Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương
Giới thiệu
Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương
Chu Nguyên Chương, một con người thông minh, tự tin, tự phụ, cũng là một ông vua đa tình và cực kỳ đa nghi. Nhà vua trị nước cứng cỏi, căm ghét công thần lão tướng liên kết chống đối triều đình.Để đảm bảo vương triều bền vững lâu dài, ngăn ngừa phản loạn, Chu Nguyên Chương đã trưng ra nhiều chứng cứ, giết hại hàng loạt văn võ đại thần, gây nhiều nỗi oan khiên, bao cảnh thương tâm, máu chảy đầu rơi. Chẳng qua cũng là tham vọng bá chủ của một con người, để đến lúc sắp băng hà mới bình tâm suy nghĩ lại.
Đọc Chu Nguyên Chương, xuôi theo dòng lịch sử, trải bao cuộc bể dâu, đọng lại là một nỗi ngậm ngùi thế sự…
Ngày 26 tháng chạp niên hiệu Long Phụng năm thứ mười hai (tức năm thứ 26 niên hiệu Chí Chính đời vua Nguyên Thuận Đế) thuộc vương triều Tống của Hàn Lâm Nhi.
Trời đã hoàng hôn.
Tại Qua Châu nằm về phía bờ bắc của sông Trường Giang.
Gió bấc thổi ào ào, hơi lạnh tràn ngập cả không gian, bông tuyết bay trắng xóa.
Một chiếc lâu thuyền (thuyền có nhiều tầng) trang trí đẹp đẽ, đang chòng chành giữa sóng nước bao la.
Lá cờ màu đỏ, chính giữa có chữ “Tống” màu vàng kim, đang bay phần phật giữa cơn gió lộng.
Hai dải lụa trên đầu cột cờ gió thổi tung bay phất phới. Bên trên hai dải lụa đó, là hai câu liễn: “Hổ bôn tam thiên trực đảo u yên chi địa; long phi cửu ngũ trùng khai đại Tống chi thiên” (Ba nghìn dũng sĩ đánh thẳng vào đất U Yên; rồng bay trên ngai vàng, mở lại cơ nghiệp của đại Tống).
Chiếc lâu thuyền đang căng buồm chạy nhanh về bờ phía nam. Ở phía sau có hai chiếc thuyền nhỏ bám sát theo, sắp sửa đến giữa dòng sông, thì một tướng lãnh trẻ tuổi từ trong khoang thuyền bước ra. Vị tướng này là Liêu Vĩnh Trung, Đầu lĩnh thủy quân của Ngô vương Chu Nguyên Chương. Ông ta đội một chiếc nón rộng vành màu đỏ, mình mặc chiến bào cũng màu đỏ, sau lưng giắt một lá cờ nhỏ màu đỏ có hai chữ “Mãnh Liệt”, trông rất oai vệ.
Ông ta quay sang binh sĩ cũng ăn mặc giống như mình, ra lệnh hạ buồm bỏ neo.
Chiếc lâu thuyền dừng lại giữa dòng sông. Hai chiếc thuyền nhỏ bám theo sau cũng dừng lại.
Một vệ sĩ trẻ tuổi từ trong thuyền bước ra, ngạc nhiên lên tiếng hỏi:
– Bẩm Liêu tướng quân, tại sao lại dừng thuyền ở đây? Ngày hôm nay không tiếp tục đi tới Ứng Thiên hay sao?
– Giữa gió tuyết, đường đi khó khăn, hơn nữa, trời cũng sắp tối rồi, vậy để cho long thể của Thánh Thượng được bình an, chúng ta nên neo lại giữa dòng sông ngủ qua đêm. Này, “Thiên Hộ” Vương Lâm, đêm hôm nay tôi và ngài sẽ cùng giữ nhiệm vụ túc vệ!
Vương Lâm lộ sắc vui mừng, vừa bước về hướng bắc của boong thuyền, vừa nói lẩm bẩm một mình:
– Nếu như vậy, thì trong đêm nay, Ngân Hoa quận chúa và Đinh Ngọc ngự sử sẽ đuổi theo kịp chúng ta rồi!
Ông ta bước đến sát cạnh be thuyền, đứng giữa gió tuyết đưa mắt nhìn về phía trước, cất tiếng hát to:
– “Mãn thành đô thị hỏa, quan phủ tứ xứ đóa, thành lý vô nhất nhân, Hồng quân phủ thượng tọa” (khắp thành đều là lửa, quan quyền đều chạy trốn, trong thành không có người, quân đỏ chiếm thượng phong).
