Những Thứ Họ Mang
[toc]
Giới thiệu ebook
Những Thứ Họ Mang
Nỗi buồn chiến tranh cho tới nay vẫn được đánh giá là một trong những tác phẩm văn chương hay nhất về cuộc chiến Việt Nam. Là Nỗi buồn chiến tranh phiên bản Mỹ, những Jimmy Cross, Chuột Kiley, Mitchell Sanders, Henry Dobbins hay Kiowa mang theo mình những vật dụng và vũ khí nặng nề cho các cuộc hành quân, và họ còn gánh vác cả những gì vô hình, có thể là tình yêu nhưng cũng có thể là niềm thù hận, nỗi sợ, và cả sự hèn nhát. “Cố cứu cuộc đời” sau này “bằng một câu chuyện kể”, Những thứ họ mang, trong niềm tuyệt vọng không sao thoát ra quá khứ của nó, xuất phát từ một thôi thúc nội tâm không thể kiểm soát và kết thúc bằng một niềm thanh thản tương đối, khi những câu chuyện ấy đã được kể ra, “những gì họ mang” đã nhẹ đi một phần.
- Những thứ họ mang
- Yêu
- Xoáy
- Trên dòng sông mưa
- Thù
- Bạn
- Làm thế nào kể một câu chuyện chân thực về chiến tranh
- Nha sĩ
- Người tình sông Trà Bồng
- Tất chân
- Nhà thờ
- Kẻ mà tôi giết
- Phục kích
- Phong cách
- Nói về lòng can đảm
- Ghi chú
- Trên cánh đồng
- Hình thức tốt
- Chuyến đi thực địa
- Lính ma
- Sống về đêm
- Cuộc sống của những người chết
Review “Những thứ họ mang”
Tác giả: Tim O’brien
Hôm trước ở lớp Tạp Dịch thầy đặt cho lớp mình một câu hỏi “Cụm từ nào trong tiếng Anh Mỹ có từ “Việt Nam”. Mình thật sự ngỡ ngàng khi tìm ra đáp án, đó là cụm “MY VIETNAM” hoặc “MY PERSONAL VIETNAM. Khi người Mỹ nói “It is my (personal) Vietnam”, nó không có nghĩa rằng “đây là Việt Nam của tôi”, mà chính xác là “đây là sự khó khăn/ nỗi sợ/ cơn ác mộng của tôi”. “My Vietnam” đã được người Mỹ dùng khi cần miêu tả hay than vãn về một sự khó khăn, một nỗi sợ hoặc một nỗi tang thương kinh khủng (bạn có thể tham khảo thêm về định nghĩa của từ này ở Urban Dictionary: “A difficult situation that one experienced that is “sort of” as traumatic and harrowing as fighting in a long and brutal war”)
Vậy lý do là gì? Tại sao người Mỹ lại khiếp sợ Việt Nam, bị ám ảnh đến nỗi dùng từ “Việt Nam” để miêu tả tất cả những cảm xúc tiêu cực này?
Sẽ có một ai đó trong chúng ta trả lời rằng, vì Việt Nam chúng ta nhỏ bé nhưng đã kiên cường và đánh đuổi được cường quốc Mỹ, chúng ta đã dùng dao, gậy, gộc mà thắng với súng ống, xe tăng, thiết giáp khiến Mỹ bại trận thảm hại, tổn thất nặng nề và từ đó phải kiêng dè, nể sợ chúng ta. Đáp án này có thể đúng, nhưng “Những thứ họ mang” của Tim O’brien sẽ cho chúng ta thêm một đáp án khác, một đáp án mà mình nghĩ chưa thầy cô nào nói cho chúng ta nghe trong suốt 12 năm học lịch sử ở trường phổ thông, một đáp án mà chúng ta cũng nên nhìn nhận để mà khiêm cung hơn, để nhìn cuộc chiến từ cả hai phía với góc nhìn nhân văn hơn.
