Rebecca Ở Trang Trại Suối Nắng

Rebecca Ở Trang Trại Suối Nắng

Giới thiệu

Rebecca Ở Trang Trại Suối Nắng




Tuyệt vời, ấm áp và đáng đọc” – Mark Twain

Cô bé Rebecca 11 tuổi thông minh, nhanh miệng, vui tính và hồn nhiên được mẹ gửi đến ở với hai người dì ở thị trấn Riverboro. Giờ thì cô bé phải bắt đầu làm quen với một cuộc sống mới, trường học, bạn bè, những người hàng xóm mới. Và trên hết là bà dì khó tính lúc nào cũng tìm cách soi lỗi của Rebecca.

Liệu những bộ quần áo đẹp và trường học có đáng để cô bé mơ mộng giàu tưởng tượng ấy phải hi sinh, hay sẽ khiến cô bé tìm cách quay trở về Trang Trại Suối Nắng?

Rebecca Ở Trang Trại Suối Nắng là cuốn tiểu thuyết thiếu nhi kinh điển sẽ đưa các em vào cuộc khám phá trải nghiệm tuyệt vời về con người và vùng quê nước Mỹ thế kỷ XIX. Đây thực sự là một tác phẩm hấp dẫn và có sức lôi cuốn mạnh mẽ, được nhiều tầng lớp độc giả yêu thích từ nhiều thập kỷ qua.

***

 

Review Sách “Rebecca Ở Trang Trại Suối Nắng”: Tác Phẩm Thiếu Nhi Kinh Điển Và Còn Hơn Thế Nữa

Gấp sách lại, tôi thấy tim mình đang đập rất nhanh, đến nỗi đang viết đây mà tay tôi vẫn run lẩy bẩy…  

Tôi không thích nói về văn phong về ý nghĩa về trẻ em về giá trị về này kia, tôi chỉ muốn nói về Adam Ladd – “chú Aladdin” của Rebecca, phân tích anh đến tận cùng, thêu dệt nên tất cả những gì tôi có thể thêu dệt về anh, vì đây chính là nhân vật khiến tôi đổ gục ngay từ giây phút đầu xuất hiện. (Tôi sẽ gọi ông chú 34 tuổi này là “anh”, theo như dịch giả gọi, và vì tâm hồn anh phù hợp với nhân xưng ấy).

Thật ra là, lúc đọc lời nhà văn Jack London gửi cho Kate Douglas Wiggin: “Tại sao cô bé không phải là con gái tôi? Tại sao người mua ba trăm bánh xà phòng kia không phải tôi? Tại sao, ôi, tại sao chứ?” – tôi cứ ngỡ “người mua ba trăm bánh xà phòng” hẳn phải là một ông bác phúc hậu, kiểu như sẽ là cha đỡ đầu gì đó của Rebecca chứ? Ai mà ngờ được đó lại là một “ông chú” trẻ tuổi ưa nhìn, người mà từ lần đầu xuất hiện đã lập tức trở thành tia nắng sưởi ấm cho cuộc đời Rebecca (hai người gặp nhau lần đầu khi Rebecca 12 tuổi, Adam 29 tuổi).   

Lúc đầu, chẳng hiểu sao cái tên chương báo hiệu sự xuất hiện của Adam khiến tôi rất chán – “Chú Aladdin”, như thể tác giả đang giả vờ úp mở rằng một ông chú tốt bụng sắp sửa xuất hiện. Tôi nghĩ, nếu là một ông chú tốt bụng thì chỉ cần bác Cobb là đủ rồi, chả cần thêm. Nhưng thật may, và thật tuyệt, là tôi đã lầm, vì ông chú này không chỉ tốt bụng, mà còn cực kỳ thú vị (và trẻ, và đẹp trai, và giàu có, wow!). Và rồi khi ông chú hào phóng quyết định mua hẳn ba trăm bánh xà phòng (khiến Rebecca kinh ngạc đến nỗi ngã ngửa khỏi hiên, rơi tõm vào lùm cây), tôi đã quyết định, mình thích ông chú này.

Cái sự “mua ba trăm bánh xà phòng” nói hào phóng thì cũng hào phóng đấy, nhưng theo lẽ thường, chắc phải lý giải theo kiểu bà bác Miranda của Rebecca (nhân vật khắc nghiệt nhất truyện) thì tôi thấy hợp lý hơn: 

“Ba trăm bánh xà phòng!” bà Miranda thốt lên. 

