Gập lại trang sách cuối cùng, tôi đặt bút xuống và bắt đầu viết ngay về nó. Một cuốn sách mà tôi ước mình được đọc vào năm 18, 20 tuổi, cái tuổi còn hoang mang và ngây dại, lao đao đi tìm đường cho chính mình. Một cuốn sách của người thầy mà tôi vô cùng kính trọng, Giáo sư Phan Văn Trường. Và tôi đang viết về “Một đời như kẻ tìm đường”.
Cuốn sách này là tác phẩm thứ 3 của thầy trong bộ sách “Kết tinh một đời” xuất bản cách đây một năm. Khác với hai cuốn sách được viết trước là “Một đời quản trị” và “Một đời thương thuyết” thầy dành tặng cho những người làm kinh doanh, những nhà đàm phán, cuốn sách thứ ba này thầy gửi tặng cho tất cả mọi người.
“Một đời như kẻ tìm đường” kể lại một cách trầm ấm những câu chuyện trong gần 70 năm sinh sống và làm việc tại hơn 80 quốc gia của thầy Trường, từ khi thầy còn là một cậu du học sinh nghèo trên đất Pháp tới khi đã trở thành một trong những người quyền lực nhất thế giới. Qua mỗi câu chuyện thầy kể, thầy đúc rút những bài học, những sai lầm không nên mắc phải trong chuyện chọn trường, chọn nghề, chuyện đi làm, văn hoá ứng xử, chọn một thái độ sống và làm việc đúng đắn, mà nổi bật nhất là văn hoá “nice and professional” và “hãy thật hồn nhiên”. Theo thầy, đó chính là chìa khoá để thế hệ sau bước đến đỉnh cao của tri thức và nhân loại.
Không chỉ chong đèn soi lối cho những ai đang loay hoay với sự nghiệp, thầy còn soi sáng và làm rõ một khía cạnh quan trọng khác của cuộc sống mà nhiều người trong số chúng ta sau đang dần quên lãng đi giá trị đích thực của nó. Đó là tình yêu! Qua từng trang sách, thầy gửi gắm một bài học đắt giá cho thế hệ sau cần phải nhớ. “Thuận vợ thuận chồng tát biển đông cũng cạn”. Thầy viết về tầm quan trọng của người đầu ấp tay gối với chúng ta, thầy dặn chúng ta phải biết trân trọng người bạn đời của mình. Vì chỉ khi có một hậu phương vững chắc như thế, mỗi cá nhân mới có thể nghĩ đến việc chinh phục thế giới rộng lớn ngoài kia. Thầy khẳng định, lựa chọn quan trọng nhất trong đời người chính là tìm ra người chồng/người vợ để bước cùng trên hành trình sắp tới.
Như bao người khác thầy cũng đã là một người cha. Thầy dành những trang cuối cùng để gửi tới những các bậc phụ huynh đang hoang mang và cố tìm cho con mình một con đường tốt. Thầy mong các phụ huynh hãy bình tĩnh, hãy tự do với con họ và cũng như tự do với chính mình. Hãy tin tưởng và bên cạnh các con như một “người bạn” để cùng con trải nghiệm và đừng áp đặt bất kỳ một quan điểm nào mà mình cho là đúng lên một đứa trẻ đang trên hành trình khám phá thế giới của riêng nó. Chính “tình bạn” ấy sẽ giúp họ hiểu hơn về con và về chính mình. Mỗi đứa trẻ rồi sẽ là một kỳ tích nếu như các bậc phụ huynh biết cách làm bạn chứ không phải áp đặt khi ở bên cạnh chúng.
“Một đời như kẻ tìm đường” không phải là quyển sách để ta đọc một, hai lần. Nó là cuốn cẩm nang cô đọng những gì tinh túy nhất từ 70 năm cuộc đời của một con người đã đi năm châu bốn bể, đã gặp gỡ hàng trăm ngàn người thuộc đủ thể loại màu da sắc tộc, văn hoá, tôn giáo. Từng bài học trong cuốn sách rồi chính chúng ta sẽ trải qua. Với những lời khuyên và bài học triết lý nhân văn sâu sắc từ Giáo sư Phan Văn Trường, tôi tin rằng cuốn sách “Một đời như kẻ tìm đường” sẽ trở thành một người bạn đồng hành đáng tin cậy của mỗi người trong chuyến hành trình cuộc đời còn dài phía trước.
Sách: Một đời như kẻ tìm đường của GS. Phan Văn Trường.
Đã lâu không đọc sách self-help và cũng đã rất lâu mới đọc được 1 quyển self-help mà chân thành, chân thực, có giá trị đến thế. Đọc xong đặt quyển sách xuống mà vẫn thấy trong lòng lâng lâng.
