Ngửa Mặt – Du Tử Lê
[toc]
Giới thiệu ebook
Ngửa Mặt – Du Tử Lê
Du Tử Lê sinh năm 1942 tại huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, miền Bắc Việt Nam.
Sau Hiệp định Genève, 1954, Lê Cự Phách di cư vào Nam cùng với gia đình. Đầu tiên ông định cư ở Hội An, Quảng Nam, sau đó là Đà Nẵng. Đến năm 1956, ông vào Sài Gòn và theo học trường Trần Lực, trường Chu Văn An, sau cùng là Đại học Văn Khoa.
Ông làm thơ từ rất sớm, khi đang còn học tại trường tiểu học Hàng Vôi tại Hà Nội. Sau khi di cư vào Sài Gòn, Du Tử Lê bắt đầu sáng tác nhiều tác phẩm dưới nhiều bút hiệu khác nhau. Bút hiệu Du Tử Lê được dùng chính thức lần đầu tiên vào năm 1958 cho bài “Bến tâm hồn”, đăng trên tạp chí Mai.
Du Tử Lê từng là sĩ quan thuộc Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, cựu phóng viên chiến trường, thư ký tòa soạn cuối cùng của nguyệt san Tiền phong (một tạp chí của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa), và là giáo sư dạy giờ cho một số trường trung học Sài Gòn.
Năm 1973 tại Sài Gòn, ông được trao Giải thưởng Văn chương Toàn quốc, bộ môn Thơ với tác phẩm Thơ tình Du Tử Lê 1967-1972.
Ngày 17 tháng 4 năm 1975, Du Tử Lê cùng với Mai Thảo và Phạm Duy bị kết án tử hình vắng mặt trên đài phát thanh của Mặt trận giải phóng Miền Nam vì có thái độ chống đối cộng sản quyết liệt. Sau sự kiện 30 tháng 4 năm 1975, ông sang tỵ nạn bên Hoa Kỳ.
Hiện ông đang sống ở miền Nam California, tiếp tục nghề viết, và là nhân viên khế ước của đài tiếng nói Hoa Kỳ từ năm 1996. Ông cũng từng là chủ nhiệm các báo Việt ngữ Nhân chứng, Tay Phải, và Văn nghệ ở Hoa Kỳ.
Nhự hơ hãi đem hung tin đến, tôi. Tôi lặng người không dám mở mảnh giấy nhỏ ra đọc. Còn đọc gì được. Mới nghe Nhự nói, chưa rõ đầu đuôi nước mắt tô đã chạy vòng quanh. Nhự cũng lúng túng, loay hoay hết nhìn tôi lại ngoái vào trong. Tôi nắm chặt hai tay, mím môi, nghiến răng để khỏi bật tiếng nấc. Mẹ tôi từ nhà trong đi lên, thấy cảnh hai đứa khác thường, giữa cửa, chắc bà cụ cũng ngạc nhiên không ít nhưng may mắn là người không tỏ dấu nghi ngờ gì. Mẹ tôi bảo, sao các con không vào hẳn trong này. Bàn ghế đó, thiếu đâu mà đứng như vậy kìa, Nhự chào mẹ tôi, nói đỡ, vâng, bác mặc chúng con. Để chúng con ra vườn cho mát. Mẹ tôi không nhìn, rẽ vào buồng bên nói, ừ, hay ra vườn cũng được. Các cô lại thèm đồ chua rồi chứ gì. Nhự cố cười, bác nói trúng ý cháu quá, làm cháu mắc cỡ, cháu định xin bác mấy trái khế. Nhự nói và kéo tôi đi xềnh xệch. Mắt tôi hoa. Đầu tôi choáng váng. Tôi không còn nhận được bất cứ một sự gì ở chung quanh. Người tôi hình như đang lả dần, héo rũ như thân cây chờ phút rã mục. Gân cốt trong người tôi nhão ra, người tôi mềm nhũn. Tôi tựa người vào Ngự, bước những bước chập chờn đầy hình ảnh chàng. Chàng và Yến, Yến, con… tôi muốn tìm một tiếng nguyền rủa thậm tệ nào đó, dành riêng cho Yến. Nhưng tôi không thể mở miệng được.