Hát dứt lời, chừng như vẫn còn cao hứng, ông lại cất tiếng hát tiếp:
– “Thiên khiển ma quân sát bất bình, bất bình nhân sát bất bình nhân, bất bình nhân đối bất bình sự, sát tận bất bình phương thái bình”. (Trời khiến ma quân giết bất bình, người bất bình giết người bất bình, người bất bình đứng trước chuyện bất bình, giết hết bất bình mới được thái bình).
Suốt mấy ngày qua, tâm trạng của ông lúc nào cũng vui mừng phấn chấn.
Ông không phấn chấn sao được? Vì cuộc khởi nghĩa của Hồng Quân (quân đỏ) do Hàn Sơn Đồng, Lưu Phúc Thông, Từ Thọ Huy và Bành Oánh Ngọc cổ xúy và lãnh đạo, đã trải qua bao nhiêu trắc trở và bao nhiêu bước thịnh suy rồi! Trước hết, Hàn Sơn Đồng đã bị quan lại của vương triều nhà Nguyên bắt giết trước khi cuộc khởi nghĩa bùng nổ; sau đó thì Lưu Phúc Thông, Đỗ Tôn Đạo cùng đứng lên khởi nghĩa, chiếm lấy Dĩnh Châu; Bành Oánh Ngọc, Từ Thọ Huy chiếm lấy Kỳ Thủy. Từ Thọ Huy xưng đế trước tiên, lấy quốc hiệu là Thiên Hoàn, và dùng Bành Oánh Ngọc làm chủ tướng, chiếm lấy phần lớn vùng Hồ Bắc, Giang Tây, An Huy, Triết Giang. Lưu Phúc Thông, Đỗ Tôn Đạo, đón con trai của Hàn Sơn Đồng là Hàn Lâm Nhi đưa lên làm Đế, lấy quốc hiệu là Tống, lấy niên hiệu là Long Phụng, đặt kinh đô tại Bắc Châu, đánh chiếm phần lớn Hà Nam, An Huy. Trong nhất thời đâu đâu cũng có Hồng Quân, làm cho vương triều nhà Nguyên bị sụp đổ, khiến mọi người đều vui mừng cực độ!
Nhưng, có một điều không may, ấy là tình hình đã nhanh chóng xuất hiện sự bất lợi. Trước tiên Bành Oánh Ngọc bị thất lợi ở Hàng Châu, về sau lại bị một tên phản chủ giết chết; kế đó Lưu Phúc Thông đã sát hại Đỗ Tôn Đạo, tự mình đứng lên nắm quyền triều chính; trong khi đó thì Từ Thọ Huy lại bị một bộ tướng là Trần Hữu Lượng giết chết; một bộ tướng khác là Minh Ngọc Trân cả giận, tự mình đứng lên xây dựng nước Hạ tại Thành Đô. Chính vì vậy, nghĩa quân ở vùng lưu vực sông Trường Giang và Hán Giang đã bị suy yếu rất nhiều.
Nhân lúc nội bộ của quân khởi nghĩa có sự tranh giành ngôi vị, bọn thống trị vương triều nhà Nguyên bèn chụp lấy cơ hội đó để phản kích. Họ phái hai mãnh tướng của họ là Sát Hãn Thiếp Mộc Nhi và Lý Tư Tề, dẫn đại quân đi sát phạt quân khởi nghĩa.
Để cứu vãn tình thế, vương triều của “Tiểu Minh Vương” Hàn Lâm Nhi đã chủ động mở cuộc tấn công vào quân Nguyên, lần lượt phái ba cánh quân viễn chinh: Cánh phía đông do nhóm Mao Quí tiến đánh Sơn Đông; cánh trung ương do nhóm Quan Tiên sinh mở cuộc tấn công vào Đại Đô; cánh phía tây do nhóm Lý Hỉ Hỉ đánh vào Cam Túc và Thiểm Tây. Ba đạo quân viễn chinh này tạo nên những chiến tích hết sức bi hùng: Cánh trung ương đã đốt cháy Thượng Đô của vương triều nhà Nguyên; cánh phía đông đã đánh đại bại tướng hung ác Sát Hãn Thiếp Mộc Nhi. Nhưng, do những cánh quân của họ đều là những cánh quân đơn độc, không được chi viện, lại thiếu sự phối hợp về mặt chiến lược, cuối cùng đã bị quân Nguyên lần lượt đánh bại từng cánh một.
