Quả Chuông Ác Mộng Ebook Pdf – Epub – Azw3 – Mobi

Quả Chuông Ác Mộng Ebook Pdf – Epub – Azw3 – Mobi

Download Ebook

Quả Chuông Ác Mộng

Pdf – Epub – Azw3 – Mobi


FULL:


AZW3


EPUB


MOBI


PDF

Giới thiệu

Quả Chuông Ác Mộng




Khi nhìn vào sự điên rồ của thế giới và thế giới của sự điên rồ, chúng ta luôn phải đối diện với câu hỏi: “Thực tại là gì và làm thế nào để chấp nhận nó?” Trong Quả chuông ác mộng, áp lực thực tại đã hủy hoại hoàn toàn Esther Greenwood xinh đẹp và tài năng, đẩy cô vào thế giới trầm cảm, chênh vênh giữa biên cảnh của khát vọng sống và ham muốn chết. Tự tử, một trò chơi u tối khó cưỡng của sợ hãi và tội lỗi, gây nghiện như ma túy, ban đầu chỉ mang tính thử nghiệm – nay vài giọt máu, mai một cơn nghẹt thở, chỉ cốt để xem cảm giác ấy ra sao. Dần dà, nó nhanh chóng bùng phát thành khát vọng điên cuồng của niềm tự diệt

***
Đã 56 năm kể từ ngày nữ thi sĩ – nhà văn người Mỹ Sylvia Plath cho ra đời cuốn tiểu thuyết định mệnh Quả chuông ác mộng , một tác phẩm bán tự truyện được phát hành trước vụ tự sát của chính cô chưa đầy một tháng khiến nó mang một màu sắc dự báo đầy ám ảnh.
Vì lo sợ cuốn tiểu thuyết có thể tác động tới đời sống của các nhân vật ở ngoài đời, nhà văn ban đầu đã xuất bản Quả chuông ác mộng dưới nghệ danh Victoria Lucas; và phải bốn năm sau cái chết của cô cuốn sách mới được tái bản dưới đích danh Sylvia Plath. Kể từ đó, Quả chuông ác mộng lập tức gây chấn động trong giới độc giả, bán được hàng triệu bản trên khắp nước Mỹ và được đưa vào chương trình giảng dạy phổ thông ở nhiều nơi trên thế giới.
Câu chuyện kể về Esther Greenwood, một cô gái trẻ dường như đang đứng trước tương lai trải hoa hồng với công việc thực tập tại một tạp chí danh giá ở New York (Mỹ). Tuy nhiên với bao nỗi lo lắng sợ hãi về vai trò được đòi hỏi ở bản thân đối với gia đình và sự nghiệp, Esther ngày càng cảm thấy bị cô lập khỏi thế giới bên ngoài và dần đánh mất mọi hứng thú và hi vọng, cũng như khả năng thực hiện những nhiệm vụ đơn giản trong cuộc sống thường ngày. Cô bỏ học, bắt đầu tìm cách tự sát, và bị đưa đi chữa trị ở nhiều nhà thương điên.
Những sự kiện chính trong truyện đều được rút ra từ chính cuộc đời của nữ nhà văn – công việc biên tập khắc nghiệt tại một nhà xuất bản có tiếng ở New York, ám ảnh tự sát, và những trải nghiệm chữa trị bằng sốc điện thiếu quy chuẩn. Khoảng gần mười năm trước khi sáng tác Quả chuông ác mộng, trong một lá thư gửi người bạn thân Sylvia Plath đã bộc bạch về cuộc vật lộn của mình với chứng trầm cảm: “Cái cách tôi quẩn quanh suốt cuộc đời mình trong bầu không khí loãng thếch dưới quả chuông này quả là khó tin”.
Quả chuông ác mộng được Công ty cổ phần Sách Tao Đàn và NXB Hội Nhà Văn xuất bản tháng 7.2019