Tựa lưng vào thân cây khế, tôi ngả đầu vào vai Nhự. Những bông hoa khế nhỏ xíu xinh xinh màu tím nhạt lay động trên đầu tôi. Tôi bắt đầu nức nở. Tôi khóc giữa những lời an ủi vỗ về của Nhự. Trong một thoáng, cùng lúc, những ý tưởng mâu thuẫn, lộn ngược dầm dập lóe trong óc tôi. Tôi sẽ bỏ chàng. Phải, em sẽ bỏ anh, em không thể yêu anh được nữa. Làm sao em yêu được anh, khi chính anh, đã phản bội tình em, khi chính anh đã từ chối đã phủ nhận tình yêu đó. Anh không còn xứng đáng với tình yêu của em nữa. Hết. Thế là hết. Hết, nghĩa là chúng ta không bao giờ gặp nhau. Em sẽ đi lấy chồng. Em sẽ thuộc về người khác. Anh sẽ vào ngồi tù, anh sẽ bị tử hình có thể. Anh sẽ chết, nhục nhã, dần mòn. Anh sẽ chết một mình, lẻ loi. Anh sẽ chết, một mình, không có em ở bên cạnh. Không. Không thể như thế. Anh vô tội. Em tin chắc là anh vô tội. Có đáng tội chăng là Yến, Yến. Chính cô ta. Chính con nhỏ đó. Chính nó. Trời ơi. Chính nó. Nó đã giết đời anh. Nó đã giết đời em. Nó đã giết cuộc tình mình. Không. Em không thể để anh vào tù, em không thể đứng đợi ngồi trông tin anh ra tòa, lãnh án một cái án tử hình. Tử hình. Anh. Anh của em. Không em sẽ giết anh. Không kẻ nào khác hơn em, có quyền giết anh. Em sẽ dành cho bằng được cái quyền cuối cùng ấy, về đời anh.
Tôi đưa tay gạt nước mắt; lắc đầu để xua đuổi tất cả những ý nghĩ hắc ám dật dờ. Nhự ái ngại lau những giọt lệ còn đọng trên má tôi.
– Phải bình tĩnh mới được, Thục. Sự thể đã đến thế. Tất nhiên không thể không buồn, không khổ. Nhưng còn có những vấn đề khác quan trọng, khẩn cấp hơn mà mình phải tính ngay mới kịp và thiết thực hơn, ngay bây giờ phải xem Tự sống ra làm sao, ở đâu. Phải hỏi Tự xem Tự định thế nào. Giờ thì chỉ còn Thục, mà Thục không bình tĩnh nữa là hết… Không cứu vãn được gì cả.
Nghe Nhự nhắc tới tình trạng hiện tại của Tự, tôi mới sực nhớ, không biết giờ này, chàng ở đâu. Tôi hỏi Nhự, Nhự lắc đầu:
– Nhự cũng đâu có biết. Mảnh giấy này do Hiệp đưa lại. Nhự có hỏi chỗ ở của Tự, thì Hiệp bảo, mọi liên lạc qua Doãn. Chỉ có một mình Doãn biết rõ chỗ ở của Tự mà thôi.
Tôi nóng nảy:
– Hay là mình Doãn ngay bây giờ, Nhự.
Nhự ngập ngừng:
– Cũng được. Nhưng làm sao đi, khi mắt Thục đỏ hoe thế này. Bác sinh nghi, hỏi vặn vẹo thì sao?
Tôi nhíu mày, trừng mắt, cương quyết:
– Thục đã có cách, Nhự cứ để mặc Thục. Tôi nói rõ mưu định của mình xong bỏ mặc Nhự ngoài vườn tôi vào nhà, lên gác thay quần áo thật nhanh. Mẹ tôi đã đứng đợi sẵn ở dưới chân thang.
Bà cụ hỏi:
– Con có chuyện gì mà đi gấp gáp quá vậy. Con có vẻ hoảng hốt lắm. Mẹ lo quá. Chuyện gì vậy Thục. Con. Mẹ tôi nắm lấy bàn tay tôi còn trên thành vịn. Tôi lao đao mất thăng bằng ngã dúi vào người mẹ tôi. Người ôm gọn tôi, giữa lúc nước mắt tôi lại trào ra, dàn dụa.
– Sao vậy con. Con Thục kìa. Con lạ quá. Có chi sao không nói cho mẹ biết. Con cứ nói đi, mẹ hứa, dù là chuyện gì, mẹ cũng không rầy la con đâu. Con đừng sợ.
Tôi gượng người, lấy lại thăng bằng và bình tĩnh. Tôi nói với người, trong khi mặt cúi gầm, ngó xuống:
– Thưa mẹ, không có chuyện gì cả.
– Có mà. Có chuyện gì đó thì con mới khóc như vậy chứ. Nói đi. Nói đi, mẹ tha thứ hết. Lúc nào mẹ cũng thương con. Thương con hơn hết, hơn cả các anh, các chị con, con biết thế chứ.
– Vâng. Con biết.
– Vậy sao không nói cho mẹ nghe chuyện gì đó.
– Con không muốn nói, vì con định dấu mẹ.
