Max – Bi Kịch Chủng Thượng Đẳng

Giới thiệu

Max – Bi Kịch Chủng Thượng Đẳng




“Mong ước đầu đời của tôi là được sinh ra vào ngày 20 tháng Tư, vì đó là sinh nhật của Quốc trưởng. Nếu tôi sinh ra vào ngày 20 tháng Tư thì tôi sẽ được các vị Thánh của người Đức ban phước lành và người ta sẽ coi tôi như là đứa con đầu lòng của chủng người thượng đẳng, người Aryan. Đây là chủng người từ nay sẽ thống trị thế giới. Tôi là đứa trẻ của tương lai. Đứa trẻ được hình thành không có tình yêu. Không Chúa Trời. Không luật pháp. Không gì khác ngoài sức mạnh và sự vĩ cuồng. Heil Hitler!”

Cuốn tiểu thuyết hé lộ những sự thật lịch sử đầy ám ảnh về chương trình Lebensborn do Thống chế Himmler khởi xướng, nhằm tạo ra các đại diện thuần chủng của chủng người Aryan, thế hệ trẻ lí tưởng phụng sự cho sứ mệnh phục hưng nước Đức và sau đó là châu Âu nằm dưới sự chiếm đóng của Đế chế.

“Chiến thắng của những đứa trẻ phải tiếp nối chiến thắng của vũ khí.” – Thống chế Himmler

“Một cuộc sống được lên kế hoạch sẵn, được điều chỉnh dựa trên các thông số cụ thể đã thiết lập từ trước. Một cuộc sống được nuôi dưỡng bởi sự chết chóc.”

Một câu chuyện lịch sử đáng kinh ngạc và đau lòng mà chúng ta không thể chối bỏ.

Tác phẩm đã đạt 12 giải thưởng tại Pháp, được dịch sang tiếng Anh, Tây Ban Nha và được độc giả trên khắp thế giới đón nhận.

***

Nhi Nguyễn’s review

“Chúng ta đang ở ngày 19 tháng Tư năm 1936. Đã sắp nửa đêm.

Mong ước đầu đời của tôi là được sinh ra vào ngày 20 tháng Tư, vì đó là sinh nhật của Quốc trưởng. Nếu tôi sinh ra vào ngày 20 tháng Tư thì tôi sẽ được các vị Thánh của người Đức ban phước lành và người ta sẽ coi tôi như là đứa con đầu lòng của chủng người thượng đẳng, người Aryan. Đây là chủng người từ nay sẽ thống trị thế giới. Tôi là đứa trẻ của tương lai. Đứa trẻ được hình thành không có tình yêu. Không Chúa Trời. Không luật pháp. Không gì khác ngoài sức mạnh và sự vĩ cuồng. Heil Hitler!”

Đó chính là những suy nghĩ đầu tiên nhất hình thành bên trong bào thai Max, mà chỉ vài giờ nữa thôi sẽ chào đời đúng vào ngày 20 tháng Tư, sinh nhật của Quốc trưởng Hitler. Cậu bé chính là bản mẫu hoàn hảo của chương trình Lebensborn – nghĩa là Suối Sinh hay “ngọn nguồn sự sống” – do Thống chế Heinrich Himmler khét tiếng của Đệ Tam đế chế khởi xướng. Lebensborn là một chương trình trung tâm trong “tầm nhìn” đầy tham vọng của Hitler, muốn thanh lọc sắc tộc của toàn bộ thế giới, mà trước tiên là diệt trừ người Do Thái, và tạo nên một đội quân của “chủng tộc thượng đẳng Aryan” để thống trị nhân loại. Chương trình vô nhân đạo và sự điên cuồng của cả một đế chế đẫm máu này đã được tác giả Sarah Cohen-Scali miêu tả một cách tường tận, trực diện, chi tiết đến mức ngậm ngùi, thông qua cái nhìn của chính đứa trẻ sinh ra từ câu chuyện lịch sử đáng kinh ngạc và đau lòng mà chúng ta không thể chối bỏ này: Max.

