Tay Sát Thủ Mù Ebook Pdf,Epub

Tay Sát Thủ Mù Ebook Pdf,Epub


Giới thiệu

Tay Sát Thủ Mù




Giữa những sát thủ mù, người thằn lằn, ma nữ, tiểu thư thượng lưu, nghệ sĩ hiện đại, tư sản học làm sang, cựu 
chiến binh, thủ lĩnh công đoàn, tài phiệt… Margaret Atwood cuốn người đọc qua một câu chuyện trải hơn một thế kỷ, 
hai lục địa và vài hành tinh. Từ những mảnh tưởng chừng rời rạc, Atwood đã dệt nên một tiểu thuyết đáng kinh ngạc, 
thêm một lần nữa khẳng định vị thế của bà như một trong những tiểu thuyết gia đương đại hàng đầu, người kể những 
câu chuyện ly kỳ một cách xuất chúng.
 
Nhận định
 
“Nghệ thuật kể chuyện vĩ đại trên quy mô lớn… Tuyệt hay.”
– The Washington Post Book World
 

Hãy tưởng tượng vị hãn Agha Mohammed, kẻ đã lệnh đem hạ sát hoặc chọc cho mù mắt toàn bộ dân thành Kerman, không từ một ai. Đội cận vệ hăm hở bắt tay vào việc. Chúng gom cư dân thành hàng, người lớn cắt đầu, trẻ con khoét mắt… Về sau, đàn đàn lũ lũ trẻ con mù rời khỏi đô thành. Một số, sau khi xiêu dạt nơi thảo dã, lạc đường trong sa mạc mà chết khát. Số khác tìm được tới nơi người ở… hát những bài ca về cuộc tận diệt gái trai già trẻ Kerman…

– RYSZARD KAPUŚCIŃSKI

 

Ta bơi, biển khơi vô tận, nhìn chẳng thấy bờ.

Tanit nguyệt thần không biết xót thương, ta nguyện cầu, người đền đáp.

Hỡi kẻ kia chìm trong bể ái, hãy nhớ về ta.

– KHẮC TRÊN BÌNH TRO THỜI CARTHAGE

 

Lời là lửa cháy trong lòng kính tối.

– SHEILA WATSON

***
TAY SÁT THỦ MÙ – BẤT CẦN VÀ SAY ĐẮM

Có rất nhiều điều để nói về văn chương Margaret Atwood, một tên tuổi lớn khác của văn chương Canada hiện đại (cùng với Alice Munro).

Chẳng hạn như lối viết hết sức chi tiết, nghệ thuật kể chuyện tự nhiên, sống động, cách dẫn dắt tài tình hay ngôn ngữ sắc lạnh và có phần giễu cợt nhưng chứa chan tình cảm. Tuy nhiên, đáng chú ý nhất có lẽ là tính nữ đậm đạc trong các tác phẩm của bà.

NHỮNG CÂU CHUYỆN CỦA BÀ GIÀ IRIS

“Bà Iris Chase Griffen đã đột ngột tạ thế thứ Tư tuần trước, thọ 83 tuổi, trong ngôi nhà của mình ở cảng Ticonderoga. Bà Griffen là chị gái nữ tác giả danh tiếng người thị trấn là Laura Chase. Bên cạnh đó bà còn là con gái Đại úy Norval Chase, chắc chắn sẽ được thị trấn ghi nhớ lâu dài, và cháu nội Benjamin Chase, người sáng lập công ty Công nghiệp Chase, đã mở Nhà Máy Cúc cùng nhiều cơ sở khác. Thêm vào đó, bà là vợ ngài Richard E. Griffen quá cố, nhà công nghiệp và chính trị gia lừng danh, cũng như chị dâu bà, Winifred Griffen Prior, nhà hảo tâm Toronto vừa qua đời năm ngoái, để lại quỹ tiền thưởng hào phóng cho trường trung học thị trấn ta. Gia đình còn lại cháu gái bà là Sabrina Griffen, cô vừa về nước và nghe đồn là sắp tới thị trấn lo liệu công việc cho bà ngoại” (tr. 469)

