NĂM NGÀY Ở NHẬT BẢN

NĂM NGÀY Ở NHẬT BẢN

NĂM NGÀY Ở NHẬT BẢN.

Tháng 7 năm 2024, gia đình tôi có dịp đi thăm Nhật Bản (NB), quốc gia nổi tiếng với hai lần ‘’đại nhảy vọt’’, mà người ta gọi là ‘’thần kỳ NB’’. Lần thứ nhất năm 1868 thời Thiên Hoàng Minh Trị: chỉ 30 năm đã đưa NB trở thành một đế quốc hùng mạnh, đánh bại TQ (1895) và Nga (1904). Lần thứ hai sau Thế chiến 2, từ đống tro tàn của kẻ bại trận, nước duy nhất chịu hậu quả của hai quả bom nguyên tử, cũng chỉ sau 25 năm, đã vươn lên thành nền kinh tế thứ 2 thế giới, và giữ vị trí này suốt 40 năm từ 1970 đến khi bị TQ ‘’chiếm ngôi’’ vào năm 2010. Tuy vậy, những sản phẩm ‘’made in Japan’’ thì đến nay vẫn được người VN cực kỳ ngưỡng mộ về chất lượng cũng như độ bền.

Bài viết có ba phần: NHỮNG ĐIỂM THAM QUAN-TRẢI NGHIỆM, QUAN SÁT và SUY NGẪM.

  1. NHỮNG ĐIỂM THAM QUAN / TRẢI NGHIỆM

Hành trình của đoàn là Kobe, Osaka, Kyoto, Nagoya, núi Phú Sỹ và Tokyo, tức là di chuyển từ phía nam lên phía bắc NB.

Điểm đầu tiên là thăm Tháp cảng (Port Tower), biểu tượng của Tp Kobe. Tháp này được xây dựng vào năm 1963 với chiều cao 108 mét, có màu sắc chủ đạo là màu hồng đỏ. Kiến trúc của tháp được thiết kế lấy ý tưởng từ một loại nhạc cụ truyền thống là trống Tsuzumi. Tiếp theo là Bảo tàng rượu Sake (Hakutsuru Sake Brewery Museum), trưng bày nhiều thông tin thú vị về quy trình truyền thống chế biến rượu Sake ở NB.

Buổi trưa đầu tiên trên đất Nhật được thưởng thức thịt bò Kobe ngay tại chính Tp Kobe. Tuy là lần đầu được dùng loại thịt bò nổi tiếng này, nhưng thú thật rằng ăn nửa suất đầu còn thấy ngon chứ nửa suất sau là ngấy mỡ rồi.

Thăm Lâu đài Osaka – biểu tượng của Tp Osaka, một trong những lâu đài nổi tiếng sở hữu vẻ đẹp cổ kính. Tiếc rằng thời tiết nóng quá làm giảm đi nhiều sự thú vị khi tham quan di tích này. Trước khi đi Kyoto, đoàn đi thăm khu phố mua sắm Shinsaibashi, có lẽ là nơi sôi động bậc nhất Osaka.

Tại Kyoto, đoàn được trải nghiệm mặc áo kimono để chụp ảnh tại chùa Toji (Đông Tự) trước khi đi thăm chùa Thanh Thủy (Kyzomizudera): một trong những ngôi chùa linh thiêng nhất của xứ hoa anh đào với lối kiến trúc độc đáo hoàn toàn bằng gỗ, nằm trên vùng cao ngọn đồi Higashiyama. Toà nhà chính được nâng đỡ bởi 139 chiếc cột cao 15m. Chùa này đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá vào năm 1994. Và đền Fushimi Inari (đền 1000 cột) thờ Inari – vị thần phù hộ cho cả trồng trọt và buôn bán. Con đường với những cánh cổng Torii màu cam rực rỡ chạy dọc lên núi Inari tạo nên một khung cảnh khá hùng vĩ tại đây.

Đoàn di chuyển đến khu vực Nagoya, buổi tối tự đi bộ thăm khu trung tâm Nagoya với những tòa nhà cao tầng hiện đại. Trên đường từ Nagoya đến khu vực núi Phú Sĩ, được trải nghiệm đi một 1 ga tàu Shinkansen với vận tốc 250km/h.

