Nhật Bản Cận Đại
[toc]
Giới thiệu ebook
Nhật Bản Cận Đại
Lời nói đầu
Giống nòi lỡ bước văn minh chậm,
Non nước đang chờ tiết khí cao…
(B.T, 1942?)
Vào đầu thế kỷ 20, làn sóng Duy Tân từ Nhật Bản tràn sang nước ta qua các tân thư của các nhà cải lương Trung Quốc như Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu. Một sĩ phu yêu nước ở trong thế bế tắc sau khi ngọn lửa Cần Vương kháng chiến cuối cùng ở Vũ Quang do Phan Đình Phùng lãnh đạo đã bị dẹp tắt (1896), như người đang ốm nặng tìm ra y dược, bàng hoàng tỉnh giấc. Nếu Nhật Bản, một nước nhỏ bằng Việt Nam, sau khoảng mấy mươi năm canh tân kể từ thời Minh Trị (1868) đã tiến được lên hàng cường quốc chẳng thua kém gì các nước Tây phương, thì há nước ta lại không canh tân được sao? Sau đó họ thành lập Duy Tân Hội (1904), và đi đầu phong trào Đông độ, gởi thanh niên vượt biển sang Nhật Bản học. Phong trào này về sau chúng ta thường gọi là phong trào Đông du (1905 – 1909).
Tiêu biểu cho nhóm sĩ phu này là Phan Bội Châu, nhà nho yêu nước đã dấn thân vào gian ra khổ trong gần bốn mươi năm trường cho đến khi từ trần (1940) trong căn nhà đìu hiu ở Bến Ngự, nơi Cụ Phan bị giam lỏng mười lăm năm cuối cùng. Khi còn sinh tiền, đặc biệt trong những năm còn phong trào Đông du, cụ Phan trong các trước tác của mình thường nhắc đến công cuộc canh tân của Nhật Bản và các nhà lãnh đạo đã đưa nước Nhật trở nên phú cường. Tuy nhiên vì phải bôn ba cho phong trào, Cụ không có thời giờ tìm hiểu sâu về lịch sử, chính trị, và văn hóa của nước Nhật Bản. Thậm chí Cụ cũng không có dịp học tiếng Nhật, điều này Cụ có nhắc lại trong Ngục trung thư. Bởi thế, những kiến thức của Cụ về Nhật thường là những kiến thức tản mạn, rời rạc, mà Cụ đã tiếp thu qua sách báo chữ Hán, một số xuất bản từ Trung Quốc, một số phát hành tại Nhật Bản sau khi Lương Khải Siêu đã dời địa bàn hoạt động sang Nhật do kết quả của chính biến Mậu Tuất (1898). Cũng nên nhớ rằng chính Lương là một trong những người Cụ Phan tìm đến gặp trong những ngày đầu đặt chân đến Nhật. Qua nhiều năm trường đọc sách của Lương trước khi rời Việt Nam, Cụ Phan xem Lương như người quen biết từ lâu. Trong bức thư viết xin ra mắt gởi cho Lương, Cụ viết: “Lạc địa nhất thinh khốc, tức dĩ tương tri, độc thư thập niên nhãn, toại thành thông gia” (Ra đời khóc một tiếng đã là tương tri; sách vở đọc mười năm, trở nên thông gia).
Những năm “đắc ý” nhất trong cuộc đời của Cụ Phan là những năm hoạt động cho phong trào Đông du tại Nhật Bản. Trong thời kỳ này, Cụ viết rất khỏe, để lại nhiều trước tác, nổi tiếng nhất là Việt Nam vong quốc sử vàLưu Cầu huyết lệ tân thư. Trong số những trước tác trước đó, tác phẩm Cụ có nhắc đến Nhật Bản nhiều nhất là cuốn Tân Việt Nam (1908). Mặc dầu mục đích chính của Tân Việt Nam là giới thiệu với độc giả ở trong nước viễn tượng của Cụ về một nước Việt Nam độc lập trong tương lai, nhưng nói rộng ra, có thể xem đây là tác phẩm đầu tiên do một người Việt Nam viết có đề cập ít nhiều đến Nhật Bản. Nói chung, mục đích chính của Cụ là dùng Nhật Bản như một tấm gương để đánh thức quốc dân theo học kinh nghiệm của một nước láng giềng, “đồng văn, đồng chủng, đồng châu”, ngõ hầu có thể đưa đất nước ra khỏi vòng thuộc địa và tiến lên một nước phú cường; chứ không phải là viết sách có tính cách nghiên cứu. Do đó, dầu sự hiểu biết và nhận định của Cụ về Nhật Bản có nhiều hạn chế, thiết tưởng chúng ta cũng nên khách quan đánh giá để có cái nhìn rộng rãi và thích hợp hơn.
Từ ngày cuốn Tân Việt Nam ra đời cho đến nay đã có hơn tám mươi năm, nhưng số sách do người Việt ta viết về Nhật Bản thì hãy đang còn quá khiêm tốn, về chất cũng như về lượng.
