Tấn Bi Kịch Z – Ellery Queen

Tấn Bi Kịch Z – Ellery Queen

[toc]


Giới thiệu ebook

Tấn Bi Kịch Z – Ellery Queen


10 năm sau thành công rực rỡ của Tấn bi kịch X và Tấn bi kịch YTấn bi kịch Z ra đời! Thanh tra Thumm đã trở lại với cô con gái thông minh, có khả năng quan sát và liên kết các sự việc.

Thượng Nghị sĩ tham nhũng Joel Fawcett – một người có vô vàn kẻ thù, bị sát hại! Bác sĩ Ira Fawcett, cũng bị sát hại! Hung thủ là một! Aaron Dow – tên tù nhân mới phóng thích vô tình trở thành kẻ tình nghi.

Với quyết tâm tìm kiếm bằng chứng để minh oan cho Aaron Dow, bố con thanh tra Thumm đã đạt mình vàomột cuộc chiến công lý với tia hy vọng chỉ bằng 1%. Một lần nữa, Thumm lại phải nhờ đến sự minh mẫn của người bạn già Drury Lane

Câu hỏi cuối cùng sẽ được giải quyết ra sao mang tên Z?

***

Chín năm về trước, hai chàng trai trẻ cộng tác dưới cùng một bút danh là Ellery Queen được người đọc cùng hoàn cảnh thuyết phục đã viết nên một loạt truyện trinh thám mới.

Kết quả từ công sức đáp ứng theo yêu cầu đó là sự ra đời của nhân vật ngài Drury Lane, một nghệ sĩ diễn kịch Shakespeare tuổi đã về già có năng lực trinh thám tuyệt diệu khác người.

Dễ hiểu rằng loạt truyện ca ngợi những kỳ công của ngài Drury Lane không thể công khai mang tên tác giả Ellery Queen; vì nếu truyện mang tên Ellery Queen thì đã tôn vinh những kỳ công của ngài Ellery Queen.

Vậy nên hai chàng bèn nghĩ ra bút danh thứ hai; và “Tấn bi kịch của X”, tác phẩm đầu tiên trong loạt truyện bốn cuốn về Drury Lane, đã làm xao động thế giới văn chương bình lặng dưới tên người viết là “Barnaby Ross”.

Giờ đây, mối liên hệ giữa (các) tác giả Ellery Queen và (các) tác giả Barnaby Ross trên thực tế đã hoàn toàn biến mất. Truyện của mỗi tác giả được phát hành qua một nhà xuất bản khác nhau; quanh mỗi cái tên đều được kỳ vọng thêu dệt bao điều mập mờ và bí ẩn; ở thời kỳ mang hai bút danh ấy trong đời sống công luận, quả thực đã có một giai đoạn mà hai cái tên này đã bực dọc nhìn nhau trước nhiều bục diễn đàn đầy đố kỵ, bên nào cũng mượn sự che chắn của chiếc mặt nạ giả trang để ẩn mình kỹ lưỡng… một làm bộ điệu Ellery Queen, một ra dáng là Barnaby Ross, và cả hai đều vờ vịt một cách hùng hồn ra điều là cặp đối thủ đáng gờm trong lĩnh vực sáng tác truyện trinh thám. Những gì họ nói về nhau trước sự lắng nghe đầy tò mò của thính giả diễn thuyết, từ Maplewood, New Jersey cho đến Chicago, Illinois, dù vẫn có lời khen tặng song cũng không thiếu lời công kích, vậy là bằng sự gạt gẫm này bảo vệ lấy ảo tưởng của tính cách cá nhân thô kệch.

Thế nhưng, vẫn có một manh mối tinh vi luôn tồn tại mà, một khi bị thám tử ghế bành thận trọng phát hiện, sẽ lập tức xác lập rành rành mối quan hệ giữa Ellery Queen và Barnaby Ross, và tòi ra mánh lới lừa phỉnh xấu xa mà hai kẻ này đã bày ra trước công chúng cả tin trong suốt chín năm.

