Ebook Tâm Lý Học Hành Vi Epub
Cuốn sách giúp bạn thấu hiểu bản thân mình và tâm lý những người xung quanh!
Được chấp bút bởi bậc thầy tâm lý hàng đầu Trung Quốc Khương Nguy.
Tâm lý học theo chủ nghĩa hành vi phát triển đến đỉnh cao vào những năm 1920 của thế kỷ XX tại Mỹ, giữ vị trí chủ đạo trong lĩnh vực tâm lý học trong suốt ba mươi năm sau đó tại đất nước này.
Không chỉ là một bộ môn khoa học trong phòng thực nghiệm, mà quan trọng hơn, những lý luận của tâm lý học hành vi giúp con người tự nhìn nhận bản thân, tự điều chỉnh tâm lý, đồng thời thông qua hành vi để nắm bắt và thấu hiểu tâm lý, đồng thời thông qua hành vi để nắm bắt và thấu hiểu tâm lý của những người xung quanh.
Hành vi chính là tấm gương phản chiếu tâm lý của con người, qua đó, chúng ta tự soi chiếu bản thân, học cách chung sống hòa thuận với chính mình, bên cạnh đó cũng có thể hiểu rõ người khác và thiết lập mối quan hệ tốt đẹp trong xã hội.
Khi mỗi người trong chúng ta đều học được cách trực tiếp đối diện với bản chất thật sự trong tâm hồn, vậy việc trở thành người thầy cho chính mình cũng không còn là mơ ước xa vời nữa.
***
Tâm lý học hành vi của Watson có thể coi là một đòn chí mạng, lật đổ những quan điểm tâm lý học truyền thống thời bấy giờ. Mặc dù đời sống cá nhân của ông gây ra nhiều tranh cãi, nhưng không thể phủ nhận sự thật rằng ông đã đạt được những thành tựu mang tính khai phá, góp phần thúc đẩy tâm lý học phát triển lên một tầm cao mới. Nếu trường phái tâm lý học theo chủ nghĩa chức năng lấy ý thức làm đối tượng nghiên cứu, thì tâm lý học hành vi lại hướng mục tiêu nghiên cứu vào hành vi của con người, từ đó bù đắp những điểm chưa thỏa đáng trong lý luận của các trường phái tâm lý học đi trước, điển hình là việc chỉ đơn thuần chú trọng vào ý thức bên trong mà thiếu tính thực tiễn để áp dụng vào đời sống. Tâm lý học hành vi đã đưa tâm lý học từ thế giới chủ quan sang thế giới khách quan, nhấn mạnh sức ảnh hưởng lớn của hoàn cảnh bên ngoài đối với con người, và khẳng định những kết quả chúng ta gặt hái được trong tương lai đều bắt nguồn từ rất nhiều thói quen của ngày hôm nay. Những lý luận về tâm lý học hành vi của Watson góp phần thúc đẩy ngành tâm lý học trở thành một ngành khoa học tự nhiên chính thống, đồng thời có tầm ảnh hưởng lan tỏa suốt hơn nửa thế kỷ. Đó chính xác là những lý luận đi đầu trong ngành tâm lý học đương thời.
Tâm lý học hành vi có nhiều phát hiện mang tính đột phá, bao gồm cả một số quan điểm mở rộng trên phương diện giáo dục trẻ nhỏ. Tuy vẫn tồn tại một số hạn chế không tránh khỏi và lý luận về mối liên hệ “kích thích – phản ứng” còn mang tính phiến diện, nhưng xét trên một mức độ nào đó, tâm lý học hành vi vẫn khiến trường phái tâm lý học nghiên cứu về ý thức gặp phải trở ngại nhất định. Đương nhiên, cùng với việc xã hội ngày càng văn minh tân tiến, tâm lý học hành vi rồi cũng phải đối mặt với vấn đề về sự chuyển giao giữa cũ và mới. Nhưng kể cả vậy, chúng ta vẫn không thể phủ nhận những cống hiến của nó cho sự phát triển ngành tâm lý học nói chung, và dù thế nào thì ở nó vẫn luôn có những điều mà chúng ta có thể soi chiếu và học tập.
