NGƯỜI CHA

CHA TÔI.

 

  1. KÝ ỨC TUỔI THƠ.

 

Có lẽ một trong những ký ức đầu tiên về cha mà tôi còn lưu đến nay là vào những buổi tối mùa đông giá rét, mỗi khi chui vào chăn chuẩn bị đi ngủ thì ông nắm lấy bàn chân tôi kiểm tra xem có đi tất không, và nếu bàn chân lạnh thì giữ tay một lúc cho ấm. Đã gần năm chục mùa đông trôi qua nhưng tôi vẫn còn nhớ rõ cái kỷ niệm ấm áp và êm đềm đó.

 

Dần dần, khi lớn lên tôi được chứng kiến cha mình mỗi buổi tối lại xách hộp đồ nghề đi sửa tivi kiếm thêm thu nhập. Nhờ ông có nghề phụ này mà cả gia đình có cuộc sống khá tươm tất trong những năm bao cấp đói kém. Nhiều khi những ngày Tết, tôi cứ quanh quẩn hỏi ông xem từ ngày mồng mấy thì cha phải đi làm thêm rồi, vì trong thâm tâm chỉ muốn ông ở nhà chơi với mình.

 

Ông làm công việc này rất có uy tín nhờ trình độ chuyên môn tốt và bản tính trung thực. Sau này ông có nói với tôi là nếu không trung thực thì có thể kiếm được nhiều tiền hơn, nhưng có thêm tiền kiểu đó mà trong lòng không thanh thản thì ông cũng không làm. Ông dạy cho tôi sự trung thực bằng những hành động và ví dụ cụ thể như vậy.

 

Vì ông làm nghề sửa tivi, nên gia đình phải dành riêng một buồng nhỏ để các vật dụng cũng như máy móc đang làm dở dang. Được cha cho vào căn buồng đó là một niềm thích thú lớn đối với một đứa trẻ như tôi, vì có nhiều bóng đèn điện tử nhấp nháy với mầu sắc sặc sỡ. Ông chỉ cho tôi vào buồng này khi có mặt ông, vì có những mạch điện hở, thậm chí chưa cần sờ vào đã có thể bị điện giật rồi. Để chứng minh điều đó, ông cầm bút thử điện, để cách khoảng 5cm một mạch điện đằng sau 1 cái tivi điện tử đang bật điện, thì bút thử đã sáng đèn. Ông bảo làm nghề này phải cực kỳ cẩn thận, vì chỉ sơ sẩy một chút là có thể mất mạng vì điện giật.

 

Ông cũng là người đã dẫn tôi hôm đầu tiên đi học lớp 1 tại trường Thực Nghiệm Giảng Võ. Thời gian quá lâu nên tôi không còn nhớ trường hợp của mình có giống như nhà văn Thanh Tịnh mô tả trong bài ‘’Tôi Đi Học’’ không. Chỉ còn lưu lại một chi tiết là khi lớp học bắt đầu, nhìn qua cửa sổ, vẫn thấy ông đứng thêm một lúc lâu nữa rồi mới đi về. Trong lòng thoáng cảm thấy một sự trống vắng, rồi tự bình tâm lại vì xung quanh vẫn còn bạn bè, thầy cô.  Như vậy ông là người đầu tiên dắt tôi đi trên con đường học vấn, không phải chỉ có nghĩa bóng, mà còn cả nghĩa đen của từ này.

 

 

Có lần vào một ngày hè nóng nực, hai bố con đang ở nhà. Đột nhiên ông gọi tôi ra cửa sổ, chỉ sang bên đường có mấy chú thợ nề đang xây nhà, mồ hôi vã ra nhễ nhại. Ông hỏi tôi sau này muốn được làm việc trong phòng có quạt mát không (thời đó chưa có khái niệm máy lạnh/điều hòa), hay làm việc ngoài trời vất vả như thế kia. Tôi trả lời muốn làm ở chỗ có quạt mát, thì ông nói ngay vậy cố gắng học cho tốt nhé. Ông đã đưa ra một ví dụ rất sinh động để cho một đứa trẻ là tôi tự suy ngẫm.

