Lịch Sử Giáo Hội Công Giáo ebook PDF-EPUB-AWZ3-PRC-MOBI

Lịch Sử Giáo Hội Công Giáo ebook PDF-EPUB-AWZ3-PRC-MOBI


FULL:


AZW3


EPUB


MOBI


PDF

[toc]


Giới thiệu

Lịch Sử Giáo Hội Công Giáo

ebook PDF-EPUB-AWZ3-PRC-MOBI


Khi Phúc Âm được loan truyền cho đến tận cùng trái đất bởi những nhà thừa sai Công Giáo vào nửa đầu thế kỷ mười bảy, Âu Châu đã đắm chìm trong các cuộc chiến tôn giáo cay đắng giữa người Công Giáo và Tin Lành và giữa các quốc gia theo Tin Lành. Cuộc chiến sau cùng xảy ra ở nước Ðức. Cuộc chiến Ba Mươi Năm (1618-1648) được chấm dứt bằng Thỏa Ước Westphalia (1648), nó đã đem lại cho người Công Giáo, Luther và Calvin ở Ðức sự bình đẳng trước pháp luật. Trên thực tế, mỗi quốc gia hay mỗi vùng trong nước đều có một Giáo hội Kitô giáo riêng và tín đồ của các giáo phái khác sống tại lãnh thổ đó thường bị bách hại trực tiếp hay gián tiếp. 

 

Tuy nhiên, trong mỗi vùng của Giáo Hội phân ly, vẫn có nhiều nơi mà Tin Mừng của Ðức Giêsu Kitô bừng cháy một cách chói lọi. Chắc chắn rằng Giáo Hội Công Giáo vẫn mong tìm ra cách củng cố đời sống Công Giáo ở Âu Châu, cũng như để lan tràn đức tin Công Giáo trên toàn thế giới. Cho đến nay, Giáo Hội Công Giáo đã vượt qua được những thử thách lớn lao và tồn tại với một sinh lực được đổi mới.

***

CHƯƠNG I: GIÁO HỘI DƯỚI NHÃN QUAN CÔNG GIÁO

Hoạch Ðịnh của Thiên Chúa: Hình Thành một Dân Tộc

Kitô Giáo là gì? Công Giáo là gì? Ðó chỉ là một triết lý sống, một mớ giáo huấn, hay các quy tắc hướng dẫn đời sống?

Không phải vậy, Kitô Giáo không phải là một lý tưởng mà là một thực thểcó mặt trong lịch sử loài người. Kitô Giáo đề cập đến:

Một con người: Ðức Giêsu Kitô, vị “sáng lập” Kitô Giáo.

Một dân tộc: mà Thiên Chúa đã hình thành trên mặt đất này.

Một lối sống: mà Thiên Chúa đã ban cho dân của Người.

Những chương sau đây sẽ nhìn đến bản chất và lịch sử của một dân tộc mà Thiên Chúa đã mời gọi và hình thành trên trái đất: dân tộc của Chúa.

Làm thế nào để biết Kitô Giáo và Công Giáo chính yếu đề cập đến sự hình thành một dân tộc của Thiên Chúa để trở nên dân riêng của Người? Chúng ta hãy nhìn đến Phúc Âm, được linh ứng để ghi lại sự mặc khải và công việc của Thiên Chúa.

Cựu Ước là câu chuyện của một dân tộc mà Thiên Chúa đã mời gọi và dạy dỗ để đưa loài người trở về với tình bằng hữu của người , sau sự bất tuân của Adong và Evà. Ông Abraham là “tổ phụ” của dân tộc này vì đã trung thành đáp ứng lời mời gọi của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã “giao ước” với Abraham, một thỏa thuận chính thức, làm nền tảng cho sự tương giao giữa Thiên Chúa và dân của Người. Kitô Hữu gọi giao ước với ông Abraham và dân Do Thái (Hebrew) là “Cựu Ước” vì sau này nó được thay thế bằng “Tân Ước,” như đã được tiên đoán bởi Giêrêmia, một ngôn sứ.