Sự thất bại của ba cánh quân nói trên, đã làm cho Tiểu Minh Vương bị yếu thế. Cho nên sau khi đánh bại được Sát Hãn Thiếp Mộc Nhi, họ vội vàng lui về giữ An Phong; nhưng sau đó lại bị viên tướng Lữ Trân của Trương Sĩ Thành đánh bại, Lưu Phúc Thông bị giết chết ngoài mặt trận; Tiểu Minh Vương đành phải cầu cứu với Chu Nguyên Chương, và được Chu Nguyên Chương đón về Trừ Châu.
Nếu ngay lúc đó Lý Tư Tề và Sát Hãn Thiếp Mộc Nhi xua quân tiến xuống phía nam, thì tình hình sẽ không thể tưởng tượng được. Cũng may là Sát Hãn Thiếp Mộc Nhi bị một tướng lãnh trong cánh quân viễn chinh ở phía đông giết chết, và quân đội của ông ta chuyển cho người cháu họ ngoại là Vương Bảo Bảo thống lĩnh. Nguyên Thuận Đế ban cho Vương Bảo Bảo một cái tên mới là Khoán Khoách Thiếp Mộc Nhi, và để cho tướng này cầm quyền thống lĩnh toàn bộ binh lực của vương triều nhà Nguyên, mở cuộc tấn công vào nghĩa quân. Nhưng, Lý Tư Tề không phục, đã đánh nhau với Vương Bảo Bảo tại vùng Trung Nguyên. Nguyên Thuận Đế tìm đủ mọi cách để dàn xếp nhưng không có hiệu quả…
Chính nhờ cuộc nội chiến giữa Lý Tư Tề và Vương Bảo Bảo mới cứu được quân khởi nghĩa ở vùng Trường Giang và Hoài Hà.
Chu Nguyên Chương và Trần Hữu Lượng trước tiên cùng nhau khởi nghĩa đánh người Mông cổ, nhưng về sau họ lại xung đột lẫn nhau. Qua trận đánh tại hồ Thẩm Dương, Trần Hữu Lượng bại trận và bị giết chết, khiến cho thế lực của Chu Nguyên Chương trở nên hùng hậu nhất. Chu Nguyên Chương đứng lên tự xưng là Ngô Vương.
Tiếp sau đó, Chu Nguyên Chương mở cuộc tấn công vào Trương Sĩ Thành, và bẻ gãy được hai cánh hai bên của tướng này là Hồ Châu, và Hàn Châu, rồi bắt đầu mở cuộc bao vây kinh thành Bình Giang (nay là Tô Châu).
Thanh thế của Chu Nguyên Chương rung chuyển cả miền nam lẫn miền bắc, làm cho khắp cả nước đều chú ý đến ông ta.
Sau khi lui về Trừ Châu được ba năm, Tiểu Minh Vương chỉ còn lại một số chiến tướng, nhưng họ bị Chu Nguyên Chương lần lượt lôi kéo hết, ngay cả những viên thị vệ và thái giám ở sát cạnh ông ta cũng là người của Chu Nguyên Chương. Đứng trước tình hình đó, “Tiểu Minh Vương” Hàn Lâm Nhi cảm thấy hết sức lo ngại, Chu Nguyên Chương núp dưới bóng của Tiểu Minh Vương, nay đã dần dần đủ lông đủ cánh, vậy ông ta có lấy oán báo ân hay không? Có nuốt chửng cả bà mẹ đã có công nuôi dưỡng ông ta không?”. Chính vì thế, những người tâm phúc của Tiểu Minh Vương như Ngân Hoa tiểu thư, Bành Phổ Thắng, và “Ngự Sử Đại Phu” Đinh Ngọc, lúc nào cũng nơm nớp lo sợ.
Trước đây năm hôm, Đinh Ngọc được mời đến Ứng Thiên, và khi trở về có bẩm lại cho Tiểu Minh Vương biết, Ngô Vương đã xây dựng cung điện cho Hoàng Đế xong, đồng thời, còn xin Tiểu Minh Vương gả công chúa Ngân Linh vừa tám tuổi cho người con trai mười hai tuổi của ông ta là thế tử Chu Tiêu, và nhờ Đinh Ngọc làm mai, để tác hợp cho người trưởng nữ của ông ta là Lâm An công chúa vừa năm tuổi với người cháu trai của đại tướng quân Bành Phổ Thắng, một vị tướng của Tiểu Minh Vương.