 

 

Rồi việc sửa đài và tivi cũng thoái trào thì phong trào đi xuất khẩu lao động ở các nước Đông Âu bắt đầu. Tuy là kỹ sư, và thậm chí đã sẵn sàng làm công việc chân tay, nhưng việc ‘’đi nước ngoài’’ của ông cũng gặp rất nhiều trắc trở. Đầu tiên dự kiến đi Bungari, nhưng vì nhiều eo le của thời cuộc, ông chỉ được vào danh sách dự bị. Có một người trong danh sách chính tưởng đã bỏ cuộc, nên tổ chức đã gọi ông chuẩn bị lên đường. Đã sắp sẵn hành lý, giấy tờ, thì đến giờ chót, người đó lại xuất hiện, và ông phải ở nhà.

 

 

Đúng như nhiều người nói, nếu cứ bền bỉ cố gắng, thì khi một cách cửa này khép lại, sẽ có một cánh cửa khác được mở ra. Dù bị lỡ chuyến đi Bungari nhưng sau một đợt ‘’phấn đấu’’ mới, ông được bố trí đi Tiệp Khắc hơn nửa năm sau đó. Sau này ông bảo ngẫm lại, tuy lỡ chuyến đi trước, nhưng được chuyến sau lại tốt hơn về nhiều mặt.

 

 

Những năm 80s của thế kỷ trước mọi thứ đều cực kỳ khan hiếm, cho nên mỗi vật dụng dù nhỏ đều rất quí. Các bạn sinh từ 1985 trở đi mà được nghe kể lại sẽ tưởng như trong chuyện cổ tích. Trước khi lên đường, ông hỏi tôi muốn cái gì thì tôi trả lời là muốn hai cái bút chì 2B của Tiệp vì thấy có bạn cùng lớp đang dùng và chất lượng thì tuyệt vời quá. Chỉ sau hai tháng, có bác đồng nghiệp về trước, ông gửi cho gia đình một bức thư, và trong phong bì có để thêm …2 cái bút chì đúng như cái tôi mong muốn. Biết bao nhiêu năm đã trôi qua, nhưng khoảnh khắc được cầm hai cái bút chì cha gửi về vẫn là một trong những giây phút vui sướng nhất của thời thơ ấu…

 

Suốt ba năm ở Tiệp, ông đã viết cho tôi khá nhiều bức thư, mà nội dung xuyên suốt là mô tả những nét văn minh hiện đại ở châu Âu và luôn động viên tôi học tập thật tốt để sau này cũng sẽ có được những trải nghiệm thú vị như ông…

 

 

  1. ‘’MÙI TÂY’’ và nguồn gốc của nó, hay là câu chuyện ‘’UỐNG NƯỚC NHỚ NGUỒN’’.

 

 

Khoảng giữa năm 1985, cha tôi gửi về nhà một thùng hàng đầu tiên. Lớp bụi thời gian đã xóa mờ nhiều sự kiện, nhưng cái để lại ấn tượng cực mạnh đến tận ngày hôm nay, khi cùng mẹ mở thùng hàng đó ra, là 1 mùi RẤT thơm, nó bay ‘’ngào ngạt’’ cả căn phòng. Sau đó cứ theo định kỳ vài tháng, chúng tôi lại nhận được những thùng hàng tương tự  – và lần nào cũng vậy  –  lại được ‘’thưởng thức’’ cái mùi rất hấp dẫn và đặc trưng đó.

