Ngàn Cánh Hạc – Yasunari Kawabata
[toc]
Giới thiệu ebook
Ngàn Cánh Hạc – Yasunari Kawabata
Trong tác phẩm Trà sư (Le Maître de thé) của Inoué, lịch sử trà đạo ở Nhật từ thế kỷ 16 tới ngày nay, mở đầu với vị trà sư Rikyũ chủ môn trường phái nghệ thuật uống trà thanh đạm, được viết thành một tác phẩm văn học giá trị, phơi bày mặt trái của lễ nghi: trà đạo hơn bốn thế kỷ, bị thế quyền phong kiến sử dụng như một mụ mối trong chợ chính trị. Những buổi thiết trà thường là mặt tiền che đậy những cuộc thương lượng bên trong, và những vị trà sư khả kính chỉ là những quân cờ dưới trướng các lãnh chúa. Những cái chết bí mật của các thủ lãnh trường phái trà đạo, trong suốt bốn thế kỷ, nằm trong những bí mật của nghệ thuật trà trị, và họ chết đi, mang cả bí mật của trà trị sang thế giới bên kia.
Ngàn cánh hạc không viết về trà đạo, không viết về trà trị, mà dựng trên bình phong đạo trà để viết về tình yêu, và tình yêu trong tác phẩm của Kawabata luôn luôn là tình yêu tuyệt đối.
Ngàn cánh hạc có hình thức gần như cổ điển với những tình tiết éo le. Nhưng tác giả đã xóa chất éo le bằng cấu trúc đứt đoạn, bằng giọng văn ơ thờ, mỉa mai, lãnh cảm; tạo nghịch cảnh bằng cách đổi ngôi nhận vật, không cho họ đứng đúng chỗ ước đoán của người đọc: tất cả những nhân vật chính như bà Ôta, Kikuji và Kikako… đều không đóng những vai mà độc giả chờ đợi.
Như những tiểu thuyết khác của Kawabata, Ngàn cánh hạc cũng chỉ dày khoảng 200 trang, đã được đăng trên báo từ năm 1949, viết từng mảng, mỗi mảng là một truyện, cả thảy có năm truyện. Tác phẩm hoàn tất trở thành một cấu trúc tiểu thuyết chặt chẽ, ra đời năm 1952, trong bối cảnh nước Nhật đang mất dần những truyền thống cũ mà trà đạo là một.
Tác phẩm dựa trên một nền trà mà gốc rễ đã lung lay. Trà thất của những gia đình truyền thống ẩm mốc cửa đóng then gài. Những vật dụng cũ như bình, chén, bị bỏ bê lăn lóc, lọt vào tay một thế hệ trẻ không biết phân biệt thế nào là chén tống, chén quân. Trà sư Kikako, một mụ mối, lai nhiều “phong cách”: mang dấu ấn Mylady với “cái bớt tím đen, to bằng bàn tay xòe, có lông cứng như lông nhím, trên vú trái”, lại có cái tọc mạch lỗ mãng của một bà Phó Đoan, và có nét “nhờn nhợt màu da” của một mụ Tú Bà. Giao phó một nghệ thuật có “truyền thống lâu đời” như trà đạo vào một “tay chơi” như vậy, Kawabata không còn ảo ảnh nào nữa về sự đào thải, mai một, của trà kinh, trà quyền.
Cậu Kikuji – nhân vật chính – thuở bé tình cờ nhìn thấy dấu ấn “Mylady” trên ngực Kikako, người nhân tình của cha. Ám ảnh ấy không ngừng theo đuổi Kikuji. Dấu ấn mạnh đầu tiên, mà Kawabata đưa ra là cái bớt, phóng ảnh gớm ghiếc về sự thoái hoá một truyền thống lâu đời.
Phóng ảnh thứ nhì chiếu vào bức tranh ngàn cánh hạc in trên tấm khăn lụa hồng, đậy bộ đồ trà trên tay Yukiko, một trà sinh đang đi vào trà thất.