Nhóm người của Vương Lâm và Ngân Hoa tiểu thư, cũng như Bành Phổ Thắng, trong lòng vẫn lo sợ chuyện này là một mưu kế, nên tỏ ra không an tâm.
Ngày hôm qua, Vương Lâm theo hầu Tiểu Minh Vương ra đi trước, còn Ngân Hoa tiểu thư và Bành Đức Phổ, Đinh Ngọc thì cùng hộ tống những đồ vật trong cung của hoàng đế đi theo sau. Tất cả họ đều được bình an suốt đêm qua. Liêu Vĩnh Trung và tướng sĩ mà ông ta dẫn theo, lúc nào cũng tỏ ra hết sức lễ độ và cung kính. Chẳng những họ đối với hoàng đế luôn tỏ ra tôn trọng, mà ngay đến những người cũ của hoàng đế như Vương Lâm họ cũng nhất mực tôn trọng. Thấy vậy, Vương Lâm mới an tâm. Nhất là khi Vương Lâm liên hệ được với Ngân Hoa quận chúa, biết được tướng sĩ của Ngô vương chịu trách nhiệm chuyển vận đồ đạc trong cung luôn luôn tỏ ra tôn trọng nàng cũng như tôn trọng Bành Phổ Thắng. Cho nên, ông ta mới trút bỏ được nỗi lo buồn trong lòng suốt mấy năm qua.
Liêu Vĩnh Trung từ phía sau bước tới, đưa tay vỗ nhẹ vào vai của Vương Lâm, nói:
– Này, Vương Thiên Hộ, tôi và ngài cùng đi vào trong khấu kiến bệ hạ, để mời hoàng đế dùng cơm nhé!
Vương Lâm gật đầu đồng ý, rồi cùng Liêu Vĩnh Trung bước vào khoang thuyền, nơi có mặt Hàn Lâm Nhi.
Lúc bấy giờ Hàn Lâm Nhi đang cùng với Hoàng hậu Lưu Thị, và người con gái Ngân Linh ngồi quanh lò lửa nói chuyện. Liêu Vĩnh Trung vừa bước vào khoang thuyền, bèn quì xuống lạy hoàng đế và hoàng hậu.
Hàn Lâm Nhi vội vàng đứng lên đỡ ông ta, nói:
– Tướng quân là người trí dũng siêu quần, có lòng trung thành tuyệt đối, đúng là rường cột của vương triều nhà Tống, vậy không cần phải câu nệ lễ nghi. Trong chuyến đi này, lại càng nên đơn giản một số nghi lễ.
Liêu Vĩnh Trung đáp:
– Đứng trước mặt Thánh Thượng và Hoàng Hậu, mạc tướng nào dám thất lễ? Khi sắp sửa lên đường, Ngô vương từng có lời dạy, bất cứ lúc nào cũng phải giữ đúng nghi lễ vua tôi, không được tùy tiện.
Hàn Lâm Nhi gọi cung nữ dâng trà. Liêu Vĩnh Trung nhận lấy rồi tạ ân. Sau đó ông ta mới thỉnh thị với hoàng đế là phải chăng nên dùng cơm ngay bây giờ.
Hàn Lâm Nhi thấy trời đã tối, nên đồng ý mở tiệc.
Liêu Vĩnh Trung lui ra khỏi khoang thuyền, không bao lâu dẫn cung nữ bưng cơm và thức ăn bước vào. Ông ta còn giải thích là sợ họ nấu nướng không sạch sẽ, nên đích thân ông ta phải đến để xem xét.
Hàn Lâm Nhi cảm động, mời Liêu Vĩnh Trung và Vương Lâm cùng dùng cơm chung. Liêu Vĩnh Trung sau mấy lần thối thoát không được, bèn tạ ân, rồi cùng Vương Lâm ngồi đối điện nhau tại vị trí dưới chót để cùng dùng cơm với gia đình hoàng đế.
Sau mấy tuần rượu, vua tôi đều ngà ngà say. Hàn Lâm Nhi thấy Liêu Vĩnh Trung chăm chú nhìn một cô cung nữ, bèn tươi cười hỏi:
– Tướng quân năm nay bao nhiêu niên kỷ rồi?
Liêu Vĩnh Trung đợi đến hoàng đế hỏi lần thứ ba mới nghe thấy, vội vàng thu ánh mắt trở về, bừng đỏ đôi má, đáp:
– Mặc tướng đã sống độc thân suốt bốn mươi bốn năm qua!
