Liệt Tử và Dương Tử

Liệt Tử và Dương Tử

 

Giới thiệu

Liệt Tử và Dương Tử

 

 

Vài lời thưa trước

Đọc bộ Đại cương triết học Trung Quốc (ĐCTHTQ)[1] của hai cụ Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê viết vào khoảng 1962-63, chúng ta có thể biết được khá nhiều về đời sống và triết thuyết của Dương tử (tức Dương Chu) và vị triết gia này được hai cụ sắp vào trong nhóm các triết gia lớn thời Tiên Tần như Khổng Tử, Lão tử, Mạnh tử, Trang tử, Mặc tử…; còn Liệt tử (tức Liệt Ngự Khấu) thì khác: trong phần tiểu sử, hai cụ chỉ ghi tóm tắt trong như sau:

“Liệt Ngự Khấu, sinh khoảng năm 430 (Khảo Vương) mất khoảng 349 (Hiển Vương).
Dương Chu, Quan Doãn, Lão Đam, Liệt Ngụ Khấu đồng thời với nhau mà không có tình thầy trò gì với nhau cả”. (ĐCTHTQ, trang 882).

Tại sao địa vị của Liệt tử, và cả bộ Liệt tử nữa, lại mờ nhạt như vậy? Một trong những lí do đó, như lời hai cụ bảo, là: “Bộ Liệt tử, chưa biết rõ tác giả là ai. Theo các học giả gần đây thì có lẽ là do người đời Nguỵ, Tấn viết rồi mạo danh là Liệt Ngự Khấu, một triết gia đời Xuân Thu”. (ĐCTHTQ, tr. 766).

Khoảng 10 năm sau, trong bộ Liệt tử và Dương tử[2] (LT&DT) này, cụ Nguyễn Hiến Lê cũng không tin là do Liệt tử viết, nhưng cụ bảo:

“Tuy nhiên, nếu chúng ta đọc kỹ tác phẩm, bỏ qua một bên những bài mâu thuẫn với tư tưởng chính trong bộ, và những bài trùng với những bộ khác, thì ta thấy bộ Liệt tử có hai phần chính:
– Một phần gồm những bài tản mác trong các thiên Thiên thuỵ, Hoàng Đế, Thang vấn, Lực mệnh… diễn những tư tưởng có ít nhiều hệ thống mà ta có thể tạm tin là của Liệt tử do người đời Chiến Quốc truyền miệng nhau rồi chép lại.
– Một phần gồm những bài trong thiên Dương Chu, có tính cách nhất trí, chép tư tưởng cùng cố sự của Dương Chu”.

Qua phân tích những bài trong phần sau, cụ Nguyễn Hiến Lê giúp chúng ta biết thêm đời sống và tư tưởng của Dương tử và qua phân tích những bài “có thể tạm tin” ở phần trước, cụ chẳng những giúp chúng ta biết thêm về đời sống và triết thuyết của Liệt tử, mà địa vị của Liệt tử cũng được cụ tôn lên ngang hàng với Dương tử và trên nhiều triết gia khác thời Tiên Tần. Theo cụ thì triết thuyết của Liệt tử “gần đạo Lão, mà cách phô diễn (dùng nhiều ngụ ngôn chứ ít lí thuyết) lại gần Trang. Không chê Khổng tử lắm, có cảm tình với Khổng là khác mà có chỗ lại cơ hồ như chịu ảnh hưởng của Mặc (…). Như vậy đủ cho chúng ta kết luận rằng Liệt là gạch nối giữa Lão và Trang. Học thuyết đó không sâu sắc bằng Lão, không rực rỡ bằng Trang (…); nhưng theo chúng tôi, Liệt tử vẫn xứng đáng đứng dưới Lão, Trang, trên nhiều triết gia khác thời đó, và ngang hàng với Dương tử”.

