Một Mùa Thơ Dại – Higuchi Ichiyo

Một Mùa Thơ Dại – Higuchi Ichiyo

[toc]


Giới thiệu ebook

Một Mùa Thơ Dại – Higuchi Ichiyo


TỦ SÁCH TINH HOA VĂN HỌC

Tinh hoa văn học của nhân loại nào cũng cần được khám phá và tái khám phá. Mỗi tác phẩm lớn là một xứ sở kỳ diệu và mỗi lần ta tìm đến là thực hiện một cuộc phiêu lưu hoan lạc.

Dịch thuật, giới thiệu và biên khảo về những tác phẩm tinh hoa sẽ mở ra các lối cổng dẫn vào những cảnh tượng văn chương khác nhau, qua những không gian và thời gian vừa hiện thực vừa kỳ ảo.

Khát vọng hiểu biết và vui thú trong đời là bản tính của con người ở mọi nơi và mọi thời. Các tác phẩm văn chương thật sự vĩ đại đều mang lại hai điều đó: vui thú và hiểu biết. Nhưng hiểu biết là niềm vui hiếm khi tự đến một cách dễ dãi. Cần đón đợi và hồi đáp.

Mọi tác phẩm tinh hoa cần được đón đợi và hồi đáp trong niềm hân hoan có tên là “ĐỌC”.

ĐỌC. Cầm sách lên và đọc. Trong sách có bạn hiền, có người đẹp, có mọi thứ. Do vậy, chúng tôi chủ trương TỦ SÁCH TINH HOA VĂN HỌC, xem đó như cửa ngõ của hiểu biết và niềm vui.

CÓ NĂM CỬA:

• Kiệt Tác:

Mỗi Kiệt tác sẽ được dịch trọn vẹn và giới thiệu cả tác giả lẫn tác phẩm trong phối cảnh văn hóa những đặc điểm thiết yếu.

• Tuyển:

Tuyển chọn những tác phẩm ngắn của một tác giả, một nền văn học hay một chủ đề mang tính điển mẫu (thuộc vòng đời hay vòng mùa)

• Kiến Thức:

Những kiến thức mà người đọc hiện đại cần có: trào lưu văn học, các nền văn học, thể loại… được trình bày gọn nhẹ, dễ tiếp nhận.

• Nghiên Cứu:

Các công trình chuyên sâu về một vấn đề văn học, một tác giả thiên tài, lý luận phê bình…

• Mới:

Về các hiện tượng văn học mới xuất hiện của nước ngoài đang gây chú ý hoặc đoạt các giải thưởng lớn… Mong ước chúng tôi là TỦ SÁCH TINH HOA VĂN HỌC sẽ tiến bước bền vững và được đón nhận thân tình.

Tủ sách được biên soạn và dịch thuật từ những nhà giáo, dịch giả và nhà nghiên cứu có uy tín và tâm huyết với văn chương.

NHẬT CHIÊU
***

Ichiyo – thiên tài của tuổi xuân vĩnh cửu

Ichiyo và 24 mùa xuân

24 mùa xuân đó là toàn bộ cuộc đời của cô gái thơ Higuchi Ichiyo! Nàng sinh giữa mùa xuân 1872 và mất vào mùa thu năm 1896.

Một tài năng ngoại hạng đã đưa cuộc đời phù du đó lên đài cao văn học hiện đại Nhật Bản thời khai sáng.

Cha nàng đã đưa gia đình đến Edo (Tokyo ngày nay) sinh sống và ông đã mua được tước vị Samurai vào năm 1867 sau bao nhiêu năm ước mơ. Và thực là công cốc, bởi cuộc Duy Tân sau đó đã hủy bỏ hệ thống giai cấp.

Ichiyo mất cha năm nàng 17 tuổi và bắt đầu biết thế nào là cuộc sống khốn cùng, thế nào là lăn lộn kiếm sống: viết văn đối với nàng có mục đích trước mắt là kiếm tiền nuôi thân và nuôi gia đình. Trừ phi kiếm được nhiều tiền bằng văn chương nếu không nàng sẽ không thoát khỏi cảnh may thuê, giặt mướn hay bán kẹo bánh cho người dân nghèo.

