Người Quảng Đi Ăn Mì Quảng
[toc]
Giới thiệu ebook
Người Quảng Đi Ăn Mì Quảng
Nguyễn Nhật Ánh – thơ.
Nguyễn Nhật Ánh – văn xuôi về tuổi mới lớn.
Nguyễn Nhật Ánh – truyện liên hoàn về sinh hoạt thiếu nhi và xứ sở phù thủy.
Nguyễn Nhật Ánh – Anh Bồ Câu gỡ rối tơ lòng…
… Và bây giờ Nguyễn Nhật Ánh – tạp văn.
Mười lăm năm trước, cùng làm việc buổi chiều với Nguyễn Nhật Ánh ở tòa soạn một tờ nhật báo, tôi đã nghe anh ấp ủ những đề tài dự định cho một cuốn tạp văn. Không lạ gì, thể văn khiêm nhường này đã cuốn hút một số nhà văn từng thành đạt trong những thể loại lớn.
Gần với tùy bút, tạp văn cũng là một thứ essais, một thứ thử nghiệm, và vì là thử nghiệm, nên thường ít người thủy chung với nó.
Tôi những tưởng Nguyễn Nhật Ánh viết tạp văn cũng như anh chơi một ván bóng bàn xả hơi giữa hai chương tiểu thuyết. Vậy mà lúc khoan lúc nhặt, anh vẫn gắn bó với thể loại “thiên thần nhỏ” này suốt mười lăm năm để bây giờ có một tập sách trả ơn cho nó. Đọc tạp văn Nguyễn Nhật Ánh, thấy anh vẫn phát huy chất humour, dí dỏm sở trường trong văn tự sự của mình.
Khi anh bàn đến chuyện thu nhỏ các đồ vật nhân nói về sân khấu nhỏ, khi anh cắt nghĩa hiện tượng bắt chước thần tượng, hay khi anh luận bàn chuyện hàng giả, chuyện tấm lịch – để mượn ngôn ngữ quảng cáo trên truyền hình, người đọc bao giờ cũng muốn đặt cuối các đoạn văn của anh một chữ Konica – mỉm cười. Thơ và văn xuôi Nguyễn Nhật Ánh vốn không quen đụng chạm những vấn đề thời sự – xã hội trực tiếp. Thành ra thể loại tạp văn này hình như đã được chọn để gửi gắm con người xã hội của anh.
Nhưng mà ngòi bút Nguyễn Nhật Ánh bản chất là ôn nhu, nên giọng văn anh lúc nào cũng từ tốn, thanh thỏa, không bao giờ lên giọng dạy đời, dù là nói những chuyện bức xúc, như nỗi khổ của người chị luống tuổi còn độc thân khi làm thủ tục sang tên nhà hay nỗi khó của một làng quê đi quyên tiền để sửa chữa một đoạn đường lầy lội.
Trong tập sách này, giữa chợ và siêu thị, giữa sách in và e-book, giữa quạt Ba Tiêu và quạt Cophaco, giữa thư pháp chữ Hán và thư pháp chữ Việt, giữa cái phong linh ngày trước và cái phong linh bây giờ, Nguyễn Nhật Ánh không giấu giếm sự thiên vị của mình đối với cái thứ nhất. Cũng dễ hiểu thôi, cái lý trí phân tích ở đây được nâng đỡ bởi lý lẽ của hoài niệm. Nhưng hoài niệm không phải là hoài cổ;
còn người dẫn dắt và bình luận sự kiện ở đây vẫn không hề đánh mất dáng dấp hiện đại của mình. Chất hiện đại của ngòi bút Nguyễn Nhật Ánh bộc lộ rõ qua những bài viết về bóng đá và những bài phê bình phim võ thuật, đặc biệt là bài phân tích chỗ được và chỗ chưa được của bộ phim Ngọa hổ tàng long. Tài năng của Nguyễn Nhật Ánh trong bình luận bóng đá thì đã được khẳng định qua loạt bài ký bút danh Chu Đình Ngạn trên báo Sài Gòn Giải Phóng nghe đâu sẽ được tập hợp và in thành sách nay mai.
Là tạp văn, tập sách này nói đủ thứ chuyện trên trời dưới bể, nhưng rồi không phải ngẫu nhiên mà tác giả lại chọn nhan đề là Người Quảng đi ăn mì Quảng. Bao nhiêu nhà văn đã thao bút qua việc bình phẩm các món ăn dọc đường đi của dân tộc mình từ Bắc vào Nam: Tản Đà, Nguyễn Tuân, Thạch Lam, Vũ Bằng, Võ Phiến… Nguyễn Nhật Ánh là người Quảng, lại còn mở quán để quảng bá các đặc sản quê mình, làm sao mà anh không viết về cái món ăn đã đi vào ca dao:
Thương nhau múc bát chè xanh, Làm tô mì Quảng cho anh xơi cùng.
Có điều Nguyễn Nhật Ánh bình phẩm món ăn thì ít mà bình phẩm về tâm tình của người ăn thì nhiều. Ai mà không đồng ý khi anh nói rằng người Quảng ở Sài Gòn đi ăn mì Quảng là để tìm một chút hương vị quê nhà, một chút thôi, chứ không bao giờ là trọn vẹn. “Người Quảng xa xứ đi ăn mì Quảng không giống như khi đi ăn những thứ khác như lẩu dê hay bò bảy món. Họ không chỉ ăn bằng miệng, bằng vị giác hay khứu giác, không phải đơn thuần chỉ để thưởng thức cái ngon. Người Quảng đi ăn mì Quảng là đi ăn bằng tâm trạng. Họ bước vào quán bán mì Quảng bằng bước chân hồi hộp, thắc thỏm, với tất cả nỗi háo hức phập phồng như đến điểm hẹn với người quen cũ. Gặp tô mì Quảng giữa Sài Gòn, với người Quảng đó là nỗi mừng rỡ “tha hương ngộ cố tri”.