Cũng như những người lính Việt của Bảo Ninh trong “Nỗi buồn chiến tranh”, những người lính Mỹ của Tim O’Brien cũng chẳng khác gì. Họ cũng là con người, họ cũng có gia đình, có bạn gái, có những kí ức tuổi thơ nơi sân bóng, có một thời trẻ trâu ở trường cấp hai, và có những ước mơ tương lai của tuổi mới lớn. Họ còn có chung sự thù ghét chiến tranh, họ biết khiếp sợ cái chết, họ day dứt vì quá khứ, và họ muốn phát điên vì những nỗi ám ảnh. Những thứ họ mang đến Việt Nam không chỉ có súng trường kích khí, súng phóng lựu, áo chống đạn, mũ sắt, thực phẩm, thuốc an thần, không chỉ là tượng Di Lặc, là tất vớ của bạn gái,… họ còn mang theo “nỗi sợ không gì cân nổi” (Tr.14), “họ cùng mang gánh nặng kí ức” (Tr.24) và tất nhiên “họ mang mạng sống của chính mình” (Tr.25). Bạn hãy cầm quyển sách lên, lật qua từng trang, và bạn sẽ thấy những thứ họ mang nặng nề và đau khổ đến nhường nào.
Mình tin rằng tác giả khi viết truyện này và mình khi viết review này, không có ý ngụy biện hay che đậy những tội ác mà người Mỹ đã gây ra khi đến Việt Nam. Mình không chối bỏ lịch sử. Mình chỉ mong muốn rằng khi đọc tác phẩm này, bên cạnh việc chỉ nghe về người Mỹ như những thủ phạm của những chết chóc tang thương với những trận thảm sát, những cuộc càn quét, những đợt thả độc dioxin; chỉ mong mỗi chúng ta hãy thử đặt thêm ba câu hỏi, những người lính Mỹ là ai, lý do gì họ tham gia chiến tranh Việt Nam và họ (và gia đình họ) được gì sau cuộc chiến?
Những thứ họ mang hầu hết là cần thiết mới mang. Trong số những thứ không thể thiếu hoặc gần như không thể thiếu có dao mở đồ hộp P-38, dao bỏ túi, viên Trioxin châm lò, đồng hồ đeo tay, thẻ ghi tên, thuốc đuổi muỗi, kẹo cao su, kẹo, thuốc lá, viên muối, gói Kool-Aid, bật lửa, diêm, kim chỉ. Chứng nhận Thanh toán cho Quân nhân, khẩu phần C, và hai ba bi đông nước. Gộp hết lại, các thứ này nặng từ 15 đến 20 pao, tùy theo thói quen hay mức tiêu thụ của từng người. Henry Dobbins, vốn bự con, phải mang thêm khẩu phần; hắn đặc biệt khoái đào đóng hộp dầm xi rô đặc rưới lên bánh trứng. Dave Jensen, vốn coi trọng chuyện vệ sinh khi tác chiến hiện trường, thì mang bàn chải răng, chỉ xỉa răng, thêm vài bánh xà bông loại thường thấy trong khách sạn, mấy bánh này hắn thó được ở Trung tâm Nghỉ ngơi Giải trí dành cho quân nhân ở Sydney, Úc. Ted Lavender, vốn hay sợ, thì mang những viên an thần cho đến khi hắn bị bắn vào đầu ở ngoài làng Thần Khê hồi giữa tháng Tư. Do cần thiết, mà cũng do quy định bắt buộc, tất cả đều mang mũ cối bằng thép nặng 5 pao kể cả lớp lót và khăn trùm ngụy trang. Họ mang áo khoác và quần đi trận đúng chuẩn. Rất ít người mang đồ lót. Chân họ mang bốt đi rừng – nặng 2,1 pao – và Dave Jensen mang ba đôi tất cùng một lon bột bôi chân của bác sĩ Scholl để phòng chứng bợt da chân. Cho đến khi bị bắn, Ted Lavender mang sáu, bảy ao-xơ thuốc phiện hạng xịn, với hắn đây là thứ không thể thiếu. Mitchell Sanders, lính trực điện đài, mang bao cao su. Norman Bowker mang một cuốn nhật ký. Chuột Kiley mang mấy cuốn truyện tranh. Kiowa, là tín đồ Báp tít thuần thành, mang một cuốn Tân Ước có minh họa mà cha hắn tặng cho, ông là người dạy trường dòng ở Oklahoma City, bang Oklahoma. Tuy nhiên, phòng những lúc gian nguy, Kiowa cũng mang cả lòng nghi ngại của bà hắn đối với người da trắng, chiếc rìu săn cũ của ông hắn. Là do cần thiết cả. Bởi vùng này đầy rẫy mìn với bẫy với chông, theo quy định mỗi người phải mang một áo giáp bên trong là thép, ngoài phủ ni lông, nặng 6,7 pao, song hôm nào nóng thì có vẻ nặng hơn nhiều. Bởi ta có thể chết rất nhanh, nên mỗi người mang theo ít nhất một cuộn băng gạc to, thường là nhét ngay trong đai mũ cối cho dễ lấy. Bởi ban đêm trời lạnh và bởi các tháng mùa mưa thường nhiều mưa ướt át, nên mỗi người mang một tấm pông-sô bằng nhựa màu xanh lục có thể dùng làm áo mưa hay đệm trải đất hay lều tạm. Với lớp lót có chần, tấm pông-sô nặng gần 2 pao, nhưng nó đáng giá từng ao-xơ một. Chẳng hạn, vào tháng Tư, khi Ted Lavender bị bắn chết, họ dùng tấm pông-sô của hắn bọc hắn lại, khiêng hắn qua cánh đồng, nâng hắn lên đưa vào chiếc trực thăng chở hắn đi.