“Ðây Ðức Chúa phán: Sẽ đến ngày Ta lập một giao ước mới với nhà Israel và nhà Giuđa, không giống như giao ước Ta đã lập với cha ông chúng khi Ta cầm tay dẫn họ ra khỏi đất Ai Cập; chính chúng đã vi phạm giao ước của Ta. … Nhưng đây là giao ước Ta sẽ lập với nhà Israel sau những ngày đó - Ðức Chúa nói như vậy. Ta sẽ ghi luật lệ của Ta vào lòng dạ chúng, và Ta sẽ khắc luật ấy vào tâm khảm chúng. Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng sẽ là dân của Ta. Chúng sẽ không còn phải dạy bảo nhau, không còn kẻ này nói với người kia: ‘Hãy biết Ðức Chúa,’ vì tất cả chúng, từ người nhỏ đến người lớn, sẽ biết Ta - Ðức Chúa nói như vậy. Ta sẽ tha thứ tội ác chúng và không còn nhớ đến lỗi lầm của chúng nữa” (Giêrêmia 31:31-34).

Cựu Ước kể cho chúng ta nghe về lòng thương xót và sự kiên nhẫn của Thiên Chúa trong việc hình thành và dạy dỗ người dân thời Cựu Ước, được gọi là dân Do Thái. Tuy nhiên, ngôn sứ Giêrêmia nhắc nhở chúng ta rằng Cựu Ước thì hạn hẹp và không hoàn hảo. Lối sống mà Thiên Chúa đã ban cho dân thời Cựu Ước được nói rõ trong Lề Luật, nhất là Mười Ðiều Răn mà Thiên Chúa đã ban cho dân qua ông Môisen; nhưng người dân thường vi phạm Lề Luật vì nó chỉ bề ngoài, không được “viết vào tâm hồn của họ.”

Cựu Ước không phải là hoạch định sau cùng của Thiên Chúa. Người chuẩn bị người dân thời Cựu Ước cho một điều gì đó – tốt đẹp hơn. Thiên Chúa chuẩn bị họ để đón nhận sự giáng thế của Ðấng Thiên Sai, “người được xức dầu” của Thiên Chúa sẽ thiết lập Tân Ước để bổ sung và hoàn tất công trình của Thiên Chúa. Tân Ước tiếp tục câu chuyện của Chúa trong sự hình thành mộtdân tộc, dân tộc của Thiên Chúa thời Tân Ước.

Thiên Chúa có nhiều điều vô cùng ngạc nhiên cho dân của Người. Ðấng Thiên Sai mà người dân Cựu Ước trông đợi thì không phải là một con người bình thường, cũng không phải là một thiên sứ như thiên thần. Ðấng Thiên Sai là Thiên Chúa Con, Ngôi Hai trong Ba Ngôi Thiên Chúa, Người đã mặc lấy xác phàm và sống giữa chúng ta như một con người — là Ðức Giêsu ở Nagiarét. Ðức Giêsu là Kitô, Ðấng Thiên Sai, Ðấng Cứu Thế được Thiên Chúa Cha sai xuống để hoàn tất Cựu Ước và để tạo thành một dân tộc mới, dân tộc của Tân Ước. Trong bữa Tiệc Ly với các môn đệ, Ðức Giêsu đã cầm lấy chén rượu và nói, “Chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thầy, được đổ ra vì anh em” (Luca 22:20). Máu Ðức Giêsu được đổ ra trên thập giá ở Calvê, đã niêm phong và bắt đầu một Giao Ước Mới, một tương giao mới giữa Thiên Chúa và loài người. Máu Ðức Giêsu đổ ra trên thập giá đem lại sự tha thứ mọi tội lỗi của nhân loại. Như ngôn sứ Giêrêmia đã nói: “Ta [Thiên Chúa] sẽ tha thứ tội lỗi của chúng, và Ta sẽ không nhớ đến tội lỗi của chúng nữa” (Giêrêmia 31:34).

Sự chết và sự sống lại của Ðức Giêsu bắt đầu sự sống của một dân tộc mới, dân tộc của Tân Ước. Dân tộc này tin tưởng rằng Ðức Giêsu đích thực là Ðấng Cứu Thế được Thiên Chúa gửi đến; họ tin rằng Thiên Chúa đã chứng thực điều ấy bằng cách nâng Ðức Giêsu chỗi dậy từ cõi chết — qua sự phục sinh. Sau đó dân tộc này nhận được sự sống mới qua Chúa Thánh Thần mà Ðức Giêsu đã hứa với họ. Người nói:

“Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em, nhưng bây giờ anh em không chịu đựng nổi. Khi Thần Khí chân lý đến, Người sẽ giúp anh em hiểu biết tất cả những sự thật; vì Người sẽ không lấy quyền của mình mà nói, nhưng Người sẽ nói lại tất cả những gì nghe biết, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy ra” (Gioan 16:12-13).