“Chao, thật đúng là có một cái loại mùa vụ chưa bao giờ thất thu ở Riverboro này!”“Mùa gì đấy ạ?” cô Lydia lịch sự hỏi.

“Mùa ngu.” 

(Ha ha ha, đây là đoạn tôi thích nhất truyện. Bác Miranda khắc nghiệt của chúng ta chửi người còn hay hơn hát).

Nhưng ba trăm bánh xà phòng ấy chính là cơ duyên cho sự quen biết của Adam và Rebecca. Lần đầu gặp gỡ, anh vì đôi mắt lanh lợi kia mà vung tay mua ba trăm bánh xà phòng (rồi để chất đống trong nhà kho chưa biết xài tới bao giờ), chỉ bởi cô bé bán những bánh xà phòng ấy – Rebecca, là cô bé “đặc biệt và có sức thu hút nhất” mà anh từng thấy.

Theo thời gian, anh chứng kiến cô bé ấy từng bước trưởng thành bằng ánh nhìn tán dương và trân trọng, nâng đỡ quan tâm cô theo một cách thật cẩn thận và tinh tế. Ví như, chỉ để “hợp lý hóa” món quà của mình và không gây nên thị phi không đáng có gì ảnh hưởng đến cô bé, vào những dịp mà không ai có thể nói ra nói vào (như Giáng Sinh chẳng hạn), anh tỉ mỉ chọn từng món quà cho cô nhưng luôn không quên tặng một món tương tự cho Emma Jane, bạn thân của Rebecca. Dù cô bé bạn thân nọ anh hầu như không nhớ được tên. Lại ví như, khi gia đình Rebecca gặp khó khăn, anh không trực tiếp ra mặt giúp đỡ, mà ý nhị tổ chức một cuộc thi viết luận với giải thưởng cao. Anh nghĩ thế này: 

Bạch Tuyết – Hoa Hồng cần giúp đỡ, mình chẳng có cách nào giúp cô bé mà không gây điều tiếng cả, nên cô bé phải tự đạt được nó, cô gái nhỏ tội nghiệp! Không biết tiền bạc của mình có phải luôn trở nên vô dụng mỗi khi mình cần đến hay không nữa!.

Và than ôi, tim tôi đập thình thịch khi đọc những dòng ấy. Cái cách anh muốn giúp nhưng luôn tìm lý do thật đường hoàng để giúp, cách anh trăn trở để sao cho mọi sự quan tâm của mình phải thật tự nhiên và thường tình. Sau lưng, anh không ngại nài nỉ cô giáo Maxwell hãy dùng tài lực của anh để hỗ trợ Rebecca, nhưng trước mặt Rebecca, anh luôn là một ông chú vui vẻ tốt bụng, chưa từng để cô phải khó xử vì điều gì. Có lẽ, thật ra, ngay từ đầu, ông chú chỉ đơn giản là yêu thích cô bé ấy, vì đứa trẻ này đáng yêu quá. Nhưng rồi, theo từng bước chân của cô bé, tận mắt chứng kiến đứa trẻ ấy ngày một trưởng thành và hoàn thiện, thấy viên ngọc ấy ngày một tỏa sáng rạng rỡ, có người nam nào lại giữ lòng được mà không rung động? Adam, có thể lúc nào anh cũng đủ chín chắn để tạo ra hoàn cảnh hợp lý cho mỗi sự quan tâm đối với Rebecca, nhưng một lúc nào đó, một giây nào đó, khi hình ảnh đôi mắt biết cười ấy chợt hiện ra và choán hết tâm trí anh, liệu anh có còn đủ lý trí như vậy không?

Sự thật là không. Khi anh mua chiếc ô hồng sặc sỡ và gửi khẩn cho cô bé của anh mà “chẳng chút mảy may băn khoăn”, anh đã để trái tim mình đánh gục lý trí. (Dĩ nhiên một tiếng sau anh đã vội tỉnh táo lại và mua thêm một chiếc ô xanh tặng cho Emma Jane, người bạn của Rebecca, lý do thì bên trên tôi đã đề cập rồi đấy).

