Người Không Đi Cùng Chuyến Tàu
[toc]
Giới thiệu ebook
Người Không Đi Cùng Chuyến Tàu
Nguyễn Quang Thân-trước và sau Người không đi cùng chuyến tàu
Trại sáng tác Vũng Tàu 1982 dường như lại nhấp nhánh thêm lên khi thời gian thành xa cũ. Không chỉ vì lần đầu sau 1975, Hội Nhà văn Việt Nam có ý tưởng mời một số nhà văn ba miền Bắc – Trung – Nam ngồi viết bên nhau. Không chỉ vì trại trưởng là nhà văn Nguyên Ngọc nổi tiếng với những cú lên bờ xuống ruộng (nay chừng như đang nổi tiếng hơn). Không chỉ vì ở đó có chuyện “Khóc Nguyên Hồng” làm thành một dàn đồng ca “nổi loạn, đốt đền…”. Và, không chỉ vì chuyện yêu đương đàn ông đàn bà văn giới khá là phổ biến bỗng có một đôi đi suốt với nhau đến hết “đường thơm”…
Trại ấy nhóm Sài Gòn có Nhật Tuấn, Đào Hiếu, Nguyễn Nhật Ánh, Lý Lan, Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Mạnh Tuấn, Lưu Ngũ. Từ miền Trung có Chính Tâm, Nguyễn Quang Hà, Trần Thùy Mai. Miền Tây Nam bộ có Chu Hồng Hải, Đinh Thị Thu Vân, Trà Giang, Nguyên Tùng, Dạ Ngân. Miền Bắc có Hoàng Minh Tường, Lê Xuân Giang và, trại đã bắt đầu nửa tháng rồi, đáng lý có Nguyễn Quang Thân cùng Chu Văn Mười của Hải Phòng mà chưa thấy đâu. “Cai trại” thì Nguyên Ngọc ăn nói đứng ngồi gì cũng ra cung cách thủ lĩnh, Nguyễn Thành Long bảng lảng Lặng lẽ Sa Pa, Huy Phương nhòn nhọn như tiểu thuyết Xi Măng của ông, còn Nguyễn Xuân Sanh, ôi chao, nhẹ bẫng “đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà”.
Cuối cùng, Nguyễn Quang Thân cũng nhập trại theo kiểu của anh: Đi tàu thủy Hải Phòng – Bến Bạch Đằng, tạt qua Thanh Đa thăm em gái, khi ngồi xe đò Sài Gòn – Vũng Tàu mua một tờ vé số (lần đầu mua vé số) và trúng giải khuyến khích! Anh oang oang rằng anh linh cảm ở trại viết này anh sẽ gặp may, dù chỉ khuyến khích thôi nhưng vẫn cứ là may, tin đi! Lơ đễnh bởi gã muối tiêu xương xóc vạm vỡ bê chiếc máy chữ cũ mèm đi từ trên gác nhà ăn xuống, tôi nghĩ đó là Chu Văn Mười, cái bút danh ấy hợp với vẻ già già của anh ta. Sau này anh mô tả khoảnh khắc “tiếng sét” với tôi rằng: “Một phụ nữ trẻ, mi-nhon, buồn buồn, mái tóc tém rất hay, đang đứng chia cơm cho các bàn giúp cô cấp dưỡng của trại, chao, người này làm vợ thì chắc là rất tuyệt!”. Lê Xuân Giang khi ấy đang nổi tiếng với bản dịch tiểu thuyết Hai Mươi Giờ (Hungari) lăng xăng giới thiệu các trại viên với nhau. Anh dừng lại với Nguyễn Quang Thân: “Đây, Người không đi cùng chuyến tàu, khinh tàu hỏa mà vẫn cứ phải lụy tàu thủy nên đến muộn”. Tôi chưa hề biết một nhà văn có tên là Nguyễn Quang Thân và cái truyện ngắn đình đám kia. Nguyễn Quang Thân tiến đến bảo cũng chưa hề đọc gì của Dạ Ngân nhưng có đọc khảo cứu của Sơn Nam và “Cô em đây đúng văn minh miệt vườn thứ thiệt chưa?”. Rất nhiều tràng cười khích bác cổ vũ chòng ghẹo. Tôi chòng chành cảnh cáo: “Gái miền Nam dễ thương nhưng thương không dễ, nha!”.