Từ những suy nghĩ của một cậu bé sắp sửa ra đời, sắp sửa tìm đường đến cổ tử cung và rồi cửa mình của người mẹ để chui ra, để đến với thế giới như một phần của một thế hệ bị tẩy não, Max kể cho người đọc nghe, với một thái độ dửng dưng như thể chính cậu khi còn là một bào thai đã “thấm nhuần” những tư tưởng sai lạc khủng khiếp của Đức Quốc xã, câu chuyện về sự hình thành cậu cũng như hàng loạt những đứa trẻ khác trong cái gọi là “nhà trẻ” Heim ấy. Đó là câu chuyện của những người phụ nữ được tuyển chọn kỹ lưỡng gắt gao, đảm bảo không pha trộn dòng máu Do Thái trong gia phả, để sinh ra các đại diện thuần chủng của chủng người Aryan. Đó là câu chuyện của những cuộc truy hoan ngay trong cái “nhà trẻ” ấy, những cuộc giao hợp thể xác chỉ đơn thuần phục vụ mục đích sinh sản. 

Đó là câu chuyện của một thời đại khi mà những người phụ nữ đã qua chọn lọc chỉ được xem như những cổ tử cung biết đi, những con ngựa giống, cắn răng để cho các binh lính SS quan hệ tình dục với mình, mang thai, sinh hạ ra những đứa trẻ “chất lượng làm quà tặng Quốc trưởng”, để rồi sau đó phải chịu cảnh bị chia cắt với giọt máu của mình, sau khi đã “hoàn thành nhiệm vụ sinh sản”. Đó còn là câu chuyện của những thiếu nữ chưa đầy mười tám tuổi của Liên đoàn nữ thanh niên Đức – nhánh dành cho nữ của Đoàn Thanh Niên Hitler – bị cưỡng bức tập thể để mang thai và sinh ra những đứa bé như Max. Nhưng không phải đứa bé nào trong và sau quá trình chui ra khỏi bụng mẹ cũng được như Max. Bởi vì thời đại này cũng là thời đại mà trẻ sơ sinh trở thành một món hàng, một cỗ máy phục vụ cho một mục đích đẫm máu: chiến tranh, và rất nhiều em đã bị “loại bỏ” như những chú thỏ con trong quá trình đo đạc, sàng lọc và giữ lại những cỗ máy mạnh mẽ nhất, mang tính Aryan nhất. 

Nhân vật Max đã sinh ra và lớn lên trong một môi trường, một bộ máy vận hành kinh hoàng như thế, khi các bà mẹ chẳng khác nào dây chuyền sản xuất để tạo ra những “vũ khí chiến đấu” tương lai. Ngay từ những suy nghĩ đầu tiên, những trải nghiệm đầu tiên sau khi cất tiếng khóc chào đời, Max đã không được ban cho nhiều cơ hội để thực sự được sống trọn vẹn như một đứa bé sơ sinh với người mẹ ruột của mình. Đã có một sợi dây kết nối tình mẹ con hiện hữu giữa Max và mẹ, nhưng khi mẹ cậu bị đưa đi xa, Max cũng dần xóa luôn từ “mẹ” trong từ điển của mình. Cậu quả thật là bản mẫu hoàn hảo của những gì Quốc trưởng Hitler mong muốn từ chương trình Lebensborn, bởi thứ niềm tin sắt đá mà cậu dành cho “người cha” đã đích thân đặt tên cho cậu là Konrad von Kebnersol, và nước Đức mà “người cha” ấy đại diện.

Song hành cùng sự lớn lên của Max là những mặt tối khủng khiếp khác của chương trình Lebensborn được phơi bày. Đó là khi Max, khoảng chừng 6 tuổi, cùng những “nữ tu áo nâu” đi lùng tìm địa chỉ nhà của những gia đình Ba Lan có trẻ em tóc vàng mắt xanh giống Max, và sau đó là để SS đến bắt chúng đi. Chương trình Lebensborn giờ đây không chỉ tập trung vào trẻ em Đức nữa, khi mà Đệ Tam đế chế đã vươn cái vòi tấn công xâm chiếm của mình sang Ba Lan và nhiều nước khác ở châu u, như Hà Lan, Đan Mạch, Na Uy… Tham vọng của Hitler không chỉ là tạo ra những thế hệ chủng tộc Aryan thuần chủng trên đất Đức, hắn ta còn muốn tẩy não và cướp đi bản dạng dân tộc của những đứa trẻ tại các vùng đất mà hắn xâm lược, biến chúng thành những người Đức với tư tưởng sai lạc và vĩ cuồng. 

