Sự Nghiệp Cả Cuộc Đời – A. M.Vasilevsky

Sự Nghiệp Cả Cuộc Đời – A. M.Vasilevsky

[toc]


Giới thiệu ebook

Sự Nghiệp Cả Cuộc Đời – A. M.Vasilevsky


Những năm gian khổ của cuộc Chiến tranh giữ nước vĩ đại của nhân dân Liên Xô ngày càng lùi sâu vào lịch sử. Nhưng thời gian không thể làm mờ và không thể xóa nhòa nó trong ký ức của nhân dân. Thắng lợi đối với bọn phát-xít Đức là thắng lợi đối với lực lượng phản động của chủ nghĩa đế quốc, thắng lợi của sự nghiệp xã hội chủ nghĩa sáng ngời.

Có nhiều cuốn sách chuyên viết về cuộc chiến tranh đã qua. Tuy nhiên, không vì thế mà mọi người ít quan tâm đến những cuốn sách ấy. Mỗi một cuốn sách mới phản ánh chân thực cuộc chiến tranh đó – một cuộc chiến tranh thần thánh đối với nhân dân Liên Xô – là lại thêm một bằng chứng về chiến công vĩ đại mà nhân dân đã thực hiện vì tự do và độc lập của Tổ quốc mình, vì hòa bình và tiến bộ.

Trong khói lửa của những cuộc chiến đấu rất ác liệt vào những năm của cuộc Chiến tranh giữ nước vĩ đại, Nhà nước xô viết gồm nhiều dân tộc và các Lực lượng vũ trang của nó đã chứng tỏ sự bền vững của mình. Sự trưởng thành về nghệ thuật quân sự, phẩm chất của các cán bộ lãnh đạo quân sự đã được thực tiễn kiểm nghiệm, đó là những người đã từng mặt đối mặt với bọn tướng lĩnh phát-xít vẫn được coi là những tên có kinh nghiệm nhất trong các quân đội tư sản.

Tôi lấy làm sung sướng và tự hào rằng trong những năm gian khó nhất của Tổ quốc, theo khả năng của mình, tôi đã có dịp góp phần vào cuộc đấu tranh của các Lực lượng vũ trang Liên Xô quanh vinh và cùng nếm trải những cay đắng của thất bại và ngọt bùi của thắng lợi.

Trong quá trình chiến tranh. các cán bộ quân sự xô-viet đã trưởng thành và được tôi luyện. Bản thân tôi cũng như các cán bộ chỉ huy quân sự xô-viết khác, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản, đã trưởng thành và tích lũy được kinh nghiệm chiến đấu.

Khi cuộc Chiến tranh giữ nước vĩ đại bùng nổ, tôi công tác tại Bộ Tổng tham mưu với cương vị cục phó Cục tác chiến, quân hàm thiếu tướng. Ngày 1 tháng Tám năm 1941, theo quyết định của Ban chấp hành trung ương Đảng, tôi được bổ nhiệm lảm cục trưởng Cục tác chiến và phó tổng tham mưu trưởng, và từ tháng Sáu năm 1942 đến tháng Hai năm 1945, tôi được bổ nhiệm làm tổng tham mưu trưởng kiêm thứ trưởng Bộ dân ủy quốc phòng. Về sau, tôi được chỉ định làm tư lệnh phương diện quân và ủy viên Đại bản doanh Bộ Tổng tư lệnh tối cao, tiếp đó làm tổng tư lệnh bộ đội Viễn Đông.

Như vậy, hầu như trong suốt cuộc Chiến tranh giữ nước vĩ đại tôi trực tiếp tham gia lãnh đạo các Lực lượng vũ trang. Vì thế, trong cuốn sách này, tôi nói trước hết và chủ yếu về hoạt động của Đại bản doanh Bộ Tổng tư lệnh tối cao, cơ quan công tác chủ yếu của nó – Bộ Tổng tham mưu và đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt của các Lực lượng vũ trang Liên Xô là tư lệnh các phương diện quân và tập đoàn quân, các hội đồng quân sự và bộ tham mưu của các cấp đó.

Cuốn sách được viết căn cứ vào tài liệu thực tế mà tôi biết rõ và được các văn kiện lưu trữ xác nhận, phần lớn những văn kiện này chưa được công bố. Mục đích chủ yếu của tập hồi ký của tôi là nói rõ dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng cộng sản, thắng lợi cực kỳ to lớn đã giành được như thế nào, nêu rõ những phương pháp và hình thức mà các cơ quan lãnh đạo quân sự xô-viết đã áp dụng trong quá trình đấu tranh vũ trang. Trong cuộc đấu tranh đó cũng có những thiếu sót và sai lầm.

Trong cuốn sách này, tôi cũng sẽ nói đến những điều đó. Song, cố nhiên, đó không phải là điều chủ yếu trên con đường đầy gian khó mà các chiến sĩ xô-viết đã trải qua cho đến ngày thắng lợi.

Trong cuốn sách này tôi mong muốn nói lên sự hùng mạnh về quân sự của Nhà nước xô-viết, phẩm chất chiến đấu và tinh thần của các chiến sĩ xô-viết hàng ngày đã lớn lên như thế nào, khoa học quân sự đã phát triển ra sao, các cán bộ quân sự, đặc biệt là các cán bộ lãnh đạo quân sự đã trưởng thành ra sao.

Cần nói thẳng rằng tất cả những cán bộ chỉ huy quân sự xô-viết đều là những người thể hiện một cách nhất quán những nguyên tắc cơ bản của nghệ thuật quân sự Liên Xô: kiên quyết, linh hoạt và cơ động. Ngay trong những tháng đầu của cuộc chiến tranh, họ đã tỏ rõ những phẩm chất cao quý của người lãnh đạo quân sự: hiểu biết đầy đủ và sâu rộng bản chất và đặc tính của cuộc chiến tranh hiện đại và khả năng dự kiền quá trình diễn biến và kết thúc những trận đánh phức tạp nhất.