Tuy thế, bút hiệu mà nàng bắt đầu ký từ năm 1891 là Ichiyo (nàng tên thật là Natsuko) lại rất ý nghĩa. Ichiyo (Nhất Diệp) có nghĩa là “một lá” ám chỉ cọng lau đơn độc mà Bồ Đề Đạt Ma dùng vượt sông Dương Tử. Với bút danh đó, có lẽ Ichiyo khao khát một cuộc vượt sóng, đến được “bờ bên kia” nào đó. Nàng muốn tìm kiếm được chính bản thân mình ngay trong lúc phải ra sức kiếm tiền.

Nàng viết cả thơ và truyện với một lối văn hầu như là cổ điển, không có dấu vết gì của ảnh hưởng Tây phương. Nhưng các nhân vật nữ của nàng đã bắt đầu rất mới trong ý thức và cả trong tâm lý. Hirata Tokuboku nhận xét: “Nàng chưa bao giờ vượt qua sự giáo dục mà nàng nhận được ở truyện Genji, ở Saikaku và các tác phẩm Nhật Bản cổ điển khác, thế mà nàng vẫn hiểu rõ chúng ta vô cùng, mặc chúng ta là những kẻ dấn mình hoàn toàn vào thơ văn phương Tây, và nàng cứ thản nhiên tiến bước đồng bộ với ta – Đó mới thật là sự lỗi lạc!”.

Lần lượt, những tiểu thuyết nhỏ nhắn nhưng tuyệt đẹp của nàng xuất hiện:

– Ngày cuối năm (Otsugomori, 1894)

– Khe nước đục (Nigorie, 1895)

– Đêm mười ba (Jusanya, 1895)

– Một mùa thơ dại (Takekurabe, 1895)

– Những ngả đường cách biệt (Wakaremichi, 1896).

Khoảng 20 truyện ngắn, chừng 4.000 bài thơ và vài tiểu luận cùng một bộ nhật ký nổi tiếng – đó là những gì Ichiyo kịp tạo dựng trong cuộc đời mệnh yểu của mình. Nàng chết vì bệnh lao.

Trước khi mất, Ichiyo đã nổi tiếng lẫy lừng. Những nhà văn lớn nhất thời ấy đều đến nhà nàng như Koda Rohan, Mori Ogai… Còn Izumi Kyoka thì chẳng ngại ngùng “tự phong” làm đồ đệ của nàng.

Và sự ngưỡng mộ, sau cái chết của nàng lại càng dâng cao. Các truyện ngắn lừng danh của Ichiyo lần lượt được dựng thành những bộ phim nghệ thuật vào giữa những năm 1970, ở Tokyo mỗi sớm mai, đài phát thanh lật những trang nhật ký của Ichiyo ra và đọc với giọng truyền cảm ngân vang khắp xứ sở, làm sống dậy một linh hồn u uẩn, người con gái cuối cùng của Phù Tang xưa và người con gái đầu tiên của Nhật Bản mới.

Tiểu thuyết Một mùa thơ dại – Kiệt tác của trò chơi làm người

Một mùa thơ dại (Takekurabe) vừa xuất hiện đã ngay lập tức tỏa sáng. Hầu như các nhà phê bình đồng loạt nhìn nhận nó là kiệt tác mà không chút do dự sau khi nó được ấn hành đầy đủ vào tháng 4/1896.

Chính vì tác phẩm này mà Mori Ogai phải thốt lên: “Cho dù bị chế nhạo là kẻ thờ phụng Ichiyo thế nào đi nữa, tôi cũng không ngần ngại gọi nàng là thi nhân thượng thặng”.

Nhan đề Takekurabe (Một mùa thơ dại) có nghĩa đen là “So sánh chiều cao” bắt nguồn từ một tình tiết trong tác phẩm cổ điển Truyện Ise, trong đó đôi trai gái hồi tưởng về thời niên thiếu và những ngày tháng lớn lên bên nhau trên bờ dốc trưởng thành, cùng nhớ lại trò chơi đánh dấu chiều cao trên thành giếng nước.