Cái tham vọng ấy đã gây nên những cuộc bắt bớ trẻ em Ba Lan ngay từ chính trong ngôi nhà thân thương của chúng, ngay từ trong vòng tay của những người mẹ nhất quyết không muốn giao nộp con mình, nhưng không thể nào chống lại sức mạnh của SS và những “nữ tu áo nâu”. Tham vọng ấy cùng những gì Max đã thấm nhuần trong tư tưởng với tư cách là bản mẫu hoàn hảo của Lebensborn, đã biến cậu trở thành một cỗ máy dẫn đường cho những cuộc chia cắt gia đình, rồi từ đó là những chuyến tàu đưa lũ trẻ bị bắt, hoặc đến những ngôi trường để chúng bị tẩy não, hoặc là đến trại tập trung…

Sự kinh hoàng của chương trình Lebensborn, sự khát máu và vô nhân đạo của Đức Quốc xã, được khắc họa qua đôi mắt của một đứa trẻ nhưng tư duy như một cỗ máy chiến đấu thực thụ, đã khiến mình vừa lạnh sống lưng, vừa nổi da gà, và có những đoạn khiến mình phải bật khóc. Nhưng mặc dù là bản mẫu hoàn hảo của chủng tộc thượng đẳng Aryan, là đứa con được dâng lên Quốc trưởng và Đệ Tam đế chế, thế nhưng Max, trong sâu thẳm con người cậu, vẫn chưa hoàn toàn mất hết tính người. Ban đầu là những cơn đau bụng khi cậu phải chia tay một số ít ỏi những con người gần gũi đã hiện diện trong cuộc đời cậu, một vài trong số đó đã phải bỏ mạng dưới họng súng của SS vì đã phản bội đế chế, nhân tính của Max càng ngày càng được bộc lộ rõ ràng hơn khi cậu đi học tại Napola, ngôi trường “đào tạo” nên những “con người thuần chủng Aryan tương lai”.

Tại ngôi trường ấy, Max đã gặp Lukas. Cậu là một người Ba Lan gốc Do Thái, nhưng với vẻ ngoài tóc vàng mắt xanh, cùng một người mẹ với tư tưởng hiện đại, đã không cho cậu cắt bao quy đầu khi còn nhỏ, Lukas dễ dàng được xếp vào nhóm những đứa trẻ thuần chủng Aryan. Những gì mà Đức Quốc xã đã làm với gia đình Lukas, sự kinh hoàng cùng giết chóc mà những người Do Thái ở Ba Lan đã phải gánh chịu dưới bàn tay của Hitler, thì không cần phải miêu tả nhiều nữa. Và vì lẽ đó, Lukas gia nhập “đội ngũ chiến đấu vì nước Đức” tương lai với tâm thế của một kẻ đi trả thù. Nợ máu phải trả bằng máu. Thế nhưng Lukas lại không trút sự trả thù ấy lên Max – đứa trẻ lẽ ra phải là kẻ thù của cậu, một bản mẫu hoàn hảo từ hình thức cho đến tư tưởng của cái bộ máy đã giết chết đồng bào cậu cơ mà. Và Max, dẫu biết Lukas là người Do Thái, là cái giống dân mà cậu cùng hàng loạt những đứa trẻ khác đã bị nhồi sọ là “xấu xa vô cùng”, lại không tố giác Lukas. 