Ngàn cánh hạc trên tay người đẹp đã gây ấn tượng mạnh trong lòng Kikuji. Sau này, khi hình ảnh yêu kiều của Yukiko đã biến mất trong trí chàng thì bức tranh ngàn cành hạc vẫn còn đọng lại rõ nét. Ngàn cánh hạc phải chăng là hương trà đã vật chất hóa thành cánh hạc bay đi, để lại cho nhân thế những bụi bặm, cặn bã của cuộc đời mà họ “xứng đáng” được hưởng. Hay chính hương trà ngây ngất ấy cũng chỉ là những cánh hạc phù du, như cái đẹp, như hạnh phúc, như nghệ thuật, như tình yêu, sớm muộn rồi cũng cất cánh bay? Không sao biết được. Nghệ thuật của Kawabata luôn luôn kéo ta đến chỗ không biết được ấy, dìm chúng ta trong cõi chưa biết ấy.
Yukiko, người con gái đẹp mang ngàn cánh hạc trở thành đối tượng kiếm chồng. Yukiko là nạn nhân của “thời cuộc”, thời mà người ta dùng các trà thất làm chỗ mối lái kiếm chồng. Trà mối thời nay, khác với trà trị thời trước, bởi chính trị và tình duyên không giống nhau, nhưng cùng dẫn đến một hậu quả: phong tỏa hương trà, làm ô uế trà đường, khiến cho hương trà phải bay theo cánh hạc.
Kawabata vẫn vận dụng triệt để con mắt, nhưng ở đây ông không dùng mắt để nhìn, mà ông còn dùng con mắt như một điểm nội tâm, một điểm của não thùy, ghi nhận những hình ảnh thật đắt giá, ném chúng vào sâu trong tiềm thức, cất giấu trong vô thức, để lúc nào cần, cũng có thể phóng ra được. Cái bớt trên ngực mụ Kikako và ngàn cánh hạc trên tay Kikako, cho thấy cách nhà văn tạo ấn tượng mạnh: Hai hình ảnh, một cực kỳ xấu xa ghê tởm và một cực kỳ thơ mộng, đã không ngừng chi phối tâm hồn Kikuji, nhưng rồi cái bớt đã xua đuổi cánh hạc: đạo trà rơi vào trà sư vô đạo.
Hình ảnh thứ ba là chiếc bình sứ shino của bà Ôta, người tình cuối cùng của ônh thân sinh ra Kikuji. Khi ông còn sống, bà Ôta đã dùng chiếc bình này để pha trà đối ẩm với ông. Sau khi ông mất và cũng theo đà mai một của trà đạo, bà Ôta dùng làm bình cắm hoa. Chiếc bình sứ shino chứng kiến những tang biến của đời bà nhưng nó cũng mang số phận truân chuyên của đời trà đến hồi mai một.
Hình ảnh thứ tư là cái chén shino của bà Ôta, vết môi người thiếu phụ đã ngấm vào miệng chén thành vệt son không bao giờ phai lạt.
Hai hình ảnh sau cùng này vẽ nên bức phác người thiếu phụ: bà Ôta, linh hồn của tiểu thuyết, là hình ảnh của tình yêu tuyệt đối: tình Trương Chi.
Ngàn cánh hạc là một truyện tình giấu nhiều truyện tình xuyên thế. Bà Ôta tìm lại ngưòi tình đã mất qua hình dáng phong độ của người con trai, kém nàng 25 tuổi. Như thể đạo trà đến giờ lâm chung muốn được hồi sinh trở lại trong hơi thở thanh niên. Rồi đến lượt Kikuji, lại theo vết cũ, tìm nàng trong Fumiko, con gái của nàng.
Cái chết của Ôta liên quan đến cái chết của Kawabata: “Chết là vĩnh viễn từ chối mọi lý giải của người khác. Không ai biết lý do hành động tự hủy của một người, cũng không ai có quyền phán đoán người đi tìm cái chết” (trang 756).
