Nhân Từ Với Quỷ Dữ – Bàn Về Công Lý Và Sự Cứu Chuộc

Nhân Từ Với Quỷ Dữ – Bàn Về Công Lý Và Sự Cứu Chuộc

[toc]


Giới thiệu ebook

Nhân Từ Với Quỷ Dữ – Bàn Về Công Lý Và Sự Cứu Chuộc


Một nước Mỹ giàu có, dân chủ và tự do. Đó là những gì người ta đi tìm ở “giấc mơ Mỹ”.

Nhưng có thật sự như thế. Ở nước Mỹ xa xôi ấy vẫn có cảnh bị phân biệt chủng tộc, giai cấp, pháp luật như một cái cớ vô lối để đẩy bao người vô tội lên ghế tử hình, một người lương thiện sau một đêm thức dậy thấy mình ở nhà lao với bản án tử hình, và còn vô vàn điều khác nữa.

Để hiểu rõ những điều trên thì chúng ta nên đọc cuốn sách “Nhân từ với quỷ dữ” của luật sư Stevenson – người đi tìm công lý trên xứ sở dân chủ, tự do. Chắc chắn tính nhân văn và lòng trắc ẩn sâu thẳm trong cuốn sách sẽ thắp sáng bất cứ trái tim và khối óc nào tiếp cận