Nhờ thời tiết thuận lợi, xe của Đoàn đã đến được trạm dừng chân thứ 5 (điểm cao nhất có thể đi được bằng xe cơ giới) ở độ cao 2.300m để ngắm núi Phú Sĩ, ngọn núi cao 3776m so với mực nước biển, cao nhất Nhật Bản, đã được công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Thăm công viên Oishi nằm bên bờ hồ Kawaguchi, một trong năm hồ của “Phú Sĩ ngũ hồ”. Có lẽ do nắng nóng kéo dài suốt 10 ngày trước đó, và cũng là cuối mùa hoa oải hương, nên cả vườn hoa đủ loại tại đây trông không được tươi lắm. So với cảnh đẹp sông hồ ở châu Âu thì không có lẽ không bằng.

Tham quan làng cổ Oshino Hakkai: Ngôi làng cổ nằm dưới chân núi Phú Sĩ. Cuối ngày sau bữa tối được trải nghiệm tắm Onsen (hồ nước khoáng nóng), và theo qui định là tất cả đều phải ‘’tắm tiên’’, tất nhiên là nam và nữ ở hai khu vực khác nhau.

Về Tokyo được xem biểu diễn Geisha trong khi ăn trưa tại một nhà hàng. Rồi thăm bên ngoài Cung điện Hoàng gia “Imperial Palace”, nơi sinh sống của Hoàng gia Nhật với khuôn viên vườn cây cổ thụ. Nhìn bên ngoài tường bao Cung điện thì không có gì ấn tượng, nhưng có lẽ đẹp nhất là mấy thảm cỏ với những hàng cây độc đáo (xem ảnh)

Đi mua sắm tại phố điện tử Akihabara. Rồi thăm Chùa Asakusa Kannon Sensoji – Ngôi chùa cổ và được coi là linh thiêng nhất Tokyo. Cạnh đó là khu phố đi bộ Nakamise có bán nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống và mang ý nghĩa tâm linh.

Chụp ảnh Tháp Tokyo Skytree – tháp truyền hình cao nhất thế giới từ dòng sông Sumida.

Buổi tối cuối cùng tự đi thăm Ngã tư Shibuya, trông khá giống quảng trường Thời đại ở New York nhưng với qui mô nhỏ hơn.

Có điều thú vị là được nghe tiếng ve râm ran (như thời Hanoi cách đây 25 năm) trên suốt hành trình di chuyển. Ấn tượng nhất là thủ đô Tokyo có rất nhiều cây xanh. Đi trên một số tuyến đường làm ta có cảm giác như đi cạnh một vạt rừng vậy.

Đây cũng được coi là một tour ẩm thực với những món ăn khá ngon và bắt mắt của Nhật, Hàn và TQ.

  1. QUAN SÁT và GHI CHÉP

Trước hết xin cảm ơn Cty Du lịch Hoàng Việt, hai bạn HDV và bác tài xế đã tổ chức đoàn tour một cách rất nhiệt tình và trách nhiệm. Các bạn HDV đã cung cấp rất nhiều thông tin được sử dụng cho bài viết này. Sự chu đáo và tâm lý được thể hiện ở ba ví dụ sau: 1) Vì có kinh nghiệm dẫn nhiều đoàn đi NB, bạn HDV đã mang theo một chai nước mắm để ‘’phục vụ’’ ngay quý khách nào không muốn/không dùng được xì dầu. 2) Bạn ấy cũng mang theo một cái cân tay để giúp khách tính đúng 7kg xách tay (tránh mua quá số cân cho phép sau khi đã qua cửa kiểm tra an ninh). 3) Hai bạn hdv khi thấy chỉ một số ít khách mua đào NB, đã tự bỏ tiền túi ra mua mấy quả, để đến giờ ăn mỗi du khách được thưởng thức 1-2 miếng đào NB cho biết. Mình đánh giá rất cao sự chu đáo của hai bạn hdv nhưng cũng xin phép nói thật rằng đào NB mà mình thử ko được ngon lắm.

