Lẵng Quả Thông – K. G. Paustovsky

Lẵng Quả Thông – K. G. Paustovsky

[toc]


Giới thiệu ebook

Lẵng Quả Thông – K. G. Paustovsky


Paustovsky ra đời ngày 31 tháng 5 năm 1892 trong một ngõ hẻm thành Mátxcơva. Dòng họ ông gốc kazak1 miền Zaporozhe, sau mới chuyển tới cư ngụ ở vùng ven sông Roshi gần tỉnh lỵ Belaya Serkov. Cha ông làm nhân viên thống kê ngành đường sắt. Ông nội là một cựu chiến binh kadak dưới thời Nga hoàng Nikolaev.
 
Cụ thân sinh ra Paustovsky là người mơ mộng và là người ở không yên chỗ. Sau thời gian tòng sự tại Mátxcơva, ông đổi đi Vino, rồi Pskov, sau cùng mới đậu lại Kiev. Mẹ Paustovsky lớn lên trong một gia đình tư chức ở một nhà máy đường. Tính khắc khổ, bà nắm mọi quyền hành trong nhà. Gia đình Paustovsky đông người, đủ tính đủ nết, nhưng hết thẩy đều yêu nghệ thuật. Cậu bé Paustovsky lớn lên trong tiếng đàn dương cầm, những giọng ca, những cuộc cãi vã nghệ thuật và những rạp hát.
 
Cậu bé bắt đầu cuộc đời học trò ở trường trung học số 1 thành phố Kiev. Khi cậu học tới lớp 6 thì gia đình khánh kiệt, cậu phải tự nuôi thân bằng một nghề bất đắc dĩ không xứng với tuổi học trò là nghề “gia sư”.
 
Đó là tóm tắt mấy dòng về con người về sau này trở thành nhà văn. Tôi chép lại tiểu sử ông ở đây theo thói thường phải viết tiểu sử nhà văn mà mình giới thiệu, chứ tôi biết tiểu sử chẳng giải thích được bao nhiêu vì sao Paustovsky chọn nghề văn chứ không phải nghề nào khác.
 
Truyện ngắn đầu tiên của Paustovsky được in khi Paustovsky còn là học sinh năm chót của trường trung học. Nó xuất hiện trong tạp chí “Những Ngọn Lửa”, là tạp chí văn học duy nhất của Kiev hồi bấy giờ, vào khoảng năm 1911. Sau khi tốt nghiệp trung học, Paustovsky thi vào đại học Tổng hợp Kiev. Hai năm sau, Paustovsky chuyển qua một trường đại học khác ở Mátxcơva và ở hẳn thành phố này từ đấy.
 
Chiến tranh Thế giới lần thứ Nhất bùng nổ. Paustovsky làm nghề bán vé xe điện, rồi lái xe điện, rồi y tá trong các đoàn tàu quân y con thoi chạy đi chạy lại giữa hậu phương và tiền tuyến. Mùa thu năm 1915 ông bỏ công việc dân sự để đi theo một đơn vị quân y dã chiến và làm một chuyến đi dài suốt từ thành phố Lublin (Ba Lan) đến tỉnh lỵ Nesvizh ở Belorussya. Trên đường, tình cờ nhặt được một mẩu báo, ông mới biết hai anh ông đã tử trận trong cùng một ngày trên hai mặt trận khác nhau. Paustovsky vội vã trở về với mẹ. Bà cụ lúc đó đang ở Mátxcơva.
 
Nhưng Paustovsky không thể ngồi lâu một chỗ. Bệnh xê dịch giày vò ông và ông lại lên đường, tiếp tục cuộc sống nay đây mai đó. Ông đi Ekaterinoslav để làm việc trong nhà máy luyện kim của công ty Briansky. Rồi bỏ đấy mà đi Yuzovka, từ đó đến Taranrog, làm trong các nhà máy. Ở Taranrog, Paustovsky khởi viết cuốn tiểu thuyết đầu tay của mình – “Những Kẻ Lãng Mạn”. Mùa thu năm 1916, Paustovsky lại một lần nữa bỏ Taranrog để đến nhận công tác tại Công ty liên hiệp hải sản Azovskoye.
 