***
Lúc ấy, tôi chưa sẵn sàng gặp một người bị kết án. Năm 1983, tôi mới hai mươi ba tuổi, đang là sinh viên trường Luật Harvard thực tập tại bang Georgia, nhiệt huyết, non nớt, và đầy âu lo. Tôi chưa bao giờ đặt chân vào một nhà tù canh gác cẩn mật, và đương nhiên là chưa bao giờ tới trại tử tù. Biết mình sẽ phải một mình đi gặp tù nhân mà không có luật sư nào đi cùng, tôi cố giấu cảm giác sợ hãi.
Trại tử tù bang Georgia nằm trong một nhà tù ở ngoại ô Jackson, một thị trấn hẻo lánh thuộc vùng nông thôn của bang này. Tôi lái xe một mình từ Atlanta đi về phía Nam theo đường I-75. Càng tới gần, tim tôi càng đập mạnh. Tôi không biết gì về án tử hình và thậm chí còn chưa học môn Tố tụng hình sự. Tôi chưa có chút kiến thức sơ đẳng nào về quy trình kháng cáo phức tạp vốn là đặc trưng ở các vụ án tử hình mà về sau tôi sẽ thuộc như lòng bàn tay. Khi ứng tuyển vào vị trí thực tập sinh này, tôi không hề nghĩ mình sẽ phải gặp những tù nhân thực sự. Thú thực, tôi thậm chí còn không chắc liệu mình có muốn trở thành luật sư hay không. Khi con đường quê dẫn tới trại giam mỗi lúc một ngắn lại, tôi càng tin chắc người tử tù sẽ thất vọng khi gặp tôi.
Tôi học đại học ngành Triết và mãi đến năm cuối mới tỉnh ra rằng sau khi tốt nghiệp, sẽ chẳng có ai trả lương để tôi ngồi đó mà triết lý. Cuộc tìm kiếm điên cuồng một định hướng nghề nghiệp đã đưa tôi đến với trường luật, chẳng qua vì các chương trình sau đại học khác đều yêu cầu thí sinh phải biết chút ít về lĩnh vực mà họ sắp học trong khi các trường luật dường như không yêu cầu sinh viên tương lai phải biết bất kỳ điều gì. Ở Harvard có cái hay là tôi có thể học luật song song với chương trình thạc sĩ về chính sách công ở trường Quản lý Nhà nước Kennedy. Tôi không chắc mình muốn làm gì với đời mình, nhưng tôi biết mình thích một công việc liên quan đến cuộc sống của người nghèo, đến lịch sử phân biệt chủng tộc của nước Mỹ và cuộc đấu tranh vì công lý và bình đẳng. Tôi muốn làm gì đó với những điều bản thân đã chứng kiến và trăn trở trong cuộc đời, nhưng không thể gói ghém chúng lại thành một con đường sự nghiệp rõ ràng.
Không lâu sau khi nhập học tại Harvard, tôi bắt đầu băn khoăn không biết mình có quyết định sai lầm không. Tốt nghiệp một trường đại học nhỏ ở Pennsylvania, tôi cảm thấy thật may mắn khi được nhận vào Harvard, nhưng tới cuối năm nhất, tôi vỡ mộng. Lúc đó, trường Luật Harvard là nơi khá kinh dị, nhất là đối với những cô cậu hai mươi mốt tuổi. Nhiều giáo sư giảng dạy theo phương pháp khích biện Socrates, họ đặt các câu hỏi trực tiếp, lặp đi lặp lại và đầy tính thách đố, dẫn đến một tác dụng phụ là làm bẽ mặt những sinh viên chưa chuẩn bị bài kỹ. Các khóa học mang tính hàn lâm và dường như không đề cập đến các vấn đề chủng tộc và nghèo đói, vốn là động lực thôi thúc tôi theo học ngành luật.
Nhiều sinh viên trong lớp đã có bằng sau đại học hoặc đã làm trợ lý pháp lý cho các công ty luật danh tiếng. Tôi không có những ưu thế đó. Tôi cảm thấy mình non hơn và ít bay nhảy hơn nhiều so với các bạn cùng lớp. Khi các công ty luật xuất hiện ở trường và tổ chức phỏng vấn tuyển dụng chỉ một tháng sau khi chương trình học bắt đầu, bạn bè tôi khoác lên mình những bộ comple đắt tiền và tham gia ứng tuyển để có cơ hội chu du New York, Los Angeles, San Francisco hay Washington D.C. Tôi hoàn toàn mờ mịt không biết chúng tôi đang lao vào trang bị cho mình tất cả những thứ này để làm gì. Trước khi vào trường luật, tôi thậm chí còn chưa bao giờ gặp một luật sư.
Vào kỳ nghỉ hè sau năm thứ nhất, tôi tham gia một dự án công lý cho thanh thiếu niên ở Philadelphia và học khóa Giải tích nâng cao vào buổi tối để chuẩn bị cho năm học sau ở trường Kennedy. Sau khi nhập học chương trình Chính sách công vào tháng Chín, tôi vẫn cảm thấy lạc lõng. Chương trình giảng dạy nặng tính định lượng, tập trung vào việc tính toán làm sao để tối đa hóa lợi ích và giảm thiểu chi phí mà không quan tâm nhiều tới hệ quả của những lợi ích và chi phí đó. Mặc dù kích thích tư duy, song lý thuyết ra quyết định, kinh tế lượng và các khóa học tương tự vẫn làm tôi chơi vơi. Thế rồi bất chợt mọi việc trở nên tỏ tường.