Như vậy, Takekurabe có thể được hiểu là trò chơi thơ dại, tâm hồn thơ dại, là thế giới của những đứa trẻ đang dần lớn khôn, đang ở trên bờ dốc có nhiều biến chuyển thể lực và tâm lý, sự biến chuyển mà Truyện Ise đã biểu hiện tài tình qua bài thơ của chàng trai gửi cho bạn gái:

Khắc dấu chiều cao

bên thành giếng nước

vượt xa lúc nào

kể từ ngày cuối

nhìn em nao nao

Một mùa thơ dại ra đời từ tinh thần của bài thơ ấy, nhưng nó không diễn ra bên bờ giếng nước ở thôn quê như Truyện Ise của đầu thế kỷ 10 mà Ichiyo cho nó một địa điểm khác hẳn, đó là khu phố ăn chơi Yoshiwara ở Edo (Tokyo).

Vào năm 1893, Ichiyo mở một hiệu bánh kẹo nhỏ bé gần Yoshiwara. Tuy chuyện làm ăn này không thành công, nhưng nhờ đấy mà nàng có sự hiểu biết về đời sống Yoshiwara: con người, khung cảnh, màu sắc, âm thanh, mùi vị…

Từ đó, Yoshiwara được tái hiện tuyệt vời trong nhiều tác phẩm của nàng như Ogai nhận xét: “Điều lỗi lạc nhất là các nhân vật qua lại khu phố này không hề là những dã thú đội lốt người như các bản sao xây dựng nhân vật theo kiểu tác phẩm của Emile Zola, Ibsen, của những kẻ theo đuôi cái gọi là trường phái tự nhiên – mà họ là những con người rất thật, cùng với họ chúng ta có thể khóc cười…”.

Thật vậy, Một mùa thơ dại đầy ắp những chân dung rất sống động, khó mà quên, cả người lớn hay trẻ thơ nhưng chủ đề của nó là tình yêu thơ dại. Thế giới của cô bé Midori xinh đẹp, là em gái một kỹ nữ nổi tiếng và cậu bé Nobu hiền lành lặng lẽ, con trai của một nhà sư phàm tục.

Thế giới đó còn có những đứa trẻ khác như Shota ở cửa hiệu cầm đồ, Sangoro con trai người phu kéo xe, như Chokichi con trai đội trưởng cứu hỏa… Đám trẻ này, như mọi đứa trẻ ở những nơi khác, lớn lên bên nhau qua những trò chơi, học tập, lễ hội, cãi vã, đánh nhau… Chúng cũng làm những việc người lớn sai bảo như Shota đi thâu tiền lãi, Sangoro đi kéo xe…

Đúng hơn, chủ đề của tác phẩm không phải là “niềm thơ dại” mà chính là “niềm thơ dại bị đánh mất”. Chúng lần lượt đánh mất tuổi thơ của mình, leo lên bờ dốc của sự trưởng thành mà chấp nhận định mệnh, chấp nhận những vai trò mà người lớn giao cho chúng. Chúng không chọn lựa và không có quyền chọn lựa. Và đã đến cái ngày Midori vấn cao mái tóc theo phong cách Shimada của một thiếu nữ. Nàng biết mình sẽ phải đi theo con đường của người chị, làm một kỹ nữ.

Nhìn cô bạn gái bỗng lộng lẫy ra, Shota kinh ngạc. Trước đây, cậu từng nói đùa rằng cậu sẽ “mua” nàng khi nàng lớn lên. Bây giờ thì cậu sắp làm một ông chủ của cửa hiệu cầm đồ, liệu lời đùa “vô tội” xưa kia có ý nghĩa gì? Không hề đùa cợt, cậu sẽ mua một đêm của Midori, cô bạn nhỏ ngày xưa chứ gì? Dường như bài hát cuối cùng mà cậu hát là:

Ngày còn thơ

cùng hoa với bướm

mải mê chơi đùa

Mười sáu bây giờ

biết bao buồn khổ

tan tành cơn mơ

Đúng là sau đó, khi mà Midori ẩn mình vào phòng riêng, Shota đi quanh khu phố lặng lẽ, miễn cưỡng làm công việc của mình, không thiết hát ca gì:

“Hiếm khi người ta nghe Shota lại cất lên tiếng hát. Đêm đêm cậu ấy cầm đèn lồng đi quanh khu phố thâu tiền lãi. Bóng cậu đi dọc theo bờ mương nước trông lạnh lẽo quá”.

