Nàng Tóc Đỏ Ebook Pdf – Epub – Azw3 – Mobi

Nàng Tóc Đỏ Ebook Pdf – Epub – Azw3 – Mobi


Giới thiệu

Nàng Tóc Đỏ




Tuổi thơ vắng bóng sự hiện diện của người cha, Cem theo thầy học nghề đào giếng để rồi dần coi người đàn ông trung niên nghiêm khắc ấy như một người cha trong lòng. Cậu không thể ngờ cuộc đời mình vĩnh viễn thay đổi, mùa hè rực lửa ấy, khi cậu gặp một người đàn bà tóc đỏ… Phương Tây, Oedipus vô tình giết cha. Phương Đông, Rustam đâm chết Sohrab mà không hay biết đó là con trai mình. Hai truyền thuyết Hy Lạp và Ba Tư ấy hợp lại làm một, phủ bức màn ngụ ngôn bí ẩn, ám ảnh quá trình vật vã trưởng thành của một cậu trai trên nền một Istabul những năm 1980 quay cuồng thay đổi. Nàng tóc đỏ là câu chuyện về sự mất kết nối giữa các thế hệ, về gia đình và tình yêu, Đông và Tây, truyền thống và hiện đại. Có vẻ ngắn gọn hơn Orhan Pamuk mà ta quen, nhưng vẫn tìm thấy trong cuốn sách này, không lẫn vào đâu được, sức cuốn hút cố hữu đến từ bút lực của một nhà kể truyện bậc thầy.
“Đẹp lặng lẽ.” – 1843 “Cuốn tiểu thuyết thứ 10 xuất sắc của Pamuk… khiến độc giả cảm giác như vừa bất thần chui ra khỏi một cái giếng sâu bước vào ánh sáng chói lòa.” – Observer (London)
“Một cái kết khiến ta phải lật sách đọc lại từ đầu.” – Sunday Times
“Thấm đẫm cảm thông cùng cảm thức về nơi chốn, cuốn sách vạch nên chặng đường một cậu trai bước vào tuổi trưởng thành và Istanbul bước vào sự thay đổi không thể vãn hồi.” – Financial Times

***

Tiểu thuyết “Nàng tóc đỏ” của Orhan Pamuk (Thiên Nga dịch, Nhã Nam và NXB Dân Trí, 2020) có dung lượng không như các tiểu thuyết khác của cùng tác giả: “Tên tôi là Đỏ”, “Tuyết”, “Bảo tàng ngây thơ”… nhưng “Nàng tóc đỏ” không vì thế mà thiếu sức nặng của văn hóa, sự mê đắm trong cái đẹp cũng như những giằng xé Đông – Tây trong lòng xã hội Thổ Nhĩ Kỳ thế kỷ XX.

Cuộc tìm kiếm câu trả lời tấn bi kịch

“Nàng tóc đỏ” là tác phẩm về mối quan hệ cha con. Một mối quan hệ phức tạp mà nhà phân tâm học Freud đã dùng tên nhân vật trong thần thoại Hy Lạp để đặt tên cho phức cảm đã trở thành điển phạm trong việc phân tích nhiều tác phẩm văn học – nghệ thuật: phức cảm Oedipus.

Nhưng Pamuk nhảy cóc qua Freud để đi tìm gặp Oedipus trong kịch của Sophocles (496-406 TCN). Ngay đề từ tác phẩm, nhà văn đã dẫn một câu thoại trong vở “Vua Oedipus” của kịch tác gia Hy Lạp cổ đại: “Oedipus: Biết tìm nơi đâu dấu vết của tội ác ngày xưa”. Có thể xem toàn bộ cuốn tiểu thuyết là cuộc tìm kiếm câu trả lời trong mớ hỗn độn của “ngày xưa” đó.

Nhưng xưa đến đâu? Là thời xưa ở một nước Thổ của thế kỷ trước, có cậu thiếu niên học nghề đào giếng, sau trở thành một nhà thầu. Hay xưa như thần thoại Hy Lạp? Pamuk dường như trở lại nghệ thuật của những nhà vẽ tiểu họa trong cuốn tiểu thuyết “Tên tôi là Đỏ”. Khi vạn vật đều bình đẳng, cậu chàng học việc đứng ngang hàng với người anh hùng huyền thoại. Tất cả đồng hiện, xoắn bện với nhau trong cùng một thực tại và trở thành niềm ám ảnh cả đời nhân vật chính. Anh thấy ở Oedipus một sự đồng cảm, một người bạn có thể hiểu được anh. Trong câu chuyện của anh lúc nào cũng có bóng hình của Oedipus, còn Nàng tóc đỏ hiện ra như một chất xúc tác để hoàn thành nốt tấn bi kịch, hay như ở đây ta có thể gọi là “lời tiên tri”. Một lời tiên tri anh tự phán cho mình và càng muốn vượt qua nó, anh ngày càng sa vào nó.