Lại khoảng 10 năm sau nữa, trong bộ Hồi kí[3] (HK), phần xét riêng các triết gia về chính trị thời Tiên Tần, cụ Nguyễn Hiến Lê sắp các triết gia làm ba phái: hữu vi, vô vi và cực hữu vi. Và theo cụ thì: “Phái vô vi chủ trương can thiệp rất ít (Lão tử) hoặc không can thiệp chút gì (Trang tử, Liệt tử) vào đời sống của dân, để mặc dân sống theo bản năng, trở về tính chất phác thời nguyên thuỷ, như vậy xã hội sẽ hết loạn. Có thể kể thêm trong phái này Dương tử và các ẩn sĩ không dự chút gì vào việc đời” (HK, tr. 550). Nghĩa là cụ vẫn tiếp tục xem Liệt tử là một triết gia tiêu biểu thời Tiên Tần. Điều này thật khác so với nhận định cụ và cụ Giản Chi lúc viết bộ ĐCTHTQ. Khi xét về quan niệm vô vi, vô trị trong phần Chính trị luận thì hai cụ bảo: “(…) tác giả bộ Liệt tử thì theo hẳn mà muốn chủ trương vô quân…”. (ĐCTHTQ, tr. 765). Hai cụ gọi là “tác giả” bộ Liệt tử mà không gọi là Liệt tử hay Liệt Ngự Khấu là vì các cụ cho rằng bộ Liệt tử không phải do Liệt tử viết như tôi đã nói ở trên. Trong phần Vũ trụ luận, tuy bộ Liệt tử được trích vài câu, nhưng hai cụ cũng không bảo là lời của Liệt tử. Ví dụ như: “Sách Liệt tử cũng nói: Cái không từ đâu sinh ra cả thì thường sinh ra cái khác… Cho nên cái sinh ra vật, chính nó không từ đâu sinh ra cả” (bất sinh giả thường sinh sinh… Cố sinh vật giả bất sinh 不生者常生生…故生物者不生). (ĐCTHTQ, tr. 181). Câu đó trích trong thiên Thiên thuỵ. Câu sau đây cũng trích trong thiên Thiên thuỵ và hai cụ cũng dè dặt ghi là “trong sách Liệt tử”: “Cái không biến hoá có thể làm cho tất cả cái khác biến hoá… Cái làm cho vạn vật biến hoá, chính nó không biến hoá” (Bất hoá giả năng hoá hoá… Hoá vật giả bất hoá 不化者能化化…化物者不化). (ĐCTHTQ, tr. 182).

Trong bộ LT&DT này, tuy cụ Nguyễn Hiến Lê chỉ lựa những bài “có thể tạm tin là tư tưởng của Liệt tử”, nhưng cụ đã khéo sắp xếp lại cho sáng sủa hơn, và nhất là trong đó có nhiều truyện “lí thú, nên đọc”, như lời cụ tự nhận định về bộ này trong Hồi kí:

Bộ Liệt tử chữ Hán không có tính cách nhất trí, nội dung rất tạp, chép cả về Dương tử, Khổng tử, Lão tử, Quan Doãn, Quản Trọng, Án tử…; lại thêm có nhiều bài mâu thuẫn, nhiều bài trùng với các tác phẩm khác; rõ ràng cuốn đó của người đời sau viết mà chỉ một số là môn đệ của Liệt tử thôi.
Tôi đọc kỹ, loại bỏ những bài nguỵ tác, chỉ lựa những bài diễn những tư tưởng có ít nhiều hệ thống, có thể tạm tin là tư tưởng của Liệt tử, và chắc chắn của Dương tử rồi chia làm hai phần: Liệt tử và Dương tử.
Riêng phần Liệt tử tôi lại chia thành 6 chương có nội dung nhất trí, việc mà trước chưa ai làm. Nhờ vậy bản của tôi không luộm thuộm như bản chữ Hán, sáng sủa hơn, có ý nghĩa hơn. Cuốn đó có nhiều truyện (huyền thoại, cố sự, ngụ ngôn) lý thú, nên đọc”. (HK, tr. 453).