Lời Ðức Giêsu hứa sai Thần Khí đến được thể hiện vào ngày lễ Ngũ Tuần, khi một trăm hai mươi người đang cầu nguyện tại Giêrusalem và Thần Khí ngự trên mỗi người giống như “lưỡi bằng lửa” (TÐCV 2:3). Ðiều này đã hoàn tất lời tiên đoán của Giêrêmia rằng luật lệ của Thiên Chúa sẽ được đặt trong con người họ và “được viết vào tâm hồn họ.” Như Thánh Phaolô Tông Ðồ viết cho giáo đoàn ở Rôma, “Luật lệ của Thần Khí sự sống của Ðức Kitô đã giải thoát tôi khỏi luật lệ của tội lỗi và sự chết” (Roma 8:2). Thần Khí ấy cũng giúp dân tộc mới của Thiên Chúa nhận biết Người một cách cá biệt hơn, cũng như hiểu được thánh ý và sự hướng dẫn của Người từ bên trong tâm hồn, hơn là những quy luật bề ngoài. Thật vậy, người dân của Thiên Chúa được Ðức Giêsu hứa ban Thần Khí sẽ không cần phải hỏi nhau, “Ai là Thiên Chúa?” vì tất cả đều biết Thiên Chúa, từ người thấp hèn nhất đến người cao trọng nhất, đúng như ngôn sứ Giêrêmia đã tiên đoán.

Dân Tân Ước Của Thiên Chúa: Giáo Hội

Giáo hội là dân của Thiên Chúa thời Tân Ước! Họ là những người tin rằng Ðức Giêsu là Ðấng Thiên Sai, là Ðức Kitô, là Con Thiên Chúa là người đã sống lại từ cõi chết. Họ là những người được lãnh nhận Thần Khí, là Ngôi Ba Thiên Chúa, vào trong tâm hồn họ, và qua Thần Khí họ được sự sống và sức mạnh của Thiên Chúa trong con người họ.

Danh xưng của dân tộc mới này là gì? Tân Ước gọi những người theo Ðức Giêsu là “các thánh” (Eph. 1:1; Phil. 1:1; Col. 1:2), “người được Thiên Chúa yêu thương” (Roma 1:7), “Kitô Hữu” (TÐCV 11:26), hoặc những người theo “Ðạo” [Ðạo = Ðường] (TÐCV 19:23). Tuy nhiên, tên phổ thông nhất của dân Chúa thời Tân Ước, được tồn tại qua nhiều thế kỷ, là giáo hội. Mặc dù chữ “giáo hội” thường được tìm thấy trong sách Tông Ðồ Công Vụ và trong các thánh thư của Tân Ước, chính Ðức Giêsu đã dùng chữ này để chỉ về dân của Người. Trong Phúc Âm Thánh Mátthêu, chúng ta thấy Ðức Giêsu nói với Thánh Phêrô:

“Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô*, trên đá này, Thầy sẽ xây giáo hội của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (Mt. 16:18). (* Phêrô có nghĩa là đá).

Ðức Giêsu gọi giáo hội là “giáo hội của Thầy.” Người sáng lập giáo hội. Người nói giáo hội không bao giờ bị tiêu diệt: “quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi.” Tại sao? Vì Ðức Giêsu đã hứa ở với giáo hội của Người cho đến tận thế. Ðức Giêsu đã trấn an các tông đồ ngay trước khi Người về trời: “Thầy luôn ở với anh em, cho đến tận thế” (Mt. 28:20).

Ðức Giêsu không bao giờ lìa bỏ giáo hội của Người vì Người yêu thươnggiáo hội ấy đến nỗi đã chết trên thập giá. Thư Thánh Phaolô gửi giáo đoàn Êphêsô đã cho chúng ta biết một cách tuyệt vời về tình yêu của Ðức Kitô dành cho giáo hội khi đề cập đến giáo hội như “hiền thê của Ðức Kitô.”

Vì người chồng là đầu của vợ cũng như Ðức Ki-tô là đầu của giáo hội, là thân thể của Người, và chính Người là Ðấng Cứu Chuộc giáo hội… Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Ðức Ki-tô yêu thương giáo hội và hiến mình vì giáo hội để Người có thể thánh hoá và thanh tẩy giáo hội… để trước mặt Người, có một giáo hội xinh đẹp lộng lẫy, không tỳ ố, không vết nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền. …Mầu nhiệm này thật cao cả, và tôi muốn nói về Ðức Ki-tô và giáo hội… (Eph 5:23, 25-27, 32).