Tôi phát hiện ra một khóa học chuyên sâu kéo dài một tháng khá hiếm hoi về kiện tụng liên quan đến chủng tộc và đói nghèo do cô Betsy Bartholet, một giáo sư luật từng làm luật sư cho Quỹ Bảo vệ Pháp lý NAACP đứng lớp. Không như phần lớn các khóa khác, khóa học này đưa sinh viên ra khỏi khu học xá, buộc họ phải thực tập một tháng tại một tổ chức hoạt động vì công bằng xã hội. Tôi háo hức đăng ký, và tháng Mười hai năm 1983, tôi bay tới Atlanta, Georgia, tại đây tôi sẽ có vài tuần làm việc tại Ủy ban Bảo vệ Tù nhân miền Nam (Southern Prisoners Deíense Committee – SPDC).
Vì không đủ tiền bay thẳng tới Atlanta, tôi phải quá cảnh ở Charlotte, North Carolina, và đó là nơi tôi gặp Steve Bright, giám đốc SPDC, khi anh trở lại Atlanta sau kỳ nghỉ lễ. Steve ngoài 30 tuổi, là một người đam mê và kiên định – dường như đối lập hoàn toàn với tâm lý mâu thuẫn trong tôi. Anh lớn lên tại một trang trại ở Kentucky và lập nghiệp ở Washington D.C. sau khi tốt nghiệp trường luật. Anh là một luật sư tập sự xuất sắc tại Cục Bảo vệ Công chúng – Đặc khu Columbia và vừa trúng tuyển vào vị trí giám đốc SPDC với sứ mệnh giúp đỡ những tử tù ở Georgia. Ở anh không hề có sự bất nhất giữa hành động và niềm tin như tôi từng thấy ở rất nhiều giáo sư luật. Khi chúng tôi gặp nhau, anh chào đón tôi bằng một cái ôm ấm áp và chúng tôi nói chuyện không dứt tới tận khi máy bay hạ cánh xuống Atlanta.
“Bryan này,” Steve nói lúc chúng tôi ngồi trên máy bay, “án tử hình nghĩa là ‘người nào không có vốn thì sẽ phải chịu vạ’*. Chúng tôi không thể giúp đỡ các tử tù nếu không có sự hỗ trợ từ những người như cậu.”
Tôi ngạc nhiên khi chưa gì anh đã tin rằng tôi có thể làm được điều gì đó. Anh diễn giải các vấn đề của hình phạt tử hình một cách đơn giản nhưng đầy thuyết phục. Tôi nuốt từng lời, hoàn toàn bị lòng tận tụy và sức hút của Steve cuốn lấy.
“Tôi chỉ mong là cậu sẽ không trông đợi thứ gì hào nhoáng khi làm việc tại đây,” anh nói.
“Ồ không,” tôi quả quyết. “Tôi rất hân hạnh vì có cơ hội được làm việc cho tổ chức của anh.”
“Thực ra ‘cơ hội’ không phải là từ đầu tiên mọi người nghĩ tới khi làm việc với chúng tôi đâu. Chúng tôi sống khá đơn giản, khối lượng công việc cũng căng đấy.”
“Không sao đâu.”
“Ừm, thực ra người ta thậm chí còn nghĩ chúng tôi sống dưới cả mức đơn giản. Kiểu như nghèo ấy – mà có khi còn chẳng được coi là sống nữa, luôn phải vật lộn để tồn tại, sống nhờ lòng hảo tâm của mọi người, cóp nhặt từng đồng một, chẳng biết tương lai sẽ ra sao.”
Tôi để lộ một thoáng ngờ vực. Steve cười lớn.
“Tôi đùa đấy… đại loại thế.”
Rồi anh chuyển qua nói về chủ đề khác, nhưng rõ ràng trái tim và tâm trí của anh đứng về phía những người bị kết án và những người đang phải chịu sự đối xử bất công trong nhà tù. Thật vững lòng khi được gặp một người mà công việc của họ đem lại cho cuộc đời nhiều sinh khí đến thế.
Khi tôi tới Atlanta mùa đông năm ấy, chỉ có một vài luật sư làm việc tại SPDC. Phần lớn họ từng là luật sư bào chữa hình sự tại Washington, nay chuyển tới Georgia để giải quyết một cuộc khủng hoảng ngày một trầm trọng: các tử tù không kiếm được luật sư. Họ ngoài ba mươi tuổi, cả nam và nữ, da đen và da trắng; tất cả đều thân thiết với nhau bởi họ có chung sứ mệnh, chung niềm hy vọng, và chung cả sức ép từ những thách thức mà họ đang phải đối mặt.
Sau nhiều năm bị cấm cản và trì hoãn, các vụ xử tử lại diễn ra ở miền Nam, và hầu hết các tử tù đều không có luật sư bào chữa hay có quyền tham vấn pháp lý. Mối lo ngại rằng những người này sẽ sớm bị xử tử trong khi vụ án của họ không được các luật sư có kinh nghiệm xem xét ngày càng gia tăng. Mỗi ngày chúng tôi đều nhận được các cuộc gọi hoảng loạn từ những người không được hỗ trợ pháp lý trong khi giờ phút thi hành án của họ mỗi lúc một cận kề. Tôi chưa bao giờ nghe thấy những giọng nói khẩn khoản tuyệt vọng đến thế.
Khi tôi bắt đầu kỳ thực tập, ai cũng đối với tôi cực tốt, và tôi lập tức cảm thấy thoải mái như ở nhà. Văn phòng SPDC nằm trong tòa nhà Healey mười sáu tầng kiến trúc kiểu Gothic Revival xây từ đầu thế kỷ 20, giờ đã xuống cấp và ít người thuê, nằm ở trung tâm Atlanta. Tôi ngồi tại một dãy bàn chật chội cùng với hai luật sư, làm chân thư ký, trả lời điện thoại và giúp mọi người tìm hiểu các vấn đề pháp lý. Tôi vừa mới làm quen với công việc văn phòng chưa được bao lâu thì Steve bảo tôi tới trại tử tù để gặp một tù nhân không có ai thăm nuôi. Anh giải thích với tôi rằng người tù này đã chờ chết hơn hai năm nay, và không có luật sư nào nhận trường hợp của anh ta. Nhiệm vụ của tôi là truyền cho anh ta một thông điệp đơn giản: Năm sau anh vẫn chưa bị xử tử đâu.