Cuốn sách này tổng hợp những lý luận về tâm lý học hành vi của Watson, cố gắng gửi đến độc giả hệ thống tư tưởng một cách hoàn chỉnh nhất, nêu lên những điểm then chốt trong luận thuyết của ông, đồng thời liên hệ với cuộc sống thực tiễn để nghiệm chứng tính hợp lý trong đó. Sau mỗi phần, chúng tôi đều tổng hợp lại những phương thức có tính ứng dụng thực tiễn để bạn đọc hiểu rõ tâm lý thông qua hành vi của con người.
Để độc giả không cảm thấy khó hiểu và nhàm chán bởi những thuật ngữ mang tính học thuật khô khan, chúng tôi cố gắng sử dụng cách nói gần gũi và dễ hiểu nhất có thể, hy vọng cùng với việc lan tỏa kiến thức mang tính hàn lâm thì ngôn từ mang tính phổ thông sẽ giúp các bạn thưởng thức cuốn sách một cách thoải mái nhất. Nếu qua đây độc giả tìm thấy sự chỉ dẫn và trợ giúp có ích trong đời sống, vậy cuốn sách này cũng coi như hoàn thành trọn vẹn nhiệm vụ của nó rồi.
Cuốn sách này không tránh khỏi nhiều thiếu sót, kính mong quý độc giả thông cảm và góp ý.
***
Kích thích và phản ứng
Sự kiểm soát của cung phản xạ – có chạy mười vạn tám ngàn dặm cũng không thoát
Hành vi của mỗi người thật ra đều chịu sự khống chế từ một bàn tay vô hình, chính là cơ chế “kích thích – phản ứng” của cơ thể. Giống như bàn tay Phật tổ Như Lai, nó không để cho bất kỳ hành động phát sinh nào thoát khỏi sự kiểm soát của mình.
• • •
Trong hồi thứ bảy của Tây Du Ký, Tề Thiên Đại Thánh gặp phải một thử thách: ông lấy khả năng bay mười vạn tám ngàn dặm của Cân Đẩu Vân ra để cá cược với Phật tổ Như Lai, nếu thắng thì Ngọc hoàng Đại đế phải giao Linh Tiêu bảo điện cho mình. Đang lúc dương dương tự đắc đòi Phật tổ thực hiện giao kèo, ông liền phát hiện: mười vạn tám ngàn dặm đó hóa ra vẫn không thể thoát khỏi lòng bàn tay Phật. Sau đó, Phật tổ Như Lai đã biến lòng bàn tay mình thành Ngũ Hành Sơn để trấn áp Tôn Ngộ Không.
Thật ra trong cơ thể mỗi người đều có một “Tôn Ngộ Không”, làm cách nào cũng không thể thoát khỏi “bàn tay Phật tổ” được định sẵn. Dù có chạy mười vạn tám ngàn dặm, mọi hành động của con người vẫn luôn bị khống chế trong cung phản xạ mang tên “kích thích – phản ứng”.
Chỉ cần lấy một ví dụ nhỏ là có thể hiểu điều này. Khi bạn lái xe vào ban đêm, ánh đèn pha chiếu thẳng từ phía trước có thể coi như “sát thủ” trên xa lộ. Nguyên nhân là do luồng ánh sáng mạnh từ đèn pha kích thích đến đồng tử trong mắt, khiến chúng tự động co lại. Nếu như dưới tác động của ánh sáng thông thường, đồng tử có thể mang kích thước của hạt đỗ xanh, thì trước sự kích thích cực mạnh đến từ ánh sáng đèn pha, kích thước đồng tử sẽ co lại chỉ tương đương với một hạt gạo nhỏ, lúc này tầm nhìn gần của mắt người giảm xuống chỉ còn 1/30. Khi hai xe gặp nhau, khoảnh khắc mà đồng tử co lại khiến nó mất đi sự linh hoạt vốn có, mắt người sẽ rơi vào trạng thái “mù đêm”, có thể dẫn tới tai nạn thảm khốc.
