân thích. Ghét rượu, ghét đàn bà. Thích súng và có nhu cầu được trọng vọng. Sau đợt đưa tân binh lên biên giới phía Bắc, không thấy quay về xã.
Cô Nheo: Người như củ nhân sâm. Sơ tán sang Linh Sơn cùng bà Liên. Không có đặc điểm gì đáng chú ý. Chết vì bệnh.
Ông Ðiện: Thấp, da hồng hào, bóng, một mắt mắc tật nháy. Giỏi nghề mổ lợn. Yêu quý vợ, con. Chết cháy.
Nam: Trẻ, thực dụng. Nghe đồn hy sinh ở Trùng Khánh.
Ông Thụy: Bần cố nông, quê gốc ở Thanh Hóa. Từng đi phu cho Pháp. Mắt dài, tai to, răng móm. Chân rộng bản, thẳng, chắc. Sau khi ông Ðiên chết thì ông Thuỵ chính thức trở thành người giết lợn thuê cho cả vùng.
Ông Mịch: Cao, trắng, đẹp trai, giọng nhỏ nhẹ, kỹ tính. Sở trường: Giỏi trồng mía, trồng cà phê.
Ông Bồi: Cả gia đình sống bám vào chiếc bè vó lênh đênh trên sông, ngoài ra còn tăng gia thêm rau xanh. Không rõ nguyên nhân què. Hiện còn sống.
Bà Châu Cải: Gầy, trắng xanh. Gia đình tư sản thất thế. Sống độc thân. Mất cùng ngày, cùng giờ với ông Phước. Chôn tại bãi Nghiền sàng.
Ông Khoa: Gia đình công giáo duy nhất ở xã. Người dong dỏng, mắt sáng, cử chỉ chậm chạp. Thích nhịn. Kiếm sống thêm bằng nghề hoạn lợn.
Chú Mười: To, khỏe, da đồng hun, mũi sư tử, răng hô. Dáng ngũ đoản. Ðộc thân. Hiện còn sống.
Hưng: Con trai duy nhất của ông bà Xuân. Thương binh chống Mỹ, nhưng không có thẻ, nhiều người nghi là thương binh giả. Sống độc thân. Ðôi khi sốt đột ngột.
Hiền: Tóc đen, dày. Vai tròn, hông nở, trán mịn, đuôi mắt vút dài, hơi nheo ở cuối. Tròng mắt đen pha nâu. Khi bà Liên chết, Hiền bỏ đi đâu, không ai rõ.
Tính: Cao 1 mét 68, nặng 56 ki-lô-gam. Tai dài, lưng dài, chân ngắn. Lông tay đỏ hồng, ngón không phân đốt. Lông mày nhạt, hình vòng cung ôm nửa mắt. Tai nhỏ, mồm rộng, răng cải mả. Tiếng nói đục. Ði như vượn, ngồi như gấu. Không biết chữ.
Cú mèo: Lông hoa mơ, sải cánh dài 40 phân. Mỏ khoằm, sắc. Bị bắn rụng lúc 11 giờ 15. Bay lên lúc 12 giờ. Không rõ bay tới đâu.
Ông Phùng: Nhà văn ở Hà Nội đi kháng chiến. Sau hoà bình lập lại, không về, làm lều ở Linh Sơn để sáng tác. Có lời nguyền là khi nào đoạt giải thưởng thì mới về Hà Nội. Hình dáng ông Phùng biến hóa, không ai nhớ nổi. Bản thảo sáng tác trong thời gian sống ở Linh Sơn đã bị thất lạc hết, chỉ tìm thấy duy nhất một truyện có tên là Và cỏ.
Cô Nhai: Người quắt, giọng kim, da đồi mồi. Mắc tật hay nhổ nước bọt bậy. Hiện còn sống.
Mời các bạn mượn đọc sách Thoạt Kỳ Thủy của tác giả Nguyễn Bình Phương.
Download
Thoạt Kỳ Thủy
Giới thiệu Thoạt Kỳ Thủy Tweet! Tóm tắt & Review (Đánh Giá) sách Thoạt Kỳ Thủy của tác giả Nguyễn Bình Phương. Thoạt kỳ thủy, tác phẩm mới nhất của…