Nhưng chết chưa hẳn là hết, mà nhiều khi chỉ là khởi hành. Kawabata rõ hơn ai hết về cái chết của nhà văn sau mỗi tác phẩm: Ôta đã hoàn tất “tác phẩm”, đã đi trọn cuộc tình xuyên thế hệ: nàng đã tìm đến tình yêu bên kia cõi sống, và kinh nghiệm có một không hai này của nàng để lại cho trần thế một ý nghĩa mới về đam mê, về nhục d
Mỗi lần Kurimoto Chikako tổ chức trà đạo tại túp lều dùng cho các buổi trà đạo ở phía trong ngôi đền Engakuji, chàng đều được nhận lời mời. Dù vậy, chưa một lần nào chàng đến dự kể từ ngày cha chàng mất. Đối với chàng, những lần được mời như vậy chỉ có ý nghĩa của sự tưởng nhớ đến cha chàng mà người ta dành cho chàng vậy thôi.
Lần này, trong giấy mời gửi cho chàng còn có thêm một đoạn tái bút như sau: “Nữ chủ nhân muốn chàng xem mặt một thiếu nữ vốn là một học trò về môn trà đạo của mình.” Khi đọc những dòng tái bút đó, Kikuji nghĩ đến cái bớt của Chikako.
Có lẽ dạo chàng mới độ tám, hay chín tuổi thì phải. Một lần cha mang theo chàng đến thăm Chikako và họ gặp cô ta trong phòng điểm tâm. Chiếc kimono của cô ta bỏ ngỏ. Cô ta đang ngồi cắt những sợi lông mọc trên cái bớt nơi ngực bằng một chiếc kéo nhỏ. Cái bớt lớn bằng bàn tay che tới nửa ngực bên trái xuống tuốt đến chỗ trũng giữa hai vú. Mớ lông mọc trên cái bớt màu tím than dường như khá rậm và cô ta đang cắt bớt đi.
– Anh có dẫn theo thằng nhỏ đó à?
Với vẻ kinh ngạc, cô ta túm vội hai vạt áo kimono phía trên cổ khép lại; rồi, có lẽ vì sự vội vã chỉ làm cho cô ta trở nên hở hang hơn, cô ta quay ngoắt đi và cẩn thận buộc lại dải lưng của chiếc kimono.
Sự ngạc nhiên đến với Kikuji nhiều hơn là đến với cha Kikuji.
Bởi lẽ người tớ gái đã đón cha con chàng ở cửa, thì Chikako phải biết là có cha Kikuji tới thăm chứ.
Cha Kikuji không vào phòng ăn điểm tâm. Thay vì vậy, ông ngồi ở phòng bên nơi Chikako thường dạy học trò về môn trà đạo.
– Tôi có thể dùng trà được không? – Cha Kikuji hỏi vẻ lơ đãng.
Ông ngước nhìn giỏ hoa treo nơi nóc nhà.
– Được chứ ạ. – Tuy nói thế, nhưng Chikako vẫn không nhúc nhích.
Trên mảnh báo trải dưới gối cô ta, Kikuji nhận thấy những sợi lông trông giống những sợi râu.
Dù lúc bấy giờ là ban ngày, lũ chuột vẫn chạy loạn xạ trên nền nhà bị lõm hẳn xuống. Sát ngay hàng hiên là một cây anh đào nở đầy hoa.
Cuối cùng, cô ta bước đến bên lò nấu trà, lúc ấy trông Chikako có vẻ bận rộn.
Khoảng mười ngày sau, Kikuji nghe mẹ chàng nói với cha chàng, như thể là một bí mật ghê gớm đến độ chàng không nên biết đến để làm gì, đó là việc Chikako không lấy chồng chỉ vì cái bớt của cô ta. Trong đôi mắt của mẹ có vẻ thương cảm lắm.
– Thế à? – Cha Kikuji gật gù với vẻ ngạc nhiên công khai. – Nhưng mà thế thì đã sao, nếu chồng cô ta thấy cái bớt đó? Nhất là nếu hắn biết trước khi hắn cưới cô ta?
– Đó cũng là điều tôi nói với cô ta. Nhưng mà đàn bà là đàn bà.
– Tôi không tin là cô ta lại có thể nói với một người đàn ông là cô ta có một cái bớt to tướng ngay ở vú.
– Nhưng mà cô ấy đâu còn trẻ gì nữa.
– Không vì vậy mà dễ dàng đâu. Khi một người đàn ông có một cái bớt như vậy, hắn vẫn có thể lấy vợ mà chỉ việc phá lên cười khi bị khám phá ra là mình có một cái bớt ở vú.