Sự hoàn tất việc chuẩn bị hiền thê của Ðức Giêsu, là giáo hội, đã được diễn tả trong Sách Khải Huyền. Ðức Kitô, Chiên Thiên Chúa, kết hôn với hiền thê của Người, là giáo hội, vào lúc tận thế: “’… cuộc hôn nhân của Con Chiên đã đến, và Hiền Thê của Người đã chuẩn bị sẵn sàng; nàng được phép mặc áo vải sáng chói và tinh tuyền.’ (Vải tượng trưng cho những việc công chính của các người thánh thiện)” (KH 19:7-8).

Ðây là điều Thiên Chúa đang thể hiện trong lịch sử nhân loại. Người đang hình thành một dân tộc, một hiền thê của Ðức Giêsu Kitô, và thanh tẩy giáo hội để giáo hội ấy sẵn sàng khi Ðức Kitô tái giáng lâm trong vinh quang. Chúng ta biết rằng công việc thanh tẩy chưa hoàn tất. Mặc dù chúng ta có thể thấy “những việc công chính của các người thánh thiện”, nhưng chúng ta cũng biết trong giáo hội vẫn còn tội lỗi, vì Ðức Kitô không đến để kêu gọi người công chính, nhưng để kêu gọi người tội lỗi (Luca 5:32).Tuy nhiên, dù tội lỗi và khuyết điểm rõ ràng trong giáo hội, Ðức Kitô vẫn yêu thương để chết trên thập giá cho dân của Người, là giáo hội.

Hiển nhiên là lịch sử giáo hội được ghi dấu bằng tội lỗi và khuyết điểm cũng như ơn sủng và sự bảo bọc của Thiên Chúa. Ðó là vì giáo hội không chỉ là một thực thể thiêng liêng nhưng còn là một tổ chức con người, giống như chính Ðức Giêsu. Tuy nhiên, không giống như Ðức Giêsu, giáo hội thì chưa hoàn toàn sạch tội, nhưng đang trong tiến trình thanh tẩy và uốn nắn để trở nên giống hình ảnh của Ðức Giêsu, là đầu của giáo hội. Trong Phúc Âm đầy dẫy những câu chuyện của kẻ tội lỗi được cứu chuộc — các người làm điếm, người tự cho mình là công chính, và ngay cả các tông đồ như Thánh Phêrô. Tất cả đều cần sự thương xót và tha thứ. Những gì xảy ra trong Phúc Âm thì cũng xảy ra trong dòng lịch sử của giáo hội.

Bất kể những tội lỗi và khiếm khuyết trong giáo hội ngày nay và trong lịch sử, tín hữu Kitô được mời gọi không phải để chỉ trích hay kết án giáo hội, nhưng để yêu quý giáo hội như Ðức Giêsu. Là phần tử của giáo hội, chính chúng ta cũng là kẻ tội lỗi. Tuy nhiên Ðức Giêsu đã yêu thương chúng ta để chết cho chúng ta và giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và khuyết điểm. Ðối với toàn thể giáo hội cũng vậy. Bất kể tội lỗi của giáo hội, Ðức Giêsu yêu thương và chăm sóc giáo hội như Hiền Thê của Người. Thiên Chúa đang thanh tẩy và canh tân dân Người, giáo hội của Người. Cùng với Ðức Hồng Y Suenens, mỗi một người chúng ta phải nói lên rằng: “Tôi yêu quý giáo hội, đầy vết nhăn và đủ mọi thứ!” Chúng ta yêu quý giáo hội, bất kể những bất toàn, vì Ðức Giêsu Kitô đã yêu thương giáo hội và đã chết để cứu chuộc dân Người.

Khi đề cập đến “giáo hội,” chúng ta muốn nói gì? Chúng ta muốn nói đến Giáo Hội Công Giáo hay giáo hội hoàn vũ bao gồm tất cả những người tin vào Ðức Giêsu Kitô? Trong hạn hẹp của một vài chương sách, chúng ta không thể trả lời cách đầy đủ, nhưng có thể nhìn đến bốn đặc tính hay “dấu tích” căn bản của giáo hội được đề cập đến trong Kinh Tin Kính Nicene (381): “Chúng tôi tin một giáo hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền.” Trong khi tin tưởng vào giáo hội và khi nhìn lại lịch sử giáo hội trong những chương sau này, chúng ta sẽ hiểu biết hơn ý nghĩa của chữ “giáo hội” theo quan điểm của Giáo Hội Công Giáo.

