Mưa Trên Cây Sầu Đông – Nhã Ca
[toc]
Giới thiệu ebook
Mưa Trên Cây Sầu Đông – Nhã Ca
Cây sầu đông không biết có phải là một loại cây đặc biệt ở Huế không, tôi nghe người Bắc gọi là cây Xoan, người Huế gọi là Sầu đông, Thầu đâu hay có khi gọi Sầu đâu. Thân cây cao, có nhiều cành màu đen, khô, lá cây có khứa, nối chùm bằng những cọng nhỏ, hoa nhỏ, có cánh li ti màu tím nhạt, nhụy tím thẩm. Ở gốc cây, nếu bị vết sứt thường chảy ra một thứ nhựa trong màu vàng, có thể dùng để dán được.
Bây giờ Huế đã đổ nát, đã tang thương. Tôi viết lại câu chuyện này để cùng những người bạn cũ và những cây sầu đông của Huế còn sống sót, nhớ tới một thành phố êm đềm thơ mộng cũ, những ngày cũ, với những giọt mưa rơi từ trên cây sầu đông.
Sài Gòn năm 1968
Trước thềm nhà đặt đầy những chậu hoa thược dược, thằng Rọm đang ngồi lui cui thay mấy cây đại thọ vừa bị cắt bông để đem cắm vào bàn thờ buổi tối hôm trước. Sáng nay, có chị đàn bà gánh hoa từ trên Long Thọ xuống đi ngang qua nhà thật sớm, thằng Rọm đã gọi vào mua để thay thế những chậu cây cũ. Con Bông đang chạy ven bờ chè tàu, nhón gót hái những sợi tơ hồng non mướt đang giăng mắc trên bờ chưa ráo sương ướt. Ngoài ngõ có tiếng chuông xa xích lô bấm cong cong, thằmg Rọm dơ hai tay bẩn chùi vào đít quần rồi đứng dậy, lật đật đi ra cửa.
– Ai? Thằng Đậu hở? Chi rứa?
– Nì, xe cái bình sành ni vô. Bên cửa hàng bà biểu chở về đó.
Thằng Rọm lạch bạch phụ với anh Đậu xính lô khiêng cái bình sành có hình nổi rồng phượng vô sân. Khi cái bình sành đặt nơi mái hiên rồi, anh Đậu xích lô hỏi thằng Rọm:
– Răng, bà đem chậu sành về mần chi rứa.
Thằng Rọm ngước mắt nhìn anh Đậu xích lô, nhăn mặt:
– Chắc đám cưới bà đó, bà đem về chưng.
Anh Đậu trợn mắt:
– Nói thiệt hay nói chơi. Bà Phúc Lợi lấy chồng? Lấy ai rứa?
– Lấy một người đàn ông.
– Cái ông nị kỳ cục, ai giỡn, hỏi thiệt mà.
– Thì tui cũng nói thiệt. Răng mà các người tò mò quá. Hỏi mần chi. Hỏi để đi ra bán cho cả làng cả nước biết hỉ?
Anh Đậu dơ tay bịt miệng, vẻ hốt hoảng:
– Bậy nờ, nhà bà từ lâu phúc đức, ai dám nói xấu. Hôm trước con vợ tui…
Anh Đậu lại đưa tay che miệng. Nhưng thằng Rọm cười:
– Vợ anh nghe chuyện nhà ni chớ chi? Thiệt tao nói cho mi biết con chó ăn cứt mà thơm, người ta ăn cơm mà thúi…
Rồi không đợi anh Đậu nói thêm lời nào, thằng Rọm trở ra mấy chậu cây bông thọ đang trồng dở, ngồi xuống. Anh Đậu đội chiếc nón xích lô rách lên đi ra cổng:
– Thôi tui về nghe.
Thằng Rọm không trả lời. Nó bận bắt một con sâu màu xanh bám trên lá cây vạn thọ. Nó lấy hai ngón tay bóp con sâu nát bét rồi chùi lên quần. Khi đã trồng hết mấy cây bông, thằng Rọm lại lúi cúi tìm sâu tiếp tục bắt. Nó lượm được mấy con nữa, nó đặt trong vòng tay và cầm chặt lại.
