Người Khởi Nghĩa – Jules Vallès

Người Khởi Nghĩa – Jules Vallès

[toc]


Giới thiệu ebook

Người Khởi Nghĩa – Jules Vallès


Tập III Người Khởi Nghĩa , đỉnh cao của bộ tiểu thuyết, trình bày gần như một thiên ký sự lịch sử, viết từng ngày từng tháng, chủ yếu vẽ lên bức tranh hào hùng của Pari thời kỳ tiền khởi nghĩa và trong những ngày khởi nghĩa, từ 18 tháng Ba cho đến 28 tháng Năm 1871. Tính chân thực, tính lịch sử của tập sách đạt đến mức cao. Bên cạnh hình tượng rất sống của những nhân vật nổi tiếng đương thời có thật, như những tay chủ báo tư sản Giracđanh Vilơmexăng, những chính khách tư sản Juyn Ximông, Juyn Fery, Gămbetta… là một loại chân dung gân guốc, rực rỡ của những người cách mạng, của một số lãnh tụ Công xã Pari mà Juyn Valex vẽ nên bằng những nét bút trân trọng, nồng nàn. Trước hết là chân dung người lãnh tụ cách mạng già Blăngki, “con ma của khởi nghĩa, nhà hùng biện đeo găng đen”, “kẻ kích động những biển người”, “nhà toán học lạnh lùng của nổi loạn và trả thù”, bằng một giọng nói bình tĩnh, buông ra những lời như chém xuống, rạch một đường sáng trong đầu óc người dân ngoại ô, và một vệt đỏ trong da thịt bọn tư sản”. Và đây là một số đại biểu Công xã: Briôxnơ, “một Jêxu lác mắt”, đã từng “bị kết án năm năm vì làm hội kín, được thả ra trước vài tháng vì thổ ra huyết, về Pari không một xu dính túi, phổi không lành được, nhưng linh hồn của Cách mạng đóng chốt vào thể xác”… “mỗi buổi tối sống ba giờ hơn kẻ khác sống một năm – bằng tài hùng biện, mở rộng hiện tại; bằng ước mơ lấn tới tương lai; con người bệnh tật đó ném ra lời lẽ lành mạnh cho một binh đoàn công nhân có đôi vai lực sĩ và lồng ngực bằng sắt, họ hết sức xúc động thấy người vô sản không phổi đó tự giết mình để bênh vực quyền lợi của họ”. Lơfrăngxe, cựu giáo viên, đảng viên xã hội, “với bộ mặt vàng vì tư lự, khoét đôi mắt sâu và hiền”“đôi khi, bắt đầu nói tưởng như giảng bài và cầm thước kẻ trong tay; nhưng tới lúc đi vào ruột vấn đề thì quên mất giọng ông giáo và đột nhiên trở thành một kẻ rèn luyện những tư tưởng bốc khói dưới những nhát búa quai thẳng cánh, nện trúng mà sâu; đó là nhà hùng biện ghê gớm nhất, bởi vì có mức độ, có lý lẽ… và mật đắng đầy gan”. Và đây người ủy viên trung ương Công xã phụ trách Bộ Giáo dục, Ruiê, thân hình to lớn, cường tráng, làm nghề đóng giày và làm cách mạng, viết còn sai chính tả, “nhưng người thợ giày ấy còn thông thuộc khoa lịch sử và khoa kinh tế xã hội hơn tất cả những kẻ có bằng cấp đã giữ Bộ đó trước anh gộp lại”… trong những mảnh giấy vò nhàu và nhọ bẩn của anh có cả một chương trình giáo dục về mặt đúng đắn đánh đổ cả mọi giáo điều của những Viện hàn lâm và những Đại hội đồng”.

***

Juyn Valex (Jules Vallès) là một nhà văn lớn mà cũng là một chiến sĩ kiên cường của Công xã Pari.