– Đây chính là tuổi hoa niên đang cường tráng. Cô cung nữ họ Trúc này có sắc đẹp không tệ, vậy ta ban cho tướng quân để ngợi khen lòng trung thành của tướng quân.
Liêu Vĩnh Trung vội vàng quì xuống tạ ân.
Vương Lâm cũng vội vàng bưng ly rượu lên chúc mừng.
Mọi người lại uống thêm mấy tuần rượu. Liêu Vĩnh Trung đứng lên cáo từ nói:
– Tửu lượng của thần rất kém, xin tạ tội. Mời bệ hạ hãy ngủ sớm kẻo bị nhiễm gió lạnh. Này,Vương Thiên Hộ, từ đây tới giữa khuya do mạc tướng giữ nhiệm vụ túc vệ, từ giữa khuya trở về sau thì xin tướng quân chấp kích.
Hàn Lâm Nhi để cho người cung nữ họ Trúc đi theo Liêu Vĩnh Trung về khoang thuyền ở phía dưới. Vương Lâm tiễn chân họ đến boong thuyền.
Liêu Vĩnh Trung bước xuống khoang thuyền tầng dưới, dẫn người cung nữ họ Trúc đi vào phòng ngủ của mình, rồi gọi viên thị vệ trưởng Triệu Hưng dặn dò:
– Này Trường Thắng, hãy để lại một vệ sĩ lo việc cảnh giới trên thuyền, còn tất cả đều xuống thuyền nhỏ để lên bờ đón tiếp Ngân Hoa quận chúa.
Triệu Hưng tự Trường Thắng, là một chàng thanh niên không hơn hai mươi tuổi, có thân hình vạm vỡ, tuân lệnh của Liêu Vĩnh Trung để lại một vệ sĩ lớn tuổi mặt rỗ, rồi vội vàng bước theo Liêu Vĩnh Trung.
Liêu Vĩnh Trung bèn gọi người vệ sĩ mặt rỗ tới kề miệng sát tai nói thì thầm một lúc, rồi mới nói lớn:
– Phải chú ý cảnh giới, đừng để có sự sơ suất, bằng không thì hãy xách thủ cấp đến ra mắt ta! Chúng ta có nhiệm vụ đến đây nghênh đón vạn tuế, là việc vô cùng hệ trọng, nếu để xảy ra sơ suất thì chẳng riêng gì các ngươi, mà ngay như ta, cũng đều bị Ngô vương xử tử!
Người thị vệ mặt rỗ tuân lệnh. Anh ta không lên tầng trên, mà lại đi xuống khoang thuyền ở phía dưới.
Liêu Vĩnh Trung đi vào phòng ngủ rồi đóng cửa lại, ôm gọn người cung nữ họ Trúc đang thẹn thùng vào lòng.
Khi bức màn được vén lên, chỉ thấy người cung nữ họ Trúc nằm trên cánh tay của Liêu Vĩnh Trung như đang say rượu và đang lim dim ngủ.
Liêu Vĩnh Trung đỡ đầu người cung nữ họ Trúc nhè nhẹ rồi rút cánh tay của mình ra. Ông ta bước khẽ ra khỏi phòng ngủ, đi thẳng đến khoang thuyền dành riêng cho các vệ sĩ, trông thấy người vệ sĩ mặt rỗ đang ngồi uống rượu, bèn hỏi:
– Đã làm xong chưa? Bên trên có động tĩnh gì không?
– Xong cả rồi. Con nhổ tất cả những mũi đinh trên mấy tấm ván mà không hề gây ra một tiếng động nào. Số người ở trên đều ngủ như những con heo chết. Chỉ có vạn tuế gia vẫn còn đang dan díu với phi tử. Hí hí! Hí hí! Hí hí!…
– Hãy đi nào! Lên ngay thuyền con!
Khi mọi người đi đến boong thuyền, nơi cột chiếc thuyền con, thì gã vệ sĩ mặt rỗ không trông thấy người cung nữ họ Trúc đâu, bèn ngạc nhiên hỏi:
– Bẩm đại nhân? Sao lại không mang Trúc phu nhân theo?
– Đề phòng cô ta tiết lộ tin tức!
– Cái đó… bẩm đại nhân, cô ta là một mỹ nhân đẹp như hoa xinh như ngọc, thực đáng tiếc!
– Đừng có nhiều chuyện! Nếu để tiết lộ tin tức thì Ngô vương sẽ lấy mất cái đầu của chúng ta!