GIÁ CẢ

Điều bất ngờ là giá cả sinh hoạt ở NB không đắt đỏ như chúng tôi nghĩ, với nhiều thứ còn rẻ hơn ở châu Âu. Ví dụ, giá thuê một căn hộ 2 buồng ngủ ở Osaka (là TT thương mại như TpHCM của VN) có giá 80,000 yen (~500 eu ~ 14tr vnd), tức là bằng mức thuê căn hộ ko quá sang ở HN! Một suất cơm bình dân là 500-1000 yen (3-6 eu). Vé tầu điện ngầm đi khoảng 15km khoảng 1.6 eu, còn một lít xăng khoảng 1 euro (trong khi ở châu Âu là gần 2eu/lít). Một đôi giầy da và một đôi dép da làm khá đẹp, thấy ghi do Bangladesh sản xuất, giá khoảng 600k vnd (giầy) và 200k vnd (dép)… Học phí học đại học tại NB chỉ khoảng 5k eu/năm.

Vẫn biết đồng yên trong khoảng 1-2 năm qua bị mất giá đến 50%, cho nên giá cả nó cũng ‘’tự động’’ thấp đi 50% nếu so với euro hoặc thậm chí với vnd, nhưng dù có cộng thêm 50% trượt giá đó, thì giá cả vẫn thấp hơn ở nhiều nước châu Âu.

Có lẽ vì giá cả sinh hoạt không cao, nên lương của kỹ sư mới ra trường cũng khá thấp, chỉ khoảng 30tr vnd sau khi đã trừ các loại thuế/phí. Vì thế, nên nhiều gia định có người đi xuất khẩu lao động ở NB cũng phàn nàn rằng hiện tại ‘’làm ăn’’ bên đó không được khá như nhiều năm trước.

TÍNH THỰC DỤNG

Người Nhật coi trọng thực dụng và hiệu quả hơn nhiều so với thẩm mỹ. Điển hình là mặc dù họ thiết kế nhiều mẫu mã xe hơi đẹp để bán khắp thế giới, nhưng với ‘’chính quốc’’ thì họ thiết kế oto như những cái hộp biết đi, trông khá xấu. Tại sao? Vì như thế, họ tối đa hóa không gian sử dụng bên trong xe và tiết kiệm đến mức cao nhất nhiên liệu sử dụng cũng như diện tích đỗ xe.

NB vẫn dùng điện áp 100 volt cũng vì nó giúp tăng hiệu suất và tính an toàn cho các thiết bị điện. Giàu có như NB, mà họ còn tiết kiệm như thế, thử hỏi nghèo như VN sao ta lại hoang phí?

Ở Nhật rất ít thùng rác công cộng, thậm chí trong nhà WC công cộng họ cũng không để thùng rác, vì khuyến khích mọi người giảm bớt việc xả rác. Nếu bắt buộc phải …có rác, thì được khuyến cáo tạm cất vào túi, và mang về bỏ thùng rác tại nhà.

Rất thực dụng nên gần 100 năm nay, NB đã bỏ Âm lịch, bỏ ‘’tết Ta’’, và chỉ dùng Dương lịch, ăn tết Tây, như đa số các nước trên thế giới. Vấn đề này VN cũng đã đem ra bàn nhiều lần mà ko đi đến đâu. Cả thế giới, bao gồm VN, cùng ăn tết Tây, rồi VN ngay sau đó lại ngồi chờ ăn … ‘’tết Ta’’. Cái lãng phí là trước và sau tết ta khoảng 2-3 tuần, thường mọi việc lớn nhỏ đều bị ngưng trệ vì ‘’Tết’’…

Cách đây 80-90 năm, NB nhận ra rằng mình có chiều cao khiêm tốn. Theo thống kê năm 1935, chiều cao trung bình của đàn ông NB chỉ khoảng 1m55. Sau thế chiến 2, cùng với việc phát triển kinh tế thần kỳ, NB đã ‘’cải tạo nòi giống’’ thành công bằng việc chú trọng dinh dưỡng cho thế hệ tương lai. Kết quả là ngày nay chiều cao trung bình của thanh niên NB là 1m75, tức là tăng 20cm so với năm 1935, gần sánh ngang được với châu Âu rồi.

Thực dụng là vậy, nhưng tại nhiều quán ăn, nhà hàng, họ vẫn dành đủ kinh phí thiết kế rất bắt mắt để thu hút tối đa khách hàng.