Ông sinh năm 1832 ở thị trấn Puy (xứ Ôvecnhơ) nước Pháp và mất năm 1885 tại Pari. Xuất, thân từ một gia đình công chức, Juyn Valex ngay từ thuở bé đã là nạn nhân của một nền giáo dục gia đình khắc nghiệt cũng như một nền giáo dục nhà trường sai lầm. Cha ông làm giám thị, sau làm giáo sư trung học, tuy cũng thương con, nhưng lại là một người nhút nhát, luôn luôn lo sợ cho chức vụ của mình, do đó mà sinh ra khắc nghiệt với con, thậm chí có lần, để khỏi bị liên lụy, đã cho giam con vào một nhà thương điên sau khi Juyn Valex tham gia vào một vụ chống đối cuộc đảo chính của Napôlêông thứ III. Mẹ Juyn Valex xuất thân từ nông dân nhưng có tư tưởng hãnh tiến, học làm sang, muốn cho con làm nên danh giá, và, vì không được toại nguyện, nên trút cả nỗi cay đắng lên đầu con, roi vọt hành hạ con đến tàn nhẫn. Một mặt khác, cha Juyu Valex muốn cho con trở thành giáo sư, nhưng cậu học sinh Juyn Valex, qua tấm gương của bố, đã chán ngấy cái cảnh nhà trường do bọn phản động công giáo thời Đế chính thứ II lũng đoạn, ở đó các giáo sư vừa quỵ lụy, khúm núm trước hiệu trưởng và cấp trên, lại vừa hành hạ học trò bằng đòn và phạt, ở đó người ta dạy cho thanh niên một kiểu học tầm chương trích cú, nô lệ sách cũ người xưa, xa rời thực tế. Chính cái giáo dục gia đình và giáo dục nhà trường sai lầm, tàn nhẫn ấy đã tác động mạnh tới cậu bé Juyn Valex đa cảm và sớm biến cậu thành một kẻ bất bình, môt con người nổi loạn.

***

Nhưng con người bất bình ấy đã trở nên một chiến sĩ cách mạng kiên cường, thì lại là do hoàn cảnh xã hội nước Pháp lúc bấy giờ. Khi Juyn Valex sinh ra thì phong trào công nhân Pháp bắt đầu lên mạnh với công cuộc công nghiệp hóa tư bản chủ nghĩa bắt đầu ở nước Pháp trong những năm 30 thế kỷ XIX, và nó được đánh dấu bằng những cuộc đấu tranh và khởi nghĩa của công nhân ở Lyông (1831, 1834) và ở Pari (1832, 1834). Song giai cấp công nhân Pháp chỉ có thể trưởng thành sau khi nó đã dứt bỏ được mọi ràng buộc với giai cấp tư sản để lần đầu tiên, đứng lên như một lực lượng chính trị độc lập, trực diện đấu tranh chống giai cấp tư sản vào tháng Sáu năm 1848. Và chính là phải trải qua những ngày tháng Sáu đẫm máu ấy nó mới bước đầu rũ bỏ được ảnh hưởng của chủ nghĩa xã hội không tưởng, của mọi thứ“chủ nghĩa xã hội tư sản và tiểu tư sản”.

Tuy nhiên, những năm liền sau khi cách mạng 1848 thất bại ở châu Âu nói chung, chính là “thời đại – như Lênin đã nói,- mà tinh thần cách mạng của phái dân chủ tư sản đã suy vong rồi (ở châu Âu), trong khi đó thì tinh thần cách mạng của giai cấp vô sản xã hội chủ nghĩa chưa tới lúc già dặn”[1]. Riêng ở nước Pháp, trong thời kỳ đầu của nền Đế chính thứ II tối phản động thiết lập từ tháng Chạp 1852, phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân bị lắng xuống cho mãi tới những năm 60 nó mới được phục hồi. Và với sự thành lập Chi nhánh Pháp Quốc tế thứ nhất năm 1866, một thời kỳ bão táp cách mạng mới lại mở ra để đến khi giai cấp tư sản thống trị, dưới nhãn hiệu Chính phủ Quốc phòng, đầu hàng quân xâm lược Phổ (tháng Giêng 1871), thì nó lên tới đỉnh cao với phong trào Công xã Pari thiết lập nền chuyên chính vô sản đầu tiên trên thế giới trong bảy mươi hai ngày (18 tháng 3 đến 28 tháng 5 năm 1871).