Tôi lái xe qua những cánh rừng và nông trại ở miền quê Georgia, nhẩm đi nhẩm lại những điều tôi cần nói khi gặp người tù. Tôi tập đi tập lại lời giới thiệu.
“Chào anh, tôi là Bryan. Tôi là sinh viên làm việc tại…” À không. “Tôi là một sinh viên luật làm việc tại…” Không. ‘Tên tôi là Bryan Stevenson. Tôi là thực tập sinh pháp lý tại Ủy ban Bảo vệ Tù nhân miền Nam, và tôi được giao nhiệm vụ thông báo với anh rằng anh sẽ chưa bị tử hình ngay đâu.” “Anh không thể bị tử hình sớm.” “Anh không có nguy cơ bị tử hình sớm.” Không, vẫn chưa ổn.
Tôi cứ luyện nói tới khi dừng xe trước hàng rào dây thép gai và cái tháp canh màu trắng ớn lạnh của Trung tâm Chẩn đoán và Phân loại Georgia. Ở văn phòng, chúng tôi thường gọi nó đơn giản là “Jackson”, vì vậy khi trông thấy tên thật của trại trên tấm biển, tôi cảm thấy nó thật chướng tai – nghe như y học, trị liệu. Tôi đỗ xe, tìm đường tới cổng trại và bước vào khu nhà chính với những dãy hành lang tối và tiền sảnh có cổng chắn, và các thanh kim loại chặn mọi lối đi. Nội thất của khu nhà đánh bay nỗi ngờ vực đây là chốn khắc nghiệt.
Tôi đi xuống một đường hầm để tới khu thăm viếng pháp lý, mỗi bước chân trên sàn gạch nhẵn bóng đều vang đến gai người. Khi tôi giới thiệu với nhân viên phụ trách phòng thăm viếng rằng tôi là trợ lý luật sư, tới gặp một tử tù, ông ta đã nhìn tôi bằng ánh mắt hồ nghi. Tôi mặc bộ comple duy nhất mình có, và cả hai chúng tôi đều nhìn ra thời hoàng kim của bộ cánh đó đã qua. Ánh mắt của viên quản giáo dường như dán chặt vào tấm bằng lái của tôi trước khi ông ta nghiêng đầu về phía tôi và nói:
“Anh không phải người ở đây.”
Đấy là một lời khẳng định hơn là một câu hỏi.
“Đúng thế, thưa ông. Tôi hiện đang làm việc ở Atlanta.” Sau khi gọi điện cho văn phòng giám đốc trại để xác nhận có phải chuyến thăm của tôi đã được hẹn trước, cuối cùng ông ta cũng đồng ý cho tôi vào, rồi cáu kỉnh dẫn tôi tới căn phòng nhỏ nơi tôi sẽ gặp người tù. “Đừng lạc ở đây nhé, tôi không cam đoan sẽ đi tìm anh đâu,” ông ta cảnh báo.
Phòng thăm nuôi chỉ rộng chừng hai mét vuông với vài chiếc ghế nhỏ được bắt vít xuống sàn. Mọi thứ trong phòng đều bằng kim loại và được vít kiên cố. Phía trước những chiếc ghế, một tấm lưới thép chạy từ một gờ nhỏ lên tận trần nhà cao ba mét rưỡi. Căn phòng không khác gì một cái chuồng rỗng cho tới khi tôi bước vào. Đối với các cuộc thăm nuôi của gia đình, tù nhân và người tới thăm bị ngăn cách bởi tấm lưới thép; họ nói chuyện với nhau qua những mắt lưới. Trong khi đó, các chuyến thăm pháp lý lại là “thăm có tiếp xúc” – hai chúng tôi ngồi cùng một phía của căn phòng để bảo đảm sự riêng tư. Căn phòng rất nhỏ, và tôi cảm thấy nó như bị thu hẹp lại sau mỗi giây trôi qua. Tôi bắt đầu lo lắng trở lại vì mình chưa chuẩn bị kỹ càng. Theo lịch, tôi sẽ có một giờ gặp gỡ thân chủ, nhưng với những gì tôi biết, tôi không chắc làm cách nào để nói cho hết mười lăm phút. Tôi ngồi xuống một chiếc ghế, chờ đợi. Sau mười lăm phút hồi hộp, cuối cùng tôi cũng nghe thấy tiếng dây xích kim loại kêu loảng xoảng từ bên kia cánh cửa.
Người tù bước vào phòng, trông anh còn hồi hộp hơn cả tôi. Anh ta liếc nhìn tôi, khuôn mặt rúm ró khổ sở, rồi vội vàng né ánh mắt của tôi. Anh ta cứ đứng ngập ngừng gần cánh cửa như thể không thực sự muốn bước vào. Anh là một người gốc Phi trẻ tuổi, ăn mặc chỉnh tề, tóc ngắn, râu cạo sạch sẽ, khổ người tầm thước, mặc bộ quần áo tù màu trắng tinh tươm. Tôi thấy anh thật quen thuộc, từa tựa như bất kỳ ai đã lớn lên cùng tôi: những người bạn thời đi học, những người tôi cùng chơi thể thao, chơi nhạc, những người tôi đã nói chuyện bâng quơ trên phố. Viên giám thị chậm rãi tháo chiếc còng số tám và cái cùm ở mắt cá chân anh, rồi gườm gườm nói tôi có một giờ để gặp thân chủ. Như cảm nhận được sự lo lắng ở cả tôi và người tù, ông ta khoái trá cười khẩy trước khi quay gót rời khỏi phòng. Cánh cửa kim loại đánh rầm sau lưng ông ta.