NGƯỜI NHẬT BẢN

Vì đoàn toàn được người …Việt phục vụ, cho nên ấn tượng về con người NB như phong cách ứng xử khiêm nhường (cúi gập đầu chào khách) nhưng lại rất thượng võ (như tinh thần Samurai) là những yếu tố chính quyết định thành công của NB thì không được thể hiện rõ nét trong suốt chuyến đi. Đây cũng là điều đáng tiếc.

Để ý thấy trên đường đi có nhiều bác chắc phải >70t làm nghề bảo vệ. Đành rằng người Nhật yêu lao động, nhưng già quá mà vẫn (phải) làm công việc này thấy cũng tội nghiệp. Nghĩ bụng gọi là bảo vệ nhưng chắc làm nhiệm vụ hướng dẫn, điều tiết thôi, chứ trông yếu thế, thì khi cần sử dụng cơ bắp, mấy cụ này liệu có kham nổi?

Trên mỗi chặng nghỉ, bác tài xế người Nhật đều ghi chép rất tỷ mỷ, vì họ cho rằng điều này sẽ giúp ích cho công việc của mình. Thói quen này mình đã chứng kiến mấy đồng nghiệp NB làm trong nhiều năm rồi.

NHÀ CỬA & XE CỘ

Vì NB thường xuyên bị động đất, nên kể cả những căn nhà đơn lẻ, khi xây dựng đều được yêu cầu cách nhau một khoảng nhất định, chắc đề phòng nếu xảy ra động đất có bị sập, thì ko tạo phản ứng đổ sụp dây chuyền sang những căn nhà khác.

Trong mỗi khách sạn bất kể hạng nào, đều đc thiết kế bồn tắm (dù rất nhỏ, và làm bằng chất dẻo). Bạn HDV giải thích để phòng khi có động đất thì người Nhật sẽ trữ nước vào đó nhằm kéo dài sự sống chờ đội cứu hộ.

NB nổi tiếng về thiết kế bệt vệ sinh: có sưởi ấm, có vòi xịt tự động nhiều chế độ, vv Nhiều nhà WC cộng cộng được thiết kế rất đẹp mắt. Rồi phòng WC (công cộng) cho người tàn tật mà được thiết kế đẹp như trong khách sạn 5 sao. Khác với ở châu Âu, thường mất tiền mới được dùng …nhà vệ sinh công cộng thì ở NB hoàn toàn miễn phí.

Bên Nhật xe đi bên trái, giống như ở Anh, Thailand, vv và trong suốt 5 ngày ở đây, chúng tôi chỉ nghe được tiếng còi xe oto có một lần. Đường xá sạch đẹp, gọn gàng, người dân triệt để tôn trọng tín hiệu giao thông.

NB vẫn còn giữ tàu hỏa đường ray khổ 1m (như VN), nhưng vận tốc đạt 110km/h. Chứng tỏ nền đường ray tốt, chứ ở VN thì dù nhập toa tầu tốt đến đâu, với hệ thống nền đường ko chắc, thì ko thể đạt vận tốc đó với khổ ray 1m. Ở VN có hàng chục triệu xe máy Nhật đang được lưu thông, nhưng sang đây cả 5 ngày chỉ thấy có …3 cái xe máy chạy trên đường. Xe đạp thì khá nhiều. Tầu điện ngầm ở Nhật rất tiện lợi, nhưng chỉ nhận tiền mặt mà ko cho dùng thẻ tín dụng.

NGƯỜI VIỆT TẠI NHẬT

Trên suốt hành trình qua 6 thành phố, đoàn gặp rất nhiều người Việt phục vụ tại khách sạn, quán ăn, cửa hàng, và cả nhà hàng tại sân bay Tokyo! Như vậy gần như đi đến đâu đoàn cũng được người Việt phục vụ. Nghe nói có nửa triệu người VN tại NB.

Thêm nữa, vì còn nhiều đoàn khách VN khác từ HN và Saigon cùng đi một hành trình tour tại Nhật, nên lượng khách VN đông ko kém gì lượng khách TQ tại mỗi điểm tham quan. Giống như tour Thailand năm ngoái, nhiều khi cứ tự hỏi mình đang ở NB hay ở VN, vì xung quanh chỉ toàn là người Việt và tiếng Việt.