Vì nếu bạn đọc ghé qua Lời tựa của “Chuyện bí ẩn về chiếc nón La Mã” (tác phẩm đầu tiên của Ellery Queen viết về Ellery Queen), bạn đọc sẽ tìm thấy từ dòng mười bảy đến dòng hai mươi hai trên trang X tiết lộ đáng chú ý sau đây:

“Chẳng hạn, vào thời ông dành ra bao công sức trinh thám tài tình trong vụ án mạng Barnaby Ross giờ đã xưa cũ, người ta nói rằng: ‘Richard Queen bằng kỳ công này đã xác lập vững chắc tiếng tăm của mình bên cạnh những bậc thầy trinh thám hình sự như…’”

Chính từ trích đoạn ngụy tác này mà “Barnaby Ross” đến lúc cần thiết đã được chọn để tạo thành bút danh mới – cốt sao cho Barnaby Ross quả thực ra đời vào năm 1928, tại thời điểm mà Lời tựa của cuốn Queen đầu tiên ấy được viết ra, dù mãi đến năm 1931 cậu ta mới được hai ông bố của mình làm lễ rửa tội và dọn vào ngôi nhà riêng của mình.

Vậy nên, giờ ta có thể nói thế này: Barnaby Ross đã, đang và mãi mãi chính là… Ellery Queen; và ngược lại.

***

Đôi lời về ngài Drury Lane

Chúng ta luôn giữ một cảm giác nhẹ nhàng trong lòng về gã dở hơi này. Người này, bảo là nghệ sĩ quê mùa thì chưa hẳn mà gọi là con gà gô cũng không hoàn toàn … gọi là kẻ khoác lác cũng đúng nhưng bảo là thiên tài cũng chẳng sai, và cũng là một thám tử khác thường nhất từng sống trên đời (ngoại trừ là kẻ mà sẽ là không có tên tuổi, có lẽ vậy).

Giống người anh em của mình (chẳng phải họ vốn cùng sinh ra bởi hai gã thanh niên xảo quyệt ấy sao?), ngài Drury Lane có gốc gác từ trường phái suy luận – theo nhánh đặc biệt mà chú trọng đến độ quá đáng vào tính chất khách quan để thỏa mãn yêu cầu độc giả; vì thế trong “Tấn bi kịch của X”, cũng như những Tấn bi kịch tiếp theo, bạn đọc sẽ thấy mọi manh mối đều đã sẵn đó để tự mình suy đoán trước khi đi vào phần kết của câu chuyện.

Vì vậy trong giây phút hồi sinh trang nghiêm này … Drury Lane muôn năm!

Kính chào,

Ellery Queen

Thứ sáu, ngày 13 tháng 9 năm 1940, New York

***
Đôi điều về NGÀI DRURY LANE

CÁC TRÍCH ĐOẠN ĐƯỢC BIÊN SOẠN CHO NHÀ XUẤT BẢN DO NGÀI CHARLES GLEN TUYỂN CHỌN TỪ NHỮNG GHI CHÉP SƠ BỘ VỀ TIỂU SỬ CHƯA HOÀN CHỈNH CỦA LANE

Trích từ Ai là Ai trong nghệ thuật sân khấu, ấn bản năm 1930:

DRURY LANE, diễn viên; sinh tại New Orleans, La, vào ngày 3/11/1871; con trai của Richard Lane, nam diễn viên bi kịch người Mỹ và Kitty Purcell, nữ diễn viên hài kịch nhà hát ca múa nhạc người Anh; không kết hôn. Học vấn: kèm cặp tại gia. Xuất hiện trên sân khấu lần đầu: năm 7 tuổi; vai diễn quan trọng đầu tiên: năm 13 tuổi, vở “Sự mê đắm” của Kiralfy, Nhà hát Boston; lần đầu thủ vai chính: năm 23 tuổi, vở “Hamlet,” Nhà hát Daly’s, N.Y; vào năm 1909, tại Nhà hát Drury Lane, Luân Đôn; đã biểu diễn liên tục vở “Hamlet” trong khoảng thời gian dài nhất tính đến thời điểm ấy – hơn 24 lượt so với kỷ lục trước đó của Edwin Booth. Tác phẩm đã biên soạn: Tuyển tập Shakespeare, Triết lý của Hamlet, Tiếng gọi sau bức màn nhung, v.v. và v.v.. Câu lạc bộ: Players, Lambs, Century, Franklin Inn, Coffee House. Thành viên Viện Hàn lâm Nghệ thuật và Văn chương Hoa kỳ. Hội viên danh dự, Bắc đẩu Bội tinh Pháp quốc. Nhà riêng: Lâu đài Hamlet, nhìn ra sông Hudson, N.Y. (ga đường sắt: Lanecliff, hạt Westchester). Giải nghệ sân khấu: năm 1928.