Trong nhiều tiểu thuyết của Orhan Pamuk lúc nào cũng tồn tại một tội ác. Nhưng không có tội ác nào rõ ràng và dễ nhận diện, đoán định ngay từ sơ khởi như trong “Nàng tóc đỏ”. Một tội ác kinh khủng, nhưng không cưỡng lại. “Nàng tóc đỏ” vì thế tinh gọn và mới mẻ theo nhiều lẽ, một trong số đó chính là việc chúng ta nhận ra trong bóng hình những câu chuyện quen thuộc của ông, có thể được kể lại theo một cách hoàn toàn khác.

Câu chuyện Đông – Tây

Nhưng “Nàng tóc đỏ” không chỉ có hình bóng Oedipus mà còn có Rostam, để cân bằng sự hiện diện của cả phương Đông và phương Tây trong các tác phẩm của Orhan Pamuk.

Rostam là vị anh hùng của thần thoại Ba Tư, nhân vật chính trong thiên sử thi “Shahnameh” của nhà thơ Ferdowsi (940-1020). Rostam có một người con trai mà bản thân ông cũng không biết, Sohrab. Trong một cuộc chiến, Rostam không nhận ra con và đã giết Sohrab.

Nếu Oedipus là câu chuyện con giết cha thì Rostam là câu chuyện cha giết con, trong sự “vô minh”. Vậy thì, nếu tội ác sinh ra từ cái không biết thì liệu có thể tha thứ, hay chính xác hơn chính vì không biết mới sinh ra tội ác.

Bất chấp câu chuyện được kể lại theo một trình tự mạch lạc, “Nàng tóc đỏ” vẫn khiến ta trăn trở bởi sự bất lực của con người chống lại định mệnh. Rostam không phải là phản đề của Oedipus, nó là sự bổ sung toàn vẹn, chi phối tư tưởng của Pamuk trong tiểu thuyết này.

Hình ảnh chiếc giếng cũng trở đi trở lại như một ẩn dụ tăm tối của tìm kiếm, khám phá nội tâm của sâu xa và phức tạp của con người. Nó là nơi hai thầy trò đi tìm nguồn nước, là nơi khởi đầu cho tội ác đầu tiên và cũng là nơi phán xử tội ác đầu tiên đồng thời sinh ra tội ác thứ hai. Nó trở thành một thông đạo, gắn kết cả câu chuyện, để chúng nối với nhau trong sự xuyên suốt tưởng chừng bảng lảng mà vững chắc.

Cuốn tiểu thuyết này cũng theo cấu trúc xoay vòng và lặp lại. Khi ta tưởng đã đi đến cuối cuốn tiểu thuyết thực chất ta đang trở lại điểm xuất phát từ trang đầu tiên. Độc giả sẽ tự hỏi mình đang đọc câu chuyện do người cha kể hay đọc câu chuyện do người con “tiếm ngôi” cha để kể.

Một cuốn tiểu thuyết “quy hồi” các chủ đề mà tác giả đeo đuổi. Khi Đông và Tây đồng hiện trong một không gian, dù cách biệt về địa lý, thời gian, con người thuộc về văn minh phương Đông hay phương Tây vẫn “nhận mặt” nhau ở những tương đồng thuộc về phức cảm sâu thẳm nhất. 

Nhà văn duy nhất của Thổ Nhĩ Kỳ đoạt giải Nobel

Orhan Pamuk là nhà văn duy nhất của Thổ Nhĩ Kỳ đoạt giải Nobel Văn học tính đến nay.

Có nhận định cho rằng giải Nobel là kết thúc sự nghiệp của một nhà văn, vì sau giải thưởng họ không viết hoặc không thể viết được tác phẩm nào hay như trước. Nhưng với Pamuk, ông đã chứng minh điều ngược lại qua “Nàng tóc đỏ”. Đây cũng chỉ là cuốn tiểu thuyết thứ 10 của ông.