Cả trước và sau Quả chuông ác mộng, hiếm có cuốn sách nào phơi bày những bằng chứng đích xác như thế về bản chất của bệnh tâm thần. Từ đầu truyện, trạng thái cách ly của Esther khỏi thực tại thể hiện rất rõ qua cách cô đón nhận các tác động ngoại lai rất bị động: “Bất chợt tôi cảm nhận được mặt đất dâng lên và đập vào mình. Bùn trào qua kẽ ngón tay…”. Đặc biệt ám ảnh là mỗi khi Esther nhìn vào gương, cô lại thấy hình ảnh ánh xạ kia như một cá thể tách biệt và vô hồn: “Khuôn mặt đang nhìn tôi trong gương giống như đang nhìn qua lưới sắt của phòng giam sau khi bị tra tấn lâu ngày”; “Trong gương phản chiếu hình ảnh tôi với đôi cánh trắng, tóc buộc đuôi ngựa, tái nhợt như hồn ma bồng bềnh giữa khung cảnh bên ngoài”. Plath gọi những cảm xúc này là bị nhốt bên trong một “quả chuông” – biểu tượng cho sự cô lập; chúng mạnh đến mức người ngồi bên trong cảm thấy bất lực trước bất kỳ một quyết định hay nhiệm vụ đơn giản nào của cuộc tồn sinh. Trên thực tế, vào những tháng cuối đời, bệnh trầm cảm đã khiến cho Sylvia Plath không còn khả năng sáng tác bất cứ thứ gì và đẩy cô vào trạng thái bất lực đến điên loạn. Cuối cùng cô đã chọn cách tự sát bằng hơi ga và không may mắn như Esther Greenwood trong sách, Sylvia Plath không bao giờ trở lại cuộc sống đời thường được nữa.
Thế nhưng chụp lên quả chuông tâm lý là một quả chuông khổng lồ hơn mang tính xã hội. Phụ nữ Mỹ thời hậu Thế chiến thứ hai, giai đoạn đánh dấu bùng nổ dân số và chủ nghĩa tiêu thụ, được đóng khung trong quan niệm cô ta chỉ có thể trở thành một người phụ nữ đáng mơ ước trong vai trò vợ hiền, mẹ đảm, và phục sức những thứ đồ đắt tiền. Trái ngược với đàn ông, người có thể cùng lúc theo đuổi đam mê, thăng tiến trong sự nghiệp lẫn làm chủ một gia đình thì người phụ nữ chỉ có thể chọn một con đường cho chính mình. Đây chính là chỗ thế giới quan của Sylvia Plath mâu thuẫn với thực trạng xã hội, một phụ nữ đã hình thành tư tưởng nữ quyền từ rất sớm trước khi phong trào nữ quyền của thế kỷ 20 thực sự phổ biến rộng rãi. Trong Quả chuông ác mộng, Sylvia Plath đã gói gọn tư tưởng của mình trong hình ảnh ẩn dụ về cây vả:
“Tôi thấy đời mình đang đâm cành trổ nhánh như cây vả xanh tươi trong truyện ngắn đã đọc.
Ở đầu mỗi cành, như một trái vả tím mọng, một tương lai tươi sáng đang lấp lánh chào đón tôi. Trái đầu tiên là một người chồng, ngôi nhà và những đứa trẻ, một trái khác là thi sĩ nổi danh, một trái khác nữa là giáo sư kiệt xuất […] Rồi trên cao, vượt lên những trái vả này là những trái khác mà tôi không thể nào nhận ra.
Tôi thấy chính mình đang ngồi trên chạc của cây vả này, người đói lả, chỉ vì không thể quyết định mình sẽ chọn trái nào. Trái nào trong số đó tôi cũng muốn, nhưng chọn một trái nghĩa là bỏ lỡ số còn lại, thế nên tôi ngồi trơ đó, băn khoăn chọn lựa, rồi những trái vả bắt đầu nhăn nheo sạm màu, từng trái, từng trái một rụng rơi xuống chân tôi”.
Bên cạnh đó, Sylvia Plath còn đưa vào Quả chuông ác mộng yếu tố đồng tính nữ như một phản ứng trước sự thống trị của nam giới. Trong truyện, nhân vật Joan Gilling cũng từng hẹn hò với Buddy Willard, bạn trai cũ của Esther Greenwood. Tuy nhiên về cuối tác giả hé lộ Joan là lesbian và giống như Esther, cô chưa bao giờ thực sự thích Buddy Willard. Yếu tố nữ quyền thể hiện rất rõ khi từ đầu câu chuyện, cả Esther lẫn Joan đều từng đụng độ với những gã đàn ông đểu cáng, hung bạo, ve vãn, thì đến cuối truyện, họ đều được bàn tay hiền hậu của phụ nữ che chở, và Joan thậm chí sinh tình cảm với Esther hay với nữ bệnh nhân Dee Dee:
“Một người đàn bà tìm thấy điều gì ở một người đàn bà khác mà cô ta không thấy ở đàn ông? Bác sĩ Nolan ngập ngừng. Rồi bà nói: Sự dịu hiền”.
Đối với người ở trong quả chuông thủy tinh, trống rỗng và ngưng đọng như một đứa bé chết non, bản thân thế giới là một cơn ác mộng. Sylvia Plath đã sống giữa cơn ác mộng ấy trong 30 năm ngắn ngủi của đời cô và trút hết những nỗi trăn trở miên trường vào tiểu thuyết duy nhất cô từng viết. Không chỉ dẫn ta đi sâu vào những góc khuất tối tăm của bệnh trầm cảm, Quả chuông ác mộng còn là tâm sự của một phụ nữ với tầm tư tưởng vượt trước thời đại, là tuyên ngôn mạnh mẽ về nữ quyền ngày càng có giá trị giữa thời nay.