Trích từ Thế giới New York, thông cáo về việc giải nghệ sân khấu của ngài Drury Lane (1928):

“… Drury Lane sinh ở New Orleans, tại hậu trường một nhà hát tăm tiếng hạng nhì, Nhà hát Comus, phải thời kỳ gia đình nhà Lane lâm cảnh túng bấn, vào lúc mà Richard ‘có quyền đi đâu, làm gì tùy ý’ còn Kitty thì phải quay lại sân khấu để trang trải cuộc sống hai vợ chồng và chuẩn bị cho đứa con sắp chào đời… Cái chết bất hạnh lúc sinh nở của bà là hậu quả của sự gắng sức quá độ trước ánh đèn sàn diễn, đứa bé… bị sinh non trong phòng thay đồ khi bà vừa diễn xong màn thứ nhất …

“… thế rồi Drury Lane gần như được nuôi nấng trên sân khấu, được mang đi từ nhà hát này sang nhà hát khác bởi người cha cố gượng nuôi con, sống khốn khó qua ngày trong những ngôi nhà thuê chung rẻ tiền. Tiếng nói đầu đời của cậu bé là ngôn ngữ kịch; thay nhau chăm sóc cậu là những diễn viên; học vấn của cậu là những gì thuộc về kịch…. Chập chững biết đi cậu bé đã sắm những vai diễn nhỏ… Năm 1887, Richard Lane qua đời vì chứng viêm màng phổi, lời cuối trước khi nhắm mắt là tiếng nhắn nhủ khàn khàn dành cho đứa con trai vừa tròn mười sáu tuổi: ‘Con hãy trở thành diễn viên kịch.’ Thế nhưng, dù khát vọng của Richard dành cho con trai có lớn lao thế nào, nó cũng kém xa so với đỉnh cao mà chàng trai trẻ Drury cuối cùng đã đạt được….

“… Cái tên đặc biệt, theo như ông cho biết gần đây, là do cha mẹ chủ ý đặt cho ông, dựa vào truyền thống sân khấu vĩ đại gắn liền với Nhà hát Drury Lane lâu đời….

“… nói rằng ông phải giã biệt sân khấu do bệnh điếc ngày càng nặng ở cả hai tai – và đến nay căn bệnh đã trầm trọng đến mức ông không còn phân biệt được một cách toàn vẹn giữa các chất giọng trầm bổng khác nhau của chính mình….

“… Ngoại lệ duy nhất trong quyết định từ bỏ những vai diễn ruột thịt của ngài Lane là cả một sự việc lạ lùng. Ông nói rằng, hàng năm vào ngày 23 tháng 4, ông sẽ diễn trọn vở ‘Hamlet’ tại nhà hát riêng ở trang viên Hudson của mình. Lý do ông trân trọng chọn đúng ngày này vì, theo sự chấp nhận rộng rãi của công chúng, đó là dịp kỷ niệm ngày sinh lẫn ngày mất của Shakespeare. Một điều rất thú vị là ngài Drury Lane đã diễn vai này trên năm trăm lần, chiếm kỷ lục về buổi diễn trên khắp các quốc gia cùng chung gốc rễ về văn hóa và lịch sử Anh.”

Trích từ bài báo đăng trên tạp chí Điền trang thôn quê, mô tả trang viên của ngài Drury Lane, lâu đài Hamlet:

“… Trang viên được thiết kế theo truyền thống kiến trúc Elizabeth* thuần nhất, gồm một tòa thành khổng lồ, và bao quanh là cả một ngôi làng thu nhỏ dành cho những người sống và làm việc cho ngài Lane. Trong ngôi làng này, mỗi ngôi nhà là một bản sao nguyên vẹn của túp lều thời Elizabeth với kiểu mái rạ đặc trưng, đầu hồi chóp nhọn, v.v. Tất cả đều được trang bị tiện nghi hiện đại, nhưng được che đậy khéo léo để không gây xáo trộn cảm giác về một thời đại trong quá khứ…. Cảnh quan vườn tược là cả một khung cảnh tuyệt đẹp; tỷ như, những hàng rào cây xanh là do đích thân chuyên gia của ngài Lane đưa về từ các vùng nông thôn Anh quốc.”