Cuốn sách này nói nhiều về công tác của những người đại diện Đại bản doanh Bộ Tổng tư lệnh tối cao.

Tôi đánh giá cao loại sách viết về cuộc chiến tranh đã qua. Chiến công mà quân đội và nhân dân Liên Xô đã thực hiện dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản trong cuộc đấu tranh chống phát-xít là chiến công có một không hai trong lịch sử thế giới. Khó mà đánh giá hết được ý nghĩa của việc tuyên truyền về chiến công đó.

Thực tế cuốn sách của tôi xuất bản khá chậm (vào năm 1973) là vì mấy lý do. Cần phải tiến hành một công tác to lớn trong kho lưu trữ và chuẩn bị cơ sở thực tế cho cuốn sách. Trong thời gian chiến tranh, tôi không hề nghĩ rằng tôi sẽ viết tập hồi ký chiến tranh này. Toàn bộ tâm tư và mối lo âu của tôi đều dồn vào cuộc chiến tranh này. Và sau chiến tranh trong một thời gian dài, tôi lại hết sức bộn bề công việc. Hơn nữa, tôi bị ốm lâu nên cũng cản trở công việc viết cuốn sách này.

Sau một thời gian khi cuốn sách được xuất bản, tôi đã nhận được nhiều thư đề nghị và nhận xét của bạn đọc. Với điều kiện cho phép, tôi đã sửa chữa lại một số chỗ trong cuốn sách cho sáng tỏ và bổ sung thêm. Tôi cũng đã viết thêm hai chương mới, tức chương “Phòng thủ anh dũng Lê-nin-grát” và chương “Ở Bộ Tổng tham mưu”, còn chương “Ở Viễn Đông” có bổ sung thêm.

***
A-lếch-xan-đrơ Mi-khai-lô-vích Va-xi-lép-xki sinh ngày 30 tháng Chín năm 1895 trong một gia đình linh mục, tại làng Nô-vai-a Gôn-tsi-kha-ô, thượng nguồn sông Vôn-ga. Suốt thời thơ ấu, đồng chí luôn luôn sống trong cảnh thiếu thốn, vì số tiền lương quá ít ỏi của người cha không đủ chi tiêu cho những nhu cầu tối thiểu của một gia đình đông con. Những người con từ nhỏ đến lớn, gồm 8 người, đều phải làm ruộng hoặc làm vườn. Về mùa đông, người cha còn phải đóng những chiếc bàn học sinh và những chiếc đõ ong để kiếm tiền sinh sống.

Mặc dù nghèo túng, nhưng bố mẹ của A. M. Va-xi-lép-xki vẫn cố gắng lo cho con cái được học hành. Mùa hè năm 1909, A. M. Va-xi-lép-xki tốt nghiệp trường dòng và mùa thu thì vào học ở chủng viện Cô-xtơ-rô-ma. Nhưng người dân Cô-xtơ-rô-ma rất lấy làm tự hào về những người đồng hương của họ là những người có danh tiếng, chẳng hạn như Ph. G. Vôn-cốp, người thành lập nhà hát Nga đầu tiên ở thành phố I-a-rô-xláp, nhà thơ A. N. Plê-se-ép, nhà văn A. Ph. Pi-xem-xki, nhà hàng hải G. I. Nê-ven-xki. Nhà soạn kịch vĩ đại A. N. Ô-xtơ-rốp-xki đã từng sống phần lớn đời mình ở Cô-xtơ-rô-ma.

Vào năm 1613, trong khu rừng thuộc tỉnh Cô-xtơ-rô-ma, bác nông dân I-van Xu-xa-nin đã lập nên chiến công yêu nước của mình. Bác dẫn một toán lính Ba Lan xâm lăng đi vào sâu trong rừng héo lánh và cuối cùng bị chúng tra tấn đến chết. Hai người lính Cô-xtơ-rô-ma đã cứu được đại công tước Mát-xcơ-va Đmi-tơ-ri Đôn-xcôi – người chỉ huy quân Nga trong trận tiêu diệt quân Tác-ta – Mông Cổ trên chiến trường Cu-li-cô-vô ngày 8 tháng Chín năm 1380.

Cũng nhu ở khắp nơi của nước Nga Sa hoàng, ở Cô-xtơ-rô-ma, cuộc sống của công nhân và nông dân thật vô cùng cực khổ. Bọn địa chủ, bọn chủ nhà máy và công xưởng đã thẳng tay bóc lột nhân dân lao động, là những người thường tỏ rõ sự bất bình của mình bằng những cuộc đấu tranh, những cuộc bãi công, v. v..

Những sự kiện nổ ra vào mùa xuân năm 1914 ở nhà máy sợi đã để lại dấu ấn rõ nét trong việc giáo dục ý thức chính trị cho người thanh niên Va-xi-lép-xki, công nhân của nhà máy đòi chủ tăng lương, bãi bỏ tiền phạt, đuổi một số tên đốc công thô bạo nhất, đòi ngày làm 8 giờ, chấm dứt việc truy nã đọc báo chí tiến bộ. Tên chủ nhà máy khước từ những yêu sách đó và những người thợ kéo sợi tuyên bố bãi công. Theo gương họ, công nhân các nhà máy khác cũng đứng lên đấu tranh.

Vào tháng Sáu, công nhân tất cả các xí nghiệp ở thành phố đều bãi công. Và đến cuối tháng đó, cuộc bãi công cũng nổ ra tại các nhà máy và công xưởng ở những thành phố khác trong tỉnh. Do bãi công có tính chất quần chúng nên công nhân đã giành được thắng lợi: bọn chủ nhà máy buộc phải thỏa mãn những yêu sách của họ.