***

Đó là một mùa hè dị thường, ngột ngạt và oi bức, mùa hè mà người ta đưa vợ chồng nhà Rosenberg lên ghế điện, còn tôi thì chẳng biết mình đang làm gì ở New York nữa. Tôi mù tịt về những vụ hành hình. Ý nghĩ phải lên ghế điện làm tôi phát ốm, nhưng đó là tất cả những gì có thể đọc được từ những tiêu đề giật gân trên báo chí cứ đập vào mắt tôi nơi các góc phố và ở mỗi lối xuống ga tàu điện ngầm ẩm mốc bốc mùi đậu phộng. Chúng chẳng liên quan gì đến tôi, nhưng tôi không thể không tự hỏi sẽ như thế nào khi các dây thần kinh bị thiêu sống.

Tôi nghĩ đó hẳn là điều kinh khủng nhất trần đời.

New York quả thực tồi tệ. Tầm 9 giờ sáng, sự tươi mát ẩm ướt giả tạo rỉ ra trong đêm đã tan biến như đoạn kết của một giấc mơ ngọt ngào. Chỉ còn lại vẻ xám xịt dưới đáy các thung lũng hoa cương, những con đường nóng rẫy loang loáng dưới ánh mặt trời, những mui xe kêu ri rỉ và lấp lánh sáng, bụi khô như than đỏ đâm vào mắt, tràn vào tận họng.

Tôi vẫn tiếp tục nghe về nhà Rosenberg trên radio nhiều đến nỗi khi ở văn phòng làm việc tôi không thể dứt bỏ nó ra khỏi tâm trí. Cũng giống như lần đầu tiên tôi nhìn thấy xác chết. Nhiều tuần sau, cái đầu thi thể – hay đúng hơn là những gì còn sót lại của nó – cứ lềnh bềnh lên món trứng và thịt nguội trong bữa sáng và đằng sau là gương mặt của Buddy Willard, người phải chịu trách nhiệm vì đã chỉ cho tôi thấy nó đầu tiên. Ngay sau đó, tôi cảm thấy như lúc nào cũng phải mang bên mình cái đầu lâu lơ lửng trên một sợi dây, tựa như một quả bong bóng màu đen không có mũi, hôi mùi giấm.

(Tôi biết mình có gì đó không ổn vào mùa hè ấy, bởi lúc nào tôi cũng chỉ nghĩ tới vụ án nhà Rosenberg và tôi ngu ngốc hết mức khi mua một lô quần áo đắt tiền, nhưng không chút tiện dụng nào chỉ để treo đầy tủ, và tất cả những thành công nho nhỏ mà tôi đã hạnh phúc khi gặt hái được ở trường trở nên vô nghĩa hoàn toàn khi đứng trước những cửa hiệu bằng đá cẩm thạch và kính, dọc theo đại lộ Madison.)

Tôi phải tận hưởng thời khắc đẹp đẽ của cuộc đời.

Tôi phải trở thành đối tượng ghen tị của hàng ngàn nữ sinh viên đại học ở khắp nước Mỹ, những cô gái không có mong muốn gì hơn là được dạo chơi với đôi giày da bóng cỡ số bảy mà tôi đã mua ở hiệu Bloomingdale nhân một lần đi ăn trưa, cùng với chiếc thắt lưng và túi xách đồng màu da đen bóng. Rồi khi ảnh tôi xuất hiện trên tờ tạp chí, nơi mười hai đứa chúng tôi đang làm việc, uống martini ở Starlight Roof, mình mặc áo yếm lấp lánh ánh kim cùng chiếc váy phồng bằng vải tulle trắng, được vây quanh bởi nhóm thanh niên xa lạ với cấu trúc xương kiểu Mỹ, thuê riêng cho những dịp thế này – hẳn mọi người sẽ cho rằng tôi đang quay cuồng thực sự.