Giữa hai đứa trẻ, một đứa 8 tuổi và một đứa 15 tuổi, Lukas gấp đôi tuổi Max, đã hình thành một mối kết nối như thể là anh em ruột với nhau. Max đã khóc khi nghe Lukas kể câu chuyện khủng khiếp của gia đình cậu, cái giá mà họ phải trả để cậu được đưa đến đây theo chương trình Lebensborn, mạng sống mà họ đã bị tước đoạt dưới sự thanh lọc sắc tộc của Quốc trưởng Hitler, cũng giống như Lukas đã khóc khi nghe Max kể câu chuyện về sự hình thành của cậu vậy. Nếu Max không còn tính người, nếu Max chỉ là một cỗ máy giết chóc đúng với mong muốn của Quốc trưởng, thì liệu cậu có thể hiện những cảm xúc như thế, cảm xúc khi mà càng ở gần Lukas, càng tiếp xúc với một người Do Thái không giống một chút xíu nào với thứ tài liệu tuyên truyền rác rưởi mà Đức Quốc xã đã nhồi cho cậu trong các tiết học, Max lại cảm thấy mình giống người Do Thái hơn cả Lukas?…

Cuốn tiểu thuyết càng đọc về sau càng lôi cuốn và hấp dẫn hơn, đặc biệt là khi đến thời điểm 1944 – 1945, quân Phát xít nói chung và quân Đức nói riêng càng tiến dần đến điểm thua cuộc và buộc phải đầu hàng vô điều kiện. Đó cũng là lúc mà ảo ảnh về một nước Đức hùng cường, về chủng tộc Aryan thượng đẳng trong suy nghĩ của Max dần dần sụp đổ. Xung quanh Max và Lukas lúc này là một Berlin hoảng loạn khi Thế chiến thứ hai tiến dần đến ngày kết thúc, khi Hồng Vệ quân của Liên Xô chuẩn bị tiến vào thủ đô. Quân đội Đức và Đức Quốc xã đã gây ra những khổ đau và tàn phá không thể nào đo đếm nổi đối với người Do Thái và các nước tham chiến, nhưng đồng thời, những người Đức bám trụ tại Berlin, đa phần là phụ nữ và các thiếu nữ chưa đầy đôi mươi, không đáng phải bị hôi của, bị cưỡng bức và ép buộc phục vụ tình dục cho những tên lính Hồng Vệ quân mà người Đức gọi là Ivan. Ấy vậy mà đó chính là những gì đã diễn ra giữa cái thời điểm Đệ Tam đế chế sụp đổ. Giữa một thời điểm như thế, Berlin lại đang làm tình, cay đắng thay, xót xa thay, như chính Max đã nhận ra, bởi vì đó chính là chiến tranh. Chiến tranh là thế, nó đến và quật ngã những người lính, nhưng đồng thời nó cũng lôi những người vô tội ở hậu phương vào vòng xoáy tàn phá của nó, sự tàn phá có lẽ để lại di chứng tinh thần còn khủng khiếp hơn rất nhiều. 

Và quân đội Xô Viết cũng không phải là những vị thánh trong sáng gì cả đâu. Bên cạnh những hành động cưỡng bức, ép buộc phụ nữ Đức quan hệ tình dục, hóa ra Liên Xô trước đó, vào thời điểm ban đầu của cuộc chiến, còn là đồng minh của Đức trong việc xâm chiếm Ba Lan cơ. Xô Viết cũng ghét người Do Thái như Đức Quốc xã thôi; đó là lý do vì sao Lukas không để lộ mình là người Do Thái, cho dù Hồng Vệ quân đã tiến vào Berlin, và lẽ ra cậu đã có thể được đưa đến nơi an toàn. (view spoiler)

Những dòng cuối cùng cuốn tiểu thuyết thực sự đã khiến mình nổi da gà khi đọc, bởi tính chân thực và trực diện của nó khi nhìn thẳng vào tác động của chiến tranh lên những đứa trẻ, vào những gì Đức Quốc xã đã gây ra cho Lukas, cho đồng bào của cậu, và cho Max:

““Chúng ta phải ra làm chứng, cả hai đứa. Tao làm chứng cho những điều chúng đã làm với người Ba Lan và người Do Thái. Còn mày, cho những gì chúng đã làm với mày.”

Tôi đã giữ lời hứa của mình.