Họ được gọi là leg (cẳng) hay grunt, kiểu như “lính trơn”.
Mang cái gì đó thì họ bảo là hump (“khuân”) nó, như khi Thiếu úy Jimmy Cross khuân tình yêu hắn dành cho Martha lên mấy ngọn đồi, qua những đầm lầy. Hump cũng được dùng theo nghĩa “đi”, hay “hành quân”, nhưng nó hàm nghĩa sự nhọc nhằn lớn hơn gấp bội chứ không phải chỉ đi mà không khuân một cái gì.
Hầu như ai cũng khuân những bức ảnh. Trong ví, Thiếu úy Cross mang hai tấm ảnh Martha. Tấm thứ nhất là một tấm Kodacolor có ghi “Yêu”, mặc dù hắn biết đấy có phải là yêu thật hay không. Nàng đứng dựa bức tường gạch. Mắt nàng màu xám và không biểu lộ gì, môi nàng hơi hé trong khi nàng nhìn thẳng vào ống kính. Thỉnh thoảng, ban đêm, Thiếu úy Cross tự hỏi ai chụp tấm ảnh ấy, bởi hắn biết nàng có không chỉ một bạn trai, bởi hắn quá yêu nàng, và bởi hắn có thể thấy bóng của người chụp ảnh đổ xuống bức tường gạch. Ảnh thứ hai được cắt ra từ cuốn kỷ yếu năm 1968 của trường Mount Sebastian. Đó là một bức ảnh chụp khi người ta đang vận động – môn bóng chuyền nữ – và Martha đang khom người xuống song song với mặt đất, gần chạm tới sàn, hai lòng bàn tay nàng nổi bật sắc nét, lưỡi căng, vẻ mặt chân thành đầy chí khí tranh đua. Không thấy có mồ hôi. Nàng mặc quần thể thao trắng. Cặp chân nàng, hắn nghĩ, hầu như chắc chắn là chân của một gái trinh, khô, không lông, đầu gối trái cong lại chịu toàn bộ sức nặng của nàng, vốn chỉ hơn 100 pao một chút. Thiếu úy Cross nhớ mình từng chạm vào cái đầu gối trái ấy. Một rạp xi nê tối, hắn nhớ vậy, hôm ấy là phim Bonnie và Clyde, Martha mặc váy bằng vải tuýt, thế rồi giữa chừng cảnh cuối, khi hắn chạm đầu gối nàng, nàng quay lại nhìn hắn đầy buồn bã, tỉnh táo khiến hắn rụt tay lại, nhưng hắn rồi sẽ luôn luôn nhớ cảm giác sờ tay vào cái váy vải tuýt ấy và cái đầu gối bên dưới nó cùng với tiếng súng đã giết chết Bonnie và Clyde, nó khiến hắn bối rối xiết bao, nó chậm và đè nặng xiết bao. Hắn nhớ mình đã hôn tạm biệt nàng nơi cửa ký túc xá. Hắn nghĩ, ngay khi đó lẽ ra hắn nên làm gì đó dũng cảm. Lẽ ra hắn nên mang nàng lên cầu thang tới tận phòng nàng đoạn trói nàng vào giường và sờ cái đầu gối trái đó suốt cả đêm. Lẽ ra hắn nên liều làm vậy. Cứ hễ nhìn mấy tấm ảnh đó, hắn lại nghĩ ra những điều mới mà đáng lẽ hắn đã làm.