Mẹ tôi âu yếm vuốt tóc tôi. Những ngón tay người nhẹ nhàng vuốt tóc ở hai bên má tôi, thả thẳng về phía sau, chậm rãi:
– Mẹ biết mà. Mẹ biết con có chuyện buồn. Chuyện gì buồn lắm. Nên con mới hốt hoảng, nên con mới khóc như vậy. Nào. Thôi, con gái cưng của mẹ, nói cho mẹ nghe đi, chóng ngoan mẹ cưng nhiều. (Mẹ tôi cười cười ghé sát mặt tôi) gớm, con gái lớn thế này, như ngày xưa là mẹ đã có cháu ngoại bồng rồi, chứ chơi đâu, mà nhõng nhẽo hoài à.
Tôi không thể cười được, dù rất muốn cười để mẹ tôi hài lòng. Tôi nói từng tiếng:
– Cô giáo con bị đau nặng, phải vào nhà thương, chắc khó qua khỏi. Con xin phép mẹ cho con đi với Nhự thăm cô.
Mẹ tôi tròn mắt, bán tín bán nghi:
– Cô giáo con. Thật không? Cô nào?
– Cô Mùi. Cô dạy Pháp văn. Cái cô thương con nhất lớp mà con vẫn kể chuyện mẹ nghe đó.
– À. À. Cô Pháp văn. Có thế thôi sao? Chỉ thế thôi mà con làm mẹ hết hồn. Mẹ đã tưởng chuyện gì.
– Thế mẹ tưởng chuyện gì. Tôi ngước mắt nhìn mẹ tôi. Người lúng túng lảng tránh:
– Ờ. Mẹ tưởng, tưởng có chuyện gì quan trọng hơn thế nữa xảy đến cho con.
Tôi thu hết can đảm, nói một mạch:
– Giờ con chẳng còn chuyện gì quan trọng nữa. Con không còn thiết tha một điều gì. Mẹ cứ yên tâm, con bây giờ sẽ sống như một cái máy. Một cái bóng trong căn nhà này. Con sẽ sống mãi như vậy. Chịu đựng mãi như vậy, để mẹ và ba vừa lòng. Con sống giờ không còn là cho con nữa. Vì đời sống con, chỉ có một cần thiết, là tình yêu, là cuộc tình của con và Tự. Nhưng mẹ đã không bằng lòng. Mẹ đã bắt con phải chọn lựa giữa mẹ và Tự. Con đã nghe mẹ. Con đã bỏ Tự. Bỏ Tự là bỏ lẽ sống của đời con. Bỏ Tự là bỏ nguồn hạnh phúc, là bỏ ánh sáng bỏ khí trời, bỏ tương lai, bỏ tất cả những gì lẽ ra ngày mai, đời con sẽ có. Đời con sẽ được hưởng. Nhưng con vẫn nghe mẹ, con vẫn bỏ Tự. Con đã bỏ Tự. Con đã nói cho Tự biết điều đó, và mẹ yên tâm, mẹ có thể yên tâm hoàn toàn, vì… Vì Tự đã không còn nữa. Không.
Cơn xúc động nghẹn ngào lại làm tôi ứ đầy cổ tôi.
– Sao con nói sao? Nó không còn nữa? Không còn nữa?
– …
– Nó đã chết rồi. Làm sao nó chết? Ai giết nó?
– Không. Không ai hết.
– Vậy sao nó chết?
– Không.
– Thế nghĩa là sao?
– Con.
– Con giết nó?
– Mẹ nghĩ thế cũng được: Mẹ không hài lòng sao?
Nói xong, tôi mới biết mình lỡ lời. Nhưng đã muộn. Mẹ tôi hét lên:
– Trời ơi. Con tôi.
Nhự chạy vào, ngơ ngác:
– Thưa bác, có chuyện gì đấy ạ.
Mẹ tôi vừa khóc vừa đưa tay phân bua, Nhự nghe xong lắc đầu:
– Thưa bác, theo chỗ cháu biết thì không có chuyện đó. Làm gì có. Bác đừng lo.
Mẹ tôi ngừng khóc, chỉ tay vào tôi:
– Thì đó, cháu xem. Chính nó nói ra miệng chứ ai.
Nhự cằn nhằn:
– Thục bậy quá (quay sang mẹ tôi), con xin bác đừng để ý. Thục nó bị giao động mạnh về chuyện cô Mùi vào nhà thương, nên nó nói lung tung không đâu vào đâu hết. Bác thì còn lạ gì tính Thục nữa. Cô ta chỉ cần một chuyện nhỏ thôi cũng đã đủ để hoảng hốt ầm ĩ lên được. Thôi có đi thăm cô Mùi thì đi để không có trễ rồi Thục. Tôi lấy khăn lau nước mắt nhìn mẹ tôi tần ngần.