Chuyện một con công ra sức xòe đuôi dựng cánh sẽ kể vào một dịp khác, dịp vui. Nhìn Nguyễn Quang Thân áo sờn, quần rách gối thảm hại quá so với mấy nhà văn Sài Gòn, tôi lại chú ý anh theo hướng đó. Vì sao và vì sao, với tôi, Hà Nội khi ấy vẫn âm vang “Miền Bắc thiên đường của các con tôi” kia mà? Anh trẻ trung hơn tuổi bốn mươi bảy và sự hiếu động thì khỏi nói, anh rủ “cô em miệt vườn” đi tắm biển, đi leo núi, đi chùa, đi la cà hủ tiếu ngoài chợ, đi xem anh và Chu Văn Mười nhắm lạc rang với bia hơi và xem anh trêu ghẹo đám nữ miền Tây hiền lành, nhẹ dạ (từ của anh). Bởi khi anh buông một câu ngỗ ngược kiểu nhân vật trong Người không đi cùng chuyến tàu thì Đinh Thị Thu Vân hoặc Trà Giang la lên: “Tụi em đang nhen nhóm niềm tin mà anh cứ hắt nước vô!”. Anh cười hết cỡ: “Các em ơi, niềm tin của các anh đùng đùng như củi mà còn tắt ngóm huống chi các em mới bắt đầu nhen nhóm bằng những que diêm!”.
Gần hai tháng, tôi trở về Cần Thơ với cái án tình trong lương tâm và thêm vết đen “ngoại tình chuyên nghiệp” trong lai lịch. Xộc vô thư viện ngay, tôi có một danh sách những tác giả Nobel từng khu vực mà anh Thân liệt kê cho. Những cuốn được phía Việt Nam Cộng hòa dịch nữa, “em thử tìm ở các tủ sách những gia đình quen biết xem sao”. Nhưng tôi phải đọc Nguyễn Quang Thân trước đã. Anh không mang bên mình Người không đi cùng chuyến tàu, tờ Văn nghệ in nó cũng không tìm thấy nữa và, kể lại một truyện ngắn thật khó và “vô duyên” (từ của anh). Vậy mà cách anh ưu tư, khóe miệng đượm buồn, mái tóc phong sương… thật “tâm trạng”, sâu sắc và… đáng tin chứ không như khi bông phèng giữa chốn đông người.
Thư viện Cần Thơ chỉ có duy nhất cuốn Những người chinh phục của Nguyễn Quang Thân in năm 1977. Tôi mượn về nhà và kín đáo giữ riệt nó. Anh xuất hiện trên văn đàn năm 22 tuổi, ngay truyện đầu tay đã được giải thưởng báo Thống nhất. Hai mươi lăm năm ngược từ trại Vũng Tàu về trước, Nguyễn Quang Thân đã có ba tập truyện và một tiểu thuyết (Lựa chọn, in năm 1978), nhưng sao không tiếng vang gì mấy? Tôi băn khoăn và tám truyện trong Những người chinh phục thì thầm với tôi, rằng “phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa” là cái trần mà không mấy nhà văn miền Bắc nhoi lên được. Vả lại, năm 1965 khi đang công tác ở Ty Thủy lợi Hải Phòng, anh phải viết khiếu nại gửi Bộ trưởng Bộ Thủy lợi (hiện nay tôi còn giữ bốn trang giấy pơ-luya đánh máy bản khiếu nại ấy). Vì lý do gì? Vì nhà văn trẻ trong thời gian học Trung cấp Thủy lợi đã có những phát ngôn “lệch lạc” về Cải cách ruộng đất, về Tự do dân chủ, về Nhân văn giai phẩm… và từng bị cảnh cáo trước toàn trường! Một “vết đen” trong cái guồng xã hội chủ nghĩa mà người ấy vẫn phải viết để sinh tồn, nuôi vợ nuôi con và… nuôi hy vọng cái lồng rồi sẽ được nới ra, thôi thì cá mè một lứa cả.
Chiến tranh kết thúc, òa vỡ, khai phóng, âm thầm chín muồi, nung nấu. Nhưng bài học tù tội của bạn anh – Bùi Ngọc Tấn – sờ sờ ra đó. Châu Diên, Dương Tường, Nguyên Bình, cùng Bùi Ngọc Tấn và anh, kẻ bắn lên Hà Nội, người trụ lại đất Cảng, tụ tập cười khóc đắng cay với sống và viết “không như trước nữa”.
Ở tuyển tập này, tôi chọn ba truyện của thời kỳ “hiện thực xã hội chủ nghĩa là thống soái” để bạn đọc và bạn viết yêu mến Nguyễn Quang Thân nhận diện một giai đoạn cần phải “ngoan vừa phải” nếu không muốn đi tù như Bùi Ngọc Tấn! Nhưng, Những chùm cúc biển, anh viết tháng 10/1960 (năm anh 25 tuổi) rất gợi, không khác gì văn anh sau này khi đã bốn mươi hay năm mươi tuổi, tài và tình. Với Tái sinh viết ba năm sau đó, tác giả chưa đầy 30 tuổi mà đã từng trải, gân guốc và, với En-xi viết năm 1975 thì khác nhiều. Gần 20 năm cầm bút, lồng lộn trong xã hội “tất cả cho chiến tranh và chiến thắng” và 15 năm đời sống riêng tư trúc trắc, vì vậy mà tâm trạng tác giả rười rượi, ngập ngừng, quay quắt.