Nhưng Nobu mới thật là một nhân vật cô đơn. Nobu cô đơn và xa lạ ngay giữa gia đình của mình, giữa khu phố, giữa thời đại. Một phần do những hoàn cảnh ấy không cần có anh, một phần do bản chất quá mẫn cảm quá thanh khiết của anh.

Trước hết là gia đình. Cha anh là một nhà sư phàm ăn tục uống, tham lam và ích kỷ. Ông ta có một vợ hai con. Ngoài Nobu còn có đứa con gái Ohana. Ohana có nhan sắc, ông ta mở cho nàng một quán trà để nàng có thể bán cái duyên sắc ấy kẻo nó phí hoài đi. Ông ta bảo vợ đi bán kẹp tóc cho khách thập phương những ngày lễ chùa. Ông ta thích ăn thịt lươn và thường sai con trai đi mua, một công việc mà Nobu thấy nhục vì anh căm ghét mọi thứ tanh tưởi. Tại sao một người như thế lại là nhà sư cho được? Và mẹ anh, và chị anh – tất cả những gì họ làm đều khiến cho Nobu sợ hãi, hổ nhục.

Cạnh đó là cái khu phố Yoshiwara đầy náo động, đầy bạo lực và trụy lạc. Nó vây bọc tuổi thơ của Nobu. Nobu bị ném vào nó. Nó tồn tại cũng như thế giới của người lớn đang tồn tại mà không cần Nobu có chấp nhận hay không. Và thời đại, một thời đại quá nhiều hứa hẹn, khát vọng, giấc mơ… ở những thập niên cuối cùng của thế kỷ 19. Vào thời đại đó, những người phụ nữ được gì ở Yoshiwara và những đứa trẻ thơ được gì ở Yoshiwara?

Chính vì vậy, sự mất mát niềm thơ dại trong tác phẩm Một mùa thơ dại mang tính tượng trưng. Những Nobu, Midori, Shota không chỉ là những đứa trẻ của khu phố không có đêm. Họ còn là cả một thế hệ. Đó là “Một bi ca về sự tan biến của một thời đại ngây thơ trong xã hội Nhật Bản” (nhà phê bình John Lewell).

Hay nói rõ hơn như Robert Danly: “Một cách gián tiếp Một mùa thơ dại là bi ca về những vận hội mất mát, thể hiện niềm hối tiếc của thế hệ của thời đại mà Ichiyo sống, về một thời thơ dại và lạc quan đã bị tước đoạt quá phũ phàng”.

Tác phẩm kết thúc vào lúc Nobu, trước ngày khoác áo tu, để lại một đóa hoa thủy tiên vàng bằng giấy nơi thềm nhà Midori như một tình yêu bị tước đoạt.

“Một buổi mai mờ sương, ai đó đã để lại một đóa thủy tiên giấy trên thềm nhà nàng. Không có lời nhắn nào trong hoa, nhưng Midori vẫn đem đặt nó vào bình, ngắm nhìn trìu mến, nàng thấy nó không hoàn hảo chút nào tuy phảng phất buồn, trong dáng vẻ khô lạnh và cô đơn. Và rồi không biết từ đâu nàng nghe rằng sau ngày đó Nobu vào một tự viện, mặc lấy chiếc áo đen”.

Chính trong Một mùa thơ dại, Ichiyo trẻ trung và thầm lặng bước lên đài cao thiên tài.

Một thiên tài với tuổi xuân vĩnh cửu.

NHẬT CHIÊU

Mời các bạn đón đọc Một Mùa Thơ Dại của tác giả Higuchi Ichiyo.

Download ebook

Một Mùa Thơ Dại – Higuchi Ichiyo


FULL:


AZW3


EPUB


PDF


PRC

Download App tải ebook,sách nói, khóa học tốt nhất: https://h.nhuttruong.com/app
Website: https://www.trươngđịnh.vn
Page:https://www.facebook.com/truongdinhvn/
Mail:[email protected]

Bookmark (0)
Please login to bookmarkClose

[toc] Giới thiệu ebook Một Mùa Thơ Dại – Higuchi Ichiyo Tweet! TỦ SÁCH TINH HOA VĂN HỌC Tinh hoa văn học của nhân loại nào cũng cần được khám…

Bookmark (0)
Please login to bookmarkClose