Tôi muốn nói một lời xin lỗi, hay tỏ dấu ân hận về hành vi nông nổi thiếu suy xét vừa qua mà sao tôi không thể mở miệng được. Cuối cùng, tôi nắm tay mẹ tôi:
– Mẹ. Con lúc này, như điên như mất trí. Con không biết là con đã nghĩ gì và đã nói những gì với mẹ. Mẹ thương con. Mẹ đừng buồn con, nghe mẹ.
Mẹ tôi lắc đầu:
– Không. Mẹ thương con. Mẹ không bao giờ giận con hết, Mẹ biết con mẹ lúc này đang khổ sở, đang rối loạn. Mẹ không giận con đâu. Mẹ chỉ mong, thời gian sẽ giúp con quên dần nó. Thời gian sẽ giúp con lần lần bình tĩnh trở lại. Mẹ chỉ mong, chỉ cầu xin có thế thôi.
– Mẹ đừng nói nữa mẹ. Mẹ nói thêm con lại khóc bây giờ. Con khổ quá. Mẹ biết không. Con không ngờ đời con lại khổ đến thế này.
– Thì thôi, mẹ không nói nữa. Thôi con đi đi, Mẹ biết mà.
Tôi thất thểu theo chân Nhự tới Doãn.
Doãn tiếp chúng tôi bằng đôi mắt lạnh lùng, nghiêm khắc, như có phần oán trách thù ghét.
Doãn bảo, chờ tôi một chút, thay quần áo, xong tôi đưa hai chị đi.
Chiếc Taxi chạy quanh co một hồi. Cuối cùng tôi nhận ra khu bến tàu. Xóm Cầu khỉ. Nhự nói, khi Doãn bảo xe ngừng ngoài lộ chính. Chúng tôi xuống xe, lầm lũi theo chân Doãn rẽ vào một con đường đá dăm. Suốt từ lúc ra xe cho đến khi bước xuống, Doãn hút thuốc liền tay, ngậm miệng không nói một tiếng. Tôi dồn hết mọi khả năng chú ý, ghi nhận để lần sau có thể đến một mình.
Đây là khu xóm lao động như trăm ngàn khu xóm lao động khác trong thành phố. Nhưng điểm đặc biệt của nó là khi bỏ con đường đá dăm, rẽ vào lòng xóm, người ta không có một đường đi nào, khác hơn bước lên những cây tre mảnh, hờ hững trên những trụ cột bằng xi măng hay gỗ, đó sâu xuống lòng đất bùn. Nước lấp xấp một mầu đen tanh tưởi, đầy những lăng quăng và rác rến. Càng vào sâu lòng xóm càng mở rộng những ngã rẽ với những thân tre nhỏ hơn, chỉ vừa đủ một người đi. Trong lúc di chuyển, chẳng may ở một góc nào đó, có người đi tới, một người lùi lại, đứng chéo chân ở một ngã ba hay ngã tư của hai chiếc cầu, cho kẻ kia đi qua. Với một người không quen như tôi, chỉ một chút sơ xảy nhỏ, là có thể té ngả dầm mình xuống nước bùn. Dù rón rén gượng nhẹ tránh được những tiếng kẽo kẹt của mấy cây tre vẫn uốn rung dưới chân tôi. Nhự đi trước, ngay sau Doãn, dơ tay ra phía sau cho tôi nắm. Dân trong xóm nhìn lũ tôi như một bầy quái vật. Họ hướng những con mắt nghi kỵ, gian giảo, tra khảo vào chúng tôi. Lũ trẻ con trần truồng, đứng tồng ngồng trong những căn nhà mái lá chạm sát đầu chúng.
Nắng trưa làm tôi hoa mắt tư tưởng nhão chảy, tan lẫn, bầy nhầy cùng cảnh vật và bùn nước. Hình như không có một ý nghĩ nào đậu được lâu trong tâm hồn tôi. Mọi thứ đều rời rã, chia tay, cách biệt. Đôi bận, tôi muốn nhắm mắt, mặc cho chân đưa, thả lỏng thân xác cho rủi may, bất chợt. Không nghĩ về Tự, không nghĩ về gia đình, về mẹ tôi, ba tôi, các anh, các chị, về những khó khăn đã thành hàng rào thẳng ngọn, đang chắn ngang trước mặt tôi, tôi cũng không còn đủ trí nhớ để tưởng đến một chuyến đi xa không thành, những ngày đi làm đã gần đến. Tôi không biết gì hết, ngay cả những bước chân tôi đang ngập ngừng, sẻn dè tiến tới.