– Thế bà có trông từ cái bớt của cô ta bao giờ không?
– Cái nhà ông này! Lẽ cố nhiên là tôi chưa được trông thấy cái bớt đó.
Như vậy hai người chỉ mới nói chuyện về vụ ấy thôi?
– Cô ta đến đây dạy tôi môn trà đạo và chúng tôi nói rất nhiều thứ chuyện. Tôi chắc chắn cô ấy đã cảm thấy như là đang thú tội vậy.
Cha Kikuji lặng thinh.
– Giả thử bây giờ cô ấy lấy chồng. Liệu người đàn ông sẽ nghĩ gì?
– Có thể hắn sẽ cảm thấy ghê tởm. Nhưng hắn cũng có thể tìm thấy ở đó một cái gì lôi cuốn chứ, chẳng hạn coi đó là một bí mật.
– Mỗi khuyết điểm đều có những cái tốt của nó. Tóm lại, đây không hẳn là một điều đáng bận tâm.
– Tôi có bảo với cô ta rằng điều đó không có gì đáng ngại hết.
– Nhưng cô ta bảo tiếc thay cái bớt đó lại nằm ngay ở vú.
– Thế à?
– Vấn đề nan giải nhất là nếu cô ta có một đứa con. Đối với người chồng thì có thể không hề gì, nhưng còn đứa nhỏ?
– Bộ cái bớt sẽ ngăn sữa không xuống được sao?
– Không phải chuyện đó. Không phải đâu, sự phiền nhất là khi đứa nhỏ bú mẹ nó sẽ nhìn thấy cái bớt. Tôi không nghĩ đến vấn đề đó nhưng đối với một người hiện đang có một cái bớt như vậy, tự nhiên họ phải nghĩ đến những chuyện đó. Ngay từ khi được sinh ra, nó bú sữa ở chỗ đố; rồi ngay từ khi nó biết nhìn, nó đã nhìn thấy cái bớt xấu xí nơi vú của mẹ nó. Cái ấn tượng đầu tiên của nó về cuộc sống, cái ấn tượng đầu tiên về mẹ nó, có thể là cái bớt xấu xí kia và từ đó có thể cái ấn tượng này sẽ ám ảnh đứa bé suốt đời.
– Thật à? Nhưng đó không phải là những âu lo do tưởng tượng mà ra đấy chứ?
– Tôi nghĩ là người ta có thể nuôi đứa bé bằng sữa bò, hoặc giả mướn cho nó một chị vú.
– Tôi nghĩ điều quan trọng nhất là liệu có sữa cho nó bú hay không, chứ không phải là việc có cái bớt hay không.
– Tôi sợ là không chỉ như vậy thôi đâu. Khi tôi nghe cô tâm sự như thế, tôi đã khóc. Như thế đó. Tôi khó có thể cho thằng Kikuji bú sữa ở cái vú có cái bớt như vậy.
– Thật à?
Khi chứng kiến sự thật trên, một mối căm phẫn xâm chiếm Kikuji, chàng cảm thấy giận cha chàng vì ông đã tỏ ra thản nhiên coi như không có chàng ở đó, dù chính Kikuji cũng đã nhìn thấy tận mắt cái bớt của người đàn bà.
Bây giờ, vì vậy, gần hai mươi năm qua rồi, mỗi lần nghĩ đến sự bối rối của cha, chàng vẫn không khỏi mỉm cười.
Dạo chàng lên mười hay khoảng tuổi đó, chàng thường nghĩ đến những câu nói của mẹ và bỗng cảm thấy khó chịu thế nào với ý nghĩ nếu một đứa em trai hay em gái cùng cha khác mẹ với chàng bú sữa nơi chiếc vú có cái bớt to tướng kia.
Đó không phải là một mối sợ vì có một đứa em trai hay em gái được sinh ở ngoài gia đình và là một kẻ lạ đối với chàng. Đó thực ra là mối sợ đối với người em trai hay em gái đó thì đúng hơn. Kikuji bị ám ảnh bởi ý nghĩ một đứa trẻ được nuôi bằng sữa từ bầu vú có cái bớt đầy những lông lá như thế kia thì có thể trở nên một quái vật.
