Những Quy Tắc Để Trẻ Thông Minh Và Hạnh Phúc

Những Quy Tắc Để Trẻ Thông Minh Và Hạnh Phúc



FULL:


AZW3


EPUB


MOBI


PDF

[toc]


Giới thiệu

Những Quy Tắc Để Trẻ Thông Minh Và Hạnh Phúc

ebook PDF-EPUB-AWZ3-PRC-MOBI


Trong cuốn sách bestseller của New York Times, “Luật trí não”, Tiến sĩ John Medina đã chỉ ra cho chúng ta thấy não bộ hoạt động như thế nào và vì sao chúng ta cần thiết phải thiết kế lại nơi làm việc, chỗ học tập. Và giờ đây, với cuốn sách “Những quy tắc để trẻ thông minh và hạnh phúc” (Brain rules for Baby), ông tiếp tục chia sẻ những phát hiện mới nhất của các nhà khoa học về cách phát triển trí thông minh và cảm xúc cho trẻ ở độ tuổi từ 0 – 5. Cuốn sách này được viết để “cách mạng” hóa các bậc cha mẹ. Một ví dụ điển hình và câu trả lời đầy ngạc nhiên được đưa ra là: Cách tốt nhất để con bạn vào được trường Đại học theo kỳ vọng? Rất đơn giản: hãy dạy chúng cách kiểm soát cơn bốc đồng của mình.

Những quy tắc để trẻ thông minh và hạnh phúc” (Brain rules for Baby) sẽ vượt qua được khoảng cách/sự khác biệt giữa những điều các nhà khoa học khuyên và những điều cha mẹ làm. Thông qua những câu chuyện hấp dẫn và vui nhộn, Medina với tư cách là cha đẻ của bộ môn sinh học phân tử thực nghiệm, đã làm sáng tỏ cách não bộ của trẻ nhỏ phát triển như thế nào và làm cách gì để có thể đạt tới sự phát triển toàn diện cho trẻ.

Đây cũng là những điều thực sự cần thiết dành cho những ông bố, bà mẹ tương lai, những người đang băn khoăn trước hằng hà sa những thông tin về việc chăm sóc và nuôi dạy trẻ ngày nay.

“Medina đã tạo ra một kỳ công: trình bày một cách đơn giản nhất quy luật phát triển của bộ phận phức tạp vào bậc nhất của con người – não bộ Hài hước, khéo léo và thực sự thuyết phục. Ai cũng nên đọc cuốn sách này.”- John Ratey, Tiến sĩ y khoa, tác giả cuốn Spark and a user’s guide to brain.

***

Đây là một trong những cuốn sách đầu tiên về nuôi dạy con cái mà tôi đã đọc, một trong những cuốn sách phổ biến nhất ở Mỹ. Sách giải thích về sự phát triển của trẻ và nêu lên các điều mà bố mẹ có thể làm ngay từ thời kỳ thai nghén đến khi bé 5 tuổi để giúp bé thông minh, hạnh phúc và có đạo đức.

Điều tôi thích ở cuốn sách này là:

• Các luận điểm lời khuyên tác giả đưa ra đều dựa vào kết quả nghiên cứu đã được kiểm chứng, tạo nên tính khoa học đáng tin cậy.

• Có rất nhiều thông tin thú vị và bổ ích, các lời khuyên đều rất thực tế.

• Cấu trúc của sách rõ ràng, dễ theo dõi.

Điều tôi chưa thích lắm là trong một số phần, tác giả đi rất sâu vào giải thích sự phát triển của bào thai, não bộ và các kiến thức khoa học khác. Có thể một số người đọc yêu khoa học sẽ rất thích thú với phần này. Nhưng bản thân tôi thấy nhiều lúc tác giả viết quá dài dòng, phức tạp hoá và không thực sự cần thiết cho phần ứng dụng.

Trong bài viết này, tôi sẽ tóm tắt các thông tin mà tôi thấy bổ ích. Nếu các bạn muốn biết thêm chi tiết của các phần và danh sách các nghiên cứu, xin hãy tìm hiểu thêm trong cuốn sách.

Đây là danh sách các phần sẽ được đề cập tới trong bài viết này (xem chi tiết dưới hình trong album này):

1. Điều cần biết trong giai đoạn bầu bí cho sự phát triển của trẻ

2. Mối quan hệ của bố mẹ có ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của bé

3. Làm thế nào để giúp trẻ thông minh

Nếu mọi người thấy hữu ích, cứ tự nhiên share.

Phần 4 và 5 dưới đây sẽ tiếp tục được cập nhật khi tôi đọc xong cuốn sách:

4. Làm thế nào để giúp trẻ hạnh phúc

5. Làm thế nào để giúp trẻ có đạo đức

***

LỜI GIỚI THIỆU

Cứ mỗi lần giảng về sự phát triển của não bộ trẻ em cho các ông bố bà mẹ tương lai, tôi lại mắc sai lầm. Tôi vẫn ngỡ là các bậc cha mẹ mong chờ được nghe những chỉ dẫn khoa học, lôi cuốn về não bộ trong tử cung – nào là bản chất sinh học của mào thần kinh , nào là di trú sợi trục … Nhưng đến phần hỏi đáp ngay sau mỗi buổi giảng, trăm lần như một, luôn là 5 câu hỏi. “Con tôi có thể học được những gì khi còn nằm trong bụng mẹ?” “Con cái sẽ ảnh hưởng thế nào đến cuộc hôn nhân của vợ chồng tôi?” “Làm thế nào để đảm bảo là con gái bé bỏng của tôi được hạnh phúc đây?” (Những nỗi lo điển hình của các bà mẹ) “Tôi nên dạy dỗ thế nào để con tôi vào được trường Harvard?” (Thường là bận tâm của các ông bố) “Làm thế nào để nuôi dạy cháu tôi cho tử tế?” Đôi khi tôi bắt gặp câu hỏi này từ những người bà mệt mỏi phải gánh hộ cô con gái nghiện ma túy trách nhiệm làm cha làm mẹ. Bà không muốn tình trạng tương tự lặp lại.
Tôi hoài công lèo lái cuộc đối thoại sang địa hạt đặc thù của những sai biệt thần kinh, rốt cuộc các vị phụ huynh vẫn cứ xoay cuộc nói chuyện quanh năm câu hỏi này – hết lần này tới lần khác. Cuối cùng, tôi vỡ lẽ. Tôi cứ chăm chăm diễn giải cho các vị phụ huynh thấy các vấn đề y học chuyên sâu, trong khi họ chỉ cần những điều thiết thực mà thôi. Vậy nên, cuốn sách này sẽ không dính dáng gì đến bản chất của sự điều chỉnh gene trong quá trình phát triển não bộ. Thay vào đó, Những quy tắc để trẻ thông minh và hạnh phúc sẽ được dẫn dắt bởi chính những câu hỏi thực tế mà các thính giả của tôi không ngừng nêu ra.
“Quy luật Trí não” là cách gọi những gì chúng ta vẫn hiểu rõ xung quanh cách thức hoạt động của não bộ giai đoạn vài năm đầu đời của trẻ. Mỗi điều ấy lại được khai thác từ những vỉa kiến thức chuyên ngành lớn hơn, nào tâm lý học hành vi, sinh học tế bào và sinh học phân tử. Mỗi phần được lựa chọn dựa vào tác dụng hỗ trợ cho các vị lần đầu làm cha, làm mẹ trong việc gánh vác một nhiệm vụ muôn phần gian nan – chăm sóc cho một đứa trẻ bé bỏng.
Hiển nhiên là tôi hiểu nhu cầu có được những câu trả lời bức thiết đến nhường nào. Việc đón đứa con đầu lòng có thể ví như làm một ly chuếnh choáng hỗn hợp nửa mừng nửa khiếp hãi, gắn kèm cả mớ những biến đổi chưa ai từng nói cho bạn biết bao giờ. Chính tôi đã được nếm trải cảm xúc này: tôi có hai cậu con trai, cả hai đứa đặt ra cả tá những câu hỏi hóc búa, rồi chuyện phải hành xử ra làm sao, mà không có bất kỳ chỉ dẫn nào. Tôi sớm nhận ra rằng mọi sự chẳng phải chỉ có vậy. Những đứa trẻ tiềm ẩn sức hút mạnh như lực hấp dẫn, có thể làm dấy lên trong tôi cả những tình cảm mãnh liệt và sự gắn bó bền vững. Chúng còn hút như nam châm: tôi không thể cưỡng lại mong muốn ngắm nghía những chiếc móng tay toàn mỹ không tì vết, đôi mắt trong veo và cả những món tóc gây cảm xúc vô bờ. Đến khi đứa con thứ của tôi ra đời, tôi mới hiểu rằng hóa ra có thể san sẻ tình yêu đến mức vô tận mà không cần giảm bớt. Riêng với chuyện làm cha mẹ, “nhân lên bằng cách chia ra” hóa ra là việc hoàn toàn có thể.
Là một nhà khoa học, tôi biết rõ là việc quan sát quá trình phát triển của trí não trẻ nhỏ mang lại cảm giác như thể ngồi ở hàng ghế đầu mà chứng kiến một Vụ Nổ Lớn trong lĩnh vực sinh học vậy. Não bộ khởi đầu chỉ từ một tế bào đơn lẻ trong tử cung, khẽ khàng như một bí mật. Trong vỏn vẹn vài tuần, các tế bào thần kinh đã sinh sôi với tốc độ đáng kinh ngạc – 8.000 tế bào/giây. Và chỉ trong vài tháng, nó đã bước vào quá trình hình thành nên cỗ máy tư duy tinh xảo nhất thế gian. Những bí ẩn này không chỉ tăng thêm sự ngỡ ngàng và tình thương yêu, mà với một ông bố “mới tò te” như tôi là cả nỗi âu lo và rất nhiều thắc mắc.