 

 

Giờ đây, khi ngồi viết những dòng này, rất khó định nghĩa cái mùi trên.  Nó không phải mùi riêng lẻ của nước hoa, của xà-phòng thơm, của quần áo mới hay của bánh kẹo mang từ Châu Âu về, mà có lẽ là tổng hợp của tất cả những thứ trên. Xin được gọi đó là “Mùi Tây”. Nhờ cái mùi này, mà đúng hơn là nhờ những hàng hóa tạo ra cái mùi ấy, mà cả gia đình chúng tôi có cuộc sống đỡ khó khăn trong những năm bao cấp căng thẳng…

 

 

Từ nhiều năm qua, mỗi khi có dịp đi đến một nước phát triển, tôi đều luôn cố gắng tìm lại cái mùi thơm mà lần đầu tiên được biết từ gần bốn thập kỷ trước. Nhưng thật kỳ lạ, là dù đã khi qua rất nhiều nước Âu – Mỹ, vào các siêu thị lớn, dạo nhiều cửa hàng tạp hóa, ghé quán ăn, nhà hàng, qua nhiều sân bay hiện đại, nhưng không thể nào tìm lại được cái mùi đặc biệt hấp dẫn đó. Liệu có phải vì trước đây VN quá đói kém, nên mọi thứ hàng hóa đều được đón nhận một cách nồng nhiệt quá mức không?

 

BA MƯƠI NĂM SAU…

 

 

Phải đợi đến hè năm 2017 tôi mới được biết ‘’nguồn gốc’’ của mùi tây. Đó là dịp đưa cha trở lại chốn xưa, và cùng thăm nhà máy ở Tiệp Khắc nơi mà ông đã làm việc thời đó. Khi bước vào trong phân xưởng nhà máy, lúc đó chỉ còn lại như một phế tích đang sắp bị dẹp bỏ, trong lúc ông xúc động bồi hồi kể từng ký ức cũ thì tôi cảm thấy có một nỗi xót xa khi được chứng kiến tận mắt. Với một người làm văn phòng thì nơi đây ồn quá, bụi quá, và mùa đông thì cả rét quá nữa…

 

À, thì ra để có những thùng hàng thơm phức gửi về hàng quý, những thùng hàng mà nhờ đó anh em tôi đã có một tuổi thơ khá đủ đầy, tại nơi đây ông đã phải đổ bao nhiêu mồ hôi, nước mắt, và có thể cả máu nữa (tai nạn lao động thỉnh thoảng vẫn xảy ra). Vậy cần gì tìm kiếm đâu xa, nguồn gốc ‘’Mùi Tây’’ là ở đây chứ ở đâu… Không muốn làm ông mất vui, tôi phải quay mặt đi, lén lau những giọt nước mắt đang lăn dài trên má…

 

HIẾU LỄ VỚI CHA MẸ

 

Một ví dụ nữa về uống nước nhớ nguồn là ông rất có hiếu với cha mẹ. Mẹ tôi thường bảo, cứ nhìn cách bố chăm bà mà học tập. Đúng là cách tốt nhất để giáo dục hiếu lễ cho các con là tự mình cư xử hiếu lễ với chính cha mẹ mình để các con lấy đó làm gương noi theo.

 

 

  1. LẠI BƯƠN CHẢI NUÔI CON.

 

Năm 1988 ông về nước sau khi kết thúc 3 năm làm việc tại Tiệp Khắc nhưng cơ quan cũ nhất định không nhận lại, và ông cũng biết rằng không thể làm nghề phụ sửa tivi được nữa vì mắt không còn tinh nhanh như thời trẻ cộng với việc kỹ thuật và công nghệ đã thay đổi nhanh chóng. Cùng với mẹ tôi, ông xoay sở lập cơ sở sản xuất thuốc đông y. Bà phụ trách chuyên môn, còn ông làm phần tiếp thị.