Ôi! Yêu chết một Adam dễ thương như vậy. Tôi chẳng biết ý định của tác giả là gì, làm sao lại để nhân vật nam yêu thích của tôi hơn cô gái yêu thích của anh đến 17 tuổi chứ (17 tuổi – đúng gấp đôi số tuổi của Rebecca ở cuối truyện, hic). Nhưng tác giả đã xây dựng nên một Adam 34 tuổi mà không phải 54 tuổi, và tình cảm anh dành cho Rebecca là có thật. Dù rằng Rebecca của chúng ta từ đầu đến cuối vẫn ngây thơ như cô bé bán xà phòng ngày nào, ngưỡng mộ và kính trọng anh, đặt anh ở một vị trí rất quan trọng trong tim, nhưng mà yêu thì… thật lòng tôi cũng chẳng biết cái ngày Rebecca nhìn Adam với một ánh mắt khác có bao giờ đến hay không. Điều này dằn vặt tôi dữ lắm, và hẳn cũng đã và sẽ dằn vặt Adam không ít lần.

Nhưng tôi vẫn có quyền hi vọng chứ. Tôi sẽ hi vọng vào tương lai của họ theo cách đẹp đẽ nhất mà tôi có thể thêu dệt nên. Vì tác giả đã cho chúng ta cơ hội cơ mà (nói đơn giản là tác giả chả kết thúc đành đoạn gì cả).

Ừm, nói cho xôm nhưng tóm lại – Adam Ladd là nhân vật cực kỳ yêu thích của tôi trong truyện này, còn sự yêu thích của anh với Rebecca, mà có lẽ cũng là mọi người đọc dành cho Rebecca, thì hẳn là: “Tôi mừng là đã được gặp cô bé; tự hào vì quen biết cô thiếu nữ, và mong chờ được gặp người phụ nữ tương lai!”

***

hiếc xe ngựa chở khách cũ kỹ lóc xóc chạy trên con đường bụi mù từ Maplewood đi Riverboro. Mới giữa tháng Năm mà trời oi nóng như đang giữa mùa hè. Bác Jeremiah Cobb chiếu cố cho lũ ngựa hết mức có thể, song vẫn không quên mình đang đi đưa thư. Đồi còn nhiều. Bác thả lỏng đôi dây cương trong tay, uể oải ngả lưng trên ghế và duỗi một chân gác lên miếng chắn bùn xe cho thoải mái. Chiếc mũ vành đã sờn kéo sụp hẳn xuống che mắt, bác bỏm bẻm nhai một miếng thuốc lá bên má trái.

Trên xe có một hành khách – một người nhỏ bé tóc đen mặc váy trúc bâu bóng màu vàng nhạt. Cô bé người mảnh mai quá và ngồi thẳng đừ đến nỗi liên tục bị trượt từ chỗ này sang chỗ khác trên chiếc ghế nệm da, mặc dù cô đã gắng hết sức lấy chân tì sao cho mình ngồi đúng giữa ghế và hai tay mang găng vải bám chặt hai bên để giữ thăng bằng. Cứ lúc nào bánh xe thụt xuống rãnh sâu hơn bình thường, hay bất thình lình nảy xóc lên vì vấp phải hòn đá, là cô bé dù chẳng muốn vẫn cứ bị nảy lên một cái, rồi rơi xuống, thế là lại phải chỉnh lại chiếc mũ rơm nho nhỏ trông rõ buồn cười, rồi nhặt cái dù bé xinh màu hồng lên hoặc đặt lại cho nó ngay ngắn, một việc dường như là nhiệm vụ chính của cô – trừ phi chúng ta tính cả chiếc ví đính hạt cườm, mà cứ chốc chốc, khi điều kiện đường sá cho phép, cô lại dòm vào, và hài lòng ra mặt khi những thứ quý báu trong ấy không mất hay rơi đi tẹo nào. Bác Cobb chẳng biết tí gì về những phiền hà của việc đi lại ấy, bởi công việc của bác là đưa người ta đến nơi họ cần, chứ không nhất thiết phải làm cho họ đi đường được thoải mái. Thậm chí bác còn quên béng sự tồn tại của vị khách bé nhỏ không có gì đáng chú ý này.