Về số lượng, những sách viết về Nhật Bản có thể đếm trên đầu ngón tay. Nhìn về nội dung, tuy những sách này nói chung là những cố gắng đáng kể, nhưng phần lớn vì tác giả không phải là những nhà chuyên môn nghiên cứu về lịch sử và văn hóa Nhật Bản, do đó không tránh khỏi nhiều hạn chế.
Gần đây “Nhóm Tìm Hiểu Nhật Bản”, mà các thành viên là các cựu du học sinh Việt Nam ở Nhật, đã cho xuất bản tập san Tìm hiểu Nhật Bản ở Tokyo với những chuyên đề như “Chế độ giáo dục nhân viên và phương thức kinh doanh quản lý của xí nghiệp Nhật” (Số 1, 1983), “Bí quyết thành công của Nhật Bản trong việc kinh doanh và quản lý xí nghiệp” (Số 2, 1984). Tuy tập san này chưa được phổ biến rộng rãi cho lắm, nhưng đây là những gạch nối quan trọng đầu tiên giúp độc giả Việt Nam học hỏi kinh nghiệm của một nước láng giềng và đồng thời cũng là một trong những nước có nền công nghiệp tiên tiến nhất trên thế giới.
Ngày nay, với sự phát triển không lường của khoa học kỹ thuật hiện đại, khoảng cách giữa các nước trên thế giới dường như được thu ngắn lại. Dân tộc nào dẫu có tự hào về truyền thống văn hóa của họ đến đâu chăng nữa cũng phải đua tranh để học lấy kinh nghiệm của các nước khác. Nước nào chịu khó học hỏi một cách sáng tạo và uyển chuyển, thích ứng tiếp thu được cái hay của các nước khác thì tiến nhanh, nước nào cứ khư khư thủ cựu thì bị bỏ rơi trên đà tiến triển văn minh của nhân loại ngày càng gia tăng tốc độ. Trong hoàn cảnh đó, không bất cứ riêng gì cho nước ta, ngay cả những cường quốc Âu-Mỹ hiện nay cũng đang nỗ lực tìm hiểu, nghiên cứu và tham khảo kinh nghiệm của Nhật Bản để có cái nhìn tổng quát và khách quan hơn trong các vấn đề về kinh tế, chính trị, xã hội, khoa học và văn hóa. Tìm hiểu lịch sử và văn hóa của nước Nhật vừa giúp ta biết thêm kinh nghiệm của một dân tộc láng giềng, vốn cùng nằm trong vòng ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa, vừa tạo điều kiện để chúng ta có thể “nhìn lại chính mình” một cách khách quan hơn.
Khi nghiên cứu về Nhật Bản, các học giả đồng ý với nhau trên quan điểm là không thể giải thích tường tận, chu đáo về sự phát triển của nước Nhật ngày nay nếu không hiểu rõ về lịch sử và văn hóa của người Nhật. Với hoài bão giúp độc giả có một cuốn sách về lịch sử cận đại Nhật Bản mà đối tượng chính là người Việt, chúng tôi đã cố gắng đúc kết kinh nghiệm của nhiều năm nghiên cứu và giảng dạy về lịch sử Nhật Bản (ở Canada), đồng thời tổng hợp những thành quả nghiên cứu mới mẻ nhất của các học giả trong ngành, cố gắng phân tích những nét đặc trưng của văn hóa chính trong lịch sử Nhật Bản nhằm giúp độc giả trả lời những câu hỏi căn bản sau đây: Đâu là những nét căn bản trong lịch sử Nhật Bản? Những di sản văn hóa, chính trị, kinh tế của Nhật Bản trước Minh Trị Duy Tân (1868), và những cải cách nào đã tạo nền móng đưa nước Nhật tiến lên hàng cường quốc trong khoảng năm mươi năm sau đó? Tại sao trong các nước Đông Á chỉ có nước Nhật sớm trở nên cường quốc? Xã hội Nhật Bản đã biến dạng như thế nào trong hơn một trăm năm qua? Nguyên nhân nào đã đưa Nhật Bản đến con đường xâm lược Đại Đông Á tuyệt vọng để rồi bị phá sản hoàn toàn năm 1945? Làm sao giải thích sự phục hồi và phát triển kinh dị của kinh tế Nhật sau Thế chiến thứ hai? Những vấn đề nào cấp bách nhất đối với “cường quốc kinh tế” Nhật Bản ngày nay?