Cách mạng Tháng Hai bùng nổ khi Paustovsky đang ở Mátxcơva. Lúc đó ông đã bước vào nghề báo. Ông viết: “Sự hình thành con người và nhà văn trong tôi bắt đầu từ những năm ấy, nó xảy ra dưới chính quyền Xô-viết và quyết định toàn bộ cuộc đời tôi từ đấy về sau”.
 
Sau thời gian ở Mátxcơva, ông lại quay về với mẹ, bà cụ lúc ấy đã sống ở Ukraina. Từ Kiev, nơi ông chỉ cư ngụ một thời gian ngắn, Paustovsky đi Ôđessa. Ở thành phố cửa biển này ông được sống trong môi trường các nhà văn trẻ và tài năng: Ilf, Bagritzky, Babel, Shenghel, Lev Slavin… Nhưng rồi ông lại giã từ những người bạn tuyệt vời của mình để trở về để tiếp tục cuộc hành trình vô định. Ông đi Sukhum, Batum, Tifflis. Từ Tifflis, Paustovsky đến Armenya, rồi lang bạt sang tận Ba Tư.
 
Năm 1923, Paustovsky trở về Mátxcơva trong một chuyến dừng chân, xin làm biên tập viên cho một tờ báo. Cũng từ đó tên tuổi của ông bắt đầu trở thành quen thuộc với độc giả qua những tác phẩm nối tiếp nhau ra đời.
 
Cuốn sách đầu tiên được Paustovsky coi là tác phẩm thực sự của ông là tuyển tập truyện ngắn “Những Con Tàu Đi Ngược Chiều Nhau”.
 
Mùa hè năm 1932 Paustovsky bắt đầu cuốn “Kara-Bugaz” và một số truyện ngắn khác mà về sau này ông đã kể lại khá tỉ mỉ trong “Bông Hồng Vàng”.
 
Sau khi “Kara-Bugaz” ra đời, Paustovsky xin ra ngoài biên chế, tức là thôi không làm cho nhà nước và ăn lương nhà nước nữa, để chuyên viết văn, “cái công việc duy nhất, choán hết mọi việc khác, có lúc thực cay cực, nhưng là cái bao giờ tôi cũng yêu mến”. Ở chế độ Xã hội Chủ nghĩa, việc xin ra ngoài biên chế để sống tự do được coi như một việc làm không bình thường, một hành động rồ dại, hoặc một hành động dũng cảm, tuỳ theo cách nhìn của mỗi người.
 
Trong cuộc sống tự do khỏi công việc nhà nước Paustovsky còn đi nhiều hơn nữa. Dấu chân ông in khắp mọi miền đất nước Xô-viết, từ bán đảo Konsky đến những sa mạc vùng Trung Á, từ các thành phố băng tuyết ở Cực Bắc đến những bờ biển ấm áp vùng Krưm tới những miền rừng rậm rạp của Sibir. Ngoài ra, ông còn đến Tiệp Khắc, đi tàu biển vòng quanh châu Âu, qua các thành phố Istanbul, Athena, Napoli, Roma, Paris, Rotterdam, Stockholm…
 
Trong Đại chiến Thế giới lần thứ Hai, ông làm phóng viên chiến tranh của Mặt trận phía Nam và ở đó ông cũng đi rất nhiều.
Đời ông, từ lúc còn nhỏ cho đến năm 1921, được ghi lại khá đầy đủ trong các cuốn truyện mang tính hồi ký “Những Năm Xa Xôi”, “Tuổi Trẻ Không Yên”, “Sự Bắt Đầu Của Thế Kỷ Ta Chưa Biết”.
 
Paustovsky nói rằng nhà văn cần phải biết tạo ra tiểu sử cho mình. Tức là, ông muốn nói, nhà văn cần phải chủ động ném mình vào trong những xoáy lốc của cuộc đời, để được sống nhiều, sống thật trong nó, tự mình tạo ra nguồn nguyên liệu dồi dào cho công việc viết văn sau này. Ông nhìn những nhà văn cạo giấy, những viên chức văn chương bằng cái nhìn khinh bỉ.
 