Tôi đã không hiểu tại sao Lukas lại khóc khi nghe tôi kể câu chuyện này. Tôi cũng đã không hiểu ý nghĩa của từ “làm chứng”.

Nhưng bây giờ thì tôi đã hiểu. Điều này là bình thường. Tôi đã lớn. Tôi đã chín tuổi rưỡi.

Và tôi nghĩ rằng đối với một đứa trẻ, những năm tháng trong thời chiến được tính gấp đôi.”

***

Mã Phong’s review

*Bài viết tiết lộ nhiều chi tiết quan trọng trong truyện, các bạn nên cân nhắc trước khi đọc. (Nếu bạn hỏi mình: Có nên đọc cuốn sách này không? Mình sẽ trả lời: Có. Nếu bạn hỏi mình: Có nhất thiết phải đọc cuốn sách này không? Mình sẽ trả lời: Không.)

Mình tiếc, tiếc vì mình đã nghĩ rằng mình có thể cho cuốn sách này số điểm cao hơn.

Mình thích hai phần đầu của cuốn sách, có nhiều đoạn hay và những đoạn rất hay. Lâu lắm rồi, mình mới lại há hốc mồm nhiều đến như vậy, mới lại có một cuốn sách cho mình thấy thế giới này đáng sợ tới như thế nào và đúng là có nhiều chi tiết dường như là quá trưởng thành so với đối tượng độc giả trẻ như trang Cuckoo Review đã nhận xét chứ không phải chỉ là lời nói suông. Nhịp truyện nhanh, hấp dẫn cùng cách kể chuyện tốt đã làm mình rất hào hứng. Tuy nhiên, mình bắt đầu chán ở cuối phần ba và nản toàn tập ở phần bốn, tác giả vẫn biết cách tranh thủ chèn vào những chi tiết gây sốc ở thời điểm thích hợp, nhưng không còn làm mình bất ngờ nữa, không phải do mình bị hù hoài riết quen, mà vì thực sự là mình không thấy nó bất ngờ và chẳng thấy thích hay thấy nó hay tí tẹo nào cả (chi tiết sẽ nói rõ hơn ở phần sau). Và cái kết, trời ơi là trời, bình thường quá sức, ngoài câu cuối cùng đọc qua thì cũng sâu sắc đó, nhưng đọc xong rồi thì cũng quên đi mất luôn vì kết truyện làm cụt hứng quá chừng quá đỗi, nói là mình không kỳ vọng gì ở cái kết thì không đúng vì thật ra dù phần bốn làm mình chán lắm nhưng tổng thể truyện vẫn khá tốt nên mình cũng có niềm tin, mà cuối cùng lại kết như vầy thì thường quá, nói đầu voi đuôi chuột liệu có quá đáng không?

Về Max (hay Konrad von Kebnersol, thật ra mình thích gọi cậu là Konrad hơn): Không phải nhân vật yêu thích của mình nhưng vẫn là một người mà mình khá ưng (ban đầu) vì cách tác giả tạo ra cậu bé thật tuyệt, chắc là chỉ có tác giả nữ mới viết ra được những chương đầu một cách tỉ mỉ và thực tế đến như vậy. Nhưng mà, càng ở gần thằng cha Lukas thì Konrad càng “hết-Aryan” và “Do Thái hóa”, còn đâu một bản mẫu hoàn hảo của chủng tộc thượng đẳng nữa. Đúng là về sau Konrad vẫn thể hiện những tố chất mà chủng người này vốn có, nhưng không còn đậm nét và khiến mình ấn tượng mạnh như lúc đầu (mình vẫn nghĩ, không phải đợi tới lúc Konrad lần đầu tiên khóc ở cuối truyện thì cậu bé mới có tình cảm mà từ trước đó, ở nhiều phân đoạn Konrad cũng đã thể hiện cảm xúc của mình bằng cách này hay cách khác, mà mình nghĩ chứng đau bụng do rối loạn tâm lý là một ví dụ). Về sau mình thấy Konrad cũng như nhiều nhân vật mà mình đọc trong các truyện khác thôi, không nổi bật, không điểm nhấn, cộng thêm cái kết quá chán làm mình hầu như chẳng còn nghĩ gì về cậu nữa sau khi đọc xong. (À, những hành động của Konrad mình không phải đều đồng ý hết, nhưng có một hành động mà mình rất ghét, đó là lúc Konrad chỉ điểm các đứa bé đã chạy trốn vào khu rừng nơi có các bà mẹ đang đợi sẵn cho bọn lính biết và xua chó ra, đọc đoạn đó đúng là rất giận Konrad, nhưng lúc nghĩ lại thì với vai trò là một bản mẫu hoàn hảo của chủng tộc thượng đẳng, cậu làm vậy cũng vì Tổ quốc của cậu thôi, nhưng ghét thì mình vẫn ghét.)