Không phải người Quảng Nam, ở Sài Gòn tôi cũng thường ăn mì Quảng ở những quán ăn “chính hiệu” với rau sống chở vào từ Hội An, vậy mà hình như chỉ một lần tôi cảm nhận hết cái hương vị mì Quảng khi, trên đường từ Đà Nẵng về Bình Tú một buổi chiều cuối năm, dừng xe ăn tô mì Quảng nhưn tôm thịt ở thị trấn Nam Phước (là chỗ ở hiện nay của Gia Khanh – L. đó, phải không?). Thì ra ăn một món ăn còn là thụ hưởng cái không khí, cái tâm thế khi mình ngồi ăn.
Bây giờ ngồi viết bài này cho tập sách Nguyễn Nhật Ánh cũng vào một ngày giáp Tết, nhớ tô mì Quảng ngày nào ở Nam Phước, rồi lại nhớ câu thơ của bạn trên một tờ báo xuân (Con dế giang hồ đang nhớ quê!), chao ôi, tôi cũng lẩn thẩn mà bắt chước Nguyễn Nhật Ánh viết tạp văn mất rồi!
Huỳnh Như Phương
Thuở nhỏ ông theo học tại các trường Tiểu La, Trần Cao Vân và Phan Chu Trinh. Từ 1973 Nguyễn Nhật Ánh chuyển vào sống tại Sài Gòn, theo học ngành sư phạm. Ông đã từng đi Thanh niên xung phong, dạy học, làm công tác Đoàn Thanh niên Cộng Sản Hồ Chí Minh. Từ 1986 đến nay ông là phóng viên nhật báo Sài Gòn Giải Phóng, lần lượt viết về sân khấu, phụ trách mục tiểu phẩm, phụ trách trang thiếu nhi và hiện nay là bình luận viên thể thao trên báo Sài Gòn Giải Phóng Chủ nhật với bút danh Chu Đình Ngạn. Ngoài ra, Nguyễn Nhật Ánh còn có những bút danh khác như Anh Bồ Câu, Lê Duy Cật, Đông Phương Sóc, Sóc Phương Đông,…
Năm 13 tuổi ông đăng báo bài thơ đầu tiên. Tác phẩm đầu tiên in thành sách là một tập thơ: Thành phố tháng tư, NXB Tác phẩm mới 1984 (in chung với Lê Thị Kim). Truyện dài đầu tiên của ông là tác phẩm Trước vòng chung kết (NXB Măng Non, 1985).[1] Hai mươi năm trở lại đây, ông tập trung viết văn xuôi, chuyên sáng tác về đề tài thanh thiếu niên.
Năm 1990, truyện dài Chú bé rắc rối được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng Sản Hồ Chí Minh trao giải thưởng Văn học Trẻ hạng A. Năm 1995, ông được bầu chọn là nhà văn được yêu thích nhất trong 20 năm (1975-1995) qua cuộc trưng cầu ý kiến bạn đọc về các gương mặt trẻ tiêu biểu trên mọi lãnh vực của Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh và báo Tuổi Trẻ, đồng thời được Hội nhà Văn Thành phố Hồ Chí Minh chọn là một trong 20 nhà văn trẻ tiêu biểu trong 20 năm (1975-1995).
Năm 1998 ông được Nhà xuất bản Kim Đồng trao giải cho nhà văn có sách bán chạy nhất. Năm 2003, bộ truyện nhiều tập Kính vạn hoa được Trung ương Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh trao huy chương Vì thế hệ trẻ và được Hội nhà văn Việt Nam trao tặng thưởng. Đến nay ông đã xuất bản gần 100 tác phẩm và từ lâu đã trở thành nhà văn thân thiết của các bạn đọc nhỏ tuổi ở Việt Nam.
Năm 2004, Nguyễn Nhật Ánh kí hợp đồng với NXB Kim Đồng tiếp tục cho xuất bản bộ truyện dài gồm 28 tập mang tên Chuyện xứ Langbiang nói về hai cậu bé lạc vào thế giới phù thủy. Đây là lần đầu tiên ông viết một bộ truyện hoàn toàn dựa trên trí tưởng tượng. Vì vậy, để chuẩn bị cho tác phẩm này, ông đã phải mất 6 tháng nghiên cứu tài liệu và đọc sách báo liên quan như Phù thủy và Pháp sư, Các huyền thoại phương Đông, Ma thuật và thuật phù thủy…
Sau Chuyện xứ Langbiang, tác phẩm tiếp theo của ông là bút kí của một chú Cún có tên Tôi là Bêtô.
Năm 2008, Nguyễn Nhật Ánh xuất bản truyện có tên Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, tác phẩm này được báo Người Lao động bình chọn là tác phẩm hay nhất năm 2008. Đoạt giải thưởng văn học ASEAN năm 2010.
Tác phẩm Ngồi khóc trên cây, xuất bản ngày 27 tháng 6 năm 2013.
Mời các bạn đón đọc Người Quảng Đi Ăn Mì Quảng của tác giả Nguyễn Nhật Ánh.
Download ebook
Người Quảng Đi Ăn Mì Quảng
FULL: |
Download App tải ebook,sách nói, khóa học tốt nhất: https://h.nhuttruong.com/app
Website: https://www.trươngđịnh.vn
Page:https://www.facebook.com/truongdinhvn/
Mail:[email protected]
[toc] Giới thiệu ebook Người Quảng Đi Ăn Mì Quảng Tweet! Nguyễn Nhật Ánh – thơ. Nguyễn Nhật Ánh – văn xuôi về tuổi mới lớn. Nguyễn Nhật Ánh –…