Trong sách này, để thích hợp với độc giả Việt Nam, những tên tiếng Nhật nào cần thiết đều có thêm âm Hán Việt để độc giả cảm thấy dễ quen thuộc và tiện bề tham khảo. Tuy vậy, chúng ta cũng nên nhớ rằng âm tiếng Nhật mới là chính yếu và quan trọng trong việc nghiên cứu và tham khảo về Nhật Bản. Từ trước đến nay, có lẽ vì ảnh hưởng của sách vở bằng Hán văn, ta thường lẫn lộn tên của một số người Nhật; chẳng hạn như nhà chính khảo Inukai Tsuyoshi (1855 – 1932), ta gọi là Khuyển Dưỡng Nghị (còn khi viết với dấu ngang: Khuyển- Dưỡng-Nghị), hóa như họ cho ông ta là Khuyển và tên gọi là Dưỡng Nghị. Thật ra, họ của ông ta là Khuyển-Dưỡng (Inukai) và tên của ông ta là Nghị (Tsuyoshi). Để tránh những lỗi lầm như vậy, trong sách này tên ông ta sẽ chú theo âm Hán Việt là “Khuyển-Dưỡng Nghị”. Trường hợp những tên khác cũng sẽ được giải quyết tương tự.
Biên soạn lịch sử của một dân tộc là một công trình có quy mô lớn lao, đòi hỏi sự cố gắng lâu dài của nhiều người. Đứng trước nhu cầu tìm hiểu về lịch sử và văn hóa Nhật Bản ngày càng bức thiết hiện nay, chúng tôi đã không ngại tài hèn và thiển học đứng ra viết sách này ngõ hầu đáp ứng được phần nào nhu cầu đó. Trong khi biên soạn chắc không tránh khỏi những chỗ sơ suất, kính mong quý vị độc giả vui lòng chỉ giáo để chúng tôi sửa đổi cho cuốn sách ngày càng được hoàn chỉnh hơn.
Cuối cùng, chúng tôi xin chân thành cảm tạ sự khích lệ và giúp đỡ tận tình của anh em và bạn bè xa gần trong khi hoàn thành cuốn sách này. Về phía các bằng hữu người Nhật, ngoài các bạn đồng nghiệp, chúng tôi xin đặc biệt đa tạ quý vị sau đây: Ông bà Watanabe Makoto và ông Yamashita Yasunori đã khích lệ việc biên soạn sách trong suốt thời gian chúng tôi sang nghiên cứu ở Nhật, ông Taniguchi Michiaki cùng công ty Sosei đã sốt sắng tài trợ một phần phí tổn xuất bản và bà Hiratsuka Haruko, giảng viên tại Đại học Alberta, đã giúp viết những đề mục tiếng Nhật ở đầu mỗi chương trong sách.
Về nội dung của cuốn sách, chúng tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm, nếu có gì thiếu sót hay sơ hở trong sách thì đó là lỗi riêng của chúng tôi.
Diện tích của nước Nhật là 374.212 km2. Nếu không tính Hokkaido thì cùng cỡ với diện tích Việt Nam (329.465 km2), hay vào khoảng 1/27 diện tích của Trung Quốc hoặc 1/25 diện tích Hoa Kỳ. Dân số Nhật Bản theo thống kê 1985 là 121 triệu dân, một dân số đứng vào hàng thứ sáu của thế giới (khoảng gấp hai dân số Việt Nam, và dân số các nước lớn ở Tây Âu: Anh, Pháp, Tây Đức và Ý).
Vì quần đảo Nhật Bản chạy dài từ Bắc xuống Nam, nên khí hậu của hai miền Bắc Nam rất khác nhau: nhiệt độ trung bình hàng năm ở Wakkanai (cực bắc của Hokkaido) là 6,5 độ trong khi ở Kagoshima (cực nam của Kyushu) là 17 độ. Tuy nhiên, phần lớn đất đai nước Nhật nằm trong vùng khí hậu ôn hòa. Về phía Thái Bình Dương có hai dòng hải lưu lớn chảy ngang: dòng Oyashio lạnh, chảy từ Bắc xuống Nam và dòng Kuroshio ấm, chảy từ Nam lên Bắc. Ngoài ra, về phía biển Nhật Bản (Nihonkai: Nhật-Bản-hải) lại có thêm hải lưu Tsushima (ấm) và Liman (lạnh). Các hải lưu này có tác dụng làm khí hậu Nhật Bản được ôn hòa, thích hợp cho cây cỏ và đời sống con người, đồng thời đem lại nhiều loại cá (cá sống ở các hải lưu ấm cũng như cá sống ở các hải lưu lạnh) đến vùng biển xung quanh nước Nhật.
Mời các bạn đón đọc Nhật Bản Cận Đại của tác giả Vĩnh Sính.
Download ebook
Nhật Bản Cận Đại
FULL: |
Download App tải ebook,sách nói, khóa học tốt nhất: https://h.nhuttruong.com/app
Website: https://www.trươngđịnh.vn
Page:https://www.facebook.com/truongdinhvn/
Mail:[email protected]
[toc] Giới thiệu ebook Nhật Bản Cận Đại Tweet! Lời nói đầu Giống nòi lỡ bước văn minh chậm, Non nước đang chờ tiết khí cao… (B.T, 1942?) Vào đầu…