NHAN NHẢN CHUYỆN HOANG ĐƯỜNG

Các bậc cha mẹ cần cơ sở khoa học xác thực về việc nuôi dạy con cái, chứ không chỉ là lời khuyên răn thuần túy. Bất hạnh thay, tìm những thông tin xác thực như thế trong núi cẩm nang nuôi dạy hiện nay chẳng khác gì mò kim đáy bể. Nào sách vở, blog. Nào bảng thông tin, file âm thanh, nào “kinh nghiệm sống” được truyền lại từ các bà mẹ chồng và họ hàng thân thích – bất kỳ ai, miễn là đã từng nuôi một đứa con. Thông tin không thiếu, có điều, các vị phụ huynh khó biết được nên tin vào đâu.
Cái hay của khoa học là ở chỗ: khoa học không về phe ai – và cũng chẳng ép uổng ai. Một khi bạn xác định đặt lòng tin ở công trình nghiên cứu nào, bức tranh lớn sẽ hiện lên còn những hoang đường, thần bí sẽ dần tan. Tôi lọc các nghiên cứu bằng “nhân tố hà khắc” do tôi đặt ra. Để được xuất hiện trong cuốn sách này, trước hết, các nghiên cứu phải được xuất bản trong nhiều tài liệu tham khảo, sau đó được sao chép chính xác. Một số còn được trích đi trích lại trong nhiều tác phẩm. Còn với những tài liệu khác, tuy đáng tin cậy nhưng vẫn chưa được kiểm nghiệm chặt chẽ qua thời gian, tôi đều ghi chú rõ ràng.
Đối với tôi, việc nuôi dạy con cái rốt cuộc xoay quanh việc phát triển trí não. Tôi là một nhà sinh vật học về tiến hóa và phân tử đặc biệt say mê nghiên cứu nguồn gốc di truyền của chứng rối loạn tâm thần. Công việc chính của tôi là cố vấn riêng, chuyên gia làm theo giờ cộng tác với các cơ quan nghiên cứu nhà nước cần một chuyên gia di truyền học có chuyên môn về sức khỏe tâm thần. Ngoài ra, tôi còn sáng lập Học viện Talaris, có trụ sở ở Seattle, ngay sát Đại học Washington, nơi có sứ mệnh ban đầu là chuyên nghiên cứu xem trẻ sơ sinh xử lý thông tin ra sao từ các cấp độ phân tử, tế bào và hành vi. Đấy cũng chính là nguyên do đưa đẩy tôi đến với việc diễn thuyết trước các nhóm cha mẹ.
Lẽ dĩ nhiên là các nhà khoa học không thể biết tất cả mọi điều về não bộ. Nhưng những kiến thức chúng ta đã biết giúp chúng ta nuôi dạy nên những đứa con thông minh, hạnh phúc. Và đó cũng là tâm nguyện chung, bất kể bạn mới phát hiện ra rằng mình có bầu, hay bạn đã có một đứa trẻ chập chững biết đi, hay nhận ra rằng mình phải tự nuôi dạy cháu chắt. Vậy nên, trong cuốn sách này, tôi lấy làm hân hạnh được giải đáp những câu hỏi mà các bậc cha mẹ nêu lên – đồng thời, dập tắt những ý nghĩ hoang đường của họ.
Dưới đây là một vài ví dụ tiêu biểu:
Chuyện hoang đường: Mở nhạc Mozart cho thai nhi nghe sẽ giúp trẻ giỏi toán.
Sự thực: Trẻ sẽ đơn thuần nhớ được nhạc Mozart sau khi chào đời – cũng như nhiều thứ khác được nghe, được ngửi, được nếm khi còn trong bụng mẹ (đọc phần Bào thai có thể nhớ được, trang 56). Nếu bạn muốn sau này trẻ học khá môn toán, thì việc tốt nhất bạn có thể làm là dạy trẻ tự kiềm chế thật tốt trong những năm đầu đời (đọc phần Sự tự chủ, trang 165).
Chuyện hoang đường: Cứ mua cho đứa bé ẵm ngửa hay chập chững biết đi nhà bạn mấy chiếc băng đĩa dạy ngôn ngữ là có thể tăng cường từ vựng cho trẻ.
Sự thực: Một số băng đĩa thậm chí còn làm giảm vốn từ vựng của trẻ. Chính lượng từ ngữ bạn sử dụng khi trò chuyện với trẻ mới giúp gia tăng cả vốn từ lẫn trí thông minh của trẻ (đọc thêm phần Trò chuyện với con bạn thật nhiều, trang 197). Nhưng những từ ngữ này phải do chính bạn – một con người bằng xương bằng thịt nói ra.
Chuyện hoang đường: Để tăng cường sức mạnh trí não, trẻ cần học ngoại ngữ từ tuổi lên 3 và cả một căn phòng chất đầy những thứ đồ chơi “phát triển trí não” và một thư viện đầy băng đĩa giáo dục.
Sự thực: Công nghệ thúc đẩy trí não nhi khoa tuyệt hảo nhất thế gian, đôi khi, chỉ là một thùng giấy bìa đơn giản, một hộp đầy bút sáp sặc sỡ và hai giờ đồng hồ. Còn tệ hại nhất chính là chiếc ti vi màn hình phẳng mới tinh của bạn. (Đọc thêm Vui chơi: tuyệt vời, trang 203.)
Chuyện hoang đường: Thường xuyên khen con thông minh sẽ làm trẻ tự tin hơn.
Sự thực: Trẻ sẽ trở nên thiếu tự nguyện tháo gỡ những tình huống khó khăn (đọc thêm Điều gì xảy ra khi bạn nói: Con thông minh quá trang 216). Nếu bạn muốn con mình đỗ vào một trường danh tiếng nào đó, tốt hơn hết hãy tán thưởng nỗ lực của trẻ thì hơn.
Chuyện hoang đường: Kiểu gì trẻ cũng tự tìm thấy hạnh phúc cho riêng mình.
Sự thực: Nhân tố hứa hẹn tuyệt vời nhất của hạnh phúc chính là việc kết bạn. Làm thế nào để trẻ dễ kết giao và giữ gìn bè bạn? Câu trả lời là hãy rèn cho trẻ thành thạo việc giao tiếp phi ngôn từ (xem thêm Kết tình bằng hữu như thế nào trang 250). Kỹ năng này có thể mài giũa được. Việc học một nhạc cụ sẽ tăng cường khả năng này thêm tới 50%. Còn việc gửi tin nhắn sẽ hủy hoại nó.
Những nghiên cứu dạng này vẫn liên tục được công bố trên các chuyên san khoa học uy tín. Thế nhưng, trừ phi bạn là độc giả thường xuyên của Chuyên san Tâm lý Trẻ em Thực nghiệm, còn thường thì bạn rất dễ bỏ qua những khám phá khoa học giá trị nhưng khô khan này. Chính vì vậy, cuốn sách này sẽ cố gắng truyền tải một cách dễ hiểu nhất những kiến thức khoa học mà bạn chẳng cần phải có bằng Tiến sĩ mới có thể hiểu được.