Tháng Bảy-tháng Tám năm 1914, sau khi được vào học lớp cuối cùng của chủng viện, A. M. Va-xi-lép-xki về nghỉ hè ở chỗ bố mẹ. Khi biết tin chiến tranh bắt đầu nổ ra (ngày 1 tháng Tám, nước Đức đã tuyên chiến với nước Nga), đồng chí trở về Cô-xtơ-rô-ma và đề nghị được thi tốt nghiệp chủng viện theo chế độ thí sinh tự do, để sau đó tình nguyện vào quân đội.

Đề nghị của A. M. Va-xi-lép-xki được chấp nhận. Đồng chí hoàn thành tốt kỳ thi tốt nghiệp chủng viện và tháng Hai năm 1915 được ghi tên vào học trường quân sự Alếch-xê-ép tại thành phố Mát-xcơ-va. Sau hai tháng, Va-xi-lép-xki được phong cấp hạ sĩ quan và sau bốn tháng, tức là vào cuối tháng Năm năm 1915, đồng chí tốt nghiệp khóa đào tạo cấp tốc với cấp bậc sĩ quan thấp nhất và được điều vào đơn vị chiến đấu.

Vào tháng Chín, Va-xi-lép-xki được đề cử chỉ huy một nửa đại đội của đại đội 2, tiểu đoàn 1, trung đoàn 409 mang tên Nô-vô-khô-pi-ô-rơ-xcơ, thuộc sư đoàn bộ binh 103. Chính ở đây, đồng chi đã tham gia chiến đấu lần đầu tiên. Va-xi-lép-xki bị rơi vào tầm hỏa lực của địch nên đữ hiểu và thấy được thế nào là đạn trái phá của pháo binh, lựu đạn, thế nào là hỏa lực của súng cối và súng máy. Đối với đồng chí, cuộc sống thanh bình và nghề linh mục đã lùi vào dĩ vãng.

Trong suốt mùa thu và mùa đông năm 1916, lực lượng của tập đoàn quân 9, bao gồm sư đoàn bộ binh 103, đã tiến hành những trận địa chiến ở vùng phía Tây thành phố Khô-tin chống lại tập đoàn quân 7 của Áo – Hung. Binh linh của cả hai bên đều phải bám rễ vào các chiến hào. Để có thể sống được, trong các chiến hào của quân Nga, người ta đào những chiếc hầm đủ chỗ cho 2-3 người, có bếp lò bé bắng sắt và một lỗ nhỏ để đi vào, nói đúng hơn là để bò vào. Lỗ hầm được che bằng mảnh vải bạt. Không có công sự để tránh đạn pháo và súng cối.

Trong suốt mùa đông, nhiều lần trung đoàn được rời khỏi chiến hào để về nghỉ tại cơ sở của lực lượng dự bị của sư đoàn. Trong những ngày này, trước hết binh lính tắm rửa trong nhà tắm dã ngoại ở dưới hầm, sửa chữa và thay thế quân phục, quân trang và vũ khí.

Vào mùa xuân năm 1916, A. M. Va-xi-lép-xki được cử làm đại đội trưởng đại đội 1. Chẳng bao lâu sau, đại đội này được trung đoàn trưởng công nhận là đại đội khá nhất về mặt huấn luyện chiến đấu và kỷ luật quân sự. Sở dĩ Va-xi-lép-xki đạt được thành tích đó chủ yếu là do binh lính đã kính trọng và tin tưởng đồng chí.

Sau nhiều năm, khi A. M. Va-xi-lép-xki đã trở thành Nguyên soái Liên Xô, một số binh lính còn sống, trước đây là những người phục vụ trong đại đội đó, đã viết thư cho đồng chí, họ hồi tưởng lại thời gian đã cùng chiến đầu trong cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Nguyên soái Va-xi-lép-xki vui lòng trao đổi thư từ với họ.

Ngày 22 tháng Năm năm 1916, Phương diện quân Tây – Nam do tương A. A. Bru-xi-lốp chỉ huy bắt đầu tiến công. Nhiệm vụ của phương diện quân là mở mũi đột kích vào các thành phố Cô-ven, Lút-xcơ, Đu-bơ-nô, Lơ-vap. Ga-lích, tiêu diệt quân Áo – Hung và giải phóng đất đai bị địch chiếm đóng.

Tập đoàn quân 9, nơi mà A. M. Va-xi-lép-xki phục vụ, trong mùa đông được nghỉ ngơi ít nhiều, đã hồi phục lại sau những thất bại vào năm 1915 và tích cực chuẩn bị để tiến công tập đoàn quân 7 của Áo.

Cuộc tiến công của Phương diện quân Tây-nam phát triển có kết quả. Ngày 28 tháng Năm, tuyến phòng thủ của địch bị phá vỡ. Quân Áo bắt đầu rút lui toàn bộ. Tập đoàn quân 9 vừa đánh vừa mở rộng mũi và triển khai phạm vi tác chiến của mình. Chẳng hạn, các sư đoàn của quân đoàn kỵ binh 3 tiến lên dọc biên giới Ru-ma-ni, nhằm tách Ru-ma-ni khỏi Áo-Hung, còn sư đoàn bộ binh của A. M. Va-xi-lép-xki, sau khi vượt qua dãy núi Ốp-tsi-na – Ma-re và Ốp-tsi-na – Phre-đe-u, đã chiếm Tséc-nôp-xu và tiến về Tơ-ran-xin-va-ni.