Những thứ họ mang một phần là do cấp bậc, một phần là do chuyên môn khi tác chiến hiện trường.
Là thiếu úy và chỉ huy trung đội, Jimmy Cross mang la bàn, bản đồ, sổ tay mật mã, ống nhòm, và một khẩu súng lục 45 ly nặng 2,9 pao nạp đủ đạn. Hắn mang một cây đèn pin cỡ mạnh và mang trách nhiệm đối với sinh mạng của quân lính hắn.
Là lính thông tin liên lạc, Mitchell Sanders mang máy ra-đi-ô PRC-25, nặng vô cùng, 26 pao kể cả pin.
Là lính quân y, Chuột Kiley mang một cái xắc cốt bằng vải bố đựng đầy moóc phin rồi thì huyết tương rồi thì thuốc trị sốt rét rồi thì băng phẫu thuật rồi thì truyện tranh và tất cả những gì mà lính quân y vẫn thường mang, kể cả sô cô la M&M’s cho những vết thương đặc biệt nặng, tất cả cộng lại nặng gần 20 pao.
Là người bự con, và do vậy là lính súng máy, Henry Dobbins mang khẩu M-60, nặng 23 pao nếu không nạp đạn, nhưng nó hầu như luôn luôn nạp đạn. Ngoài ra, Dobbins mang từ 10 đến 15 pao đạn giắt trong băng đạn quấn quanh ngực và vai.
Là binh nhất, hầu hết bọn họ là bộ binh cho nên họ mang súng trường chuẩn M-16 tự nạp đạn bắng khí nén. Súng này nặng 7,5 pao nếu không nạp đạn, còn nạp đủ băng 20 viên thì nặng 8,2 pao. Tuy thuộc nhiều nhân tố, tỉ như địa hình và tâm lý, các tay súng trường mang theo từ 12 đến 20 băng đạn, bất cứ số nào trong khoảng ấy, thường giắt trong quai đeo súng bằng vải, tức cộng thêm từ 8,4 pao là ít nhất cho đến 14 pao là nhiều nhất. Nếu như có, họ còn mang cả bộ dụng cụ bảo trì M-161 que thông nòng, bàn chải thép, tuýp đựng dầu LSA – tất cả nặng chừng một pao. Trong đám lính bộ, một số người mang súng phóng lựu M-79, 5,9 pao nếu không nạp lựu, kể cũng là nhẹ nếu không kể lựu đạn, cái này thì nặng. Một quả là đã nặng 10 ao-xơ. Một lần nạp bình thường 25 quả. Nhưng Ted Lavender, vốn hay sợ, mang tới 34 quả vào cái lúc hắn bị bắn chết ngoài làng Thần Khê, hắn ngã gục dưới một gánh nặng khác thường, trên 20 pao đạn, cộng thêm áo giáp thép và mũ cối và lương thực và nước và giấy vệ sinh và thuốc an thần và mọi thứ khác, cộng thêm nỗi sợ không gì cân nổi. Hắn gục tắp lự và cả cái đống trình trịch đó gục xuống ngay đơ theo. Không quằn quại không lăn lộn không gì hết. Kiowa nhìn thấy chuyện xảy ra, hắn bảo giống như là nhìn tảng đá rơi hay bao cát bự hay gì đấy – bùm một cái, thế là rồi, sụm – chứ đâu như trong phim, thằng cha bị bắn chết cứ lăn lông lốc rồi lộn vòng vòng chả giống ai rồi thì ngã dúi dụi đầu xuống đất đít lên trời – chả có gì như vậy hết á, Kiowa nói, thằng chó tội nghiệp cứ thế gục đứ đừ. Bùm. Gục. Không gì khác. Ấy là một sáng đẹp trời giữa tháng Tư. Thiếu úy Cross cảm thấy đau. Hắn tự buộc tội mình. Họ lột hết bi đông và đạn của Lavender, tất tật các thứ nặng, và Chuột Kiley nói ra điều ai cũng thấy, thằng oắt chết rồi, và Mitchell Sanders dùng điện đàm báo cáo rằng một lính Mỹ chết khi đang thi hành nhiệm vụ và xin một chiếc trực thăng. Rồi họ quấn Lavender lại trong tấm pông-sô của hắn. Họ mang hắn ra một cánh đồng khô, thiết lập an ninh, rồi ngồi hút chỗ cần sa của người chết cho tới khi trực thăng tới. Thiếu úy Cross lặng lẽ một mình. Hắn hình dung khuôn mặt mịn màng tươi trẻ của Martha, nghĩ hắn yêu nàng hơn mọi thứ, hơn quân của hắn, và giờ đây Ted Lavender chết bởi hắn yêu nàng quá và không sao thôi nghĩ về nàng. Khi trực thăng quân y tới, họ mang Lavender lên. Sau đó họ đốt Thần Khê. Họ hành quân cho tới mặt trời lặn, họ đào công sự cá nhân, và đêm đó Kiowa giải thích mãi rằng thì tụi bây phải có mặt đặng mà tận mắt thấy, chuyện xảy ra nhanh tới cỡ nào, thằng cha tội nghiệp cứ thế sụm xuống cứ như bao xi măng. Bùm, sụm, hắn nói. Hệt như xi măng.