NHỮNG GÌ NẰM NGOÀI KHẢ NĂNG CỦA KHOA HỌC NÃO BỘ

Sở dĩ sách dạy làm cha mẹ cứ mỗi cuốn một phách, trăm hoa đua nở như vậy là vì thực sự vẫn chưa có một bộ lọc khoa học nào đủ mạnh. Ngay chính các chuyên gia cũng khó nhất trí được về chuyện “làm thế nào để dỗ con bạn ngủ ngon giấc cả đêm?” Không thể tưởng tượng nổi có công việc nào dễ vỡ mộng hơn thế đối với những người mới lần đầu làm cha mẹ.
Điều này chỉ càng nhấn mạnh một thực tế rằng khoa học não bộ không thể giải quyết mọi tình huống nuôi dạy con cái. Nó chỉ có thể cung cấp các quy tắc tổng quát, nhưng không phải là luôn đúng khi áp vào từng tình huống cụ thể. Lấy ví dụ chuyện của vị phụ huynh sau đây, đăng trên trang TruuConfessions.com (một nguồn tôi trích dẫn xuyên suốt cuốn sách này):
Hồi đêm, tôi đã dỡ phăng cánh cửa phòng cậu quý tử. Không mắng mỏ thét gào gì hết. Tôi đã cảnh cáo rằng con đừng có đóng sập cửa lại, nếu còn tái phạm, mẹ sẽ dỡ cửa ngay. Thế mà vừa quay đi, tôi đã thấy cửa lại đóng kín mít, tôi liền quay lại với cái khoan siêu mạnh, cánh cửa được tống thẳng ra nhà xe ngay trong đêm. Hôm nay tôi đã lắp lại, nhưng sẽ dỡ xuống ngay nếu cần. Thằng bé biết là tôi không đùa.
Khoa học não bộ có can thiệp nổi trong trường hợp này? Chưa chắc. Nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng các bậc cha mẹ phải đưa ra luật lệ rõ ràng và hình phạt nếu con vi phạm. Thế nhưng luật lệ lại không thể nói rõ là nên dỡ phăng cánh cửa ra hay không. Thực tế là, chúng ta cũng chỉ mới bắt đầu mang máng hiểu rằng dạy dỗ con cái đúng cách là thế nào. Những nghiên cứu về nuôi dạy con cái rất khó thực hiện, bởi bốn nguyên nhân sau:
1. Không trẻ nào giống trẻ nào
Mỗi bộ não được tổ chức theo một kiểu. Vì thế hai đứa trẻ khác nhau sẽ không đời nào hành xử giống hệt nhau trong cùng một tình huống. Vậy nên không tồn tại cái gọi là lời khuyên dạy con phù hợp với mọi bậc cha mẹ. Vì mỗi đứa một kiểu như vậy, tôi khẩn thiết kêu gọi các vị phụ huynh hãy gắng hiểu lấy con mình. Thế có nghĩa là hãy dành thật nhiều thời gian cho chúng. Hiểu được cách trẻ hành xử và quan sát lối cư xử của chúng thay đổi thế nào theo thời gian là cách duy nhất khám phá xem điều gì sẽ hiệu quả hay vô ích trong quá trình nuôi dạy chúng.
Đứng từ quan điểm của một nhà nghiên cứu, quả là thất vọng vì não bộ chịu sự chi phối mạnh của ngoại cảnh: sự khác biệt về văn hóa, cộng thêm tính phức tạp của mỗi cá nhân, chưa kể mỗi người lại có một hệ thống giá trị riêng. Tất cả đều có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ. Nhưng đứng đầu bảng, phải kể đến hoàn cảnh gia đình. Những gia đình bần hàn phải đối mặt với những vấn đề rất khác so với các gia đình trung-thượng lưu (hoàn cảnh gia đình có thể ảnh hưởng tới Chỉ số Thông minh). Chẳng trách não bộ lại là một đối tượng khó nghiên cứu đến vậy.
2. Mỗi ông bố bà mẹ lại một khác
Trẻ được nuôi trong gia đình đầy đủ cha mẹ phải đối phó với không chỉ một, mà là hai phong cách dạy dỗ. Các ông bố bà mẹ thường có các thứ tự ưu tiên khác nhau, đây chính là khởi nguồn của những bất đồng ghê gớm trong một số mối quan hệ. Tổng hòa của cả hai phong cách này sẽ định hình tính cách đứa trẻ. Đây là một ví dụ:
Quan sát ông anh và bà chị dâu dạy đám cháu làm tôi phát cáu. Bà mẹ thi thoảng mới tham gia. Còn ông bố như để bù đắp, theo sát sao từng hành động của bọn trẻ, mắng mỏ con vì mọi thứ. Khách quan nhìn nhận lý do khiến lũ trẻ hành xử không ra sao, là bởi không hiểu nổi luật lệ ở đây là gì, chúng chỉ biết là dù làm gì đi chăng nữa thì cũng đều gặp rắc rối, nên cũng chẳng gắng cư xử cho tử tế làm gì.
Đúng là hai phong cách khác nhau một trời một vực. Điều này lý giải tại sao ông bố và bà mẹ lại khó phối hợp ăn ý trong việc nuôi dạy con cái. Dưỡng dục trẻ nhỏ trong gia đình có đầy đủ bố mẹ là một nhiệm vụ “lai tạp”. Dần dà, lũ trẻ sẽ “nhiễm” cách cư xử của bố mẹ, và chính việc này sẽ ảnh hưởng tới cách dạy dỗ trong tương lai. Tất cả càng làm việc nghiên cứu thêm khó khăn.
3. Trẻ chịu ảnh hưởng từ những người khác
Trẻ càng lớn, cuộc sống càng trở nên phức tạp đối với chúng. Trường học và các mối tương tác giữa bạn bè đồng trang lứa ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc định hình nhân cách mỗi đứa trẻ (liệu có trải nghiệm đáng sợ nào hồi trung học vẫn ám ảnh bạn cho tới lúc này?). Một nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng các bạn bè đồng lứa – đặc biệt là cùng giới – ảnh hưởng đến lối hành xử của trẻ hơn cả bố mẹ. Tất nhiên, người ta vẫn còn hoài nghi về kết luận này. Nhưng cũng không bác bỏ thẳng thừng. Xét cho cùng, trẻ đâu chỉ sống trong một môi trường biệt lập do bố mẹ cai quản.
4. Chúng ta có thể nói là “có liên quan”, chứ không phải “gây ra”
Cứ cho là mọi não bộ đều cấu tạo giống hệt nhau và tất cả bố mẹ đều hành xử rập khuôn theo một lối, thì rất nhiều nghiên cứu gần đây vẫn cứ có chỗ sơ hở (hay mới chỉ dừng ở mức nghiên cứu sơ khai). Phần lớn các dữ liệu được đưa ra chỉ dừng lại ở mức “có liên quan” với nhau chứ không mang tính nhân-quả. Hai khái niệm này thì có gì khác nhau ? Tại sao đây lại là vấn đề? Hai thứ hoàn toàn có thể liên quan với nhau mà không nhất thiết phải theo kiểu “cái này gây ra cái kia”. Ví dụ, đúng là tất cả trẻ khi bộc phát giận dữ đều tè ra quần – tỉ lệ kết hợp của hai hiện tượng này là 100% nhưng điều đó không có nghĩa là đi tiểu tiện dẫn tới việc bộc phát cơn giận dữ.
Một nghiên cứu lý tưởng sẽ phải a) tìm ra nhân tố hành vi bí ẩn tạo nên những đứa trẻ linh lợi, hạnh phúc hay ngoan ngoãn, b) phát hiện ra những bậc cha mẹ còn thiếu nhân tố bí ẩn trên, trao nó cho họ và c) đánh giá đứa trẻ 20 năm sau đó, xem chúng lớn lên ra sao. Chuyện này không chỉ có vẻ tốn kém, mà còn bất khả thi. Đây chính là lý do tại sao hầu hết các nghiên cứu về nuôi dạy con cái hiện nay đều chỉ dừng ở mức “có liên quan” với nhau chứ không mang tính nhân-quả. Thế nhưng không có nghĩa là chúng ta không cố gắng để có được những nghiên cứu “lý tưởng” hơn, sẽ không nhìn mọi thứ theo tinh thần “tốt nhất là kẻ thù của tốt”. Thêm một yếu tố khác khiến nghiên cứu này thêm khó khăn: 
Hành vi con người thật phức tạp!
Có thể, nhìn bề ngoài, chúng ta có vẻ giản đơn và tĩnh tại, hệt như mặt nước phẳng lặng, nhưng ẩn dưới đó lại là mạch cảm xúc hiểm trở, những tâm tư âm u và những cảm hứng thoạt có thoạt không, chẳng theo quy luật lý tính nào hết. Thi thoảng, những nét tính cách ngầm này – mà mỗi người một khác – sẽ nổi lên trên bề mặt. Hãy cùng xem xét một phản ứng cảm xúc rất thường gặp đối với một đứa trẻ chập chững biết đi:
Thế đấy, chính xác là vậy. Tôi không còn sót lại dù chỉ là một mảy may kiên nhẫn. Thằng con 2 tuổi của tôi đã gắng lấy hết kiên nhẫn của tôi, sạch sành sanh, trước khi nó lên ba. Hết sạch rồi, và tôi không không tưởng tượng nổi làm cách nào lòng kiên nhẫn ấy có thể được tái tạo lại như thuở ban đầu nếu không có những nỗ lực cao độ… ví như, một tuần nghỉ dưỡng trên bờ biển Caribê với những cuộc rượu bất tận.
Nhìn từ con mắt của một nhà khoa học não bộ, tôi có thể chỉ ra ít nhất tám vấn đề hành vi riêng lẻ chỉ qua đoạn viết ngắn của người phụ nữ này. Cô đang phản ứng lại với tình trạng căng thẳng, và cách cơ thể cô phản ứng bắt nguồn từ cánh đồng Serengeti . Cách cô đánh mất sự kiên nhẫn tùy thuộc một phần vào đặc tính di truyền của cô, những yếu tố định hình từ khi cô còn nằm trong bụng mẹ, và cách cô được nuôi dạy khi mới là một cô bé. Các hóc môn cũng có dự phần, ví như các tín hiệu thần kinh mà cô sử dụng để nhận thức về đứa con cứng đầu cứng cổ của mình. Một ký ức về sự giải thoát cũng rất rõ ràng ở đây – có lẽ cô đang hồi tưởng lại một chuyến du lịch trên biển? – chính là thể hiện khao khát trốn chạy của cô. Chỉ trong vòng vỏn vẹn năm câu, cô đã dắt chúng ta từ cánh đồng Serengeti ban sơ đến tận thế kỷ XXI.
Và các nhà nghiên cứu não bộ, từ các chuyên gia lý thuyết tiến hóa cho đến các chuyên gia về hồi ức, đều miệt mài tìm hiểu những điều này.
Vậy nên, thực sự có một vài điều đáng tin cậy về việc nuôi nấng trẻ em. Nếu không, tôi đã chẳng dại gì mà quẳng thêm những đóng góp của riêng mình vào hằng hà sa số những cuốn sách đã có sẵn dành cho các bậc phụ huynh. Biết bao nhiêu nhà nghiên cứu tài giỏi đã phải bỏ ra nhiều năm trời để mày mò trong những mỏ thông tin bạt ngàn này.