Đó là những dòng trích bản tin về cái chết của bà Iris Chase Griffen mà tờ Sứ điệp và Tinh kỳ thuộc Cảng Ticonderoga đã đưa, trong chương cận kề chương cuối cuốn tiểu thuyết Tay sát thủ mù của Margaret Atwood (An Lý dịch; Nhã Nam & NXB Hội Nhà văn ấn hành 2015). Một bản tin tóm lược, giới thiệu ngược trở lại các nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết. Laura Chase: em gái của Iris người đã qua đời ở tuổi 25, sau một tai nạn ô tô, hay có thể nói là tự lái xe lao xuống vực, để lại một bản thảo dở dang: Tay sát thủ mù. Iris, khi về già, lọm khọm, đơn độc, bị bệnh tim, luôn sống trong trạng thái bị phơi bày sự tan hoang của tuổi tác. Bà muốn náu mình, muốn quên lãng. Nhưng việc tình cờ tìm thấy bản thảo của Laura khiến quá khứ sống dậy. Từng trang bản thảo, mỗi khi giở ra, khiến bà nhớ lại, liên tưởng, ráp nối và “ngoan cường viết” như hiệu đính (những phần trong bản thảo dang dở của cô em Laura), bình luận và hoàn thiện, một cách tinh tế, hài hước, thậm chí có phần độc địa.

Một thiên truyện trải dài gồm ba câu chuyện đan cài vào nhau như dệt vải kiểu ngẫu hứng, rất phong phú và bất ngờ. Từ thời thơ ấu, với những biến cố lớn lao như chuyện chiến tranh và những rung động đầu đời. Tưởng chẳng là bao, chẳng có nghĩa lý gì, nhưng khi chạm vào sột soạt trang giấy, khi chữ dẫn đường cho cảm xúc, thì Iris nhớ lại, cảm xúc cứ dâng mãi lên như nước dâng lên lòng hồ, rồi tràn bờ đập lai láng, miên man. Và dần dần hé lộ những bí mật trong cuộc đời từng nhân vật.

Cấu trúc “truyện lồng trong truyện” Atwood sử dụng không phải tân kỳ gì. Nhưng đây không phải là cuốn sách đặt nặng vấn đề kỹ thuật hay cấu trúc (mặc dù nó được tác giả tính toán khá thông minh). Đây có lẽ là một tuyệt tác về văn phong, cách hành văn điêu luyện chỉ có ở những bậc thầy. Cho nên, câu chuyện dẫu dằng dặc, đôi khi có cảm giác lê thê, ảm đạm như bánh xe lửa rin rít trên đường ray ngày mưa vẫn khiến người đọc bị mê hoặc, chìm đắm.

Từng câu chữ được viết ra, từng trang văn được bày biện ngập tràn cảm xúc, tỉ mẩn đến từng chi tiết. Tuy nhiên, không chỉ có vậy, văn chương Atwood vừa viễn tưởng về phía tương lai vừa phảng phất chút phong vị cổ điển u hoài. Giở bất kỳ trang văn nào, người đọc cũng có thể bắt gặp những câu, đoạn văn hay và lạ, tỉa ra những đoạn kinh điển. Một đoạn tả thời tiết: “Cái nóng mùa Hè đã về đầy đủ, vánh lại trên thị trấn như súp kem. Tiết trời sốt rét, một thời; tiết trời thổ tả. Hàng cây che đường tôi đi xòe những tán ô rũ rượi, giấy ẩm nhớp dưới tay, chữ viết đâm râu tua tủa như son môi rỉ vào đường chân chim ven khuôn miệng già cỗi. Chỉ cần leo thang đã trổ một hàng ria mồ hôi”… (tr. 48)

Hoặc: “Thảm dệt ra đời này sang đời khác đều nhờ trẻ con nô lệ, bởi chỉ có ngón tay trẻ con mới đủ nhỏ cho những động tác tinh vi đến thế. Nhưng những giờ dằng dặc sít sao khiến đám trẻ lên tám hay chín là thảy mù lòa, và người bán thảm dựa vào đó mà tính toán cũng như quảng bá giá trị hàng hóa. Tấm thảm này đã khiến mười đứa trẻ mù đấy, họ rao thế”. (tr. 24) Những câu văn đầy bi phẫn và hài hước, bóc trần tất cả, từ chuyện tình yêu, hôn nhân đến chính trị, nghệ thuật, tài phiệt qua giọng kể cay độc, tưởng như vô cảm của bà già “khó ưa” Iris.