***

Juyn Valex sinh ra và lớn lên trong cái hoàn cảnh lịch sử xã hội như thế đó. Thị trấn quê hương ông ở sát cạnh những trung tâm công nghiệp như Xanh-Êchiên (nơi mà cha ông đã từng tới dạy học một thời kỳ), như Lyông, nên không khỏi nhận được âm vang mạnh mẽ của những làn sóng đấu tranh của giai cấp công nhân. Và chàng trai có chí hướng muốn làm thợ đó đã từng đi đầu trong đám thanh niên cộng hòa khi nổ ra cuộc Cách mạng tháng Hai 1848. Sau đó, khi được gia đình gửi lên Pari theo học, Juyn Vanlex, sống nghèo khổ ở thủ đô, lại đã sớm tiếp xúc với phong trào cách mạng trên mảnh đất chôn nhau của cách mạng.

“Tôi đã đi vào lịch sử cuộc Cách mạng.

Người ta vừa mở ra trước mặt tôi một quyển sách trong đó có nói về bần cùng và đói khát, trong đó tôi thấy diễu qua những bộ mặt làm tôi nhớ đến cha Jôdép hoặc chú Sađơna, những người thợ mộc với chiếc compa mở rộng ra làm vũ khí và những nông dân cầm chĩa sắt có vấy máu ở đầu răng.

Có những phụ nữ đi tấn công Vécxay, vừa đi vừa thét lên là bà Vêlô làm nhân dân đói, và ngọn giáo có xiên ổ bánh mì đen – một lá cờ – đâm thủng các trang sách và chọc vào mắt tôi…

… Lần này thì không còn là tiếng La-tinh nữa. Họ nói: “Chúng tôi đói! Chúng tôi muốn tự do!”

Tôi đã ăn thử bánh mì quá cay đắng ở gia đình tôi, tôi đã bị hành hạ quá nhiều ở nhà nên những tiếng kêu đó không thể không làm kinh động trái tim tôi”.[2]

Juyn Valex đã kể lại như thế cuộc tiếp xúc đầu tiên của mình với phong trào cách mạng Pari qua một cuốn lịch sử cuộc Cách mạng 1789 và người ta đã đưa ông mượn đọc. Và không lạ rằng Juyn Valex đã từ đó tiến tới đứng dưới lá cờ của Công xã Pari để hợp thành cái mà ông gọi là “Cuộc đại liên minh của những đau khổ”.

***

Công xã Pari thất bại; Juyn Valex, sau khi chiến đấu đến phút cuối cùng, đã trốn ra được nước ngoài, ông sang Bỉ, Thụy-sĩ, rồi sang Anh. Ở đấy ông sống nghèo khổ bằng nhuận bút của một số bài báo, trang tiểu thuyết đăng trên vài tờ báo cộng hòa xuất bản ít ỏi ở Pari. Đến năm 1880, khi luật ân xá được ban hành, ông trở về nước Pháp, viết sách viết báo cho tới lúc qua đời.

Juyn Valex bắt đầu viết từ khoảng cuối những năm 50, sau khi đã chật vật làm đủ nghề để kiếm sống ở Pari. Ông cộng tác với một số tờ báo như Figarô, Biến cố; ông giao thiệp với Giracđanh, ông vua báo chỉ đương thời, và Vilơmexăng, chủ nhiệm báo Figarô. Trên tờ Figarô ông giữ mục Thị trường chứng khoán là vấn đề mà ông nghiên cứu trong cuốn sách đầu tay của ông nhan đề Tiền bạc (1857). Nhưng ít lâu sau ông bỏ mục đó để cộng tác với những tờ báo không chịu phục tùng nền Đế chính như Tạp chí châu Âu, Tự do, Báo chí, Thời đại… và chẳng mấy lúc ông nổi tiếng là một nhà văn luận chiến hăng hái và độc lập, một nhà báo trào phúng và chiến đấu, độc đáo và tài năng. Năm 1865, với tác phẩm Những kẻ không phục tùng (Les Réfractai res) tập hợp một số bài báo, ông nhằm đả kích lối sống nghệ sĩ giang hồ mà nhà văn đương thời Hăngri Muyêcgiê đã ca tụng trong cuốn Cảnh đời sống giang hồ có ảnh hưởng xấu tới thanh niên. Năm 1867 ông sáng lập tờ báo Đường phố, trong đó ông đả kích thẳng tay mọi thiết chế chính trị, văn học, nghệ thuật đương thời, đả kích những kẻ mà ông gọi là “bọn giữ đồ thánh trong văn học, chính trị, và cả trong Cách mạng nữa!” Nhưng ra đến số 34 thì tờ báo bị tịch thu và phá sản. Trong thời kỳ Công xã ông thành lập tờ báo Tiếng kêu của dân chúng nó mau chóng trở thành cơ quan chủ yếu của Công xã, trong đó Juyn Valex khích lộ tinh thần kháng chiến đến mức “kiên cường tuyệt vọng”.