Qua hết những chiếc cầu khỉ, chúng tôi đặt chân lên một con đường đất đỏ. Tới đây, nhà cửa có phần cao ráo hơn, nước trong và đầy. Con đường đất đỏ, chia hai khu nhà, mặt quay vào lòng sông Doãn chậm chận, quay lại nói:
– Sắp tới rồi.
– Xóm này tên là Cầu Khỉ phải không anh? Nhự hỏi.
– Phải. Sao chị biết?
Nhự cười bí mật, không đáp, mắt lơ đãng nhìn lên khoảng trời xanh cao vừa thấy được, Doãn đốt một điếu thuốc khác, vẻ hằn hộc đã lặn tan, trở lại trên gương mặt xương xẩu, khắc khổ của Doãn vẻ lạnh lùng phẳng lặng cố hữu. Thọc tay vào túi Doãn đi thản nhiên như một người đang bách bộ.
Nhự lùi chân, ngang với tôi:
– Liệu có nhớ được đường vào không?
Tôi thở hắt ra, lấy khăn lau mồ hôi.
– May ra, nếu lúc về đi đường cũ.
– Rồi sau đây tính sao?
Tôi cúi nhìn những ngón chân tụ máu lòi ra khỏi quai dép, chậm rãi:
– Chưa biết. Mà cũng chả biết phải tính sao.
Nhự lắc đầu bỏ thỏng:
– Tội nghiệp.
Tôi không biết Nhự dành cho ai trong lũ chúng tôi, hai chữ ấy. Ai. Hay tất cả, tất cả, trong đó có Nhự, có mọi người, có cả những kẻ ở trên bốn năm tầng lầu và tất nhiên, luôn cả những kiếp người chui rúc trong xóm Cầu Khỉ này.
Bỗng dưng, tôi buột miệng bảo Nhự:
– Muốn chết cho rảnh, Nhự ơi.
– Bậy nào. Nhự nắm và bóp mạnh tay tôi.
– Thật đó. Chết. Muốn chết quá. Cho xong.
– Điên?
– Đến rồi. Tiếng Doãn chặn tắt câu nói vừa thoát khỏi họng tôi, nửa chừng. Một câu gì đó, mà chính tôi cũng không nghe được.
Doãn nhích tấm cửa làm bằng tôn cao bồi (1), cúi đầu bước vào.
(1) loại tôn mỏng có in nhiều hình vẽ xanh đỏ.
Căn nhà tối thầm thẩm. Nước róc rách chuyển mạnh dưới tấm ván láng bóng. Mùi hôi hám làm tôi phải nhăn mặt, muốn hắt hơi.
Doãn đánh tiếng:
– Chị Tư Xệ có nhà đó không?
Sâu hút bên trong, có tiếng chân xê dịch nặng nề, rồi một thiếu phụ trạc tuổi gần bốn mươi, hiện ra ở khung cửa giữa, nối liền hai gian nhà. Chị chàng mặc một chiếc áo bà ba xanh có chấm hoa lớn mầu đỏ. Mấy nút áo ngực bung hết, trên tay chị, đứa con trai cỡ độ hơn một năm, đã ngủ, nhưng miệng vẫn cắn chặt vú mẹ. Chị Tư Xệ (đúng là người đàn bà mà Doãn vừa hỏi đó) dợm bước tới, rồi lại ngập ngừng như muốn lui, ngó sững chúng tôi.
Doãn vội lên tiếng trước:
– Doãn đây mà chị Tư. Doãn bạn của Long Đầu Bạc đây, chị quên rồi sao?
Chị Tư Xệ hề hề, lúc lắc cái đầu xù một đầu dầy tóc, quăn tít.
– À. À. Ủa anh đó sao anh Hai. Tối quá. Tui nhận không ra.
Doãn tiến tới sát gần, đưa tay vờ vờ thằng nhỏ:
– Ảnh đâu chị Tư.
– Ảnh đi xe từ hồi sớm. Ai dậy anh Hai? Chị Tư Xệ hất hàm hỏi.
Doãn quay lại:
– A, mấy cô em của Thầy Ba đó chị.
– Dậy hả. Mời các cô ra ngoài này cho mát.
Chị Tư Xệ quay lưng, chậm chạp, bước.
Doãn làm vẻ quen thuộc chỉ ghế cho chúng tôi ngồi, xong ngước mắt nhìn lên chiếc cầu thang ở góc phải căn buồng.
– Xấp nhỏ đâu chị?
– Ai. Anh Hai. Chị Tư đặt con xuống chiếc đi văng kê sát vách, lom khom cài nút áo hỏi lại Doãn.