Bộ Liệt tử chữ Hán gồm 8 thiên:

I. Thiên thuỵ 天瑞
II. Hoàng Đế 黃帝
III. Chu Mục vương 周穆王
IV. Trọng Ni 仲尼
V. Thang vấn 湯問
VI. Lực mệnh 力命
VI. Dương Chu 楊朱
VIII. Thuyết phù 說符

Mỗi thiên, cụ Nguyễn Hiến Lê chia ra làm nhiều bài, cả bộ gồm trên 140 bài. Trong bộ LT&DT này, cụ lược bỏ khoảng 30 bài mà cụ cho là “không quan trọng, ít lí thú, rồi gom hết các bài nói về Dương tử trong các thiên II, VI, VII, VII cho vào phần III nhan đề là Dương tử, còn tất cả các bài khác cụ cho vào phần II nhan đề là Liệt tử. Cụ bảo: “… chúng tôi có ý xét riêng tư tưởng của Liệt tử và Dương tử cho nên nhan đề bản dịch của chúng tôi là Liệt tử và Dương tử”. (Sách gồm 3 phần, phần I có nhan đề là Giới thiệugồm 5 tiết, trong đó có đến hai tiết viết về Liệt tử: Nhân vật Liệt Ngự Khấu, Tư tưởng của Liệt tử, nhưng chỉ có một tiết viết về Dương tử: Tư tưởng của Dương tử). Tuy nhan đề sách của cụ là Liệt tử và Dương tử, nhưng nhiều chỗ cụ chỉ gọi tắt là Liệt tử.

Với mỗi bài được tuyển dịch, cụ đều đặt cho một nhan đề và ghi thêm số thứ tự (cũng là tên gọi tắt của bài). Ví dụ như bài đầu của thiên Thiên thuỵ được cụ đặt nhan đề là Mẹ của vạn vật, và ghi thêm tên gọi tắt là gọi tắt là I.1: “Mẹ của vạn vật I.1”. Hai câu trích dẫn trong thiên Thiên thuỵ mà tôi chép lại ở trên, câu trước trong bài I.1, câu sau trong bài I.2. Cả hai câu đó, trong bộ LT&DT này đều được cụ Nguyễn Hiến Lê dịch lại. Trong bộ Trang tử (còn gọi là Nam Hoa kinh) có nhiều bài cũng chép trong Liệt tử, cho nên hầu hết các bài đã được cụ dịch trong LT&DT rồi thì cụ không dịch lại mà cũng không chép vào trong bộ Trang tử và Nam Hoa kinh (TT&NHK); riêng bài Liệt Ngự Khấu 1, đoạn chép trong bộ Liệt tử, tức trong bài Đừng làm cho người ta biết mình (II.14), cụ dịch lại “để sửa vài chữ”. Để tiện tham khảo, tôi chép đoạn dịch lại đó vào phần Phụ lục (sách không có phần này)[4]. Trái lại, có ít nhất là ba bài cụ không dịch trong LT&DT: II.4, II.20, II.5, nhưng lại được cụ dịch trong TT&NHK: Đạt sinh 2Đạt sinh 8, Điền Tử Phương 9. Ba bài này tôi cũng chép vào Phụ lục và tạm đặt tên ba bài đó là: Người say rượu té xeThuật luyện gà đáThuật bắn cung.

Ngoài các bài giống nhau đó, trong sách Trang tử, bài Tề vật luận 5 còn có đoạn kể chuyện gạt khỉ như sau: “Thư công phú, viết: “Triêu tam mộ tứ”. Chúng thư giai nộViết: “Nhiên tắc triêu tứ nhi mộ tam”. Chúng thư giai duyệt”. 狙公賦,曰:“朝三暮四。”眾狙皆怒。曰:“然則朝四而暮三。”眾狙皆悅. Cụ Nguyễn Hiến Lê dịch là: “Ông già nuôi khỉ, bảo chúng: “Tao cho chúng bây sáng ba [trái lật], chiều bốn [trái]. Chúng bây chịu không?”. Chúng đều bất bình. Ông già bèn bảo: “Thế thì sáng bốn [trái], chiều ba. Chịu không?”. Chúng đều mừng”. Tương ứng với bốn chữ “Triêu tam mộ tứ” là năm chữ “triêu tam nhi mộ tứ” 朝三而暮四 trong sách Liệt tử, bài II.19: Một cách gạt khỉ (bài này nhiều chi tiết hơn). Do đó mà có tài liệu bảo rằng xuất xứ của thành ngữ “triêu tam mộ tứ” là sách Trang tử, lại có tài liệu lại bảo là sách Liệt tử[5].