Nhưng tác phẩm văn học lớn và chủ yếu của Juyn Valex là bộ tiểu thuyết ba tập Jăc Vanhtrax (Jacques Vingtras) mà hai tập đầu ông đã viết và cho đăng báo ngay từ hồi ông còn lưu vong ở Anh (1878 – 1879). Sau khi trở về Pháp ông đã chữa lại hai tập đó và viết tiếp tập ba mà mãi sau khi ông mất, năm 1886, mới được in thành sách. Jăc Vanhtrax là một tiểu thuyết tự truyện thuật lại chính cuộc đời của tác giả và, với nội dung xã hội – chính trị, nó giúp cho chúng ta hiểu khá sâu xã hội Pháp từ sau cuộc cách mạng 1848, trải qua thời Đế chính thứ II cho đến phong trào Công xã Pari. Cùng với tiểu thuyết Jăc Vanhtrax cũng phải kể đến việc Juyn Valex cho xuất bản lại tờ báo Tiếng kêu của dân chúng từ năm 1883, và ông đã làm cho nó thành tờ báo cách mạng lớn đầu tiên của nước Pháp. Tiếng kêu của dân chúng đã tham gia vào tất cả mọi chiến dịch xã hội chủ nghĩa thời bấy giờ, nó đã kịch liệt phản đối những cuộc chinh phục thuộc địa ở Tuynidi và ở Bắc kỳ (Bắc-bộ Việt Nam), nó đã nhiệt liệt ủng hộ những cuộc đình công của thợ mỏ tại Anzin và Đơcazơvilơ. Và điều đáng kể là Juyn Valex đã biết đặt Juyn Ghexđơ (Jules Guesde), vị lãnh tụ xuất sắc của phong trào công nhân Pháp đương thời, vào địa vị cây bút số một trong tờ báo của ông. Chính sự hợp tác của Ghexđơ và những đồng chí của ông này đã khiến cho Tiếng kêu của dân chúng trở thành cơ quan ngôn luận lớn nhất của giai cấp công nhân đã xuất hiện ở Pháp từ trước cho đến thời bấy giờ.

Juyn Valex qua đời năm 1885, hai năm sau khi Tiếng kêu của dân chúng lại xuất hiện. Hàng chục vạn nhân dân lao động Pari đã đưa tới nghĩa địa Perơ Lasedơ “người ứng cử viên của bần cùng”[3]“người đại biểu của những kẻ bị xử bắn” ấy. Nhân dân Pari đã biểu lộ lòng tôn trọng chính đáng của mình đối với “con người tâm huyết” ấy, “người bạn chân thành của thợ thuyền, người chiến sĩ vẻ vang của Công xã, nhà văn cách mạng lớn của nước Pháp!”

***

Tiểu thuyết Jăc Vanhtrax, với ba tập của nó nhan đề lần lượt:

– tập I, Chú bé (L’enfant – 1879),
– tập II, Cậu tú (Le bachelier – 1881),
– tập III, Người khởi nghĩa (L’insurgê – 1886),

Jacques Vingtras là một kiệt tác kỳ lạ của Juyn Valex; nó đã đặt ông vào hàng những nhà văn xuôi lớn của nước Pháp thế kỉ XIX.

Một mặt, bộ tiểu thuyết vạch rõ bước đường tất yếu của một người trí thức tiểu tư sản, dưới thời Đế chính thứ II, đi đến với cách mạng. Bước đường của Jăc Vanhtrax chính là bước đường của bản thân Juyn Valex. Có thấy hết mọi nỗi nhục nhã, cay đắng vì nghèo khổ, vì hành hạ, vì bất công, mà chú bé Jăc Vanhtrax, cậu tú Jăc Vanhtrax phải chịu đựng trong gia đình, ở nhà trường và ngoài xã hội, có thấy cả cái không khí đấu tranh chính trị ở Pari, dưới thời Đế chính thứ II, khi ngấm ngầm khi công khai, sôi sục, mới hiểu được tại sao Jăc Vanhtrax đã trở thành một kẻ bất bình, và từ một kẻ bất bình trở thành người khởi nghĩa đứng dưới lá cờ của Công xã Pari.