Họ sẽ bảo, hãy nhìn xem cái gì đang xảy ra ở cái đất nước này. Một cô gái tỉnh lẻ sống ở vùng sâu vùng xa nào đó suốt mười chín năm trời, nghèo đến nỗi không mua nổi một tờ tạp chí, đột nhiên nhận được một học bổng đại học, rồi giành hết giải thưởng này sang giải thưởng khác, và tạo ảnh hưởng ở New York ngon lành như thể lái chiếc xe riêng của mình vậy.

Chỉ có điều tôi chẳng lái cái gì cả, kể cả bản thân mình. Tôi chỉ đi từ khách sạn đến nơi làm việc hoặc các bữa tiệc, rồi lại từ các bữa tiệc trở về khách sạn và tiếp tục đi làm như một chiếc xe điện tê cóng. Tôi nghĩ mình cũng có thể bị kích động như phần lớn những cô gái khác, nhưng tôi không thể tự phản ứng lại được. Tôi cảm thấy rất bình yên và trống trải tựa như mắt bão khi di chuyển một cách chậm chạp giữa tiếng mưa gào gió thét xung quanh.

Mười hai đứa chúng tôi đều ở khách sạn.

Chúng tôi vừa đoạt giải trong kỳ thi do một tạp chí thời trang tổ chức dự thi những bài luận, truyện ngắn, thơ và quảng cáo thời trang. Giải thưởng là một công việc ở New York trong vòng một tháng, mọi chi phí đều đã được đài thọ, thêm vào đó là hàng lô hàng lốc những món thưởng khác: vé ba lê, xem trình diễn thời trang, làm tóc tại một tiệm danh tiếng và cơ hội gặp được những người thành đạt trong lĩnh vực mà chúng tôi mơ ước, để nhận được những lời khuyên thích hợp với mình.

Tôi vẫn còn giữ cái hộp trang điểm mà họ đã tặng, vốn hợp với một cô nàng mắt nâu tóc vàng: một lọ mascara màu nâu với bàn chải nhỏ xíu, một ô phấn mắt màu xanh hình tròn chỉ vừa đủ lớn bằng đầu ngón tay, và ba thỏi son môi từ đỏ đến hồng, tất cả đều đặt trong một cái hộp nhỏ mạ vàng, mặt trong có kèm gương. Tôi cũng có một cái hộp đựng kính mát bằng nhựa trắng, được khảm xà cừ đủ màu và đính một con sao biển bằng nhựa màu xanh lá cây.

Tôi nhận ra rằng việc trao tặng những món quà này chính là cách quảng cáo miễn phí của các doanh nghiệp, nhưng tôi không thể không giữ chúng. Tôi từng hất văng tất cả những món quà trong tầm tay. Suốt một thời gian dài, tôi giấu biệt chúng đi, nhưng rồi khi bình tâm lại, tôi lôi chúng ra và bày khắp nhà. Đôi khi tôi dùng son môi, và mới tuần trước tôi đã cắt con sao biển bằng nhựa khỏi bao kính để làm đồ chơi cho một đứa bé.

Cả bọn mười hai đứa chúng tôi đều ở khách sạn, cùng một bên dãy ở cùng một tầng gồm các phòng đơn. Phòng nọ kế tiếp phòng kia làm cho tôi nhớ đến các phòng ở ký túc xá. Đây không phải là một khách sạn đúng nghĩa – tôi muốn nói đến khách sạn mà đàn ông và đàn bà ở lẫn lộn trên cùng một tầng.

Khách sạn Amazon này chỉ dành cho phái nữ, phần lớn là những cô gái cùng lứa tuổi tôi, gia cảnh giàu có, mong ước cho con gái mình sống ở một nơi mà bọn đàn ông không thể lui tới và lừa dối được: tất cả bọn họ đều theo học những trường sang trọng chuyên đào tạo thư ký như Katy Gibbs, nơi họ phải mang mũ, tất dài và găng tay đến lớp; hoặc những người vừa tốt nghiệp các trường như Katy Gibbs và trở thành thư ký cho các ủy viên cao cấp, và cứ quanh quẩn ở New York mong tìm được một anh chàng thành đạt nào đó để kết hôn.