Về việc dịch lại, chúng ta còn thấy, ví dụ như trong phần Một, chương III, lời của Khổng tử được cụ trích dẫn để so sánh phép tu luyện gồm bốn giai đoạn của Liệt tử với phép tu luyện gồm năm giai đoạn của Khổng tử, cũng được cụ dịch lại trong cuốn Luận ngữ (chương Vi chính). Sự khác biệt rõ nét nhất ở câu: lục thập nhi nhĩ thuận 六十而耳順. Trong LT&DT này, cụ dịch là: “sáu mươi tuổi thì lời nào lọt vào tai là ta hiểu ngay”; còn trong Luận ngữ, cụ dịch là: “sáu mươi đã biết theo mệnh trời (chữ nhĩ ở đây không có nghĩa là tai, mà có nghĩa là dĩ = đã)”[6]. Lời của Khổng tử tuy sau này được cụ dịch lại, nhưng vì lời đó, cụ chỉ dùng để so sánh các giai đoạn tu dưỡng của Liệt tử và Khổng tử, nên không ảnh hưởng gì đến nhận định của cụ về tư tưởng của Liệt tử. Tương tự như vậy, bài II.14 tuy cũng được dịch lại, cũng không ảnh hưởng đến cái ý của câu: “Hình như Liệt tử không lãnh một chức vụ gì cả, có lần qua nước Vệ vì ở Trịnh đói kém, một lần khác qua Tề nửa đường trở về (bài II.14), vì ngại vua Tề sẽ giao phó trọng trách cho, ông ta phải gắng sức mà không được an nhàn”.

Tôi không biết trong bộ LT&DT này có câu nào, bài nào được dịch lại trong các tác phẩm cụ mà viết sau bộ này như Trang tửHàn PhiTuân tửMặc họcLão tửLuận ngữKhổng tửKinh Dịch, thực sự ảnh hưởng sự nhận định của cụ về tư tưởng của Liệt tử hay không, nhưng dù có ảnh hưởng ít nhiều đi nữa thì đến khi viết bộ Hồi kí, xét về tư tưởng chính trị, địa vị của Liệt tử vẫn được cụ tiếp tục đặt lên hàng các triết gia tiêu biểu của thời Tiên Tần, cụ thể là được kể tên trong phái vô vi cùng với Lão tử, Trang tử và Dương tử. Tuy nhiên, sau bộ Hồi kí, đến bộ Sử Trung Quốc, cũng xét về tư tưởng chính trị, thì trong phái vô vi cụ chỉ kể đến Lão tử, Trang tử và Dương tử, còn Liệt tử đã không được cụ nhắc đến. Có lẽ cụ cho rằng tư tưởng chính trị của Liệt tử không có gì đặc sắc, gần giống như tư tưởng của Trang tử và Dương tử ở điểm “không cần trị dân” mà lại không được diễn rõ ràng như Trang tử và Dương tử nên cụ đã không nêu Liệt tử ra. Tuy nhiên, vì trong Sử Trung Quốc, cụ không xét đến các quan điểm về vũ trụ, tri thức và nhân sinh của các triết gia thời Tiên Tần nên ta không thể dựa vào đó mà bảo rằng cụ không còn bảo lưu ý kiến cho rằng “Liệt tử vẫn xứng đáng đứng dưới Lão, Trang, trên nhiều triết gia khác thời đó, và ngang hàng với Dương tử”.

Nhưng dù thế nào đi nữa thì LT&DT vẫn là một tác phẩm “nên đọc” vì trong đó có nhiều truyện “rất lí thú”, “thỉnh thoảng được trích dẫn trong các sách, báo, đặc biệt là trong bộ Cổ học tinh hoa[7] (CHTH) của Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân, như truyện Bệnh quên, Mất dê, Người kiếm củi được con hươu, Lo trời đổ, Ngu Công dọn núi…, những truyện ai cũng phải nhận là những ngụ ngôn quí nhất của nhân loại”. Có khá nhiều bài mà nhan đề trong CHTH và nhan đề của bài tương ứng trong LT&DT không giống nhau, ví dụ bài Bệnh quên và bài Mất dê trong CHTH chính là bài Quên hết lại sướng và bài Mất cừu trong LT&DT.