Chikako có vẻ không có con cái gì cả. Người ta có thể có con nếu người ta muốn, ngờ rằng cha chàng không muốn có con với cô ta.
Sự liên kết giữa cái bớt và đứa con đã làm mẹ chàng buồn, có thể vì lẽ đó cha chàng đã đi đến thuyết phục Chikako khiến cho cô bỏ ý định có một đứa con với cha chàng. Dù thế nào đi chăng nữa thì Chikako đã không hề sản xuất ra một mống nào, ngay cả khi cha chàng còn sống hay sau khi ông đã nằm xuống.
Có lẽ Chikako đã tâm sự với mẹ chàng như thế sau khi Kikuji trông thấy cái bớt của cô ta vì cô ta sợ rằng thế nào chính Kikuji cũng sẽ nói về cái bớt đó.
Chikako không lấy chồng. Phải chăng cái bớt đó đã ám ảnh cả cuộc đời khiến cô bị lệ thuộc vào nó?
Kikuji không bao giờ quên được cái bớt đó. Đôi khi chàng tưởng tượng như chính cuộc sống của chàng cũng bị vướng mắc trong cái ấn tượng về nó.
Khi chàng nhận được tấm giấy mời của Chikako nói, sở dĩ cô ta tổ chức buổi trà đạo là cốt để có lí do giới thiệu chàng với một thiếu nữ, cái bớt lại hiện ra trước mắt chàng, và vì cuộc giới thiệu do Chikako dàn cảnh, chàng tự hỏi liệu thiếu nữ kia có một làn da hoàn toàn không một vết tàn nhang nào không.
Liệu cha chàng có khi nào dùng ngón tay của ông để xiết mạnh cái bớt? Liệu có khi nào ông cắn vào đó? Đó là những ý nghĩ tưởng tượng của Kikuji.
Ngay cả bây giờ, khi chàng băng qua sân đền và nghe tiếng chim kêu chiêm chiếp, những ý nghĩ đó lại đến với chàng.
Khoảng hai hay ba mươi năm sau cái chết của cha chàng, Chikako đã có cái tính cách của giống đực phần nào. Bây giờ cô ta là một thứ người hoàn toàn không có cảm giác gì về tình dục cả.
Tại buổi trà đạo hôm nay, có thể cô ta sẽ rất bận rộn. Có lẽ chuyện cái cái bớt ở vú đã nhạt phai trong trí cô ta. Kikuji nở một nụ cười nhẹ nhõm và liền sau đó có hai thiếu nữ bước vội vã vượt lên trước chàng.
Chàng dừng lại để cho họ qua.
– Các cô có biết, đến cái lều mà cô Kurimoto tổ chức trà đạo hôm nay, đi về phía này phải không? – Chàng lên tiếng hỏi.
– Dạ thưa phải ạ. – Cả hai thiếu nữ cùng trả lời một lúc.
Kikuji biết rõ hướng nào phải đi rồi và chàng có thể đoán, qua cung cách ăn mặc của các cô, là họ cũng trên đường đi dự buổi trà đạo như chàng. Chàng hỏi thăm họ chẳng qua là để tự xác định với chính mình là chàng đang đi đến chỗ tổ chức trà đạo đây thôi.
Một trong hai thiếu nữ khá đẹp. Nàng mang theo một gói đồ trong chiếc khăn màu hồng có điểm ngàn cánh hạc trắng.
II
Khi Kikuji đến nơi, hai thiếu nữ đang thay tất mới để đi trong nhà.Chàng nhìn vào trong nhà. Phòng chính khá rộng, khoảng độ tám thước vuông.
Dù vậy, khách đến quỳ xung quanh phòng khá đông. Dường như chỉ toàn khách đàn bà, những người đàn bà mặc kimono màu sáng.
Chikako nhận thấy chàng ngay lập tức. Như thể ngạc nhiên vì sự có mặt của chàng, cô ta đứng dậy tiếp chàng.
– Vào đây, mời cậu vào đây. Thật quý hóa quá! Xin mời cậu vào, cậu cứ vào thẳng đi được mà. – Cô ta chỉ chỉ vào chiếc cửa xếp ở cuối phòng đối diện với hàng hiên chỗ Kikuji đứng.