Sau hai năm do dự, ngày 14 tháng Tám năm 1916, Ru-ma-ni đã tuyên chiến với Áo – Hung. Nhưng những tháng ngay sau đó đã chứng tỏ rằng quân đội Ru-ma-ni không được chuẩn bị cho chiến tranh. Do đó, vào tháng Mười một, quân đội Ru-ma-ni đã bị thất bại, thủ đô Bu-ca-rét bị thất thủ. Bộ chỉ huy Nga đành phải phái quân đội của mình đến và thành lập một phương diện quân mới, tức Phương diện quân Ru-ma-ni, nhằm cứu Ru-ma-ni khỏi bị thất bại hoàn toàn. Phương diện quân Ru-ma-ni mới có cả tập đoàn quân 9. Sư đoàn 103, nơi mà A. M. Va-xi-lép-xki chiến đấu, được tung vào hết khu vực này đến khu vực khác để bảo vệ các thành phố của Ru-ma-ni chống lại các cuộc tấn công của quân Áo.

Cuộc tiến công thắng lợi của Phương diện quân Tây-nam đã đi vào lịch sử với tên gọi “cuộc đột phá của Bru-xi-lôp”. Mặc dù những kết quả của nó không được vận dụng một cách đầy đủ do lỗi của Phương diện quân Tây hoạt động ở bên cạnh và của bộ chỉ huy tối cao, đứng đầu là Sa hoàng, song cuộc tiến công đó vẫn nổi tiếng trên thế giới và đã ảnh hưởng đền tiến trình và kết cục của cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất.

Đối với A. M. Va-xi-lép-xki, cuộc tiến công này cũng có ý nghĩa lớn, nhất là nó đã tạo cho đồng chí có những quan điểm nhất định về chuẩn bị và tiến hành trận đánh. Tất cả những điều đó rất có ích cho Va-xi-lép-xki trong thời gian sau này, khi tổ chức tác chiến trong những năm nội chiến.

Tháng Ba năm 1917, trong quân đội, mọi người đều biết rằng tại thủ đô của đế quốc Nga là Pê-tơ-rô-grát (nay là Lê-nin-grát) đã nổ ra một cuộc cách mạng; Sa hoàng đã buộc phải thoái vị. Quan đội chưa kịp tuyên thệ với tân Chính phủ lâm thời thì trong các binh đội và phân đội đã xuất hiện các Xô viết và ủy ban binh sĩ. Những người bôn-sê-vích đã bắt đầu tích cực đấu tranh giành quần chúng binh sĩ mà phần lớn là nông dân.

Trong hàng ngũ sĩ quan, kể cả trung đoàn của A. M. Va-xi-lép-xki, bắt đầu có sự hoang mang. Một bộ phận mà chủ yếu là sĩ quan chuyên nghiệp, ủng hộ chế độ quân chủ. Còn một bộ phận sĩ quan khác, chủ yếu tham gia quân đội trong thời kỳ chiến tranh, là bộ phận tiến bộ, sẵn sàng gần gũi với quần chúng binh sĩ. Lúc đầu thì dần dần, sau đó ngày càng nhanh chóng và tích cực hơn. A. M. Va-xi-lép-xki đã đi theo con đường đó. Cuộc nổi loạn phản cách mạng của Coóc-ni-lôp nổ ra vào tháng Tám năm 1917 đã làm tan vỡ hoàn toàn những ảo tưởng của Va-xi-lép-xki.

Sau những trận đánh ác liệt, trung đoàn của A. M. Va-xi-lép-xki được rút về nghỉ, thì đồng chí biết tin Cách mạng tháng Mười thành công. Binh lính sôi nổi thảo luận Sắc lệnh về hòa bình và ruộng đất. Họ vứt súng, bắt tay thân thiện với binh lính Áo, công khai nói lên những nỗi bất bình đối với bọn chỉ huy và chào mừng chính quyền mới, thể hiện quyền lợi của nhân dân và cố gắng đạt tới ký kết hòa ước. Binh lính bắt đầu tự phát giải ngũ

Trong những điều kiện đó, A. M. Va-xi-lép-xki suy nghĩ rằng: trước kia, là người yêu nước thì nghĩa vụ của mình đối với Tổ quốc là phải dẫn dắt binh sĩ chiến đấu. Còn bây giờ thì đồng chí mới rõ là người ta đã lừa dối nhân dân, rằng nhân dân không cần đến cuộc chiến tranh đó. Giờ đây, nhân dân cần có hòa bình. Quân đội cũ và Nhà nước xô-viết không dung hòa với nhau được. Theo đồng chí thì quyết định tốt nhất đối với thượng úy A. M. Va-xi-lép-xki là đoạn tuyệt con đường binh nghiệp và quay trở về lao động hòa bình. Cuối tháng Mười một năm 1917, Va-xi-lép-xki xin nghỉ và đến tháng Chạp thì về ở nhà ba mẹ.

Va-xi-lép-xki nghỉ ở quê hương không được lâu. Đồng chí thấy cần phải quyết định làm gì để có tiền sinh sống. Trong lúc còn đang đắn đo suy nghĩ thì phòng quân sự Xô-viết địa phương nhận được thông báo là theo nguyên tắc bầu chỉ huy hiện đang thi hành trong quân đội lúc bây giờ, hội nghị toàn thể của trung đoàn 409 (nơi trước đây A. M. Va-xi-lép-xki phục vụ) đã bầu A. M. Va-xi-lép-xki làm trung đoàn trưởng và đề nghị đồng chí đền trung đoàn để nhận chức.

Song, do tình hình phức tạp và không rõ ràng ở U-crai-na, phòng quân sự khuyên đồng chí không nên đến trung đoản. Va-xi-lép-xki đã làm theo lời khuyên đó. Chẳng bao lâu, do đề nghị của Va-xi-lép-xki là sử dụng mình vào công tác quân sự, nên đồng chí được cử làm huấn luyện viên trong Hệ thống huấn luyện quân sự toàn dân đang thi hành trong điều kiện nội chiến.