Không dễ gì tìm được một tác giả có giọng văn vừa ngầu đời, bất cần mà vừa lại thi vị và say đắm như vậy. Nó dường như lột tả hết tính cách nhân vật, cô gái tên Iris với một vẻ nhu mì cam chịu nhưng ẩn chứa một nội tâm nổi loạn, cá tính ngang ngạnh tiềm tàng với khát vọng tự do. Không tâm sự hay thở than, không một chút ai oán, Iris chính là hiện thân của tính nữ, mềm mại dịu dàng nhưng không bao giờ đầu hàng hay bỏ cuộc, với sự bền bỉ âm thầm và khôn khéo. Iris là kiểu phụ nữ bao nhiêu sức mạnh lặn cả vào trong để sự nhún nhường ra mặt chiến đấu. Cô kiên cường nhưng không lộ liễu, mạnh mẽ nhưng không phô phang, nữ tính nhưng không ẻo lả.

Và vì bà là một nhà thơ, nên chúng ta có một cuốn sách đầy chất thơ và tính ẩn dụ, đồng thời có một cuốn sách gai góc, đầy những vết thương. Tấm vải mà Margaret dệt nên vừa mềm mại vừa thô nhám, vừa êm ái vừa đầy vết cứa. Nó chính là thế giới được chiếu rọi từ ánh sáng phát ra phía tâm hồn những người phụ nữ, đầy nhạy cảm nhưng rất can trường. Không nhiều, nhưng đủ để quàng chiếc khăn lên mình như khát vọng của chính họ, được cuộc đời ôm ấp và vỗ về đầy dịu dàng và đau đớn. Như khoác lên mình thứ mà thế giới này ưu ái dành cho họ, là tình yêu.

Một tác phẩm đáng thưởng thức, như lời Margaret mượn của Sheila
Watson đề từ: Lời là lửa cháy trong lòng kinh tối.

***

Mười ngày sau khi chiến tranh kết thúc, Laura em tôi lái xe lao khỏi cầu. Cầu đang sửa, nó phi thẳng qua biển báo Nguy hiểm. Chiếc xe rơi ba chục mét xuống vực, bổ qua những ngọn cây lơ thơ trổ lá, rồi cháy đùng đùng lăn xuống lòng con suối nông choèn dưới đáy. Từng tảng ván cầu lả tả rơi lên trên. Em tôi không còn lại gì ngoài tro tàn than vụn.

Tôi được tin từ một viên cảnh sát: xe là xe tôi, họ tra ra biển số. Anh ta tỏ ra lễ độ: hẳn nhiên anh ta nhận ra họ Richard. Anh ta nói có lẽ bánh bị kẹt vào rãnh xe điện hoặc phanh bị hỏng, nhưng anh cũng có bổn phận báo tôi biết có hai người – một luật sư về hưu và một thu ngân ở nhà băng, toàn những người đáng tin tưởng cả – tự nhận đã chứng kiến từ đầu đến cuối. Họ cho biết Laura đã chủ động quành xe rất gắt, và đâm qua tường cầu thản nhiên cứ như đang bước trên hè xuống. Họ có nhận ra tay em tôi vẫn đặt trên vô lăng nhờ đôi găng trắng.

Không phải tại phanh, tôi nghĩ. Nó có những lý do riêng. Không bao giờ giống lý do của ai khác. Về mặt đó nó tàn nhẫn vô cùng.

“Tôi nghĩ các anh cần người nhận dạng,” tôi nói. “Tôi sẽ cố gắng xuống đó ngay khi được.” Tôi nghe giọng mình vang lên bình tĩnh, như từ xa vọng lại. Thực tế tôi hầu như không thốt được thành lời; miệng tôi tê dại, mặt sắt lại vì đau. Cảm giác như vừa đi nhổ răng. Tôi tức muốn điên vì việc Laura đã làm, và còn vì viên cảnh sát cả gan ám chỉ nó đã làm thế. Một luồng gió nóng đang cuộn quanh đầu tôi, những cọng tóc bị bốc lên ngoằn ngoèo trong gió, như mực loang trong nước.

“Tôi e rằng sẽ có điều tra, thưa bà Griffen,” anh ta nói.

“Tôi hiểu mà,” tôi đáp. “Nhưng đây là tai nạn thôi. Em gái tôi chưa bao giờ lái xe thành thạo cả.”

