Tập San Nghiên Cứu Văn Sử Địa Tập 24 – Nhiều Tác Giả
[toc]
Giới thiệu ebook
Tập San Nghiên Cứu Văn Sử Địa Tập 24 – Nhiều Tác Giả
TÁC dụng của khởi nghĩa Tây-sơn đối với lịch sử nước ta thật là to lớn. Nó đánh dấu một thời kỳ thắng lợi trước kia chưa hề có của sự đoàn kết nông dân toàn quốc ; nó ghi lại tinh thần chiến đấu quyết liệt của đông đảo quần chúng lao động ở nước ta trong thế kỷ thứ 18 chống lại tập đoàn phong kiến thống trị Nguyễn và Trịnh, đồng thời cũng ghi lại công lao bảo vệ đất nước của nông dân miền Nam và miền Bắc chống sự can thiệp của phong kiến Xiêm và phong kiến Mãn Thanh. Nhưng có một tác dụng to lớn khác của khởi nghĩa Tây-sơn chưa được nhắc nhở tới : đó là với khởi nghĩa Tây-sơn, bước đầu của sự hình thành dân tộc Việt-nam càng được đẩy mạnh, xác định và củng cố. Trong bài này chúng tôi trình bày về tác dụng to lớn ấy.
*
Có ý kiến cho rằng dân tộc Việt-nam đã trưởng thành từ thế kỷ 15. Đó là ý kiến của ông Đào Duy-Anh. Trong bài « Những bước lớn trong sự hình thành và phát triển của dân tộc Việt-nam » đăng trên tập san Đại học Sư phạm số 5 năm 1956, tác giả viết : « …tôi chủ trương rằng ở nước ta dân tộc đã hình thành ngay trong khuôn khổ của chế độ phong kiến, và trải qua quá trình hình thành dân tộc dần dần trong những cuộc đấu tranh chống phong kiến Trung-quốc để bảo về quyền tự chủ, đến sau chiến thắng quân Minh, dân tộc đã trưởng thành với nhà Lê ».
Lại có ý kiến cho rằng đến năm 1930, khi Đảng Cộng sản Đông-dương thành lập, dân tộc Việt-nam mới thành hình. Đó là ý kiến của đồng chí Hoàng Xuân-Nhị. Trong bài « Xác định quan niệm của chúng ta về vấn đề dân tộc và về sự hình thành của dân tộc Việt-nam », tác giả viết : « Giai đoạn quá độ, chuẩn bị cho sự lãnh đạo cách mạng của giai cấp vô sản Việt-nam, từ sau đại chiến thứ nhất đến 1930 và nhất là giai đoạn mà giai cấp vô sản Việt-nam và Đảng tiền phong duy nhất nắm độc quyền lãnh đạo, bắt đầu từ 1930. Theo tôi nghĩ thì năm 1930, lần đầu tiên trong lịch sử Việt-nam, trải qua mấy nghìn năm, dân tộc Việt-nam bắt đầu thành hình ». 2
Ông Đào Duy-Anh kết luận : đến thời Lê thì dân tộc Việt-nam đã trưởng thành, còn ông Hoàng Xuân-Nhị thì cho rằng từ năm 1930, dân tộc Việt nam mới bắt đầu thành hình. Thực ra thì đấy là hai vấn đề khác nhau, một là vấn đề đã trưởng thành tức là đã thành hình rồi và hai là vấn đề bắt đầu hình thành. Chúng tôi sẽ đề cập đến ý kiến của hai tác giả trên sau đây trong khi kết hợp với ý kiến riêng về tác dụng xác định và củng cố bước đầu của sự hình thành dân tộc của khởi nghĩa Tây-sơn.
Hiện nay, khi bàn đến phong trào dân tộc, đến sự hình thành dân tộc, người ta vẫn thường căn cứ vào định nghĩa của Sta-lin về dân tộc. Định nghĩa ấy là : « Dân tộc là một cộng đồng người, ổn định, thành lập trong quá trình lịch sử, sinh ra trên cơ sở một cộng đồng về tiếng nói, về lãnh thổ, về đời sống kinh tế và về kết cấu tâm lý biểu hiện trong một cộng đồng văn hóa ». Và sau đó, Sta-lin lại nói thêm rằng : « Chỉ khi nào có tất cả những dấu hiệu ấy cộng lại mới có dân tộc ».
