Nhàn Trung Vịnh Cổ Vịnh Sử Giáp Ất Tập – Vỹ Khiêm & Đức Đạt & Song Quỳnh & Mai Am

Nhàn Trung Vịnh Cổ Vịnh Sử Giáp Ất Tập – Vỹ Khiêm & Đức Đạt & Song Quỳnh & Mai Am

[toc]


Giới thiệu ebook

Nhàn Trung Vịnh Cổ Vịnh Sử Giáp Ất Tập – Vỹ Khiêm & Đức Đạt & Song Quỳnh & Mai Am


CUỐN «NHÀN TRUNG VỊNH CỔ, VỊNH SỬ GIÁP ẤT TẬP» theo tài liệu trong cuốn «Việt Điện kỳ văn» chép bằng tay cho thấy :

Khởi thủy do vị thám Hoa trào Lê mạt là Phạm Thụy (Thoại) biệt hiệu Thạch Động cư sĩ, tự Vỷ Khiêm trước tác.

Bản di cảo di truyền đến đời Nguyễn sơ (cũng đã bị tam sao thất bản) thì được hai vị Tiến sĩ triều Nguyễn là Đức Đạt và Song Quỳnh lựa chọn lấy những bài còn đủ nguyên cảo và sáng tác thêm, nguyên tác của vị nào đều có ghi chú rõ rành ngay bên cạnh.

Theo tài liệu trong «Việt Điện kỳ văn» thì tiểu sử của Phạm công thấy ghi như sau :

Ông là bạn song và đồng khoa với quan Thị lang Vũ-trần-Thiệu.

Vũ-trần-Thiệu bị chúa Trịnh Sâm ép mang biểu sang tâu với nhà Thanh, trong biểu trình bầy : «Con cháu nhà Lê không còn ai xứng đáng làm vua, xin cho họ Trịnh được thay nhà Lê làm vua nước Nam»…

Sang đến Động đình hồ, Vũ-trần-Thiệu đốt tờ biểu của Chúa Trịnh, rồi uống thuốc độc tự tử.

Mấy tên nội giám theo sứ bộ đem việc về tâu với Trịnh-Sâm. Trịnh-Sâm biết sĩ phu còn mến trọng nhà Lê nên đành im việc «Cầu phong» không nhắc đến nữa.

Phạm Thụy thấy chúa có tà tâm thoán nghịch, mà trong Triều đầy rẫy bọn đại thần chỉ biết chúa chứ không biết vua, dù bạn mình có vì Lê Hoàng mà đốt chiếu biểu nhưng biết đâu một ngày kia chúa Trịnh lại không viết tờ biểu khác, mà rồi có khi mình phải lãnh sứ mạng làm sứ giả…

Nhất là nạn kiêu binh lúc đó đã manh nha, các quan đại thần bị bọn kiêu binh coi thường, có nhiều vị quan to trong triều thấy bọn kiêu binh được Chúa tin cậy đâm ra nịnh bợ bọn chúng để cầu quan cầu tước, hoặc dùng chúng làm vây cánh để mong áp đảo các người không thuộc phe cánh.

Thấy cảnh triều cương nát bấy, binh lính kiêu sa, chúa hoang dâm vô đạo, ông bèn xin từ chức về dạy học ở vùng Thạch-thất (thuộc tỉnh Sơn Tây) và lấy biệt hiệu là Thạch Động cư sĩ. Tương truyền chỗ ông ngồi dạy học, không hề trưng bầy đối trướng nói về khoa cử, phẩm tước như các vị hưu quan khác, đặc biệt ông chỉ dùng đôi câu đối ý nghĩa rất mộc mạc như sau :

Nhất đẳng nhân trung thần hiếu tử
Lưỡng kiện sự đọc thư canh điền

Tạm dịch :

Một loạt người : tôi trung con hiếu
Hai công việc : đọc sách cầy nương

Trong những thì giờ nhàn rỗi, ông làm thơ vịnh sử để gởi gấm tâm sự mình hoặc để dùng ngòi bút của mình làm ngọn bút biên soạn kinh Xuân của Khổng Phu tử.

Tiểu sử ông Đức Đạt xin trình bầy sơ lược như sau : ông người làng Nam Kim, tổng Trung cần, huyện Thanh chương, tỉnh Nghệ an, vốn tính hiếu học và nổi tiếng hay chữ từ thủa nhỏ, ông đậu Tiến sĩ cập đệ thứ ba (Thám hoa) năm Tự Đức thứ sáu.

Hoạn lộ, ông sung chức Thị giảng viện Tập hiền sau thăng Cấp sự trung.