Người tù vẫn đứng đó, còn tôi không biết phải làm gì. Vì vậy, tôi tiến lại và chìa tay ra. Anh ta ngập ngừng bắt tay tôi. Chúng tôi cùng ngồi xuống và anh cất tiếng trước.
“Tôi là Henry,” anh nói.
“Tôi rất xin lỗi” là những từ đầu tiên tôi thốt ra. Mặc dù đã tập tành trước đó, tôi vẫn cứ xin lỗi liên mồm.
“Tôi thật sự xin lỗi, tôi rất xin lỗi, à, thì, tôi không biết, à, tôi chỉ là một sinh viên luật, tôi không phải luật sư thật sự đâu… Tôi rất xin lỗi vì tôi không có nhiều thông tin cho anh, tôi không biết gì mấy.”
Người tù nhìn tôi lo lắng. “Trường hợp của tôi thế nào? Có ổn không?”
“Các luật sư ở SPDC bảo tôi đến đây để thông báo là họ chưa có luật sư… Ý tôi là chúng tôi chưa kiếm được luật sư cho anh, nhưng anh không có nguy cơ bị xử tử vào năm sau đâu… Chúng tôi đang cố gắng tìm cho anh một luật sư, một luật sư thật sự, và tôi mong là vài tháng nữa thôi sẽ có luật sư tới gặp anh. Tôi chỉ là một sinh viên luật. Tôi rất vui được giúp anh. Ý tôi là, nếu tôi có thể làm được điều gì.”
Anh ta vội vàng nắm lấy tay tôi.
“Tôi sẽ không bị tử hình vào năm sau thật sao?”
“Chưa đâu. Họ bảo ít nhất một năm nữa anh mới bị định ngày xử tử.” Mấy từ này nói ra thật không dễ đối với tôi. Nhưng Henry nắm tay tôi chặt hơn.
“Cảm ơn anh. Thật sự cảm ơn anh! Thật là một tin mừng.” Đôi vai anh xuôi xuống, rồi anh nhìn tôi với ánh mắt nhẹ nhõm hẳn.
“Anh là người đầu tiên tôi gặp trong hơn hai năm qua kể từ khi vào trại mà không phải là tử tù hay quản giáo. Tôi rất mừng vì anh đến đây, rất mừng vì tin này.” Anh thở phào và có vẻ giãn ra.
“Tôi vẫn nói chuyện với vợ qua điện thoại, nhưng tôi không muốn cô ấy đến thăm hoặc mang con theo vì tôi sợ khi họ đến, tôi sẽ phải thông báo cho họ ngày xử tử của mình. Tôi không muốn họ đến đây trong tình cảnh như vậy. Bây giờ tôi có thể nhắn họ tới thăm được rồi. Cảm ơn anh!”
Tôi không ngờ anh ta lại vui mừng đến thế. Tôi cũng thở phào, và chúng tôi bắt đầu nói chuyện. Hóa ra anh bằng tuổi tôi. Chúng tôi hỏi han về cuộc sống của nhau và nói chuyện mê mải suốt một giờ. Anh kể về gia đình mình và về phiên tòa. Anh hỏi tôi về trường luật và về gia đình tôi. Chúng tôi nói về âm nhạc, chúng tôi nói về trại giam, chúng tôi nói về những điều quan trọng và không quan trọng trong cuộc đời. Tôi hoàn toàn bị cuốn vào cuộc nói chuyện. Thỉnh thoảng chúng tôi cười phá lên, nhưng cũng có những lúc anh xúc động và buồn bã. Chúng tôi cứ thế nói chuyện, mãi đến khi nghe tiếng cửa đánh rầm tôi mới nhận ra mình đã ngồi quá thời gian cho phép. Tôi nhìn đồng hồ. Tôi đã ở đó ba tiếng đồng hồ.
Viên giám thị giận dữ bước vào. Ông ta càu nhàu, “Lẽ ra cậu phải xong từ lâu rồi. Đến giờ cậu phải đi rồi.”
Ông ta bắt đầu còng tay Henry, ông ta bẻ quặt tay anh ra sau lưng, rồi còng lại. Rồi ông ta thô bạo xích cổ chân anh. Viên giám thị cáu kỉnh xiết chặt chiếc còng. Tôi thấy Henry nhăn nhó vì đau.
Tôi nói, “Tôi thấy cái còng đang bị xiết chặt quá. Ông có thể nới lỏng ra được không?”
“Nghe đây: Cậu phải đi ngay. Đừng lên mặt dạy khôn tôi.” Henry mỉm cười và nói, “Không sao đâu, Bryan. Đừng lo. Cứ quay lại gặp tôi nhé, được không?”
Tôi thấy anh nhăn nhó sau mỗi tiếng động của dây xích thít chặt vào eo.
Lúc đó chắc trông vẻ mặt tôi kinh sợ lắm. Henry vẫn trấn an, “Đừng lo, Bryan, đừng lo. Hôm nào quay lại đây nhé?”
Khi giám thị đẩy anh ra cửa, Henry ngoái lại nhìn tôi.
Tôi bắt đầu lẩm bẩm, “Tôi thật sự xin lỗi. Tôi thật sự xin…”
“Đừng lo mà, Bryan,” anh ngắt lời. “Cứ quay lại đây với tôi.”
Tôi nhìn anh và cố gắng nói điều gì đó cho phải, điều gì đó an ủi, điều gì đó thể hiện lòng cảm kích vì anh đã kiên nhẫn với tôi. Nhưng tôi chẳng biết nói gì. Henry nhìn tôi mỉm cười. Viên giám thị thô bạo đẩy anh đi. Tôi không thích cách ông ta đối xử với Henry, nhưng Henry vẫn tươi cười cho tới khi, ngay trước lúc viên giám thị đẩy được anh ra khỏi căn phòng, anh bấm ngón chân xuống sàn để cưỡng lại. Trông anh thật bình thản. Rồi anh làm một việc mà tôi hoàn toàn không ngờ tới. Tôi thấy anh nhắm mắt, đầu ngửa ra sau. Tôi bối rối không hiểu anh định làm gì, nhưng rồi anh mở miệng và cất tiếng hát. Anh có giọng nam trung tuyệt hay, khỏe và trong, làm cả tôi và viên giám thị đều ngỡ ngàng. Viên giám thị thôi không đẩy anh nữa.
Tôi vẫn bước tiếp, bước lên cao