– Thì xấp nhỏ nhà, chứ ai chị Tư.
Chị Tư cười nhìn tôi:
– Ấy, chúng chạy chơi đâu đó anh. Ờ để tui đi rót nước mời đã chứ há.
Doãn xua tay, Nhự mau mắn:
– Thôi được rồi chị Tư. Mặc tụi tui mà. Coi như người nhà hay bà con lối xóm đi cho tiện chị Tư.
– Ờ, dậy hả. Dậy cũng được à nghen. Ủa, mà hai cô đây là bà con với thầy Ba sao?
– Chỉ có cô này thôi chị (Nhự chỉ tôi), còn tui là bạn, bạn là bạn đó vậy mà chị Tư, Nhự cười liếc mắt nhìn tôi. Tôi đưa mắt hỏi Doãn, Tự đâu.
Doãn đằng hắng:
– A, có thầy Ba trên đó không hà, chị Tư?
– Có. Có đó anh Hai. Suốt từ sáng giờ thầy ấy hổng có bước xuống đây. Ngó bộ thầy ấy buồn bã quá đi anh Hai ơi. Ba xấp nhỏ, trước khi đi xe có nói với thầy ấy, cần gì cứ bảo tui hay gọi xấp nhỏ cũng được. Hoặc có buồn nữa thì đi chơi loang quanh lối xóm đây cho khuây khỏa đó mà. Nhưng thầy ấy, hổng đi đâu hết. (Bỗng chị ta hạ thấp giọng thầm thào, nghiêm trọng) mà thầy ấy bị chi dậy anh Hai?
Doãn chặc lưỡi, nói nhỏ:
– Trốn lính.
– Dậy hả. Chị Tư vẫn tròn mắt. Tội nghiệp. Còn trẻ quá mà, trốn chi cho khổ cái thân không biết nữa. Í mà, nghe nói bạn của anh Long, Ba bầy trẻ đây, cũng như tui, quí lắm anh Hai ơi. Chả là ba xấp nhỏ và anh Long là bạn cùng mần ăn từ ngày xưa đó anh Hai. Tự hồi chưa lấy tui lận.
Doãn cười, rút thuốc mời:
– Hút chơi điếu đi Chị Tư.
– Dà. Chị Tư Xệ vừa đáp vừa đưa tay nhón một điếu thuốc gắn lên môi một cách thành thạo.
Doãn bật lửa.
– Tụi tui lên gác chút nghe chị Tư.
– Dà, mời, mời anh Hai và hai cổ lên đó chơi. Thầy Ba ở trển đó. Tội nghiệp, tội nghiệp.
Những tiếng sau được chị kéo dài ra, ê a như phường tuồng.
Doãn ra dấu cho chúng tôi theo chân lên gác.
Thật không ngờ một căn nhà gỗ lại có thể có một căn gác lửng kín đáo như thế này. Nhờ hai cánh cửa sổ bên hông và một hàng lan can nhỏ, mở vào lòng sông, nên ánh nắng chan hòa căn gác. Tự quay lưng lại chúng tôi. Chàng đang tỳ tay trên thành gỗ lan can, đầu cúi xuống mặt nước. Thoạt thấy chàng, tim tôi đập mạnh, không bước được nữa. Bao mạch máu trong người tôi như ứ đọng ngừng nghỉ. Những hạch nước mắt ở hai thái dương như chỉ chực chờ tuôn trào.
Tự quay lại. Tôi thấy chàng với đôi mắt sâu hoắm, hai gò má nhô cao, nước da xạm tái. Trong một hoàn cảnh khác, chắc tôi không dám quả quyết đó là Tự. Đó là người tôi từng ngất trong tay. Đó là người mà tôi đã tự nguyện hiến dâng cả đời mình, cho một ngày mai có thể đen tối, có thể thảm thiết. Tự. Tự. Tôi nghẹn ngào không gọi thành tiếng. Tự. Tự. Tôi rũ liệt toàn thân, bủn rủn muốn ngã. Tự. Tự. Chàng chập chờn bước vào. Tự. Tự. Chàng lao tới đỡ tôi trước khi tôi quỵ ngã xuống sàn gỗ. Anh. Anh. Tôi quờ quạng bên mặt chàng, đẫm ướt. Anh. Anh. Tôi bấm cả mười ngón tay trên ngực, trên vai chàng. Anh. Anh. Tôi cắn nghiến môi tôi để thấy mình còn tỉnh, còn thức. Đây không phải là cơn mê. Đây không là giấc mộng. Đây là sự thực. Một sự thực bật máu. Một sự thực trừng trừng, trợn ngươi. Sự thực như một giả tưởng, một ảo ảnh.