KHÔNG CHỈ GIAI ĐOẠN SƠ SINH, MÀ ĐẾN KHI TRẺ LÊN 5 TUỔI

Những quy tắc để trẻ thông minh và hạnh phúc bao quát quá trình phát triển não bộ của trẻ từ 0 đến 5 tuổi. Tôi biết chúng ta thường chỉ hăng hái tiếp nhận các thông tin về nuôi dạy con cái trong giai đoạn mang bầu, nhưng về sau, chúng ta có vẻ lơ là hơn. Vậy nên tôi muốn lưu ý ngay từ ban đầu: những gì các bạn làm trong năm năm đầu đời của trẻ – chứ không phải chỉ trong năm đầu tiên – sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến cách trẻ hành xử sau này. Đây là kết luận được rút ra từ một nghiên cứu ròng rã suốt bốn mươi năm. Các nhà nghiên cứu đã khổ công theo sát 123 trẻ trong các gia đình thu nhập thấp, sống bấp bênh từ khi còn học mẫu giáo cho đến tận năm 40 tuổi. Hãy tìm hiểu Nghiên cứu Giai đoạn Mẫu giáo HighScope Perry – một trong những công trình xuất sắc nhất trong thể loại này.
Vào năm 1962, nhóm nghiên cứu đã tiến hành đánh giá hiệu quả của chương trình đào tạo mẫu giáo cho trẻ nhỏ mà họ đã lập nên. Các bé ở Ypsilanti, Michigan được phân ngẫu nhiên vào hai nhóm: nhóm tham gia và nhóm không tham gia chương trình mẫu giáo thí điểm (về sau đã được áp dụng đại trà trên toàn quốc). Sự khác biệt rõ rệt giữa hai nhóm đã minh họa đầy thuyết phục tầm quan trọng của những năm tháng đầu đời của trẻ.
Nhóm trẻ tham gia chương trình có thể kiểm soát hành vi rất tốt, tỏ ra vượt trội trên mọi phương diện, từ chỉ số thông minh và các bài kiểm tra ngôn ngữ những năm đầu tiên cho đến chương trình đánh giá thành tích chuẩn hóa và các bài kiểm tra đọc viết về sau. Tỉ lệ tốt nghiệp trung học của nhóm này cũng cao hơn hẳn (ở nữ giới, tỉ lệ này là 84% so với 32%). Không có gì ngạc nhiên, nhóm này cũng vào đại học nhiều hơn. Còn nhóm trẻ không tham gia chương trình thì có tỉ lệ cần điều trị các vấn đề sức khỏe tâm thần cao hơn 4 lần (36% so với 8%). Và tỉ lệ học “đúp” một lớp cũng cao gấp đôi (41% so với 21%).
Đến độ tuổi trưởng thành, nhóm tham gia chương trình mẫu giáo ít có xu hướng bạo lực hơn và có công việc ổn định hơn. Họ kiếm nhiều tiền hơn, có tài khoản tiết kiệm và mua được nhà. Các nhà kinh tế học tính toán rằng hiệu quả đầu tư xã hội cho những chương trình như vậy là 7-10%, tương đương với lợi nhuận của thị trường chứng khoán thời bấy giờ. Một số chuyên gia thậm chí còn ước tính hiệu quả thực chất cao hơn thế: cứ mỗi 1 đô-la tiền thuế đầu tư vào giai đoạn nhỏ tuổi sẽ mang về 16 đô-la.