Giáo Hội Duy Nhất

Các tác giả Tân Ước hiểu rằng chỉ có một giáo hội, một dân Chúa thời Tân Ước. Mặc dù Thánh Phaolô Tông Ðồ viết cho “các giáo hội ở Galát” (Gal 1:2) hoặc “giáo hội của Chúa ở Corintô” (1 Cor. 1:2), người biết rằng những nơi tụ tập của người Kitô địa phương chỉ là các phần tử của một giáo hội của Ðức Giêsu Kitô, cũng giống như một công ty độc nhất nhưng có nhiều chi nhánh khác nhau ở nhiều nơi. Chính Thánh Phaolô là người bảo vệ sự hợp nhất của giáo hội. Người khiển trách Kitô Hữu ở Côrintô vì chia năm xẻ bảy và đi theo các nhà lãnh đạo khác nhau (1 Cor. 1:10-13). Người khuyên Kitô Hữu ở Êphêsô “hãy hăng hái duy trì sự hiệp nhất của Thần Khí trong mối quan hệ thuận hòa” (Eph. 4:3), và nhấn mạnh rằng “chỉ có một thân thể và một Thần Khí… một nguồn hy vọng… một Chúa, một đức tin, một phép rửa, một Thiên Chúa và Cha của tất cả mọi người chúng ta…” (Eph 4:4-6).

Sách Công Vụ Tông Ðồ ghi lại hai biến cố mà trong đó sự tranh chấp giữa Kitô Hữu đã đe dọa sự hiệp nhất của giáo hội thời tiên khởi. Trong chương 6, giáo hội tiên khởi ở Giêrusalem có sự bất đồng giữa những tân tòng nói tiếng Do Thái và nói tiếng Hy Lạp về sự phân phối thực phẩm cho các bà goá trong giáo hội. Chương 15 kể lại sự bất đồng lớn ảnh hưởng đến sự hiệp nhất của giáo hội trong thế kỷ I — vấn đề Dân Ngoại có phải cắt bì theo luật Do Thái trước khi trở nên Kitô Hữu hay không. Trong cả hai trường hợp, mọi vấn đề đã được giải quyết êm đẹp qua các cuộc hội họp, hoặc “công đồng,” của các vị lãnh đạo giáo hội, là những người tìm cách giải quyết vấn đề qua sự hướng dẫn của Thần Khí. Thay vì phân chia thành hai “giáo hội” khi có những bất đồng trầm trọng xảy ra, Kitô Hữu tiên khởi đã hăng hái duy trì tính cách duy nhất của giáo hội.

Các Kitô Hữu tiên khởi vô cùng coi trọng sự hợp nhất chỉ vì Ðức Giêsu đã làm như vậy. Trong tường thuật về Bữa Tiệc Ly của Thánh Gioan, Ðức Giêsu cầu nguyện cho sự hiệp nhất của những ai theo Người :

… để tất cả nên một, như, lạy Cha, Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con. (Gioan 17:21).

Nền tảng của sự hợp nhất này là đức ái: “Người ta sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy nếu anh em yêu thương nhau” (Gioan 13:35). Tình yêu của Ðức Kitô là căn bản và nguồn gốc của sự hiệp nhất của dân Người, là giáo hội. Thần Khí (Chúa Thánh Thần) thường được coi là tình yêu đã kết hợp Kitô Hữu, cũng như người là mối quan hệ hợp nhất giữa Chúa Cha và Chúa Con trong Ba Ngôi cực thánh.

Giáo Hội Công Giáo luôn nhấn mạnh đến sự duy nhất hoặc hiệp nhất của giáo hội. Chúng ta hiểu sự hiệp nhất này trong cả hai ý nghĩa, sự hiệp nhất vô hìnhcủa đức ái, “sự hiệp nhất của Thần Khí”, và sự hiệp nhất hữu hình được tỏ lộ qua hình thức bên ngoài của giáo hội: tỉ như các vị lãnh đạo, các công thức tuyên tín và các tín điều khác, và các bí tích. Quyền bính và các vị lãnh đạo trong giáo hội là một ơn sủng của Thiên Chúa để bảo vệ và duy trì sự hiệp nhất hữu hình của giáo hội. Người Công Giáo tin rằng Ðức Giêsu muốn một giáo hội hiệp nhất cả về tinh thần lẫn sự biểu lộ bên ngoài. Thành quả vô hình của đức ái và Thần Khí tạo nên sự hiệp nhất hữu hình bề ngoài giữa những người dân của Chúa.