Tôi hình dung khuôn mặt trái xoan của Laura, búi tóc cài trâm gọn, chiếc áo chắc hẳn nó mặc lúc ấy: áo chẽn eo cổ tròn khoét hẹp, một màu nghiêm nghị – xanh nước biển hoặc xám ánh thép, hoặc lá cây thứ màu hành lang bệnh viện. Những màu thống hối – nhìn không giống đồ tự chọn, mà như đồ ép mặc trước khi nhốt lại. Nụ cười nửa miệng nghiêm trang; đôi mày nhướng lên kinh ngạc, như là nó đang chiêm ngưỡng khung cảnh trước mắt.

Găng tay trắng – cử chỉ học của Pontius Pilatus[1]. Nó đang rửa tay cho sạch khỏi tôi. Khỏi tất cả chúng tôi.

Nó nghĩ gì khi chiếc xe bay bổng khỏi cầu, lơ lửng giữa hoàng hôn đầy nắng, lấp loáng như cánh chuồn trong khoảnh khắc nín hơi trước lúc bổ nhào? Nghĩ tới Alex, tới Richard, tới lòng man trá, tới cha chúng tôi và cuộc lụn bại của ông; có lẽ là tới Chúa, và cuộc thỏa thuận tay ba chết người của nó. Hay tới tập vở học trò rẻ tiền hẳn nó đã giấu vừa sáng hôm ấy, trong ngăn để tất của tôi, vì biết tôi sẽ là người tìm thấy.

Khi viên cảnh sát đi rồi tôi lên lầu thay áo. Muốn tới nhà xác tôi cần găng tay, và mũ có mạng. Để che đôi mắt. Có thể sẽ có nhà báo. Tôi sẽ phải gọi tắc xi. Cũng cần báo trước cho Richard lúc này đang ở văn phòng; chắc sẽ muốn chuẩn bị trước vài lời ai điếu. Tôi vào phòng thay đồ: cần có đồ đen, và khăn tay nữa.

Tôi mở ngăn kéo, nhìn thấy tập vở. Tôi tháo nắm chun chằng chịt buộc ngoài. Tôi nhận ra răng mình đang va lập cập, người mình đang lạnh từ đầu đến chân. Chắc đang bị sốc, tôi kết luận.

Trong đầu tôi lúc đó nhớ lại Reenie, từ hồi chúng tôi còn nhỏ. Luôn là Reenie lo lấy bông băng, băng những vết trầy xước hay đứt tay và các thương tích lặt vặt khác: mẹ đang nghỉ, hoặc đi làm việc thiện ở đâu đó, nhưng Reenie thì luôn có mặt. Chị sẽ túm lấy chúng tôi đặt ngồi lên bàn men trắng trong bếp, cạnh chỗ bột làm bánh đang nhào hay con gà đang chặt hoặc con cá đang làm ruột, và dúi cho cục đường đen để chúng tôi ngậm miệng. Nói xem đau ở đâu nào, chị bảo. Đừng có rú lên nữa. Bình tĩnh lại rồi bảo cho tôi đau ở đâu.

Nhưng có những người không thể nói được đau ở đâu. Không thể bình tĩnh lại. Thậm chí không thể ngừng rú lên.

Mời các bạn đón đọc Tay Sát Thủ Mù của tác giả Margaret Atwood & An Lý (dịch).

Download

Tay Sát Thủ Mù


FULL:


AZW3


EPUB


MOBI


PDF

Bookmark (0)
Please login to bookmark Close

Giới thiệu Tay Sát Thủ Mù Tweet! Giữa những sát thủ mù, người thằn lằn, ma nữ, tiểu thư thượng lưu, nghệ sĩ hiện đại, tư sản học làm sang, cựu  chiến binh, thủ lĩnh công đoàn, tài phiệt… Margaret Atwood cuốn người đọc qua một câu chuyện trải hơn một thế kỷ,  hai lục địa và vài hành tinh. Từ những mảnh tưởng chừng rời rạc, Atwood đã dệt nên một tiểu thuyết đáng kinh ngạc,  thêm một lần nữa khẳng định vị thế của bà như một trong những tiểu thuyết gia đương đại hàng đầu, người kể những  câu chuyện ly kỳ một cách xuất chúng.   Nhận định   “Nghệ thuật kể chuyện vĩ đại trên quy mô lớn… Tuyệt hay.” – The Washington Post Book World   Hãy tưởng tượng vị hãn Agha Mohammed, kẻ đã lệnh đem…

Bookmark (0)
Please login to bookmark Close