Định nghĩa trên đây đã được trình bày trong tác phẩm : « Chủ nghĩa Mác và vấn đề dân tộc » viết năm 1913 3. Năm 1929 trong tác phẩm « Vấn đề dân tộc và chủ nghĩa Lê-nin », Sta-lin lại nói rõ hơn : « Dân tộc là một cộng đồng người ổn định, thành lập trong quá trình lịch sử, nảy ra trên cơ sở bốn đặc điểm cơ bản như sau : cộng đồng tiếng nói, cộng đồng lãnh thổ, cộng đồng đời sống kinh tế và cộng đồng kết cấu tâm lý biểu hiện trong một cộng đồng những nét riêng biệt về văn hóa dân tộc. Ai cũng biết rằng lý luận trên đây đã được toàn Đảng ta thừa nhận ».
Định nghĩa trên đây là định nghĩa áp dụng cho dân tộc đã thành hình hay như ông Đào Duy-Anh nói, dân tộc đã trưởng thành. Tuy nhiên, ta có thể vẫn căn cứ vào định nghĩa ấy để nhận định về dân tộc bắt đầu hình thành. Dân tộc đã thành hình và dân tộc bắt đầu hình thành theo chúng tôi nghĩ, cần phải có tất cả bốn đặc điểm cơ bản : cộng đồng về tiếng nói, cộng đồng lãnh thổ, cộng đồng đời sống kinh tế, cộng đồng kết cấu tâm lý. Chỗ khác nhau giữa đã thành hình và bắt đầu thành hình là ở chỗ những đặc điểm cộng đồng đã ổn định hay chưa ổn định. Có giải quyết vấn đề trên đây mới dễ dàng đi vào nhận định về dân tộc Việt-nam.
Hãy nhìn lại tình hình nước ta trước và trong thế kỷ thứ 18, đặc biệt là từ khi phong trào Tây-sơn nổi dậy. Chúng ta đều biết rằng lãnh thổ nước ta mãi tới thế kỷ 11, tức dưới triều Lý mới có thêm hai tỉnh Quảng-bình và Quảng trị ; đến thế kỷ 14, dưới triều Trần, lãnh thổ nước ta lại lan rộng ra Thừa-thiên, Quảng-nam và Quảng-ngãi ; cho đến mãi thế kỷ thứ 18 thì người Việt-nam mới có mặt ở suốt giải đất từ Quảng-ngãi đến khắp miền Nam-bộ ngày nay. Tới năm 1774, sau khi ổn định được địa vị thống trị, chúa Nguyễn chia miền thuộc phạm vi của y thành 12 dinh gồm có chính dinh (Phú-xuân), Cựu dinh (xã Ái-tử), Quảng-bình, Vũ-xá, Quảng-nam, Phú-yên, Bình-khánh, Bình-thuận, Trấn-biên, Phiên-trấn, Long-hồ, Hà-tiên. Như thế là cộng đồng lãnh thổ trên đó có mặt người Việt-nam nói chung một thứ tiếng, mãi tới thế kỷ 18 mới thành hình hẳn hoi. Ông Đào Duy-Anh chủ trương rằng : từ triều Lê, tức là từ thế kỷ thứ 15, dân tộc Việt-nam đã trưởng thành thì đối chiếu với thực tế lịch sử, chúng ta thấy : đến thế kỷ thứ 15, nhân dân Việt-nam chưa làm ăn trên giải đất từ Quảng-ngãi trở ra vào đến Nam-bộ, như thế tức là Việt-nam chưa có một cộng đồng lãnh thổ, vậy thì làm sao mà đã có dân tộc được ? Cộng đồng lãnh thổ đã chưa có thì cộng đồng tiếng nói, cộng đồng đời sống kinh tế, cộng đồng văn hóa chưa thể xuất hiện. Chỉ thiếu một yếu tố cộng đồng lãnh thổ là chưa thể có các yếu tố khác được. Cho nên chúng tôi nghĩ rằng : đến thế kỷ 15, chưa thể nói đến dân tộc bắt đầu thành hình ; còn nói đến dân tộc Việt-nam đã thành hình rồi thì thật là quá sớm.
Mời các bạn đón đọc Tập San Nghiên Cứu Văn Sử Địa Tập 24.
Download ebook
Tập San Nghiên Cứu Văn Sử Địa Tập 24 – Nhiều Tác Giả
FULL: |
Download App tải ebook,sách nói, khóa học tốt nhất: https://h.nhuttruong.com/app
Website: https://www.trươngđịnh.vn
Page:https://www.facebook.com/truongdinhvn/
Mail:[email protected]
[toc] Giới thiệu ebook Tập San Nghiên Cứu Văn Sử Địa Tập 24 – Nhiều Tác Giả Tweet! TÁC dụng của khởi nghĩa Tây-sơn đối với lịch sử nước ta…