Nhưng khi vào những cửa hàng chỉ có nhân viên bản địa thì họ không giải thích được các sản phẩm bằng tiếng Anh. Họ thường phải bật ngay phần dịch google trên điện thoại thông minh rồi nói bằng tiếng Nhật, và máy nó dịch ra được khoảng hai chục thứ tiếng, trong đó có cả tiếng Việt. Công nghệ thì hay thật, nhưng sợ rằng như vậy thì người ta ko còn nhiều động lực để học ngoại ngữ nữa.

Khi thăm chùa ASAKUSA SENSOJI ở Tokyo, thấy có hai bạn trẻ VN ra chụp ảnh. Đầu tiên tưởng là một đôi tình nhân đến vãn cảnh chùa, nhưng hỏi ra mới biết là hai đồng nghiệp cùng tự mở một cửa hàng cho thuê áo kimono, hôm nay ra chụp ảnh để đưa lên trang quảng cáo cho cửa hàng. Các bạn nói một bộ kimono cho thuê với giá khoảng 1.5tr vnd/ ngày. Với mức giá cả như trên thì nếu cho thuê được mức đó đã rất tốt rồi.

Trên chuyến bay từ Tokyo về Hanoi, gặp thêm một người Việt nữa vừa kết thúc hợp đồng tại NB. Bạn ấy là nv một cty Nhật tại Hanoi, bên Nhật thiếu người nên tạm điều sang làm trong 3 tháng. Họ nêu lý do kinh tế khó khăn nên ko trả lương tại Nhật mà chỉ cung cấp chỗ ở, tiền ăn 3000 yên/ngày (490k vnd), và được hưởng nguyên lương tại VN (~ 22tr/tháng sau thuế). Đi lại thì thanh toán theo hóa đơn cụ thể. Bạn ấy bảo biết bị ‘’bóc lột’’ rồi, nhưng thôi cũng được một trải nghiệm. Nghe xong thấy bùi ngùi, vì sự nhọc nhằn mưu sinh của người Việt mình.

THỜI TIẾT

Cuối tháng 7, đầu tháng 8, thời tiết ở NB, nhất là phía nam như Osaka, Kyoto, Kobe và Nagoya đều rất nóng và oi bức y hệt như miền bắc VN. Nhiều người trong đoàn cùng nhận định nó còn oi bức hơn so với miền nam VN. Thế là tưởng sang đây tránh nóng mà vẫn phải chịu cảnh oi bức như ở Hanoi.

Thời tiết nắng nóng cũng làm giảm bớt sự hấp dẫn và thú vị của chuyến đi.

HÀNG VIETNAM

Chúng tôi có thói quen đi đến nước nào cũng để ý xem có sản phẩm gì ‘’Sản xuất tại VN’’ hay ko. Tại sao? Đơn giản vì có sản phẩm VN bày bán thì VN mình sẽ có thêm thu nhập. TQ họ giầu có một phần vì hàng của họ được bán khắp thế giới.

Vào mấy cửa hàng áo sơ mi ở Nagoya và Tokyo đều không thấy có hàng VN, mà chỉ có áo được sản xuất tại Thổ Nhĩ Kỳ, Ma rốc, và Bangladesh. Vào hai cửa hàng giầy dép ở Tokyo thì chỉ thấy có giầy sản xuất tại TQ và Bangladesh, trong đó giá giầy dép của Bangladesh – nhìn trông khá bắt mắt – mà giá cũng chỉ bằng ở Hanoi.

Tại KS đoàn nghỉ ở chân núi Phú Sỹ, bữa tối được phục vụ tráng miệng trong đó có quả vải mà không rõ có phải vải VN ko, nhưng ăn hoàn toàn không ngon chắc vì qua bảo quản tủ đá nhiều ngày rồi. Chợt nhớ mọi người ở VN bảo mùa vải năm nay dành hết cho xuất khẩu nên chỉ còn rất ít vải cho nội địa. Nhìn đĩa vải ko còn sức sống (xem ảnh), thấy bùi ngùi cho VN mình quá…