Ngay từ lúc cầm bút, những tác phẩm và phát ngôn của ông thường gây tranh cãi trong chính tổ quốc của mình. Bản thân ông từng bị những phần tử cực đoan đe dọa tính mạng.

Từ lâu, các tác phẩm của Pamuk đã trở nên quen thuộc với độc giả Việt Nam, nổi tiếng nhất là tiểu thuyết được đánh giá cao của ông: “Tên tôi là Đỏ”

Huỳnh Trọng Khang
***

Đọc “Nàng tóc đỏ” sẽ có cảm giác như vừa bất thần chui ra khỏi cái giếng sâu, bước vào ánh sáng chói lòa. Một cái kết bất ngờ, đủ sức mê hoặc tất cả.

Cuốn tiểu thuyết thứ mười xuất sắc của Pamuk, tập trung các mối quan hệ cha – con, đã khơi sâu đáy ám ảnh, tội lỗi trong mỗi người, để làm bùng lên sự thật về danh tính, nỗi ám ảnh nhân sinh ở nơi mảnh đất giao thoa Đông – Tây.

Cha – con và bi kịch mất kết nối thế hệ

Cốt truyện của cuốn tiểu thuyết rất đơn giản: Một thợ đào giếng giỏi, Mahmut, thuê Cem, 16 tuổi, học việc của mình. Họ bắt đầu công việc tìm kiếm nước ở vùng ngoại ô khô cằn của Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.

Sau giờ làm việc, họ thường nghỉ ngơi và mua những nhu yếu phẩm ở thị trấn Ongoren. Ở đó, Cem gặp nàng tóc đỏ. Nàng trông có vẻ gấp đôi anh tuổi anh nhưng chàng ta không thể nào tránh khỏi sự si mê, và theo đuổi nàng.

Về sau, anh phát hiện nàng là diễn viên của gánh hát dân gian. Sau buổi tối xem nàng diễn, anh và nàng tóc đỏ có một đêm ân ái. Đó là bước ngoặt khiến cuộc đời Cem hoàn toàn thay đổi.

Tại sao anh sơ ý làm rơi thùng đất xuống người thầy đang đào dưới giếng sâu, rồi để lại thầy một mình, quay trở về thành phố. 

Cem đã sống cả cuộc đời sau đó với nỗi ám ảnh giết người. Đó lại là người thầy đáng kính anh đã ngấm ngầm xem là cha. 

Anh xem xét những tài liệu xung quanh chuyện Oedipus giết cha và Rostam vô tình giết con mình. Hai bi kịch cổ đại ấy, một ở Hy Lạp, một ở Ba Tư, nhưng đều trở thành bóng ma ám ảnh cả cuộc đời nhân vật chính. 

Đến khi mọi việc diễn ra như những câu chuyện thần thoại, tựa một lời tiên tri đã định sẵn về số mệnh của Cem mà anh không thể nào chối bỏ.

Tại sao lại không thể cưỡng lại vận mệnh, chính bởi cảm xúc sâu thẳm thật sự của Cem, nỗi dày vò và niềm kính trọng của anh đối với thầy Mahmut. Anh có một người cha, nhưng chưa bao giờ có cảm giác gần gũi với cha. Và Mahmut lại là người duy nhất đem đến cho anh cảm giác kết nối cha – con, nhưng chính anh phá hủy đi cái kết nối ấy, để rồi dần đánh mất đi ngay cả danh tính của mình.

Cái giếng – biểu tượng của tội lỗi và ám ảnh

Cái giếng xuất hiện nhức nhối trong tiểu thuyết Nàng tóc đỏ của Orhan Pamuk, mang đầy cảm giác tội lỗi và xấu hổ, ẩn nấp trong bóng tối, đầy de dọa và ám ảnh. Heraclitus nói rằng sự thật nằm ở đáy giếng

Hành động của Cem được thể hiện đặc quánh ở biểu tượng cái giếng, nó len lỏi khắp cuộc đời anh, và làm “vấy bẩn” toàn bộ cuộc đời sau này, bằng tất cả những ám ảnh mà nó biểu lộ.