Với tôi, những cô gái này buồn tẻ một cách khủng khiếp. Tôi thấy họ nằm phơi nắng, vừa ngáp vừa sơn móng tay và cố giữ cho làn da Bermuda rám nắng, nom họ nhạt nhẽo chết đi được. Tôi lân la tán chuyện với một người trong đám, cô nàng cho biết đã chán ngấy những chiếc thuyền buồm, chán ngấy những chuyến du hành bằng máy bay, và cả việc đi trượt tuyết ở Thụy Sĩ vào dịp Giáng sinh lẫn cánh đàn ông ở Brazil nữa.

Đám con gái đó làm tôi phát ốm. Họ khiến tôi ghen tỵ nhưng không dám nói thành lời. Mười chín tuổi đầu, tôi chưa từng bước chân ra khỏi New England trừ chuyến đi New York này. Đây là cơ hội lớn đầu tiên của tôi, thế nhưng giờ đây, nó đang như những giọt nước dần dần trôi tuột qua kẽ tay.

Tôi nghĩ một trong những phiền nhiễu của tôi chính là Doreen.

Tôi chưa từng quen một đứa con gái nào như Doreen. Cô nàng tới từ một trường nữ sinh dành cho giới thượng lưu ở miền Nam. Cô có mái tóc bạch kim bồng bềnh như một cây kẹo bông quanh đầu, cặp mắt xanh như hai viên mã não trong trẻo, cô cứng cỏi, thanh lịch và ương ngạnh, nụ cười giễu cợt luôn nhếch trên môi. Tôi không cho rằng đó là sự cay độc, mà là kiểu giễu nhại, pha chút thần bí, như thể tất cả mọi người xung quanh đều ngốc nghếch và cô ta có thể buông lời bỡn cợt họ bất cứ lúc nào.

Doreen để mắt tới tôi ngay lập tức. Cô làm tôi cảm thấy mình sắc sảo hơn mọi người, còn cô lại là con người rất hài hước. Doreen thường ngồi cạnh tôi mỗi lần hội họp và khi những vị khách danh tiếng tới thăm phát biểu, cô ta thì thầm vào tai tôi mấy lời nhận xét châm chọc tếu táo.

Cô ta bảo với tôi rằng trường của cô ta rất chú trọng chuyện thời trang. Tất cả nữ sinh phải có túi xách may cùng một loại với quần áo, thành thử mỗi lần thay đồ lại phải đổi túi xách cho phù hợp. Kiểu chi tiết tỉ mỉ này khiến tôi rất ấn tượng. Nó biểu thị một cuộc sống tuyệt diệu, xa hoa mà suy đồi, và thu hút tôi như một thanh nam châm.

Lần duy nhất mà Doreen hoạch họe tôi là về chuyện hoàn thành công việc đúng thời hạn.

“Cậu đổ mồ hôi cho việc đó làm gì?” Doreen hỏi, cô nàng mặc nguyên bộ đồ bằng tơ màu hồng đào ngả ngốn trên giường tôi, lấy một miếng giấy ráp giũa những móng tay dài vàng khè vì nicotin, trong khi tôi đánh máy lại bài phỏng vấn một tiểu thuyết gia thuộc dạng best-seller.

Đó lại là chuyện khác – còn thường thì chúng tôi khoác những bộ quần áo ngủ mùa hè bằng vải bông và áo choàng mặc ở nhà, hoặc có thể là những loại áo dài bằng vải kiểu mặc ngoài bãi biển. Duy có Doreen mới mặc những loại áo cực mỏng hay bằng ren gần như trong suốt, hoặc váy áo màu da, khiến người cô lúc nào cũng lách tách tình điện. Ở cô có một điểm thú vị nữa là luôn phảng phất một mùi mồ hôi hấp dẫn gợi tôi nhớ tới mùi hương khi ta vò nát những chiếc lá dương xỉ hình quạt giữa các ngón tay.

“Cậu nên biết mụ Jay Cee sẽ không nổi điên lên nếu cậu gác câu chuyện này đến mai hoặc thứ Hai đâu.” Doreen châm một điếu thuốc và nhả khói chầm chậm qua lỗ mũi, khiến đôi mắt cô trở nên mơ hồ.