Trích từ bài phê bình của Raoul Molyneux đăng trên tạp chí La Peinture, Paris, 1927, về Bức chân dung ngài Drury Lane, tranh sơn dầu, họa sỹ Paul Révissons:

“… y như lần tiếp kiến ngài trong chuyến thăm vừa qua của tôi…. Vóc dáng cao lớn mảnh dẻ, trầm lặng nhưng mang vẻ sinh động khó tả, mái tóc trắng như cước lòa xòa dài tận cổ, đôi mắt màu lục xám tinh nhanh sắc sảo, nét mặt cân đối hoàn hảo gần như cổ điển, thoạt nhìn cho ta cảm giác bất động vô hồn song lại có khả năng đổi thay đột ngột…. Ông đứng thẳng người, sừng sững như Đại đế Carolus, cánh tay phải trong chiếc áo choàng thụng màu đen quen thuộc, bàn tay phải đặt trên quả nắm cây gậy gỗ mận gai trứ danh của ông, chiếc mũ dạ màu đen tròn vành thì để trên bàn cạnh bên…. Hiệu ứng kỳ quái của bóng tối càng nổi bật vì y phục u buồn của ông … nhưng được giảm nhẹ đi bằng cảm giác thật kỳ lạ rằng, người này chỉ cần nhấc ngón tay và thế là toàn bộ phục trang của thế giới hiện đại sẽ rơi tuột xuống chân, để lại nơi ông một dáng hình rực rỡ từ quá khứ….”

Trích thư của ngài Drury Lane gởi ngài Bruno, công tố viên hạt New York, ngày 5 tháng 9 năm 193-:

“Xin được thứ lỗi về việc đã mạo muội xen vào phận sự của văn phòng quý ngài khi đính kèm theo đây một bài phân tích khá dài dòng, hoàn toàn tự tay tôi biên soạn, liên quan đến vấn đề nan giải của cảnh sát về việc tìm ra kẻ giết John Cramer.

“Các dữ liệu phân tích của tôi hoàn toàn dựa vào những gì tôi thu thập được từ những bài báo mà thông tin đôi lúc còn chưa thỏa đáng về vụ án này. Tuy vậy, thiết nghĩ rằng khi xem qua nội dung phân tích và đáp án, ngài sẽ đồng ý cùng tôi rằng cách sắp xếp giữa các sự việc với nhau như tôi trình bày chắc chắn sẽ dẫn đến một kết luận logic duy nhất.

“Mong ngài đừng xem đây chỉ là giả định từ một người luống tuổi đã về hưu. Tôi vốn đặc biệt quan tâm đến tội ác hình sự, và sẵn sàng hỗ trợ khi có yêu cầu của ngài về bất cứ vụ án nào khác mà kết luận xem ra còn vô định hoặc bất khả thi.”

Điện tín đã nhận tại lâu đài Hamlet, Ngày 7 tháng 9 năm 193-:

LỜI THÚ TỘI ĐÃ XÁC NHẬN ĐÁP ÁN XUẤT SẮC CỦA NGÀI VỀ VỤ ÁN CRAMER – CHẤM – LIỆU THANH TRA THUMM VÀ TÔI ĐÂY CÓ THỂ GHÉ ĐẾN SÁNG MAI LÚC MƯỜI GIỜ BA MƯƠI ĐỂ TỎ LỜI CẢM ƠN ĐỒNG THỜI THAM VẤN Ý KIẾN NGÀI VỀ VỤ ÁN MẠNG LONGSTREET.

WALTER BRUNO

***

Vì sự tham gia của riêng tôi vào các sự kiện lịch sử này chẳng khơi gợi được gì hơn sự quan tâm lịch thiệp và ngắn ngủi từ những ai theo dõi vận mệnh của ngài Drury Lane, nên tự tôi sẽ kể qua bằng một ghi chép, cũng ngắn ngủi như thói đỏng đảnh của phụ nữ.

