Những Đỉnh Núi Du Ca – Nguyễn Mạnh Tiến
[toc]
Giới thiệu ebook
Những Đỉnh Núi Du Ca – Nguyễn Mạnh Tiến
Đã từ lâu, người H’Mông là một tộc người rất đặc biệt trong các tộc người phía Bắc Việt Nam. Nghiên cứu về H’Mông là thách thức lớn trong nghiên cứu dân tộc học.
Nhưng với Nguyễn Mạnh Tiến, nhà nghiên cứu dân tộc học độc lập, bằng thái độ thông hiểu và nhiều năm ròng rã thực địa tại cao nguyên đá Đồng Văn, “Những đỉnh núi du ca – một lối tìm về cá tính H’Mông” là công trình nghiên cứu xuất sắc xoay quanh phát hiện, xác lập và làm sáng bộ từ khóa đã kiến tạo “cá tính H’Mông” trong lịch sử: tâm thức lưu vong – tâm thức di dân-tâm thức mồ côi, ám ảnh Hán, nổi loạn, tự do, mộng mơ, tình yêu, tự trị tộc người, quyền lực miền núi…
Trong nghiên cứu của mình, Nguyễn Mạnh Tiến cho rằng, chính cá tính H’Mông là vấn đề then chốt khi tìm hiểu tộc người này. “Cá tính H’Mông là cấu trúc ngầm ẩn, quyết định toàn bộ số phận văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng người H’Mông” (tr.45), từ đó khai triển cái nhìn trên một nền tảng rộng lớn hơn nhằm tìm kiếm một thực tại khác về lịch sử Việt Nam, phần nhìn từ núi.
Quyển sách này là một nỗ lực dân tộc học mà phần trọng tâm trước tiên đặt vào kho tàng văn chương dân gian tộc người, nhất là ở những bài hát, sau đó, mở rộng phạm vi vào tìm hiểu các hệ thống chính trị miền núi. Việc phân tích các dữ kiện dân tộc học về H’mông, từ nhiều phương diện, rốt cục là nhằm hướng đến khái quát nên hệ thống những đặc điểm trong tâm thức tập thể tộc người, gói vào trong bộ từ khóa (key words) xác lập “cá tính H’mông” ở đời – phần làm thành quan niệm nhân sinh: tâm thức lưu vong – tâm thức di dân – tâm thức mồ côi, ám ảnh Hán, tự tử, nổi loạn, tự do, mộng mơ, tình yêu, tự trị tộc người, quyền lực miền núi. Sự tiến triển của nghiên cứu này, vì thế, là một nỗ lực xoay quanh phát hiện, xác lập và làm sáng bộ từ khóa đã kiến tạo “cá tính H’mông” trong lịch sử.
Nhưng như vậy thì phải chăng nghiên cứu này đã hàm ý nhấn quá mạnh vào loạt hệ thống những khác biệt. Cái khiến H’mông chỉ có thể là H’mông! Tìm kiếm một căn cước H’mông không lẫn lộn? Điều này, ở Việt Nam hiện nay, thường trùng với sự “ca ngợi”, “tô đậm” có phần thái quá và đầy siêu hình về cụm từ “bản sắc”, và kéo theo đó là niềm tin duy ý chí “bảo tồn, phát triển bản sắc dân tộc”. Cho dù, “bản sắc” thường hiện lên là một cái gì mang tính tưởng tượng và mù mờ, chung chung không rõ hình dạng. Vậy, phải chăng, ở đây lại sẽ tái lặp một tiếp diễn của tâm thế “thơ ngây” ca tụng chủ nghĩa dị biệt (différentialisme) khi quan sát tộc người. Sự thực thì, không thể tồn tại một văn hóa làm thành từ những dị biệt. H’mông không là ngoại lệ. H’mông là một sự tiến triển, biến đổi và kiến tạo văn hóa trong suốt quá trình lịch sử xuyên biên giới dài lâu. Vì thế, để tránh một sự hiểu lầm đáng tiếc, nghiên cứu này cố gắng tìm kiếm một bộ từ khóa nhằm xác lập, qui định căn cước H’mông ở đời. Đồng thời, nó cũng đã không quên liên tục cố gắng so sánh hệ đặc điểm cá tính H’mông với văn hóa đa dạng của các tộc người ở miền núi Việt Nam. Và vì thế, không có gì là sự dị biệt đến khu biệt. Sự dị biệt cũng bao hàm tính “phổ biến” nhất định của nó. Sự dị biệt, vì thế, được hiểu là thành tố nổi trội ở tộc người này, nhưng là không nổi trội ở tộc người khác, dù chung lại, nhiều tộc người đều sở hữu, cùng chia sẻ những sự kiện xã hội ấy. Tất cả, chung và riêng, xối trộn và đan cài, làm thành hình ảnh quen thuộc của dân tộc học: một bức khảm văn hóa miền núi.