Mặt khác, bộ tiểu thuyết cũng đồng thời vừa là một bức tranh sinh động vừa là mội bản cáo trạng nghiêm khắc cái xã hội Pháp đương thời, dưới nền Đế chính thứ II cực kỳ phản động, dưới sự thống trị của giai cấp tư sản, đầy rẫy những tàn ác, bất công trong quan hệ gia đình, quan hệ học đường, quan hệ xã hội. Tập I, Chú bé, với lời đề tặng cho TẤT CẢ NHỮNG AI đã buồn chán đến chết trong trường học hoặc đã phải khóc trong gia đình, những ai, trong thời thơ ấu, bị thầy giáo hành hạ hoặc bị cha mẹ đánh đập”, chính là đã vạch trần những quan hệ gia đình, quan hệ học đường tàn nhẫn đó. Tập II, Cậu tú với lời đề tặng cho “Những ai bụng nhồi đầy tiếng Hy-lạp, tiếng La-tinh mà chết đói”, vừa mỉa mai cái nền giáo dục nhồi sọ, sách vở, xa rời thực tế, vừa tố cáo “cái xã hội chó má nó làm cho những người có học thức và những người can đảm phải chết đói khi họ không muốn làm đầy tớ cho nó”. Đến như tập III, Người khởi nghĩa, với lời đề tặng “Những liệt sĩ năm 1871, những ai là nạn nhân của bất công xã hội, đã cầm vũ khí chống lại một xã hội tổ chức hỏng và họp thành, dưới lá cờ của Công xã, cuộc đại liên minh của những đau khổ”, thì chính là một thiên ký sự lịch sử độc đáo kể lại bước đấu tranh cách mạng tất yếu của Jăc Vanhtrax, và, nhân đó, vẽ lên cả bức tranh nhân dân lao động Pari sôi sục nổi dậy chống chính quyền tư sản đầu hàng giặc, thiết lập Công xã và chiến đấu suốt trong bẩy mươi hai ngày.

***

Tiểu thuyết Jăc Vanhtrax, như vậy, với hình tượng nhân vật chủ yếu của nó là Jăc Vanhtrax, bao trùm cả ba tập, vẽ lên thành một điển hình sắc nét của người chiến sĩ Công xã Pari, là một tác phẩm xuất sắc của dòng văn học hiện thực chủ nghĩa nước Pháp, kế tục trực tiếp những truyền thống hiện thực chủ nghĩa của Xtăngđan, của Banzắc mà Juyn Valex đã từng nói đến trong tác phẩm của ông. Tính cách của Jăc Vanhtrax được hình thành và phát triển trong những hoàn cảnh gia đình và xã hội nhất định, đó là điều mà tác giả có ý thức đầy đủ và muốn chứng minh rõ ràng.

Song, giá trị hiện thực của bộ tiểu thuyết tăng lên qua ba tập sách với trình độ khái quát hóa càng ngày càng cao thêm. Tập I chủ yếu trình bày cái khung cảnh gia đình và nhà trường tỉnh nhỏ trong đó chú bé Jăc Vanhtrax lớn lên. Trước hết hình tượng bố và mẹ Jăc Vanhtrax cũng đạt tới những nhân vật điển hình sinh động: ông bố tiêu biểu cho một lớp giáo viên không phải thiếu học vấn, thiếu tư tưởng và tinh cảm, nhưng vì nhút nhát, một mặt luôn luôn lo sợ mất chức vụ, mặt khác lại bị bà vợ đành hanh khống chế, nên hóa ra một con người tầm thường, hèn với cấp trên, ác với con; bà mẹ đại diện cho hạng tiểu tư sản xuất thân từ nông dân, với đầu óc hẹp hòi mà hãnh tiến” – muốn đua đòi, bay nhẩy, học làm sang, thậm chí vì không được toại nguyện mà đâm cay nghiệt, tàn ác với con. Bên cạnh hai nhân vật đó tập truyện còn đạt ở một loạt hình tượng chân dung những giáo sư, hiệu trưởng trường trung học, như Tuyếcfanh kiêu căng, hợm hĩnh, khinh người nghèo, hành hạ học trò có học bổng, như Lacbô tâm ngẩm, giảo quyệt, – cóc cần học trò và chỉ dịu dàng với đám con nhà quyền thế, hay như Bécgunha đạo mạo, lạnh lùng, lên mặt triết gia mà độc ác với con như quỷ sứ, thậm chí đã giết con bằng roi vọt tàn bạo, tất cả đều nói lên một chế độ nhà trường ghê tởm, thối tha.