Về Lukas: OK, lần xuất hiện đầu tiên của Lukas thật ấn tượng, kiểu như một thiếu niên quá hoàn hảo, tóc vàng mắt xanh chuẩn người Bắc Âu, cao ráo đẹp trai quá thích hợp để Đức hóa, mỗi tội cứng đầu và ngông. Ban đầu mình cũng khá thích anh chàng (chỉ sau người mà mình đề cập ở dưới), nhưng càng lúc càng nản với thằng cha này (mình phải kêu là thằng cha luôn là các bạn hiểu), toàn làm chuyện để Konrad lo lắng, mà đến lúc nó quan tâm thì toàn làm lơ, gây sự ở Kalish rồi giả vờ thích nghi ở Napola để giết hại dần các học viên người Đức và cuối cùng là suốt ngày làm tình với con nhỏ Ute (thiệt luôn, có bạn nào ghét chuyện tình cảm của Lukas với Ute như mình không vậy? OK, mình đã đọc qua một số truyện, mình hiểu rằng trong chiến tranh thì nhiều khi chẳng cần quan tâm gì tới chuẩn mực đạo đức cả, muốn làm gì thì làm, mình hiểu nhưng mình vẫn thấy chuyện tình giữa hai đứa này quá sến sẩm và chẳng cần thiết một chút nào, mà lúc Ute nghe Konrad tiết lộ Lukas là người Do Thái và hỏi có còn muốn làm tình với Lukas nữa không thì con nhỏ cũng im luôn, còn muốn nữa thì chắc cũng đến sợ con này). Vậy nên, lúc Lukas chết mình không thấy thương nó một chút nào luôn. Mình hiểu, Lukas là một người Do Thái sống giữa những người Đức và hắn có thể bị giết bất cứ lúc nào (mà thiệt ra mình nghĩ thằng chả có lẽ đã chết từ đời nào rồi nếu như Konrad không can thiệp, hoặc do tác giả không muốn Lukas chết sớm thôi, chứ các bạn biết đó, hồi ở Kalish, Wolfgang chỉ mắc một lỗi nhỏ hơn Lukas rất nhiều nhưng bị con mụ hiệu trường bắn một phát chết tươi), hoàn cảnh của Lukas cũng rất đáng thương, nhưng ghét thì mình vẫn ghét.

Về Bibiana: Ôi, nhân vật yêu thích nhất của mình. Thời lượng cô gái này xuất hiện thật ngắn, nhưng vừa vặn vô cùng, chứ nếu mà lại có màn tái ngộ giữa cô ta và Konrad (như cách mà cậu bé và mẹ sẽ gặp lại nhau sau này, mà mình thấy đoạn này quá nhạt, chi tiết mình sẽ xả hết bức xúc ở phần sau) thì chưa chắc ấn tượng của mình về cô gái này lại tốt đến như vậy. Lúc Bibiana nuốt hết các tờ giấy ghi địa chỉ, mình bị sốc thiệt sự, vì chưa bao giờ mình nghĩ tới tình huống này. Ban đầu, mình không hiểu, ngẫm nghĩ lại, Bibiana làm việc này sau khi trở về và trước đó nghe Konrad nói câu: “Mẹ của em là nước Đức, còn cha của em là Quốc trưởng!”. Mình nghĩ, ngay đến Konrad, chỉ là một cậu bé còn rất nhỏ thôi nhưng tất cả hành động đều hướng về Tổ quốc, trong khi đó những gì Bibiana đang làm lại phản bội lại dân tộc Ba Lan, thế nên cô mới quyết định nuốt hết các tờ giấy ghi địa chỉ để không gieo rắc thêm nỗi đau mất con cho nhiều gia đình người Ba Lan nữa.