Bài Mất cừu, khởi đầu bằng mấy chữ Dương tử chi lân vong dương 楊子之鄰人亡羊, là bài VIII.23, tức là bài 23 của thiên VIII: thiên Thuyết phù 說符; nhưng theo bản Xung hư chân kinh – Liệt tử chữ Hán do bác Vvn chia sẻ trên trang e-thuvien.com, tạm gọi là bản Vvn, thì bài (không có nhan đề, ta cũng có thể gọi là đoạn) bắt đầu bằng mấy chữ đó lại là bài 25 (tạm gọi là bài Thuyết phù 25)[8].

Theo cụ Nguyễn Hiến Lê thì bản gốc do Trương Trầm sưu tập chỉ chia thành tám chương, mỗi chương chẳng những không được chia thành bài mà in cũng không xuống dòng. Từ bản không được chia ra thành bài đó, mỗi nhà tự chia lấy, do vậy mà có chỗ không giống nhau. Ví dụ như thiên Thuyết phù, số bài trong bản của cụ Nguyễn Hiến Lê (bản NHL) ít hơn so với số bài trong bản Vvn, vì bài VIII.1 trong bản NHL gồm hai bài 1 và 2 trong bản Vvn, bài VIII.17 gồm hai bài 18 và 19, do vậy mà bài VIII. 23 trùng với bài Thuyết phù 25 như tôi nói ở trên. Cũng có vài trường hợp ngược lại như bài Dương Chu 17. Bài này cụ Nguyễn Hiến Lê chia ra thành ba bài:

  • Bài VII.18: Loài mọt của trời đất (bắt đầu bằng mấy chữ: Dương Chu viết: Phong ốc, mĩ phục).
  • Bài VII.19: Bỏ trung nghĩa đi (bắt đầu bằng: Trung bất túc dĩ an dân).
  • Bài VII.20: Lợi và hại của danh (bắt đầu bằng: Dục tử viết: Khứ danh giả vô ưu).

Hai bài VII.18 và VII.19 chép lời của Dương tử nên cụ Nguyễn Hiến Lê sắp hai bài đó vào phần III: Dương tử; còn bài VII.20 tuy cũng thuộc thiên Dương tử, nhưng vì ghi lời của Dục tử chứ không phải lời của Dương tử nên cụ sắp vài phần II: Liệt tử. Tuy sắp vào phần II: Liệt tử, nhưng khi xét về triết thuyết của Liệt tử, cụ Nguyễn Hiến Lê không nhắc đến bài luận về chữ danh này.

Trong 8 thiên, chỉ có mỗi thiên II: Hoàng Đế là cả hai bản đều chia thành 21 bài. Thiên này, trong LT&DT cụ Nguyễn Hiến Lê tuyển dịch 13 bài, trong Phụ lục tôi chép thêm 3 bài nữa như đã nói ở trên, như vậy thiên II chỉ còn 5 chưa dịch: II.8, II.11, II.13, II.17, II.18.

Trong quá trình gõ tác phẩm này, có lúc tôi chép theo bản của nhà Lá Bối, chắc là in năm 1972 (tôi dùng bản scan đăng trên http://timsach.com.vn; bản scan này thiếu một số trang), có lúc tôi chép theo bản của nhà Văn hoá Thông tin – năm 2002. Nếu bản này có chỗ nào ngờ sai thì tôi đối chiếu bản kia để, nếu sai, tôi sẽ châm chước sửa lại, mà hầu hết các chỗ sửa lỗi đó tôi không chú thích.

Ngoài việc cung cấp bản chữ Hán, như đã nói trên, bác Vvncòn nhiệt tình giải đáp cho tôi những thắc mắc liên quan đến chữ Hán. Xin chân thành cảm ơn bác Vvn, và xin chia sẻ cùng các bạn.