Thằng Rọm mãi tìm sâu không để ý đến Tỷ Muội mở cổng rào đi vào. Khi tới gần, thằng Rọm thấy bóng quần trắng loáng thoáng, nó mới ngẩng lên:
– A, mi qua đó há?
– Mần chi rứa ông thằng Rọm.
Thằng Rọm phì cười:
– Con ni hay hí? Kêu chi lạ rứa.
Nhưng Tỷ Muội không để ý lời nói của thằng Rọm, nó chăm chú nhìn vào bàn tay thằng Rọm đang nắm chặt:
– Cầm cái chi rứa.
– Ni.
Thằng Rọm dơ bàn tay lên rồi mở ra. Tỷ Muội kêu thét lên rồi lùi lại một bước. Trong lúc bàn tay thằng Rọm đầy sâu xanh, có con nằm ngay đơ, có con còn ngúc ngoắc muốn bò. Thấy mặt Tỷ Muội tái xanh, thằng Rọm dọa:
– Sợ không?
– Sợ, sợ ông thằng Rọm ơi, đừng dọa tui… tội tôi mà.
Thằng Rọm cười xoà rồi bóp mạnh tay cho đám sâu bẹp dúm hẳn, lượm miếng lá chuối có rễ vạn thọ rũ sạch đất lau tay.
Tỷ Muội đã hết sợ, nó hỏi:
– Có ai ở nhà không?
– Ai?
– Ai nữa.
Thằng Rọm cười:
– Đang nằm trong buồng. Chắc ngủ chưa dậy.
– Con quỷ ngủ dữ ác.
Tỷ Muội bỏ thằng Rọm chạy vào nhà. Nó chạm phải bàn thờ bà ngoại của Đông Nghi, mấy cây đèn cầy sáp đang cháy dở và mùi nhang thơm nồng. Tỷ Muội nhìn lên tấm ảnh người đàn bà già, rồi chạy tuột vào một căn buồng nhỏ.
– Nghi, Nghi. Ngủ chi dữ rứa.
Tỷ Muội thấy Đông Nghi nằm trong giường, mùng màn chưa cuốn. Nó vén mùng chui tọt vào ngồi bên bạn.
– Dậy, Nghi. Dậy nói chuyện ni cho nghe.
Đông Nghi quay lại, mắt tỉnh khô. Nghi đâu có ngủ, nàng đã thức dậy từ lúc sáng sớm nhưng lười biếng nằm dài đó thôi. Nghe Tỷ Muội nói có chuyện Đông Nghi thở ra:
– Nghe chuyện tao chưa đủ răng nghe chuyện người ta nữa?
Tỷ Muội tiu nghỉu. Nó nhìn ra vườn, Đông Nghi ngủ mà không đóng cửa sổ. Nó nghe tiếng chim hót ngoài vườn và có tiếng cành lá lay động nữa. Nó hỏi bạn:
– Đã móc võng lại chưa?
– Rồi.
– Ra vườn chơi đi.
– Ừ, ra trước đi, đợi tao đi xúc miệng rửa mặt một chút.
Đông Nghi nhảy ra khỏi giường, Tỷ Muội không đi mà ngồi đợi nơi chiếc ghế nhỏ. Nó thấy trên bàn của Đông Nghi những tờ giáy vẻ nhăng nhít còn bừa bãi. Trên bàn có thêm một đồ chơi mới, một con búp bê tóc vàng, chân dính vào một cái bục tròn, khi Tỷ Muội xoay, nó nghe thấy một điệu nhạc thật êm đềm.
Một lát sau hai cô bạn đã ra ngoài vườn. Chiếc võng đã được giăng ra ở giữa cây sầu đông và cây hồng bì. Cây khế ngọt bị lẻ loi, Tỷ Muội nghĩ thế, và trước khi ngồi lên võng, nó vỗ vào thân cây khế và hái một đọt lá khế con cho vào miệng nhấm:
– Lá non ngọt rứa thê mi ơi.
Rồi nó nhìn quanh vườn:
– Mau quá, mới đó mà mùa Xuân rồi.
Đông Nghi im lặng. Mắt nàng nhìn mông lung vào những tàn cây xanh, những đọt lá non, những chồi đang hé. Ngày nào những giọt mưa trên cây sầu đông đã rụng xuống, vậy mà bây giờ, trên những cành khô, lá non đã xanh tươi, vẻ dửng dưng không nhớ nhung. Chính mình cũng đã quên hết rồi răng? Những điều đã nguôi ngoai thì quả là thật đúng. Tỷ Muội chợt nhìn thấy vẻ u buồn trên mặt bạn, nó lại tươi cười:
– Nghi, đừng có khóc nghe.