HẠT GIỐNG VÀ ĐẤT TRỒNG

Công trình nghiên cứu HighScope là một thí dụ hoàn hảo thể hiện tầm quan trọng của ngoại cảnh trong việc nuôi dạy trẻ. Nhưng bản chất tự nhiên cũng đóng vai trò to lớn không kém. Thường thì, hai yếu tố này rất khó phân tách, hệt như truyện cười kinh điển sau: Một cậu bé lớp ba về nhà và đưa bảng điểm cho bố. Ông bố xem rồi bảo: “Giải thích cho bố tại sao lại bị điểm kém thế này?” Thằng bé nhìn bố và đáp: “Vậy bố giải thích hộ con: Thế là tại di truyền hay là tại dạy dỗ?”
Có lần, tôi cùng cậu con trai lớp ba tham dự hội chợ khoa học trường rất sôi nổi. Hai bố con dạo một vòng xem công trình của vài bạn học lớp thằng bé, trong đó có một thí nghiệm xoay quanh hạt giống, đất trồng và biểu đồ sinh trưởng. Một cô trò nhỏ hăng hái giải thích thí nghiệm cho chúng tôi: cùng loại hạt giống, nhưng một hạt được trồng vào lớp đất giàu dinh dưỡng và tưới nước cẩn thận, còn hạt kia được gieo vào lớp đất cằn, và cũng được tưới tắm cẩn thận. Sau một thời gian, hạt giống trong lớp đất tốt nảy ra một cái cây tươi tốt, mà em đã hãnh diện cho phép tôi được nâng trên tay. Còn hạt giống gieo vào đất cằn cỗi chỉ nảy ra một cái cây còi cọc, héo úa. Em cũng để tôi nâng cây đó lên. Kết luận của em là bản thân hạt giống mang lại những cơ hội sinh trưởng tương đương cho cả hai cây, nhưng khởi đầu ngang bằng là chưa đủ. “Chú sẽ cần cả hạt giống và đất trồng,” cô học trò nhỏ giải thích với tôi – bản chất tự nhiên tốt còn phải được nuôi nấng dạy dỗ tốt – thì mới cho kết quả mong muốn.
Đương nhiên, em nói đúng, và đó là một ẩn dụ xuyên suốt cuốn sách để phân chia các nghiên cứu cách nuôi dạy trẻ thông minh và hạnh phúc. Có một số yếu tố các ông bố bà mẹ có thể kiểm soát, số khác thì không. Có hạt giống, và có cả đất trồng. Dù bạn có cố công dạy dỗ thế nào đi chăng nữa cũng không thể thay đổi một thực tế là 50% khả năng thành công của con bạn phụ thuộc vào nguồn gốc di truyền. Tin tốt là: là cha mẹ, bạn chỉ cần gắng hết sức mình. Nghĩa là thế nào? Dù có là một nhà nghiên cứu di truyền học chuyên ngành, nhưng tôi dám khẳng định rằng chúng ta có thể gây ảnh hưởng lên lối hành xử của con mình nhiều hơn chúng ta tưởng. Đó là một công việc rất, rất lớn đòi hỏi nhiều hành động thực tế. Lý do xuất phát từ căn nguyên tiến hóa sâu xa. 

VÌ SAO CHÚNG TA VẪN CẦN MẸ CHA DƯỠNG DỤC?

Có một câu hỏi đã khiến không biết bao nhiêu nhà khoa học tiến hóa phải bận tâm: vì lẽ gì việc nuôi nấng một đứa trẻ lại mất nhiều tháng năm đến vậy? Trừ loài cá voi, con người chúng ta là loài động vật có thời thơ ấu dài nhất hành tinh. Cuộc sống “mẹ gà ấp ủ” kéo dài hàng thập niên này có căn nguyên từ đâu, và tại sao những loài động vật khác không đồng cảnh ngộ với chúng ta, không phải chịu những gì chúng ta phải nếm trải? Dưới đây là vài ví dụ điển hình về thứ mà các ông bố bà mẹ loài người phải chịu đựng:
Tôi thấy kiệt sức. Thằng bé đùn ra tã ngay lúc tôi vừa nhấc nó ra khỏi bô, nó nôn lên thảm, lật úp cái bô và rồi làm vãi nước tè ra thảm, rồi nó lại tè ra thảm LẦN NỮA lúc tắm. Tôi thấy quá sức lắm rồi và cảm giác như mình không thể gánh cái việc làm mẹ này thêm nữa, và rồi nhận ra rằng – mình vẫn đang làm những việc ấy đấy chứ…
Cả tôi và chồng tôi đều có vốn từ phong phú và luôn chọn lọc. Chúng tôi không bao giờ văng bậy trước mặt con gái yêu, và luôn gắng chọn từ ngữ của mình lúc ở gần nó, nhưng rõ ràng là chúng tôi thất bại thảm hại—Khi mẹ tôi hỏi con bé rằng tên trìu mến ở nhà của nó là gì, nó đáp là “Của nợ”. Ối giời ơi!
Đúng, bạn phải dạy cho con mình mọi thứ – kể cả cách điều tiết việc bài tiết của cơ thể chúng. Và chúng hấp thu mọi thứ như một miếng bọt biển, đồng nghĩa với việc bạn phải chú ý từng li từng tí tới những hành vi nhỏ nhặt nhất của mình. Cả hai việc đòi hỏi nguồn năng lượng cực kỳ dồi dào. Thế nên, các nhà sinh học tiến hóa buộc phải tự hỏi rằng: tại sao con người vẫn tự nguyện tự giác gánh vác chuỗi công việc mệt nhọc này?
Hẳn nhiên, khâu phỏng vấn tuyển dụng, tức là chỉ xét riêng hành động quan hệ tình dục – luôn tạo hứng thú. Nhưng rồi, bạn sẽ được ấn vào vị trí nuôi dạy một đứa trẻ. Có những khoảnh khắc thật tuyệt diệu, nhưng cốt lõi của bản hợp đồng này thì quá ư đơn giản: trẻ nhận, bạn cho. Bạn không nhận được một xu lương cho công việc này, mà chỉ có tờ yêu cầu thanh toán, và luôn luôn phải chuẩn bị tinh thần đón những cú sốc khó đỡ. Bạn sẽ tiêu tốn trên 220 nghìn đô-la – mà đấy là chưa tính đến khoản vay đại học. Nghề này còn không được hưởng lấy một ngày nghỉ ốm chứ đừng nói là một kỳ nghỉ nào, và nó đòi hỏi bạn phải túc trực 24h một ngày, 7 ngày một tuần, không có nghỉ đêm và không có cuối tuần. Làm xong phận sự này rất có thể sẽ biến bạn thành một kẻ âu lo, bồn chồn mãn tính. Thế nhưng mỗi ngày, vẫn có hàng nghìn người hăm hở nhận công việc ấy. Ắt hẳn phải có nguyên do gì hấp dẫn họ chứ.