Hoạt động nhằm thành lập Hồng quân công nông và huấn luyện quân sự cho nhân dân được phát triển khắp nơi ở trong nước. Cũng như Va-xi-lép-xki, nhiều sĩ quan của quân đội Sa hoàng cũ đã làm việc trong lĩnh vực này. Đồng thời thượng úy A. M. Va-xi-lép-xki cảm thấy rằng mình có thể còn làm được nhiều hơn nữa trong công tác này, nhưng người ta không thu hút đồng chí làm việc tích cực hơn. Suy tính đến tình hình đó. Va-xi-lép-xki quyết định sẽ trở thành giáo viên trường làng. Nguyện vọng của đồng chí đã được thỏa mãn, và vào tháng Chín năm 1918, Va-xi-lép-xki bắt đầu làm việc ở trường tiểu học trong làng.

Trong lĩnh vực công tác mới, A. M. Va-xi-lép-xki làm việc rất nhiệt tình, đồng chí cho rằng cuối cùng mình đã tìm thấy nơi còn thanh bình mà mình mong muốn. Tuy nhiên, cả lòng yêu mến của các học sinh, cả quan hệ tốt với tập thể giáo viên cũng không làm cho đồng chí hoàn toàn thỏa mãn và không đáp ứng ý muốn của đồng chí.

Vậy thì Va-xi-lép-xki thiếu cái gì? đến tháng Tư năm 1919, đồng chí đã hiểu điều đó khi được gọi vào Hồng quân và được cử làm huấn luyện viên của trung đội (trung đội phó) ở tiểu đoàn dự bị 4 đóng trong thành phố Ê-phrê-mốp. Sau khi trở lại công tác quân sự, A. M. Va-xi-lép-xki hiểu rằng từ nay trở đi con đường đời của mình sẽ thẳng tắp và rõ ràng.

Mới chưa đầy một tháng, Va-xi-lép-xki đã chỉ huy một đội gồm 100 người chiến đấu chống lại cuộc tấn công của bọn cu-lắc và bọn phỉ ở tổng Xtu-pi-nô.

Bằng nỗ lực chung của toàn đội và đa số dân cư địa phương, các cuộc tấn công phản cách mạng của các phần tử thù địch đã bị dẹp tan.

Vào mùa hè năm 1919, tình hình trên các mặt trận của cuộc nội chiến trở nên phức tạp đối với nước Cộng hòa xô-viết. Quân bạch vệ, cầm đầu là tên tướng Sa hoàng Đê-ni-kin, từ phía Nam ồ ạt tiến công đến Mát-xcơ-va. Các tập đoàn quân của Phương diện quân Nam ra sức chặn đứng quân địch đã đặt chân tới những con đường dẫn đến Tu-la. Trong thành phố và các vùng xung quanh đã thành lập, huấn luyện và vũ trang các đội dân quân, xây dựng các công sự, hoàn thiện hệ thống phòng thủ. Tiểu đoàn dự bị 4 được triển khai thành trung đoàn gồm có ba tiểu đoàn, được chuyển từ Ê-phrê-môp đến Tu-la. A. M. Va-xi-lép-xki được cử làm tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 3. Trung đoàn được đưa vào biên chế của sư đoàn mà nòng cốt chủ yếu của nó là công nhân Nhà máy vũ khí và Nhà máy đúc thép.

Mặt trận mỗi ngày một tiến gần đến Tu-la. Tình hình ngày càng khẩn trương. Các đơn vị được bổ sung thêm lực lượng. Giữa Ô-ri-ôn và Tu-la và xung quanh Tu-la đã xây dựng bốn tuyến phòng thủ. Sư đoàn có tiểu đoàn của Va-xi-lép-xki chiếm lĩnh trận địa ở tuyến phòng thủ thứ ba.

Theo lệnh của ủy ban cách mạng, đầu tháng Mười, Va-xi-lép-xki bắt đầu chỉ huy trung đoàn bộ binh 5 được thành lập trên cơ sở tiểu đoàn Ê-phrê-mốp, ủy ban quân sự tỉnh đã gửi những người được gọi nhập ngũ có cảm tình với cách mạng đến bổ sung cho trung đoàn. Phần lớn họ là những binh sĩ của quân đội Sa hoàng cũ và đều đã tham gia cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất.

Vào tháng Mười, trung đoàn chiếm vị trí ở khu vực phòng thủ vững chắc gần I-a-xnai-a Pô-li-a-na. còn bộ tham mưu trung đoàn đóng ở làng Dai-txe-vô. Chính ở đây, họ được biết tin thành phố Ô-ri-ôn bị thất thủ. Nước Cộng hòa xô-viết đã lâm vào một tình hình khó khăn nhất trong suốt những năm nội chiến. Dưới sự lãnh đạo của V. I. Lê-nin, Bộ chính trị Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản (b) Nga, Chính phủ xô-viết đã đề ra những biện pháp cấp bách nhằm tăng cường phòng thủ và trước tiên nhằm củng cố Phương diện quân Nam, nâng cao khả năng chiến đấu cho các đơn vị của nó.

Những sự cố gắng hết sức to lớn đó đã được thực hiện có kết quả, vào hạ tuần tháng Mười năm 1919, quân bạch vệ đã bị thất bại nặng nề ở Ô-ri-ôn và Crô-mư, sau đó chúng phải tháo chạy về phía Nam.