Ngoài ba thứ vũ khí chuẩn là M-60, M-16 và M-79, họ mang bất cứ thứ gì có trong tay, hoặc bất cứ thứ gì có vẻ thích hợp làm phương tiện để giết hay để sống còn. Họ có gì mang nấy. Có những lúc, trong một số hoàn cảnh, họ mang M-14 và CAR-15 và súng máy Carl Gustav M/45 của Thụy Điển và súng máy hạng nhẹ và AK-47 và Chi-Com và súng chống tăng và cạc bin Simonov tịch thu của địch và Uzi và súng lục Smith & Wesson 38 ly và LAW 66 ly và súng ngắn và bộ hãm thanh và dùi cui bọc da và lưỡi lê và thuốc nổ C-4 bằng chất dẻo mua ở chợ đen. Lee Strunk mang một cái ná bắn đá, thứ vũ khí dùng khi đến nước cùng, hắn bảo. Mitchell Sanders mang mấy bộ khớp ngón để đánh đấm, làm bằng đồng. Kiowa mang chiếc rìu gắn lông chim của ông hắn. Cứ ba bốn người thì có một người mang một quả mìn sát thương Claymore – 3,3 pao cộng cả thiết bị châm ngòi. Tất cả đều mang lựu đạn văng miểng – mỗi quả 14 ao-xơ. Tất cả đều mang ít nhất một quả lựu đạn khói màu – 24 ao-xơ. Vài người mang CS hay lựu đạn cay. Vài người mang lựu đạn phốt pho trắng. Họ mang tất tật những gì mang được, rồi thêm vài thứ nữa, kể cả một niềm kính sợ câm lặng dành cho cái sức mạnh kinh khiếp của những thứ họ mang.
Trong tuần đầu tháng Tư, trước khi Lavender chết, Jimmy Cross nhận được một bùa may mắn của Martha gửi. Đó là một hòn sỏi đơn sơ, nặng một ao-xơ là cùng. Sờ vào nhẵn nhụi, màu trắng sữa phớt cam phớt tím, hình ô van, như một quả trứng nhỏ xíu. Trong thư gửi kèm theo, Martha viết là nàng tìm thấy hòn sỏi trên bờ biển New Jersey, chính ở nơi đất giáp liền với nước mỗi khi triều lên, nơi mọi vật tụ hội bên nhau nhưng cũng cách xa nhau. Chính cái phẩm tính cách-xa-nhưng-ở-bên-nhau này, nàng viết, đã xui khiến nàng nhặt hòn sỏi lên cất vào túi áo mấy ngày liền, ở đó nó dường như không trọng lượng, thế rồi gửi nó đi bằng bưu điện, đường hàng không, như là biểu tượng cho cảm xúc chân thật nhất của nàng dành cho hắn. Thiếu úy Cross nghĩ thế này thật lãng mạn. Nhưng hắn tự hỏi đích xác ra thì cảm xúc chân thật nhất của nàng là gì, ý nàng là sao khi nàng nói cách-xa-nhưng-ở-bên-nhau. Hắn tự hỏi những con triều và ngọn sóng đã đóng vai trò gì vào buổi chiều hôm đó trên bãi biển New Jersey nơi Martha thấy hòn sỏi và cúi xuống cứu nó thoát khỏi số phận nhập vào cấu trúc của đất. Hắn mường tượng đôi chân trần. Martha là nhà thơ, với tính nhạy cảm của nhà thơ, chân nàng chắc hẳn nâu và để trần, móng không sơn, đôi mắt lạnh, trầm tĩnh như đại dương vào tháng Ba, và mặc dù đau đớn, hắn tự hỏi ai đã ở bên nàng chiều hôm đó. Hắn mường tượng một đôi bóng đen đi dọc bờ cát