Khi bác chuẩn bị rời bưu điện ở Maplewood sớm hôm ấy, một thiếu phụ bước từ xe ngựa chở hàng xuống, tới chỗ bác hỏi có phải đây là xe đi Riverboro, và bác có phải bác Cobb hay không. Khi bác trả lời rằng phải, thiếu phụ liền gật đầu với một cô bé đang háo hức đợi câu trả lời, và cô chạy ngay tới chỗ bà như thể sợ bị muộn mất dù chỉ là một tích tắc. Cô bé áng chừng mười, mười một tuổi, nhưng cho dù đã trải qua bao nhiêu mùa hè thì cô vẫn có vẻ nhỏ hơn so với tuổi của mình. Mẹ cô bé giúp con leo lên xe, đặt bên cạnh con một cái bọc và một bó hoa tử đinh hương, quan sát việc chằng buộc cái rương cũ ở phía sau, và cuối cùng tỉ mẩn đếm từng đồng bạc để trả lộ phí.

“Tôi nhờ bác đưa cháu đến chỗ mấy chị tôi ở Riverboro,” thiếu phụ nói. “Bác có biết Mirandy và Jane Sawyer không? Họ sống ở ngôi nhà gạch ấy.”

Lạy Chúa phù hộ, bác biết họ rõ như thể bác đã sinh ra họ ấy chứ!

“Là thế này, con bé sẽ đến đó, và hai chị ấy đang đợi cháu nó. Xin bác để mắt đến cháu nhé! Cháu nó mà thấy có thể ra ngoài bắt chuyện với người lạ hay rủ người ta đi cùng là nó làm ngay đấy ạ. Tạm biệt con, Rebecca; gắng đừng gây chuyện đấy, và phải ngồi yên, như thế thì khi đến nơi con mới chỉnh tề xinh đẹp được. Mà đừng có làm phiền bác Cobb nhé. Bác thấy đấy, nó đang háo hức lắm. Mẹ con tôi đi tàu từ Temperance đến đây từ hôm qua, nghỉ đêm ở nhà bà chị họ tôi và sáng nay mới đánh xe từ nhà chị ấy đến đây – những tám dặm đấy.”

“Tạm biệt mẹ, mẹ đừng lo lắng; mẹ biết mà, có phải con chưa đi xa bao giờ đâu cơ chứ.”

Thiếu phụ khẽ cười nhạo một tiếng và nói với bác Cobb giọng thanh minh, “Nó mới đến Wareham ngủ lại một đêm; chẳng đáng để mà tự hào là đi xa được!”

“Thế là đi xa chứ còn gì nữa mẹ,” cô bé nói giọng hào hứng và bướng bỉnh. “Rời trang trại này, chuẩn bị bữa trưa cho vào giỏ này, đi xe ngựa một lúc và đi tàu hỏa chạy bằng hơi nước nữa này, mình còn mang cả váy ngủ nữa.”

“Có nói thì cũng đừng nói cho cả làng nghe thế chứ,” người mẹ lên tiếng, cắt ngang dòng hồi tưởng của nhà du hành giàu kinh nghiệm. “Mẹ chẳng dặn con rồi,” thiếu phụ thì thầm, với nỗ lực thiết quân luật cuối cùng, “không được nhắc đến váy ngủ và tất dài và… những thứ tương tự, bằng giọng ông ổng lên thế, nhất là khi có đàn ông con trai xung quanh.”

“Con biết, mẹ, con biết mà, và con sẽ không như thế nữa đâu. Con chỉ muốn nói là…” – đến đây bác Cobb tặc lưỡi một tiếng, quất cương, và đôi ngựa khoan thai bắt đầu công việc hằng ngày của mình – “Con chỉ muốn nói rằng đi xa là khi…” – lúc này chiếc xe ngựa đã bắt đầu đi rồi nên Rebecca phải thò đầu ra ngoài cửa sổ để nói cho hết câu –“Đi xa là khi mà mình mang theo váy ngủ!”

Mời các bạn mượn đọc sách Rebecca Ở Trang Trại Suối Nắng của tác giả Kate Douglas Wiggin & Phạm Minh Điệp (dịch).

Download

Rebecca Ở Trang Trại Suối Nắng

Bookmark (0)
Please login to bookmark Close

Giới thiệu Rebecca Ở Trang Trại Suối Nắng Tweet! Tuyệt vời, ấm áp và đáng đọc” – Mark Twain Cô bé Rebecca 11 tuổi thông minh, nhanh miệng, vui tính và…

Bookmark (0)
Please login to bookmark Close