“Mụ Jay Cee xấu như quỷ,” Doreen lạnh lùng nói tiếp. “Mình dám cá là lão chồng già của mụ phải tắt hết đèn trước khi gần gũi mụ, bằng không lão sẽ phát nôn ngay.”

Jay Cee là sếp của tôi, và tôi rất quý bà, bất kể Doreen có nói gì đi nữa. Bà không phải là loại người phù phiếm vẫn thường thấy trên các tạp chí thời trang với hàng lông mi giả và đồ trang sức hào nhoáng. Jay Cee là người có đầu óc, nên vẻ xấu xí của bà xem ra chẳng có gì hệ trọng cả. Bà nói được vài thứ tiếng và biết rõ những tay viết cứng cựa trong nghề.

Tôi cố hình dung ra cảnh bà Jay Cee cởi bộ đồng phục cứng nhắc cùng chiếc mũ dự tiệc, lên giường với lão chồng béo ị của bà, nhưng không tài nào hình dung được. Tôi luôn luôn rất khó khăn khi phải tưởng tượng ra cảnh người ta đang ngủ với nhau.

Jay Cee luôn muốn dạy dỗ tôi, tất cả những bà lớn tuổi khác mà tôi quen biết đều như vậy, nhưng tôi cho rằng họ chẳng có điều gì để chỉ bảo tôi cả. Tôi đóng nắp máy chữ rồi khóa lại.

Doreen cười nhăn nhở: “Thông minh đấy!”

Chợt có tiếng gõ cửa.

“Ai đấy?” Tôi không buồn đứng dậy.

“Betsy đây. Cậu có đi dự tiệc không?”

“Chắc có đấy.” Tôi vẫn không ra mở cửa.

Betsy được đưa thẳng từ Kansas về đây cùng mái tóc hoe vàng tết kiểu đuôi ngựa và nụ cười kiểu những cô nàng thiện tâm. Tôi nhớ một lần hai đứa chúng tôi được mời tới văn phòng của một đạo diễn truyền hình mặc bộ đồ sọc, để xem thử có góc độ nào nơi chúng tôi khả dĩ phù hợp với một chương trình của ông không. Và Betsy bắt đầu nói về loại ngô đực ngô cái ở Kansas. Cô nàng hào hứng với thứ ngô chết tiệt này đến mức nhà đạo diễn phải rưng rưng mắt lệ, nhưng sau đó ông ta nói rằng lấy làm tiếc bởi chẳng có gì hữu dụng cả.

Sau này, người phụ trách thẩm mỹ thuyết phục Betsy cắt tóc và cho cô nàng lên bìa báo, tôi thi thoảng còn thấy khuôn mặt của cô đang tươi cười trên mẫu quảng cáo “Vợ của P.Q mặc đồ nhà B.H. Wragge.”

Betsy lúc nào cũng rủ tôi làm việc cùng cô và vài cô nàng khác nữa, cứ như thể đang cố cứu vớt tôi không bằng. Cô chẳng bao giờ rủ Doreen cả. Doreen lén gọi riêng với tôi là con nhỏ cao bồi Pollyanna.

“Cậu có muốn đi cùng taxi với bọn tớ không?” Betsy hỏi vọng vào.

Doreen lắc đầu.

“Được rồi, Betsy.” Tôi nói. “Tớ sẽ đi cùng với Doreen.”

“Ừ!” Tôi nghe tiếng Betsy đi xuống đại sảnh.

“Tụi mình ghé qua một lát, khi nào oải quá thì về.” Doreen bảo tôi, dụi tắt điếu thuốc lá vào đế cây đèn đọc. “Rồi tụi mình xuống phố. Những buổi tiệc tùng ở đây làm mình nhớ lại những lần khiêu vũ trong phòng thể chất ở trường. Tại sao chúng nó cứ phải bám lấy bọn Yale? Chúng ngốc bỏ xừ!”

Mời các bạn đón đọc Quả Chuông Ác Mộng của tác giả  Sylvia Plath & Trần Quế Chi (dịch).

Download

Quả Chuông Ác Mộng


FULL:


AZW3


EPUB


MOBI


PDF

Bookmark (0)
Please login to bookmarkClose

Download Ebook Quả Chuông Ác Mộng Pdf – Epub – Azw3 – Mobi FULL: AZW3 EPUB MOBI PDF Giới thiệu Quả Chuông Ác Mộng Tweet! Khi nhìn vào sự điên…

Bookmark (0)
Please login to bookmarkClose