Mỗi ngày một cao hơn

Vừa bước lên vừa cầu nguyện

Chúa ơi, hãy gieo chân con xuống Miền Thanh Cao.

Đó là một làn điệu cổ xưa người ta vẫn thường hát trong nhà thờ ở quê tôi. Nhiều năm rồi tôi không được nghe nó. Henry hát chầm chậm với niềm tôn kính chân thành. Phải mất một lúc viên giám thị mới sực tỉnh và tiếp tục đẩy anh ra cửa. Chân bị xích và tay bị còng quặt ra phía sau, Henry suýt ngã khi bị đẩy đi. Anh phải nhích từng bước để giữ thăng bằng, nhưng vẫn tiếp tục hát. Tôi có thể nghe thấy tiếng hát ấy theo bước chân anh đi xa dần.
Chúa hãy nâng chân con, và để con đứng đó

Với đức tin vào miền cao nguyên thiên đường

Một miền cao mà con đã tìm thấy

Chúa ơi, hãy gieo chân con xuống Miền Thanh Cao.

Tôi ngồi xuống, ngỡ ngàng. Giọng hát của Henry tràn trề khát vọng. Bài hát của anh như một món quà quý giá đối với tôi. Tôi đã tới nhà tù này trong tâm trạng phấp phỏng và e ngại anh có thể sẽ không chịu nổi sự kém cỏi của tôi. Tôi không kỳ vọng anh nhiệt tình hay hào phóng. Tôi không có quyền kỳ vọng bất cứ thứ gì từ một tử tù. Nhưng cuối cùng anh lại khiến tôi sững sờ vì bản tính con người cao quý nơi anh. Trong khoảnh khắc đó, Henry đã làm thay đổi hiểu biết của tôi về tiềm năng, sự cứu chuộc và hy vọng chứa chan nơi con người.
Tôi kết thúc kỳ thực tập của mình với quyết tâm sẽ giúp đỡ những tử tù mà tôi gặp trong tháng đó. Cuộc tiếp xúc với những con người bị kết án và tống giam ấy đã khiến cho câu hỏi của tôi về nhân tính trong mỗi người, bao gồm cả bản thân tôi, trở nên khẩn thiết và có ý nghĩa hơn bao giờ hết. Tôi trở về trường luật với niềm khát khao tìm hiểu những bộ luật, những học thuyết về án tử hình và các hình thức trừng phạt khắc nghiệt khác. Tôi dồn dập theo học các khóa về luật hiến pháp, tố tụng, quy trình kháng cáo, tòa án liên bang và các công cụ pháp lý bổ trợ để kháng án. Tôi nghiên cứu thêm để có thể hiểu sâu hơn lý thuyết hiến pháp định hình thủ tục tố tụng hình sự như thế nào. Tôi vùi mình vào các vấn đề pháp lý và xã hội học về chủng tộc, đói nghèo và quyền lực. Trước đây tôi cảm thấy trường luật mơ hồ và xa rời hiện thực, nhưng sau khi gặp gỡ những người tù khốn khổ kia, nó lại trở nên hết sức hợp lý và vô cùng quan trọng đối với tôi. Kể cả việc học tập của tôi ở trường Kennedy cũng mang một ý nghĩa mới. Việc phát triển các kỹ năng lượng hóa và diễn giải tình trạng phân biệt đối xử và bất bình đẳng mà tôi chứng kiến đã trở nên cấp thiết và có ý nghĩa.
Quãng thời gian ngắn ngủi làm việc với các tử tù năm đó đã cho tôi thấy rằng hệ thống luật pháp của chúng ta trong cách đối xử với người dân còn rất nhiều thiếu sót. Và chúng ta có thể đã phán xử bất công một số người. Cứ mỗi lần suy ngẫm về trải nghiệm đó là thêm một lần tôi nhận ra rằng suốt cả đời mình tôi đã trăn trở với câu hỏi, con người ta đã bị phán xử bất công như thế nào và tại sao lại như vậy?
Tôi lớn lên ở một vùng quê nghèo và chia rẽ chủng tộc ở bờ đông bán đảo Delmarva, bang Delaware, nơi lịch sử phân biệt chủng tộc của nước Mỹ vẫn còn đeo bám dai dẳng. Cộng đồng dân cư miền duyên hải kéo dài từ Virginia và miền đông Maryland tới phía nam Delaware không chút ngại ngần xưng là người miền Nam. Nhiều người ở khu vực này kiên quyết duy trì sự phân rẽ xã hội dựa trên chủng tộc bằng cách liên tục sử dụng các biểu tượng và chỉ dấu của nó, nguyên nhân một phần là bởi sự giáp ranh tại đây với miền Bắc. Những lá cờ của Liên minh miền Nam Hoa Kỳ vẫn tung bay ngạo nghễ, thể hiện quan điểm chính trị, xã hội và văn hóa của khu vực một cách táo bạo và đầy thách thức.
Người Mỹ gốc Phi sống trong những khu ổ chuột phân rẽ chủng tộc, bị cô lập bởi đường ray tàu hỏa ở những thị trấn nhỏ, hoặc trong những “khu da màu” trên khắp cả nước. Tôi lớn lên trong một khu định cư ở nông thôn, nơi nhiều người phải sống trong những lán nhỏ, và có những gia đình không có công trình phụ khép kín nên phải dùng nhà xí ngoài trời. Tụi trẻ con chúng tôi thì chơi chung sân với gà và lợn.
Những người da đen sống quanh tôi mạnh mẽ và đầy quyết tâm nhưng lại bị loại trừ và gạt ra bên lề. Hàng ngày, chiếc xe của nhà máy gia cầm ghé qua đón người lớn tới chỗ làm, nơi họ có nhiệm vụ vặt lông và làm thịt hàng nghìn con gà. Cha tôi thoát ly từ thời niên thiếu vì nơi này không có trường trung học cho trẻ da đen. Sau đó, ông trở lại cùng với mẹ tôi và tìm được việc làm trong một nhà máy thực phẩm; những ngày cuối tuần, ông phụ việc tại mấy nhà nghỉ mát ven biển. Mẹ tôi làm công việc hành chính ở một căn cứ không quân. Dường như tất cả chúng tôi, ai cũng phải khoác lên mình một chiếc áo đánh dấu chủng tộc, thứ ngăn cản, hạn định và giam hãm chúng tôi.
Họ hàng tôi làm việc cần mẫn quanh năm nhưng chẳng bao giờ khấm khá. Ông tôi bị giết khi tôi còn là một cậu thiếu niên, nhưng điều đó dường như chẳng ảnh hưởng gì đến thế giới bên ngoài gia đình nhỏ của chúng tôi.
Bà tôi là con gái của những người nô lệ ở hạt Caroline, bang Virginia. Bà sinh vào những năm 1880, còn các cụ sinh vào những năm 1840. Cụ ông luôn kể với bà về tuổi thơ nô lệ của cụ và chuyện cụ đã bí mật học đọc, học viết như thế nào. Cụ giấu kín mọi điều cụ biết cho đến khi được giải phóng. Di sản của chế độ nô lệ đã ảnh hưởng rất lớn đến cuộc đời bà tôi và cách bà nuôi dạy chín người con của mình. Nó ảnh hưởng đến cả cách bà nói chuyện với tôi, cách bà luôn luôn bảo tôi phải sống “thật gần”.