Với biểu tượng cái giếng, sự mâu thuẫn, mất kết nối thế hệ, mà ở đây cụ thể là kết nối cha – con, ta có thể dễ dàng nhận thấy mối liên hệ giữa Paul Auster và Orhan Pamuk. Ở Nhạc đời may rủi, hay Moon Palace ta có thể nhìn thấy vòng xoắn trong mối quan hệ cha – con mà Paul đã dựng nên, đầy cô độc, và thất lạc.

Cuộc đời Cem có cảm giác về mối quan hệ cha con lần đầu tiên bắt đầu từ cái giếng, và cuộc đời Cem, kết thúc ở chính cái giếng mà anh đã bỏ lại người thầy khốn khổ của mình khi ấy.

Anh đã có thể chìm sâu giếng đáy giếng, nơi dòng nước lấp lóa, chực chờ đón anh, để anh phải đối diện với tất thảy tội lỗi mình gây ra, cũng là để anh giải thoát tất cả những bóng ma ám ảnh đeo đẳng anh cả đời.

Chương cuối cùng của cuốn sách được kể bởi người phụ nữ tóc đỏ, khiến cho mọi thứ buồn tẻ trước đó trở nên bừng sáng. Nó là đoạn văn phi thường, khiến các chủ đề lỏng lẻo, mơ hồ của những câu chuyện trước đó chặt chẽ với nhau, mở ra cho người đọc những quan điểm mới đáng ngạc nhiên về các sự kiện của cuốn tiểu thuyết.

Vòng xoắn cuối cùng của cuốn sách khiến ta nhớ đến cách Orhan Pamuk đã dùng trong Tên tôi là đỏ, nó khiến bí mật được khai mở, như ánh sáng lấp tỏa tỏa lên từ đáy giếng, đột ngột và chói mắt.

Chương cuối cùng tuyệt vời của cuốn sách đã khiến nhiều nhà phê bình cho rằng: “Một cái kết khiến ta phải lật sách đọc lại từ đầu”.

Istanbul – nàng thơ của Orhan Paumuk

Istanbul, nhà của ông và nàng thơ của ông, là nhân vật luôn hiện diện trong tiểu thuyết của ông. Orhan Pamuk từng nói “Istanbul là số phận của tôi”.

Thành phố của ông luôn nằm giữa những ranh giới khắc khoải của Đông và Tây, thế tục và thiêng liêng, truyền thống và hiện đại, đã làm tăng thêm căng thẳng cho mọi câu chuyện ông sáng tác.

Câu chuyện trong Nàng tóc đỏ diễn ra trên bối cảnh thành phố Istanbul từ những năm 1980, đang trong một guồng quay thay đổi điên cuồng, với những cao ốc mọc lên như nấm, những con đường dần xóa bỏ mọi không gian… 

Cũng giống như trong Tên tôi là đỏ, Orhan Pamuk trăn trở với nghệ thuật vẽ tiểu họa đang dần phai tàn, thì ở Nàng tóc đỏ, truyền tải một ám ảnh khó quên, trữ tình và nghiệt ngã, về nghệ thuật đào giếng ở vùng nông thôn Thổ Nhĩ Kỳ trước khi máy móc xuất hiện và hiện đại.

Khoảng cách giữa các thế hệ và hậu quả của sự thay đổi đột ngột đã khiến Cem, và những người khác giống anh dân mất kết nối với gốc rễ của họ. Khi Orhan Pamuk viết về đoạn nàng tóc đỏ nhìn đống đổ nát và nói rằng, không ai từng kể những câu chuyện cũ này cho các sinh viên nghe nữa, nhưng bằng cách nào đó, đôi khi mọi người vẫn biết, sâu thẳm, những điều họ đã quên, Orhan Pamuk muốn nói điều gì với chúng ta?

Phải chăng đó là điều ông luôn muốn nói trong cả mười cuốn tiểu thuyết của mình, về nỗi day dứt, nỗi hoài niệm, u sầu của thành phố Istanbul trong ký ức.

Mời các bạn đón đọc Nàng Tóc Đỏ của tác giả Orhan Pamuk & Thiên Nga (dịch).

Download

Nàng Tóc Đỏ


FULL:


AZW3


EPUB


MOBI


PDF

Bookmark (0)
Please login to bookmark Close

Giới thiệu Nàng Tóc Đỏ Tweet! Tuổi thơ vắng bóng sự hiện diện của người cha, Cem theo thầy học nghề đào giếng để rồi dần coi người đàn ông…

Bookmark (0)
Please login to bookmark Close