Kikuji thẹn đỏ mặt. Chàng cảm thấy tất cả mọi con mắt đều đổ dồn về phía chàng.
– Toàn phụ nữ à?
– Trước khi cậu đến cũng có một ông ghé qua, nhưng ông ta đi rồi. Cậu là nhân vật sáng chói ở đây đây.
– Không hẳn sáng đâu.
– Ồ, hẳn là thế, cậu có đủ mọi thứ năng lực. Một cái bình hoa tím.
Kikuji xua tay tỏ ý muốn ngồi ở một chỗ ít bị để ý.
Thiếu nữ thu vén mấy chiếc tất rải rác vào trong chiếc khăn có in hình ngàn cánh hạc. Nàng đứng dậy nhường chỗ cho chàng đi qua.
Phòng đợi chứa đầy những hộp kẹo, đồ sứ uống trà do Chikako mang lại và những gói đồ của khách. Tại một góc nhà, người tớ gái đang lau chùi một món đồ.
Chikako bước vào.
– Sao, cậu nghĩ sao về cô gái? Xinh đấy chứ, phải không?
– Cái cô với chiếc khăn có in hình ngàn cánh hạc ấy à?
– Cái khăn nào? Làm sao tôi biết được cái khăn nào? Cái cô tôi muốn nói hồi nãy đứng đây mà, cái cô đèm đẹp đó. Cô ta là con gái nhà Inamura.
Kikuji gật gù vẻ mơ hồ.
– Khăn tay. Cậu để ý cái không đâu. Người ta không nên quá tỉ mỉ. Tôi cứ ngỡ là hai người đi với nhau. Tôi đã vội mừng.
– Cô ta nói cái gì vậy?
Cậu gặp cô ta trên đường tới đây. Đó là một điềm báo lành cho mối liên hệ giữa hai người. Cha cậu cũng quen biết với Inamura.
– Thật à?
– Gia đình đó có một tiệm bán tơ lụa ở Yokohama. Cô ta hoàn toàn không biết tí gì về cái gọi là tân thời. Lát nữa cậu có thể nhìn thấy cô ta kĩ hơn.
Giọng nói của Chikako hơi to, Kikuji ngượng ngùng, e ngại tiếng nói của cô ta có thể bị nghe thấy xuyên qua bức bình phong căng giây ngăn với phòng họp bên kia. Đột nhiên, cô ta ghé sát mặt chàng.
– Tuy nhiên có một vấn đề hơi phức tạp. – Cô ta hạ thấp giọng xuống. – Bà Ota có mặt ở đây, với cả cô con gái của bà nữa. – Cô ta quan sát phản ứng của Kikuji. – Tôi không hề mời bà ta. Nhưng từ lâu đã có cái lệ là ai cũng có thể tham dự vào các buổi trà đạo nếu họ là chỗ quen biết. Hôm nọ còn có mấy người Mỹ tới dự nữa. Tôi rất tiếc, song biết làm sao khi bà đến dự. Cố nhiên bà ta không biết gì chuyện cậu và cô gái nhà Inamura hết.
– Về chuyện tôi và cô gái nhà Inamura? Nhưng mà tôi… – Kikuji định nói là chàng không đến đây để sửa soạn cho một buổi xem mắt người vợ tương lai. Bắp thịt cổ chàng trở nên cứng lại.
– Nhưng bà Ota chính là người sẽ phải cảm thấy khó chịu. Cậu có thể coi như không có gì đã xảy ra hết.
Lối gạt bỏ vấn đề của Chikako làm chàng khó chịu.
Sự thân thiết giữa Chikako và cha chàng rõ ràng là đã xảy ra trong một thời gian khá ngắn ngủi. Trong thời gian cuối cùng của đời ông, dù sao Chikako đã tỏ ra rất hữu ích cho gia đình chàng. Cô ta thường đến đằng nhà chàng để giúp việc trong bếp mỗi khi có tổ chức trà đạo và ngay cả khi có khách thường đến chơi nhà và ở lại dùng cơm.