Mỗi lần tôi tới thăm bà, bà sẽ ôm tôi chặt đến nỗi tôi không thở nổi. Một lúc sau, bà sẽ hỏi, “Bryan, cháu vẫn cảm thấy bà đang ôm cháu đấy chứ?” Nếu tôi nói có, bà sẽ buông tôi ra; nếu tôi nói không, bà sẽ ‘xử lý’ tôi tiếp. Tôi lúc nào cũng nói không vì tôi thích được ôm trọn trong vòng tay mạnh mẽ chết khiếp của bà. Bà không bao giờ mệt mỏi khi kéo tôi về phía bà.
“Cháu sẽ không hiểu được những điều quan trọng nếu cháu đứng từ xa đâu Bryan. Cháu phải tiến lại gần,” lúc nào bà cũng dặn tôi như vậy.
Chính cái khoảng cách mà tôi nếm trải trong năm đầu ở trường luật đã khiến tôi cảm thấy mất phương hướng. Và việc tiếp xúc gần hơn với những người bị kết án, những người bị xét xử bất công đã mang lại cho tôi một cảm giác thân thuộc, giống như là được trở về ngôi nhà xưa vậy.
Cuốn sách này là cái nhìn cận cảnh về tình trạng giam giữ hàng loạt và những hình phạt khắc nghiệt ở Mỹ. Nó cho thấy ở đất nước này chúng ta kết tội một người dễ dàng như thế nào, và chỉ ra sự bất công khi ta để cho nỗi sợ hãi, sự giận dữ và khoảng cách định hình cách ta đối xử với những người dễ bị tổn thương nhất trong số chúng ta. Nó cũng nói về một thời kỳ kịch tính trong lịch sử hiện đại với những vết khắc vĩnh viễn lên cuộc sống của hàng triệu người Mỹ thuộc mọi chủng tộc, lứa tuổi và giới tính khác nhau, cũng như lên tâm thức Mỹ nói chung.
Khi tôi tới trại tử tù lần đầu tiên vào tháng Mười hai năm 1983, nước Mỹ đang ở trong thời kỳ sơ khai của một cuộc chuyển biến quyết liệt, và nó đã khiến chúng ta trở thành một quốc gia khắc nghiệt và tàn nhẫn chưa từng có, dẫn tới cuộc bỏ tù hàng loạt vô tiền khoáng hậu trong lịch sử. Hiện nay, chúng ta có tỷ lệ tù nhân cao nhất thế giới. Số lượng tù nhân đã tăng từ 300.000 người vào đầu những năm 1970 lên tới 2,3 triệu người ở thời điểm hiện tại. Có gần 6 triệu người nữa đang thụ án treo hoặc được tạm tha. Cứ mười lăm người sinh ra tại Mỹ vào năm 2001 sẽ có một người phải ngồi tù[1]; cứ ba bé trai da đen sinh ra vào thế kỷ này thì sẽ có một phải sống trong cảnh tù tội[2].
Chúng ta đã bắn, treo cổ, gây ngạt khí, cho điện giật và tiêm thuốc độc hàng trăm người như một hình thức trừng phạt hợp pháp. Hàng nghìn người nữa đang nằm chờ chết trong các nhà tù. Một số bang còn không giới hạn độ tuổi tối thiểu[3] khi truy tố trẻ em như người trưởng thành. Chúng ta đã tống 1/4 triệu trẻ em vào các nhà tù dành cho người trưởng thành với thời hạn tù kéo dài, một số em thậm chí còn chưa đầy mười hai tuổi. Trong nhiều năm qua, chúng ta là quốc gia duy nhất trên thế giới kết án tù chung thân không ân xá đối với trẻ em; gần 3.000 em nhỏ bị kết án đã phải chết trong tù.
Hàng trăm nghìn tội nhân phạm những tội phi bạo lực đã buộc phải sống đời tù tội hàng chục năm. Chúng ta đã tạo ra các bộ luật quy định rằng ghi séc khống hay ăn cắp vặt là những tội danh có thể dẫn đến án tù chung thân. Chúng ta đã tuyên chiến với những người lạm dụng chất gây nghiện. Có hơn nửa triệu người[4] đang bị giam trong các nhà tù của bang hoặc liên bang vì phạm tội liên quan đến ma túy, so với mức chỉ 41.000 người vào năm 1980.
Chúng ta đã xóa bỏ chính sách khoan hồng ở nhiều bang. Chúng ta đã sáng tạo ra các khẩu hiệu như “Phạm tội ba lần, đời đi tong”* để tuyên truyền về sự cứng rắn của mình. Chúng ta đã từ bỏ việc cải tạo, giáo dục và hỗ trợ tù nhân bởi nếu ta giúp đỡ họ thì lại tử tế quá, nhiệt tình quá. Chúng ta đã thể chế hóa các chính sách quy giản con người về những hành vi tồi tệ nhất của họ và dán cho họ những cái nhãn vĩnh viễn như “tội phạm”, “kẻ giết người”, “kẻ hiếp dâm”, “kẻ trộm”, “buôn bán ma túy”, “quấy rối tình dục”, “trọng phạm” – những danh tính mà họ không thể nào thay đổi bất kể hành động phạm tội của họ xảy ra trong bối cảnh nào, bất kể về sau có thể họ đã cố gắng sống tốt hơn ra sao.
Những hậu quả gián tiếp của tình trạng giam giữ hàng loạt cũng rất nghiêm trọng. Chúng ta tước đi của phụ nữ[5], và lẽ tất yếu, con cái họ, chế độ nhận tem phiếu thực phẩm và nhà ở xã hội nếu họ có tiền án về ma túy. Chúng ta tạo ra một hệ thống phân chia giai cấp kiểu mới khi đẩy hàng nghìn người vào cảnh vô gia cư, ngăn cản họ chung sống với gia đình và cộng đồng, và khiến cho họ hầu như không thể kiếm được việc làm. Một số bang còn tước đoạt vĩnh viễn[6] quyền bầu cử của những người bị kết án hình sự. Hệ quả là tại một số bang miền Nam[7], tỷ lệ mất quyền bầu cử ở nam giới người Mỹ gốc Phi đã lên mức cao chưa từng thấy kể từ trước khi Đạo luật Quyền Bầu cử năm 1965 được thực thi.
Chúng ta cũng mắc phải những sai lầm nghiêm trọng. Rất nhiều người vô tội đã được minh oan[8] sau khi bị kết án tử hình, khi ngày tử của họ gần kề. Hàng trăm người nữa đã được thả ra[9] sau khi được giải oan khỏi những tội phi tử hình nhờ xét nghiệm ADN. Suy đoán có tội, nghèo đói, định kiến chủng tộc[10] cùng một tổ hợp các vận động chính trị, xã hội và cấu trúc đã tạo ra một hệ thống có đặc trưng nổi bật là các sai sót, trong đó hàng nghìn người vô tội phải sống trong cảnh tù đày.