Ông không chỉ viết nhiều, mà còn viết hay. Hiếm có nhà văn nào ở nước Nga được in toàn tập trong khi còn sống.2
 
Paustovsky là nhà văn không biết hài lòng về mình. Ông luôn nói rằng những gì ông đã viết chỉ là bước đầu, chứ toàn bộ công việc thực sự thì bao giờ cũng vậy, còn ở phía trước.

***
Tập truyện ngắn Lẵng Quả Thông này gồm có:
  • Âm nhạc verdi
  • Chiếc nhẫn bằng thép
  • Người đầu bếp già
  • Chuyến xe đêm
  • Bình minh mưa
  • Bụi quý
  • Hạt cát
  • Tuyết
  • Lẵng quả thông
  • Cầu vồng trắng
  • Cây tường vi
***
Có một cái gì đó thật là đẹp đẽ trong sự giao tiếp của những con người dũng cảm trong phút hiểm nguy, trong cơn hoạn nạn. Trên boong tàu bọc thép của chiếc tuần dương hạm, đoàn kịch từ Matxcơva tới trình diễn vở Traviata ở ngoài trời. Những bác lái đò râu bạc tụ lại ở bến thuyền lát gỗ trên những chiếc xuồng cũ kỹ rao lên, giọng khàn khàn thúc giục:
 
– Ai muốn lên tàu đây? Ai muốn nghe nhạc nào? Chúng tôi sẽ đứng sát mạn tàu cho tới khi diễn xong nhé! Không chòng chành gì hết – xin cam đoan! Thế này mà chòng chành à, bà con!
Những chiếc xuồng va vào nhau lủng củng gật gù hối hả chào bờ biển – sóng nhẹ đung đưa chúng. Những con ngựa thồ già yếu thường có cái lối gật đầu lia lịa như vậy.
 
Trên vũng biển trời lặng gió, sương chiều tỏa mờ. Những ngọn đèn tín hiệu đung đưa nhịp nhàng trên nước cạnh những mỏm đá bên bờ. Đêm mùa thu đến rất chậm. Mỗi bước đi nó lại dừng lại và mãi không sao dồn hết được những tia nắng cuối cùng của buổi chiều tà ra khỏi vũng biển sâu.
Nhưng khi ánh sáng trên tuần dương hạm vừa lóe lên, bóng tối ồn ào đã ập xuống ngay. Nó chứa đầy âm thanh của mặt nước xáo động: tiếng sóng vỗ, tiếng nước róc rách, réo sôi.
Người ta bắt đầu nghe thấy cái tất bật của hải cảng: tiếng mái chèo vội vã, tiếng máy nổ, tiếng gọi xa xa của những người lái tàu, tiếng còi rú giận dữ, tiếng sóng vỗ lớp lớp chạy trên mặt biển về khắp các ngả.
Những âm thanh ấy từ bờ bến đổ về phía tuần dương hạm, nơi tiếng sáo phagốt bất ngờ vang lên trong dàn nhạc. Những chiếc canô cũng phóng ngay tới đó, bóng cờ hiệu đằng đuôi phấp phới trong nước.
Tachiana Xônxeva được phân công đóng vai Viôleta. Cô đang hóa trang trong phòng của hạm trưởng, nơi các chiến sĩ thợ điện hải quân đỏ đã mắc những bóng đèn một trăm nến. Cô cài lên ngực bông hoa sơn trà và thoa phấn lên khuôn mặt gầy sút đi. Biểu diễn lúc này thật khó khăn – cô để lại ở Matxcơva một chú em bé bỏng bị ốm nặng. Chú đang nằm viện chờ một ca mổ.
Xônxeva đang lo lắng nên không thấy gì cả: mặc thành phố xôn xao tiếng lá khô và gió thổi, mặc vô vàn đốm lửa như đàn ong vàng, vo ve lượn đi lượn lại trên vũng tàu, mặc cái không khí kỳ lạ tỏa khắp đường phố, mùi đá ẩm ướt và mùi cỏ đắng.
 