Đông Nghi mỉm cười choàng tay qua vai bạn. Nàng cảm thấy thương bạn ghê gớm. Tỷ Muội thật dễ thương, nó cũng bằng tuổi Nghi mà nó vô tư sung sướng quá.
Đông Nghi nhìn khu vườn, hôm nay vườn cây đã mang một bộ mặt mới lạ hẳn. Những ngày mùa đông mưa mù trời đất như đã chìm vào giấc mộng xa xưa nào. Và Đông Nghi cũng thấy mình nhớn hẳn. Tay Nghi vẫn choàng qua vai Tỷ Muội. Tỷ Muội nép vào vai bạn:
– Nghi nghỉ học luôn thiệt há?
– Ừ.
– Tụi nó nói Nghi đau Nghi nghỉ vài ngày.
Đông Nghi cười, mắt mơ màng nhìn lên đọt cây:
– Cô giáo có nhắc gì Nghi không?
– Có, mấy cô hỏi thăm Nghi đau ra răng.
– Mình có đau ốm chi mô.
Tỷ Muội buồn bã:
– Rứa là từ nay Muội đi học một mình.
Đông Nghi nhìn vào mắt bạn, thấy mắt Tỷ Muội như rưng rưng sắp khóc. Đông Nghi cũng muốn khóc theo:
– Thiệt mình không biết mần răng để cựa quậy nữa Muội ơi.
– Răng chừ làm đám cưới.
– Chắc vài tuần.
– May áo mới chưa?
– Tuần trước ba tui đi Saigon mua mười mấy chiếc áo dài, chưa kể áo cưới họ may.
Tỷ Muội ngồi ngẩn ngơ. Đông Nghi cười lớn vỗ vào vai bạn:
– Mi nghĩ là tao bằng lòng lấy thằng Khanh vì lẽ chi?
– Mạ mi ép buộc chớ chi.
– Không phải, vì tiếng đàn ghi ta của hắn, mùa xuân hắn đàn trở lại tao nghe và mê luôn.
– Mê chi rứa?
Đông Nghi ghé vào tai bạn:
– Hắn có mùi hôi nách giống như con chi đó ở trường. Dù răng hắn cũng có mùi vị đặc biệt.
Nói xong Đông Nghi rũ ra cười. Tỷ Muội cười theo nhưng thấy Đông Nghi vừa cười vừa chảy nước mắt ràn rụa, nó ôm chầm lấy bạn:
– Nghi, Nghi đừng khóc.
Đông Nghi đưa tay chùi nước mắt, vẫn chưa thôi cười:
– Không, không, tao mô có khóc. Mi biết không? Khi tao đi lấy chồng mạ tao khóc, ông Bồ Đào khóc, thằng Rọm khóc, cây sầu đông khóc.
Rồi không dừng được nữa, Đông Nghi òa khóc thật. Nàng ngồi im, nước mắt chảy như mưa lăn trên mặt lá cây. Tỷ Muội hốt hoảng định dỗ bạn, nhưng rồi nó cũng mũi lòng khóc theo bạn. Khóc một lúc, Đông Nghi nín hẳn. Như sau cơn mưa, cây cối sạch sẽ láng bóng, mặt của Đông Nghi trông rạng rỡ hẳn. Nàng nhìn cây sầu đông, những búp hoa như sắp bung nở. Không còn chi giống cảnh cũ nữa, sao mình vẫn còn đau lòng chuyện cũ?
Đông Nghi ngơ ngác hỏi lòng mình, rồi nàng cầm tay bạn:
– Hồi nớ Tỷ Muội nói chuyện chi lạ?
– Chuyện con Trà.
– Hắn mần răng?
– Con Trà chửa hoang.
Đông Nghi trợn mắt, bấu chặt vai bạn:
– Thiệt không?
– Thì nó nghỉ học cả tuần rồi, tụi nó đồn rầm rầm…
Đông Nghi tự dưng mỉm cười. Thôi câu chuyện dành cho thành phố Huế đã ngã sang kẻ khác. Như vậy là Nghi thoát nạn. Nghi đứng dậy vươn vai, nhưng Tỷ Muội kéo bạn ngồi xuống.