Tôi trẻ trung, điều này phần nhiều được những nhà phê bình nghiêm khắc nhất thừa nhận. Tôi được trời phú cho đôi mắt to, xanh và trong veo – mà nhiều quý ngài thích làm thơ từng bảo – trông như cả một vì tinh tú ngự trên chín tầng mây. Một nam sinh trẻ măng, tốt bụng tại Heidelberg có lần từng ví màu tóc tôi với mật ong. Một quý bà người Mỹ thích đả kích sâu cay tại Cap d’Antibes mà tôi từng gặp gỡ đã ví mái tóc ấy phần nào giống cọng rơm khô. Gần đây khi đứng trong tiệm làm đẹp Clarisse tại Paris bên cạnh bộ đầm béo* bà ta bồ kết nhất, tôi phát hiện ra phom người mình thực sự gần đạt được những số đo hình thể quyến rũ của mụ đàn bà hay khinh người ấy. Thực ra, ngoài đôi bàn tay, bàn chân tôi đạt chuẩn hình thể – điều này theo đánh giá cỡ chuyên gia của chính ngài Drury Lane – tôi còn sở hữu bộ não làm việc theo trật tự tuyệt hảo. Cũng có người nói rằng một trong những nét quyến rũ chết người của tôi nằm ở chỗ “thiếu khiêm tốn một cách tinh tế,” một lời chém gió mà tôi cảm thấy chắc chắn sẽ gây họa cho tôi trong quá trình viết bài này.

Các chi tiết thô thiển nhiêu đó đã đủ. Phần còn lại tôi có thể tự đặt tên cho nó là Chuyến Du Ngoạn Bắc Âu. Tôi đã từng đi chu du, có thể nói như vậy, kể từ những tháng ngày tóc thắt bím và mặc đồ thủy thủ. Các chuyến du ngoạn của tôi xen kẽ những lần dừng chân dài hạn: Ví như chẳng hạn tôi mất hai năm tại một ngôi trường tư thục đáng sợ ở London, nán lại trên Bờ Trái* trong mười bốn tháng trước khi tự thuyết phục mình rằng cái tên Patience Thumm sẽ chẳng được nói đến một cách kính cẩn như những cái tên Ganguin và Matisse. Giống Marco Polo tiến về phương Đông, tôi đi khắp các dải đất phương Đông; như Hannibal tấn công những cánh cổng thành Rome, tôi khám phá nền văn hóa châu Âu. Hơn nữa, tôi là người có tâm hồn khoa học: Tôi đã thử tinh dầu ngải absinthe tại Tunis, vườn nho Clos Vougeot tại Lyon và rượu aguardiente tại Lisbon. Tôi bị bật móng chân khi trèo lên ngôi thành cổ Acropolis tại Athens, cảm thấy vui sướng đầy dâm đãng khi đắm mình trong bầu không khí mê hoặc của hòn đảo Sappho.

Chẳng cần phải nói thêm, tất cả những chuyến đi này dựa vào khoản tiền trợ cấp hào phóng với cái đuôi là một sinh vật bất tử hiếm hoi bậc nhất – một bà vú tiện cái là mắc chứng loạn thị và có khiếu hài hước.

Du ngoạn giống như món kem sữa béo, nó cứ lan rộng mãi ra; tuy nhiên, sẽ chẳng ai chịu nổi nếu cứ ăn hoài một món. Và người đi du ngoạn, cũng như kẻ háu ăn, sẽ quay về nhà và hài lòng với chế độ ăn có kiểm soát hơn. Thế nên, với sự kiên quyết dịu dàng như một trinh nữ, tôi bỏ mặc bà vú đáng yêu tội nghiệp tại Algiers và giong buồm về nhà. Món thịt bò nướng tuyệt hảo của bố chào mừng tôi vẫn đang nằm yên trong bụng. Nói thật là ông thấy khiếp đảm khi thấy tôi cố tuồn vào New York bản tiếng Pháp cuốn Người Tình Của Phu Nhân Chatterley đáng yêu, rách tơi tả, cuốn sách khiến tôi phải hy sinh bao nhiêu buổi tối tuyệt đẹp tự giam mình trong phòng riêng tại trường tư thục nữ sinh. Nhưng khi giải quyết xong vấn đề nhỏ này, trước sự vui sướng của tôi, ông nhanh chóng đẩy tôi len qua cửa hải quan. Sau đó, chúng tôi yên vị trong sự tĩnh lặng êm dịu ở căn hộ của ông tại thành phố, hai con bồ câu đưa thư hoàn toàn xa lạ.