Giáo Hội Công Giáo

Chúng ta vừa thấy nguyên thủy chỉ có một giáo hội của Ðức Giêsu Kitô. Chữ “công giáo” đầu tiên được dùng để chỉ về giáo hội này trong thư của Thánh I-nha-xiô ở Antiôkia, vị tử đạo và giám mục thời tiên khởi. Người viết thư ấy trên đường đến Rôma để được tử đạo năm 110: “Ở đâu có đức giám mục, ở đó giáo đoàn hãy tụ tập lại, cũng như ở đâu có Ðức Giêsu Kitô, ở đó có giáo hội công giáo.” Ðiều người muốn nói là cũng như giáo hội địa phương tìm thấy điểm hiệp nhất hữu hình của mình nơi vị giám mục, thì toàn thể giáo hội, giáo hội công giáo, tìm thấy điểm hiệp nhất nơi Ðức Giêsu Kitô. Do đó, câu “giáo hội công giáo” ban đầu có nghĩa “toàn thể giáo hội” hoặc “giáo hội hoàn vũ” — giáo hội của Ðức Giêsu Kitô phát triển trên toàn thế giới. Câu “giáo hội công giáo” còn để chỉ về một giáo hội dạy dỗ toàn bộ chân lý của Kitô Giáo. Do đó “Công Giáo” trở nên đồng nghĩa với “chính truyền” — bao gồm tất cả chân lý Kitô Giáo.

Ngày nay cũng vậy, giáo hội của Ðức Giêsu Kitô thực sự là “công giáo”. Giáo hội hoàn vũ. Giáo hội bao gồm mọi dân tộc, mọi quốc gia, và mọi văn hóa. Giáo hội bao gồm toàn bộ chân lý của Kitô Giáo. Dân Chúa thời Tân Ước là một dân tộc bao gồm tất cả những ai tin vào tin mừng của Thiên Chúa được bày tỏ qua Ðức Giêsu Kitô.

Tuy nhiên, chúng ta biết ngày nay chữ “công giáo” cũng để chỉ về một tổ chức đặc biệt của những người tin vào Ðức Giêsu, đó là “Giáo Hội Công Giáo”. Tại sao có chuyện như vậy? Trong thế kỷ thứ hai và thứ ba, khi Kitô Giáo lan tràn khắp đế quốc Rôma và lan ra cả bên ngoài, một số tổ chức nhỏ bắt đầu bất đồng với các tín điều hoặc đường lối của giáo hội hoàn vũ. Những tổ chức này, như Montanô (chủ trương khắc khổ và cấm tái hôn), Gnostic (tri thức giáo), Nôvatianô (cấm tha tội trọng), Ðônatô, v.v., tự coi mình là giáo hội thật của Ðức Giêsu Kitô vì họ nghĩ chỉ có họ mới trung thành với giáo huấn và đường lối Kitô Giáo đích thực. Ðể phân biệt với các tổ chức nói trên, danh xưng “giáo hội công giáo” bắt đầu được áp dụng cho giáo hội hoàn vũ rộng lớn hơn. Như thế, “Công Giáo” được dùng như một danh xưng chính thức cho thành phần Kitô Hữu hoàn vũ phát triển trên toàn thế giới, và cũng bao gồm toàn bộ chân lý Kitô Giáo. Một thí dụ để chứng minh điều này là lời cầu nguyện của Thánh Mônica, mẹ của Thánh Augustine, một người xuất chúng sinh ở Bắc Phi Châu năm 354. Khi Augustine còn đắm chìm trong sự đời, Thánh Mônica liên lỉ cầu xin cho con mình sẽ trở thành một “Kitô Hữu Công Giáo” trước khi bà chết. Và lời cầu xin ấy đã được Chúa nhận lời. Không những Augustine là một Kitô Hữu “Công Giáo” mà người còn là một giám mục và là thần học gia nổi tiếng của Giáo Hội Công Giáo.

Ngày nay, người Công Giáo nhìn về lịch sử Giáo Hội và nhận thức rằng nếu chỉ có một giáo hội của Ðức Giêsu Kitô thì giáo hội ấy phải là công giáo hay hoàn vũ: bao gồm mọi dân tộc, mọi ngôn ngữ, mọi quốc gia và văn hóa, và dạy dỗ toàn bộ chân lý Kitô Giáo. Giáo Hội Công Giáo có đặc tính vừa kể, là một thành phần rộng lớn nhất và bao quát nhất của Kitô Hữu trên toàn thế giới và bao gồm các chân lý Kitô Giáo đích thực.