– Răng, chừ mi có muốn làm nổ thành phố Huế nữa không?
Đông Nghi nhìn quanh khu vườn, mắt mơ màng:
– Nổ à? Nó chưa nổ thì không trước thì sau nó sẽ nổ, nhưng tao không làm điều đó nữa.
– Nếu nó nổ đi có tiếc không?
– Tao thích Huế cứ như rì mãi.
– Đồ mâu thuẫn.
Đông Nghi hiền lành mỉm cười. Tỷ Muội đứng dậy, kéo tay bạn:
– Đi vô đi, mình về.
– Về mần chi?
– Về học bài chớ. Bà quên tui còn đi học nữa.
– Ừ hỉ.
Đông Nghi thả tay bạn. Nàng đứng thẫn thờ, mình thì hết nữ sinh rồi. Hết nữ sinh thì mần răng làm nổ thành phố? Đông Nghi buồn bã:
– Thôi mi về đi.
– Không đưa tao vô hỉ?
– Thôi Muội về học bài đi.
Tỷ Muội cười và bỏ chạy, Nghi nói:
– Mai rảnh đi đo áo mới với mình nghe. Hứa làm phù dâu thì phải diện nghe.
– Dị òm.
Tỷ Muội nói xong đã khuất sau những hàng cây. Còn một mình, Đông Nghi đi tới nơi cây sầu đông, nàng dựa vào thân cây mắt nhìn lên ngọn. Qua những cành cây xương xẩu và những tàu lá non mát, bầu trời xanh ngắt với những đám mây trắng nõn hiện ra. Những đám mây không bay mà đứng sửng, Đông Nghi bỗng thở dài, nàng đưa móng tay cào cào vào thân cây, bóc một mảng vỏ lớn.
Đông Nghi nhớ lại thời còn thơ ấu, nàng hay lấy dao cạo thân cây để sáng ra thấy mủ sầu đông chảy ra, đọng thành những hình thù vàng trong xinh xắn.
Đông Nghi đi tới một luống hoa, nàng hái một bông vạn thọ chà nát trong lòng tay. Mùi hoa vạn thọ hăng hắc, ngon ngọt làm Đông Nghi choáng váng. Hoa vạn thọ nhiều nhất là mùa Xuân, mỗi mùa Xuân mới có, và nó mới khoe đầy đủ hương sắc. Như cây sầu đông, mùa đông mới có mưa và có giọt lệ của chàng. Tuấn ơi, chừ anh đang ở đâu? Đang làm gì? Những ngày ở Huế chóng vánh nhưng có đủ kỷ niệm để chàng nuôi nhớ suốt đời không? Nhưng Nghi, Nghi sẽ nhớ suốt đời. Con gái Huế lãng mạn lắm, dữ dội lắm, vậy mà thành trì thành kiến vẫn vây chặt được. Năm này qua năm khác, đời này qua đời khác, nếu không mọc cánh bay được một lần thì phải bán nắm xương tàn cho sông Hương núi Ngự. Đông Nghi cắn môi, nàng muốn khóc nhưng không thể khóc thêm được nữa. Bây giờ là mùa Xuân, mùa Đông chưa tới để mang những giọt lệ cho nàng.
Nghĩ đến Tuấn, tim Đông Nghi đau nhói. Nàng ôm lấy ngực, mắt Đông Nghi hoa lên, rồi bao nhiêu cây cối như vừa quay ngược trước mắt nàng, Đông Nghi cố gượng chạy vào nhà.
Vào tới sân, chân Đông Nghi vấp mạnh, rồi nàng lảo đảo muốn té. Đông Nghi lại gượng được, nàng mở bừng mắt, thằng Rọm như vừa ngã té xuống đất và đang lòm còm ngồi dậy. Hắn nạt:
– Đi mô như bị ma đuổi rứa, khỉ.
Đông Nghi khựng lại, nhưng rồi thấy dáng điệu của thằng Rọm, Đông Nghi không nín cười được, nàng cười phì. Thằng Rọm lại trợn mắt:
– Cười nữa há. Ô cha, cái con ni cười chi lạ rứa hỉ?
Đông Nghi đỡ thằng Rọm dậy:
– Xin lỗi nghe.