Lúc này, khi đọc Tấn Bi Kịch XTấn Bi Kịch Y, tôi nhận thấy rằng ông bố già xấu xí, to lớn, vụng về và vĩ đại của tôi, thanh tra Thumm, chưa một lần giới thiệu những trang sách sinh động, sôi nổi này cho cô con gái thích xê dịch. Không phải vì ông không yêu mến tôi: Tôi hiểu được điều ấy từ ánh mắt ngỡ ngàng, phần nào đó đến kinh ngạc của ông khi chúng tôi hôn tạm biệt nhau trên cầu tàu. Chúng tôi chỉ đơn giản là ngày càng xa nhau. Mẹ đã tống cổ tôi sang châu Âu cho bà vú chăm sóc khi tôi còn quá nhỏ, không thể phản kháng. Tôi nghi ngờ sự thay đổi trong tình cảm luôn là điều đáng quý, đến lượt bà cũng ham mê tìm hiểu những nét thanh lịch, tao nhã ướt át của cuộc sống Lục địa già qua các lá thư tôi viết. Trong khi đó, người bố tội nghiệp chẳng có cơ hội nào, việc chúng tôi dần xa cách không phải hoàn toàn do lỗi của mẹ. Tôi nhớ lại hồi mình là con bé yếu ớt bò lổm ngổm dưới chân bố, quấy rối ông với những chi tiết đẫm máu nhất của những tội ác ông đang điều tra, đọc hết tất cả các tin tức vụ án với sự thích thú và không ngừng tấn công ông trên Phố Centre với những gợi ý ngớ ngẩn. Ông chẳng bao giờ mắng tôi nhưng tôi chắc chắn ông thấy nhẹ nhõm khi tôi bị tống sang Châu Âu.

Dẫu sao đi nữa, bố con tôi phải mất vài tuần để nuôi dưỡng tình cảm trở lại mối quan hệ bình thường. Ông chưa sẵn sàng về tâm lý trước những lần viếng thăm chớp nhoáng của tôi trong thời gian lang thang, nào là ăn trưa mỗi ngày với một thiếu nữ trẻ đẹp, những nụ hôn chúc ngủ ngon, và trải qua tất cả những vui vẻ khi ông đóng vai một ông bố gia trưởng. Một thời gian ông thực sự hốc hác, mệt mỏi. Ông thấy sợ tôi hơn vô số tội phạm liều lĩnh từng săn đuổi suốt cuộc đời thanh tra.

•   •   •

Tất cả những đoạn này là phần mở đầu cần thiết cho câu chuyện của tôi về ngài Drury Lane, và vụ án lớn về Aaron Dow, tù nhân trong nhà tù Algonquin. Vì điều này giải thích được làm sao kẻ lang thang như Patience Thumm lại có liên quan đến một vụ án mạng.

Trong những năm tháng lang thang và thư từ với bố – đặc biệt sau khi mẹ qua đời – tôi thấy tò mò trước những bóng gió thường xuyên, tình cảm của ông với thiên tài già cả lạ lùng ấy, ngài Drury Lane, người đã xuất hiện một cách hoành tráng trong cuộc đời ông. Dĩ nhiên, tôi không xa lạ với tên tuổi quý ông già nua này, với lý do tôi là độc giả trung thành của các truyện trinh thám có thật lẫn hư cấu. Lý do nữa là vì quý ông hưu trí hấp dẫn này không ngừng được giới báo chí, tại cả Mỹ lẫn châu Âu, tung hô như một siêu nhân. Đâu đâu cũng nhắc đến những kỳ tích ông đạt được trong các vụ án với tư cách là điều tra viên. Sau tai nạn bất ngờ khiến ông bị điếc, sự nghiệp diễn viên kịch của ông cũng chấm dứt. Nhiều lần những dư âm của chúng vẫn còn vẳng đến tai tôi tận Châu Âu.

Sau khi quay về nhà, tôi bất ngờ nhận ra mình chẳng còn mong muốn gì hơn được gặp gỡ con người phi thường, sống trong một lâu đài tuyệt đẹp nhưng đầy mê hoặc nhìn ra sông Hudson. Nhưng tôi lại thấy mình quan tâm hơn đến đôi tai của ông khi phá án.