Giáo Hội Thánh Thiện

Chúng ta muốn nói gì khi tuyên xưng một giáo hội thánh thiện? Nhiều người cho rằng điều đó có nghĩa giáo hội thì hoàn hảo hoặc không tội lỗi. Ðiều đó không đúng vì Ðức Kitô đến để kêu gọi và cứu chuộc kẻ tội lỗi; giáo hội thì đầy những kẻ tội lỗi, là chúng ta!

“Thánh thiện” có nghĩa đen là “tách biệt.” Thiên Chúa thì thánh thiện vì Người “tách biệt” khỏi mọi tạo vật, tách khỏi tất cả những gì Người đã dựng nên. Thiên Chúa có thể chia sẻ sự thánh thiện của Người cho tạo vật bằng cách tách biệt một số người, một số nơi chốn, hay các sự vật cho chính Người và vì mục đích của Người. Giáo hội thì thánh thiện vì bao gồm những người được Thiên Chúa tách biệt để trở nên dân của Người, được Người chọn cho những mục đích của Người. Giáo hội được tách biệt không có nghĩa tách rời khỏi thế gian nhưng đúng hơn được thánh hiến cho Thiên Chúa và cho mục đích của Người trong thế gian. Như chính Ðức Giêsu đã cầu nguyện: “… Con thánh hiến chính mình con, để họ cũng được thánh hiến trong sự thật” (Gioan 17:19). Và cũng như Thánh Phêrô Tông Ðồ trong lá thư đầu tiên của người đã tuyên xưng:

… anh chị em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ công của Người, Ðấng đã gọi anh chị em ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền. Xưa anh chị em chưa phải là một dân, nay anh chị em đã là Dân Chúa; xưa anh chị em chưa được hưởng lòng thương xót, nay anh chị em đã được xót thương. (1 Phêrô 2:9-10).

Giáo hội thì thánh thiện, không phải vì sự trọn hảo hay công trạng của mình, nhưng chỉ vì đó là một dân tộc mà Thiên Chúa đã tách biệt, đã thánh hiến, và đã chọn để được hưởng lòng thương xót của Người. Và điều này đã được ban cho qua sự thống khổ, sự chết, và sự sống lại của Ðức Giêsu Kitô. Người Công Giáo cảm tạ Thiên Chúa vì đặc ân được mời gọi để trở nên một phần tử của quốc gia thánh thiện, là giáo hội.

Giáo Hội Tông Truyền

Giáo hội thánh thiện này không phải là một tổ chức riêng tư. Trước khi về trời, Ðức Giêsu truyền cho các môn đệ:

Anh em hãy ra đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, hãy làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em… (Mt. 28:19-20).

Ðức Giêsu không chỉ ra lệnh cho các môn đệ loan truyền tin mừng về sự phục sinh của Người cho người khác, nhưng Người còn ban Thần Khí (Thánh Thần) cho họ để thêm sức mạnh trong khi thi hành sứ vụ:

… anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em; và anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất. (TÐCV 1:8).

“Giáo hội tông truyền” có nghĩa giáo hội ấy tiếp nối sứ vụ của các tông đồ để loan truyền tin mừng của Ðức Giêsu Kitô cho mọi quốc gia và dân tộc, để “tuyên xưng các kỳ công của Người, Ðấng đã gọi anh em ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền” (1 Phêrô 2:9). Mỗi một Kitô Hữu được mời gọi để trở nên nhà truyền giáo, người rao giảng phúc âm, bởi vì chính giáo hội có tính cách truyền giáo và Phúc Âm hóa.

“Giáo hội tông truyền” còn có một ý nghĩa quan trọng khác. Thư gửi tín hữu Êphêsô khẳng định rằng giáo hội “được xây đắp trên nền tảng của các tông đồ và ngôn sứ, mà chính Ðức Giêsu Kitô là đá góc tường” (Eph. 2:20). Có tính cách “tông truyền” có nghĩa được xây đắp trên nền tảng của các tông đồ. Người Công Giáo nhận biết rằng các giám mục, kể cả giám mục Rôma, là đức giáo hoàng, đang tiếp tục việc lãnh đạo và quyền bính của các tông đồ trong lịch sử giáo hội. “Giáo hội tông truyền” có nghĩa thẩm quyền và sứ vụ của các tông đồ không chấm dứt với các chết của các đấng ấy; giáo hội tiếp tục xây đắp trên nền tảng của các tông đồ và ngôn sứ qua sứ vụ của các đấng kế vị, là các giám mục trong suốt dòng lịch sử. Người Công Giáo hiểu ơn gọi của một giám mục là sự kế thừa liên tục bắt nguồn từ chính các tông đồ. Do đó, các giám mục có một trách nhiệm đặc biệt để tiếp nối công trình của các tông đồ trong việc rao giảng, dạy dỗ, hướng dẫn, nuôi nấng, và chăn dắt dân Chúa, là giáo hội. Cũng như các tông đồ, các giám mục tìm cách nới rộng vương quyền của Ðức Giêsu Kitô qua việc thiết lập các “giáo hội” địa phương trên toàn thế giới.