– Bẩm đại nhân… – gã vệ sĩ mặt rỗ nghĩ đến chốc lát nữa thì cô gái đẹp như tiên nga kia sẽ chôn xác vào bụng cá, cảm thấy hết sức bất nhẫn, nên đã quì ngay xuống đất dập đầu lạy, cầu xin với Liêu Vĩnh Trung:
– Bẩm đại nhân, hãy ban cô ta cho tiểu nhân đi nào. Tiểu nhân hứa sẽ không cho cô ta tiết lộ một lời nói nào cả, sẽ vĩnh viễn không bao giờ tiết lộ đâu!
Liêu Vĩnh Trung trừng mắt nhìn gã vệ sĩ mặt rỗ, rồi lẳng lặng tuốt nhanh thanh bảo kiếm ra, múa lên một lượt, tức thì chiếc đầu của gã vệ sĩ liền rơi xuống boong thuyền, lăn long lóc, đôi môi hãy còn mấp máy. Liêu Vĩnh Trung liền co chân đá mạnh một đá, tức thì đầu lâu của hắn và cả thân người hắn đều rơi đánh tõm xuống sông. Sau đó, ông ta lại huơ thanh gươm chặt đứt sợi xích sắt neo thuyền.
Chiếc lâu thuyền liền nghiêng qua một bên.
Liêu Vĩnh Trung nhảy xuống thuyền con, cầm lấy cây chèo, rồi cắt đứt sợi thừng cột thuyền, tiếp tục chèo sang bờ phía nam…
Chỉ trong chốc lát, ngự thuyền đã nghiêng hẳn về một bên, giữa gió tuyết thổi ào ào, và nhanh chóng chìm xuống nước. Trên ngự thuyền mọi người đang hỗn loạn.
Hàn Lâm Nhi và các phi tử đều lăn xuống sàn thuyền, to tiếng cầu cứu với các vệ sĩ ở bên cạnh; Vương Lâm và các vệ sĩ cũng lăn xuống sàn thuyền, đang cố gắng đứng lên. Giữa bóng tối, họ không trông thấy gì cả. Lưu hoàng hậu và Ngân Linh công chúa vừa kêu khóc vừa sờ soạng để tìm Hàn Lâm Nhi…
Vương Lâm trước tiên nhảy lên boong thuyền, qua ánh đèn lồng, ông ta nhìn thấy ở hông thuyền phía phải nước đang tràn vào, và chiếc thuyền con cột bên cạnh đấy cũng đã biến mất; ông ta hết sức hốt hoảng, sợ Liêu Vĩnh Trung gặp nguy, nên nhanh nhẹn chạy về phía trái nhìn qua, thấy đáy thuyền nơi đây cũng đang ngập nước, và chiếc thuyền con cột ở bên cạnh đã biến mất.
Tiếp đó, ông ta nghe tiếng kêu khóc của người cung nữ họ Trúc, bèn vội vàng chạy xuống tầng dưới và xông vào phòng ngủ của Liêu Vĩnh Trung, thấy người cung nữ họ Trúc thân thể lõa lồ, quì trên sàn thuyền đang cố đứng lên nhưng không thể đứng được.
Vương Lâm liền dùng một tấm vải trải giường khoác lên người nàng, rồi bồng nàng chạy ra khỏi phòng. Qua lời kể của người cung nữ họ Trúc, Vương Lâm mới biết Liêu Vĩnh Trung đã rời khỏi nàng từ lúc nào, và khi nàng vừa lăn xuống sàn thuyền thì hành động đầu tiên là mò mẫm đi tìm Liêu Vĩnh Trung, nhưng trong khoang thuyền không còn một bóng người nào khác.
Vì đang bồng người cung nữ họ Trúc, nên Vương Lâm không thể chạy nhanh được. Nhờ đó mà ông ta nhìn rõ một vũng máu to ở trên boong thuyền và sợi xích sắt đã bị chặt dứt.
Chu Nguyên Chương đã đủ lông đủ cánh, nên bắt đầu lấy oán báo ân, bắt đầu mổ con mắt của bà mẹ đẻ làm thức ăn cho mình!
Mời các bạn mượn đọc sách Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương của tác giả Hiếu Liêm & Phong Đảo (dịch).
Download
Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương
Giới thiệu Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương Tweet! Chu Nguyên Chương, một con người thông minh, tự tin, tự phụ, cũng là một ông vua đa tình và cực…