Bối cảnh xã hội miền Bắc sau năm 1975 lung lay nghiêm trọng có tên là hậu chiến và hậu hợp tác hóa toàn diện nhưng vẫn được giới lãnh đạo lên dây cót bằng thói kiêu ngạo cố hữu, bỗng sụp đổ thêm trong những người “hoài nghi là thuộc tính của giới trí thức” (cụm từ ưa thích của Nguyễn Quang Thân) khi cuộc chiến ở hai đầu đất nước nổ ra. Lại chiến tranh ư, đó là những tiếng thét phẫn uất từ những cái miệng “bị khớp như người ta khớp mõm chó”. Người không đi cùng chuyến tàu bật ra như chiếc lò xo bị nén. Có thể hình dung, tháng 12 năm 1979 ấy, giữa mùa đông đói rét, nhà văn gõ vào máy chữ những dòng nổi đóa, mê mải, sắc nhọn, mãnh liệt: “Tôi phản đối những người đi ca chuyến tàu hôm nay!”. Chấn động! Đến tai người quyền lực ngang ngửa khi ấy, phải một cú điện thoại của giới chóp bu Hà Nội cho lãnh đạo thành phố Hải Phòng thì nhà văn mới được giải thoát khỏi những lời đe dọa treo bút. Hơn hai năm dài, 1980 và 1981, nhà văn đứng yên, cho đến khi được đi miền Nam lần đầu, Vũng Tàu tháng 4/1982.
Nguyễn Quang Thân cả quyết: Phải có những cú bươu đầu sứt trán thì cái trần đối với nhà văn mới được nới lên. Chính nhà văn phải bật lên, không ai giúp được. Và độc giả dần cũng đã khác theo. Cái trần ở đây là sự tự kiểm duyệt của các tòa báo và các nhà xuất bản để tác phẩm được in ra, cùng thói quen ngầm thỏa hiệp của chính người viết. Nguyễn Quang Thân không hào hứng, đúng ra là không chấp nhận hoàn cảnh viết để ngâm trong hộc bàn chờ thời. Anh sống cho từng ngày sống của một con người và một nhà văn, anh bảo, trong đường hầm thì mình vẫn cứ phải cục cựa, phải nống, phải làm cho cái hầm ấy rộng ra và đi về phía ánh sáng. Nhưng sau đe và búa bởi Người không đi cùng chuyến tàu là một cái án tình ở Vũng Tàu, lại bị dọa kỷ luật, dòng tộc đe dè, con cái còn chưa trưởng thành xong… Anh ngưng viết cho người lớn và tìm vui với đối tượng không cần chính trị, không sợ bắt bẻ đe nẹt. Chú bé có tài mở khóa viết trong cả năm 1983 và anh đã tìm thấy thanh sạch, trong veo, cân bằng. Mấy năm sau (1987), một va chạm riêng tư đau đớn đã khiến anh viết một lèo truyện Người làm ra động đất như thể truyện vừa. Anh bảo anh đã tìm lại được nỗi đau nội thương để trở lại với truyện ngắn.