Cuộc phẫu thuật ấn định tiến hành sáng hôm nay, nhưng đến giờ phút này vẫn chưa có điện báo từ Matxcơva tới.
 
Xônxeva bước ra boong tàu hai bên chăng vải bạt. Những chiếc cần viôlôngxen gác trên tháp pháo màu gio. Âm nhạc Verđi rung lên trong sự yên tĩnh của con tàu bọc thép. Hàng trăm thủy thủ trẻ nín thở lắng nghe tiếng hát buồn thảm của Viôleta. Tiếng nhạc vang xa đến các bờ biển lân cận.
 
Những chiếc xuồng nhấp nhô bên mạn tàu. Người xem ngẩng đầu nhìn lên boong. Những bác lái thuyền cố gắng không làm mái chèo phát ra tiếng động và khi thuyền va vào nhau, họ chỉ lặng lẽ giơ nắm đấm lên, thay cho những trận đấu khẩu thường ngày.
 
Người trợ lý đạo diễn đứng đằng sau tháp súng như ở sau cánh gà có vẻ lo lắng. Trong túi anh ta có bức điện gửi cho Xônxeva. Anh cũng không biết nên bóc ra xem hay cứ để vậy đưa cho Xônxeva sau buổi diễn. Anh thì thầm trao đổi với người quản lý nhà hát.
 
Ông này giằng bức điện khỏi tay anh và bóc ra:
– Không có gì đặc biệt, – ông ta vừa nhai nhai cái tẩu vừa nói, – cuộc phẫu thuật phải đình lại vì bệnh nhân mệt nặng. Giờ nghỉ anh có thể nói với cô ấy.
 
Người trợ lý đạo diễn nhăn nét mặt rồi gật đầu.
Anh thợ lò Vaxia Tsukhốp mang cái biệt hiệu như mọi anh thợ đốt lò khác là “đồ quỷ sứ” được giao việc kéo chiếc màn làm bằng những cờ hiệu khâu lại. Vaxia nhỏ bé, chắc nịch, mặt đỏ gay vì gắng sức, không rời mắt nhìn người trợ lý đạo diễn. Cái anh chàng nhanh nhẩu nôn nóng này phải giơ tay ra hiệu cho Vaxia khi cần kéo màn.
 
Vaxia đã nghe hết câu chuyện ở bên tháp pháo. Nụ cười rạng rỡ từ từ tắt trên môi anh. Sang màn hai Xônxeva bước ra sân khấu rất luống cuống. Cô vừa đọc bức điện lúc giải lao. Cô thấy choáng váng chóng mặt. Khi Anfrết quỳ phục dưới chân cô, cô cúi xuống hôn vào thái dương non trẻ của anh. Một đường ven xanh mảnh nổi lên chỗ thái dương giống hệt như ở đứa em cô.
 
Xônxeva nuốt ực không khí rồi khóc. Nước mắt trào ra, nhưng cô vẫn hát. Giọng cô run run. Cô nhìn thấy những đốm sáng mờ ướt át và không nhận ra đó là ánh đèn sân khấu, ánh sao dưới nước, hay gương mặt xanh xao của các chiến sĩ hải quân. Lúc đó Vaxia Tsukhốp hạ màn, bất chấp tiếng kêu giận dữ ở phía sau tháp pháo. Anh đã không nghe lời. Mặt anh đanh lại. Đáp lại tiếng thì thào phẫn nộ của người trợ lý đạo diễn, anh trả lời hằn học và cộc lốc:
– Anh sẽ phải tiếp chuyện vị chỉ huy con tàu đấy, tôi sẽ báo cáo mọi việc với đồng chí ấy.
Boong tàu vang lên tiếng vỗ tay. Những khán giả chất phác cho vở kịch dừng lại là hoàn toàn hợp lý, sau cái cảnh căng thẳng đầy đau khổ như lúc Viôleta đầm đìa nước mắt. Không ai biết là vở kịch bị “đồ quỷ sứ” cắt ngang lúc mới bắt đầu.
 