 

 

Sau này khi làm việc cho một số hãng dược phẩm của VN và của nước ngoài, ngẫm lại mới thấy một mình ông đã kiêm nhiệm rất nhiều vị trí. Đó là công việc của một người thiết kế sản phẩm, một người làm tiếp liệu (đi mua nguyên vật liệu), trưởng phòng kinh doanh đi kết nối, mở rộng các đối tác, người đi nghiên cứu khảo sát thị trường bao gồm cả việc phân tích tìm hiểu các đối thủ cạnh tranh để kịp đề ra đối sách phù hợp và cuối cùng kiêm luôn cả nhân viên đi giao hàng và thu tiền. Việc nào ông cũng làm rất tốt. Giai đoạn đầu nhà chưa có điện thoại, nên tất cả mọi liên lạc đều là trực tiếp bằng xe máy rất vất vả, nhưng như ông kể, nhờ đó lại có dịp gặp gỡ, gắn kết với khách hàng nhiều hơn, nên khi có vấn đề phát sinh thì xử lý được nhanh hơn.

 

Công việc tiến triển thuận lợi như vậy được gần 7 năm, thời gian cũng đủ dài để cha mẹ nuôi chúng tôi khôn lớn, trưởng thành. Vào cuối năm 1995, ông bà dồn hết toàn bộ vốn liếng, tiền bạc mua đất xây nhà mặt tiền đường Nguyên Hồng, khu Nam Thành Công, Hà Nội. Giờ nhìn lại thì thấy đây là một quyết định cực kỳ chiến lược dù tiếc rằng sau đó cũng không giữ được vì một số lý do khác nhau. Tuy nhiên vào thời điểm năm 1995-1996, vùng này còn khá vắng vẻ, và nhà xây 4 tầng chỉ gần đủ ‘’hoàn thiện mặt ngoài’’ là hết sạch tiền, còn bên trong chỉ sử dụng được tầng 1 và một phần tầng 2, nên lúc đó việc mở cửa hàng hay cho thuê đều ít hiệu quả. Và thật không may, cùng thời điểm cơ sở sản xuất thuốc đông y của gia đình bị cạnh tranh khốc liệt, nên từ đầu năm 1996, ngay khi gia đình chuyển về nhà mới, các sản phẩm đông y đã gần như không tiêu thụ được.

 

‘’Họa vô đơn chí’’, các cụ nói ít khi sai, đây cũng là năm mẹ tôi bắt đầu ốm nặng, mọi lo toan vất vả, vai trò người cha, rồi cả người mẹ dồn lên vai ông, một người đã bỏ cơ quan Nhà nước từ lâu. Thu nhập của cả nhà chủ yếu dựa vào đồng lương của mẹ tôi, mà lúc đó không rõ bà sẽ còn cầm cự được đến bao giờ, cùng tiền bán sản phẩm nhỏ giọt. Gia đình từ chỗ khá ‘’phong lưu’’ trở nên rất khó khăn về tài chính, và phải tính toán đến từng đồng tiền chợ, đến nỗi ông phải thốt lên, nhà chúng tôi ‘’phồn vinh giả tạo (vì có cái nhà mặt đường, đẹp mỗi cái vỏ), nhưng ‘’đói nghèo thực sự’’ (thu nhập hàng tháng rất thấp).’’ Chưa hết, bà nội, người đã trở thành người mẹ tinh thần kể từ khi mẹ tôi lâm trọng bệnh, cũng đột ngột qua đời sát ngày tôi thi tốt nghiệp đại học.

 

 

Vì mẹ tôi ốm nặng nên đã không thể giúp tôi vào Viện Đông Y làm việc giống như vài bạn cùng khóa có cha-mẹ đang khỏe mạnh được nữa. Mấy người bạn thân của mẹ tôi đã rỉ tai với bố tôi là giờ chị đã như thế, anh cần phải ‘’tác động’’ mạnh với lãnh đạo thì cháu nó mới có cơ hội được nhận vào làm. Thời điểm đó, tiền thì gia đình đã gần cạn kiệt, tự nhiên tôi cũng không muốn ông phải đi cầu cạnh, đút lót, nên đã xin ông cho đi ‘’làm ngoài’’ một thời gian. Khi nào có được chút vốn sẽ tính xin lại vào Viện Đông Y.