nơi mọi thứ tụ hội bên nhau nhưng cũng cách xa. Đó là một cơn ghen vớ vẩn, hắn biết, nhưng hắn không ghìm mình được. Hắn yêu nàng quá. Giữa khi hành quân, suốt những ngày nóng bức đầu tháng Tư, hắn ngậm hòn sỏi trong miệng, dùng lưỡi vần qua vần lại, nếm vị muối và cái ẩm ướt của biển. Tâm trí hắn để đâu đâu. Khó khăn lắm hắn mới chú tâm được vào cuộc chiến. Đôi khi hắn quát bảo lính của hắn dàn rộng đội hình, ráng mà căng mắt ra, nhưng rồi hắn lại trôi tuột về những cơn mơ mộng, cứ giả vờ, đi chân trần dọc bờ biển Jersey, cùng với Martha, chẳng mang gì. Hắn sẽ lại thấy mình dâng lên. Mặt trời và sóng và gió nhẹ, tất cả là tình yêu và sự nhẹ tênh.
Những thứ họ mang thay đổi tùy theo nhiệm vụ.
Khi một nhiệm vụ buộc họ phải lên núi, họ mang theo mùng, dao quắm, vải bạt, và mang thêm nhiều thuốc chống côn trùng.
Nếu một nhiệm vụ có vẻ đặc biệt nguy hiểm, hoặc nếu để thi hành thì phải đến một nơi họ vốn đã biết là tệ hại, họ mang bất cứ cái gì có thể mang. Ở một số vùng tác chiến đặc biệt nhiều mìn, dày đặc thôi thì Top Popper rồi lại Bouncing Better1, họ thay nhau khuân cái máy dò mìn nặng 28 pao. Với những cặp tai nghe và cái đĩa cảm ứng to, thiết bị này đè nặng lên vùng thắt lưng và vai, rất khó xoay chuyển, thường là vô dụng do trong lòng đất đầy những mảnh đạn vỡ, nhưng họ vẫn cố mang, phần là để an toàn, phần là do ảo tưởng về sự an toàn.
Khi đi phục kích, hay làm những nhiệm vụ ban đêm khác, họ mang những thứ vặt vãnh chẳng giống ai. Kiowa luôn luôn mang cuốn Tân Ước và một đôi giày da hươu của dân da đỏ để đi không thành tiếng. Dave Jensen mang những viên vi-ta-min giàu ca-rô-ten cho sáng mắt. Lee Strunk mang cái ná; chả bao giờ phải lo chuyện đạn, hắn bảo. Chuột Kiley mang rượu bờ-ren-đi và kẹo M&M’s. Cho đến khi bị bắn chết, Ted Lavender mang kính nhìn đêm, nặng 6,3 pao kể cả cái hộp đựng bằng nhôm. Henry Dobbins mang cái tất quần của bạn gái hắn quấn quanh cổ để làm thứ trấn an tinh thần. Tất cả đều mang những bóng ma. Đêm đến, họ mò ra ngoài xếp thành hàng một đi qua đồng qua ruộng để đến tọa độ phục kích, nơi họ sẽ lặng lẽ đặt mìn Claymore rồi nằm xuống chờ suốt đêm.
Mời các bạn đón đọc Những Thứ Họ Mang của tác giả Tim O’Brien.
Download ebook
Những Thứ Họ Mang
FULL: |
Download App tải ebook,sách nói, khóa học tốt nhất: https://h.nhuttruong.com/app
Website: https://www.trươngđịnh.vn
Page:https://www.facebook.com/truongdinhvn/
Mail:[email protected]
[toc] Giới thiệu ebook Những Thứ Họ Mang Tweet! Nỗi buồn chiến tranh cho tới nay vẫn được đánh giá là một trong những tác phẩm văn chương hay nhất…