TỒN TẠI, TRƯỚC NHẤT VÀ TRÊN HẾT

Tất nhiên, có chứ. Nhiệm vụ chủ yếu của não bộ – dù là của bạn, của tôi hay của những đứa trẻ đáng yêu đến vô hạn của bạn – chính là giúp cơ thể tồn tại. Còn nguyên nhân tồn tại thì xưa như trái đất nhưng cũng mới như cụm từ “tin nhắn kích dục”: để truyền lại nguồn gene của mình cho thế hệ tiếp theo. Liệu một người có sẵn sàng hy sinh quyền lợi cá nhân để đảm bảo sự tồn vong của nguồn gene gia đình anh ta cho thế hệ tiếp theo không? Hẳn là có. Đã có quá nhiều người làm việc ấy từ hàng trăm, hàng nghìn năm trước, nhờ vậy chúng ta mới trưởng thành, chiếm lĩnh hoang mạc Serengenti, và rồi thống trị toàn thế giới. Chăm sóc một đứa trẻ chính là một cách thức tinh vi để chăm sóc chính bản thân mình.
Nhưng tại sao việc này lại cần nhiều thời gian, nỗ lực đến vậy?
Tất cả tội nợ là do những bộ não to đùng, béo ị, nặng trịch và một-mình-một-kiểu mà ra cả. Con người chúng ta đã tiến hóa để có được não bộ cỡ lớn cùng chỉ số thông minh (IQ) cao hơn, điều này cho phép chúng ta chuyển từ vị thế con mồi cho loài báo thành những người có đầy học hàm học vị chỉ trong vòng mười triệu năm ngắn ngủi. Chúng ta có được bộ não ấy là nhờ biết tiết kiệm năng lượng bằng cách đi trên hai chân thay vì bốn chân. Nhưng cũng chính việc đi thẳng người này lại dẫn đến việc thu hẹp khung xương chậu của người tinh khôn. Đối với nữ giới, điều này đồng nghĩa với những cuộc sinh nở đau đớn trần ai và nguy hiểm chết người. Một cuộc chạy đua vũ trang gấp rút tiến hành – như cách các nhà sinh học tiến hóa ví von – giữa bề rộng của âm đạo và kích cỡ não bộ. Nếu đầu của trẻ sơ sinh quá nhỏ, trẻ sẽ tử vong ngay (nếu không có can thiệp y học vượt trội và kịp thời, trẻ sinh thiếu tháng sẽ không sống nổi quá năm phút). Còn nếu đầu trẻ sơ sinh quá lớn, bà mẹ sẽ tử vong. Giải pháp là gì? Phải cho đứa trẻ chào đời trước khi hộp sọ của nó lớn đến mức giết chết bà mẹ. Hậu quả ra sao? Là đẩy đứa trẻ vào cuộc đời này trước khi não bộ của nó phát triển đầy đủ. Hậu quả thế nào? Bắt buộc phải có mẹ cha dưỡng dục.
Giống như chiếc bánh bị ép đưa ra khỏi lò nướng trước khi chín hẳn, đứa trẻ cần được chỉ dẫn từ những người sở hữu các bộ não kỳ cựu trong nhiều năm ròng. Những người ruột thịt thân thích chính là người đảm nhiệm công việc này, vì chính họ đã đưa đứa trẻ xuất hiện trên cõi đời. Không cần đến những cuốn sách chuyên sâu về thuyết tiến hóa Darwin mới lý giải thuyết phục về tập tính làm cha mẹ.
Đó không phải là toàn bộ bí ẩn đằng sau việc làm cha mẹ, nhưng nó đã góp phần nhấn mạnh thêm tầm quan trọng của công việc này. Chúng ta tồn tại bởi các vị tiền bối đã đảm nhiệm xuất sắc vai trò hướng dẫn, chăm bẵm những đứa con, đứa cháu trứng nước, hay khóc gào và dễ bị tổn thương như chúng ta khôn lớn nên người. Và chúng ta lại không có quyền lựa chọn gì trong vấn đề này hết. Đơn giản là vì não bộ của một đứa trẻ chưa sẵn sàng để chống chọi với cuộc đời.
Rõ ràng, thời thơ ấu là quãng thời gian dễ tổn thương. Khoảng thời gian mười năm kể từ thời điểm đứa trẻ chào đời cho đến khi có khả năng sinh sản – chừng ấy thời gian với một số loài có thể bằng cả một vòng đời. Sự chênh lệch này không chỉ thể hiện não bộ trẻ non nớt đến chừng nào, mà còn cho thấy nhu cầu tất yếu cần dưỡng dục ân cần. Những bậc ông bà, cha mẹ hình thành được mối quan hệ dưỡng dục đầy bảo bọc và liên tục với con cháu mình luôn có được ưu thế rõ rệt so với những người không thể hoặc không chịu làm việc đó. Trên thực tế, một số nhà lý thuyết tiến hóa tin rằng ngôn ngữ phát triển hết sức phong phú, nhờ vậy, việc dạy dỗ giữa cha mẹ với con cái này có thể diễn ra với mức độ sâu sắc và tính hiệu quả lớn hơn nhiều. Mối quan hệ giữa những người lớn luôn đóng vai trò căn cốt – và đến giờ vẫn vậy, bất kể chúng ta có ra sao đi chăng nữa.