Tsukhốp lại gần vị chỉ huy con tàu ngồi ở hàng đầu và báo cáo với ông về sự việc xảy ra. Chỉ huy trưởng đứng dậy. Đó là một người tóc bạc, ít nói. Trong đời mình, ông đã nhiều lần nhìn thấy cái chết trong những trận chiến cách mạng, nhiều phong ba và sự hy sinh của bao đồng đội. Ông đã từng biết sự tàn khốc trong chiến đấu, sự nghiêm ngặt của mệnh lệnh. Ông cô đơn. Tất cả những gì ông có trước cách mạng đều đã tan biến trong màn sương ảm đạm – cả xóm thợ mỏ Đô-nhét, cái trường làng bẩn thỉu, cả những con người của thời ấy mà chỉ để lại cái ấn tượng của một đám đông hoang mang mệt mỏi. Cách mạng đã xóa bỏ quá khứ bằng bàn tay cứng rắn, gieo vào ý thức sự giản dị và rõ ràng. Ông trung thành với cách mạng như một người lính, một thợ mỏ và một người có trí tuệ trong sáng và chính xác. Vị chỉ huy đứng dậy đi lên sân khấu. Boong tàu vẫn vang dậy tiếng gót giày và vỗ tay của các thủy thủ. Ở hậu trường, người phụ trách nhà hát, mặt tái đi vì tức giận, đón chỉ huy trưởng.
 
– Xin đồng chí yên tâm, – ông ta nói vội vã, – chúng tôi sẽ thu xếp ổn thỏa ngay bây giờ. Chuyện vớ vẩn, sự yếu đuối thường tình của phụ nữ đó thôi. Cô ấy sẽ hát.
 
– Cô ấy sẽ không hát nữa, – chỉ huy trưởng khoan thai nói. – Các đồng chí cho ngừng buổi diễn lại!
Người phụ trách nhà hát nhún vai, cười khẩy:
– Không thể được. Nhà hát chúng tôi làm việc theo kiểu tiên tiến, không thể vì tâm trạng diễn viên mà đình vở diễn được. Hơn nữa, có gì cần phải nói? Cô ấy đã trấn tĩnh và hoàn toàn có thể diễn tiếp.
 
Vị chỉ huy quay sang Xônxeva. Cô không nhìn ông, gật đầu.
 
– Đồng chí thấy là cô ấy đồng ý đấy, – người phụ trách nhà hát nói và vứt mẩu thuốc xuống boong tàu.
 
Câu chuyện này bắt đầu làm ông khó chịu. Vừa khó xử, vừa xấu hổ. Vị chỉ huy thoáng nhìn mẩu thuốc, và Vaxia Tsukhốp tức khắc gạt khẽ nó xuống biển.
 
– Các đồng chí đang ở trên hạm đội của hải quân đỏ. – Chỉ huy trưởng nói, bên má có vết sẹo của ông khẽ giật giật. – Xin lỗi đồng chí, nhưng ở đây tôi là người thừa hành quyền lực nên tôi cho phép mình can thiệp vào việc quản lý của đồng chí. Về công việc theo kiểu tiên tiến đồng chí quan niệm hoàn toàn sai lầm. Sự đồng ý của diễn viên không có ý nghĩa. Tôi ra lệnh hoãn buổi diễn này lại. Thế thôi. Không bàn cãi gì nữa.
 
Vị chỉ huy giơ tay và Vaxia Tsukhốp kéo màn. Khán giả im bặt.
 
– Các chiến sĩ hải quân đỏ! – Vị chỉ huy điềm đạm nói, – nữ diễn viên Xônxeva có chuyện không may trong gia đình, khó mà diễn tiếp được…
 
Tiếng xì xào truyền lan trong hàng thủy thủ. Mọi người đứng cả dậy. Vị chỉ huy không kịp nói vở kịch hoãn lại đến một ngày tốt đẹp hơn. Điều đó thì không cần lời giải thích của chỉ huy các chiến sĩ cũng hiểu.
 