Ý tưởng là mẹ chàng có thể ghen tuông với một cô Chikako không cảm giác tình dục dường như khôi hài, chỉ còn đáng nở một nụ cười khẩy. Hẳn là mẹ chàng biết chuyện cha chàng đã nhìn thấy cái bớt của Chikako, và trận bão đã qua; chính Chikako, như thể cả cô ta cũng đã quên hết mọi sự, lại trở thành bạn thân của mẹ chàng.
Có một thời kỳ Kikuji cũng đối xử với cô ta bằng thái độ hơi coi thường. Và chàng đã trút cơn giận trẻ con của mình lên cô ta, nên tính nết bất thường khó chịu của những ngày thơ ấu dường như nhạt phai.
Có lẽ đó là một cuộc sống thích hợp với Chikako: biến mất trong tình trạng không cảm giác tình dục và trở nên một thứ bất động thuận tiện. Với gia đình Kikuji, cô ta đã thành công một cách khiêm tốn với tư cách một người dạy về môn trà đạo.
Chính Kikuji cũng cảm thấy có đôi chút cảm tình với cô ta khi cha chàng mất, chàng có cảm tưởng cô ta đã quên đi người đàn bà trong cô sau một thời gian ngắn ngủi làm nhân tình của cha chàng.
Ngoài việc coi cô ta như một người bạn, mẹ Kikuji còn liên lạc với cô ta cốt để nhờ dò xét giùm bà về vấn đề bà Ota nữa.
Sau cái chết của ông Ota, một người bạn cùng chia sẻ với mình trong các buổi trà đạo, cha Kikuji đã lãnh trách nhiệm coi sóc bộ sưu tầm đồ sứ uống trà của ông Ota và ông bị lôi cuốn đến gần người góa phụ vợ bạn vì thế.
Chikako vội vã báo tin cho mẹ chàng hay.
Lẽ cố nhiên Chikako trở thành đồng minh của mẹ chàng – quả là một thứ đồng minh quá tận tâm. Cô ta theo dõi cha chàng, cô ta cũng thường tới đe dọa bà Ota. Dường như, tất cả sự ghen tuông của chính cô ta được dịp bùng nổ.
Người mẹ trầm lặng, bình tĩnh của Kikuji, lui lại phía sau sự can thiệp dữ dội trên, lo lắng nhiều hơn về việc người ta có thể nghĩ ra sao đó về chuyện cha chàng ngoại tình.
Ngay cả trước mặt Kikuji, Chikako không ngần ngại hạ nhục bà Ota và khi mẹ chàng tỏ ý không bằng lòng, Chikako dám nói ngay là không có gì trở ngại nếu Kikuji nghe được những điều đó.
– Lần trước cũng vậy, khi tôi đến nhà con mụ để bảo cho con mụ biết, cũng thường có một đứa nhỏ có mặt nghe thấy hết mọi sự. Không phải chính tôi đã nghe thấy tiếng khịt mũi ở phòng bên cạnh đó sao?
– Một đứa con gái phải không? – Mẹ Kikuji cau mày.
– Phải. Mười một tuổi, bà Ota nói vậy thì phải. Quả thật là có cái gì không ổn với mụ đàn bà đó. Tôi nghĩ đúng ra mụ ta phải la con nhỏ về cái tội nghe lén chuyện người lớn, vậy mà mụ ta đã làm gì, chị biết không? Mụ ta đứng lên, sang bồng đứa nhỏ qua phòng bên này, ôm nó trong lòng, ngay trước mặt tôi, vậy đó. Tôi nghĩ là mụ ta cần một diễn viên phụ để nâng đỡ mụ trong khi mụ khóc nức nở!
…
Mời các bạn đón đọc Ngàn Cánh Hạc của tác giả Yasunari Kawabata.
Download ebook
Ngàn Cánh Hạc – Yasunari Kawabata
FULL: |
Download App tải ebook,sách nói, khóa học tốt nhất: https://h.nhuttruong.com/app
Website: https://www.trươngđịnh.vn
Page:https://www.facebook.com/truongdinhvn/
Mail:[email protected]
[toc] Giới thiệu ebook Ngàn Cánh Hạc – Yasunari Kawabata Tweet! Trong tác phẩm Trà sư (Le Maître de thé) của Inoué, lịch sử trà đạo ở Nhật từ thế…