 

 

Công việc đầu tiên tôi làm là hướng dẫn viên du lịch. Trước chuyến đi đầu tiên, tôi được cha – giờ làm cả chức năng người mẹ – là dúi cho một ít tiền, vì biết con mình chưa được nhận lương, và điều này làm tôi cảm động rơi nước mắt. Kể từ khi ra trường, đó là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất đến nay tôi được ông ‘’dúi’’ tiền, đơn giản là ngay sau đó thì mình tự kiếm đủ tiền để tiêu… Và rồi trải qua nhiều công việc bên ngoài, tôi không muốn quay trở lại Viện Đông Y nữa.

 

  1. TIẾP TỤC HÀNH TRÌNH SÁNG TẠO, và GIA ĐÌNH MỚI…

 

Bệnh tình của mẹ tôi ngày càng nặng, cùng với sự thay đổi của xu hướng và nhu cầu thị trường, gia đình phải ngừng hoàn toàn việc sản xuất các thang thuốc đông y. Cùng lúc này, ông bị mắc bệnh nấm ngứa trên da đầu rất khổ sở. Đã đi khắp các bệnh viện chuyên ngành, cả đông y và tây y đều không đỡ, cuối cùng ông quyết định tự nghiên cứu, cùng với một số kinh nghiệm gia truyền từ ông nội, đã tự chữa thành công cho mình bằng cách kết hợp cả đông-tây y. Tiếng lành đồn xa, nhiều bệnh nhân, nhất là những người đã chạy chữa nhiều lần tại các bệnh viện hàng đầu mà không hiệu quả, đã tìm đến với ông, và đã số đều hoặc được chữa khỏi, hoặc có những tiến bộ nhất định hơn hẳn những nơi đã điều trị trước đó. Có điều thú vị là ông đánh giá các trường hợp không điều trị được một cách khá chính xác, ca nào thấy không khả thi, là ông nói ngay và xin từ chối điều trị.

 

Ông cũng đã đem ‘’đề tài’’ của mình đến trao đổi với một người anh họ, là chuyên gia hàng đầu về da liễu của VN. Sau khi nghe ông phân tích về cách chữa bệnh của mình thì vị chuyên gia này đã khen ‘’bây giờ bác sỹ nhiều lắm, nhưng những người có tư duy thầy thuốc như chú thì không nhiều đâu…’’.

 

Thấm thoắt lại hơn hai mươi năm trôi qua, sáng tạo nối tiếp sáng tạo, danh sách những người được ông chữa khỏi ngày càng dài…

 

GIA ĐÌNH MỚI

 

Sau khi mẹ tôi mất thì cha tôi có đi bước nữa với bà V. Bà là người sống tình cảm và chăm sóc ông rất chu đáo. Hai ông bà tâm đầu ý hợp, nên cùng chăm lo gia đình mới một cách suôn sẻ, góp phần làm cho cuộc sống tuổi già trở nên có ý nghĩa hơn. Hy vọng ở nơi chín suối, mẹ tôi cũng cảm thấy hài lòng.

 

Nhân đây, chúng tôi cũng xin cảm ơn bà về tất cả những gì mà bà đã làm cho ông, và trích bốn câu trong bài ‘’Mẹ ơi’’ để kết thúc bài viết này:

 

‘’Hãy yên tâm Mẹ nhé

Bố có ‘’nơi chốn’’ rồi.

Được chăm rất tử tế,

Nên sức khỏe ổn thôi’’.

 

Lê Anh Tuấn

Ngày Thầy thuốc VN, 27/02/2022

Bookmark (0)
Please login to bookmark Close

CHA TÔI.   KÝ ỨC TUỔI THƠ.   Có lẽ một trong những ký ức đầu tiên về cha mà tôi còn lưu đến nay là vào những buổi tối…

Bookmark (0)
Please login to bookmark Close