Ngoài ra còn nhiều ví dụ khác, như khi trời lạnh ta tự mặc thêm áo, trời nóng tự đến nơi mát mẻ, đói bụng tự kiếm đồ ăn, khát nước tự tìm đồ uống… Bất luận là kích thích đến từ bên trong cơ thể hay từ môi trường bên ngoài, tất cả đều yêu cầu con người thực hiện những phản ứng khác nhau. Các cơ quan cảm nhận của con người như mắt, mũi, tai, lưỡi cùng toàn bộ hệ thống cơ bắp đều đảm nhiệm đồng thời hai chức năng: chúng không những phải đưa ra phản ứng linh hoạt khi chịu kích thích từ môi trường khách quan, mà còn phụ trách tiếp
nhận tín hiệu được phát ra từ những kích thích đó. Ngay cả khi ngủ say, ta vẫn nằm trong sự giám sát của chúng.
Có thể ai đó sẽ phản bác rằng, “Nếu đặt bức họa nổi tiếng của Van Gogh hay nhạc phổ bản giao hưởng của Beethoven trước mặt một đứa trẻ sơ sinh, kết quả quá rõ ràng là nó sẽ chẳng có phản ứng gì rồi. Vậy chẳng phải quy luật ‘kích thích – phản ứng’ trong trường hợp này không áp dụng được hay sao?” Xin hãy khoan kết luận vội, vì dưới đây tôi sẽ giải thích bằng cách đưa ra dẫn chứng dựa trên lý luận của tâm lý học hành vi, bao gồm những kích thích mà trong đa số trường hợp con người ta thường thờ ơ với nó, và cả những kích thích có thể dẫn đến sự phản ứng lại của con người, hay còn được biết đến với cái tên “phản xạ có điều kiện”.
Con người trong mỗi giây mỗi phút đều đang tiếp nhận những kích thích từ môi trường bên trong hoặc bên ngoài. Đồng thời, cơ thể con người cũng cảm nhận được rằng những kích thích đó đang kêu gọi ta phản ứng và vận động. Tuy nhiên, những vận động này có thể rõ ràng đến mức chỉ cần nhìn qua cũng thấy, như khoa chân múa tay hoặc nhăn mặt chau mày, mặt khác chúng cũng có thể mờ nhạt đến mức chỉ còn cách dựa vào công cụ, máy móc mới nhận ra được, ví dụ như sự tăng giảm huyết áp hay thay đổi nhịp thở. Trong các tác phẩm văn học, chắc hẳn bạn vẫn thường xuyên gặp những câu văn miêu tả như: “Sâu trong ánh mắt thấp thoáng nỗi sầu muộn khó nhận ra”, “Đôi mắt trong khoảnh khắc đột nhiên tối sầm lại”… Đây đều là những phản ứng ngầm và tương đối kín đáo của con người.
Tất nhiên, ta còn có thể bắt gặp một loại phản ứng khác. Ví dụ, một người sống thực vật đã mất đi năng lực tự chủ trong hành vi và ý thức, song những hoạt động của các cơ quan trong cơ thể họ như hô hấp, nhịp tim, huyết áp… vẫn diễn ra bình thường. Họ vẫn có thể hắt hơi, ho khan hay ngáp giống những người khỏe mạnh. Những phản ứng này dường như đã tồn tại từ khi ta sinh ra, là kiểu phản ứng bẩm sinh, không cần học cũng thành. Khác với kiểu phản ứng trên thì những phản ứng như nói chuyện, thao tác, làm việc… không tự nhiên xuất hiện ngay từ khi sinh ra, chúng là những thói quen được hình thành sau thời gian tiếp xúc với môi trường bên ngoài thông qua việc luyện tập lặp đi lặp lại và không ngừng chịu kích thích, như một đứa trẻ phải học thì mới biết nói biết đi. Đây có thể coi là những phản ứng mà sau này mới xuất hiện dựa trên thói quen và sự học hỏi.