Chúng tôi cùng ngồi bệt xuống sàn. Tôi vẫn chưa thể lấy lại được bình tĩnh. Tôi dấu mặt mình vào ngực Tự, trong khi chàng ôm lấy mặt tôi, và tỳ cằm lên đầu tôi, im lặng. Doãn xuống thang gác. Nhự ra ngoài lan can, ngó xuống dòng sông.
Đợi một lúc lâu, khi tôi lần lần tỉnh lại, Tự nâng cằm tôi lên, nhìn thẳng vào mắt tôi. Con mắt chết cứng, con mắt trợn trừng, con mắt nghiêm lạnh, đe dọa, tàn nhẫn. Tôi rên rĩ, khép mắt:
– Anh đừng nhìn em như thế. Tội nghiệp em với chứ. Không còn thương em nữa sao? Anh. Tự.
Chàng đưa tay, ghì xiết lấy tôi. Tôi thấy hơi thở chàng dồn dập, đôi vai rung động. Chàng lại khóc. Tôi biết. Chàng đang khóc. Chàng mím môi, chàng nghiến răng để đừng bật thành tiếng nấc. Nhưng những giọt nước mắt nóng hổi của chàng theo làn tóc tôi, chảy xuống, ấm hai bên má. Tôi vẫn nép trong ngực chàng:
– Em phải về. Em phải về. Em không thể ở đây.
– Anh đuổi Thục?
– Không phải thế. Không bao giờ. Anh… Khổ quá, anh không giải thích được.
– Em hiểu. Anh khỏi cần nói.
– Nhưng mà…
– Nhưng mà cái gì?
– Còn mẹ. Còn ba em. còn chung quanh… Còn…, còn đời em, dài lắm. Không được.
– Không. Em đã có thái độ.
– Không có thái độ gì hết. Em phải về. Em phải trở về. Em đối với anh, như thế này là quá đủ rồi. Anh không còn ước gì hơn nữa. Lúc chết, anh sẽ sung sướng nhắm mắt.
Anh hạnh phúc hơn nhiều người khác. Anh đầy đủ lắm. Em đừng nghĩ gì đến anh nữa. Phải nghe anh mới được. Em đừng nghĩ gì đến anh nữa. Phải nghe anh mới được. Em.
– Vâng, em nghe anh. Em sẽ về.
– Ừ. Có thế chứ. Anh biết, em yêu anh. Em nghe anh. Em của anh, ngoan lắm…
– Nhưng…
– Nhưng gì nữa…
– Em sẽ…
– Làm sao?
– Em.
– Gì, em cứ nói đi. Thục, Thục ơi. Toàn thân chàng lại rung lên.
Tôi cũng nghẹn ngào:
– Em… em sẽ trở lại với… anh. Em không thể bỏ anh được, trong tình cảnh này.
– Thôi. Anh van em. Anh xin em. Anh lạy em. Anh không muốn sau này em sẽ hối hận.
Em sẽ oán thù anh. Em sẽ nhìn anh, như một kẻ giết hại đời em. Giết lần mòn tuổi trẻ của em. Em phải bình tĩnh. Phải thật bình tĩnh. Anh không còn gì cho em, để giúp em thực hiện những ước mơ của hai đứa nữa. Anh sẽ bị bắt, anh sẽ vào tù, anh sẽ bị xử bắn. Em. Anh van em, Thục. Anh lạy Thục.
– Không. Em bình tĩnh lắm. Anh thấy không. Anh nhìn em đi. Nhìn vào mắt em đi, Thục của anh đây. Anh thấy em không. Em thật bình tĩnh. Em đâu có khóc nữa. Anh. Anh. Tôi vịn đầu chàng xuống.
Chàng lắc đầu, tránh mắt nhìn của tôi.