Rõ ràng, với những tính cách nhân vật và bức tranh xã hội đạt tới tính chân thực, tính lịch sử và tính khái quát cao, tiểu thuyết Jăc Vanhtrax đã kế tục và phát huy vẻ vang những truyền thống hiện thực chủ nghĩa của Xtăngđan và Banzắc ở nửa sau thế kỷ XIX khi mà chủ nghĩa hiện thực phê phán cổ điển đã bắt đầu xuống dốc với Guyxtavơ Flôbe để mở ra thời kỳ của chủ nghĩa tự nhiên và tiếp theo nó là hàng loạt những trường phái suy đồi đủ loại.

Hơn thế nữa, mặc dầu Juyn Valex không vẽ lên một bức tranh xã hội thật rộng lớn, đồ sộ và không đả kích mạnh vào cái mặt cơ cấu của xã hội tư sản là quan hệ tiền bạc như Xtăngđan hay Banzắc, nhưng ông lại vượt hẳn các nhà hiện thực phê phán cổ điển này ở chỗ ông đã mường tượng thấy và đề cập tới người chủ tương lai của xã hội sẽ thay thế cho giai cấp tư sản, đó là giai cấp công nhân. Với ông lần đầu tiên trong văn học Pháp xuất hiện hình ảnh người công nhân, hình ảnh quần chúng nhân dân như những nhân vật anh hùng phần nào với cái tư thế của những người làm nên lịch sử, và ít ra thì cũng đã có lúc họ làm nghiêng ngửa cả uy thế của những tay chính khách tư sản sừng sỏ trong bộ máy thống trị như Juyn Fery, Gămbetta… Và, mặc dầu bộ tiểu thuyết kết thúc bằng sự thất bại của Công xã Pari, người ta không thấy bóng dáng của bi quan thất vọng, trái lại hình ảnh cuối cùng vẫn là hình ảnh của chiến đấu trong tương lai:

… Tôi vừa vượt qua một dòng suối làm biên giới.

Chúng nó không bắt được tôi nữa! Và tôi sẽ còn có thế đứng với nhân dân, nếu nhân dân lại bị ném ra ngoài phố và dồn tới chỗ phải chiến đấu.

Tôi nhìn trời về phía tôi cảm thấy có Pari.

Trời một màu xanh tươi rói, với những đám mây đỏ. Tưởng như một chiếc áo bludơ lớn đẫm máu”.

Chính ở những điểm trên đây, tiểu thuyết Jăc Vanhtrax của Juyn Valex, cùng với toàn bộ nền văn học Công xã Pari, đã hé mở ra một bước phát triển mới của văn học hiện thực chủ nghĩa sau này, đó là bước đường đi tới chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa của chúng ta ngày nay.

Tháng Năm 1972

TRỌNG ĐỨC

Mời các bạn đón đọc Người Khởi Nghĩa của tác giả Jules Vallès.

Download ebook

Người Khởi Nghĩa – Jules Vallès


FULL:


AZW3


EPUB


MOBI


PDF

Download App tải ebook,sách nói, khóa học tốt nhất: https://h.nhuttruong.com/app
Website: https://www.trươngđịnh.vn
Page:https://www.facebook.com/truongdinhvn/
Mail:www.truongdinh.vn@gmail.com

Bookmark (0)
Please login to bookmarkClose

[toc] Giới thiệu ebook Người Khởi Nghĩa – Jules Vallès Tweet! Tập III Người Khởi Nghĩa , đỉnh cao của bộ tiểu thuyết, trình bày gần như một thiên ký…

Bookmark (0)
Please login to bookmarkClose