CHÚNG TA LÀ NHỮNG THỰC THỂ XÃ HỘI

Xã hội hiện đại đã phát triển tối đa theo hướng chia rẽ triệt để các mối liên hệ xã hội sâu đậm. Chúng ta dịch chuyển liên tục. Họ hàng thân thích của chúng ta rải rác dọc theo hàng trăm, thậm chí hàng nghìn dặm xa. Ngày nay, chúng ta kiến tạo và duy trì tình hữu hảo qua các phương tiện điện tử. Một trong những điều đáng phàn nàn chủ yếu mà những người mới làm cha làm mẹ gặp phải trong quá trình chuyển đổi lên vị trí ấy là cảm giác tách biệt ghê gớm khỏi mạng lưới xã hội của mình. Đối với người thân của họ, đứa trẻ chỉ là một kẻ xa lạ. Còn với bạn bè, e-m b-é chỉ là một cụm từ gồm bốn chữ mà thôi. Đáng lẽ không phải là như thế chứ.
Bạn hãy dành chút thời gian để đánh dấu lại tất cả những lần mà tác giả câu chuyện này nhắc tới bạn bè và gia đình cô:
Tôi lại chuyển về sống chung với ông bà để tiết kiệm tiền học phí. Tôi đã lớn lên ở đây. Cội rễ của tôi đã ăn sâu bám chắc nơi này. Một trong những láng giềng thân thiết nhất của chúng tôi qua đời, gia đình ông sắp xếp lại nhà cửa để rao bán. Tối nay, chúng tôi, trong đó có cả con trai ông, tụ tập trong ga ra, cùng uống rượu và tưởng nhớ biết bao nhiêu những xóm giềng và thành viên gia đình đã không còn trên cõi đời này nữa. Đủ cả tiếng cười và nước mắt, nhưng có một cảm giác thật quý giá, rằng những người đã khuất cũng hiện diện nơi đây, cũng bật cười cùng chúng tôi. Kỳ diệu quá chừng!
Con người chúng ta thật quá gắn kết với cộng đồng. Để nắm được các chủ đề của cuốn sách này, điều căn bản là bạn cần thấu hiểu đặc tính này của não bộ, từ tâm trạng cảm thông đến ngôn ngữ, cho tới những tác động của tình trạng cô lập xã hội. Do bộ não chỉ là một cơ quan sinh học, mọi nguyên nhân chỉ là do quá trình tiến hóa. Đa phần các nhà khoa học tin rằng con người tồn tại được là bởi biết sống tập hợp thành từng nhóm, giúp đỡ hỗ trợ lẫn nhau. Sống trong cộng đồng như vậy sớm tạo cho chúng ta thói quen dành thời gian cho các mối quan hệ, nắm bắt động cơ, diễn biến nội tâm và hiểu được những gì người khác hoan nghênh hay phê phán.
Có hai cái lợi. Thứ nhất là khả năng làm việc theo nhóm – rất hữu dụng đối với việc săn mồi, tìm nơi trú ẩn và tự vệ chống lại những kẻ săn mồi. Thứ hai là khả năng hỗ trợ nuôi nấng con cái. Cuộc đụng độ giữa kích thước âm đạo và kích cỡ hộp sọ trẻ sơ sinh đồng nghĩa với việc nữ giới cần có thời gian hồi phục sau kỳ sinh nở. Phải có người chăm sóc lũ trẻ hay gánh phần nuôi dưỡng chúng nếu bà mẹ qua đời. Nhiệm vụ này chủ yếu rơi vào nữ giới (suy cho cùng, nam giới có tiết sữa được đâu), dù cho các nhà khoa học tin rằng thành công nhất là những nhóm mà nam giới chủ động hỗ trợ nữ giới. Nhu cầu chung đó mạnh mẽ và thiết yếu với sự tồn vong của chúng ta đến mức các nhà nghiên cứu đã đặt cho hiện tượng này một cái tên riêng: alloparenting  (chỉ việc các thành viên trong một mạng lưới xã hội chia sẻ việc chăm sóc cho đứa trẻ không phải con mình). Nếu ở vai trò làm bố, làm mẹ, có lúc nào đó bạn cảm thấy không thể một mình gánh vác, thì ấy là bởi vốn bạn không sinh ra để “đơn thương độc mã”.
Cho dù không ai có cỗ máy thời gian, kéo chúng ta trở lại kỷ Pleistocene , manh mối lý giải những xu hướng nổi lên đầy rẫy ngày nay. Một đứa trẻ sinh ra đã háo hức kết nối với gia đình mình và được cấu tạo sẵn từ trước để gắn liền với những người khác. Một bà mẹ kể chuyện xem chương trình Thần tượng Âm nhạc Mỹ cùng với đứa con trai lên 2. Khi người dẫn chương trình phỏng vấn các thí sinh đang khóc ròng lúc bị loại khỏi cuộc chơi, cậu bé bỗng nhiên nhảy lên, vỗ về màn hình và bảo: “Ôi thôi nào, đừng khóc!” Việc này đòi hỏi những kỹ năng gắn kết sâu sắc, đòi hỏi cả một quá trình sinh học chẳng kém gì phương diện thể hiện về một đứa bé dịu dàng. Tất cả chúng ta đều sở hữu những năng lực kết nối tự nhiên, thiên bẩm.
Nếu bạn hiểu rằng bộ não liên quan trước nhất đến sự sinh tồn, và rằng bộ não có nhu cầu kết nối sâu sắc với những thứ khác, người khác, thì những thông tin trong cuốn sách này – những điều góp phần tốt nhất trong việc phát triển trí não con cái bạn – sẽ rất có lý.

VÀI LƯU Ý TRƯỚC KHI CHÚNG TA BẮT ĐẦU

Định nghĩa gia đình
Bạn đã xem đoạn quảng cáo loại đồ uống nhẹ này chưa? Máy quay lia theo một chàng trai trẻ tầm tuổi đại học, trông rất ưa nhìn, tại một bữa tiệc nhộn nhịp trong một ngôi nhà rộng rãi. Ấy là dịp lễ nào đó, chàng trai đang tíu tít giới thiệu bạn với bao nhiêu bạn bè và thành viên gia đình, rồi hát một bài, rồi chuyển cho mọi người thức uống nhẹ. Nào mẹ cậu, em gái cậu, em trai cậu, cả “bà mẹ kế sành điệu bất ngờ”, kèm thêm cả hai đứa trẻ con của bà mẹ kế trước khi gặp ba cậu, thêm cả các cô dì, anh em họ, đồng nghiệp cùng công sở, bạn thân nhất, giáo viên judo, bác sĩ trị dị ứng của cậu, rồi cả các bạn bè trên mạng Twitter của cậu nữa. Đó là thí dụ rõ ràng mà tôi thấy, nói lên rằng định nghĩa gia đình kiểu Mỹ đã thay đổi. Thật chóng vánh.
Đúng ra thì định nghĩa ấy cũng chưa bao giờ bền vững. Khái niệm gia đình hạt nhân – gồm bố, mẹ và 2,8 đứa con – chỉ phổ biến trong thời Victoria. Hơn ba thập niên trở lại đây, tỉ lệ ly hôn ở Mỹ lên tới 40-50% như một con kền kền liệng vòng vòng trên đầu các cuộc hôn nhân và hiện tượng tái hôn trở nên phổ biến, mẫu gia đình “rổ rá cạp lại” đã trở thành mô hình gia đình điển hình hơn nhiều. Tương tự, tỉ lệ gia đình đơn thân tăng vọt, với 40% ca sinh nở ở Mỹ là của những phụ nữ chưa kết hôn. Hơn 4,5 triệu trẻ em không được chính bố mẹ đẻ nuôi dạy mà nhờ vào ông bà của mình. Cứ 5 cặp đồng tính thì có một cặp đang nuôi con.
Những biến đổi xã hội này diễn ra quá nhanh, khiến cho cộng đồng khoa học khó có thể nghiên cứu đầy đủ. Đơn cử như bạn không thể nào thực hiện một công trình 20 năm về hôn nhân đồng tính trong khi luật pháp gần đây mới cho phép. Bao năm qua, những dữ liệu đáng tin cậy về nuôi dạy con cái chỉ được khai thác từ các mối quan hệ khác giới trong một cuộc hôn nhân truyền thống của thế kỷ XX. Vậy nên cho đến khi các nhà nghiên cứu có đủ điề

Download

Những Quy Tắc Để Trẻ Thông Minh Và Hạnh Phúc

ebook PDF-EPUB-AWZ3-PRC-MOBI


FULL:


AZW3


EPUB


MOBI


PDF

Bookmark (0)
Please login to bookmark Close

FULL: AZW3 EPUB MOBI PDF [toc] Giới thiệu Những Quy Tắc Để Trẻ Thông Minh Và Hạnh Phúc ebook PDF-EPUB-AWZ3-PRC-MOBI Tweet! Trong cuốn sách bestseller của New York Times, “Luật…

Bookmark (0)
Please login to bookmark Close