Và bạn có thể tự tìm thấy trong nghiên cứu này, như là mong muốn của tôi, sẽ không có sự phấn khích thái quá với những “khác biệt” mà “chỉ H’mông mới có”. “Lí người H’mông”, “lí người Thái” hay “lí người Cống”… những cái lí tộc người ấy, do vậy, vừa có những khác biệt đồng thời lại chia sẻ những tương đồng đáng kể. Trong quan sát của tôi, cái lí (logos) của tộc người, gồm cả phần giống và khác, tổng thể ấy tạo thành căn cước, bản sắc của tộc người. Cái lí tộc người ấy, do vậy, là một kiến tạo chứ không cố định, bất biến, có từ “xa xưa” trong “văn hóa truyền thống” đầy mơ hồ mang tính chất tưởng tượng tập thể. Cái lí ấy là sự tái cấu trúc liên tục chất liệu khi tộc người phải xê dịch vì tị nạn chính trị, tìm kiếm sinh kế, liên kết hay va chạm trong cộng cư với các tộc người lân cận. Tuy nhiên, dẫu sao thì vẫn phải nhận thấy, đứng trước cùng một sự kiện gay cấn, mang tính xung đột hay bước ngoặt của số phận cộng đồng, mỗi nhóm đã có một cách hành xử không giống nhau. Bộ từ khóa được tìm kiếm trong nghiên cứu này, do vậy, hi vọng làm tỏ hơn phần bóng âm trong động cơ những lựa chọn của hành động tộc người H’mông từ có mặt trên đất Việt Nam.
Nghiên cứu H’mông này, thêm nữa, còn hướng đến sự kết nối hàng loạt những đặc điểm của cá tính H’mông tưởng như rời rạc vào một hệ thống. Tâm thức lưu vong – tâm thức di dân – tâm thức mồ côi, ám ảnh Hán, tự tử, nổi loạn, tự do, mộng mơ, tình yêu, tự trị tộc người, quyền lực miền núi không phải nắm cá tính rời rã, mà nó móc nối, chằng chéo với nhau trong tính liên kết chặt. Cái này dẫn đến cái kia, và, cái kia quay lại qui định cái này. Tổng thể ấy đan cài vào nhau, gài răng lược, làm thành một chủ đề nổi bật mà quan sát dân tộc học thuờng nhận thấy và nhấn mạnh: cá tính H’mông.
Và dù sống ở các đỉnh núi, luôn nỗ lực, đến mức nhiều khi là cực đoan về các hoàn cảnh sống nhằm duy trì sự tự trị về hiện hữu ở đời, người H’mông vẫn không là một ngoại lệ của sự tiếp xúc (giao lưu hòa bình hay va chạm chính trị, quân sự) rất thường xuyên ở miền núi Việt Nam và Đông Nam Á, xưa cũng như nay. Văn hóa H’mông trải qua một thế kỷ đầy biến động “bị lôi kéo vào chiến tranh”, liên tục biến đổi và biến chuyển dữ dội bởi sự lớn mạnh từ sức chi phối ngày càng hiệu quả của các nhà nước ở đồng bằng, đồng thời, cũng phải chịu sự tác động chung lớn lao từ kỷ nguyên toàn cầu hóa có nguy cơ san phẳng, thương mại hóa các giá trị khác biệt. Chừng ấy những “va đập” của lịch sử đã khiến xã hội H’mông hiện tại và xã hội H’mông “truyền thống” có quá nhiều biến đổi. Các kiến giải của nghiên cứu này, vì thế, sẽ gần với các sự thực hơn nếu người đọc có sẵn một tiền nghiệm là công trình này nhắm đến lí giải, quan sát về các xã hội miền núi trước 1945, xa hơn nữa, trước thế kỷ XX, khi xã hội H’mông cũng như nhiều xã hội tộc người khác còn mang nặng “tính truyền thống”. Thêm nữa, tôi cũng muốn các bạn lưu ý thêm, giữa hai cộng đồng H’mông – H’mông Tin Lành và H’mông truyền thống, những phân tích của nghiên cứu này được xây dựng chủ yếu từ những dữ kiện của các nhóm H’mông truyền thống, nhóm vẫn chiếm đa số, hơn 80% tổng dân số H’mông cho đến gần đây (Nguyễn Văn Thắng 2009: 19). Nhưng dù thế, thì bộ từ khóa cá tính H’mông được tìm kiếm, tác giả của nó vẫn mong muốn có thể ít nhiều soi sáng cho cái hiện tại ở mọi xã hội H’mông, cả phần theo đạo và giữ tín ngưỡng truyền thống.
…
Mời các bạn đón đọc Những Đỉnh Núi Du Ca của tác giả Nguyễn Mạnh Tiến.
Download ebook
Những Đỉnh Núi Du Ca – Nguyễn Mạnh Tiến
FULL: |
Download App tải ebook,sách nói, khóa học tốt nhất: https://h.nhuttruong.com/app
Website: https://www.trươngđịnh.vn
Page:https://www.facebook.com/truongdinhvn/
Mail:www.truongdinh.vn@gmail.com
[toc] Giới thiệu ebook Những Đỉnh Núi Du Ca – Nguyễn Mạnh Tiến Tweet! Đã từ lâu, người H’Mông là một tộc người rất đặc biệt trong các tộc người…