– Cho ca nô lại gần tàu! – Chỉ huy khẽ ra lệnh.
 
– Rõ, cho ca nô lại gần tàu! Ca nô lại gần tàu! – Mệnh lệnh được truyền dần cho đến khi tắt ở boong dưới.
Mấy phút sau vị chỉ huy cùng Xônxeva xuống thang tàu. Anh thượng sĩ cao lớn vạm vỡ trân trọng đặt lên cạnh chỗ Xônxeva ngồi một bó hoa, mặt đỏ lựng và khẽ hô lên:
 
– Hết tốc lực, tiến!
 
Ca nô đẩy lùi về phía sau thác nước đầy ánh lửa và bọt trắng, phóng về bến tàu. Vị chỉ huy ngồi trên ca nô nói:
 
– Tôi đã liên lạc với tư lệnh hạm đội. Cô được dành một chỗ trong chuyến tàu tốc hành đi Matxcơva. Chưa muộn đâu. Còn bốn mươi phút nữa.
 
Xônxeva cúi đầu. Cô lần lần những bông hoa mà không nói lên lời.
 
– Thưa đồng chí chỉ huy, – anh thượng sĩ cao lớn nói khẽ nhưng đủ cho Xônxeva nghe thấy, – báo chí viết là ở Matxcơva có một giáo sư mổ tim dễ như mổ gà ấy. Giá mà được ông ta…
 
– Im đi, Kuzmenkô! – Vị chỉ huy nói.
Khoảng một giờ sau tàu tốc hành nhả khói ầm ầm lao ra khỏi đoạn đường hầm cuối cùng. Ánh lửa thành phố và bến tàu lùi lại sau những mỏm đá dựng đứng
 
 
* * *
 
Xônxeva ngồi trong phòng toa xe, không bỏ áo rét và khăn quàng. Cô loáng thoáng nhớ lại ánh đèn nhà ga, tuyết trên các nóc toa chở hàng, Maxcơva chìm trong bóng đêm cực đới, chiếc xe tắcxi cọc cạch, ánh sáng trắng đục trong hành lang bệnh viện.
 
Cô cũng nhớ loáng thoáng khuôn mặt của cậu em mỉm cười với cô trên giường bệnh.
 
– Mọi sự đã hoàn tất trót lọt. – Vị giáo sư có bộ râu nhọn dữ tướng nói với Xônxeva. – Trót lọt hiếm có đấy.
 
Xônxeva khẽ hôn lên thái dương non trẻ ươn ướt của em, nơi có một đường ven xanh mảnh nổi lên lờ mờ.
 
Và mấy giờ sau lại là đêm, nhà ga, người khuân vác mặt rỗ khó nhọc mới lấy hộ được chiếc vé, tiếng cầu sắt rầm rầm, tuyết, hoàng hôn u ám trên thảo nguyên ngoại thành Kharcôp và cuối cùng là màn sương lam trên vũng biển sâu, mặt trời cao và không khí dịu dàng của mùa thu ven biển.
 
Xônxeva nhảy lại gần cửa sổ – kia, tuần dương hạm vẫn đậu đó, chưa rời bến! Xônxeva luống cuống dứt dây chằng cửa sổ. Cô muốn thò đầu ra ngoài, vươn tay tới con tàu, vẫy nó rối rít bằng chiếc khăn tay trắng. Nhưng cửa sổ không mở ra và Xônxeva nhớ ra rằng đang là mùa đông và mặt trời chiếu sáng ở đây, trên các vĩ độ miền cực nam tuyệt đẹp này, là kỷ niệm cuối cùng của mùa hè. “Mong sao đoàn chưa đi nơi khác, chỉ mong đến kịp với họ”. – Xônxeva nghĩ thầm. Cô gặp lại các bạn bè trong thành phố bên bờ biển.
 