Cuối cùng, chúng ta đã chi rất nhiều tiền. Ngân sách chi cho nhà tù[11] của chính quyền bang và liên bang đã tăng từ 6,9 tỷ đô-la năm 1980 lên tới gần 80 tỷ đô-la ở thời điểm hiện tại. Những công ty tư nhân chuyên xây dựng nhà tù và cung cấp dịch vụ trong tù đã chi hàng triệu đô-la để thuyết phục các chính quyền bang và địa phương tạo ra các tội danh mới, áp những bản án khắc nghiệt hơn và giam giữ nhiều người hơn để họ có thể bỏ túi thêm nhiều lợi nhuận. Lợi nhuận tư nhân đã làm méo mó những nỗ lực cải thiện hệ thống an ninh công cộng, cắt giảm chi phí giam giữ hàng loạt, và quan trọng hơn cả là nỗ lực thúc đẩy chương trình cải tạo tù nhân. Chính quyền các bang đã buộc phải chuyển hướng chi ngân sách từ dịch vụ công, giáo dục, y tế và phúc lợi sang cho nhà tù, và hậu quả là họ hiện đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có. Việc tư nhân hóa các dịch vụ y tế, thương mại và các dịch vụ khác trong tù đã khiến giam giữ hàng loạt trở thành con gà đẻ trứng vàng cho một thiểu số nhưng lại là ác mộng đối với đa số những người còn lại.
Sau khi tốt nghiệp trường luật, tôi trở lại vùng Thâm Nam* để đại diện cho người nghèo, người bị giam giữ và người bị kết án. Suốt ba mươi năm qua, tôi đã sát cánh bên những tử tù chịu oan sai như Walter McMillian. Trong cuốn sách này, bạn sẽ được biết tới vụ của Walter, một vụ việc đã dạy cho tôi về sự thờ ơ đáng sợ của hệ thống này trước những phán quyết sai lệch hoặc không đáng tin cậy, về cảm giác thoải mái của chúng ta đối với định kiến, và sự nhân nhượng của chúng ta đối với những quy trình tố tụng và bản án bất công. Những chuyện mà Walter phải kinh qua cho tôi thấy khi chúng ta sử dụng quyền lực để buộc tội và kết án một cách vô trách nhiệm, thì hệ thống của chúng ta đối xử tàn nhẫn và làm tổn thương con người – không chỉ người bị buộc tội mà còn cả gia đình, cộng đồng của họ, và thậm chí cả nạn nhân của vụ án – như thế nào. Tuy nhiên, không dừng lại đó, trường hợp của Walter còn dạy cho tôi một điều khác nữa: vẫn có ánh sáng trong màn đêm này.
Câu chuyện của Walter là một trong nhiều câu chuyện tôi sẽ kể ở những chương sau. Tôi đã đại diện cho những em nhỏ bị ngược đãi và hắt hủi, những đứa trẻ bị truy tố như người trưởng thành, chịu sự ngược đãi và đối xử thậm tệ khi bị giam giữ trong các trại giam người trưởng thành. Tôi đã đại diện cho phụ nữ, số phụ nữ ngồi tù đã tăng 640% trong vòng ba mươi năm trở lại đây. Và tôi đã chứng kiến nỗi ám ảnh về ma túy cùng sự thù nghịch với người nghèo đã khiến chúng ta vội vã buộc tội và truy tố những phụ nữ nghèo đúng lúc thai kỳ của họ gặp vấn đề như thế nào. Tôi đã đại diện cho những người mang bệnh tâm thần, mà vì chứng bệnh đang mang, họ đã bị đẩy vào cảnh tù tội hàng chục năm trời. Tôi đã ở bên những nạn nhân của tội ác dã man và gia đình họ, và chứng kiến ngay cả các quản giáo cũng bị làm cho tha hóa, trở nên bạo lực và giận dữ, bớt công chính và thiếu lòng xót thương ra sao.
Tôi cũng đại diện cho những người đã gây ra những tội ác khủng khiếp, nhưng đang nỗ lực hoàn lương và mong được cứu chuộc. Tôi đã phát hiện ra sâu thẳm trong trái tim của nhiều người bị kết tội và giam giữ là những vết tích tản mát của hy vọng và nhân tính – những hạt giống phục hồi có thể nảy nở nếu được nuôi dưỡng dù chỉ bằng những can thiệp đơn giản.
Sự gần gũi đã dạy tôi một số sự thật cơ bản và mộc mạc, trong đó phải kể đến bài học quan trọng sau: hành động tồi tệ nhất mà ta từng thực hiện không làm nên bản chất con người của ta. Công việc tôi làm với những người nghèo và người bị giam giữ đã thuyết phục tôi rằng trái ngược với nghèo đói không phải là giàu có, mà trái ngược với nghèo đói chính là công lý. Cuối cùng, tôi cũng tin rằng thước đo trung thực nhất cho cam kết của chúng ta đối với công lý, pháp quyền, công bằng, bình đẳng và bản sắc xã hội không nằm ở cách ta đối xử với những người giàu có, quyền cao chức trọng, nắm giữ đặc quyền, và được trọng vọng. Thước đo chuẩn xác nhất cho nhân phẩm của chúng ta nằm ở cách ta đối xử với người nghèo, người bị ghét bỏ, bị buộc tội, bị giam giữ và bị kết án.
Tất cả chúng ta đều có liên can nếu chúng ta để mặc cho người khác bị đối xử bất công. Thiếu đi lòng từ ái, sự tử tế của cả một cộng đồng, một tiểu bang hay một quốc gia có thể bị hoen ố. Nỗi sợ hãi và giận dữ có thể khiến chúng ta thù hận, tàn nhẫn, phi nghĩa và bất công cho tới khi tất cả chúng ta đều phải chịu đựng hệ lụy của sự nhẫn tâm, và chúng ta buộc tội mình nhiều như chúng ta tàn tệ với người khác. Càng hiểu rõ về giam giữ hàng loạt và những hình thức trừng phạt khắc nghiệt, tôi càng tin rằng chúng ta ai cũng cần lòng thương xót, ai cũng cần công lý, và có lẽ tất cả chúng ta đều cần chút ân điển.
 

Mời các bạn đón đọc Nhân Từ Với Quỷ Dữ – Bàn Về Công Lý Và Sự Cứu Chuộc của tác giả Bryan Stevenson.

Download ebook

Nhân Từ Với Quỷ Dữ – Bàn Về Công Lý Và Sự Cứu Chuộc


FULL:


AZW3


EPUB


MOBI


PDF

Download App tải ebook,sách nói, khóa học tốt nhất: https://h.nhuttruong.com/app
Website: https://www.trươngđịnh.vn
Page:https://www.facebook.com/truongdinhvn/
Mail:www.truongdinh.vn@gmail.com

Bookmark (0)
Please login to bookmark Close

[toc] Giới thiệu ebook Nhân Từ Với Quỷ Dữ – Bàn Về Công Lý Và Sự Cứu Chuộc Tweet! Một nước Mỹ giàu có, dân chủ và tự do. Đó…

Bookmark (0)
Please login to bookmark Close