Sau khi nghỉ hưu ở phòng Thám tử New York, bố tôi bỏ lại sau lưng bao nhiêu năm tháng phá án là món ăn giấc ngủ, sự tồn tại kiểu này khiến ông buồn chán đến không chịu nổi. Thế nên, điều không tránh khỏi là ông mở văn phòng thám tử tư, danh tiếng của riêng ông mang lại thành công cho ông ngay từ đầu.

Về phần tôi, vì chẳng có việc gì để làm và cảm thấy rằng cuộc đời mình cũng như những kinh nghiệm từ chuyến du học vừa đủ giúp tôi kiếm sống một cách nghiêm túc, có lẽ điều không tránh khỏi là tôi phải đứng dậy từ nơi tôi đã từ bỏ nhiều năm về trước. Tôi bắt đầu dành nhiều thời gian hơn tại văn phòng của bố, quấy rầy ông như ngày xưa và lắng nghe tiếng càu nhàu bực bội của ông. Dường như ông nghĩ rằng một đứa con gái thì phải có sức hấp dẫn giống như một bông hoa cài áo. Nhưng vì được thừa hưởng cái cằm bướng bỉnh của ông, sự kiên trì của tôi đã khiến ông nản lòng. Có vài dịp thậm chí ông còn cho phép tôi theo đuổi một cuộc điều tra khiêm tốn. Nhờ đó tôi học được nhiều thuật ngữ và môn tâm lý học của hình sự hiện đại – một khóa học thô sơ rất có ích giúp tôi thấu hiểu vụ án liên quan đến Dow.

Nhưng có một chuyện dường như hữu ích hơn nhiều. Kinh ngạc không kém gì bố, tôi thấy rằng mình sở hữu một bản năng quan sát và suy luận phi thường. Tôi bất ngờ nhận ra mình có một tài năng rất đặc biệt, có lẽ được nuôi dưỡng bởi môi trường làm việc ban đầu, và sự quan tâm không thay đổi của tôi đối với tội phạm.

Bố tôi rên rỉ, “Patty, con cứ như ả hầu bàn trơ trẽn trong bữa tiệc vậy. Con sẽ khiến quý ông già ngượng chết mất. Có Chúa mới biết, như những ngày xưa với Drury Lane ấy!”

Và tôi đáp: “Ngài thanh tra đáng yêu ơi, đó là một lời khen tuyệt vời. Khi nào thì ngài định giới thiệu con với ông ấy đây?”

Cơ hội đã đến một cách bất ngờ ba tháng sau khi tôi về nước. Giống như mọi cơ hội khác – nó bắt đầu hoàn toàn bình thường – sau đó biến thành một cuộc phiêu lưu tuyệt vời. Đúng như những gì trái tim một cô nàng luôn thèm khát và háo hức như tôi có thể mơ tới.

Một hôm, một người đàn ông cao lớn, tóc xám ăn mặc trang nhã xuất hiện tại văn phòng của bố tôi. Sắc mặt ông ta lo lắng khiến tôi liên hệ với tất cả những ai từng tìm đến. Qua tấm thẻ rập nổi, tên ông ta là Elihu Clay. Dò xét tôi bằng đôi mắt sắc lạnh, ông ta ngồi xuống, hai bàn tay khum lại trên đầu gậy chống. Với thái độ khô khan, thận trọng của một chủ ngân hàng nguời Pháp, ông ta tự giới thiệu bản thân.

Ông ta là chủ sở hữu Clay Marble Quarries – những mỏ đá chính tại hạt Tilden, vùng Thượng New York; văn phòng và nhà riêng ở thành phố Leeds, Anh quốc. Cuộc điều tra ông ta muốn nhờ bố tôi tiến hành có tính riêng tư và bảo mật. Đây là lý do chính của ông ta khi đến đây ngoài việc tìm kiếm một nhà điều tra. Ông ta một mực đòi phải thận trọng mọi nhẽ…

“Tôi hiểu,” bố tôi cười toét. “Hút xì gà đi. Ai đó đang ăn cắp tiền mặt trong két à?”

“Thực ra là không! Tôi có… à… một hội viên hùn vốn ẩn danh.”

“Ha,” bố tôi nói. “Cho tôi biết đi.”