Cung chức được mấy năm, ông dâng sớ xin về phụng dưỡng mẹ cha già. Vua Tự Đức thấy ông để chữ hiếu trên chữ danh, nên rất thương mến, bèn cho ông được giữ chức Đốc học ngay tỉnh nhà (Nghệ an) để vừa có thì giờ sớm viếng tối thăm vừa có phương tiện đào tạo nhân tài cho đất nước.

Sau đó một thời gian, ông được về «Đinh giản» (nghỉ chức để chịu tang cha mẹ). Thời gian này ông mở trường dạy học, sĩ tử bốn phương đến thụ nghiệp rất đông.

Tỉnh đường tâu về Triều hoạt động của ông, vua nhớ ra, bèn hạ chiếu cho ông kiêm lĩnh Quận học.

Sau ông được thăng Án sát rồi Tuần vũ Hưng yên. Ông trị nhậm tỉnh nào thì đúng là vị phúc tinh cho tỉnh đó, vì tính ông liêm khiết, và hết sức khuyên dạy dân lấy hiếu đễ làm trọng. Ông thường nói với bạn đồng liêu : Dân biết hiếu đễ sẽ biết liêm sỉ, biết liêm sỉ sẽ không bao giờ mắc tội phạm thượng. Nếu đã không phạm thượng thì còn bao giờ có tinh thần làm loạn nữa. Thiên tính của ông không danh lợi, chỉ mong sớm thoát vòng cương tỏa sớm chừng nào hay chừng nấy. Nên ông thác bệnh xin được về hưu trí.

Sau khi về hưu, ông lại mở trường dạy học và lấy việc trước thuật làm vui.

Học trò của ông, kể số có ngàn, trong đó có nhiều người dự vào hàng «hiển hoạn cao khoa». Vì vậy mà danh ông vang cả nơi Triều quận và thôn dã.

Công nghiệp trước thuật của ông đối với văn học sử rất trọng đại, trong số tác phẩm còn truyền lại có :

– Nam sơn song khóa
– Việt sử dẫn bình
– Cần kiệm vựng biên
– Khảo cổ ức thuyết
– Hồ Dạng thi
– Vịnh sử thi, tức «Nhàn trung vịnh sử vịnh cổ : Giáp Ất tập». Tài liệu này do ông Nguyễn thọ Dực, Trưởng ban Cổ Văn, cung cấp.

Tiểu sử Song Quỳnh tiên sinh tra trong «Đăng khoa lục» không thấy, vì tiên sinh đã không để lại họ gì, đậu khoa nào, sinh quán ở đâu. Chính vì tiên sinh không muốn phô cái «ta» cho hậu thế thành ra lúc này sưu khảo gặp nhiều khó khăn.

Theo bài tựa cuốn Giáp Ất tập, tiên sinh nói : «Năm Kỷ hợi tiên sinh về hưu trí, phỏng đoán rằng Kỷ hợi đây là năm 1899 mà tiên sinh với Nguyễn công Đức Đạt là bạn đồng triều không còn nghi ngờ gì nữa. Mong rằng hải nội chư quân, nếu ai có tài liệu về tiểu sử của tiên sinh xin gởi về cho Bộ Văn Hóa để bổ túc.

Nội dung trong tập Giáp, nhận thấy các vị đã để lại vị nào bao nhiêu bài thơ xin thống kê dưới đây :

Phạm công tự Vỹ Khiêm : 28 bài
Nguyễn công tự Đức Đạt : 315 bài
Song Quỳnh tiên sinh : 350 bài
Mai Am công chúa : 14 bài

Tập Ất :

Phạm công tự Vỹ Khiêm : 1 bài
Nguyễn công tự Đức Đạt : 31 bài
Song Quỳnh tiên sinh : 61 bài
Mai Am công chúa : 9 bài

Và một bài vịnh Lăng mẫu thấy đề tên «Lăng công» không biết của vị nào và xuất xứ ra sao, kính mong được các nhà cao minh bác học chỉ giáo.

Còn Tiểu sử Mai Am công chúa, tôi chỉ biết rằng bà là em gái Tuy Lý vương, con gái Vua Minh Mạng, triều Nguyễn.

Như trên đã trình bầy, sở dĩ các vị dùng thơ để gởi gấm tâm sự mình, đúng hay không xin quí độc giả đọc bài vịnh Cơ tử thì thấy lòng Tác giả :

Nhân giả dương cuồng vi bất nhân
Nhất ca thiên cổ thượng bi tân
Đương niên mạc quái «Trần Hồng Phạm»
Tây thổ thù nhân thị Thánh nhân.

Ôi ! người nhân mà phải vờ làm như cuồng như bất nhân, để rồi phải thốt ra những tiếng ca có thể làm cho muôn thuở phải đau thương cay đắng.