Sau khi sự đe dọa từ phía Nam đối với nước Cộng hòa xô-viết trẻ tuổi giảm bớt thì tình hình ở phía Tây trở nên căng thẳng hơn, nơi mà nước Ba Lan tư sản-địa chủ chuẩn bị lực lượng chống nước Cộng hòa xô-viết. Tháng Chạp năm 1919, sư đoàn Tu-la, trong đó có trung đoàn 5, được lệnh chuyển sang Phương diện quân Tây và được gọi là sư đoàn bộ binh 48, còn trung đoàn dưới sự chỉ huy của Va-xi-lép-xki được chuyển thành trung đoàn 427 thuộc lữ đoàn bộ binh 143.

Theo quy tắc thực hiện lúc bấy giờ thì trước khi ra mặt trận, các cán bộ chỉ huy và các chính ủy phải báo cáo tại hội nghi của ủy ban cách mạng tỉnh về tình hình bộ đội của đơn vị mình. Trong báo cáo của mình, A. M . Va-xi-lép-xki, trung đoàn trưởng trung đoàn bộ binh 143, đã trình bày về sự sẵn sàng chiến đấu của trung đoàn, nhưng nói thêm rằng mình là trung đoàn trưởng chưa có đầy đủ kinh nghiệm chiến đấu và đề nghị cử vào chức vụ đó một người có kinh nghiệm hơn, còn đồng chí sẽ làm trung đoàn phó hoặc làm tiểu đoàn trưởng, đề nghị đó được chấp nhận và đồng chí được cử làm trung đoàn phó.

Khi ra mặt trận, lữ đoàn 143 được điều đến bổ sung cho sư đoàn bộ binh Pê-tơ-rô-grát 11. Trung đoàn 427 tăng cường cho lữ đoàn bộ binh 32, còn A. M. Va-xi-lép-xki do có sự tổ chức lại này, nên được cử làm trung đoàn phó trung đoàn 96 thuộc sư đoàn 11.

Từ tháng Hai đến tháng Tư năm 1920, sư đoàn 11 đã giữ vững tuyến phòng thủ trong vùng I-u-khô-vi-tsi – Ca-kha-nô-vi-tsi – Đri-xa chống lại các cuộc tập kích của bọn bạch vệ Lát-vi-a.

Đối với Va-xi-lép-xki, với tư cách là người chỉ huy của Hồng quân, thì thời kỳ phục vụ ở Phương diện quân Tây là giai đoạn thứ hai của việc rèn luyện kỹ năng chiến đấu, mà đồng chí rất lấy làm toại nguyện khi nhớ lại thời kỳ đó. Chính ở đây, đồng chí đã thấy rõ những sự khác nhau căn bản giữa quân đội của nhân dân đã chiến thắng với quân đội Sa hoàng cũ: sự thống nhất giữa binh sĩ và cán bộ chỉ huy, kể cả các chính ủy, thái độ khác hẳn về nguyên tắc đối với nghĩa vụ quân sự của mình, sự giác ngộ chính trị cao của các chiến sĩ, tất cả những cái đó đã làm cho Hồng quân biến thành một lực lượng mạnh mẽ.

Sau khi nhận được của Pháp và Anh số lượng vũ khí gồm: 1.500 khẩu pháo, 350 máy bay, gần 3.000 súng máy, hơn 300.000 súng trường, và sau khi đã tăng số quân lên đến 200.000 người, vào tháng Tư năm 1920, nước Ba Lan tư sản – địa chủ bắt đấu những hoạt động quân sự chống nước Cộng hòa xô-viết trẻ tuổi.

Trong lúc bọn bạch vệ Ba Lan đang tiến hành những hoạt động tích cực thì bộ đội Liên Xô ở Phương diện quân Tây cũng chuẩn bị đòn phản kích. Tập đoàn quân 15, mà trong đó có sư đoàn bộ binh 11, đảm nhiệm đòn đột kích chủ yếu. Tuyến đường sắt Pô-lốt-xcơ – Mô-lô-đê-snơ trở thành trục của các hoạt động tác chiến. Cụm bộ đội phía Bắc tiến công từ phía Bắc, tức là từ sông Đê-xna, còn tập đoàn quân 15 thì tiến công từ phía Đông, tức là từ sông U-la.

Sau khi chia cắt trận tuyền địch ở vùng thượng lưu Bê-rê-di-na, các binh đoàn của Phương diện quân Tây chuyển sang hướng Tây-nam nhằm phát huy chiến quả dọc biên giới Lít-va và tiến tới Tây Bê-lô-ru-xi-a. Sau khi tất cả các sư đoàn cùng lúc triển khai trên một chính diện dài 60 ki-lô-mét thì ngày 14 tháng Năm, tập đoàn quân 15 đã bất ngờ mở mũi đột kích vào quân địch. Sư đoàn bộ binh 11 là sư đoàn ở sườn bên phải đã tiếp sức với cụm quân xung kích và, sau đó, sáp nhập vào cụm quân này.

Mặt trận Ba Lan bị chọc thủng không gặp khó khăn gì đặc biệt và trung đoàn 96, mà A. M. Va-xi-lép-xki là trung đoàn phó, đã áp đảo quân địch, tiến thẳng về phía trước. Ngày 18 tháng Năm, bộ đội của Phương diện quân Tây gặp phải sự chống cự ngày càng tăng của bọn bạch vệ Ba Lan; vào lúc đó chúng đã có xe thiết giáp. Bộ đội xô-viết tiến lên một cách chậm chạp và trong những ngày đầu tháng Sáu, các sư đoàn của tập đoàn quân 15 bị căng ra trên một chính diện dài 180 ki-lô-mét và bị những tổn thất to lớn, bắt đầu phải rút lui. Đến sông Mơ-ni-u-ta, bộ đội tập đoàn quân đã trụ lại và buộc địch phải ngừng tiến công. Trận chiến đấu Bê-rê-di-na đã kết thúc tại đây.