Vẫn là câu truyện tìm đường, trong đời người có biết bao nhiêu lần phải quyết định chọn 1 con đường cho mình. Biết bao lần băn khoăn, lo lắng liệu quyết định của mình có đúng, liệu quyết định đó có mang lại thành công, có mang lại hạnh phúc? Nhưng xét cho cùng chúng ta đâu có được thực sự lựa chọn, hay nếu có lầm tưởng là được chọn thì chẳng qua chúng ta cũng chỉ được chọn trong 1 nhóm nhỏ các lựa chọn mà thôi. Vậy thì phân tích làm gì, khi mà dữ liệu phân tích luôn không đầy đủ, thông tin ngày hôm nay cho là đúng thì ngày mai đã thành sai, và nhất là nếu đợi cho đến lúc đủ thông tin thì người khác đã quyết định trước mình rồi. Như tác giả đã trích dẫn: “Không có đủ thông tin thì những tính toán thiệt hơn hoàn toàn vô ích. Thà để linh tính phán quyết có lẽ tốt hơn. Sau đó tôi phó mặc hết cho ông trời. Muốn ra sao thì ra, kết quả thế nào cũng được, mặc kệ, chết thì thôi. Phương châm phải là chọn nhanh lên rồi tiến bước nhanh hơn nữa. Không một lựa chọn nào tốt cả nếu phần thực hiện ngập ngừng”. Và hơn hết hãy lựa chọn theo mong muốn, theo sở thích, “sướng thì hãy chọn, chứ đừng chọn để sướng”. Suy ra việc chọn nghề, “Sự thành công trong cuộc đời không đơn thuần là chuyện chọn nghề mà phần lớn xuất phát từ những cố gắng trong quá trình hành nghề. Nói một cách khác làm nghề gì bạn cũng có thể thành công, thậm chí có thể nổi tiếng nếu nỗ lực hàng ngày để trau dồi tay nghề của mình”.
Cuốn sách không dừng ở phạm vi tìm đường mà hơn thế nữa, dạy học làm người, dạy làm vợ, làm chồng, làm bạn, làm đối tác.
“Mỗi chúng ta không thể thất bại nếu mọi người chung quanh thực sự quý mến chúng ta. Được toàn xã hội yêu và trân trọng thì không thể nào thất bại, có phải thế không? Vậy thì mỗi khi chúng ta khoe nhà lầu, phô trường siêu xe, ca tụng con cái đẹp, kiêu ngạo với cuộc sống xa hoa thì chính chúng ra đang vô tình tạo ra những điều kiện để thất bại. Chẳng phải có xe, nhà, con đẹp là một tội, mà chính việc phô trương những thứ này mới là thiếu ý thức. Khoe là tự tách rời một chút khỏi xã hội bình thường. Khoe là tìm hạnh phúc trong sự khoái trá hơn người, và tất nhiên làm vậy cũng có nghĩa mình đang sống vì những gì người khác nghĩ về mình chứ không vì chính cảm nhận của bản thân.”
Lại nói về thành công, một trong những tố chất làm nên thành công mà thầy có nhắc đến, là tư duy hệ thống, thứ mà Thị vẫn hay nhắc đi nhắc lại nhưng chưa thể diễn đạt 1 cách trôi chảy. “Khả năng nối liền nhiều hiện tượng có liên quan với nhau trong lý luận là sự thể hiện của tư duy hệ thống. Lộ trình của thành công, hay của thất bại, là khả năng hiểu được các mối tương quan giữa vạn vật, giữa nhiều hiện tượng, mà ban đầu chúng ta có thể tưởng rằng các yếu tố đó hoàn toàn độc lập. Vậy muốn có được lý luận hệ thống thì chúng ta phải làm gì? Phải có nền tảng văn hóa tổng hợp tốt, lịch sử, địa dư, kinh tế, tài chính, khoa học…. Người đã có văn hóa tổng hợp sẽ không thể trở lại những lý luận ấu trĩ. Muốn có văn hóa tổng hợp thì rất cần đọc nhiều, tham khảo tài liệu chuyện môn…
Viết về nhịp sống, về thời gian: “Các bạn trẻ Việt Nam thì vội vàng. Họ sống giữa sự tà tà câu giờ và những sự đột xuất, cả 2 thứ lẫn lộn với nhau. Song song với đó, họ bị gia đình hối thúc, giục lập gia đình sớm, giục có con, giục về nhà, giục ăn, giục ngủ. Bao nhiêu chuyện cần phải giục nhưng không có lý do thực. Đến cả khi đi chơi đơn thuần thôi mà rồi cũng phải giục nhau dậy sớm tinh mơ, giục nhau ăn sáng, rồi giục nhau lên đường. Nhưng rút cục, mỗi chúng ta không đi nhanh hơn những người ở xứ khác, thậm chí hầu như mọi người đi đâu cũng tới muộn. Một trong những dân tục đủng đỉnh nhất là Thụy Sĩ. Họ chậm chạp, khoan thai, tà tà, đi chậm rãi, làm việc chậm rãi, ăn uống chậm rãi, nhưng rồi họ chẳng tới muộn hơn ai. Người Canada cũng thế, người Pháp cũng chẳng khác chi. Phải chăng chuyện hấp tấp vội vã là một bản tính chứ không phải một đòi hỏi thực của cuộc sống? Tuổi thọ trung bình của con người hôm nay đã cao hơn, tuổi lý tưởng để lập gia đình nên là trên 30. Với lứa tuổi đó bạn vẫn còn trẻ chán để sinh ra 2 đứa con. Còn trước đó, dù là con trai hay con gái, hãy cứ chơi vô tư, cứ tận hưởng cái tuổi thanh niên mà cha mẹ muốn bạn chấm dứt sớm. Bạn đừng quên là nếu có lập gia đình sau tuổi 40 đi chăng nữa, bạn vẫn còn phải sống với người vợ hay chồng thêm 30 hay 40 năm nữa. Phải chăng hạn kỳ vẫn còn quá dài” :v :v :v
Còn nhiều thứ hay lắm trong cuốn sách của thầy, có những thứ mình đã biết nhưng không sao viết ra được một cách đã đời như vậy. Có lẽ bài viết này còn quá là sơ sài để tóm tắt và nếu được hết cảm nhận về quyển sách. Nếu bạn quan tâm hãy đọc quyển sách nha!