Tên hùn vốn ẩn danh này – có vẻ giờ đây, sự ẩn danh này đã chuyển sang khía cạnh đáng lo ngại nhất – là Fawcett, bác sỹ Ira Fawcett. Người này là em trai của thượng nghị sĩ hạt Tilden, Joel Fawcett. Một ngài thượng nghị sĩ không ít thì nhiều cũng “chính trực”. Theo cái nhíu mày của bố, tôi nghĩ đây chắc chắn là một quý ông không trung thực và không có trái tim trong sáng. Là người không do dự tự phong mình là ‘thương nhân trung thực nhất của phái cựu trào’ giờ đây có vẻ Clay thấy hối hận khi hợp tác cùng bác sỹ Fawcett. Tôi đồ rằng bác sỹ Fawcett là một nhân vật khá đáng sợ. Ông ta khiến công ty dính líu đến các hợp đồng mà Clay nghi ngờ rằng có nguồn gốc bốc mùi. Ngành kinh doanh này rất thịnh vượng – quá thịnh vượng. Quá nhiều hợp đồng trong hạt và bang đều liên quan đến Clay Marble Quarries, cần thiết phải kiên quyết tiến hành một cuộc khảo sát tình hình.

“Không có bằng chứng à?” bố tôi hỏi.

“Chẳng có chút nào, thưa thanh tra. Rõ ràng hắn quá thông minh. Tất cả những gì tôi có chỉ là những nghi ngờ. Ông sẽ nhận vụ này chứ?” Nói rồi Elihu Clay đặt ba tờ giấy bạc giá trị cao nhất lên bàn.

Bố liếc nhìn tôi. “Chúng ta nhận vụ này được không, Patty?”

Nét mặt tôi băn khoăn. “Chúng ta bận lắm. Nếu thế phải hủy tất cả các vụ kia…”

Elihu Clay nhìn tôi chằm chằm một lúc. “Tôi có ý kiến,” ông đột ngột nói. “Tôi không muốn Fawcett nghi ngờ ngài, ngài Thanh Tra. Cùng lúc đó ngài sẽ phải làm việc với tôi. Tại sao ngài không cùng cô Thumm đây đến các nhà khách của tôi tại Leeds? Cô Thumm đây có thể tới – chẳng phải tiện hay sao?” Tôi đoán rằng bác sỹ Ira Fawcett không phải là người trơ như gỗ đá trước sức quyến rũ nữ tính. Khỏi cần nói, ngay lập tức tôi cảm thấy thú vị.

“Chúng ta xoay xở được mà bố,” tôi mạnh mẽ nói, và như thế mọi việc được thu xếp.

•   •   •

Chúng tôi mất hai ngày chuẩn bị mọi thứ, có thể nói như vậy. Đến tối Chủ nhật chúng tôi đã hoàn tất gói ghém đồ đạc cho chuyến đi tới Leeds. Elihu Clay đã đi trước chúng tôi, quay về vùng nông thôn cùng ngày ông đến thăm New York.

Tôi còn nhớ mình đang duỗi dài chân trước đống lửa, nhấm nháp rượu brandy đào – chai rượu tôi đã trót lọt tuồn qua mặt anh sĩ quan hải quan trẻ tuổi tốt nhất – thì nhận được điện tín của thị trưởng Bruno – chính là ngài Walter Xavier đã từng làm công tố viên hạt New York khi bố tôi còn là một viên thanh tra tích cực. Còn bây giờ ông ta là một thống đốc nổi tiếng, hiếu chiến của bang New York.

Bố tôi đập tay vào hông cười khúc khích, “vẫn là lão Bruno này! Chà, Patty, đây đúng là cơ hội con đang mong. Bố đoán rằng chúng ta có thể thực hiện được?”

Mời các bạn đón đọc Tấn Bi Kịch Z của tác giả Ellery Queen.

Download ebook

Tấn Bi Kịch Z – Ellery Queen


FULL:


AZW3


EPUB


MOBI


PDF

Download App tải ebook,sách nói, khóa học tốt nhất: https://h.nhuttruong.com/app
Website: https://www.trươngđịnh.vn
Page:https://www.facebook.com/truongdinhvn/
Mail:www.truongdinh.vn@gmail.com

Bookmark (0)
Please login to bookmark Close

[toc] Giới thiệu ebook Tấn Bi Kịch Z – Ellery Queen Tweet! 10 năm sau thành công rực rỡ của Tấn bi kịch X và Tấn bi kịch Y, Tấn bi kịch Z ra đời!…

Bookmark (0)
Please login to bookmark Close