Sau khi bổ sung người và vũ khí cho các binh đoàn của mình và bố trí lại lực lượng, bộ đội Phương diện quân Tây lại tiến công địch. Trong vòng vài ngày, tập đoàn quân 15 đã chiếm lại được khoảng đất mà vào tháng Năm họ đã buộc phải nhường cho địch, và tiếp tục tiến công thắng lợi vào Li-đa.

Khi tiến đến sông Nê-man, bộ đội xô-viêt vấp phải hệ thống công sự mạnh do quân Đức xây dựng ngay trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Sự kháng cự của bọn bạch vệ Ba Lan ngày càng tăng, và những trận đánh hết súc ác liệt đã bắt đầu.

Vào cuối tháng Bảy, giữa lúc trận đánh đang diễn ra hết sức ác liệt thì A. M. Va-xi-lép-xki được chỉ định làm trung đoàn trưởng trung đoàn 427 thuộc sư đoàn 48. Nhưng chẳng bao lâu mới biết là chức vụ này đã có người đảm nhiệm và Va-xi-lép-xki (theo đề nghị của đồng chí) lại được cử giữ chức vụ trung đoàn phó trung đoàn bộ binh 429 thuộc lữ đoàn trước đây của mình. Đến giữa tháng Tám, trung đoàn này, thuộc biên chế của sư đoàn 48, đóng ở khu vực Vin-nô, làm nhiệm vụ đồn trú.

Trong thời gian này, Phương diện quân Tây vừa có được những kết quả đáng mừng của chiến thắng tháng Bảy, vừa bị những hậu quả khá cay đắng của nỗi thất vọng tháng Tám. Bộ đội Hồng quân đã tiến tới Vác-sa-va. nhưng bị lực lượng của quân địch mạnh hơn chặn lại. Do kiệt sức trên chặng đường hành quân dài 500 ki-lô-mét, lại chịu những tổn thất nặng nề trong những trận chiến đấu liên tục và bị tách khỏi những cơ sở hậu cần nên bộ đội xô-viết buộc phải rút về phía Đông.

Ngày 18 tháng Tám, sư đoàn 48 được điều đến vùng Vôn-cô-vư-xcơ với nhiệm vụ là phải ngăn cản cuộc tiến công của địch. Sư đoàn đã mở mũi phản kích và chặn được quân địch ở vùng sông Xvi-xlô-tsơ. Trong vòng hai tuần lễ, trung đoàn 429 chiến đấu với kết quả thất thường, đã không cho địch tiến thêm nữa về phía Đông. Song, lực lượng của trung đoàn và cả sư đoàn đã bị kiệt quệ qua các trận đánh, và nó buộc phải rút lui, bỏ lại hết vị trí này đến vị trí khác.

Vào nửa cuối tháng Chín, sư đoàn 48 cũng như toàn bộ Phương diện quân Tây, tiếp tục rút về phía Đông; trước sức kháng cự quyết liệt của nó, cuối cùng địch buộc phải ngừng tiến công.

Mặc dù được các nước phương Tây giúp dỡ rất nhiều, song nước Ba Lan tư sản-địa chủ vẫn buộc phải từ bỏ những kế hoạch xâm lược của chúng và ký kết hòa ước vào tháng Mười năm 1920 ở Ri-ga.

Tháng Mươi một năm 1920, sư đoàn bộ binh 48 được điều đến tỉnh Xmô-len-xcơ, là nơi cho phục viên những quân nhân đã nhiều tuổi. Lúc này, A. M. Va-xi-lép-xki là tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn độc lập, còn sau đó là trung đoàn phó trung đoàn 424 thuộc lữ đoàn 142.

Từ đầu năm 1921, những đơn vị của sư đoàn có nhiều kinh nghiệm đấu tranh chống bọn phỉ đã được chuyển đến tỉnh Xa-ma-ra (nay là tỉnh Quy-bư-sép). Nhờ có những hành động kiên quyết và khôn khéo của các phân đội và binh đội của sư đoàn nên đến tháng Tám, những hành động phỉ trong vùng này đã bi tiêu diệt. Sau đợt hoạt động này, sư đoàn được điều về quân khu Mát-xcơ-va, còn trung đoàn 424 được bố trí ở thành phố Rơ-gịép. Chẳng bao lâu sau, A. M. Va-xi-lép-xki được chỉ định làm tham mưu trưởng lữ đoàn 142 thuộc sư đoàn của mình. Đây là chức vụ tham mưu đầu tiên của đồng chí.

Trong năm 1922. Hồng quân được bắt đầu cải tổ trên quy mô lớn. Những lữ đoàn trong tất cả các sư đoàn bộ binh đã bị bãi bỏ. Lúc bấy giờ, mỗi sư đoàn của các quân khu nội địa có ba trung đoàn, một trường dành cho cán bộ chỉ huy cấp dưới và các phân đội khác.

Bước tiến mới trong cơ cấu của Hồng quân công nông được diễn ra vào năm 1923, khi xây dựng các quân đoàn bộ binh, còn các sư đoàn thì được chuyển sang biên chế mới. Song song với các cuộc cải tổ, trong quân đội còn thực hiện việc phục viên. Khi cải tổ, binh đoàn và binh đội được hợp nhất lại. Lữ đoàn trở thành trung đoàn, còn trung đoàn thành tiểu đoàn.

Sau khi cải tổ, sư đoàn bộ binh 48 gồm có các trung đoàn bộ binh 142, 143, 144, một trung đoàn pháo binh, một trung đoàn kỵ binh và một số phân đội khác. A. M. Va-xi-lép-xki được chỉ định làm trung đoàn trưởng trung đoàn 142. Cần nói trước rằng đồng chí đã phục vụ ở sư đoàn này 10 năm và trong thời gian đó đã lần lượt chỉ huy tất cả các trung đoàn thuộc sư đoàn và, tất nhiên, đồng chí đã có nhiều kinh nghiệm chỉ huy trung đoàn.