Tóm Tắt Và Kết Luận

Sứ vụ của Ðức Giêsu Kitô được tiếp tục qua nhiệm thể của Người, qua dân Người — là giáo hội. Chúng ta không thể hiểu tại sao Ðức Giêsu lại chọn những người yếu đuối, tội lỗi như các tông đồ để tiếp tục sứ vụ thánh thiêng của Người. Chúng ta cũng không hiểu tại sao Ðức Giêsu vẫn tiếp tục chọn những người yếu đuối, tội lỗi — các giám mục, giáo hoàng, và mỗi một người chúng ta — để tiếp tục sứ vụ của Người trong trần gian. Ðó là một mầu nhiệm mà Thiên Chúa đã làm.

Khi nhìn thấy những khiếm khuyết của giáo hội và sức mạnh của ma quỷ và Satan, mà nó vẫn là kẻ thù nguy hiểm của Ðức Kitô và giáo hội, nó “như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé” (1 Phêrô 5:8), có lúc chúng ta cảm thấy tuyệt vọng và ngay cả muốn bỏ rơi giáo hội mà Ðức Giêsu đã thành lập.

Tuy nhiên, không có lý do gì để tuyệt vọng. Chúng ta là một dân tộc hy vọng, vì Thiên Chúa đã chiến thắng sự dữ, Satan, và tội lỗi qua cái chết của Ðức Giêsu trên thập giá. Khi Thánh Phaolô viết: “… trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Ðấng đã yêu mến chúng ta” (Rôma 8:37). Ðức Giêsu đã chiến thắng ma quỷ và ban cho dân của Người chiến thắng sau cùng sẽ được tỏ lộ khi Ðức Giêsu tái giáng thế trong vinh quang để phán xét kẻ sống cũng như kẻ chết. “Ðiều làm cho chúng ta thắng được thế gian, đó là đức tin của chúng ta” (1 Gioan 5:4).

Khi chúng ta kể lại câu truyện của dân Chúa thời Tân Ước, là giáo hội, chúng ta nhận biết có những lúc thất bại và yếu đuối. Tuy nhiên, chúng ta vẫn thấy được sự trung thành và lòng thương xót của Thiên Chúa khi Người tiếp tục tha thứ, canh tân, và phục hồi giáo hội, nâng giáo hội khỏi vũng lầy của những khó khăn và tranh chấp mà đưa lên mức độ mới của đức tin, đức ái và bình an. Câu truyện của các vị thánh, là những người thánh thiện của Thiên Chúa được đi vào vương quốc của Người qua sự hy sinh và trung tín của họ, vẫn khích động chúng ta. Ðây là câu truyện của chúng ta, câu truyện cuộc đời chúng ta và dân tộc chúng ta.”

“Trước đây anh chị em chưa là một dân tộc, nhưng giờ đây anh chị em là dân tộc của Thiên Chúa” (1 Phêrô 2:10).

Chúng ta hãy cảm tạ Thiên Chúa vì đã chọn chúng ta làm dân của Người và vẫn tiếp tục chúc phúc và kiên cường Giáo Hội chúng ta qua Thần Khí của Người.

Mời các bạn đón đọc Lịch Sử Giáo Hội Công Giáo của tác giả Alan Schreck.

Download

Lịch Sử Giáo Hội Công Giáo

ebook PDF-EPUB-AWZ3-PRC-MOBI


FULL:


AZW3


EPUB


MOBI


PDF

Bookmark (0)
Please login to bookmark Close

FULL: AZW3 EPUB MOBI PDF [toc] Giới thiệu Lịch Sử Giáo Hội Công Giáo ebook PDF-EPUB-AWZ3-PRC-MOBI Tweet! Khi Phúc Âm được loan truyền cho đến tận cùng trái đất bởi…

Bookmark (0)
Please login to bookmark Close