Rồi nàng mân mê mấy đóa hoa vạn thọ, màu vàng thẩm như ánh mặt trời ban mai chao nhẹ trong lòng nàng những nhớ nhung thơ ấu, màu vàng cũng nhắc nhở tấm lòng phụ bạc của nàng. Nghi chẳng phụ Tuấn là gì? Hình ảnh Tuấn chơ vơ giữa sân ga trống, mắt dõi theo chiếc xe cũ kỷ màu đen láng và bước chân chao hụt của chàng. Như thế là hết. Những lá thư ở xa gửi về không bao giờ Đông Nghi được đọc. Thằng Rọm thấy Nghi đang cười bỗng nhiên đăm chiêu, hắn gạt tay Nghi ra khỏi chậu hoa vạn thọ:
– Ê, thả tay ra, gãy hết chừ.
Đông Nghi chụm tay thằng Rọm. Rọm để yên bàn tay đen đủi của hắn trong tay Nghi nhìn chăm chăm rồi cười:
– Ni lớn tồng ngồng rồi, sắp có chồng rồi, cứ làm như con nít con na.
Rồi Rọm chỉ cái bình bằng sứ:
– Mạ đem về bữa mô làm đám cưới đó tề.
Không nghe Đông Nghi nói gì, thằng Rọm ngước nhìn lên, thấy hai giọt lệ đang lăn dài xuống má nàng. Thằng Rọm kêu: Nghi, răng khóc. Đông Nghi đã bỏ chạy vào nhà cánh cửa đóng lại.
Buổi trưa hôm đó, Đông Nghi không ăn cơm, nàng khóc âm thầm một mình rồi ngủ thiếp đi. Khi tỉnh dậy trời đã chiều. Đông Nghi nghe tiếng ông Bồ Đào nói chuyện với thằng Rọm ở nhà ngoài. Lát sau nàng đi ra, ông Bồ Đào nói:
– Mặc áo đi con. Sang bên nớ mạ rồi ba chở đi thử áo hỉ.
Đông Nghi ngoan ngoãn rửa mặt, thay áo. Buổi tối hôm đó, đi thử áo dài xong, Đông Nghi với mẹ và ông Bồ Đào đi ăn phở ở vườn hoa Nguyễn Hoàng. Nhìn qua bên kia sông, vườn hoa trước trường Đồng Khánh tối om, chỉ thấy lờ mờ vài đọt dừa cao và những cột điện nhấp nháy sáng sát mặt đường. Thấy cảnh cũ, Đông Nghi lại muốn khóc, nhưng nàng cố che bằng nụ cười, nàng hỏi mẹ:
– Đám cưới con mạ có may áo mới không?
Bà Phúc Lợi cười, đưa tay vuốt tóc con gái:
– Có chớ, mạ may áo gấm đẹp lắm.
Rồi bà nhìn ra mặt sông, giọng mơ màng:
– Mặc áo mới chắc hôm đó mạ thấy vui lắm. Lâu lắm mạ không còn biết vui khi mặc áo mới nữa.
Đông Nghi cúi đầu. Khi đưa đám ma người ta cũng mặc áo mới. Khi bà ngoại chết Nghi cũng có áo mới. Trong đời ta còn bao nhiêu áo mới nữa, sá chi cái cáo mới ngày cưới. Đông Nghi lặng lẽ ăn. Ông Bồ Đào ân cần:
– Con thích đi Saigon không, ba cho đi vài ngày trước đám cưới.
Mộtánh sáng loé ra trong đầu Nghi. Nhưng rồi tia sáng đó cũng tắt ngấm rất nhanh. Đông Nghi lắc đầu:
– Con không muốn xa Huế nữa.
Câu nói của Nghi làm cho ông Bồ Đào nhìn bà Phúc Lợi cười đầy ý nghĩa. Nhưng Nghi không nghĩ như họ, nếu lần này được xa Huế không bao giờ nàng còn trở lại nữa. Nghi biết Nghi cũng không còn can đảm dứt bỏ Huế khi không có Tuấn bên cạnh. Căn nhà giam thành kiến ở trong mọt thành phố đầy thành trì miệng tiếng, khu vườn nhốt tuổi thơ, rồi cây nhãn cây hoàng lan, cây bại hoại. Thôi ngoại ơi, con ở lại đây để hái hoa bại hoại cúng ngoại hỉ?