Goldfish
Tháng10-2009
Bổ sung tháng 12-2011

***

Ngay ở nước ta, cả trong giới tân học, tên Liệt tử cũng khá quen thuộc. Hầu hết chúng ta đều biết rằng tư tưởng của ông giống tư tưởng Lão, Trang và tuy chưa đọc cuốn Liệt tử vì chưa ai dịch nhưng ít nhất chúng ta cũng được biết dăm ba truyện rất lí thú trong cuốn đó thỉnh thoảng được trích dẫn trong các sách, báo, đặc biệt là trong bộ Cổ học tinh hoa của Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân, như truyện Bệnh quênMất dêNgười kiếm củi được con hươuLo trời đổNgu Công dọn núi…, những truyện ai cũng phải nhận là những ngụ ngôn quí nhất của nhân loại.

Ở Trung Hoa, cuốn Liệt tử được tôn xưng là một cuốn kinh: Xung hư chân kinh, từ năm 742[9] (năm thứ nhất niên hiệu Thiên Bảo vua Đường Huyền Tôn), rồi tới đầu thế kỉ XI, đời vua Tống Chân Tôn, lại được thêm hai chữ “chí đức” nữa, thành: “Xung hư chí đức chân kinh” (Xung hư có nghĩa là hư không). Như vậy là cuốn đó được đặt ngang hàng với Đạo Đức kinhNam Hoa kinh, hoặc Thi kinhThư kinh, và Liệt Ngự Khấu (tức Liệt tử) cũng được đặt ngang hàng với các triết gia lớn nhất thời Xuân Thu, Chiến Quốc, như Khổng Khâu, Lão Đam, Trang Chu.

Vậy mà các học giả Trung Hoa gần đây viết về cổ triết của họ, như Hồ Thích, Phùng Hữu Lan, Vũ Đồng không nhà nào để riêng một chương nói Liệt tử, trong khi họ phân tích những triết gia khác chúng ta ít nghe tiếng, chẳng lưu lại một thiên, một chương sách nào cả, như Trần Trọng Tử, Hứa Hành, Doãn Văn…

Dĩ nhiên các học giả đó không khi nào bỏ sót một cuốn như Xung hư chân kinh mà không đọc, nhưng đọc rồi, họ chỉ trích vài câu trong Thiên Thuỵ (về vũ trụ) và dùng trọn mỗi một thiên (Tác phẩm gồm tám thiên) tức thiên Dương Chu, để viết không phải về Liệt Ngự Khấu, mà viết về Dương Chu, và viết rất kỹ nữa. Chẳng hạn Hồ Thích trong cuốn Trung Quốc cổ đại triết học sử đại cương bỏ ra 6 trang, Phùng Hữu Lan trong bộ Trung Quốc triết học sử bỏ ra mười trang nghiên cứu học thuyết Dương Chu.

Sự kiện cơ hồ khó hiểu đó có ba lý do thuộc về:

  • nhân vật Liệt Ngự Khấu.
  • nguồn gốc tác phẩm Xung hư chân kinh.
  • và học thuyết trong tác phẩm đó.

Dưới đây chúng tôi tuần tự xét từng điểm đó một.

I. Nhân vật Liệt Ngự Khấu
II. Nguồn gốc tác phẩm Xung Hư Chân Kinh
III. Tư tưởng của Liệt Tử
IV. Tư tưởng của Dương Tử
V. Bản dịch của chúng tôi

***

Trong di sản đồ sộ của Nguyễn Hiến Lê thì có rất nhiều tác phẩm họ không chịu in lại – chắc vì khó đến được số đông. Nguyễn Hiến Lê dành toàn bộ năm tháng cuối đời để viết về “Bách gia chư tử” và nhiều cuốn sau khi in lần đầu vào năm 1993 chưa bao giờ in lại cả. Nay được tái bản, nhiều bạn quan tâm sẽ lần đầu được tiếp cận.

Mời các bạn đón đọc Liệt Tử và Dương Tử của tác giả Nguyễn Hiến Lê.

 

Download

Liệt Tử và Dương Tử

 


FULL:  

 


AZW3


EPUB


MOBI


PDF

 

Bookmark (0)
Please login to bookmarkClose

  Giới thiệu Liệt Tử và Dương Tử     Tweet! Vài lời thưa trước Đọc bộ Đại cương triết học Trung Quốc (ĐCTHTQ)[1] của hai cụ Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê…

Bookmark (0)
Please login to bookmarkClose