Từ kích thích đến phản ứng, điểm kết thúc của cung phản xạ này rốt cuộc nằm ở đâu? Liệu có phải nó sẽ cứ thế kéo dài như phản ứng hạt nhân hay không? Câu trả lời là không, ở đây phản ứng xảy ra là để kết thúc sự kích thích. Ví dụ, khi ta đói, bụng réo òng ọc, dạ dày sẽ tự động co lại, tuyến nước bọt tiết ra mạnh hơn, tiếp đó tâm lý của chúng ta sẽ rơi vào trạng thái mất cân bằng, dẫn đến tình trạng “đói đến mức loạn trí”, và thế là ta bắt đầu tìm đồ ăn ở khắp nơi để lấp đầy cái bụng rỗng, thậm chí đến mức bụng đói ăn quàng. Còn khi ta đã no bụng, dạ dày không còn thúc giục kêu gào nữa, lúc này dù đi trên đường rộng với trăm nghìn loại đồ ăn ngon mắt, ngào ngạt hương thơm, ta cũng sẽ chẳng đoái hoài.
Hoặc giả nếu bạn để ý sẽ thấy, vào những ngày trời lạnh thấu xương, những người đi bộ trên đường đều vô thức đẩy nhanh bước chân mong tìm được nơi kín gió để tránh rét.
Cuối cùng, tôi xin lấy thêm ví dụ về việc uống rượu. Khi ta uống nhiều rượu, chất cồn trong rượu sẽ gây ra kích thích đối với cơ thể, lúc này dạ dày tự động bật cơ chế bảo vệ, ép ta phải nôn ra ngoài phần rượu đã nạp vào. Tuy mùi vị của chúng khiến ta mỗi khi nghĩ lại đều không khỏi rùng mình, nhưng suy cho cùng đó cũng là một kiểu phản ứng tự vệ xảy ra khi cơ thể ta đối mặt với kích thích.
Tựu trung lại, nếu như không có mô hình “kích thích – phản ứng”, e rằng con người khó có thể tồn tại đến ngày hôm nay.
Cũng có thể nói, từ cổ chí kim, nhất cử nhất động của con người đều không thoát khỏi sự khống chế của cung phản xạ, tất cả hành vi của chúng ta thực chất đều chỉ để giải mã nó mà thôi.
Quan sát và suy đoán
Tự soi gương tự cảm khái, đây có phải một kiểu tự luyến hay không?
Đôi khi chúng ta sẽ gặp những người như thế này, họ tự soi bóng mình phản chiếu từ cửa sổ toa tàu, từ gương chiếu hậu ô tô, hay thậm chí đứng trước cửa kính một cửa tiệm ven đường để ngắm lại bản thân, xem cách ăn mặc trang điểm của mình liệu đã ổn chưa, sau đó đưa tay vuốt lại mái tóc rối hoặc chỉnh ngay ngắn quần áo trên người. Đây đều là những hành vi rất bình thường.
Tuy nhiên, cũng có một vài người khoa trương hơn thế. Họ đứng hàng giờ trước gương như thể muốn chiếm lĩnh nơi đó làm địa bàn cho riêng mình, có những trường hợp là để trang điểm hoặc chỉnh lại kiểu tóc, nhưng cũng có những trường hợp chỉ để ngắm nghía, thưởng thức dung nhan xinh đẹp của bản thân, thậm chí tạo muôn vàn kiểu dáng trước gương. Họ thường khiến những người đứng chờ phía sau cảm thấy cực kỳ phiền phức và khó chịu.
Quan tâm đến vẻ ngoài của bản thân đương nhiên cũng là hành động thể hiện sự tôn trọng người khác, nhưng khi quá mức chú ý đến hình tượng thì sẽ bắt đầu trở thành tự luyến. Những người tự luyến thường để tâm đến hình tượng của mình một cách quá đà, những lời bình phẩm của người khác thường gây ra phản ứng không bình thường trong lòng họ, đây chính là biểu hiện của cảm giác tự ti mà họ cổ gắng che giấu. Đồng thời, việc đắm mình trong hình bóng bản thân bên kia mặt gương cũng phản ánh việc họ mang tâm lý trốn tránh hiện thực.
Mời các bạn đón đọc Tâm Lý Học Hành Vi của tác giả Khương Nguy & Phi Tường (dịch).
Download ebook Tâm Lý Học Hành Vi
Đăng Ký Tài Khoản Download Ebook
Link Đăng Ký: http://h.nhuttruong.com/tbooksdangky
Cuốn sách giúp bạn thấu hiểu bản thân mình và tâm lý những người xung quanh! Được chấp bút bởi bậc thầy tâm lý hàng đầu Trung Quốc Khương Nguy.…