Năm 1926, lúc là trung đoàn trưởng trung đoàn 143, A. M. Va-xi-lép-xki đã học một năm tại phân khoa cán bộ chỉ huy trung đoàn thuộc khóa chiến thuật bộ binh tên là “Tiếng súng”. Đây là một trong những trường học lâu đời nhất của Quân đội Liên Xô. Vai trò của nó trong việc đào tạo cán bộ chỉ huy cao cấp và trung cấp đã và vẫn là rất lớn.

Khóa học “Tiếng súng” được tổ chức vào tháng Mười một năm 1918. Từ năm 1919 đến năm 1928 tổng cộng có 4.000 cán bộ chỉ huy, trong đó có 505 trung đoàn trưởng, đã tốt nghiệp khóa học này. Trong những năm Chiến tranh giữ nước vĩ đại, khóa học này đã đào tạo cho Quân đội Liên Xô hơn 20.000 trung đoàn trưởng, tiểu đoàn trưởng, đại đội trưởng bộ binh.

Tháng Tám năm 1927, sau khi tốt nghiệp khóa học. A. M. Va-xi-lép-xki lại trở về trung đoàn 143. Lúc này, tư lệnh bộ đội quân khu Mát-xcơ-va là B. M. Sa-pô-sni-cốp, sau này là Nguyên soái Liên Xô, tổng tham mưu trưởng các Lực lượng vũ trang Liên Xô. Trong một thời gian dài, A. M. Va-xi-lép-xki và B. M. Sa-pô-sni-cốp đã cùng làm việc trong những điều kiện rất khác nhau, đôi khi hết sức phức tạp. B. M. Sa-pô-sni-cốp lớn tuổi hơn Va-xi-lép-xki. có nhiều kinh nghiệm hơn, và hơn ai hết, đồng chí là người có ảnh hưởng rất lớn đến Va-xi-lép-xki, đã truyền lại cho Va-xi-lép-xki những kinh nghiệm và kiến thức quân sự phong phú của mình.

Cuộc đời của B. M. Sa-pô-sni-cốp là cuộc đời của nhiều người đã tham gia quân đội cũ mà sau Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười vĩ đại họ đứng ngay về phía nhân dân. Trước Cách mạng tháng Mười vĩ đại không lâu, B. M. Sa-pô-sni-cốp là đại tá chỉ huy trung đoàn Mên-grê-li-a, sau đó, vào tháng Chạp năm 1917 thì được bầu làm sư đoàn trưởng sư đoàn Cáp-ca-dơ.

Tháng Năm năm 1918, Sa-pô-sni-côp tự nguyện gia nhập hàng ngũ Hồng quân và làm công tác tác chiến quan trọng trong các bộ tham mưu của Hội đồng quân sự tối cao, của Bộ dân ủy quân sự U-crai-na, còn từ mùa thu năm 1919, đồng chí làm việc trong bộ tham mưu dã ngoại của Hội đồng quân sự cách mạng của nước Cộng hòa.

Trong những năm nội chiến, B. M. Sa-pô-sni-côp đã trở thành một cán bộ tham mưu – tác chiến tầm cỡ lớn và là một nhà lý luận quân sự có tài. Đồng chí đã viết nhiều cuốn sách quan trọng và rất hay như: “Kỵ binh”, “Trên sông Vi-xla” và một cuốn sách gồm ba tập “Bộ óc của quân đội”. Cuốn sách này đã khái quát kinh nghiệm công tác và nghiên cứu vai trò của các Bộ Tổng tham mưu của quân đội các nước khác nhau. Trong những năm sau này, Nguyên soái Liên Xỏ B. M. Sa-pô sni-cốp đã giữ những trọng trách trong Hồng quân. Trong một thời gian dài, đồng chí là tổng tham mưu trưởng các Lực lượng vũ trang Liên Xô.

Sau B. M. Sa-pô-sni-côp, I. P. U-bô-rê-vích được chỉ định làm tư lệnh quân khu Mát-xcơ-va. Nguyên trước là thiếu úy của quân đội Sa hoàng, trong những năm nội chiến, đồng chí đã tỏ rõ là một trong những cán bộ chỉ huy quân sự xô-viêt rất có năng lực. Đồng chí là người có nhiều kinh nghiệm về quân sự và về công tác Nhà nước, có tài tổ chức bộ đội chiến đấu và huấn luyện tác chiến.

Chẳng bao lâu sau, U-bô-rê-vích đến thăm sư đoàn 48. Chuyến đi thăm của đồng chí rất bổ ích. Đồng chí yêu cầu tiến hành huấn luyện chiến đấu phải thật sát với những điều kiện chiến đấu thực tế. Đồng chí khuyên đội ngũ cán bộ chỉ huy phải có thái độ nghiêm khắc hơn đối với việc hoàn thiện trình độ kiến thức của mình và vận dụng toàn diện những kiến thức đó vào thực tế công tác.

Download ebook

Sự Nghiệp Cả Cuộc Đời – A. M.Vasilevsky


FULL:


AZW3


EPUB


MOBI


PDF

Download App tải ebook,sách nói, khóa học tốt nhất: https://h.nhuttruong.com/app
Website: https://www.trươngđịnh.vn
Page:https://www.facebook.com/truongdinhvn/
Mail:www.truongdinh.vn@gmail.com

Bookmark (0)
Please login to bookmarkClose

[toc] Giới thiệu ebook Sự Nghiệp Cả Cuộc Đời – A. M.Vasilevsky Tweet! Những năm gian khổ của cuộc Chiến tranh giữ nước vĩ đại của nhân dân Liên Xô…

Bookmark (0)
Please login to bookmarkClose

Trả lời