Sau bất đắc dĩ phải dâng thiên Hồng Phạm cho Chu Võ Vương, rồi nhận lấy cảnh : «Người thù ở Tây kỳ kia chính là kẻ thù của nhà Ân, thế mà lúc này mình lại nhận là Thánh nhân». Tổng ý bài thơ tác giả cho Trịnh Sâm lúc đó là Trụ vương, mà Chúa Nguyễn trong Nam có thể đóng vai Chu võ Vương. Mà tác giả phải đóng vai Cơ Tử.

Xem bài vịnh Khổng Minh của Nguyễn Đức Đạt :

Lư ngọa tiên tri đỉnh thế thành
Khởi lai hoàn dục dữ thiên tranh
Phan tương nhất tử thù tam cổ
Tinh ảnh thê lương Ngũ trượng doanh.

Ý tứ bài thơ trên cho ta thấy tác giả trung liệt nhường bao.

Bài vịnh Quan công của Song Quỳnh :

Bất tu di hận thất Kinh Tương
Thùy Bá, thùy Vương, mộng nhất trường
Độc hữu Đào viên huynh đệ ước
Đỉnh hôi tuy lãnh thượng văn hương.

Chỉ có hai mươi tám chữ, mà tác giả yên ủi được người mắc gian mưu của địch, khuyên đời dù có làm đến Bá Vương cũng chỉ là giấc mộng. Duy có lời thề nguyện ở Vườn Đào giữ được trọn vẹn mới đáng quí.

Tập «Giáp» vịnh các Anh quân bạo chúa Trung thần nịnh thần v.v… Tập «Ất» vịnh các bậc Hiền phi, liệt nữ và bọn hãn phụ yên cơ từ trào Đường Nghiêu đến thời gian nhà Nam Tống mất nước.

Người đọc dù sơ ý đến mấy cũng phải công nhận mỗi chữ khen của tác giả là hoa gấm, mà mỗi chữ chê trong bài là búa rìu nói chung.

Còn nói riêng về phẩm giá thì toàn là «Lời lời châu ngọc hàng hàng gấm thêu…»

Có thể nói trong văn khố Việt Nam, chưa có cuốn Vịnh nhân vật Bắc sử nào đầy đủ và hay như hai tập vịnh sử này.

Một áng văn chương của các vị đại khoa uyên thâm về nho học, bác lãm về Lão Trang như trên, hèn này được Phủ Văn Hóa dưới quyền điều khiển của Quốc Vụ Khanh Mai-thọ-Truyền giao cho dịch, với điều kiện «sát nghĩa với nguyên văn».

Nghĩ tới nghĩ lui, sợ không dịch nổi song suy đi xét lại : Hiện thời các nhà khoa bảng uyên thâm về Nho học thì không còn mấy, mà dù có còn năm mười vị thì vì vấn đề tuổi tác và sức khỏe các Vị ấy cũng không đảm nhiệm.

Nếu hèn này tự lượng học lực nông cạn không dịch, sợ rằng áng Văn trên sẽ bị mai một bởi thời gian.

Nên cố gắng dịch, tự biết còn nhiều thiếu sót… Mong rằng các vị cao minh sẽ thể tình lượng thứ cho bằng câu : «Không có cá phải lấy rau má làm bùi»…

Sài gòn, ngày thượng tuần tháng mạnh thu
năm Canh Tuất (1970)
Dịch giả
LƯU-MINH-TÂM
bút hiệu Hải âu tử

Mời các bạn đón đọc Nhàn Trung Vịnh Cổ Vịnh Sử Giáp Ất Tập của tác giả Vỹ Khiêm & Đức Đạt & Song Quỳnh & Mai Am.

Download ebook

Nhàn Trung Vịnh Cổ Vịnh Sử Giáp Ất Tập – Vỹ Khiêm & Đức Đạt & Song Quỳnh & Mai Am


FULL:


AZW3


EPUB


MOBI


PDF

Download App tải ebook,sách nói, khóa học tốt nhất: https://h.nhuttruong.com/app
Website: https://www.trươngđịnh.vn
Page:https://www.facebook.com/truongdinhvn/
Mail:www.truongdinh.vn@gmail.com

Bookmark (0)
Please login to bookmarkClose

[toc] Giới thiệu ebook Nhàn Trung Vịnh Cổ Vịnh Sử Giáp Ất Tập – Vỹ Khiêm & Đức Đạt & Song Quỳnh & Mai Am Tweet! CUỐN «NHÀN TRUNG VỊNH…

Bookmark (0)
Please login to bookmarkClose