Về bà tóc vàng: Đây chính là mẹ của Konrad, phần xuất hiện của bả ở phần một đầy cảm xúc và mình nghĩ chừng đó là đủ rồi. Mình có một câu hỏi: Bà tù nhân (Magda) đã bắt cóc Konrad là ai? Bả gọi tên con của bả là Maciej, và qua những gì Konrad cảm nhận được từ bà ta thì mình đã từng nghĩ bả chính là mẹ của cậu một thời gian dài. Mình cũng cảm thấy có gì đó không hợp lý, nhưng mình vẫn tin như thế. Rồi đùng một cái, Konrad và những người bạn chui xuống hầm và gặp bà tóc vàng, sau này bả bị những gã Ivan (tiếng lóng người Đức dùng để gọi người Nga) giết chết vì giữ tấm hình chụp cùng với Quốc trưởng và trên tay đang bế Konrad. Mình có bất ngờ khi biết bà tóc vàng là mẹ của Konrad không? Có. Mình có xúc động không? Không, không hề, có thể có một thứ cảm xúc gì đó trong mình lúc ấy, nhưng thoáng qua thôi, và mình không thấy thương cảm. Mình không hiểu, rốt cuộc bà tù nhân bắt cóc Konrad chỉ đơn thuần có đứa con tên Maciej và việc bả chết còn Konrad sống là để chứng minh sự thượng đẳng của chủng người Aryan thôi sao? Nhưng tại sao bả lại bắt Konrad, người mà tên tiếng Đức (Max) gần với tên của con bà ta trong tiếng Ba Lan? … Mình ước gì, bà tóc vàng đừng xuất hiện lại ở cuối truyện.

Bên lề: Nếu bạn muốn tìm hiểu nhiều hơn về người Đức (hoặc Đức Quốc Xã) trước và sau Chiến tranh thế giới thứ hai thì các bạn có thể đọc thêm một số cuốn sách sau (đây là những cuốn mình đã đọc và cảm thấy ổn):
Kẻ trộm sách: thích hợp để các bạn bớt ghét người Đức hơn, trong trường hợp bạn cũng là một người vốn có ác cảm với đất nước này giống như mình.
Sống sót ở Berlin: phần nào cảm nhận một nước Đức tươi đẹp (trong mắt bà Martha) nhưng cũng đầy nguy hiểm. Dòng thời gian trong cuốn này dễ theo dõi và sâu hơn so với MAX – Bi kịch của “Chủng tộc Thượng Đẳng”, phần Chiến tranh thế giới thứ hai diễn ra và kết thúc chỉ mang tính khái quát.
Phía Tây không có gì lạ: phần nào cảm nhận tính cách kỳ lạ của người Đức, cùng những tâm tư tình cảm của những thanh thiếu niên Đức “bất đắc dĩ” phải ra chiến trường.

P/S: Bản dịch ổn, nhưng mình ghét chữ “ý” cuối câu. Biên tập ở mức ổn chứ chưa tốt, mình không đếm lỗi, nhưng chắc chắn là có ba lỗi chính tả, hy vọng Wings Books sẽ cố gắng khắc phục điều này.

Đánh giá: 3,5/5 xuống 3/5

Mời các bạn mượn đọc sách Max – Bi Kịch Chủng Thượng Đẳng của tác giả Sarah Cohen-Scali.

Download

Max – Bi Kịch Chủng Thượng Đẳng

Bookmark (0)
ClosePlease login

Giới thiệu Max – Bi Kịch Chủng Thượng Đẳng Tweet! “Mong ước đầu đời của tôi là được sinh ra vào ngày 20 tháng Tư, vì đó là sinh nhật…

Bookmark (0)
ClosePlease login