Một ngày sau trên chiến hạm lại trình diễn vở kịch bị bỏ dở. Khi “đồ quỷ sứ” kéo màn và Xônxeva bước ra sấn khấu, các chiến sĩ hải quân đứng cả dậy và tiếng vang của những tràng pháo tay chưa từng thấy trên vùng biển dội đến vùng bờ lân cận. Những bông hoa đồng nội giản dị rơi tới tấp xuống chân Xônxeva và hòa lẫn với đám nhung lụa trang phục cổ thành Vơnidơ. Vị chỉ huy đứng ở hàng đầu và thân ái mỉm cười.
Xônxeva cúi đầu. Cô cảm thấy mi mắt nặng trĩu những giọt lệ như lần trước, nhưng đây là những giọt lệ ân tình hữu ái.
Cô dằn lòng, ngẩng đầu lên mỉm cười. Ngay lúc đó dàn nhạc nổi lên và âm nhạc da diết của Verđi át cả tiếng sóng vỗ.
Xônxeva rút bông sơn trà cài trên ngực ném xuống sàn. Thay vào đó cô cài bông hoa màu tím nhạt bám đầy bụi và khô héo. Đó là bông hoa vùng đất ngoại thành mà Vaxia Tsukhốp đã ném lên tặng cô.
Cô hát tuyệt vời – giọng hát lanh lảnh ai oán trên vùng biển. Những ông già đánh cá ngồi trên bờ sát mạn nước, lắng nghe và kinh ngạc trước sức mạnh của tuổi trẻ con người. Chỉ huy trưởng lắng nghe và thầm nghĩ là không có gì làm cho tài năng nảy nở bằng tình bạn và sự quan tâm bình dị của đồng đội.
Tưởng chừng Viôleta đang hát trên quê hương Vơnidơ. Ánh sao tỏa mờ trên những mỏm đá ven bờ. Ánh đèn xuyên tới tận đáy vịnh – nước trong đến như vậy. Không khí rung rinh vì những luồng khí nóng vô hình. Chân trời trên biển cả tuy đã về đêm, vẫn sáng lên hàng chục hải lý như đang lúc hoàng hôn. Sau buổi diễn các chiến sĩ hải quân vây xung quanh Xônxeva, nhưng họ nhanh chóng kính cẩn giãn ra. Bước lại gần Xônxeva, là một người thủy thủ cao lớn tay áo có những vòng viền vàng rộng – vị tư lệnh hạm đội.
– Tôi muốn thay mặt toàn hạm đội cảm ơn đồng chí. – ông nói – Đồng chí đã đem lại niềm vui cao quý cho chúng tôi. Thế còn cậu em, đã khỏi rồi chứ?
Xônxeva muốn nói rằng: không phải cô, mà chính những chiến sĩ trẻ sạm nắng này – khi thì đùa cợt, khi thì nghiêm trang, nhưng bao giờ cũng bình tĩnh và đầy thiện ý – đã cho cô được huởng một niềm hạnh phúc thực sự. Cô nghĩ rằng, với những khán giả như thế, thì cả Môda lẫn Betôven cũng phải ghen tỵ, nhưng cô không nói gì, chỉ ráng sức siết chặt tay vị tư lệnh. Gió mát thổi vào từ biển, nơi những ngọn hải đăng xa nhấp nháy trong bóng tối, trong tiếng rì rầm của làn sóng bạc đầu.
 
1935
MỘNG QUỲNH dịch
Mời các bạn đón đọc Lẵng Quả Thông của tác giả K. G. Paustovsky.

Download ebook

Lẵng Quả Thông – K. G. Paustovsky


FULL:


AZW3


EPUB


MOBI


PDF

Download App tải ebook,sách nói, khóa học tốt nhất: https://h.nhuttruong.com/app
Website: https://www.trươngđịnh.vn
Page:https://www.facebook.com/truongdinhvn/
Mail:www.truongdinh.vn@gmail.com

Bookmark (0)
Please login to bookmark Close

[toc] Giới thiệu ebook Lẵng Quả Thông – K. G. Paustovsky Tweet! Paustovsky ra đời ngày 31 tháng 5 năm 1892 trong một ngõ hẻm thành Mátxcơva. Dòng họ ông…

Bookmark (0)
Please login to bookmark Close