  1. SUY NGẪM

Ở Tokyo, chúng tôi tình cờ gặp cảnh người kéo xe tay (chắc nhiều bác còn nhớ chuyện ‘’người ngựa – ngựa người’’ ở VN thời trước về cái xe kéo tay này) chở du khách đi ngắm cảnh (xem ảnh). Nhớ lại cụ Hồ ngày trước lấy biểu tượng này để huy động toàn dân đập bỏ chủ nghĩa tư bản, vùng lên cướp chính quyền về tay… (tay ai nhỉ). Rồi hơn 100 năm sau, lại được chứng kiến cảnh tượng này tại một xứ ‘’tư bản dãy chết’’. Có cậu bạn cùng khóa nói đùa là CNTB sau hơn 1 thế kỷ vẫn ko …khá lên được.

Tại bến cảng Kyoto, thấy một con tầu tuần duyên của NB (Japan Cost Guard) khá nhỏ bé. Chợt nghĩ nhỏ thế thì khó mà chống chọi với những con tàu Hải cảnh to lớn của TQ, vẫn thường bắt nạt các nước Đông Nam Á, và nay đã quay sang bắt nạt nốt cả NB rồi. Nhớ năm 1984, lúc TQ mới bắt đầu mở cửa, rất cần vốn và kỹ thuật của NB, Đặng Tiểu Bình đã tới gặp lãnh đạo NB với mục đích đó. Khi bàn đến những bất đồng còn khó giải quyết, Đặng đã cực khôn nói đại ý ‘’thế hệ chúng ta chưa đủ giỏi để xử lý những bất đồng đó, thôi cứ tăng cường phần hợp tác, còn bất đồng để những thế hệ sau giải quyết’’ ?!

Nhờ đó mà có đc vốn/công nghệ NB đầu tư vào TQ, và TQ đã ‘’đại nhảy vọt’’: năm 1990 GDP của TQ chỉ bằng 1/10 của NB, và chỉ cần 20 năm, vào năm 2010, GDP của TQ đã vượt NB thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Hiện tại 2024, GDP của TQ đã gấp …4.5 lần NB rồi. Tức là trong vòng 30-35 năm qua, GDP của NB dậm chân tại chỗ, còn GDP của TQ đã tăng 45 lần!!!!!  ‘’Mạnh vì gạo, bạo vì tiền’’, giờ này ‘’thế hệ tương lai’’ mà Đặng nói hồi 1984 đã giải quyết bất đồng bằng cách …chèn ép luôn NB, và nước này nhiều lần phải cầu cứu Mỹ qua ‘’Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật’’ để bảo vệ chính mình.

Trên chuyến bay trở về nhà, miên man suy nghĩ về thời cuộc, thấy chúng ta không đc phép quên rằng chính NB là thủ phạm gây ra nạn đói khủng khiếp làm 2tr người VN chết năm 1945 (1/10 dân số VN khi đó). Dân mình rất bao dung và dễ ‘’khép lại quá khứ’’với người ngoài, nên chắc đã tha thứ hết cho NB, nhất là khi nước này trở thành đối tác ‘’chân thành và tin cậy’’ thật sự với mình (đáng buồn là người Việt KHÔNG dễ bao dung với nhau).

Cứ nghĩ vẩn vơ, ai, nước nào đã biến NB (và cả nước Đức) từ những nước phát xít tàn bạo như vậy thành những quốc gia có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế như hiện nay? Và nước nào đã biến TQ từ một nước đói rách sau Cách mạng Văn hóa, trở thành một nước hùng mạnh, giàu có, và (hơi tiếc) là hung hăng như bây giờ? Hỏi tức là đã trả lời.

Thôi xin chúc NB có lần thứ ba phát triển thần kỳ nữa, để làm đối trọng có lợi cho những nước yếm thế trong một thế giới còn nhiều hỗn mang và bạo ngược như hiện nay.

Xin hẹn ngày tái ngộ.

Lê Anh Tuấn

Tháng 8/2024

Bookmark (0)
Please login to bookmark Close

NĂM NGÀY Ở NHẬT BẢN. Tháng 7 năm 2024, gia đình tôi có dịp đi thăm Nhật Bản (NB), quốc gia nổi tiếng với hai lần ‘’đại nhảy vọt’’, mà…

Bookmark (0)
Please login to bookmark Close