Từ năm 1984 anh tìm thấy một chỗ ở cho tự do thân thể và thời gian: cơ quan Hội Văn nghệ Hải Phòng. Gạo lứt, giường đơn, yoga, bơi biển, học tiếng Anh và trở lại với những trang thơ tiếng Nga của Akhmatova mà anh mê say từ trước. Anh đọc nhiều, đi Nam mỗi năm ít nhất một lần, mày mò dịch thơ, làm thơ và viết liền hai tiểu thuyết: Một thời hoa mẫu đơn (1987), Ngoài khơi miền đất hứa (1989). Để chuẩn bị cho cuộc sống mới ở Hà Nội, anh dành những khoản nhuận bút ấy mua nửa căn hộ ở Kim Giang. Bắt đầu “cày” (từ của anh), viết truyện, viết báo để Dạ Ngân sẽ ra học viết văn Nguyễn Du (đi bằng kế hoạch ấy thì tỉnh mới đồng ý). Những truyện ngắn tung tẩy với nhiều giọng điệu ra đời, anh tự trào rằng “không ngờ Dạ Ngân đi đại học mà nền truyện ngắn Việt Nam phát triển thêm một bước!”. Vũ điệu của cái bô, Thanh minh, Thuế giường, Gió heo may, Sông nước đời thường…
Từ năm 1993 trở đi, Nguyễn Quang Thân thành “giặc viết” (cũng từ của anh). Có một Tết anh cày mười mấy cái truyện rải như bươm bướm từ Bắc vào Nam để Dạ Ngân “có tiền rắc đường” (ý nói tiền tàu xe xuôi ngược Nam Bắc thăm con). Cây bạch đàn vô danh xuất thần mang số phận của một cái sườn tuyệt vời cho điện ảnh. Và anh cũng biết sau đó mình trơn tay với truyện ngắn nên dừng lại để viết một tiểu thuyết nữa: Con ngựa Mãn Châu. Và rồi, dù không còn bức xúc quá bởi cơm áo gạo tiền, Nguyễn Quang Thân lại thèm viết truyện ngắn gọi là “nghỉ giữa hiệp” (tức trong khi chờ manh nha một tiểu thuyết khác). Một vệt truyện lịch sử xoay quanh hai nhân vật chính là Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương được viết trong các năm từ 1996 đến 1998. Tôi xếp vệt truyện này sát nhau ở cuối tuyển tập để bạn đọc nhấm nháp chúng như những chương đẹp của một tiểu thuyết mỏng về một thời ngổn ngang, ưu uất của hai con người tài hoa bậc nhất. Chúng ta gặp ở đây một nửa Nguyễn Quang Thân không giễu nhại, không “ác mồm ác miệng” mà thao thiết, sang trọng.
Chùm truyện ngắn đặc sắc nhất của anh – Thanh minh, Chân dung, Gió heo may, Vũ điệu của cái bô… – đã tách riêng trong tập truyện song ngữ Anh – Việt rất thành công nhờ bản dịch hay. Nhưng 20 truyện ở đây, chọn từ hàng trăm truyện ngắn của anh, là sự chọn lựa kỹ càng xếp theo thứ tự thời gian chúng được viết ra. Cả ba truyện trước 1975 vẫn không kém cạnh lắm dù những cái kết không thể chối cãi rằng tác giả bị mắc mớ với phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt sau truyện ngắn Người không đi cùng chuyến tàu khiến anh được liệt vào hàng “những nhà văn tiên phong đổi mới” thì anh đã được đúng là anh: sắt nét, uy-mua, tài hoa, nhân bản.
Sau tiểu thuyết Hội thề viết vắt từ Hà Nội vào Sài Gòn, anh chỉ viết truyện ngắn khi được các tòa báo đặt hàng.
Bước sang tuổi tám mươi, bời bời thế sự, anh dành sự náo nhiệt sục sôi cho báo chí. Anh làm web, chơi “phây”, bơi biển, thể dục… để yêu quỹ thời gian còn lại ít ỏi của mình. Anh dừng viết văn, một người lão thực biết đủ là đủ và thực sự là đủ.
Thanh Đa, tháng 9/2017
Dạ Ngân
Tập triuyện ngắn Người Không Đi Cùng Chuyến Tàu gồm có:
- NHỮNG CHÙM CÚC BIỂN
- TÁI SINH
- EN-XI
- NGƯỜI KHÔNG ĐI CÙNG CHUYẾN TÀU
- NGÔI MỘ CỔ
- NGƯỜI LÀM RA ĐỘNG ĐẤT
- SÔNG NƯỚC ĐỜI THƯỜNG
- CÂY BẠCH ĐÀN VÔ DANH
- THUẾ GIƯỜNG
- LỤC BÌNH
- CÂY ĐẮNG CAY
- GẶP LẠI
- MƯA SÀI GÒN
- GIÓ CÁT
- BÚI CỎ TRÊN ĐƯỜNG LÀNG
- CHÀNG THI NHÂN ĐẦU BẠC
- PHƯỜNG SĂN
- NGƯỜI VỢ LẼ PHƯỜNG KHÁN XUÂN
- ĐÊM CỔ NGUYỆT ĐƯỜNG
- ĐI ĐÊM
Mời các bạn đón đọc Người Không Đi Cùng Chuyến Tàu của tác giả Nguyễn Quang Thân.
Download ebook
Người Không Đi Cùng Chuyến Tàu
FULL: |
Download App tải ebook,sách nói, khóa học tốt nhất: https://h.nhuttruong.com/app
Website: https://www.trươngđịnh.vn
Page:https://www.facebook.com/truongdinhvn/
Mail:www.truongdinh.vn@gmail.com
[toc] Giới thiệu ebook Người Không Đi Cùng Chuyến Tàu Tweet! Nguyễn Quang Thân-trước và sau Người không đi cùng chuyến tàu Trại sáng tác Vũng Tàu 1982 dường như…