– Anh biết, anh biết em trọng nghĩa em trọng thủy chung, em cao cả. Em thánh thiện như thiên thần. Nhưng rồi em sẽ hối hận. Em sẽ đau đớn. Em sẽ khốn quẫn một đời vì anh. Còn ba em, còn mẹ em, còn gia đình còn xã hội, còn bạn bè en. Còn…
Tôi đưa tay bịt miệng chàng:
– Anh điên rồi. Anh sảng rồi. Anh hãy nghe em nói đã. Anh. Tự. Em sẽ ở bên anh, mãi mãi bên cạnh anh. Em tin anh, tin nơi em, tin nơi tình yêu của mình. Em không lý tưởng, em không lãng mạn một chút nào hết. Anh hãy nghe em. Quyết định này của em, chắc chắn sẽ làm ba, mẹ buồn, buồn lắm, buồn đến độ ba mẹ có thể từ em, không nhìn nhận em nữa. Nhưng một mặt nào khác, ở một góc âm thầm nào đó, của lương tâm, của tình người. Ba, mẹ sẽ hài lòng, sẽ hài lòng, sẽ âm thầm hài lòng về hạnh động của em. Rồi ba, mẹ sẽ hiểu em. Sẽ hiểu anh. Hơn nữa, trong trường hợp này, em không thể bỏ anh được. Không bao giờ, dù em có bị thế nào. Bình thường, em có thể bỏ anh, em có thể vì gia đình, vì lòng hiếu để, vì gì gì đó, em xa anh. Nhưng trong trường hợp này, hoàn cảnh này, thì không. Em nói: Không. Thà mai sau em hối hận với quyết định hôm nay của mình, khi anh phản bội tình em, còn hơn là em sẽ chết héo với cắn rứt lương tâm, của tình cảm tự nhiên, thuần khiết nơi tâm hồn em, nơi trái tim em.
– Không. Thục. Anh muốn em nghĩ lại. Anh muốn em trở về. Trở về và suy nghĩ chín chắn. Dầu sao thì anh cũng vẫn mong em sẽ không trở lại đây, một lần nữa.
– Anh không còn cần đến em. Anh không còn yêu em? Anh oán giận em điều gì? Anh. Tự.
– Không. Anh không còn cần đến em nữa.
– Trời ơi. Anh. Tôi tức tưởi và khóc nức nỡ. Nhự hốt hoảng chạy vào:
– Có chuyện gì vậy?
Tự lắc đầu. Nhự loay hoay hết đưa tay vuốt tóc lại buông thõng:
– Anh phải thương Thục mới được. Anh phải hiểu nó. Anh đừng làm khổ nó thêm. Ích gì?
Tự trừng mắt, cố dịu giọng:
– Nhự cho rằng tôi muốn làm khổ Thục lắm sao? Tôi còn đau đớn gấp trăm ngàn lần Thục nữa. Tôi, kẻ… mà
Nhự phụng phịu:
– Thì Nhự nói vầy vậy đó, chứ nào có ý gì đâu.
Tôi nói trong nước mắt:
– Thôi. Nhự, Nhự xuống nhà đi. Thương Thục với, xuống nhà đi.
Nhự ngập ngừng, khoát tay, như có một điều gì muốn nói mà không nói được.
Chờ Nhự khuất, tôi mới lau nước mắt ngồi ngay ngắn người lại, nhìn thẳng vào mặt chàng:
– Anh đừng dối lòng anh. Anh có thể gian dối với tất cả mọi người, nhưng không lẽ với em anh cũng thế.
Tự nhìn xuống, lặng lẽ. Tôi tiếp:
– Bây giờ anh trả lời em một câu thôi, một câu cuối cùng. Anh có yêu em không?
Tự ngước lên, khuôn mặt chàng tiều tụy. Tôi hồi hộp thắt ruột, đứng tim. Chàng nhìn đăm đăm, xong lại cúi xuống. Tôi lay vai chàng. Anh phải trả lời em. Anh hãy trả lời đúng với lòng anh. Không lẽ đến giờ phút này, anh còn gian dối với em. Tự lại ngước mắt nhìn lên. Đôi mắt chàng long lanh. Chàng mím môi. Một lát, tôi nín thở. Chàng gật đầu, và khóc. Tôi ôm lấy chàng:
– Thế là đủ rồi. Em chỉ cần có thế. Em yêu anh. Em tự dành cho mình mọi quyền hạn của một người yêu và được yêu. Chàng ghé khuôn mặt đầm đìa nước mắt, cắn vào cổ tôi. Tôi nghiến răng chịu đựng.
Chúng tôi cùng nằm xuống sàn gỗ. Nắng trưa hầm hập. Những con nước lách mình, chuyển động dưới thấp. Tiếng cười hể hả của chị Tư Xệ, theo cầu thang, ngược dốc lên căn gác kín khép.
Mời các bạn đón đọc Ngửa Mặt của tác giả Du Tử Lê.
Download ebook
Ngửa Mặt – Du Tử Lê
FULL: |
Download App tải ebook,sách nói, khóa học tốt nhất: https://h.nhuttruong.com/app
Website: https://www.trươngđịnh.vn
Page:https://www.facebook.com/truongdinhvn/
Mail:www.truongdinh.vn@gmail.com
[toc] Giới thiệu ebook Ngửa Mặt – Du Tử Lê Tweet! Du Tử Lê sinh năm 1942 tại huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, miền Bắc Việt Nam. Sau Hiệp…