Nhưng giá đám cưới muộn hơn để mùa hè này Nghi còn được tắm sông với Tỷ Muội, đi biển với Tỷ Muội hay hai đứa đánh thẻ, chơi ô làng bên Đò Cồn bẻ bắp nướng ăn. Thôi, mơ ước chi nữa, bầu trời con gái đã sụp đổ, tình yêu đã sụp đổ. Mười phương cũng đã hết chín phương, còn một đi lấy chồng.
Đông Nghi nhìn mẹ, nhìn ông Bồ Đào, tại sao hai người không là vợ chồng được. Thành kiến, miệng tiếng đã chia rẽ mẹ, và mẹ lại tiếp tục đổ lên đầu con. Ta ở đây, mai một đẻ con đẻ cái, ta lại tiếp tục giữ trọn cái nề nếp cho cái nhà, cái vườn, ta sẽ thành bà mẹ khắt khe như mạ. Nhưng mạ tiếp tục sống như rứa mạ sẽ làm nổ tung thành phố đó. Nếu một mai bà vợ ông Bồ Đào nổi nơi tam bành. Nhưng Đông Nghi yên trí ngay, thành phố này là nơi mang tiếng trong nhà chưa rõ ngoài ngõ đã hay, không lý gì chuyện mẹ và ông Bồ Đào dấu kín mãi được. Nhưng nàng không đủ sức để tìm hiểu chuyện ai nữa, dù kẻ đó là mẹ nàng.
Gió ở bờ sông thổi lên mát rượi, Đông Nghi nhớ lại đêm nào ngồi với Tuấn nơi ghế đá bên kia sông. Tóc nàng bay vào mặt chàng, hơi thở chàng phà ấm bên tai. Đông Nghi bỗng thấy nàng cô đơn, trống vắng như một kẻ đi xa trở về quê cũ vẫn còn nguyên từng ấy cảnh vật, nhưng sự xúc động xưa cũ đã chết mất rồi.
Buổi tối hôm đó, ông Bồ Đào với mẹ lại bày bàn ra ngồi ở góc sân, nơi cây nhãn. Cũng người xưa cảnh cũ, bụi hoa nhài tỏa hương thơm nức. Và bà Phúc Lợi kêu, giọng ngọt ngào:
– Nghi ơi, lấy nước trà ra cho mạ.
Đông Nghi bưng nước trà ra, hương hoa nhài vẫn ngây ngất và nàng ngẩn ngơ như kẻ mất hồn: Thì ra có gì thay đổi mô? Có chi mô, Đông Nghi đặt hai tách nước trà xuống bàn, nhưng mạ không bắt đứng quạt nữa.
Nàng đi vào phòng mở cửa sổ. Song cửa ngắn đã được tháo ra và thay bằng song cửa mới, Đông Nghi không trông thấy gì ở ngoài vườn hết. Nhưng khi nàng đứng yên, tưởng tượng, nàng có cảm tưởng như những giọt nước đang rơi lốp bốp ngoài kia, không biết có phải phía ở cây sầu đông không. Mùa đông qua rồi. Nghi ơi, đợi ta với mùa đông nghe. Bao nhiêu nước mưa sẽ là nước mắt, và ta sẽ khóc với người. Nhưng cũng chả can gì hết, chả chết ai hết. Mùa Xuân cũng sẽ trở lại.
Đông Nghi lục lọi tìm xấp thơ của Tuấn. Nàng để giữa phòng và châm lửa đốt.
Ngọn lửa bùng lên soi rõ khuôn mặt của Đông Nghi với hai mắt mở lớn, khô lệ.
Mời các bạn đón đọc Mưa Trên Cây Sầu Đông của tác giả Nhã Ca.
Download ebook
Mưa Trên Cây Sầu Đông – Nhã Ca
FULL: |
Download App tải ebook,sách nói, khóa học tốt nhất: https://h.nhuttruong.com/app
Website: https://www.trươngđịnh.vn
Page:https://www.facebook.com/truongdinhvn/
Mail:www.truongdinh.vn@gmail.com
[toc] Giới thiệu ebook Mưa Trên Cây Sầu Đông – Nhã Ca Tweet! Cây sầu đông không biết có phải là một loại cây đặc biệt ở Huế không, tôi…